Di tích lịch sử

Kiên Giang

Phù Dung cổ tự

Chùa Phù Dung còn có một tên gọi khác là chùa Phù Cừ, nằm dưới chân núi Bình San, phường Bình San, thành phố Hà Tiên, Kiên Giang. Là một trong những danh lam cổ tự của miền đất Hà Tiên hiền hòa thơ mộng, chùa Phù Dung không chỉ điểm tô cho non nước cõi biên thùy nét uy nghiêm trầm mặc của một ngôi già lam mà còn làm say lòng du khách bởi phát tích câu chuyện tình diễm lệ của ngài Tổng trấn và “nàng Ái cơ trong chậu úp”. Chùa Phù Dung gắn liền với sự tích của người nằm trong ngôi mộ cổ đó là bà Phù Dung, mà sau này người đời còn đặt cho một cái tên khác nữa là bà Dì Tự, vị sư nữ đầu tiên trụ trì ở chùa. Thực ra giai thoại trên là do dân gian kể theo tiểu thuyết lịch sử Nàng Ái Cơ trong chậu úp của bà Mộng Tuyết. Câu chuyện tóm lược như sau: Mạc Lịnh công tức Tổng binh Đại đô đốc Mạc Thiên Tích có một người vợ thứ tên là Dì Tự “sắc nước hương trời và văn hay chữ tốt”. Mạc Lịnh Công, vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà ra thiên ái. Hóa cho nên, khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ. Một hôm, nhân Mạc Lịnh công bận đi duyệt binh, ở nhà, Nguyễn phu nhân đem nhốt bà thứ vào trong một cái chậu, úp lại cho ngộp mà chết. Bất thình lình, vừa lúc đó trời bỗng đổ mưa to và Mạc Lịnh công cũng vừa về đến. Thấy trời đang mưa mà sao chậu to không ngửa lên hứng nước, ông bèn truyền lệnh giở chậu ra thì phát hiện nàng Dì Tự đang thoi thóp, nhưng may mắn hãy còn cứu kịp. Tuy thoát chết, nhưng Dì Tự trở nên chán chường sự thế, bèn xin Mạc Lịnh công cho phép đi tu. Trước sự tình ngang trái đó, ngài Tổng binh không còn cách nào khác, đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho “Ái cơ” của mình tu hành. Bên am tự, ngài cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Đến khi bà qua đời, Mạc Lịnh công cho xây ngôi mộ kiên cố, cấu trúc theo hình cái chậu để tỏ lòng tưởng nhớ đến giai nhân đã vì ông mà phải chịu oan ức, khổ ải… Ngôi am tự đó về sau trở thành Phù Dung Tự. Dù còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí còn có ý kiến cho rằng, chuyện tình của Mạc Tổng trấn và nàng Ái Cơ Phù Cừ chỉ là hư cấu của những văn sĩ, nhưng hầu hết người dân Hà Tiên đều thuộc lòng và tin rằng đó là chuyện tình đẹp, có thật, gắn liền với công cuộc khai mở đất Hà Tiên. Câu chuyện tình lịch sử thấm đẫm văn chương và nước mắt giữa Mạc Tổng trấn và Ái Cơ Phù Cừ từ đó trở đi là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm truyện, tuồng và thơ. Năm 1959, nhà văn, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà viết vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” theo tác phẩm “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” của nữ sĩ Mộng Tuyết. Vở cải lương đã thu hút không biết bao nhiêu con tim của khán thính giả thời bấy giờ. Trước sân chùa là một đài cao trên có pho tượng Phật Quan Thế Âm cao chừng 4 m bằng xi măng, sơn trắng. Kế đến là chính điện được bài trí trang nghiêm: chính giữa là tượng Thích ca Mâu ni, hai bên là hai đại đệ tử Anan và Ca diếp. Ở đây còn có 4 bức phù điêu lớn (mỗi tấm cao 1,3 m, ngang 2,3 m) minh họa 4 cảnh đức Phật đản sanh, xuất gia, thuyết pháp và nhập niết bàn. Sau lưng ngôi chính điện, qua một khoảng sân nhỏ, du khách sẽ gặp một tòa lầu gác cao hai tầng có tên gọi “Ngọc Hoàng bửu điện”, nơi đây thờ Ngọc Hoàng thượng đế cùng hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu. Phía bên trái chùa Phù Dung có một lối nhỏ men theo triền núi. Đi khoảng 20 m sẽ gặp một ngôi mộ cổ nằm tựa lưng vào vách núi giữa rừng cây cao vút, mát mẻ, u tịch. Trên bia mộ có nhiều dòng chữ Hán. Bên cạnh mộ, có một tấm bia đá khắc chữ Việt ghi: Lăng bà Phù Dung – Từ Thành Thục Nhơn – Nguyễn Thị Xuân (1720-1761) – viên tịch rằm tháng 2 Âm lịch – Hiệu Phù Cừ. Nguồn: Du lịch Kiên Giang

Kiên Giang 710 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Cù Là

Chùa Cù Là Mới tọa lạc tại khu phố Minh Lạc, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang là một ngôi chùa Phật giáo hệ phái Nam tông Khmer. Chùa Cù Là được công nhận di tích lịch sửu văn hoá cấp quốc gia ngày 28 tháng 9 năm 1990. Sau cuộc tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 và mùa hè 1972, quân dân Miền Nam nổi dậy khắp nơi. Trong khi đó quân ngụy Sài Gòn liên tiếp thất bại. Từ đó chính quyền Sài Gòn liên tiếp mở nhiều cuộc bao vây các chùa Khmer, chặn đường, xét, bắt sư sãi và con em đồng bào dân tộc đi lính. Trước tình hình trên, được sự chỉ đạo của Tỉnh Ủy và Ban Khmer vận, vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 10/06/1974 sư sãi cùng đồng bào dân tộc khmer, kinh, hoa đổ ra đường lộ 12 (nay là quốc lộ 61) để biểu tình đòi trả tự do cho các vị sư bị bắt đi quân dịch. Đồng thời đoàn biểu tình còn giương cao các khẩu hiệu như: “Chấm dứt bắn phá chùa chiền, giết hại sư sãi và đồng bào vô tội”; “Tôn trọng tự do tín ngưỡng”; “Lập lại hòa bình, chống chiến tranh phi nghĩa”… Bốn vị sư đã hy sinh, sau khi bắn chết các vị sư, chúng đã chở các thi hài về bệnh viện tỉnh lột áo cà sa của các vị sư ra, mặc áo đen vào rồi đặt trên mình các vị sư mỗi vị một khẩu súng A-K, rồi vu khống là việt cộng. Trước cuộc đấu tranh mạnh mẽ của sư sãi và đồng bào buộc chúng phải cử người xuống xin lỗi sư sãi, đồng bào và trả lại thi hài 4 sư đã hy sinh, đồng thời đưa các vị sư, đồng bào bị thương đi chữa trị. Đến 16 giờ 30 phút, ngày 10/6/1974 chính quyền địch đã cho xe chở thi thể 4 sư về chùa tháp Cù Là để làm lễ táng. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, để ghi công và tưởng nhớ tấm gương anh dũng hy sinh của 4 vị sư và đồng bào sư sãi, Nhà nước đã công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 4 sư: Đến ngày 20/9/1990 tháp 4 sư liệt sĩ được công nhận di tích Văn Hóa – Lịch Sử cấp quốc gia. Chùa Cù Là được chọn xây dựng trên một khu đất rộng, bao bọc bởi những hàng cây dầu, cây thốt nốt, rừng tràm xanh tươi. Tổng thể chùa gồm: cổng chùa, tường rào, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, tăng xá, nhà hội, an xá,… Trong đó, nổi bật và quan trọng nhất là ngôi chính điện được xây dựng ở trung tâm của ngôi chùa. Bên ngoài của chính điện có các công trình phụ trợ, các trang trí phù điêu đắp nổi, thể hiện các hình tượng tiên nữ xinh đẹp, chim thần Krud nâng đỡ mái chùa, chằn Yeak hung dữ, đầu thần Bayon bốn mặt... được lấy từ văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Khmer, ngoài ra có các dãy hành lang tạo không gian thoáng mát, trang trí các hình tượng những thế lực tà ác đã bị đức Phật quy phục. Trong không gian trong chính điện bài trí nhiều họa tiết tinh tế với một bệ thờ theo hình một tòa sen chia thành nhiều cấp và trang trí trau chuốt, cẩn thận để thờ đức Phật bên trên. Tượng Phật Thích Ca được chạm khắc hài hòa với không gian chính điện và có thể tạo dáng ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi, thể hiện sự đa dạng, phong phú về ý nghĩa đạo đức và vẻ đẹp của Đức Phật. Nguồn: Trang Thông tin điện tử Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang

Kiên Giang 999 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Sóc Xoài

Tọa lạc tại Khu phố Sơn Tiến, thị trấn Sóc Sơn huyện Hòn Đất, Chùa Sóc Xoài là ngôi chùa có kiến trúc điển hình của Phật giáo Nam tông Khmer tại tỉnh Kiên Giang. Chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1989. Được thành lập vào những năm cuối thế kỷ 18 do Hòa thượng Danh Phiêch sáng lập. Trải qua 19 đời trụ trì, chùa Sóc Xoài không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa cho chư tăng và đồng bào Khmer mà còn là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng trong cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó, chùa Sóc Xoài vừa là trường học dạy chữ viết, là trung tâm giáo dục cho đồng bào Khmer tại địa phương. Theo Đại đức Danh Hữu Giang, Phó trụ trì chùa Sóc Xoài cho biết, ngôi chùa Sóc Xoài được coi là một địa điểm che chở, quây quần bà con Khmer tại địa phương, là điểm kết nối văn hóa, tình đoàn kết dân tộc, là nhân tố làm đẹp thêm truyền thống dân tộc, tôn giáo của nhân dân Hòn Đất nói riêng và tỉnh kiên Giang nói chung. Theo Đại đức Danh Hữu Giang, Phó trụ trì chùa Sóc Xoài nói: Chùa Sóc Xoài có truyền thống đấu tranh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và ngày nay luôn thể hiện vai trò hướng dẫn đồng bào Khmer tu tập theo giáo lý Phật, thực hành văn hóa theo truyền thống dân tộc. Ngoài ra, chùa Sóc Xoài còn tái hiện một số dụng cụ dùng để đánh bắt cá, làm ruộng nương được làm bằng tre như: nôm, sniên, trúm, giỏ đựng cá,… và nhiều vật dụng sinh hoạt như: nọc cấy, gàu sòng, bừa.. đồng bào Khmer xưa. Theo sự phát triển của xã hội thì các công cụ lao động sản xuất cũng như các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào Khmer xưa không còn phù hợp với thời đại. Các vật dụng này, theo thời gian sẽ dần đi vào quên lãng và hư hỏng nếu không được bảo quản và giữ gìn. Vì thế các vật dụng này được tái tạo lại với mục đích cho con cháu sau này biết đến các hoạt động sản xuất và nét đẹp văn hóa của ông cha từ thời xa xưa. Về trường học, ở chùa Sóc Xoài thì có dạy tiếng Bali, tiếng săncrít và kinh luận giới. Trong đó, có ngôn ngữ Khmer, giới luật của đức Phật. Bên cạnh đó, còn phối hợp để mở lớp trung cấp Luật. Lớp này là để cho Chư tăng và phật tử hiểu được cái cốt lõi là chính sách, là đường lối pháp luật của nhà nước mình để cho nắm rõ, nhất là luật về tôn giáo, khi mình hiểu rõ mình sẽ dễ hoạt động trong cộng đồng mình và trong chùa mình muốn xây dựng hoặc muốn gì đó cũng không vi phạm pháp luật. Bên cạnh việc dạy chữ, đào tạo kiến thức về văn hóa, về pháp luật cho chư tăng, phật tử, chùa Sóc Xoài còn bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc tổ chức chương trình văn nghệ, thi diễn thời trang. Thông qua các lễ hội được tổ chức đúng truyền thống văn hóa, giúp giới trẻ người Khmer tại địa phương hiểu biết, tôn quý giá trị văn hóa truyền thống, từ đó hiểu đúng ý nghĩa của lễ hội, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao vai trò của người Khmer trong xây dựng cộng đồng, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang

Kiên Giang 1398 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử và Thắng cảnh MoSo

Di tích lịch sử và thắng cảnh Mo So thuộc ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Mo So tiếng Khmer nghĩa là núi vôi, hay đá trắng. Ngọn núi này có diện tích 23,5ha. Mo So được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia ngày 13/2/1995. Thời chống Pháp, Mo So là nơi đóng quân của Công binh xưởng Quân khu 9, Công binh xưởng 18 chế tạo, sửa chữa vũ khí, cung cấp cho quân ta ở chiến trường Tây Nam Bộ. Những năm 1950, địch mở nhiều cuộc càn quét vào hậu cứ vùng giải phóng, trong đó có Mo So nhằm cắt nguồn hậu cần, làm suy yếu sức mạnh tiến công của quân, dân ta. Sáng ngày 4/3/1951, địch đánh Mo So. Pháo từ biển bắn vào tới tấp, binh khí hỏa lực từ máy bay trút xuống. Mo So rền vang trong cơn mưa đạn, không gian bao trùm một màu ảm đạm. Lực lượng ta chỉ có 60 đồng chí, chiến đấu anh dũng. Trưa cùng ngày, đồng đội nghiêng mình vĩnh biệt anh Thạch Xiêm, người Khmer đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đồng đội và Công binh xưởng 18. Thời kháng chiến chống Mỹ, Mo So tiếp tục là căn cứ vững chắc của Huyện ủy Hà Tiên. Đây cũng là điểm chốt quan trọng trên tuyến đường 1C chi viện vũ khí từ bắc vào nam, thông qua tỉnh Kampốt (Vương quốc Campuchia) về vùng U Minh Thượng. Giữa tháng 7/1969, các cơ quan của Hà Tiên chuyển về Mo So. Tháng 7/1970, địch bao vây miệng núi Mo So. Chúng rải chất hóa học, Mo So từ một mầu xanh của núi rừng chỉ còn trơ đá. Nhiều chiến sĩ hy sinh phải mang ra chân núi Mo So chôn cất. Không lùi bước trước quân thù, ý chí của lực lượng ta khi ấy như ngọn núi Mo So, sừng sững, hiên ngang. Từ tháng 7/1969 đến tháng 4/1970, tại chiến trường Mo So, quân ta tiêu diệt hơn 4.000 tên địch, phá hủy 80 xe tăng, bắn rơi 10 máy bay. Chiến thắng Mo So góp phần cùng thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo các nhà khảo cổ học Việt Nam, núi Mo So có hơn 20 hang lớn nhỏ, có những hang rất lớn chứa hàng nghìn người. Theo tư liệu khảo cổ học Việt Nam, Mo So và nhiều núi đá vôi khác ở huyện Kiên Lương được hình thành vào khoảng 240 triệu năm trước. Phần chân núi còn để lại dấu ngấm nước biển lõm sâu vào vách đá, là dấu tích khoảng 4.000 đến 5.000 năm trước Công nguyên. Mo So tuyệt đẹp và thơ mộng. Bảo vệ, tôn tạo và phát triển du lịch Di tích lịch sử và thắng cảnh Mo So không chỉ là bảo vệ cảnh sắc thiên nhiên, sự phát triển bền vững của một hệ sinh thái núi đá vôi, hang động, mà còn là bảo vệ chiến tích của cha anh. Nơi đây đã từng bao bọc, che chở những người con anh dũng đã góp phần làm nên lịch sử. Nguồn: Du lịch Kiên Giang

Kiên Giang 1027 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng mộ Mạc Cửu

Khu Di tích lăng Mạc Cửu thuộc quần thể đền thờ và lăng mộ dòng họ Mạc mà khởi đầu là Mạc Cửu, người đã có công khai phá mảnh đất Hà Tiên hơn 300 năm trước. Di tích nằm trên đường Mạc Cửu dưới chân núi Bình San, thuộc phường Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Theo sử sách ghi lại, Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã dừng lại ở đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến tháng 8 năm 1708, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được Chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”. Mặc dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn, nhưng Chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương. Trải qua 7 đời nắm quyền, dòng họ Mạc đã biến vùng đất Hà Tiên hoang sơ thành một trong những địa điểm buôn bán sầm uất nhất trong khu vực. Khu di tích lăng Mạc Cửu gồm: đền thờ, lăng Mạc Cửu cùng với 59 lăng mộ lớn nhỏ khác là những người thân tộc và gắn bó với sự nghiệp dòng họ Mạc trên vùng đất Hà Tiên. Lăng và đền thờ Mạc Cửu được xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giac; bên phải là Đại Kim Dự. Đền thờ họ Mạc có tên gọi là Trung Nghĩa Từ, dân địa phương quen gọi là miếu Ông Lịnh. Trước đền thờ là 2 ao lớn nở đầy hoa sen mà trước kia Mạc Cửu đã cho đào để lấy nước ngọt cho dân trong vùng dùng trong mùa khô hạn. Lăng được xây dựng theo kiến trúc ba gian với cổng Tam Quan phía trước, hai bên là hai câu đối bằng chữ Hán Nôm do nhà Nguyễn ban tặng: Nằm bên phải đền thờ là nhà tiền hiền thờ những người trước ông Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, bên trái là nhà hậu hiền thờ những người đến sau ông. Ngay chánh điện đền có biển thờ với bốn đại tự: “Khai trấn trụ quốc”. Đây là sự ghi nhận công đức của dòng họ Mạc trong công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi nước Việt về phía nam. Bên trong chính điện, bàn thờ ở giữa thờ ngai vị của ông Mạc Cửu và các hậu duệ của ông. Bên phải là bàn thờ các quan văn, quan võ dưới thời họ Mạc, bên trái là bàn thờ các phu nhân của dòng họ. Từ đền thờ quay ra, phía tay trái sẽ có bảng chỉ dẫn lên lăng mộ Mạc Cửu cùng dòng họ nhà Mạc. Với hơn 60 ngôi mộ cổ được chia thành 4 khu riêng biệt: khu 1 là lăng mộ các tiểu vương dòng họ Mạc, khu 2 là lăng mộ các phu nhân, khu 3 là lăng mộ các quan và khu 4 là lăng mộ các thành viên khác của dòng họ Mạc. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa, hình bán nguyệt khoét sâu vào triền núi, chỗ chôn hài cốt đúc vôi và nước “ô dước” ra dáng con trâu nằm. Hai bên tả hữu là hai vị tướng, quanh mộ xây hai con rồng quấn vào nhau. Bậc thềm cẩn bằng đá xanh Quảng Tây, nhiều tảng đá dài hơn 3m. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tứ (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tứ (cũng giống như mộ cha nhưng bày trí khiêm nhường hơn). Tuy trải qua gần 300 năm, nhưng đền thờ, lăng mộ dòng họ Mạc vẫn giữ được nguyên vẹn những nét kiến trúc của thời kỳ đầu. Nguồn: Du lịch Kiên Giang

Kiên Giang 1144 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di Tích Lịch Sử Nhà Tù Hà Tiên

Nhà tù Hà Tiên tọa lạc tại cuối đường Mạc Công Du, thuộc phường Bình San, thành phố Hà Tiên. Nhà tù Hà Tiên nằm trên một khu đất bằng phẳng hình chữ nhật chiều dài 30m, chiều rộng 25m, bao quanh là bức tường bằng đá kiên cố, bốn gốc có bốn tháp canh. Nhà tù được xây dựng vào năm 1897 bởi thực dân Pháp. Lúc đầu, nhà tù được gọi là Khám Hà Tiên, sau đó đổi tên thành Nhà lao Hà Tiên. Đây vừa là nơi tố cáo tội ác thực dân Pháp, chúng đã giam hang ngàn người Việt Nam yêu nước, tra tấn đánh đập dã man; đây cũng là nơi ra đời một chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Bộ từ năm 1930. Lúc mới xây dựng nhà tù chưa có tường cao kiên cố, chỉ có một hàng rào thấp bằng cây. Năm 1940 – 1942 vì số tù nhân đông và để ngăn chặn vượt ngục nên tường rào được xây kiên cố, chỉ có một lối duy nhất là cổng chính, cánh cổng bằng sắt nặng và chắc. Từ cổng chính vào đến nhà giam là 8m, bờ rào ba mặt còn lại cách nhà giam 3m. Ba dãy nhà giam và dãy nhà bếp phía sau tạo thành một khu hình chữ nhật. Tất cả các dãy đều có tường xây gạch ốp đá, nền gạch tàu, mái lợp ngói. Phía tay trái là phòng của lính canh, kế phòng lính là nơi làm việc của quản ngục và cũng là phòng hỏi cung, tra tấn và để dụng cụ tra tấn. Phía tay phải là một phòng giam không có cửa sổ. Các tù nhân mặc quần áo màu xanh, sau lưng có in chữ P (viết tắt của chữ Prison); khi đi làm mặc quần ngắn và đội nón lá. Những người trốn tù sẽ bị xiềng chân và bị cạo một nửa mái tóc bôi dầu hắc lên. Những người đấu tranh (họ gọi là nổi loạn) thì bị giam cách biệt trong phòng nhỏ. Cho đến nay chưa có số liệu cụ thể, nhưng vào đầu năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp thì nhà tù Hà Tiên giải phóng khoảng 500 tù nhân. Ở đây có nhiều cực hình tra tấn dã man như: tra điện, kẹp điện vào mang tai, cổ tay, cổ chân… cho điện giật rồi xối nước lạnh. Có một phòng hỏi cung để đầy dụng cụ tra tấn, đánh đập để uy hiếp ép cung. Không chỉ tra tấn, bọn chúng còn bắt tù nhân phải lao động rất vất vả. Trước năm 1930 nhà tù không có nhà vệ sinh, nên mỗi ngày chúng cử hai tù nhân khiêng thùng ra sông đổ. Tù nhân lao dịch còn bị đánh đập, ăn uống cực khổ, chỉ toàn cá ươn và bí rợ. Từ tháng 5 năm 1930, nhà tù Hà Tiên có thêm tù nhân chính trị. Và cũng từ đó, chi bộ Cộng sản được thành lập tại đây. Giữa năm 1930, tại khám Hà Tiên nổ ra cuộc đấu tranh của tù chính trị do chi bộ nhà tù trực tiếp lãnh đạo. Tù nhân tuyệt thực, đòi được chăm sóc đời sống, đòi giảm giờ lao động khổ sai, cải thiện chế độ ăn uống… Đội tự vệ của nhà tù được thành lập, họ lấy dụng cụ lao động đối phó với bọn cai ngục. Tuy cuộc đấu tranh bị đàn áp nhưng gây tiếng vang lớn, nhiều đồng bào đã tỏ lòng kính phục những người Đảng viên Cộng sản. Trong thời gian đi lao động ở Núi Lăng, tù chính trị được tiếp xúc với bên ngoài. Chi bộ nhà tù đã tuyên truyền quần chúng giác ngộ cách mạng, tập hợp những quần chúng tích cực, có đủ phẩm chất thành lập một chi bộ Đảng, lấy tên là Đảng bộ Cộng sản Hà Tiên gồm năm người. Nhà tù là một chứng tích lịch sử quan trọng, ghi dấu những tội ác của thực dân Pháp và tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Ngày 5 tháng 9 năm 1989, nhà tù Hà Tiên đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Du lịch Kiên Giang

Kiên Giang 1121 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Phật Lớn

Chùa Phật Lớn là ngôi chùa lâu đời của người khmer có pháp danh Ut Đôn Men Chi, hiện tọa lạc tại số 151 đường Quang Trung, phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá. Chùa đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia ngày 28/12/2001. Chùa Phật Lớn là một trong 73 chùa Phật giáo Nam tông của tỉnh Kiên Giang được hình thành và phát triển khá sớm vào khoảng năm 1504 – thế kỷ 16. Sau ba lần thay đổi vị trí, từ năm 1884 đến nay, ngôi chùa có vị trí hiện tại. Hơn 100 năm qua, chùa không chỉ là nơi thờ phật, nơi tu hành của các vị sư sãi mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, là nơi thể hiện sự gắn bó keo sơn giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sinh hoạt, học tập, trong lao động, trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ bao đời nay. Đặc biệt, có một sự kiện lịch sử đã được ghi vào trang sử vàng, đó là vào ngày 11/8/1848, quân và dân Kiên Giang phối hợp với lực lượng quân khu 4 tổ chức một trận đánh quy mô ở Sóc Xoài, tiêu diệt nhiều tên địch và thu nhiều vũ khí. Đây là trận thắng lớn thứ hai sau trận Tầm Vu ở đồng bằng sông Cửu Long ở giai đoạn này trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để trả đũa cho trận thua nhục nhã này, 17 giờ chiều cùng ngày, bọn Pháp đã đưa 32 chiến sĩ cách mạng đang bị chúng giam cầm tại Khám Lớn, Rạch Giá đến chùa Phật Lớn, dùng súng nổ hàng loạt vào các chiến sĩ cách mạng, sau khi giết chết 32 người, chúng còn đòi bắn bể đầu các vị sư trong chùa và lục soát khắp nơi. Khi chúng đi khỏi, các vị sư đã chôn cất 32 chiến sĩ cách mạng ngay phía sau ngôi chùa. Hiện nay, nơi này đã dựng bia căm thù để mọi người không quên tội ác của giặc. Chùa Phật Lớn không những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị về lịch sử. Đối với người Khmer, ngôi chùa là không gian thiêng liêng duy nhất nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con vẫn góp công, góp của xây dựng, trùng tu, sửa chữa ngôi chùa khá khang trang. Chùa có kiến trúc đặc sắc thể hiện rõ qua các mảng hoa văn trang trí, phù điêu, tượng phật, tất cả đều được sơn son thếp vàng: tượng Ma Ha Prưm bốn mặt, tượng các chim thần Ma Ha Krút, tượng nữ thần, rồng hổ phù, tượng mãnh thú, tượng khỉ… Nguồn: Du lịch Kiên Giang

Kiên Giang 950 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Ratanaransĩ (Chùa Láng Cát)

Chùa Láng Cát tọa lạc tại số 325 đường Ngô Quyền, thuộc Khu Phố 1, phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang. Đây là ngôi chùa thuộc hệ phái Nam Tông của người Khmer. Chùa Láng Cát từng có tất cả 31 đời trụ trì và nhiều tên gọi khác nhau. Chùa được xây dựng vào năm 1412, lúc đầu có tên là Angkor Chum do trụ trì là người Campuchia. Sau đó, chùa được đổi tên thành chùa Láng Cát, vì tọa lạc trên vùng đất cao rộng lớn thuộc phía Đông Nam của Rạch Giá. Vào tháng 5/2009 chùa Láng Cát cùng với Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang cùng hội đoàn kết các sư yêu nước đã tổ chức khánh thành chánh điện. Tới năm 1997 Ban quản trì cùng Phật tử kêu gọi phát tâm hùn phước đóng góp xây dựng và tới 2003 xây dựng được phần nền, móng cùng với cột bê tông. Chùa Láng Cát có kiến trúc mang đậm dấu ấn Khmer. Khu vực chánh điện của chùa được bài trí trang nghiêm, bệ thờ tượng Phật cùng viên ngọc xá Lợi do Hòa thượng Hộ Tông thỉnh từ Ấn Độ vào năm 1957. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Tôn trí tầng cao nhất là tượng đức Phật Thích Ca thành đạo, bên dưới là các tượng đức Phật trì bình khất thực, đức Phật cứu độ chúng sanh. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Nguồn: Giáo hội phật giáo tỉnh Kiên Giang

Kiên Giang 1111 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Thần Vĩnh Hòa

Đình Vĩnh Hoà là một di sản lịch sử văn hoá đã tồn tại gần 300 năm, là ngôi đình cổ nhất của tỉnh Kiên Giang, là nơi sinh hoạt văn hoá thuần tuý của nhân dân vùng Rạch Giá từ lúc con người đến đây khai hoang lập ấp. Đình Vĩnh Hoà thường gọi là đình Vĩnh Huề, tọa lạc tại số 61 đường Nguyễn Hùng Sơn, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Đình được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 18 với tên gọi đầu tiên là miếu Hội Đồng, miếu thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị Tôn Thần thời Trung Hưng mà nhân dân cho là rất linh ứng. Năm 1883, ngôi miếu cổ Hội Đồng được xây dựng lại to hơn thành đình. Đình Vĩnh Hòa tự hào được triều đình Huế hai lần phong sắc: thời vua Minh Mạng (1832) và thời vua Bảo Đại (1934). Trong lịch sử chống Pháp xâm lược đầu thế kỷ 19, đình Vĩnh Hoà là điểm khao quân của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sau khi hạ đồn Rạch Giá (16/6/1868). Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa 1932-1945, đình Vĩnh Hoà là điểm tựa của nhân dân Rạch Giá chống áp bức bóc lột, là một trong những nơi thành lập chi Bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của địa phương, là cái nôi hoạt động cách mạng bí mật của chi Bộ Đảng Cộng Sản, là địa chỉ đỏ tiếp nhận và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào tỉnh Rạch Giá - Hà Tiên. Trải qua nhiều cuộc biến đổi lịch sử, Đình Vĩnh Hoà cũng đã từng bước được tôn tạo lại. Đình có giá trị lớn trên 2 mặt lịch sử và sinh hoạt văn hoá cổ truyền, là nơi tổ chức hội hè, vui chơi như hát bội, múa lân, múa rồng… là công trình nghệ thuật độc đáo của nhân dân lao động nhằm gìn giữ phong tục, tập quán của người Việt trong thời kỳ phát triển lịch sử văn hoá, đánh dấu bước chân của người Việt đến đây mở mang bờ cõi. Đình Vĩnh Hoà được công nhận là di tích Lịch sử cấp quốc gia ngày 5 tháng 9 năm 1989 Nguồn: Du lịch Kiên Giang

Kiên Giang 1396 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Tam Bảo

Di tích Chùa Tam Bảo nằm trên đường Sư Thiện Ân, Thành Phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chùa Tam Bảo được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1998. Lúc đầu, chùa Tam Bảo được dựng bằng gỗ, lợp lá. Năm 1917, hòa thượng Trí Thiền trùng kiến ngôi chùa. Lịch sử phát triển của chùa Sắc Tứ Tam Bảo gắn với sự nghiệp hoằng pháp của hòa thượng Thích Trí Thiền, thế danh Nguyễn Văn Đồng, vì vậy chùa có tên gọi là chùa Ông Đồng. Từ năm 1940, hòa thượng Trí Thiền, sư Thiện Chiếu, sư Thiện Ân lấy chùa Tam Bảo thành địa điểm liên lạc và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo cùng tài liệu, truyền đơn chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ. Tháng 6-1941, do bị chỉ điểm, Pháp khám xét chùa, hòa thượng Trí Thiền, sư Thiện Ân bị Pháp bắt. Ra Tòa đại hình, hòa thượng Trí Thiền bị kết án 5 năm đày Côn Đảo, sư Thiện Ân bị kết án tử hình. Tại Côn Đảo, năm 1943, hòa thượng Trí Thiền tuyệt thực phản đối chế độ lao tù khắc nghiệt và mất. Tương truyền chùa Tam Bảo được vua Gia Long ban sắc phong “Sắc Tứ Tam Bảo Tự”. Tấm sắc phong được cho là bị mất trong thời kỳ bị giặc Pháp đàn áp những năm thập niên 30-40 thế kỷ 20. Chùa Tam Bảo có kiến trúc tổng thể độc đáo, bố cục gọn gàng kết hợp hài hòa chất liệu gạch, gỗ, đá. Không gian yên tĩnh, trang nghiêm. Chùa có ba tầng mái ngói, được lợp bằng ngói ống. Những hàng cột gỗ đen to, thân cột phình ra được đục đẽo thành hình bát giác trông vững chắc. Chánh điện được chia làm ba gian, mỗi gian có bàn thờ. Các bao lam bằng gỗ được chạm hình nổi, sơn son thếp vàng các hình rồng phượng, hoa lá, chim muông đầy tính nghệ thuật, tạo ấn tượng linh thiêng cho người xem. Chùa Tam Bảo có nhiều pho tượng đẹp và thể hiện trình độ cao về kỹ thuật điêu khắc. Ngày nay, chùa được nhiều người dân, khách du lịch tìm về chiêm bái, vọng cảnh mỗi khi có dịp đến Thành Phố Rạch Giá. Nguồn: Báo Kiên Giang online

Kiên Giang 998 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Thần Nguyễn Trung Trực

Đình thần Nguyễn Trung Trực hay Đền thờ Nguyễn Trung Trực tọa lạc ở phía Tây trung tâm thành phố Rạch Giá, là ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực sớm nhất và lớn nhất trong số chín ngôi đền thờ ông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, hiện nằm ở số 14 đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838, tại Bình Nhật, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, ông tham gia và lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Ông bị thực dân Pháp bắt và bị chúng xử chém tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, khi ông mới 30 tuổi. Ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân lập nên chiến công vang dội, đốt cháy tàu Espérance của giặc Pháp trên vàm Nhật Tảo, tiêu diệt nhiều tên địch. Sau chiến công Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực được triều đình phong tặng chức quản cơ, đây là bậc võ quan được xếp vào hàng chánh tứ phẩm. Cuối tháng 6/1867, thực dân Pháp chiếm Vĩnh Long, tiếp đó là các tỉnh An Giang và Hà Tiên. Lúc này, Nguyễn Trung Trực cùng một số nghĩa quân về Hòn Chông xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng tiếp tục tấn công địch. Sau những chiến công vang dội của Nguyễn Trung Trực, giặc Pháp và tay sai điên cuồng truy tìm ông, chúng treo giải thưởng cao cho ai bắt hoặc giết được ông. Độc ác hơn, chúng bắt giữ mẹ ông hòng gây áp lực, buộc ông đầu hàng; đồng thời chúng tăng cường lực lượng trấn áp nghĩa quân. Không khuất phục kẻ thù xâm lược, Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân đã rút ra đảo Phú Quốc để bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ tiếp tục chống Pháp. Ngày 19/9/1868, giặc Pháp đưa hơn 100 lính Mã tà ra Phú Quốc, tấn công Hàm Ninh; sau đó chúng tăng cường thêm viện binh tấn công Dương Đông. Chúng bao vây, khủng bố, khống chế gắt gao nhân dân trên đảo hòng cô lập và triệt hạ nghĩa quân. Trước cảnh đồng bào bị đàn áp, khảo tra, vũ khí của nghĩa quân cạn kiệt, thế giặc lại mạnh, Nguyễn Trung Trực đã quyết định hy sinh bản thân mình để bảo toàn lực lượng cho nghĩa quân và tính mạng cho đồng bào. Cảm phục và tôn kính người anh hùng của dân tộc, sau khi Nguyễn Trung Trực bị kẻ thù hành hình, đồng bào đã lập bài vị bí mật thờ ông tại Lăng Cá Ông. Ban đầu, nơi đây chỉ là một ngôi đền nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá; sau nhiều lần sửa chữa, Đền thờ Nguyễn Trung Trực ngày càng khang trang hơn. Năm 1987, di tích Đình và Lăng mộ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đình Nguyễn Trung Trực nằm bên bờ sông Kiên hướng ra biển, phía trước có cột cổng lớn ghi tên tự ngôi. Hiện nay, không chỉ ở thành phố Rạch Giá, mà nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang cũng có hàng chục ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực, như đền thờ ở huyện Hòn Đất, đền thờ ở huyện Châu Thành, đền thờ ở huyện Kiên Lương, đền thờ ở huyện Phú Quốc… Một số tỉnh như Long An, An Giang, Cà Mau, Bình Định… đều có đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Hằng năm, vào ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân trong tỉnh và các địa phương trong cả nước lại hội tụ về thành phố Rạch Giá để tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang

Kiên Giang 1466 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật