Di tích lịch sử

Điện Biên

Đồi Bản Kéo

Đồi bản Kéo nằm ở phía Tây bắc của tập đoàn cứ điểm. Thực dân Pháp đặt tên mới cho bản Kéo là trung tâm đề kháng Annơ Mari. Cứ điểm này nằm cạnh bản Kéo - một bản của đồng bào dân tộc Thái nên được gọi là đồi bản Kéo. Tiếng Thái Kéo là cái “Thung” nhỏ ở chân núi. Ở đây có một bãi rộng gần chân núi (Bộ đội hiện nay thường dùng làm bãi tập), đồi bản Kéo không cao lắm nhưng khá dài, hình vành trăng khuyết, chiều lõm quay về dãy núi phía Bắc. Cùng với đồi Độc Lập, bản Kéo có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Mường Thanh, ngăn chặn sự tấn công của quân ta từ hướng Lai Châu vào Điện Biên Phủ Tại đây, quân Pháp bố trí hệ thống công sự phòng ngự khá vững chắc. Ngoài trận địa kiên cố, chúng còn sử dụng hàng rào dây thép gai bao xung quanh cứ điểm. Mở màn đợt tấn công đầu tiên, ngày13/3/1954 ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Ngày 15/3/1954 ta tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Cứ điểm bản Kéo lúc này đã trở nên cô lập, bị quân ta uy hiếp mạnh, những người lính Ngụy bất đắc dĩ ấy ở trong tâm trạng rất căng thẳng và trong 2 ngày xảy ra trận đánh, những người lính Thái đã chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng của 2 trung tâm đề kháng mạnh nhất, do những đơn vị Âu Phi của Pháp được coi là sừng sỏ bảo vệ, họ đã tận mắt nhìn binh lính dù đi cứu viện cũng bị đánh tả tơi trong những chiếc xe tăng dính đầy máu từ Độc Lập chạy về Mường Thanh, và lúc này họ phải liệu tính một lối thoát, họ đã thấy sức mạnh của Việt Minh. Việt Minh có pháo lớn có quân đội dũng mãnh, Việt Minh lại có xe kéo pháo, mới xuất hiện trên cánh đồng là sự kiện lạ chưa từng thấy trong chiến tranh tại Điện Biên Phủ. Trung đoàn 36 thuộc đại đoàn 308 được phân công tiêu diệt bản Kéo, Trung đoàn 36 đã nhận thấy có khả năng giải quyết cứ điểm này mà không cần tới một trận đánh nên đã dùng tuyền đơn binh vận kêu gọi lính Thái đầu hàng. Ngày 16/3/1954, dưới chân đồi bản Kéo đã xuất hiện cảnh tượng như một bức tranh lớn là một đoàn lính Thái rời bỏ vị trí kèm theo dòng chữ: “Quay trở về với Tổ quốc, với đồng bào các anh sẽ được đón tiếp tử tế”. Mặc dù chỉ huy người Pháp ra sức khống chế, nhưng lính người Thái đã lợi dụng lúc chỉ huy Pháp chui xuống hầm ẩn nấp, thì mang vũ khí kéo ra hàng, quân Pháp cho xe tăng đuổi theo toán quân Ngụy Thái, pháo binh của Việt minh đã bắn chặn để yểm trợ cho số hàng binh nói trên chạy tới những vị trí trú ẩn an toàn trong rừng. Trung đoàn 36 không cần nổ súng đã chiếm được bản Kéo kết thúc đợt tấn công thứ nhất, mở toang cánh cửa phía Bắc vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tổng hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Điện Biên 590 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đồi Độc Lập

Đồi Độc Lập là di tích thành phần thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đồi Độc Lập có tên gọi khác là Pú Vằng (Đồi vực). Nằm ngay dưới chân Pú Vằng là cánh đồng Tông Khao, một cánh đồng trũng. Năm xưa giặc Phẻ bắt hết trẻ em trong vùng đem giết. Trẻ còn ẵm ngửa chúng cho vào cối giã, trẻ lẫm chẫm biết đi hoặc lớn hơn thì chúng ném xuống cánh đồng trũng này rồi tháo nước vào cho chết hết. Khi cánh đồng cạn, xương trẻ con trắng xóa khắp đồng, từ đấy cánh đồng này được gọi bằng cái tên Tông Khao (tiếng địa phương có nghĩa là cánh đồng xương trắng). Tại cánh đồng Tông Khao cũng theo người dân địa phương kể lại: nơi đây còn ghi lại dấu tích về chiến công của vị thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất từ miền xuôi lên phất cờ khởi nghĩa. Thủ lĩnh được đồng bào dân tộc Thái mà tiêu biểu là tướng Ngải và tướng Khanh giúp mưu, giúp sức đánh đuổi tướng giặc Phẻ là Phạ Chẩu Tin Tòong ở thành Tam Vạn. Nghĩa quân đã truy đuổi giặc Phẻ lên đến chân đồi và tiêu diệt hết quân giặc, chém chết tướng giặc vào năm 1754. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Quân Pháp đặt tên cứ điểm này là Gabrielle. Còn Độc Lập là tên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đặt cho cứ điểm này do quả đồi đứng riêng biệt giữa một vùng bằng phẳng ở phía Bắc cánh đồng Mường Thanh. Ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và sau đó xây dựng Điện Biên Phủ thành một Tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương. Cứ điểm Gabrielle, nằm trên quả đồi Mường Thanh dài 500m, rộng 200m, là một trong những trung tâm đề kháng kiên cố vào bậc nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc phân khu Bắc, cách trung tâm Mường Thanh khoảng 4km. Trung tâm đề kháng Độc Lập cùng với 2 trung tâm đề kháng Him Lam và Bản Kéo, tạo thành một khu vực phòng ngự vòng ngoài lợi hại về phía Bắc, Đông Bắc của Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Về phía Quân đội Việt Nam, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập được giao cho Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 do Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà chỉ huy và Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 do Trung đoàn trưởng Lê Thùy chỉ huy. Hai đơn vị được tăng cường 4 khẩu pháo 105mm, 4 khẩu cối 120mm, 4 khẩu sơn pháo 75mm và dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ. Trung đoàn 165 đảm nhiệm mũi tiến công chủ yếu, đột phá từ hướng Đông - Nam, đánh dọc theo chiều dài của cứ điểm. Trung đoàn 88 đảm nhiệm mũi tiến công thứ yếu đột phá từ hướng Đông - Bắc, đồng thời tổ chức 1 mũi vu hồi ở hướng Tây và bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chặn viện từ Mường Thanh ra. Trận chiến thắng trên cứ điểm Độc Lập là trận thắng lớn thứ hai sau trận thắng Him Lam, tạo tinh thần rất tốt cho các chiến sĩ Quân đội Việt Nam chiến đấu, giành thắng lợi trong những trận đánh tiếp theo. Chiến thắng trên cứ điểm Độc Lập đã mở thông đường vào phân khu trung tâm Mường Thanh, Quân đội Việt Nam đã tiêu diệt và xóa sổ những đơn vị Lê Dương tinh nhuệ của quân Pháp. Hiện nay, Di tích đồi Độc Lập là một trong 45 điểm di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Công tác trùng tu, tôn tạo dự kiến sẽ được thực hiện trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của du khách trong nước và quốc tế, trở thành điểm tham quan chính thức trong hành trình du lịch, tìm hiểu lịch sử của du khách khi đến với tỉnh Điện Biên. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tổng Hợp Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Điện Biên

Điện Biên 671 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đường kéo pháo

Di tích đường kéo pháo thuộc xã Nà Nhạn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nằm dọc theo quốc lộ 279 bên hữu ngạn sông Nậm Rốm theo hướng từ Tuần Giáo đi Điện Biên. Nơi đây đã ghi dấu sự thay đổi phương châm tác chiến của Bộ chỉ huy mặt trận từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Và đây cũng là địa danh lịch sử in dấu sự hy sinh, khó khăn gian khổ cũng như đoàn kết hiệp đồng trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, tinh thần quyết chiến quyết thắng vượt mọi thử thách, gian khổ để giành chiến thắng. Ngày 14/1/1954 tại Sở chỉ huy chiến dịch ở hang Thẩm Púa Km 15 đường Tuần Giáo - Điện Biên, Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã họp bàn kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị trong cuộc họp là tập trung lực lượng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ theo nguyên tắc “đánh chắc thắng chắc”. Bộ chỉ huy kéo pháo được thành lập do đồng chí Lê Trọng Tấn làm chỉ huy và cho kéo thử mỗi loại một khẩu để rút kinh nghiệm và quyết định dùng xe vận tải kéo pháo vào cây số 9 ở gần bản Nà Nhạn dừng lại cắt pháo ra khỏi xe dùng sức người kéo mấy chục khẩu pháo 3 tấn vào những trận địa trên quãng đường dài 15km. Đường kéo pháo rộng 3m, chạy từ cửa rừng Nà Nhạn qua đỉnh Pu Pha Sông cao 1150m tương đương với độ nghiêng 40 - 60 độ xuống Bản Tâu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu tới bản Nghìu. Để đảm bảo bí mật, con đường kéo pháo phải được nguỵ trang toàn bộ, không cho máy bay trinh sát phát hiện. Thời gian làm đường dự kiến trong một ngày một đêm, các chiến sỹ Đại đoàn 308, một đại đội sơn pháo, một tiểu đoàn công binh hơn 5000 người đã hoàn thành xuất sắc con đường kéo pháo trong thời gian 20 tiếng. Việc tiếp theo là đưa lựu pháo và cao xạ pháo vào vị trí trận địa để bắn. Nhiệm vụ được trao cho Đại đoàn 351 và Đại đoàn 312, dự kiến hoàn thành trong 3 đêm . Nhưng sau 7 ngày đêm gian khổ, pháo của ta vẫn chưa vào hết trận địa so với kế hoạch ban đầu vì vậy thời gian nổ súng dự định ngày 20/1/1954 phải lui lại 5 ngày tức ngày 25/1/1954. Lúc này Sở chỉ huy của ta đã chuyển từ hang Thẩm Púa đến hang Huổi He, bản Nà Tấu. Tại đây sau khi cân nhắc tình hình địch có nhiều thay đổi, để đảm bảo "đánh chắc thắng chắc" Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhanh chóng thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, ra lệnh kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Kéo pháo vào trận địa gian nan vất vả, kéo pháo ra còn gian nan gấp bội phần. Con đường kéo pháo của ta giờ đây đã bị lộ, đường trơn, máy bay địch ngày đêm lùng sục ném bom. Tại những đoạn đường trống, việc chuyển pháo phải tiến hành ban đêm. Đêm xuống, trên những con đường kéo pháo, các chiến sĩ lưng ướt đẫm mồ hôi, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những đôi tay cuồn cuộn bám chắc dây tời, chân như đóng xuống đất nghiến răng ghìm pháo. Cũng trong hoàn cảnh này bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời, ngay lập tức bài hát được phổ biến rộng rãi trong các đơn vị văn công mặt trận, ra tuyến đường kéo pháo hát phục vụ các chiến sĩ. Cho tới nay hài hát “Hò kéo pháo” đã trở thành bản hùng ca bất diệt về một trong những thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc ta. Sau 11 ngày đêm gian khổ, toàn bộ pháo của ta đã được tập kết ra khu vực an toàn. Năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta đã cấp kinh phí xây dựng, trùng tu, tôn tạo con đường kéo pháo bằng tay. Nguồn: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Điện Biên 1155 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Trung tâm đề kháng Him Lam

Him Lam là một trong những vị trí vòng ngoài của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nằm trên đường 41 (nay là đường 279) cạnh một bản nhỏ, cửa ngõ phía Đông Bắc, án ngữ con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên, một trong những trung tâm đề kháng mạnh nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp đã chọn cách xây dựng hệ thống phòng thủ tại đây nằm trên 3 quả đồi trên điểm cao gần 500m với 3 cứ điểm hình thế chân kiềng, yểm hộ nhau, có trận địa phòng ngự vững chắc, có nhiều hoả lực lợi hại và có cả một hệ thống công sự phụ bằng hàng rào dây thép gai dày đặc, ngoài ra còn được trang bị súng có tia hồng ngoại phát hiện mục tiêu ban đêm, xe tăng, pháo binh, không quân. Him Lam được Bộ chỉ huy mặt trận của ta xác định là trận mở màn, để đảm bảo nguyên tắc "trận đầu phải thắng”, quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng; kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu. Nhiệm vụ tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam được giao cho Đại đoàn 312. Trước khi ta nổ súng, mọi sự nghi ngờ về khả năng phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều bị dập tắt. Thực dân Pháp hoàn toàn biết trước về thời gian và kế hoạch tấn công trung tâm đề kháng Him Lam của Quân đội Nhân dân Việt Nam và đã có sự chuẩn bị tối ưu nhất. Pháo binh của Pháp cũng đã sẵn sàng chờ thời cơ để dập tắt mọi động tĩnh có thể gây hấn đối với Tập đoàn cứ điểm. Nhưng yếu tố bất ngờ là điều chúng không thể dự đoán trước. Sự có mặt của trọng pháo ta trên các triền đồi xung quanh lòng chảo và việc xây dựng các trận địa ngụy trang hoàn hảo đã đưa tới một sự ngạc nhiên không tưởng cho người Pháp, để rồi họ phải trả giá bằng sự sụp đổ gần như hoàn toàn của cụm cứ điểm Him Lam ngay trong những giờ phút đầu tiên của chiến dịch. Cũng trong trận đánh này, chúng ta đã chứng kiến sự hi sinh anh dũng của anh Phan Đình Giót, người đã lấy thân mình bịt các hỏa điểm của địch, tạo thời cơ cho đồng đội tiến lên chiếm các vị trí còn lại. Cùng với Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện và Trần Can, 4 vị anh hùng này nổi bật cho tinh thần "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" trở thành tấm gương và những cái tên bất tử trong sử sách, gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ sau này. Sự thất thủ nhanh chóng của Trung tâm đề kháng Him Lam đã gây sự hoảng loạn tinh thần sâu sắc tới không chỉ binh lính mà ngay cả những nhân vật cấp cao của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay sau Him Lam, Độc Lập và Bản kéo cũng nhanh chóng bị tiêu diệt và bức hàng; ta đã mở thông cửa phía Bắc và Đông Bắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiếp tục tiến hành những bước tiếp theo nhằm một mục tiêu quan trọng khác là trung tâm Mường Thanh, từng bước tiêu diệt tập đoàn cứ điểm vô cùng mạnh này. Trung tâm đề kháng Him Lam là 1 di tích thành phần của khu Di tích chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Điện Biên 1085 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Hang Thẩm Púa

Hang Thẩm Púa nằm dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy thuộc địa phận Bản Pó, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng Điện Biên kết hợp với phòng văn hoá thông tin thể thao huyện Tuần Giáo kiểm tra, khảo sát hang Thẩm Púa và đã thu được hơn 100 di vật gồm công cụ lao động bằng đá cuội; công cụ chặt thô hình hạnh nhân được ghè đẽo thô một đầu; công cụ lao động bằng những vỏ ốc suối lẫn vết tích than tro.. Những di vật khảo cổ phát hiện được ở hang Thẩm Púa có nhiều điểm rất gần gũi với những di vật khai quật được ở hang Thẩm Khương cùng dãy núi đá với hang Thẩm Púa. Tất cả những hiện vật đó đều mang một ý nghĩa lịch sử rất to lớn chứng tỏ rằng đây là nơi cư trú của người Việt cổ từ thủa xa xưa và vùng đất này luôn gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển cũng như lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy hang Thẩm Púa thực sự là di tích lịch sử văn hoá có giá trị vô cùng to lớn của Điện Biên. Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, hang Thẩm Púa được chọn làm địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Trần Đình (bí danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh (từ 17/12/1953 đến 17/1/1954). Tại đây, từ những ngày đầu tháng 1/1954 mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên sa bàn lớn bằng cát. Địa điểm hang Thẩm Púa được chọn làm Sở chỉ huy có địa thế an toàn, bên cạnh hang là một bãi đất bằng phẳng, rộng hơn 10ha thuận lợi cho việc chỉ đạo chiến dịch ở miền núi. Gần tới ngày nổ súng tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy từ hang Thẩm Púa được chuyển về hang Huổi He ở km 62 gần bản Nà Tấu. Hang Thẩm Púa, địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên ở Chiềng Sinh, Tuần Giáo và hang Huổi He ở Nà Tấu, huyện Điện Biên, nơi đã từng được chứng kiến thời khắc quan trọng về quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” thành phương châm “đánh chắc tiến chắc” của Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ mà người đứng đầu là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trở thành một trong những di tích nổi bật của cụm Di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Nguồn: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Điện Biên 1244 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cầu Mường Thanh

Cầu Mường Thanh còn được quân đội Pháp gọi là cầu “Prenley”, là cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, do người Pháp xây dựng. Cầu là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào ngày 20/11/1953, Thực dân Pháp đã chọn Điện Biên Phủ để xây dựng Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ với 49 cứ điểm chia thành 3 phân khu: Phân khu Bắc, Phân khu Nam hay còn gọi là phân khu Hồng Cúm và Phân khu Trung tâm là phân khu quan trọng nhất. Do địa hình Điện Biên Phủ là một lòng chảo rộng, xung quanh là núi cao bao bọc, ở trận địa trung tâm lại có dòng sông Nậm Rốm chảy qua chia cắt phân khu trung tâm thành hai bên tả ngạn và hữu ngạn, nên sự liên lạc từ sở chỉ huy trung tâm với các cụm cứ điểm trên dãy đồi phía Đông và Đông Bắc gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn đó, quân Pháp đã cho xây dựng cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm. Cầu sắt Mường Thanh là chiếc cầu giã chiến được làm sẵn và chuyển từ Pháp sang lắp ghép tại Điện Biên. Toàn bộ cây cầu dài 40 m, rộng 5 m. Hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản, không có trục giữa, sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn đảm bảo tải trọng từ 8-15 tấn. Để bảo vệ cây cầu huyết mạch này, quân Pháp bố trí các cứ điểm 509, 508 và 507 bên đầu cầu phía Đông, còn đầu cầu phía Tây chúng bố trí một ổ đại liên 4 nòng án ngữ đề phòng đối phương tấn công vượt qua cầu tấn công sở chỉ huy trung tâm. Với cách bố trí lực lượng như vậy, Tướng Đờ Cát hy vọng giữ vững cây cầu, giữ vững cửa ngõ tiếp viện cho các cụm cao điểm phía Đông và Đông Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Khi chiến sự chưa xảy ra, cầu Mường Thanh là đường vận chuyển nguyên vật liệu, đạn dược, dây thép gai phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở phía Đông và phân khu phía Bắc. Trong đợt tổng công kích tấn công tiêu diệt toàn bộ các cao điểm phía Đông vào 4 giờ sáng ngày 7/5/1954 quân ta đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm A1, đến 14 giờ trung đoàn 209 đại đoàn 312 mở cuộc tấn công cứ điểm 597 ở đầu cầu Mường Thanh. Địch ở cứ điểm 507 kéo cờ trắng ra hàng, thừa thắng xông lên, Đại đoàn 312 tấn công tiêu diệt tiếp 2 cứ điểm 508 và 509 ở tả ngạn sông Nậm Rốm ở hai cứ điểm này địch chống cự yếu ớt và nhanh chóng bị tiêu diệt. Từ hướng Đông Trung đoàn 209 tiến thẳng vào khu trung tâm Mường Thanh cùng trung đoàn 98 và trung đoàn 174 áp sát vào khu trung tâm. Ở phía Tây trung đoàn 36 tiến vào các cứ điểm cuối cùng che chắn cho sở chỉ huy của địch. Trung đoàn 88 mở đường qua sân bay tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng của gono. Quân ta đánh tới đâu cờ trắng của địch xuất hiện tới đó, nhiều toán địch từ các cứ điểm, các chiến hào lũ lượt kéo ra nộp vũ khí đầu hàng. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 lá cờ Quyết chiến- Quyết thắng của quân ta đã phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng lớn nhất trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, cũng là chiến thắng lừng lẫy nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ban đầu, cầu Mường Thanh do người Pháp xây dựng sau cuộc nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Cuối cùng cây cầu lại trở thành phương tiện đưa đường cho bộ đội ta tiến công, cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng lên nóc hầm của viên bại tướng Đờ Cát. Nguồn: Tổng hợp sở văn hoá thể thao du lịch tỉnh Điện Biên

Điện Biên 1232 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đèo Pha Đin

Cách thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên gần 100 km, Đèo Pha Đin là ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng Thái “Phạ Đin” trong đó “Phạ” nghĩa là “Trời”, “Đin” là “Đất”, hàm nghĩa đây là nơi tiếp giáp giữa trời và đất. Đèo có độ dài 32km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Điểm đầu của đèo cách thị xã Sơn La về phía Tây 66km, còn điểm cuối của đèo cách thành phố Điện Biên khoảng 84km. Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ. Đèo Lũng Lô anh hò chị hát. Dù bom đạn xương tan thịt nát. Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh. Câu thơ lạc quan đã phác họa khí phách một thời hoa lửa của 65 năm về trước. Đèo Pha Đin có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, địa thế rất hiểm trở với một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đèo Pha Đin là một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực ra ngoài mặt trận và nó đã trở thành biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8000 thanh niên xung phong “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nhằm chặn đứng tuyến tiếp viện của Việt Minh vào Điện Biên Phủ, suốt 48 ngày đêm ròng rã Tướng Đờ Castries đã cho máy bay oanh tặc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin là một trong những điểm hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Trên đỉnh đèo hiện vẫn còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử này. Trên tấm bia có ghi "Đây là nơi hứng chịu nhiều nhất những trận oanh tạc bằng máy bay của Thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ". Đến năm 2005, chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 6 lên Tây Bắc. Đèo Pha đin mới được xây dựng bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ, chiều dài 26km. Tuyến đèo mới được đưa vào sử dụng đã giúp xe cộ lưu thông an toàn hơn, tuyến đèo cũ giờ đây dành cho người dân bản địa hoặc những du khách ưa mạo hiểm tìm đến chinh phục và khám phá. Nguồn: Ban Quản Lý Di Tích Tỉnh Điện Biên

Điện Biên 1334 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 40 km. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường làm việc và nghỉ ngơi trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Khu chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng trên đất Mường Phăng trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954. Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ được đảm bảo an toàn tuyệt đối... Từ Sở chỉ huy này, đi lên cao hơn, đứng trên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1... Hầm Tổng đài điện thoại giúp cho Bộ Chỉ huy chiến dịch liên lạc với các đơn vị bộ binh, công binh, pháo binh, cao xạ ở phía trước và các đơn vị kho, trạm của Tổng cục cung cấp, hệ thống quân y, dân công hỏa tuyến ở phía sau mặt trận. Đây là mạng thông tin liên lạc trực tiếp giữa Bộ Chỉ huy chiến dịch với Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bác Hồ.. Từ căn hầm xuyên núi, thông từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, cho tới các điểm khác như nơi làm việc của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, lán làm việc của Trưởng ban thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy… tất cả như vẫn còn như nguyên vẹn dấu ấn của lịch sử... Cạnh nơi làm việc và nghỉ ngơi của Đại tướng là hầm trú ẩn được đào xuyên qua lòng núi. Những lúc quân Pháp ném bom dữ dội, Đại tướng làm việc và nghỉ ngơi trong hầm trú ẩn này. Từ lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông sang lán Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và lán cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh là một đường hầm dài 69m. Đường hầm cao 1,70m, rộng từ 1 đến 3m, giữa đường hầm có một phòng họp diện tích 18m2 và 5 vị trí đặt máy thông tin liên lạc Nằm cách Sở chỉ huy chiến dịch 300m về phía Đông Bắc là nơi quân và dân ta long trọng tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng vào ngày 13/5/1954. Trong Dự án tôn tạo Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ đã thực hiện ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quy hoạch thành khuôn viên trên nền bãi duyệt binh cũ và đặt một cụm tượng đài nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Cùng với di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm Tượng đài chiến thắng tại Công viên Mường Phăng cũng là một điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến với khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Người dân địa phương quen gọi nơi này với cái tên thân thiết “Tượng đài mừng công”. Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên

Điện Biên 1076 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Hầm Đờ Castries (tên gọi của nhân dân địa phương) tên đầy đủ là Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hay còn gọi là Sở chỉ huy GoNo thuộc địa phận phường Thanh Trường - thành phố Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy GoNo nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm, sâu dưới lòng đất 2m và ở vị trí thấp hơn so với hướng tấn công của quân ta. Đây là cơ quan đầu não của Tập đoàn quân sự khổng lồ mà Pháp, Mỹ rất tự hào coi là pháo đài mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương. Sở chỉ huy GoNo được ưu tiên những vật liệu xây dựng vững chắc và kiên cố có khả năng chống chọi lại các hỏa lực của đối phương, ngoài ra còn được bảo vệ bằng tất cả các vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ. Cấu trúc và cách bố trí sắp xếp của căn hầm vẫn được giữ nguyên vẹn với chiều dài 20m, rộng 8m được chia thành 4 ngăn vừa dùng cho cả nơi làm việc và ăn nghỉ. Xung quanh căn hầm là hàng rào kẽm gai có gài xen kẽ các loại mìn và 4 chiếc xe tăng phòng thủ ở 4 hướng. Tại căn hầm này Đờ Castries đã long trọng đón tiếp nhiều quan chức cao cấp của Anh, Pháp, Mỹ và hàng chục nhà văn, nhà báo của làng báo phương Tây. Cũng chính tại nơi đây, Đờ Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của y đã bầy mưu tính kế hòng tiêu diệt quân chủ lực của ta, nhưng cũng chính y đã bao lần phải điên đầu nát óc đối phó với các cuộc tấn công của quân đội nhân dân Việt Nam. 15 giờ ngày 7-5-1954 Bộ chỉ huy chiến dịch của ta ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau khi tiêu diệt các cứ điểm cốt yếu xung quanh phân khu trung tâm, quân ta vượt cầu Mường Thanh và tiến thẳng vào Sở chỉ huy Gono. 17h30’ đồng chí Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, đại đoàn 312 cùng 2 chiến sỹ xung kích đã bắt sống Tướng Đờ Castries và toàn bộ Bộ chỉ huy của quân Pháp, lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" đã phất cao trên nóc hầm tung bay giữa chiều hè tháng 5 lịch sử báo hiệu ngày toàn thắng của quân và dân ta. Ngày nay, di tích Hầm Đờ Castries cùng với các di tích khác trong quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ đã được Đảng và Nhà nước đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước góp phần phát huy giá trị của khu di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đồng thời cũng để tuyên truyền, giáo dục truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Điện Biên 1152 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đồi A1

Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1 là nơi đã diễn ra trận chiến lịch sử kéo dài 39 ngày đêm giữa quân ta và địch, để góp phần mang lại chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi, còn quân Pháp thì gọi là Eliane 2. Do có vị trí đặc biệt quan trọng nên quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ. Với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh và các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều lính tấn công. Đồng thời Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng. Do vậy trong đợt tiến công lần 1, Trung đoàn 174 Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát động 4 đợt tiến công liên tục mà cũng chỉ chiếm được một nửa đồi. Phải tới rạng sáng ngày 7/5/1954, nhờ khối bộc phá 1 tấn được đào bí mật để phá sập hệ thống hầm ngầm, Quân đội Nhân dân Việt Nam mới hoàn tất được việc chiếm đồi A1. Đây là trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, với số bộ đội thương vong cũng là cao nhất. Hiện nay, trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm các chiến sĩ, liệt sĩ đã hy sinh được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đạo. Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, sao vàng nền tròn đỏ, xung quanh là vòng tương hoa. Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là cái hố hình phễu to bằng cái “ao đình” cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc. Nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 không xa về phía nam là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đồi A1 được xây dựng năm 1958. Nơi đây là nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng bảo vệ tổ quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1994, nghĩa trang được tu bổ, quy hoạch và xây dựng thành một công trình lịch sử văn hóa, một nghĩa trang công viên với nhiều hạng mục. Bên trong khuôn viên là nhà quản trang được thiết kế theo kiểu ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái Điện Biên, lễ đài bên ngoài được thiết kế theo lối Khuê Văn Các hai bên là hai kiểu tường thành cổ với hai hào nước phía trước rộng 6m, bên ngoài tường thành là bức phù điêu đắp nổi tái hiện lại sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta và chín năm kháng chiến trường kỳ giành lại độc lập dân tộc. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên

Điện Biên 1094 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đồi D1 và Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

Đồi D thuộc cụm Dominique, Thực dân Pháp đã xây dựng và biến cứ điểm này thành vị trí tiền tiêu của dãy đồi phía Đông. Do vị trí của đồi D là che chắn, bảo vệ Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và Sân bay Mường Thanh nên Thực dân Pháp lợi dụng địa thế tự nhiên có lợi cho chúng về mặt quân sự để xây dựng thành vị trí phòng thủ vô cùng vững chắc, lợi hại. Tại đây, quân Pháp bố trí Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Angiêri rất thiện chiến chiếm giữ. Về phía Quân đội nhân dân Việt Nam việc đánh chiếm dãy cao điểm phía Đông trong đó có cao điểm D1 là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị đảm nhiệm tiêu diệt cứ điểm D1 là Tiểu đoàn 166, 154 thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đúng 17 giờ ngày 30/3/1954 các cỡ pháo của quân đội Việt Nam đồng loạt dội xuống đồi D1 và các cao điểm phía Đông khu Trung tâm Mường Thanh. Trong vòng 30 phút trung đoàn 209 đã chiếm được đồi D1, sáng hôm sau quân Pháp phản kích kết hợp với không quân hòng đánh chiếm lại cứ điểm, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt sau 2 ngày quân đội Việt Nam làm chủ hoàn toàn cứ điểm đồi D1. Sau khi chiếm được cụm đồi D, các chiến sĩ Việt Nam đã biến nơi đây thành trận địa đặt hỏa lực của trung đoàn 209, tiếp tục chi viện cho các đơn vị khác đánh chiếm các cứ điểm còn lại của quân Pháp. Có thể nói trận chiến đấu diễn ra trên dãy đồi phía đông trong đó có D1 là một trong những trận đánh quan trọng góp phần vào thắng lợi trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên mảnh đất Điện Biên lịch sử hôm nay đã có một số công trình Tượng đài, bức phù điêu được xây dựng nhằm tái hiện một cách đầy đủ, chân thực và sống động về trận đánh vĩ đại của quân và dân ta cách đây hơn 6 thập kỷ, trong đó Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là Tượng đài bằng đồng lớn nhất và duy nhất nằm trong dự án các công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Di tích đồi D1 vinh dự được chọn làm địa điểm đặt Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi di tích nằm ở vị trí trung tâm của thành phố, có địa thế đẹp, từ di tích có thể quan sát toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ. Đây là cụm tượng bằng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Tượng được xây dựng với chiều cao 12,6m, dựng trên bệ cao 3,6m và được đúc bằng 217 tấn đồng. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ sừng sững giữa đất trời Điện Biên lịch sử và cùng với các di tích khác như: Đồi A1, cầu Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Phăng.... đã trở thành địa danh trường tồn cùng đất nước, là minh chứng về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước; tạo nên bản sắc của dân tộc, lưu truyền di sản cho các thế hệ sau; tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thế hệ người Việt Nam, giữa các dân tộc trên địa bàn; Là một trong những biểu tượng tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, sự thân thiện, mến khách, luôn mở cửa chào đón bạn bè, du khách quốc tế, tinh thần hợp tác cùng phát triển hướng tới tương lai. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Điện Biên 1200 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật