Di tích lịch sử

Hà Tĩnh

Khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng

Khu Tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng thuộc địa phận thôn Tân Long, xã Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Đây là công trình của tuổi trẻ cả nước và nhân dân tỉnh nhà nhằm tri ân sự hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng – người đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản đầu tiên. Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh năm 1914 tại Bản Mạy, thuộc tỉnh Nakhon Phanom - Thái Lan, nguyên quán huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Anh sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là những Việt kiều yêu nước. Sinh ra trong cảnh “nước mất nhà tan”, gia đình phải phiêu bạt sang Thái Lan sinh sống, luôn mang trong mình nỗi niềm thương nhớ quê nhà nơi đang bị kẻ thù xâm lược. Từ khi còn nhỏ, Lê Hữu Trọng là người chăm chỉ, ham học hỏi và sớm giác ngộ cách mạng, Anh là một trong 8 thiếu nhi được Hồ Tùng Mậu lựa chọn đưa sang Quảng Châu - Trung Quốc học tập và hoạt động trong hội thanh niên yêu nước, tại đây Lê Hữu Trọng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Lý Tự Trọng. Sau khi về nước hoạt động. Năm 1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại Quảng Trường Lareni. Anh bị địch bắt sau đó và bị kết án tử hình khi mới 17 tuổi. Dù ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh hùng Lý Tự Trọng đã để lại cho các thế hệ thanh niên Việt Nam một di sản quý giá, đó chính là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và nhiệt huyết tuổi trẻ. Lý Tự Trọng đã đi vào lịch sử với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù, “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”, đã trở thành kim chỉ nam, là tấm gương sáng chói cho lớp lớp thanh niên Việt Nam học tập và noi theo. Ngày 30/4/2011, 80 năm sau ngày mất, hài cốt của Anh được tìm thấy và đưa về an táng tại quê nhà. Thể theo nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Hà Tĩnh và đoàn viên thanh niên cả nước, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng tại xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là công trình tri ân đối với người thanh niên cộng sản trẻ tuổi; có ý nghĩa lịch sử, văn hóa tâm linh; giáo dục truyền thống cho thanh thiếu nhi cả nước. Ngày 20/10/2011, nhân kỷ niệm 97 năm ngày sinh của anh hùng Lý Tự Trọng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm. Đến ngày 20/10/2014 công trình được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anh. Nguồn: Trung Tâm Lưu Trữ Lịch Sử Tỉnh Hà Tĩnh

Hà Tĩnh 682 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu tưởng niệm Ngã Ba Đồng Lộc

Ngày 09/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là một quần thể di tích với nhiều công trình ý nghĩa, tiêu biểu là 12 hạng mục sau: 1. Khu di tích ngã ba Đồng Lộc có 3 cổng vào được bố trí trên 3 tuyến đường hướng về khu vực di tích, bố cục theo kiến trúc truyền thống tam quan bao gồm: Cửa chính và 2 cửa phụ. 2. Tượng đài Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân... 3. Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc. Ghi danh gần 4.000 các Anh hùng liệt sĩ. Tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ được lưu danh muôn đời, để lớp lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính, tự hào. 4. Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc là 10 ngôi mộ trắng ghi danh 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552. 5. Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngành Giao thông vận tải hy sinh tại Hà Tĩnh. Ghi danh và tưởng niệm 842 Anh hùng, liệt sĩ ngành Giao thông vận tải hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Tĩnh; 6. Cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải. Được đặt ngay chính giữa ngã ba đường, nơi giao nhau giữa ba tuyến đường: Lạc Thiện - Đồng Lộc, Khe Giao - Đồng Lộc, Ba Giang - Đồng Lộc. Nhằm tôn vinh những chiến công oanh liệt của những người chiến sĩ trên mặt trận Giao thông vận tải; 7. Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc có kiến trúc uy nghi, lung linh ánh sáng, tọa lạc trên đồi Mũi Mác, được xếp là một trong những Tháp chuông đẹp nhất của Việt Nam hiện nay. 8. Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc tọa lạc trên núi Mũi Mác (bên cạnh Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc). Là nơi thờ các Chư vị thần linh, Chân linh các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, 10 cô gái, cán bộ và nhân dân tử nạn tại chiến trường Đồng Lộc. 9. Cụm tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc tái hiện lại một khoảnh khắc tả thực của 10 cô gái thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, dẫn đường thông xe ra tiền tuyến, các chị được bố cục trong các tư thế khác nhau. 10. Đồi La Thị Tám (núi Mòi) là nơi chứng kiến sự khốc liệt của chiến trường Đồng Lộc, chứng kiến những dấu chân, gắn liền với tên tuổi của người con gái Sông La, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân La Thị Tám. 11. Nhà truyền thống Lực lượng Thanh Niên Xung Phong Việt Nam nơi mà lịch sử Thanh Niên Xung Phong hiện lên tráng liệt nhất, rõ nét nhất. 12. Nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc Tại đây có sa bàn được lập trình bằng hệ thống điện tử, tái hiện lại toàn cảnh chiến trường khốc liệt, điêu tàn của Ngã ba Đồng Lộc trong những năm tháng chiến tranh, cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, can trường của quân và dân ta tại “tọa độ chết” này. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh

Hà Tĩnh 1060 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đền Thái Yên

Đền Thái Yên được công nhận là Di tích Quốc gia ngày 20/7/1994. Đền Thái Yên thuộc xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thờ Thành hoàng là thần Tam Lang linh ứng (Thần rắn) và Chính đồng Ngọc Nữ (Mẫu) Đền được xây dựng từ thế kỷ XVIII (khoảng trước năm 1741). Đền tọa lạc trên mảnh đất diện tích chừng 5.000m2 ở đầu làng, có cấu trúc theo lối tam tòa: thượng điện, trung điện, hạ điện. Trước đền là hồ bán nguyệt nước trong xanh - được coi là chỗ mắt rồng, nằm trong thế đất long mạch của làng. Đi qua khoảng sân rộng của cổng tam quan, cổng chính giữa xây nhà nghi môn với cấu trúc 2 vì, 6 cột, mái được đắp 4 con rồng uốn lượn, đầu ngẩng cao lên đỉnh nóc. Trên nóc nhà nghi môn đắp nổi một mặt rồng ranh vuốt bờm râu và sừng dữ tợn. Hạ điện làm bằng gỗ lim với 4 vì kèo 14 cột, nền lát gạch nung đỏ, phía trước có các bức đại tự bằng chữ Hán chạm nổi ghép mảnh sứ trên gỗ được ráp liền với xà nhà: “Vạn Cổ Anh Linh” (gian giữa), “Chiêm Như Tại” (gian bên phải), “Lại Nguyên Ân” (gian bên trái). Chính gian giữa đặt hương án lớn bằng gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ công phu, trước hương án là giá dựng long đao và biển đề hai chữ Hán “Chính Khí”, hai con hạc lớn đứng trên thân rùa ở hai bên; hai gian hai bên treo hai quả chuông bằng đồng, trên chuông đúc nổi 3 chữ “Thái Yên từ” (Đền Thái Yên - gian bên trái) và 4 chữ “Vĩnh Phúc tự chung” (Chuông chùa Vĩnh Phúc - gian bên phải). Trung điện liền kề và song song với hạ điện, gồm ba gian hai hồi; trong đặt nhiều đồ tế khí như hương án, lư hương, chân nến, bình hoa bằng gỗ, đặc biệt có ba chiếc kiệu sơn son thếp vàng đồ sộ, chạm khắc công phu cùng dàn biểu tượng, đại đao, biển tên cùng các linh chủ, long ngai, bài vị thần được dân làng tiến cúng. Thượng điện, ngoài hành lang có hai pho tượng tròn bằng gỗ mít quỳ gối tay khoanh tròn trước ngực đỡ bình hương, mang phong cách dân gian (bụng phệ, mặc quần ta dài, tóc cắt ngắn, tai to, mặt rộng, lưỡng quyền cao, mũi to, mắt xếch). Cửa chính giữa bốn cánh vẽ màu hình long, ly, quy, phượng; hai cửa nách một cánh vẽ con hạc đứng trên lưng rùa bơi giữa đầm sen. Phía trong chính điện phía trên đặt long ngai và bài vị của các vị Thành hoàng, thần của làng; phía dưới là bệ thờ đặt hai hàng bài vị chạm trổ, sơn son thếp vàng do nhiều thế hệ dân làng tiến cúng… Hằng năm, vào mùa xuân, đền Thái Yên mở hội lớn, người dân trong xã tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao đến tận rằm tháng giêng như kéo co, đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, thi văn nghệ… Hai năm một lần, Thái Yên lại tổ chức rước kiệu vào ngày mồng 7 tháng giêng Âm lịch. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh 999 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích đền thờ Nguyễn Biểu

Đền thờ Nguyễn Biểu trước kia thuộc làng Bình Hồ, huyện La Sơn, nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Biểu là một viên quan, một vị tướng nhà Hậu Trần, một nhà ngoại giao kiệt xuất quả cảm. Sử sách chép, quê ông ở làng Nội Diễn, xã Bà Hồ (đời Lê đổi thành Bình Hồ), huyện Chi La (sau đổi thành La Sơn), trấn Nghệ An, nay thuộc xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) vào cuối thời nhà Trần, làm quan đến chức Điện tiền Đô Ngự sử. Nguyễn Biểu nổi tiếng là người chính trực, dám nói thẳng, can gián những việc sai trái. Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, tình thế đất nước lúc ấy rất nguy cấp, Nguyễn Biểu đi sứ dâng biểu cầu phong theo lệnh Vua. Quan tổng binh Nhà Minh là Trương Phụ đã nham hiểm dọn cỗ đầu người hòng khuất phục Nguyễn Biểu, nhưng ông vẫn điềm nhiên khoét mắt ăn và cảm khái” Nam nhân thực, Bắc nhân đầu hào hảo”( Người nam ăn đầu người Bắc rất ngon) và mắng nhà Minh là kẻ xâm lược. Tức giận, Trương Phụ đã trói Nguyễn Biểu dưới cầu Lam để thuỷ triều dìm chết ông vào 1 tháng 7 năm Quý Tỵ. Sau ngày chiến thắng quân Minh, vua Lê Thái Tổ đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên, phong là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy Linh Trợ Thuận Đại vương, tức Nghĩa Sĩ Đại Vương; các đời vua Lê - Nguyễn về sau đều có sắc phong ban tặng cho ông. Vào thời Hồng Đức (1470 - 1497), vua Lê Thánh Tông sai lập miếu Nghĩa Sĩ ở Bình Hồ, ban ruộng tế và cho lấy trong dân sở tại một lễ lang và hai thừa tự trông nom việc thờ cúng, lại giao cho trấn quan mỗi năm một lần về tế. Đến cuối thế kỉ XVIII, đền thờ Nguyễn Biểu bị hỏa hoạn hư hại. Khi nhà Nguyễn lên ngôi, vua Gia Long (1802 - 1820) lại có sắc phong cho đền, nhân dân địa phương dựng lại đền để thờ phụng. Năm Kỉ Tỵ đời Tự Đức thứ 22 (1869), đền Nghĩa Vương được trùng tu tôn tạo với quy mô và kiến trúc như hiện nay, gồm ba tòa hạ, trung và thượng điện. Trong ba tòa điện bày các cỗ kiệu, hương án và nhiều đồ tế khí. Ở đây còn có các biển gỗ khắc thơ “Ngự chế”, thơ của Hoàng giáp Hoàng Trừng là chắt ngoại Nguyễn Biểu, nhiều đối liễn của các quan chức và các nhà khoa bảng. Phía ngoài, cổng đền xây hai cột nanh cao lớn. Bên trong có hai tấm bia đá; ghi thân thế, sự nghiệp và bài minh ca tụng Nguyễn Biểu. Năm 2011 - 2012, đền thờ Nguyễn Biểu đã được trùng tu với tổng vốn đầu tư hơn 7,6 tỉ đồng, các hạng mục như hồ bán nguyệt, nghi môn, tắc môn, nhà che bia, hạ điện, trung điện, thượng điện, khu mộ… đã được tôn tạo lại khang trang. Cách ngôi đền Nghĩa vương Nguyễn Biểu khoảng 100 mét là ngôi mộ của ông được xây dựng khang trang. Từ bao đời nay, đền Nghĩa Vương Nguyễn Biểu ở Bình Hồ - Yên Hồ là một biểu tượng linh thiêng đối với nhân dân Đức Thọ. Đền thờ Nguyễn Biểu được xếp hạng là Di tích Lịch Sử -Văn Hoá cấp Quốc gia ngày 03/8/1991. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh 942 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Đinh Lễ

Đền Đinh Lễ còn có tên là đền Linh Cảm Đại Vương, trước thuộc xã Việt Yên Hạ, tổng Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, thờ khai quốc công thần nhà Hậu Lê, Linh Cảm Đại Vương Đinh Lễ. Đinh Lễ người Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu ruột. Từ 1418 đến 1427, Đinh Lễ tham gia nhiều trận đánh quan trọng của Nghĩa quân Lam Sơn, lập nhiều chiến công, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng chống giặc Minh xâm lược. Thắng trận, Đinh Lễ được Lê Lợi phong chức Tư không. Tháng 4.1425, quân Minh theo sông Ngàn Phố đánh lên căn cứ Đỗ Gia của nghĩa quân Lam Sơn nhưng bị phản kích phải tháo chạy qua núi Tùng Lĩnh để vào sông La về thành Nghệ An; quân của Đinh Lễ chặn đánh tại đây, tiêu diệt hơn 1.000 tên. Tháng 3.1427, Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí được lệnh mang 500 quân Thiết đột tiếp viện cho tướng Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt, đánh đuổi quân Minh đến Mi Động. Hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt sống. Đinh Lễ không chịu khuất phục nên bị giết chết. Năm 1428, sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ truy tặng Đinh Lễ chức Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ, ban tước Đình Thượng hầu, phong hiệu Linh Cảm Đại Vương. Năm 1484, Lê Thánh Tông gia phong ông làm Thái sư Bân Quốc công, về sau tấn phong Hiển Khánh Vương. Nhớ ơn công lao ông ở vùng đất này, nhân dân lập đền thờ Đinh Lễ ở chỗ trước đây ông đóng đồn trên núi Tùng Lĩnh, bên bờ Tam Soa. Trước đây đền thờ Đinh Lễ nằm cách vị trí hiện nay khoảng 400m, sau nơi này bị người Pháp lấy làm đồn binh, đền được chuyển đến chỗ mới. Hiện đền nằm trên một ngọn đồi thấp, tương đối bằng phẳng. Hai phía Tây Bắc và Tây Nam giáp khu dân cư, phía Đông Nam giáp đường chiến lược 28. Di tích hiện còn thượng điện, vọng lâu, tắc môn và khu sân đền được bao quanh bởi hệ thống tường dắc và cổng vào. Tường dắc xây bằng gạch vôi vữa, ở giữa có lỗ xuyên hoa hình hoa chanh, bốn góc xây trụ biểu, phía trên đặt búp sen. Tắc môn như một bức bình phong án ngữ lối ra vào, mặt ngoài tạo bức phù điêu hổ màu vàng, đứng uy nghi đầu và đuôi vươn cao. Qua tắc môn đến vọng lâu, xây năm 1937 kiểu chồng diêm hai tầng, tám mái, trổ cửa bốn mặt. Niên đại trùng tu vọng lâu ghi “Bảo Đại Đinh Sửu (1937). Thượng điện là ngôi nhà tứ trụ ba gian, hai hồi, bốn vì gỗ mít kiểu tứ trụ chồng đấu (hay còn gọi là nhà Rường). Ở trên cùng khắc bốn chữ Hán “Thánh Cung Vạn Tuế”. Hành lang gian giữa đặt hương án gỗ kiểu chân quỳ chạm trổ hoa dây hai bên, rồng chầu mặt nguyệt mặt trước. Cửa cấu tạo kiểu “thượng song hạ bản” gồm nhiều cánh cửa ghép lại bằng chốt gỗ phía trên. Ba phía còn lại xây tường gạch bao quanh. Gian chính giữa thờ Thành hoàng Đinh Lễ với linh toạ, bài vị khắc vương hiệu Linh Cảm Đại vương và kiếm gỗ đặt trong khảm gỗ sơn son thiếp vàng và hệ thống hương án, đồ tế khí bằng gỗ được sơn son thếp vàng. Ngày 17/01/2006 Đền Đinh Lễ được xếp hạng là Di tích Quốc gia. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh 1103 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích mộ và đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện

Di tích mộ và đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện được xây dựng vào năm 1494 sau khi công thần khai quốc Nguyễn Tuấn Thiện mất. Theo sử sách ghi lại, Nguyễn Tuấn Thiện (SN 1401 - 1494) là một bậc khai quốc công thần triều Lê, quê ở thôn Phúc Đậu, xã Phúc Dương nay là xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ ngày còn trẻ, Nguyễn Tuấn Thiện đã nuôi chí diệt thù cứu nước, ông đã tập hợp được những người cùng chí hướng lập đội nghĩa binh Cốc sơn khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Tháng 2-1425, Nguyễn Tuấn Thiện đưa nghĩa quân Cốc sơn đến bái yết Bình định vương Lê Lợi, xin cùng phối hợp chiến đấu. Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện kết nghĩa anh em. Từ ấy, đội quân Cốc sơn trở thành một bộ phận của nghĩa quân Lam Sơn và Nguyễn Tuấn Thiện là một vị tướng giỏi. Lúc này, quân Minh đã rút về cố thủ trong thành Nghệ An. Nghĩa quân cùng với nhân dân cùng hợp sức vây thành, liên tiếp giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt, trận chiến đấu oanh liệt ở Khuất Giang (núi Nầm) đã nhanh chóng đánh tan quân Minh ở đây, có sự đóng góp lớn của quân Cốc sơn và Nguyễn Tuấn Thiện. Sau trận sông Khuất, Lê Lợi - Nguyễn Trãi dời sở chỉ huy từ động Tiên Hoa đến thành Lục Niên trên dãy Thiên Nhẫn. Theo đà thắng lợi, nghĩa quân Lam Sơn tiến xuống đồng bằng, giải phóng Nghệ An, Thuận Hoá phía Nam, rồi tiến ra Thanh Hoá, Đông Quan… giải phóng hoàn toàn đất nước. Do tài năng và công lao đánh giặc, khi xét công, định thưởng, vua Thái tổ xếp Nguyễn Tuấn Thiện vào hàng công thần khai quốc, được ban quốc tính Lê Thiện và được phong chức Đô Tổng quản phó Nguyên Soái. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1438) ông được phong làm Tĩnh nạn tuyên lực trung liệt minh nghĩa khai quốc công thần Đô Tổng quản phó nguyên soái, trung lãng đại phu tá phụng thánh vệ đại tướng quân, tước Đại trí tự. Thời gian sau, ông xin cáo quan về quê, ở tại đất Ninh Xá (nay là làng Trung Ninh, xã Sơn Ninh, Hương Sơn). Sau khi ông mất, nhân dân địa phương mai táng và lập miếu thờ trên ngọn đồi Kim Quy. Đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện gồm 2 toà nhà, kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, diện tích khoảng 3000m2, cao hơn mặt ruộng 1,5m, xung quanh và trên khu gò trồng nhiều loại cây như bạch đàn, long não, xà cừ... Toà thượng điện gồm 3 gian tường xây bao quanh lợp ngói vảy, gỗ làm nhà hầu hết bằng mít và lim, bên trong là nơi đặt bàn thờ thần chủ và bức trướng gỗ sơn son thiếp vàng ghi phổ hệ và gia tước do Lê Lợi phong cho. Nhà bái đường nằm ở phía trước thượng điện làm bằng cột gỗ vuông, mái lợp ngói mới hiện đại và trong nhà bái đường có đặt “ Hòn đá buộc voi của Đức Hầu - Nguyễn Tuấn Thiện”. Phía sau đền thờ là mộ của ông, mộ đất có hình chóp, đường kính 7m, cao khoảng 2m, nhìn vào như là một gò đất cao nổi lên sau đền thờ. Sau những năm tháng phụng sự Lê triều, về trí lão được triều đình cho chọn đất Ninh Xá để an trí, ông đã tự tìm cho mình đất an táng ở Kim Quy Sơn, trải qua hơn năm thế kỷ lăng mộ của ông vẫn được bảo vệ nguyên trạng từ bấy đến giờ. Đền thờ của ông hiện ở xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Xã Sơn Ninh

Hà Tĩnh 989 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông

Lê Hữu Trác tên thật là Lê Hữu Huân, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1720 tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông là con thứ bảy của ông Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thưởng nên ông còn được gọi với cái tên Cậu Chiêu Bảy. Dòng họ của Lê Hữu Trác có truyền thống khoa bảng, ông nội, bác, chú, anh và em họ đều đỗ tiến sĩ, làm quan to. Cha Lê Hữu Trác đỗ đệ tam giáp tiến sĩ làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức ngự sử, tước bá, khi mất được truy tặng Thượng thư. Năm Kỷ Mùi (1739), Lê Hữu Trác 20 tuổi thì cha qua đời, từ đó, ông sống tại quê mẹ ở Tình Diệm xưa (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho đến năm Tân Hợi 1791, ông qua đời, thọ 71 tuổi. Hải Thượng Lãn Ông là bậc đại danh y không chỉ giỏi về y thuật, nhân thuật, mà còn là nhà tư tưởng, nhà khoa học lớn, nhà giáo dục, nhà văn bậc thầy của dân tộc Việt Nam. Ông luôn tìm tòi nghiên cứu, chữa bệnh, làm thơ và là tác giả của nhiều bộ sách lớn có giá trị như: Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Thượng kinh ký sự... Ông đã có công sưu tầm, bổ sung nhiều phương thuốc có giá trị còn lưu truyền trong dân gian và để lại cho muôn đời sau. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho muôn đời các thế hệ thầy thuốc Việt Nam noi theo. Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thuộc thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh, trải dài trên một cung đường gần 8km, bao gồm khu mộ cùng tượng đài của Đại danh y ở xã Sơn Trung, chùa Tượng Sơn ở xã Sơn Giang và Khu nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông ở xã Sơn Quang. Khu mộ là nơi yên nghỉ của Đại danh y Lê Hữu Trác nằm dưới chân núi Minh Tự (xã Sơn Trung). Mộ nằm ở vùng đất gần chân núi có độ dốc 30 độ, đầu hướng lên đỉnh cao nhất của dãy núi Minh Tự, chân chiếu thẳng vào dãy núi Trường Sơn. Tượng đài Lê Hữu Trác nằm trên núi cao, được dựng với hơn 1.600 tấn đá cẩm thạch. Khu tượng đài có dòng chữ “Đức - Lưu - Quang” khắc trên tảng đá nguyên khối nặng hơn 17 tấn. Phía sau tượng đài có 2 bức phù điêu khắc ghi những lời răn dạy của Đại danh y về y đức, y thuật. Nhà thờ Lê Hữu Trác ở thôn Bầu Diệm, xã Tình Diệm (nay là xóm 8, xã Sơn Quang). Đây là nơi ông và gia đình sinh sống khi trở về Hương Sơn. Nhà thờ có tòa Thượng là nơi trước đây Lê Hữu Trác bốc thuốc, viết sách. Nhà hậu tọa là nơi thờ Lê Hữu Trác gồm 3 gian tứ trụ được chạm khắc tinh vi, bàn thờ đặt ở gian giữa có tượng bán thân của cụ, gian phải và trái có lịch niên biểu ghi lại những năm tháng sống và lập nghiệp cũng như những mối quan hệ gia đình, xã hội của Lê Hữu Trác. Trên đường từ mộ đến nhà thờ là chùa Tượng Sơn. Theo gia phả dòng họ Lê Hữu ở huyện Hương Sơn, chùa Tượng Sơn được kiến dựng vào thời Hậu Lê, đời Lê Dụ Tông (đầu thế kỷ XVIII) do bà Đặng Phùng Hầu - bà ngoại của danh y Lê Hữu Trác nêu ý tưởng xây dựng. Sau đó, con gái của bà là Bùi Thị Thưởng tiếp tục hoàn thành ý nguyện của mẹ và sáng lập chùa. Chùa Tượng Sơn tọa lạc nơi phong cảnh hữu tình, phía sau chùa là dãy núi Voi nên chùa có tên là Tượng Sơn tự (chùa Núi Voi). Chùa có tên nôm là chùa Ầm Ầm (người dân nơi đây còn gọi là chùa Hầm Hầm). Đây là nơi lưu dấu những năm tháng sống, làm thuốc cứu người, nghiên cứu y thuật và viết sách của Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng năm 1990. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Du Lịch Tỉnh Hà Tĩnh

Hà Tĩnh 982 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

Khu lưu niệm Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đến nơi đây du khách sẽ có dịp tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du đồng thời cũng là dịp hiểu thêm về dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Nguyễn Du (1765 - 1820) tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, nguyên quán tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) nhưng sinh ra và lớn lên tại Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Cha của cụ là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm và mẹ là Trần Thị Tần làng Hoa Thiền, huyện Đông Ngạn, xứ Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Từ nhỏ Nguyễn Du đã được tiếp thu sâu sắc tinh hoa văn hoá của cả ba vùng: Xứ Nghệ - Thăng Long và Kinh Bắc. Chính vì thế, Nguyễn Du lớn lên trở thành người học rộng, tài cao, tinh thông cả Phật học và sành các môn thi, họa. Tác phẩm Truyện Kiều là một minh chứng rất rõ về Nguyễn Du. Đây là sự đóng góp rất lớn vào kho tàng văn học Việt Nam. Di tích lịch sử Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du được xây dựng để các nho sỹ, văn sỹ và du khách trong và ngoài nước yêu thích Truyện Kiều đến thắp hương tưởng niệm tại mộ cụ Nguyễn Du - một Đại thi hào dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới. Đây là khu di tích văn hóa nằm trong quần thể di tích dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Quần thể di tích này là một tổ hợp bao gồm nhiều di tích: đền thờ Đại Vương tiến sĩ Nguyễn Huệ; đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng; đàn tế Nguyễn Quỳnh; 2 ngôi nhà Tư văn; khu mộ đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và nhà thờ Nguyễn Du. Ngôi nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng vào năm 1825, ngay trên mảnh vườn nhà cụ thuộc xóm Tiền Giáp. Bên trong có bàn thờ xây bằng vôi cát, phía trên có treo bức hoành phi đề 4 chữ “Hồng sơn thế phả” do Hoàng Phù Phái, tước trung hiếu đại phu đời nhà Thanh tặng vào năm thứ 55 triều Càn Long (1790) cùng bài vị bằng đá có khắc dòng chữ “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”. Tiếp theo nhà thờ Nguyễn Du là đến bảo tàng nguyễn Du - nơi trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật gốc quý liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du. Hiện nay, đây là khu vực trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du... Đến Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du, du khách vừa có dịp được ngắm nhìn phong cảnh nơi đây vừa có dịp được tìm hiểu thêm về giá trị văn hóa lịch sử, tính nhân văn của quần thể di tích Nguyễn Tiên Điền. Đặc biệt, nếu đến đây vào những ngày đầu xuân, du khách sẽ được thưởng thức những đêm thơ Nguyễn Du tại nhà Tư văn trong Khu lưu niệm Nguyễn Du. Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, như Giới hiên công Nguyễn Huệ, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Địch Hiên công Nguyễn Điều, Quế Hiên công Nguyễn Nễ... Những di sản văn hóa trong Khu di tích còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học... giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, khoa bảng... của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Hà Tĩnh 998 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Chùa Chân Tiên

Chùa Chân Tiên (Chân Tiên tự) tọa lạc trên đỉnh núi Tiên An, một trong 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh, được tôn xưng là “Tiên An đệ nhất danh lam”. Chùa thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992. Chùa Chân Tiên được xây dựng vào đời nhà Trần (thế kỷ XIII). Chùa đã 3 lần được trùng tu, tôn tạo, lần gần đây nhất là vào năm 2005. Hiện nay, chùa có 2 ngôi thờ Phật tổ và thờ Thánh Mẫu. Chùa thờ Phật có diện tích 50,2m2, kiến trúc theo kiểu tứ trụ gồm 3 gian lợp ngói âm dương, 4 cột xây, tường bao 3 phía. Chùa thờ Thánh Mẫu còn gọi là "Điện Thánh Mẫu" gồm Thượng điện, Trung điện (kiệu Long đình) và Bái đường có tổng diện tích 56m2. Trước cửa Thượng điện có đề 4 chữ Hán: "Thiên hạ mẫu nghi" (Người mẹ hiền trong thiên hạ) và hình chim phượng đang giang cánh bay lên. Giữa đỉnh nóc có hình mặt nguyệt. Bốn góc mái có hình rồng và hoa lá viền quanh. Trong điện trên mái sau có 3 chữ Hán: "Thượng Thánh cung" (cung của Thánh Thượng). Trung điện là nơi đặt đồ tế lễ và nơi hóa hương của khách đến viếng. Bốn đầu đao trên mái điện có 8 hình rồng. Trong điện có 8 con hạc chầu. Hai bên hành lang thờ bộ hạ của Thánh Mẫu có 2 con hổ phù. Nhà Bái đường trước có ba chữ Hán “Tạ Phúc đường” (nhà cầu phúc), bốn cột nhà đều có treo câu đối ca ngợi công đức Thánh Mẫu. Trong chùa Chân Tiên hiện có 14 tượng phật làm bằng gỗ mít, một bàn thờ, một lư hương, một hương án, trống, mõ... Tương truyền, thời vua An Dương Vương mở nước từng đặt chân đến nơi này. Không chỉ là nơi có “Tiên giáng trần” mà xung quanh ngọn núi này còn truyền lại trong dân gian nhiều câu chuyện cổ ly kỳ, huyền bí. Bao quanh chùa là rừng thông tự nhiên trùng trùng điệp điệp xanh tươi bốn mùa. Núi Tiên An còn có nhiều động đẹp, như: Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất, Động Đá Người... và nhiều hang đá cổ như: hang đá Bàn Cờ, đá Giã Gạo, đá Cối Xay, đá Mười Hai Cửa... đặc biệt có đá Vợ, đá Chồng cao lớn sừng sững sánh đôi ngàn đời dưới chân núi, hướng mặt ra biển Đông. Dưới chân núi trước mặt chùa có Bàu Tiên và Bàn Cờ Tiên cùng các dấu tích như: Dấu chân ông Bành Tổ, vết chân Tiên nữ, vó Ngựa, suối Ngọc, giếng Tiên, thạch Kim Quy (đá rùa)… Di tích lịch sử - văn hóa chùa Chân Tiên còn là địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng là nơi liên lạc của các tổ chức Đảng trong thời kỳ 1930 - 1931. Tại địa điểm này, ngày 25 tháng 4 năm 1930, Chi bộ Yên Điềm, tiền thân của Đảng bộ xã Thịnh Lộc ngày nay được thành lập. Lễ hội chùa Chân Tiên được tổ chức hằng năm vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, sau phần dâng hương tế lễ là phần hội với các hoạt động giao lưu văn nghệ, đua thuyền trên Bàu Tiên, đấu vật truyền thống, bóng chuyền bãi biển, kéo co, đánh cờ thẻ, thả diều, cắm trại... Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Du Lịch Tỉnh Hà Tĩnh

Hà Tĩnh 912 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Mộ và Đền thờ Nguyễn Lỗi

Đền thờ Nguyễn Lỗi nằm ẩn mình dưới chân núi Bạch Mã thuộc làng Bảo Thịnh, xã Dương Trai, huyện Hương Sơn, nay là xã Sơn Bình, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Lỗi, một vị tướng tham gia nhiều trận đánh lớn trên đất huyện Đỗ Gia - Hương Sơn, lập căn cứ đánh giặc Minh vùng Nghệ Tĩnh, là 1 trong 18 chiến hữu cận thần của Lê Lợi có mặt trong hội thề Lũng Nhai. Nguyễn Lỗi là con trai đầu của Tướng quốc Nguyễn Nhữ Lãm, là tứ quốc tính là Lê Lỗi, nay là dòng trưởng tại Thọ Xuân Thanh Hóa. Đời vua Thiệu Bình phong: sĩ chí suy trung tán tri kiêm cung tuyên lực công thần, đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, bình chương quân quốc trạng sư, nhập nội từ đồ phò mã, đô uý thái phó thanh quận công, Nguyễn tướng công, tứ thuỵ giản tinh; Mất ngày 25 tháng 2. Vợ Nguyễn Lỗi là con đầu của vua Lê Thái Tông, hiệu là Yên Quốc, quốc trưởng công chúa, tên uý là Minh Tú, mất ngày mồng 6 tháng giêng. Sau ngày chiến thắng quân Minh xâm lược, ngày 5/3/1428 Lê Lợi ban biển ngạch công thần cho 93 người, Nguyễn Lỗi được xếp thứ 17 trong số 93 vị khai quốc công thần triều Lê, được ban quốc tính họ Lê. Ngày 7/11/1434 Đình thượng hầu, Thượng tướng quân Nguyễn Lỗi mất khi ông đang giữ chức vụ Tây đạo hành khiển - tả bộc xạ. Xét công lao của ông đối với sự nghiệp giúp dân cứu nước, vua Lê Thánh Tông truy tặng ông vào hàng ngũ các công thần tiết nghĩa. Đền thờ Nguyễn Lỗi được cấu trúc theo kiểu chữ Nhị, bao gồm 2 bộ phận chính là hạ điện và thượng điện. Hạ điện có kết cấu kiến trúc ngang kiểu chữ nhất, gồm 3 gian 2 hồi xây tường bít đốc. Mái được lợp ngói âm dương, trên nóc mái có trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Kết cấu nội thất nhà được kiến trúc theo kiểu tứ trụ “nội kẻ cầu, ngoại kẻ mái” rất phổ biến trong các làng quê Nghệ Tĩnh. Thượng điện kết cấu gồm 3 gian 2 hồi, xung quanh xây tường bít đốc, mái lợp ngói âm dương, trên đỉnh nóc mái ở chính giữa được đắp nổi hình hổ phù đội mặt trời, 2 đầu là hình đầu rồng được đắp nổi bằng vôi vữa và các mảnh sành sứ cố ghép lại. Nội thất có các bàn thờ Nguyễn Lỗi và hậu duệ của ông, có đầy đủ các đồ thờ theo truyền thống. Đây là di tích danh nhân lịch sử, niên đại Thế Kỷ 15, được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 28/12/2001. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Xã Sơn Bình

Hà Tĩnh 1137 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Đền thờ Đô Đài Bùi Cầm Hổ

Đền Đô Đài hay còn gọi là Đền Bùi Ngự Sử, thuộc xã Đậu Liêu, huyện Can Lộc xưa, nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Di tích nằm ở chân núi Bạch Tỵ Sơn là một trong 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh. Di tích Đền Đô Đài gắn liền với một nhân vật lịch sử trung thần Bùi Cầm Hổ. Ông sinh năm 1380, Ông có nhiều công lao đóng góp cho đất nước trong thời kỳ đầu của nhà Hậu Lê. Ông là một con người trung thực, thẳng thắn và công tâm. Đến lúc về hưu lòng vẫn mưu cầu hạnh phúc cho dân bằng một công trình thủy lợi Thanh Khê, biến vùng đất Kẻ Treo, Kiệt Thạch nghèo đói thành nơi trù phú nhất vùng. Đánh giá công lao Bùi Cầm Hổ các triều đại phong kiến đã phong nhiều sắc cho ông là “Thượng đẳng Thần”. Để ghi nhớ công lao của Bùi Cầm Hổ sau khi ông mất (1483) nhân dân lập bàn thờ và tôn ông là bậc Thánh. Khi Ông tạ thế, nhân dân Đậu Liêu dựng Đền thờ và làm lễ báo ân. Hàng năm vào ngày 12 tháng giêng là ngày lễ báo ân và là ngày hội xuân truyền thống. Đền Đô Đài còn là nơi chứa đựng nhiều sự kiện của thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại nền đất cũ, hố bom nham nhở chưa kịp san lấp. Đền phải chuyển sang xây cất ở một chỗ khác, kề bên chân núi gần đó, nhưng có nền đất cao hơn. Đền cũ nguyên xưa khá đồ sộ, có thượng, trung và hạ điện hướng đông nam. Trước đền là con đường qua truông, dọc theo đường là ngọn khe Vẹt, khu đền được che kín bởi một rừng cây rậm rạp. Trong đền có đủ các loại đồ tế khí, nghi trượng. Trước cửa hai ông phỗng to gần bằng người lớn, tóc tết hai xoáy, chắp tay quỳ gối kính cẩn nghiêm trang. Trải qua chiến tranh, cả rừng cây và ngôi đền đều bị bom đạn phá huỷ. Hoà bình lập lại, nhân dân sở tại tự nguyện đóng góp lập lại ngôi đền mới. Ngôi đền mới có quy mô nhỏ hơn với một điện thờ và một bái đường được sử dụng lại của ngôi đền cũ còn ít nhiều dấu tích văn hoá chạm khắc thời xưa. Một số đồ tế tự như áo, mão, cân đai, phẩm phục, các đạo sắc phong được cất giữ hầu như nguyên vẹn. Đền Đô Đài là di tích lịch sử gắn liền với danh nhân Bùi Cầm Hổ. Ngoài ra đền Đô Đài còn mang kiến trúc nghệ thuật cao. Với ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, năm 1992 đền Đô Đài được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Du lịch Hà Tĩnh

Hà Tĩnh 970 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật