Di tích lịch sử

Hòa Bình

Khu căn cứ cách mạng Tu Lý, Hiền Lương

Nơi đây trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945, cùng với xã Hiền Lương đã hình thành khu căn cứ cách mạng Tu Lý, Hiền Lương, 1 trong 4 khu căn cứ cách mạng của tỉnh nằm trong hệ thống chiến khu Hòa, Ninh, Thanh (Chiến khu Quang Trung). Tại khu căn cứ này đã tổ chức lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh. Từ đây, phong trào cách mạng lan rộng ra các vùng xung quanh. Ngược dòng lịch sử, tháng 2/1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập chiến khu Hòa - Ninh -Thanh. Theo Chỉ thị của Trung ương Đảng, việc thành lập các khu căn cứ gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa và đón giải phóng quân Nam tiến qua Hòa Bình bằng con đường từ Phú Thọ vào khu vực Tu Lý - Hiền Lương là một trong những cơ sở, điều kiện quan trọng hình thành và phát triển khu căn cứ cách mạng Hiền Lương - Tu Lý. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của xứ ủy Bắc kỳ, Ban cán sự Đảng tỉnh đã quyết định thành lập khu căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương. Ngày 10/2/1945 (ngày 28 Tết năm ất Dậu) được anh Đinh Công Hậu dẫn đường, đồng chí Vũ Thơ đã đến gặp anh Đinh Công Sắc ở xóm Tình Tràng - xã Tu Lý để bắt mối gây dựng cơ sở cách mạng. Từ đây, gia đình anh Đinh Công Sắc trở thành địa điểm liên lạc, hội họp, bàn kế hoạch xây dựng khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương và mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên cho lực lượng vũ trang tỉnh. Trên cơ sở phong trào phát triển tốt và có đủ điều kiện lập khu căn cứ, Ban cán sự Đảng tỉnh quyết định mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên tại nhà ông Xa Văn Bình, bưa Đồng Miếng, xóm Giằng Sèo với 20 đội viên tự vệ cứu quốc của thị xã Hòa Bình và huyện Mai Đà. Trong sự đùm bọc, che giấu của nhân dân Hiền Lương - Tu Lý, các học viên hoàn thành khóa học trở về nhanh chóng thành lập và phát triển các đội tự vệ cứu quốc, chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền. Lớp học quân sự thắng lợi đã đưa thanh thế của Việt Minh lên cao, lan truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp. Các hào lý khuất phục, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào cách mạng. Lực lượng cách mạng tại khu căn cứ ngày một lớn mạnh góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 tại tỉnh lỵ, châu lỵ chợ Bờ, Suối Rút, phố Vãng (Hòa Bình) và Mộc Châu (Sơn La). Năm 1946, lực lượng khu căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cách mạng khác của tỉnh tiêu diệt gọn Đảng Đại Việt Duy Dân đến chiếm Mường Diềm làm đại bản doanh và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng ở Hòa Bình. Để ghi dấu những chứng tích lịch sử, tại xóm Mạ - xã Tu Lý và xóm Rồng - xã Hiền Lương đã xây dựng Nhà bia lưu niệm khu di tích lịch sử cách mạng Tu Lý - Hiền Lương. Đây là những công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ vùng Tu Lý - Hiền Lương tiếp bước cha anh trong công cuộc bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, đổi mới quê hương. Khu di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Nguồn: Báo Hòa Bình Điện Tử

Hòa Bình 616 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên

Khu căn cứ cách mạng Cao phong - Thạch Yên thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình. Vì các hoạt động của khu căn cứ diễn ra trên địa bàn hai xã Cao Phong - Thạch yên (cũ) nên khu căn cứ có tên gọi là Cao phong - Thạch Yên (nay di tích thuộc địa bàn xã Yên Lập - Yên Thượng - Huyện Cao Phong). Được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996. Từ giữa năm 1944 trở đi, sau khi có Chỉ thị của Trung ương Đảng về gây dựng cơ sở chiến tranh du kích ở tỉnh Hoà Bình, đặc biệt là sau khi có Chỉ thị của Ban thường vụ Trung ương Đảng (tháng 1 năm 1945) về việc xây dựng chiến khu Hoà - Ninh - Thanh nhằm chủ động tốt địa bàn cho Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến qua; đồng thời chuẩn bị về mặt quân sự cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, phong trào cách mạng ở tỉnh Hoà Bình đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Việc xây dựng cơ sở Việt Minh càng tiến triển với tốc độ nhanh, cho đến cuối năm 1944, đầu năm 1945, ngoài thị xã Hoà Bình, cơ sở Việt minh còn lan ra các xã xung quanh như Quỳnh Lâm và bắt đầu lan tới vùng Cao Phong. Khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên nằm trên vùng rừng núi hiểm trở, tuy địa bàn phân bố hoạt động của khu căn cứ diễn ra rất rộng gồm các địa điểm lịch sử như: 1. Đồi Chùa Khánh ở xóm Khánh xã Yên Thượng. Đây là nơi tập luyện của đơn vị vũ trang - đội ngũ cán bộ đầu tiên của khu căn cứ. Sau khi huấn luyện xong ở đây, đơn vị đã toả đi các xóm để xây dựng các đội tự vệ. Các đồng chí trong đơn vị này trở thành những tiểu đội trưởng của các đội tự vệ của các xóm. 2. Gia đình ông Bùi Văn Y xóm Đai, xã Yên Thượng. Là cơ sở tin cậy của đồng chí Vũ Thơ, Trương Đình Dần…đi lại, nghỉ ngơi trong suốt thời gian tham gia hoạt động. Gia đình ông đã đóng góp rất nhiều lương thực, tiền của ủng hộ cho cách mạng. 3. Gia đình ông Bùi Văn Hoảnh ở xóm Trang, xã Tân Phong. Là cơ sở tin cậy để các đồng chí Vũ Thơ, Trương Đình Dần…đi, về, ăn, nghỉ, trong suốt thời gian hoạt động tại khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên. 4. Chùa xóm Trang, xã Tân Phong. Đây là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh Hoà Bình đã họp vào tháng 4/1945. Trong cuộc họp này, Ban cán sự đã quyết định thành lập các khu căn cứ. Sau ngày kháng chiến chống Pháp thành công, do nhiều nguyên nhân nên ngôi chùa đã bị hư hỏng mất. 5. Gia đình ông Phó Viễn (tức Đặng Chí Viễn). Là người có công trong việc giúp đỡ đồng chí Vũ Thơ đến giác ngộ các lang của vùng Cao Phong - Thạch Yên. Trong suốt thời gian hoạt động tại khu căn cứ, gia đình ông đã trở thành một địa điểm tin cậy của các đồng chí tham gia hoạt động tại khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên. Gia đình ông Phó Viễn còn là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh triệu tập Hội nghị đại biểu mặt trận Việt Minh toàn tỉnh họp tháng 7 năm 1945 thực hiện Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh về gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hoà Bình. Chiến khu Cao Phong - Thạch Yên là một trong những điểm xây dựng cơ sở cách mạng của Ban cán sự Đảng tỉnh Hoà Bình. Khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên thực sự là khu căn cứ vững chắc của cách mạng tỉnh Hoà Bình và hệ thống chiến khu Hoà - Ninh - Thanh, góp một phần không nhỏ vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hoà Bình

Hòa Bình 1025 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Địa điểm Đại hội trù bị Đại hội II Đảng nhân dân cách mạng Lào

Di tích Địa điểm Đại hội trù bị Đại hội 2 Đảng nhân dân cách mạng Lào là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, di tích nằm ở phường Dân Chủ Thành Phố Hòa Bình. Đây là di tích có ý nghĩa đặc biệt thể hiện tình hữu nghị 2 nước Việt Nam - Lào. Việt Nam và Lào là 2 nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Mối quan hệ đó đã được dày công vun đắp, tôi luyện trong thực tế, hun đúc bằng công sức và xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ, bằng sự hy sinh phấn đấu của nhiều thế hệ người dân Việt Nam và người dân nước bạn Lào. Quan hệ giữa hai nước đã trở thành tài sản vô giá của 2 dân tộc. Trong những năm tháng đấu tranh chống kẻ thù chung để giành độc lập tự do, 2 dân tộc đã chia ngọt sẻ bùi, hy sinh xương máu và dựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Sự gắn bó đó đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt vô cùng quý giá được xây đắp trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ của nhau. Mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 dân tộc Việt Nam - Lào được minh chứng rõ ràng nhất qua lịch sử đấu tranh giành độc lập của 2 dân tộc. Một trong vô vàn những minh chứng đó chính là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã giúp đỡ Đảng nhân dân Lào tổ chức thành công Đại hội trù bị đại hội 2 đảng nhân dân Lào và tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng chính trị cho các đồng chí đảng viên Lào tại Hòa Bình. Trong quá trình thành lập Đảng nhân dân cách mạng Lào và trong thời kỳ kháng chiến, nhiều địa điểm minh chứng cho mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt đã được hiện diện ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Việc tỉnh Hoà Bình là nơi đã diễn ra Đại hội trù bị Đại hội 2 Đảng nhân dân Lào và là nơi các khoá học bồi dưỡng về công tác Đảng, công tác chính trị của Cách mạng Lào trong thời gian từ đầu năm 1971 đến đầu năm 1972, một lần nữa chứng minh và khẳng định sự đóng góp to lớn của Hòa Bình và nhân dân các dân tộc Hòa Bình vào mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hoà Bình với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào nói riêng, minh chứng cho tình gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào trường tồn mãi mãi. Ngày nay, dự án khôi phục, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng, Địa điểm huấn luyện chính trị và Đại hội trù bị Đại hội lần thứ 2 Đảng nhân dân Lào, nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được triển khai thực hiện trở thành điểm đến quen thuộc đối với các đoàn du khách của nước bạn Lào khi đến làm việc, học tập, thăm quan du lịch tại Việt Nam. Nguồn: Báo Hòa Bình Điện Tử

Hòa Bình 963 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Chiến khu Cách mạng Mường Khói

Chiến khu Mường Khói là di tích lịch sử cách mạng, khu căn cứ địa cách mạng thời kỳ tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945, thuộc hệ thống chiến khu (Hoà - Ninh - Thanh) do xứ uỷ Bắc kỳ trực tiếp xây dựng và chỉ đạo hoạt động, tại đây xứ uỷ Bắc Kỳ đã mở lớp huấn luyện quân sự tập trung (Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu). Cách trung tâm thành phố Hoà Bình khoảng 70km, cách thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn theo đường 12 khoảng 15km. Được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993. Mường Khói bao gồm vùng đất của 3 xã Hoài Ân, Hiếu Nghĩa và Tân Mỹ (nay là xã Ân Nghĩa, xã Yên Nghiệp và xã Tân Mỹ), nằm ở phía Đông Nam huyện Lạc Sơn, địa hình rừng núi hiểm trở, Mường Khói có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có đường 12A chạy qua nối liền với tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hoá, nối liền với đường số 6 cửa ngõ của khu vực Tây Bắc. Khu vực hoạt động của chiến khu Mường Khói kéo dài từ đường 12A vào chân dẫy núi Trường Sơn nối liền với các chiến khu Quỳnh Lưu (Ninh Bình), Ngọc Trạo (Thanh Hoá) và từ Mường Khói toả lên thị trấn Vụ Bản, Mường Vang (vùng Cộng Hoà - Lạc Sơn). Các địa điểm di tích chủ yếu của khu căn cứ cách mạng Mường Khói: Khu vực ba cây đa cổ thụ: Là địa điểm liên lạc đón tiếp cán bộ của ban cán sự Đảng tỉnh Hoà Bình về hoạt động cách mạng. Ngày 20/8/1945 các lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng Mường Khói đã tập trung tại đây để đứng lên giành chính quyền ở châu Lạc Sơn. Đây là nơi lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng của phong trào cách mạng ở châu Lạc Sơn tung bay trên ngọn cây đa cổ thụ. Khu vực nhà ông Quách Hy: Ông Quách Hy và con trai là Quách Dưỡng là những hội viên cứu quốc đầu tiên của Mường Khói. Nhà ông Quách Hy là nơi đón tiếp cán bộ, là địa điểm liên lạc của ban cán sự đảng tỉnh Hoà Bình và cán bộ xứ uỷ Bắc kỳ về hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở chiến khu Mường Khói. Khu vực gia đình nhà ông Bùi Văn Khuýnh: Trước đây nhà ông cư trú tại xóm Lọt, là địa điểm tổ chức lớp học quân sự cách mạng tập trung của xứ uỷ Bắc kỳ (Trường sơn du kích kháng Nhật học hiệu). Tại chiến khu Mường Khói trung đội tự vệ cứu quốc, lực lượng vũ trang đầu tiên của phong trào cách mạng Lạc Sơn được thành lập tại đây (tháng 3/1945). Tháng 7/1945 xứ uỷ Bắc Kỳ mở lớp huấn luyện quân sự tập trung (Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu) để đào tạo các cán bộ quân sự lãnh đạo khởi nghĩa ở các địa phương thuộc Bắc Kỳ. Chiến khu Mường Khói còn là địa bàn hoạt động cách mạng của các đồng chí Bạch Thành Phong (uỷ viên thường vụ xứ uỷ Bắc Kỳ), Vương Thừa Vũ (cán bộ xứ uỷ Bắc Kỳ), Lê Quang Hoà (Bí thư ban cán sự Đảng tỉnh Sơn Tây) và nhiều đồng chí cán bộ nòng cốt của phong trào cách mạng ở tỉnh Hoà Bình và các tỉnh khác ở Bắc Kỳ. Chiến khu Mường Khói là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình. Trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, Mường Khói là nơi các lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân huyện Lạc Sơn, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công đầu tiên ở tỉnh Hoà Bình. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hoà Bình

Hòa Bình 1140 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê

Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam nằm ở đồn điền Chi Nê (giai đoạn 1946 - 1947) nay là xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tại đây, những tờ “Giấy bạc Tài chính - Giấy bạc cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng đã ra đời. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia năm 2007. Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta đứng trước những thử thách vô cùng khắc nghiệt. Một trong những vấn đề nổi lên là tài chính, mà quan trọng là việc phát hành đồng tiền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong khi Chính phủ lâm thời đang gặp khó khăn, lúng túng với cơ sở in và phát hành giấy bạc Việt Nam để có thể chủ động về mặt tài chính và đấu tranh kinh tế với địch, ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản yêu nước đã tự nguyện bỏ tiền ra mua lại toàn bộ nhà in Tô-panh (Taupin) của Pháp tại Hà Nội và hiến tặng cho Chính phủ để lập nhà máy in tiền. Nhờ đó chính quyền cách mạng mới có được nhà in tiền riêng, đáp ứng một phần nhu cầu chi tiêu trong hoàn cảnh ngân khố hầu như trống rỗng. Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại Nhà in Tô-panh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định tìm địa điểm mới để di chuyển toàn bộ nhà in ra khỏi Hà Nội. Một lần nữa, chính ông Đỗ Đình Thiện đã chủ động đề xuất Bộ Tài chính chuyển nhà máy in lên đồn điền của gia đình ông ở Chi Nê (Hoà Bình). Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” ra đời. Tờ bạc Tài chính cụ Hồ ra đời mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng: góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta. Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê đã hai lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của Bộ Tài chính nói riêng, nền Tài chính quốc gia nói chung và một thời kỳ cách mạng vẻ vang. Năm 2007, khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (1946-1947) được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê có tổng diện tích là 15,64 ha, bao gồm các hạng mục như: Xưởng in tiền; Nhà Bác Hồ về thăm và làm việc; Kho chứa bạc; Nhà hội trường; Nhà đón tiếp; phù điêu tại khu xưởng in; sân vườn trồng cây; hệ thống giao thông toàn khu vực; khu công viên vườn hoa; khu đón tiếp và các công trình văn hoá, vui chơi giải trí; khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng... Khu di tích thực sự là công trình có ý nghĩa, nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử của Bộ Tài chính nói riêng, của nền tài chính quốc gia nói chung và một thời kỳ lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Nguồn: Cổng thông tin điện tử bộ tài chính

Hòa Bình 989 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền và miếu Trung Báo

Đền và Miếu Trung Báo, trước đây có tên nôm là đền Beo (gọi theo tên làng vì phía sau làng có dãy núi gọi là núi hổ phục). Di tích nằm tại Thôn Trung Báo, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Đền gồm hai hạng mục kiến trúc: Đền Trung Báo và Miếu Trung Báo. Đền và miếu Trung Báo được công nhận Di Tích Lịch Sử-Văn Hoá cấp quốc gia năm 1997. - Đền Trung Báo: Thờ ba vị thần là Tam Vị Đại Vương Tản Viên Sơn Thánh; Quốc Mẫu Hoàng Bà và Thành hoàng làng Trung Báo. Được toạ lạc trên một khu đất thoáng rộng cạnh bìa làng, là một ngôi đền bề thế khang trang. Hai bên đền là luỹ tre làng toả bóng mát, trước đền là cánh đồng lúa, phía sau có dòng suối Rồng chảy qua. Đền có kết cấu hình chữ nhất, mặt đền quay theo hướng Đông bắc, gồm ba gian, mái đền lợp ngói Hương Canh, hai đầu hồi xây bít đốc. Phía trước đền có bức đại tự đắp nổi ba chữ Hán: Thượng đẳng thần (thần tối cao). - Miếu Trung Báo: Thờ Tam vị Đại Vương Tản Viên Sơn Thánh; Quốc Mẫu Hoàng Bà và Thành hoàng làng. Miếu được xây dựng trên một thế đất cao phía Tây Bắc của làng cách đền chừng 300m, cảnh quan nơi đây khá đẹp. Dưới con mắt của nhà phong thuỷ thì thế Miếu nằm trên thế đất mai Rùa (Thần Kim Quy ứng hiện). Mặt sau ngôi miếu là dãy núi Hổ phục và Long Lĩnh. Ba mặt còn lại có dòng suối uốn quanh với cây cổ thụ vươn cao toả bóng mát. Miếu xưa làm bằng gỗ lợp tranh, gồm ba gian, mái vòm cung (hình mai rùa). Trải qua thời gian, khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa mưa nắng nhiều, cộng với những biến thiên của lịch sử, miếu với kiến trúc làm bằng gỗ, mái lợp tranh nên không tồn tại được lâu. Đến đời vua Khải Định thứ 2 (1917) được nhân dân ba giáp của xã đóng góp công sức và kinh phí xây dựng lại ngôi miếu, với kết kiến trúc hình chữ nhất, phía trước có bức đại tự với 4 chữ Hán đắp nổi: Bảo sơn dục tú (Núi Báu hun đúc sự tốt đẹp). Hiện nay đền Trung Báo còn lưu giữ được 3 sắc phong gốc của các triều đại Nhà nước Phong kiến Việt Nam phong tặng cho các vị thần được thờ ở đền. - Lễ hội đền và miếu Trung Báo được tổ chức thường niên mỗi năm một lần vào ngày 11 và 12 tháng 11 âm lịch hàng năm. Trong quá trình tổ chức lễ hội diễn ra các trò chơi dân gian như: chọi gà, ném còn, đánh đu… Lễ hội đền và miếu Trung Báo gắn liền với bản sắc văn hoá, thể hiện cảnh vui chơi, ăn mừng của dân làng sau một vụ mùa bội thu. Qua lễ hội chúng ta sẽ hiểu được những nghi thức truyền thống của người dân nơi tiếp giáp vùng văn hoá "Việt - Mường" ở Hoà Bình. Đồng thời chúng ta còn hiểu được mong muốn khát vọng và bản sắc của người dân nơi đây thông qua các nghi trình, nghi thức của lễ hội. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hoà Bình

Hòa Bình 988 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Hang Chùa và chùa Hang

Hang Chùa còn có tên là: Văn Quang Động, Chùa Hang là tên thường gọi của ngôi chùa được xây dựng trong động Văn Quang, xưa kia chùa có tên chữ là: Thanh Lam Tự. Gọi là Hang chùa vì tại 4 động ở núi này thì có tới 2 động có chùa ở trong đó. Núi Chùa Hang nằm giữa cánh đồng thuộc thôn Đồng Mai, núi Đọc và thôn Á Đồng, xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Chùa Hang- Hang Chùa là di tích lịch sử - văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo và danh lam thắng cảnh. Chùa hang 1: được xây dựng có kết cấu hình chữ nhất (-), có chiều dài 3m; chiều rộng 3,14m; cao 4,10m, với cấu trúc cột cái, cột quân, cửa bức bàn phía trước, phía sau và ván bưng xung quanh chùa đều bằng gỗ. Chùa được xây dựng từ lâu đời và được tôn tạo lại vào thời nhà Nguyễn ở trên thượng lương chùa có ghi dòng chữ: “Hoàng triều Khải Định Nhâm tuất niên” (Khải Định năm Nhâm Tuất 1892). Chùa hang 2: với kiến trúc hình chữ nhất (-), gồm có bốn hàng cột cái cao 2,81m; cột quân cao 2,38m, ngôi chùa đứng án ngữ trước cửa hang thứ 3. Chùa hang 2 cũng có kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ, kể cả mái lợp. Theo nhân dân địa phương Chùa Hang 2 được xây dựng từ lâu và được trùng tu tôn tạo lại vào năm thời nhà Nguyễn. Hiện trên thượng lương chùa có ghi dòng chữ năm trùng tu: “Đại Nam Bảo Đại thập nhị niên, tuế thứ Đinh sửu thập nhị nguyệt, thập nhị nhật lương thời thụ trụ, thượng lương đại cát lượng”. Nghĩa là chùa được tu bổ vào năm Bảo Đại thứ 12, tháng 12, ngày 12 năm Đinh sửu (năm 1937). Chùa Hang được xây dựng trong hang thứ 2, có kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ, trong chùa có hệ thống tượng phật được tạc từ thế kỷ 18, đây là một di sản độc đáo đối với di tích tỉnh Hoà Bình, trên những bức cốn là những đường nét hoa văn được chạm trổ cầu kỳ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hang chùa: Chùa có 4 chữ Hán được khắc trên vách núi: “Lăng tiêu tiếu bích” nghĩa là: Ngọn núi biếc cao vút, sương phủ mờ ảo. Theo các nhà khảo cổ học thì Hang Chùa cũng là nơi phát hiện ra dấu vết khảo cổ học thuộc nền “Văn hoá Hoà Bình”. Trong hang 2 và hang 3 người ta đã tìm thấy các trầm tích hoá thạch thức ăn của người xưa như vỏ ốc, vỏ sò, mảnh công cụ... Vào thời Trung đại dấu tích văn hoá cũng để lại ở đây khá đậm nét đó là quả chuông đồng được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783). Người xưa cũng để lại ở đây 2 dòng chữ đại tự, 1 bài thơ, 2 bài ký, một bia đá. Đó là những văn tự thành văn rất hiếm hoi ở các di tích hang động của tỉnh Hoà Bình hiện nay. Nguồn: Báo Hòa Bình Điện Tử

Hòa Bình 943 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tượng đài anh hùng Cù Chính Lan

Di tích ghi dấu chiến công diệt xe tăng của Cù Chính Lan hiện nằm ở dốc Giang Mỗ cạnh đường 6A (cũ) thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình. Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan (tên thật là Cù Văn Mấu), sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1946, quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, anh Cù Chính Lan khi đó mới 16 tuổi đã xin gia nhập Vệ quốc đoàn, tình nguyện lên đường đánh giặc. Tháng 11/1951, thực dân Pháp mở rộng cuộc tấn công ra vùng tự do của ta ở Hòa Bình với âm mưu nối lại "hành lang Đông - Tây” nhằm cắt đứt liên lạc của ta giữa Việt Bắc và Khu 3, Khu 4 để giành lại quyền chủ động trên chiến trường chính. Ở Hòa Bình, chúng thực hiện âm mưu thành lập "Xứ Mường tự trị” để phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Ngày 24/11/1951, Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Hòa Bình. Trong trận đánh ngày 13/12/1951, khi quân Pháp lọt vào trận địa, cả đơn vị đã nổ súng quyết liệt, diệt gọn 1 đại đội địch, lúc chuẩn bị rút thì xe tăng địch tới tiếp viện bắn dữ dội vào đội hình của ta, chặn đường rút và làm nhiều chiến sỹ thương vong. Anh Cù Chính Lan đã nhanh chóng nhảy lên xe tăng, kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò, nhưng không may tiểu liên bị hóc, chiếc xe tăng vẫn vừa chạy vừa bắn. Anh hô đồng đội tập trung lựu đạn đến cho mình rồi tiếp tục nhảy lên xe, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe, giặc nhặt lựu đạn ném trả lại và lái xe tăng chuyển hướng. Thời cơ diệt xe tăng địch ngay trước mắt, anh Cù Chính Lan táo bạo mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra vài giây rồi mới ném vào buồng lái. Lựu đạn nổ, những tên giặc trong xe chết đè lên nhau. Chiếc xe tăng mang nhãn hiệu "B2885498 USA”, dừng ngay tại chỗ, trận đánh kết thúc thắng lợi. Chiến thắng oanh liệt tại dốc Giang Mỗ với tinh thần anh dũng của Anh hùng Cù Chính Lan và các chiến sỹ Tiểu đoàn 353, Trung đoàn 66 diệt xe tăng của bọn xâm lược Pháp do đế quốc Mỹ trang bị đã mở đầu phong trào đánh xe tăng chiến đấu hiện đại của địch bằng vũ khí thông thường. Ngày 29/12/1951, khi tham gia trận đánh ác liệt trên đường 6 đoạn Lương Sơn - Hòa Bình. Mặc dù bị thương rất nặng nhưng anh Cù Chính Lan vẫn không rời trận địa, chỉ huy tiểu đội liên tiếp phá mở những lớp hàng rào dây thép gai vào lô cốt địch, dọn đường cho đồng đội lên tiêu diệt quân thù. Khi đồn Cô Tô của địch bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Anh hy sinh khi vừa 21 tuổi. Ngày 19/5/1952, tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, liệt sỹ Cù Chính Lan là 1 trong 7 người đầu tiên trên toàn quốc được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân . Để ghi nhớ chiến công của Anh hùng Cù Chính Lan, năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận địa điểm ghi dấu chiến công diệt xe tăng Pháp của Cù Chính Lan là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Năm 1994 khởi công xây dựng khu di tích, dựng Tượng đài Anh hùng diệt xe tăng. Nguồn : Báo Hòa Bình Điện Tử

Hòa Bình 1099 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tượng đài Triệu Phúc Lịch

Tượng đài Triệu Phúc Lịch tại dốc Tra, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Tượng đài được xây dựng năm 1979, do họa sỹ Nắng Mai thể hiện. Tượng đài có chiều cao hơn 3m, nằm ở sườn đồi bên phải đường lên thị trấn Đà Bắc, được Bộ Văn Hoá –Thể Thao công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996. Có lẽ người dân xã Toàn Sơn không ai không biết đến đội trưởng Triệu Phúc Lịch xưa kia luôn dũng cảm, mưu trí chỉ huy đội du kích chiến đấu chặn đánh nhiều cuộc càn quét của giặc Pháp vào quê hương. Đặc biệt là sự kiện ngày 10/9/1947 mãi được các thế hệ lưu truyền. Đó là khi được tin giặc Pháp ở đồn xóm Cháu (xã Tu Lý trước đây) huy động một trung đội lính lê dương trên 20 tên và lính dõng đi càn quét ở khu vực xã Toàn Sơn. Đội du kích xã do Triệu Phúc Lịch chỉ huy gồm 30 người đã nhanh chóng triển khai phương án mai phục đánh địch. Vũ khí thô sơ của các đội viên là nỏ, cung tên tẩm thuốc độc, bẫy đá, cần bật bằng bương, tre, bàn chông tre và súng trường, lựu đạn cướp được của giặc. Gần trưa bọn địch ồ ạt kéo đến. Chờ cho chúng lọt vào trận địa mai phục, Triệu Phúc Lịch hạ lệnh tiến công. Tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ giòn giã, hàng loạt mũi tên tẩm thuốc độc bay tới tấp vào quân thù; bẫy đá từ lưng chừng núi đổ xuống đội hình giặc làm cho chúng hốt hoảng, chạy tán loạn. Trong trận này, đội du kích xã Toàn Sơn đã tiêu diệt 14 tên địch, bắt sống 4 tên và thu được 7 khẩu súng... Sử sách viết: Bị đánh bất ngờ, tiến không xong, rút lui thì bị chặn, quân địch tìm cách tháo chạy theo đường mòn qua suối Sâu để rút về Tu Lý. Mưu trí biết được ý đồ của giặc, Triệu Phúc Lịch đã cho du kích truy đuổi với quyết tâm tiêu diệt sạch trung đội giặc. Bản thân người đội trưởng tay không rượt đuổi theo tên giặc chỉ huy, rồi quật ngã tên lính lê dương ấy và nhanh chóng cướp được khẩu tiểu liên. Liền sau đó, anh phát hiện ra hướng rút lui của quân giặc chính là khu căn cứ của ta. Để đảm bảo bí mật cho khu căn cứ và an toàn cho lực lượng của đội du kích, Triệu Phúc Lịch đã nhanh chóng đánh lạc hướng địch bằng cách chạy ngược lên nương lúa. Bọn giặc phát hiện liền đuổi theo và bắn anh bị thương nặng. Mặc dù vậy, anh vẫn cố sức rút dao găm đâm tên lính đứng sát gần. Điên cuồng trước hành động quả cảm của Triệu Phúc Lịch, quân giặc đã xả cả băng đạn vào anh, người con ưu tú của đồng bào Dao xã Toàn Sơn đã anh dũng hy sinh. Hành động của Triệu Phúc Lịch tay không cướp súng giặc, chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng đã thắp sáng thêm lòng yêu nước, căm thù giặc và cổ vũ tinh thần chiến đấu, chiến thắng giặc Pháp của đồng bào Dao nói riêng và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung. Liệt sỹ Triệu Phúc Lịch được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất. Ngày 11/6/1999, Triệu Phúc Lịch được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Để tưởng nhớ công lao to lớn của anh và đội du kích xã Toàn Sơn, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đài chiến công Đội du kích Toàn Sơn và được khánh thành ngày 2/9/1991, nhân kỷ niệm 46 năm ngày Quốc khánh. Đài tưởng niệm được xây dựng chính nơi năm xưa, anh hùng Triệu Phúc Lịch đã ngã xuống. Phần mộ của anh được đặt ở vị trí cao nhất trong khuôn viên Đài tưởng niệm. Ngày nay, vào dịp lễ, Tết, cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Toàn Sơn lại thành kính dâng hương, hoa tưởng nhớ những người con ưu tú và có thêm quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày một đổi mới. Nguồn : Báo Hòa Bình Điện Tử

Hòa Bình 1101 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Nhà tù Hòa Bình

Nhà tù Hoà Bình nằm bên suối Đúng, khu vực bờ trái sông Đà, thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Nhà tù được xây dựng năm 1896 để giam giữ thường phạm. Năm 1943, thực dân Pháp chuyển một số tù chính trị từ Nhà tù Sơn La về đây giam giữ. Di tích Nhà tù Hòa Bình có diện tích 1.500m2, được tỉnh trùng tu từ nhiều năm trước và được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2000. Những dấu tích còn lại của nhà tù hầu như không còn nhiều ngoài một chòi canh tròn bằng bê tông, được lính Pháp xây dựng tại triền đê Đà Giang vẫn hiện hữu. Theo lịch sử ghi lại, nhà tù Hoà Bình được xây dựng ban đầu trên diện tích đất hình chữ nhật, phía ngoài bao quanh bằng 4 bức tường cao 3 thước, trên tường chăng dây thép gai, 4 góc tường là 4 chòi canh. Tháng 3/1943, thực dân Pháp chuyển một số tù chính trị từ nhà tù Sơn La về giam giữ ở nhà tù Hoà Bình để giảm bớt số lượng, đồng thời chờ điều kiện thuận lợi để chuyển bớt, di lý một số tù nhân ra giam giữ tại Côn Đảo. Những năm 1943 và 1945, phong trào hoạt động của chi bộ nhà tù Hoà Bình, do đồng chí Lê Đức Thọ làm Bí thư phát triển mạnh đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng ở tỉnh Hoà Bình. Năm 1943, chi bộ nhà tù có kế hoạch kết nạp đảng viên mới, đây là lớp đảng viên đầu tiên chi bộ phát triển được ở nhà tù Hoà Bình. Tháng 3/1945, chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp, được sự chỉ đạo của Trung Ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, chi bộ nhà tù đã phát động và tổ chức thành công cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị. Trong 1 tuần, phần lớn tù chính trị tại nhà tù được thả tự do, được cán bộ và quần chúng cách mạng thị xã Hòa Bình tích cực giúp đỡ. Các đảng viên của chi bộ đã trở về bắt liên lạc với Trung Ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ. Một số đồng chí được bổ sung cho lực lượng cách mạng của tỉnh… Tháng 8/1945, hòa chung khí thế tiến công của cả nước, những người con đất Mường đồng loạt rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Những chiến sỹ cộng sản trong nhà tù Hòa Bình ngày ấy cũng là nhân tố quan trọng góp phần tạo đà cho ngày cách mạng quật khởi. Nhà tù Hoà Bình là chứng tích công cụ đàn áp, nói lên tội ác của thực dân Pháp, là nơi giam giữ, tra tấn các chiến sỹ cách mạng. Đồng thời chính nơi này đã bồi dưỡng, rèn luyện những chiến sỹ cộng sản kiên cường, bất khuất, giữ trọn khí tiết cách mạng, đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Hàng năm có nhiều đoàn thăm quan trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu về truyền thống cách mạng tại nhà tù Hoà Bình. Di tích Nhà tù Hoà Bình được xây dựng lại không chỉ góp phần soi sáng lịch sử, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà đối với các thế hệ cha anh đi trước; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giúp mỗi người dân nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, từ đó biết trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử dân tộc trong thời đại mới. Nguồn: Báo Hòa Bình Điện Tử

Hòa Bình 1154 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Chúa Thác Bờ

Thác Bờ là tên gọi từ xa xưa của đoạn sông Đà khi chảy qua địa bàn khu vực chợ Bờ, xã Hào Tráng. Hiện tại thì nó đã được tách ra thành hai xã, Thung Nai Hòa Bình của huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa của huyện Đà Bắc. Từ thời xa xưa nơi đây đã là mảnh đất trù phú nơi người Mường sinh sống. Tương truyền, đền bà Chúa Thác Bờ thờ hai vị nữ tướng là bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường và một bà (không rõ tên) người dân tộc Dao. Dưới thời vua Lê Lợi, hai bà đã có công giúp dân và quân vận chuyển lương thực, thuyền bè qua Thác Bờ lên Mường Lễ (Sơn La) dẹp loạn. Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp người dân an toàn vượt qua con thác nổi tiếng hiểm trở, khắc nghiệt khi sông Đà chưa ngăn dòng. Nhân dân biết ơn nên lập đền thờ hai bà nhằm tỏ lòng thành kính và mong muốn hai bà sẽ phù hộ, che chở cho họ khỏi nguy hiểm khi đi qua dòng nước. Được xây dựng theo thế nhìn sông, tựa núi với phong cảnh hữu tình, khu di tích đền Thác Bờ được chia làm 2 khu vực, đền bà Chúa Thác Bờ phía tả ngạn nằm trên đỉnh đồi Hang Thần, thuộc xã Vầy Nưa và đền Thác Bờ phía hữu ngạn nằm ở chân Thác Bờ, ngay cạnh sông Đà. Trải qua một số lần trùng tu, xây dựng lại, đền vẫn giữ được những nét độc đáo, đặc trưng. Đền phía tả ngạn có kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh, gồm nhà đại bái và nhà hậu cung. Phía trước đền có 5 cửa được lợp bằng mái ngói vảy cá. Cửa chính treo bức đại tự viết bằng chữ Hán. Trên nóc có đắp nổi mặt rồng chầu. Đền phía hữu ngạn gồm 3 gian thờ chính và hậu cung, được xây 2 tầng tựa vào núi. Tầng 1 làm nơi nghỉ trọ cho khách hành hương, tầng 2 là nơi thờ tự các vị thần linh. Trong đền không chỉ thờ bà Chúa Thác Bờ mà còn thờ các vị thần thánh khác như công đồng quan lớn, ngũ vị tôn ông, bà chúa Sơn Trang, tứ phủ Thánh Cô, tứ phủ Thánh Cậu, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn, tứ phủ Chầu Bà. Lễ hội đền diễn ra từ ngày mồng 7 tháng Giêng, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Mỗi năm, Di tích lịch sử quốc gia đền Thác Bờ thu hút hàng vạn du khách đến vãn cảnh, hành lễ. Nơi đây không chỉ là địa chỉ tín ngưỡng linh thiêng cầu bình an, may mắn mà còn là được lựa chọn cho sự khởi đầu thuận lợi cho hành trình du xuân, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên ấn tượng trên hồ Hòa Bình. Nguồn: Cục du lịch Quốc Gia Việt Nam

Hòa Bình 980 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật