Di tích lịch sử

Quảng Ninh

Cụm di tích lịch sử và thắng cảnh Yên Đức

Cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức nằm ở phía Tây Nam xã Yên Đức, phía Đông Nam thị xã Đông Triều, phía Tây tỉnh Quảng Ninh; cách thành phố Hạ Long khoảng 60km và cách thủ đô Hà Nội 100km. Cụm đi tích này được hợp thành bởi 5 di tích: Núi Canh, núi Đống Thóc, núi Thung, núi Con Chuột, núi Con Mèo. Tất cả như hội tụ về đây tạo thành một vùng non nước hữu tình, mỗi di tích đều mang một giá trị lịch sử, cách mạng, văn hóa riêng, không chỉ có giá trị thắng cảnh tuyệt đẹp mà gắn liền với mỗi di tích là một truyền thuyết dân gian có liên hệ khăng khít mật thiết với nhau như không thể tách rời. 1. Di tích núi Canh: Do các ngọn núi của làng Yên Khánh và làng Đồn Sơn tạo thành giống như hình cái cày, tạo thành bức tường thành trấn ải cửa ngõ Đông Bắc của xã. Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước đứng trên đỉnh núi Canh có thể bao quát toàn bộ các khu vực xung quanh, các trạm canh gác trên núi được xây dựng nên núi Canh còn có nghĩa là Canh gác. Tại núi Canh, từ xa xưa Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để chỉ huy tầm xa chiến trận Bạch Đằng Giang lần thứ 2 ( 1285). Thời kỳ chống giặc phương Bắc Yên Đức cũng gắn liền với quá trình dựng và giữ nước của dân tộc. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp núi Canh đã từng là căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Yên Thế, là kho dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Cũng từ chiến dịch này các ngõ ngách, hang động trên núi Canh được khơi thông với những tên tuổi sống mãi với non nước như: Hang gốc Bòng, hang gốc Gạo, hang Luồn ... Hang 73 ở phía Tây núi - nơi ghi dấu tội ác tày trời của thực dân Pháp đã giết và hun chết 106 người, trong đó có 73 chiến sỹ, cán bộ, đồng bào ta chung một mộ. Mỗi hang đều gắn liền với những chiến công hiển hách, đã đi vào lịch sử với những chiến thắng vĩ đại trong lòng nhân dân Yên Đức. 2. Di tích núi Đống Thóc: Nằm trong lòng quần thể núi Yên Đức, một bên là núi Thung, một bên là núi Con Mèo. Núi có hình thù giống như một đống thóc vừa to vừa đầy. Với cư dân nông nghiệp nó là biểu tượng cho sự phồn thịnh, no đủ, sung túc, sự trù phú của làng quê Việt Nam. 3. Di tích núi Con Chuột: Nằm cuối cùng về phía Nam trong cụm di tích trên bãi nổi giữa ngã ba sông đá Bạch, sông Kinh Thầy, sông Đá Vách, hình thù giống như một con chuột đang rình phá thóc, nhưng bị núi Con Mèo ngăn chặn. Trong truyền thuyết núi Con Chuột biều tượng của thế lực gian tà trên cả nghĩa rộng, nghĩa hẹp. Phá hoại thành quả của con người. 4. Di tích núi Con Mèo: Còn có tên là Ngọa Miêu Sơn, có hình thể giống như con mèo đang nằm rình chuột, chặn chuột để bảo vệ đống thóc, bảo vệ thành quả của con người. Và nó cũng là biểu tượng bảo vệ cho sự an bình thịnh vượng sự trường tồn của non sông đất nước. Đây cũng là địa điểm chỉ huy tầm xa chiến trận Bạch Đằng Giang chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (1285). Di tích được liệt vào một trong những danh sơn của vùng Đông Bắc. trong vòm hang có một số bài thơ chữ Nôm, chữ Hán, chữ Quốc Ngữ, trong đó có bài thơ Nôm nổi tiếng mang dòng chữ " Nhân tộn Hoàng đế ngự đề. niên hiệu trùng tu bát niên xuân". Tuy nhiên hiện nay chỉ còn duy nhất vòm hang núi, thân đầu con mèo đã bị tàn phá. 5. Di tích núi Thung: Nằm về phía Tây của quần thể di tích. Thung có nghĩa là cối giã gạo, dưới chân núi là tường đá bao quanh. Xưa kia ở phía Đông ngọn núi có ngôi chùa Cảnh Huống được trùng tu lớn nhất vào năm 1694, nhưng vào năm 1980 - 1982 chùa bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại bài thơ khắc vào đá và một tấm bia tạc ở khe đá núi Thung, đến năm 1994 - 1995 chùa được khôi phục lại. Phía Đông núi còn lại một ngôi tháp cao ba tầng, phía Nam còn lại một cổng được gọi là cổng Thung, hai tầng xây bằng gạch đỏ. phía Nam chân núi có Chùa Một mái, có một phiến đá rộng tạo thành một cửa hang nhân dân lập ban thờ, phía ngoài xây tường mở rộng trước cửa, bên trong còn có một số pho tượng, đặc biệt chú ý là còn duy nhất một cuốn thư sơn son thếp vàng với 4 chữ Hán nổi: Thị ứng xương kỳ; bên trái chùa Một mái là đền thờ 8 vị thủy tổ có công khai dân lập làng được sửa lại năm 1987, bên phải chùa là một giếng nước ngọt, có bài thơ viết bằng chữ Hán khắc vào vách núi kể về sự kiện năm hạn hán đào cái giếng này, bài thơ khắc niên hiệu: Khải Định tam niên tam nguyệt, cạnh giếng nước là lầu bình thơ được xây dựng vào thế kỷ XIX trên một tảng đá nổi về phía Tây Nam núi, kiến trúc cửa vòm 4 cửa thông, trong có hai bài thơ viết bằng mực tàu trong cuốn thư trên vách lầu. Di tích núi Thung ngoài ý nghĩa là một danh thắng, tên tuổi gắn với tiềm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước mà còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử văn hóa, lưu giữ nhiều văn bia chữ Hán trải qua quá trình dựng và giữ nước. Với những giá trị về lịch sử, cách mạng, văn hóa và danh thắng cụm di tích Yên Đức đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - thắng cảnh cấp Quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 221 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà

Di tích lịch sử Quốc gia Miếu Ông và Miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, nằm đối diện hai bên bờ sông Ba Chẽ, soi bóng xuống dòng nước trong xanh, sơn thuỷ hữu tình, cách cầu Ba Chẽ khoảng gần 1km. Hằng năm cứ đến ngày 01/3 Âm lịch, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ tổ chức Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà. Di tích Miếu Ông - Miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, cách cầu Ba Chẽ gần 1 km. Miếu Ông là nơi thờ Thành hoàng làng: Thần Tam Trĩ và những anh hùng dân tộc. Theo các tài liệu nghiên cứu được lưu giữ, miếu Ông thờ Đức thánh Phù Trần tả tướng quân Lê Bá Đức, người có công lớn trong việc cùng quân và dân nhà Trần đánh giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII. Vào tháng 02/1285, trong cuộc hành quân chiến lược để tạo thế và lực chống quân Nguyên - Mông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đã đi qua sông Ba Chẽ. Đi cùng hộ giá có tướng quân Lê Bá Đức, ông không chỉ là người cầm quân giỏi, mà còn có những quyết sách đúng đắn. Nhận định được sức mạnh của quân giặc, tả tướng quân đã cho người cùng hộ giá vua và Thái Thượng Hoàng rời thuyền đi bộ đến Thủy Chú để tiếp tục hành trình vào Thanh Hóa. Trong một lần đánh nhau giáp lá cà với quân giặc, tướng quân Lê Bá Đức đã hy sinh. Cảm phục trước tấm lòng hy sinh vì nước, vì dân, nhân dân địa phương đã xây một ngôi miếu để thờ ông và phong là thần hoàng của làng. Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh nên năm 2013 di tích Miếu Ông - Miếu Bà được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, đến tháng 10/2020 được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngay bên cạnh dòng sông Ba Chẽ, đối diện với Miếu Ông đó là Miếu Bà. Đây là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn (tức Bà chúa của rừng xanh). Theo truyền thuyết, Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (con gái Vua Hùng thứ 18). Bà đã có công dạy người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc để chữa bệnh… Tháng 7/2014, được sự quan tâm của Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ kinh phí và sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, toàn bộ công trình xây dựng Miếu Bà đã hoàn thành và mở cửa phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân các dân tộc trong huyện và du khách gần xa. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 275 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Trà Cổ

Đình Trà Cổ nằm ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Đây được đánh giá là ngôi đình khá đồ sộ ở địa đầu đất nước và hoàn toàn mang dấu ấn nền văn hoá Việt. Theo hồ sơ khoa học xếp hạng của di tích, Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê ( năm 1461), quá trình hình thành và tồn tại của đình Trà Cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Trà Cổ ngày nay. Theo truyền thuyết, vào thời Hậu Lê (năm 1461), người dân làm nghề đánh cá từ đất Đồ Sơn (Thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay) thường đi cả gia đình kiếm kế sinh nhai ở nhiều vùng biển xa, về cả miền cửa biển (Thuộc vùng biển Trà Cổ - Móng Cái hiện nay). Trong một lần sóng to gió lớn, mười hai gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi sự vất vả, sáu gia đình đã tìm cách để quay về quê cũ. Sáu gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng một vùng quê mới. Thế rồi, ngày ngày họ cùng nhau khai phá đất mới, vừa đánh cá, vừa khai hoang. Ban đầu chỉ là 06 ngôi nhà đơn sơ và dần dần đã trở thành một xóm làng trù phú. Và như nhiều làng quê khác trên đất nước Việt Nam, đình Trà Cổ đã được nhân dân góp công, góp của xây dựng. Sau khi xây dựng đình, nhân dân địa phương đã trở về quê cũ để xin chân hương các vị thành hoàng làng về thờ tại Đình (Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch). Ngoài ra, đây cũng là nơi phối thờ của 6 vị tiên công đã có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ xưa. Trải qua những tác động của thời gian, đến nay đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Trong đó lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2012. Ngôi đình hiện nay, được xây dựng trên một khu đất có tổng diện tích hơn 1000 m2, quay theo hướng Nam, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 05 gian 02 trái bái đường và 03 gian hậu cung với kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Toàn bộ công trình được dựng lên bằng sự liên kết khung gỗ và được liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. Đặc biệt các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo và rất sống động. Đề tài phong phú gồm các mảng chạm long cuốn thủy phượng bay, hổ rình mồi bên cành hoa lá… Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn đương thời. Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, tại đình Trà Cổ hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 03 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy… Hàng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông voi” (Cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 ông đám chăm sóc, nuôi lớn). Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 276 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích thương cảng Vân Đồn

Thành lập năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Trang Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính cấp địa phương. Để bảo vệ an ninh quốc gia, triều đình quy định, tàu thuyền nước ngoài, dù xa hay gần, đã vào cảng đều phải neo ở Vân Đồn, không được tiến sâu vào nội địa. Người nước ngoài chỉ được phép buôn bán ở một số địa điểm nhất định và chịu sự kiểm soát của nhà nước. Nhà Lý (1009-1225) đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương nên giao thương tại Vân Đồn phát triển. Hàng hóa theo tàu nước ngoài xuất đi chủ yếu là trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu, hải sản biển… Hàng hóa nước ngoài nhập vào là gấm vóc. Chỉ nhà nước đảm trách hoạt động ngoại thương, tư nhân không được tham gia. Đến thời nhà Trần (1225-1400), thị trường hương liệu thế giới sôi động, sự phát minh ra con đường hàng hải xuyên biển từ Trung Quốc đến Ai Cập đã đẩy nhịp độ buôn bán quốc tế phát triển mạnh hơn. Buôn bán ở thương cảng Vân Đồn tấp nập, mở rộng với nhiều nước như Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu. Việc trấn giữ, quản lý ngoại thương vùng Vân Đồn được vua Trần giao cho các thân vương, đại thần trọng chức. Nổi bật trong số đó là Nhân huệ vương Trần Khánh Dư. Lúc này Vân Đồn được bảo vệ chặt chẽ. Rào gỗ được dựng lên quanh những nơi buôn bán và bãi biển xung yếu của đảo. Trần Khánh Dư còn ngăn chặn quân Trung Quốc trà trộn vào bằng cách cho quân trang Vân Đồn đội nón Ma Lôi, loại nón được sản xuất từ hương Ma Lôi, Hồng Lộ (nay là Hải Dương) để dễ dàng nhận ra quân Đại Việt. Vì phần lớn người Vân Đồn làm nghề buôn nên cách ăn mặc đều giống người phương Bắc. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Nhiều đoàn thương thuyền trước đây vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn, nay phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn”. Không chỉ mở rộng về địa giới hành chính, Vân Đồn từ trang được nâng lên thành một trấn, lập vào thời Trần Dụ Tông (1345), thuộc lộ Hải Đông, sau đổi là lộ An Bang. Triều Trần đặt quan cai quản Vân Đồn như một trọng trấn gồm có quan Trấn (võ tướng nắm giữ), quan Lộ (văn quan nắm giữ) và quan Sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển), đặt ở đây một đội quân riêng gọi là quân Bình Hải, có nhiệm vụ tuần tra bảo bảo vệ vùng biển Đông Bắc, kiểm soát an ninh hoạt động ngoại thương. Ngoài việc buôn bán, các vua Trần còn cho xây dựng nhiều chùa tháp với quy mô lớn như chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát, Bảo Tháp… ở xã Thắng Lợi để đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho cư dân và khách buôn nước ngoài sùng bái đạo Phật. Nhà Lê sơ (1428-1527) sau khi giành được độc lập đã thi hành nhiều chính sách khắt khe đối với ngoại thương. Triều đình quy định rất rõ hoạt động ở thương cảng Vân Đồn trong bộ Quốc triều hình luật (thường gọi là luật Hồng Đức). Theo đó, các quan ty tự ý ra Vân Đồn đều bị xử tội đồ hay lưu; người tố cáo việc ấy được hưởng một tư (điều 612). Điều 615 luật Hồng Đức chỉ rõ: “Người ở trang Vân Đồn chở hàng hóa lên kinh thành bán và khi trở về không có giấy phép của An Phủ ty và giấy khám đạc của Đề Bạc ty thì bị biếm một tư, phạt 100 quan tiền; thưởng người tố cáo một phần ba số tiền phạt. Nếu tự ý đem hàng hóa đến bán ở các nơi làng xã ngoài kinh thành thì xử biếm ba tư, phạt 200 quan tiền. An Phủ ty, Đề Bạc ty vô tình không biết thì xử biếm một tư; cố ý dung túng thì biếm một tư và bãi chức”. Thuyền bè ngoại quốc muốn đến trang Vân Đồn buôn bán, muốn đậu lại lâu đều phải làm giấy trình An Phủ ty, nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại thì bị phạt tiền 200 quan. Do việc kiểm soát ngặt, hoạt động thương mại ở Vân Đồn sút kém hơn thời Lý, Trần nhưng vẫn chiếm vị trí quan trọng dưới thời Lê. Đến thời nhà Mạc (1527-1677), với chính sách mở cửa về thương mại, hoạt động ngoại thương tại thương cảng Vân Đồn lại hưng thịnh. Nhà Mạc còn cho xây dựng chùa ở Vụng huyện, xã Thắng Lợi, xây thành lũy ở Cẩm Phả, Hoành Bồ để phòng thủ đất nước. Thời Lê trung hưng (1533-1789), hoạt động giao thương ở Vân Đồn vẫn được phát triển. Ngoài việc buôn bán, nhà Lê còn quan tâm xây dựng đình làng để làm nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh cho cư dân biển đảo như đình Cái Làng, đình Cống Cái, xã Quan Lạn. Cuối thế kỷ 17, Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) mở cửa cho thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh… được vào sâu trong nội địa buôn bán. Thương cảng Vân Đồn mất hẳn vai trò trung tâm thương mại. Hoạt động ngoại thương vẫn diễn ra, nhưng không còn sầm uất. Bước sang đầu thế kỷ 19 thời nhà Nguyễn, thương cảng Vân Đồn không còn hoạt động. Cư dân trên một số bến cổ di chuyển đi nơi khác, kho tàng bến bãi dần bị hỏng. Các bến thuyền thương mại chuyển thành bến phục vụ nhu cầu đánh cá, trao đổi lâm, hải sản đến các nơi khác trong nước của nhân dân địa phương. Trải qua thời gian và sự bồi lắng của biển cả, diện mạo sầm uất của khu thương cảng Vân Đồn xưa không còn. Hiện nay, trong lòng đất trên bờ vụng tại các bến thuyền cổ vẫn còn hàng triệu mảnh sành sứ vỡ hay nguyên vẹn, nền nhà, nền đình, nền chùa, tiền đồng cổ trong suốt 7 thế kỷ. Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt, không chỉ hoạt động đơn tuyến với chỉ một bến cảng duy nhất mà là một hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên đới với nhau. Trung tâm của thương cảng có phạm vi 200km2, ở vùng vịnh Bái Tử Long, thuộc địa bàn xã Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Vùng Cống Đông - Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) là trung tâm một thời của thương cảng Vân Đồn. Suốt gần 7 thế kỷ, thương cảng Vân Đồn đông đúc tàu buôn đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu. Hàng hóa theo tàu nước ngoài xuất đi chủ yếu là trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu, hải sản... Hàng hóa nước ngoài nhập vào là gấm vóc. Trải qua thời gian và sự bồi lắng của biển cả, diện mạo sầm uất của thương cảng Vân Đồn xưa không còn. Hiện trong lòng đất, trên bờ vụng tại các bến thuyền cổ vẫn còn hàng triệu mảnh sành sứ, nền nhà, nền đình, nền chùa, tiền đồng cổ. Với những giá trị lịch sử, thương cảng Vân Đồn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử ngày 29/10/2003. Ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1225/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 276 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô trước đây được lấy tên là “Di tích lịch sử những địa điểm lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô”, còn người dân thường gọi thân thương là di tích Bác Hồ. Đây là một di tích đặc biệt, mang giá trị riêng có, không trùng lặp với di tích nào trong hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Di tích nằm ở phía Tây Nam của đảo Cô Tô, nay thuộc các khu 1, 2, 3, thị trấn Cô Tô. Theo hồ sơ di tích, sau sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Vùng mỏ và cho phép tỉnh Hải Ninh (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) dựng tượng Người trên đảo Cô Tô (tháng 1 năm 1962), Ủy ban Hành chính Hải Ninh quyết định dựng tượng Bác và xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô để lưu niệm sự kiện Bác Hồ thăm đảo Cô Tô ngày 9/5/1961. Khu di tích này gồm 5 điểm di tích: Điểm di tích tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm di tích đền thờ, điểm di tích Dốc Khoai, điểm di tích nhà trưng bày lưu niệm và điểm di tích cánh đồng muối. Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đầu tiên là tượng bán thân bằng xi măng, được xây dựng và khánh thành vào năm 1968. Năm 1976, tượng bán thân được thay thế bằng tượng toàn thân, chất liệu bê tông cốt thép. Năm 1996, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) tiến hành nâng cấp tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô trên cơ sở giữ nguyên mẫu tượng toàn thân nhưng chuyển thể chất liệu từ bê tông cốt thép sang chất liệu đá granit để đảm bảo tính bền vững của công trình. Công trình được hoàn thành vào ngày 12/5/1997. Phía sau tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là bia ghi dấu sự kiện Bác Hồ thăm đảo Cô Tô ngày 9/5/1961. Tượng Bác và bia ghi dấu sự kiện được dựng ngay tại vị trí năm xưa máy bay trực thăng chở Bác ra thăm Cô Tô hạ cánh. Theo sử sách, trong chuyến thăm đảo Cô Tô, khi đi qua khu ruộng trồng khoai, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn xem năng suất, chất lượng giống khoai bà con trồng trên đảo, đồng chí Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh đã bới thử một bụi khoai để Bác xem. Nhà trưng bày lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là công trình được cải tạo (những năm 1970) từ trụ sở Ủy ban Hành chính xã Cô Tô trước đây. Đây là nơi trưng bày một số hiện vật về các thời kỳ lịch sử của huyện đảo Cô Tô, đặc biệt là các hiện vật liên quan đến Bác Hồ. Di tích trở thành điểm nhấn có ý nghĩa lớn về chính trị, có giá trị lớn nhiều mặt về cảnh quan, văn hóa - lịch sử và thẩm mỹ trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là “cột mốc văn hóa” trường tồn, là “cột mốc chủ quyền” của Việt Nam trên vùng biển đảo, là di sản quốc gia quý báu cần được bảo tồn, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu độc đáo của di tích gắn với việc giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc. Đồng thời còn là tài sản đặc biệt, là động lực để Cô Tô thay đổi, chuyển mình, hướng đến là một vùng kinh tế biển năng động, thu hút các nhà đầu tư cũng như du khách trong nước và quốc tế đến với Cô Tô. Tượng Bác trên đảo Cô Tô là công trình mang giá trị nghệ thuật tạo hình cao, có một vị trí rất đặc biệt trong hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước, là bức tượng Bác Hồ đầu tiên và đẹp nhất của vùng Đông Bắc. Bên cạnh giá trị nghệ thuật tạo hình, di tích còn có giá trị cảnh quan danh thắng hài hòa, được xây dựng trên một địa thế khá đẹp, phong thủy hữu tình, nhìn ra bãi biển vịng Cô Tô kín gió, bãi cát trắng mịn trải dài quanh co. Một bãi tắm lý tưởng. Một vụng đỗ tàu thuyền kín gió mỗi khi có gió bão. Trải qua quá trình hơn 50 năm hình thành và phát triển, di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô luôn được các cấp có thẩm quyền và toàn thể nhân dân quan tâm, đầu tư các nguồn lực cho công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo. Từ khi được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia đến nay, một số hạng mục của Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô được bảo tồn khá nguyên trạng. Đầu năm nay, di tích được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Nguồn: Báo Quảng Ninh điện tử

Quảng Ninh 691 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông

Đền Cửa Ông (còn gọi là Đông Hải linh từ hay đền Đức Ông) nằm trên địa bàn phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền thờ thần chủ là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương cùng gia thất và các tướng lĩnh của Ngài. Qua sử sách ghi chép có thể khẳng định đền Cửa Ông được khởi dựng, tồn tại qua hơn 100 năm. Lúc khởi dựng, đền chỉ là một thảo am nhỏ làm bằng tranh, tre, lứa lá; năm 1907 – 1916, đền được trùng tu lại; năm 1916, xây thêm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, chùa; năm 1946, đền Hạ, đền Thượng tiếp tục được tu bổ, tôn tạo; năm 2014, quy hoạch tổng thể khu di tích Đền Cửa Ông được phê duyệt với diện tích 18,125 ha; đến năm 2016, đền Trung được xây dựng và hoàn thành vào năm 2017. Ngoài ra, còn có đền Cặp Tiên (nhân dân gọi là đền “Cô bé Cửa Suốt”) được tạo dựng vào thời Nguyễn. Đền Cửa Ông lúc đầu khởi dựng chỉ thờ Trần Quốc Tảng, sau khi xây thêm các khu đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, chùa Cẩm Sơn... cụ thể như sau: Khu vực đền Hạ: gồm đền Mẫu và đền Trung Thiên Long Mẫu Đền Mẫu: thờ tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải phủ), Ngọc hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tứ vị chầu bà, Ngũ vị tôn ông, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bẩy. Đền Trung Thiên Long Mẫu: thờ Trung Thiên Long Mẫu và phối thờ ba cô, cậu bé Cửa Suốt, cô bé Cửa Suốt (hai vị giống như Kim Đồng, Ngọc Nữ, tượng trưng cho âm và dương luôn theo hầu bảo hộ mẫu, bảo vệ vùng đất, vùng biển Cửa Suốt, bảo vệ ngôi đền mà Trung Thiên Long Mẫu tọa lạc). Hiện, đền Cửa Ông còn lưu giữ đạo sắc phong cho xã Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên, phụng thờ Trung Thiên Long Mẫu tôn thần, ghi ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917). Bia đá ở đền Hạ dựng vào năm Mậu Tý (1948). Khu vực đền Trung: thờ Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế Hoàng Cần, người có công dẹp giặc ngoại xâm phương Bắc, trấn giữ vùng biển Đông. Tại đây, còn thờ Sơn thần, Thủy thần vì đền Trung nằm trên dãy núi Cẩm Sơn, phía trước là biển Đông, người dân ở khu vực cửa biển cũng như thuyền bè qua lại đều cầu mong sự phù trợ, giúp sức của các vị Sơn thần, Thủy thần. Khu vực đền Thượng: gồm đền Thượng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh, chùa và lăng mộ Trần Quốc Tảng. Đền Thượng: thờ thần chủ là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương cùng gia thất và các tướng lĩnh của Ngài. * Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (1252 - 1313) Ông là vị anh hùng dân tộc, con trai thứ 3 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hiện nay, một số sắc phong cho Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng vẫn còn được lưu giữ tại đền khẳng định công trạng của Ông, cũng như lịch sử hình thành, tồn tại của đền Cửa Ông. Ngoài thần tích, thần sắc, sắc phong ghi chép về Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, tại đền Cửa Ông còn lưu giữ được bia đá, biển gỗ, hoành phi, câu đối mà qua đó đã xác định được thần chủ chính của đền là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng. * Đồng thời, tại đền Thượng còn phối thờ các nhân vật lịch sử như: - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: Hưng Đạo Đại Vương sau khi giúp nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên xâm lược, trừ đại họa cho dân tộc, được nhân dân sùng kính, sau khi mất trở thành Thượng Tiên Cửu Thiên Vũ Đế. - Tướng công Phạm Ngũ Lão; Dã Tượng; Yết Kiêu; Nguyễn Khoái; Huyền Du; Cao Mang; Đỗ Hành; Hưng Vũ vương Nghiễn, Hưng Trí vương Hiện, Hưng Hiến vương Uất; Trần Bình Trọng; Phạm Ngộ; Trần Thì Kiến; Trần Quang Triều; Trần Quốc Toản; Hà Đặc; Trương Hán Siêu; Lê Phụ Trần; Nguyễn Địa Lô; Trần Khánh Dư; Đỗ Khắc Chung; Vi Hùng Thắng; Nguyễn Chế Nghĩa; Thánh Mẫu Thiên Thành (Nguyên Từ Quốc Mẫu); Quyên Thanh công chúa (Vương Cô Đệ Nhất); Đại Hoàng công chúa; Thuận Thánh (Bảo từ Hoàng hậu) Đền Quan Chánh: thờ Quan Chánh, Quan Tuần Tranh và Quan Giám Sát. Đền Quan Châu: thờ Quan Tri Châu cai quản khu vực châu Cẩm Phả. Lăng Mộ: căn cứ vào thần tích, thần sắc làng Cẩm Phả, tổng Cẩm Phả, huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên, chép vào năm 1938, thì lăng mộ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng chỉ mang tính tượng trưng, là nơi thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với Ngài, cũng như của người con đối với người cha. Chùa: thờ Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu,Quan Âm Tống Tử, Tuệ Trung thượng sĩ, Đức Chúa Ông, Đức Thánh Hiền...như các ngôi chùa truyền thống khác của Việt Nam. Đền Cặp Tiên: thờ một vị tiểu thư - con gái của Trần Quốc Tảng (còn gọi là “Cô bé Cửa Suốt”), quan Chánh và các vị nhân thần, sau đó lại thờ thêm Phật, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tiên Thiên Thánh Mẫu. Các thần tích, thần sắc, sắc phong cho các vị thần còn được lưu giữ tại đền Cửa Ông trở thành kho tư liệu lịch sử quý giá cho các thế hệ con cháu tìm hiểu về quá trình dựng nước và giữ nước của triều Trần. Khu di tích đền Cửa Ông đã trải qua các cuộc chiến tranh và thăng trầm của lịch sử, nhưng vẫn bảo lưu được nhiều kiến trúc cổ kính (tường hồi hai bên ống muống và Hậu cung) và các pho tượng cổ có niên đại từ thế kỷ XIX. Với giá trị đặc biệt trên, Di tích lịch sử Đền Cửa Ông đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 25/12/2017. Nguồn: Cục di sản văn hoá

Quảng Ninh 1218 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu Di tích Nhà Trần tại Đông Triều

Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều thuộc các xã An Sinh, Tràng An, Bình Khê, Thủy An. Hiện nay đây là khu di tích lưu giữ nhiều dấu ấn nhất của nhà Trần hiển hách. Năm Ất Dậu 1225 Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần. Từ đây nhà Trần trị vì đất nước trong 175 năm, với 12 đời vua, đã tạo nên triều đại hiển hách bậc nhất trong lịch sử nước ta. Triều Trần (1225 – 1400) với võ công, văn trị, đã mở ra kỷ nguyên hào hùng trong lịch sử dựng và giữ nước. Theo tư liệu, vùng Đông Triều chính là đất tụ cư đầu tiên của họ Trần. Sau đó, vùng đất này được vua Trần Thái Tông ban cho anh trai Trần Liễu làm ấp thang mộc. Đối mới mỗi triều đại khi trị vì đều quan tâm đến hai vấn đề, duyên trạch là vùng đất định đô, âm trạch là nơi đặt thái miếu lăng tẩm. Bên cạnh Thăng Long tiếp tục được lựa chọn làm kinh đô, thì nhà Trần cũng cho xây dựng và phát triển hai trung tâm văn hóa, hai khu sơn lăng ở phía đông và nam kinh thành. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định Đông Triều là trung tâm văn hóa tín ngưỡng lớn, cùng với Thăng Long – trung tâm chính trị, kinh tế và Thiên Trường Long Hưng, nơi phát tích của nhà Trần. Tên cổ của Đông Triều là An Sinh, đến đời vua Trần Dụ Tông mới đổi tên, và trở thành khu di tích lịch sử nhà Trần hiện nay. Đây là khu di tích quốc gia đặc biệt gồm lăng mộ, đền, chùa, am tháp với 14 di tích trải rộng. Đây là vùng thánh địa linh thiêng mang đậm tinh thần lịch sử, văn hoá là nơi quê gốc nhà Trần. Từ thế kỷ 13, nhà Trần cho xây dựng Thái Miếu, thờ tự Tam tổ thánh Trần, là điểm di tích quan trọng bậc nhất. Đến cuối thế kỷ 14, nhiều lăng mộ vua Trần mới được di chuyển về Đông Triều. Khu di tích lịch sử nhà Trần bao gồm 3 nhóm, nhóm di tích đình miếu, nhóm di tích lăng tẩm và nhóm di tích chùa tháp. Đền miếu và lăng tẩm gắn với tông miếu của nhà Trần. Cùng với việc xây dựng lăng mộ, triều Trần còn xây dựng đền miếu để thờ cúng các bậc tiền đế, chùa chiền cũng theo đó mọc lên không ít. Nhưng khi ấy Đông Triều chỉ đóng vai trò khu sơn lăng, chưa trở thành trung tâm Phật giáo của Đại Việt. Phải đến khi vua Trần Nhân Tông xuất gia lên núi Yên Tử tu hành và sáng lập nên dòng thiền phái Trúc Lâm. Ông đã thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối. Vào thời kỳ này, Đông Triều trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các đời vua Trần đã cho xây dựng ở đây hệ thống đền miếu, lăng mộ, chùa tháp dày đặc trong vùng cảnh quan có diện tích rộng lớn trải dài lên tận sườn núi Yên Tử. Chùa Ngọa Vân Hồ Thiên là nơi Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đăng đàn thuyết pháp, cũng là nơi gắn liền với sự nghiệp hoằng hóa Phật Giáo của nước Đại Việt, đào tạo những vị sư ở cấp độ cao hơn. Trên chùa Hồ Thiên còn có ngọn tháp đá 7 tầng mà đến nay kiến trúc của ngôi tháp vẫn là bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, người yêu thích lịch sử khắp nơi tìm đến tham quan, nghiên cứu. Chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, sở hữu tượng Phật một trong An Nam tứ đại khí. Vườn tháp trong chùa và tháp đá mộ các thiền sư có kiến trúc độc đáo, một di sản văn hoá tiêu biểu không chỉ của tỉnh Quảng Ninh mà là của cả Việt Nam. Trải qua thời gian, thiên tai hủy hoại, chiến tranh tàn phá, nhiều công trình xưa ở khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều chỉ còn là phế tích. Tuy vậy những phế tích đó trong lòng người dân vẫn còn vẹn nguyên giá trị. An Sinh xưa, Đông Triều nay là nơi các vua nhà Trần thể hiện tư tưởng lá rụng về cội của dân tộc Việt. Những thứ còn hiện hữu hay cả những thứ chỉ còn trong lòng đất vẫn là di sản vượt thời gian không chỉ mang giá trị lịch sử của vương triều vang danh mà còn là minh chứng cho 700 năm tồn tại của nền Phật giáo thuần Việt. Nguồn: Báo du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh 1252 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử

Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn). Về địa lý, Yên Tử là dãy núi thấp, thuộc hệ thống cánh cung Đông Triều, một vùng địa chất được hình thành từ kỷ Đệ tứ, với các loại đá gốc, như sa thạch, sỏi kết sạn và phù sa cổ… Địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các điểm cảnh quan kỳ vĩ, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử…, nơi có những kiến trúc cổ truyền như hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ. Khu vực Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2686 hétta, trong đó có 1736 hétta rừng tự nhiên, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm... Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp… Ven lối dẫn lên các chùa, am, tháp thường trồng rất nhiều tùng. Trong khu vực này hiện còn khoảng hơn 200 cây tùng đại thụ, thuộc 4 nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm. Ngoài đường tùng cổ thụ, rừng trúc ở đây cũng nổi tiếng từ ngàn xưa... Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của tạo hóa. Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để tu hành và lấy tên "rừng Trúc", tức Trúc Lâm, để đặt tên cho dòng Thiền do ông sáng lập. Hội Yên Tử là lễ hội hành hương vào mùa xuân, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng hằng năm và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Khu vực Yên Tử bao gồm một số địa điểm và kiến trúc Phật giáo chính như: 1. Chùa Bí Thượng xưa được khởi dựng từ thời Hậu Lê, trên mặt nền kiến trúc hình chữ Nhất, từng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần trong lịch sử. Thờ Thập bát La Hán. 2. Chùa Suối Tắm Được dựng dưới chân núi, sát bên bờ suối Tắm. 3. Chùa Cầm Thực Nằm về bên trái con đường vào Yên Tử. 4. Chùa Lân và Chùa Giải Oan đều được dựng từ thời Trần. 5. Cụm tháp Hòn Ngọc nằm trên một gò đất khá rộng, bằng phẳng, gồm ba tháp đá và một tháp gạch. 6. Vườn tháp Huệ Quang nay chỉ còn 64 ngọn tháp và mộ, trong đó có 40 tháp mới được trùng tu năm 2002, 11 tháp đá, 13 tháp gạch, một số ngôi tháp đã bị đổ chỉ còn lại dấu tích. 7. Chùa Hoa Yên được dựng từ thời Lý và được tôn tạo nhiều lần trong lịch sử. Chùa tọa lạc trên lưng chừng núi, quay hướng Tây Nam. 8. Am Thiền Định xưa vốn là một ngôi tháp cổ đặc biệt ở Yên Tử, đứng đơn lẻ một mình, phía sau chùa Hoa Yên. Tháp xây bằng gạch đỏ tráng men xanh, bề mặt đúc nổi nhiều hoa văn và mặt thú lạ. 9. Chùa Một Mái nằm nép mình bên sườn núi cao. Một nửa chùa ẩn sâu trong hang núi, nửa còn lại phô ra bên ngoài và chỉ có một mái. 10. Am Thung và Am Dược hiện nay chỉ còn là các phế tích. 11. Chùa Bảo Sái nằm trên sườn núi, quay hướng Tây Nam. 12. Chùa Vân Tiêu toạ lạc trên sườn núi. Hai bên chùa có 2 dãy núi cao, tạo thành thế tay ngai bao bọc lấy chùa. Bên phải chùa có một dòng suối. 13. Chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử, được đúc từ chất liệu đồng. Những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt của khu di tích đã đưa Yên Tử trở thành một chốn thiêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt ngày 27/09/2012). Nguồn: Cục di sản văn hoá

Quảng Ninh 1236 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích Lịch sử Bạch Đằng

Di tích Lịch sử Bạch Đằng nằm trên địa bàn Thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí. Đây là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên chiến thắng lẫy lừng - Chiến thắng Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền; năm 981 của Lê Hoàn và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Sông Bạch Đằng đã trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm bằng đường thủy của dân tộc Việt Nam. Trải qua hơn 700 năm do phù xa của sông bồi đắp, bãi cọc nằm sâu dưới các lớp bùn đất, mãi đến năm 1953 nhân dân đi đào đất đắp đê đã phát hiện ra những cây cọc Bạch Đằng. Lúc đầu người dân chưa có kiến thức và ý thức bảo vệ di sản văn hóa rất nhiều cọc đã bị nhổ lên làm xà nhà, cọc rơm. Sau nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện hàng trăm chiếc cọc chủ yếu là gỗ lim, táu dài 2,6 đến 2,8 m, đường kính 20 đến 30 cm được cắm thẳng. Khoảng cách giữa các cọc trung bình từ 0,9 m đến 1,5 m. Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng (gồm bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa). Di tích bãi cọc Yên Giang diện tích khoảng 3.000m2 nằm ở cửa sông Chanh có hình chữ nhật dài khoảng 120m, chiều rộng khoảng 20m. Bãi cọc Yên Giang được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Sau đó, di tích được khoanh vùng bảo vệ, dựng bia giới thiệu, tôn tạo đường vào tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan. Đây cũng là địa chỉ để các em học sinh đến tìm hiểu lịch sử, phục vụ việc học tập. Hiện bãi cọc Yên Giang còn khoảng trên 300 cây nằm trong lòng đất. Ở khu di tích, bãi cọc được bơm nước đầy mặt ao để bảo tồn. Gần bãi cọc Yên Giang là bãi cọc đồng Vạn Muối diện tích khoảng 6.000m2 nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa được nhân dân Quảng Yên phát hiện trong quá trình canh tác, đào ao. Sau lần khảo sát và khai quật năm 2005. Các cuộc khai quật khảo cổ học sau đó tìm thấy tổng cộng gần 200 cọc, cho thấy những cọc gỗ cắm đứng và cắm xiên trong khu vực đồng Vạn Muối thuộc nhiều loại gỗ được sử dụng cả thân và cành. Đường kính mỗi cọc từ 7 - 10 cm, phần được vạt nhọn chỉ khoảng 25 - 30 cm. Tuy nhiên, mật độ cọc ở đây được cắm rất dày, phổ biến cách nhau từ 40 - 60 cm, một số cọc chỉ cách nhau từ 10 - 30cm. Theo các nhà nghiên cứu, đây là nửa phía Nam của trận địa cọc Bạch Đằng, còn nửa phía Bắc là bãi cọc Yên Giang. Do giữa hai bãi cọc có một dải cồn đá cao, khi nước triều xuống thuyền không qua được buộc phải đi vào sát bờ. Vì vậy, Trần Hưng Đạo đã chọn vị trí cắm cọc ở hai bên cồn đá tạo thành một phòng tuyến hình chữ V bịt chặt lấy họng sông Bạch Đằng để chặn đường rút lui của quân địch tạo nên chiến thắng vẻ vang của trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Bãi cọc sau đó được vùi lấp dưới lớp bùn để được bảo quản tốt hơn. Cũng trong địa phận phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, bãi cọc đồng Má Ngựa diện tích khoảng 2.100m2 đã được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2010. Đây là bãi cọc thứ ba thuộc bãi cọc Bạch Đằng nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam. Bãi cọc có chiều dài 70 m, rộng 30 m, cắm cọc thuộc nhiều loại gỗ có đường kính từ 6 - 22 cm dày đặc thành dải như một lớp tường thành. Ba bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa đã làm thành những bãi chông ngầm lớn, phức tạp, kín đáo dưới mặt nước khóa chặt đường tháo lui ra biển, giúp tiêu diệt và bắt sống 600 chiến thuyền với 4 vạn binh tướng quân Nguyên – Mông trong lần thứ ba chúng xâm lược nước ta năm 1288. Ngày nay, khu di tích bãi cọc Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên đã được đắp bờ bao bảo vệ xung quanh. Một số cọc đã được lấy lên và những cọc còn lại được bảo tồn trong hố trưng bày tại chỗ. Tuy nhiên, những cọc Bạch Đằng ở di tích này đa số phần đầu cọc nhô lên đã bị mục gẫy, phần thân cọc vẫn cắm dưới bùn đất nhưng đây lại là chứng tích vô cùng quan trọng của trận chiến lịch sử trên dòng sông Bạch Đằng năm 1288. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội Bạch Đằng diễn ra từ ngày 6-9/3 âm lịch với nhiều nghi lễ trang nghiêm và các hoạt động lễ hội phong phú, được tổ chức tại tất cả các điểm trong khu di tích. Nhằm tôn vinh giá trị ngày đại thắng của dân tộc ta và tưởng nhớ những người đã hy sinh trong các trận chiến Bạch Đằng. Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh

Quảng Ninh 1438 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Vịnh Hạ Long

Theo các nhà khoa học, vùng Hạ Long và vùng rìa bờ, đảo phụ cận của vịnh, bao gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại Cổ sinh đến Tân sinh. Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hoá thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn trên trái đất. Lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long, được mở ra từ khoảng gần 500 triệu năm trước đây, với những hoàn cảnh cổ địa lý hết sức khác nhau và khá phức tạp. Sự hiện diện của vịnh và những hòn đảo trên vịnh là những minh chứng độc đáo về lịch sử phát triển của trái đất, bao gồm đặc điểm địa chất và quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình Karst, hệ Fengcong và Fengling. Địa hình đặc biệt của vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của trái đất. Những hòn đảo ở đây là mẫu hình khá lý tưởng về Karst hình thành trong điều kiện nhiệt đới, ẩm. Toàn bộ khu vực Vịnh Hạ Long là một cảnh quan Karst qua nhiều triệu năm, với các tháp Karst hình chóp, hình tháp, bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo toàn thế giới. Thạch nhũ trong hang động trong khu Vịnh có tuổi trẻ hơn các hang động. Nước mưa theo các khe nứt trên trần hang động và vách chảy xuống, trên đường đi chúng hoà tan, bào mòn đá vôi và lắng đọng thành nhũ đá ở trần, măng đá ở nền… Hàng ngàn hòn đảo, hàng chục hang động đẹp đã tạo nên giá trị thẩm mỹ của Vịnh. Vẻ đẹp của Hạ Long được tạo nên từ 3 yếu tố: đá, nước và bầu trời. Hệ thống đảo đá ở Hạ Long muôn hình vạn trạng quyện với trời biển, tạo ra một bức tranh thủy mặc. Phía trong những đảo đá lớn lại hấp dẫn bởi những hang động đẹp đẽ, kỳ lạ. Hang Đầu Gỗ gợi cảm giác choáng ngợp, với những nhũ đá muôn hình dáng vẻ. Động Thiên Cung như một đền đài hoành tráng, mỹ lệ. Hang Bồ Nâu có cửa uốn vòng cung, với vô số nhũ đá buông xuống mềm mại như cành liễu. Hang Sửng Sốt đẹp đến bất ngờ, với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước, cùng với nhiều hình hài khác, như mở ra một thế giới cổ tích. Những hang động như Tam Cung, Trinh Nữ, Ba Hang, Tiên Long,… mỗi hang có những vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú. Lịch sử kiến tạo của vịnh Hạ Long đã trải qua những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau, nhiều lần tạo sơn, biển thoái, sụt chìm, biển tiến… Vịnh Hạ Long còn giữ lại được những dấu ấn của quá trình tạo sơn, địa máng vĩ đại của trái đất, có cấu tạo địa lũy, địa hào cổ. Khu vực Vịnh Hạ Long đã từng là biển sâu vào các kỷ Odovic - Silua (khoảng 500 - 410 triệu nẳm trước), là biển nông vào các kỷ Cacbon - Pecmi (khoảng 340 - 250 triệu năm trước), biển ven bờ vào cuối kỷ Paleogen, đầu Neogen (khoảng 26 - 20 triệu năm trước) và trải qua một số lần biển lấn trong kỷ Nhân sinh (khoảng 2 triệu năm trước). Vào kỷ Trias (240 - 195 triệu năm trước), khi trái đất nói chung, châu Âu nói riêng có khí hậu khô nóng, thì khu vực Vịnh Hạ Long là những đầm lầy ẩm ướt, với những cánh rừng tuế, dương xỉ khổng lồ tích tụ nhiều thế hệ… Địa hình Karst của vịnh Hạ Long có ý nghĩa toàn cầu và có tính chất nền tảng cho khoa học địa mạo. Môi trường địa chất còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác của vịnh, như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác. Tổng số loài thực vật sống trên các đảo ở vịnh Hạ Long khoảng trên một nghìn loài. Một số quần xã các loài thực vật khác nhau đã được tìm thấy, như các loài ngập mặn, các loài thực vật ở bờ cát ven đảo, các loài mọc trên sườn núi và vách đá, trên đỉnh núi hoặc mọc ở cửa hang hay khe đá. Các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã phát hiện 7 loài thực vật đặc hữu của vịnh Hạ Long. Những loài này chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi của Vịnh Hạ Long, mà không nơi nào trên thế giới có được, đó là: thiên tuế Hạ Long, khổ cử đại tím, cọ Hạ Long, khổ cử đại nhung, móng tai Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long, hài vệ nữ hoa vàng. Theo thống kê, hệ sinh thái rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới ở Hạ Long, Bái Tử Long có: 477 loài mộc lan, 12 loài dương xỉ và 20 loài thực vật ngập mặn; đối với động vật cũng đã thống kê được 4 loài lưỡng cư, 10 loài bò sát, 40 loài chim và 14 loài thú. Những kết quả nghiên cứu, khảo cổ học và văn hóa học cho thấy, sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập được những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau, bao gồm văn hóa Soi Nhụ(trong khoảng 18.000 - 7.000 năm trước Công nguyên), văn hóa Cái Bèo (7.000 - 5.000 năm trước Công nguyên) và văn hóa Hạ Long (cách ngày nay khoảng từ 3.500 - 5.000 năm). Phương thức sống chủ yếu của chủ nhân Soi Nhụ là “bắt sò ốc, có cả hái lượm hoa quả, đào củ, rễ cây”, biết bắt cá mà chưa có nghề đánh cá. Di chỉ Cái Bèo là một trong những bằng chứng đầu tiên để có thể khẳng định, tổ tiên của người Việt cổ, từ rất sớm đã đương đầu với biển khơi và đã phát triển ở đây một nền văn hóa rực rỡ, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố, sắc thái khác biệt vào một dòng văn hóa truyền thống rất lâu đời trong khu vực Việt Nam và Đông Nam Á: dòng văn hóa Cuội. Về phương thức cư trú và sinh sống của người Cái Bèo, ngoài săn bắt hái lượm, đã có thêm khai thác biển. Vịnh Hạ Long là khu vực có giá trị nổi bật toàn cầu, tiêu biểu nhất là các giá trị về thẩm mỹ, khoa học, lịch sử, khảo cổ... Năm 1962, khu vực vịnh Hạ Long được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2, với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo vào năm 2000. Với những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ đặc biệt của vịnh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009). Nguồn: Cục di sản văn hoá

Quảng Ninh 1187 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Núi Mằn

Quần thể di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Núi Mằn thuộc thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long, có diện tích 150 hét ta (bao gồm toàn bộ Núi Mằn, đền Bạch Thạch; các miếu: Thánh Mẫu, Ông Lang, Ông Dài, Ông Cộc; đình Xích Thổ; và di chỉ thành nhà Mạc). Núi Mằn có tên trong thư tịch cổ là “Bân Sơn" nghĩa là ngọn núi đẹp, hoàn thiện từ trong ra ngoài. Vì núi có dòng sông Mân chảy qua nên người dân địa phương thường gọi núi Bân là núi Mân (từ “Mằn” là đọc chệch của từ “Mân”). Theo ghi chép của Đồng Khánh dư địa chí (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1886-1888), Hoành Bồ thời bấy giờ có nhiều núi đá đẹp như núi Bân (núi Mằn), núi Truyền Đăng, núi Hạp, núi Phượng Các… Tuy nhiên, chỉ có hai ngọn núi nổi tiếng được xếp hạng vào danh lam thắng tích thời Đồng Khánh là núi Mằn và núi Truyền Đăng (Núi Bài Thơ ngày nay). Núi Mằn nằm giữa hai nhánh suối Đá Trắng (Bạch Thạch Khe) và suối Lưỡng Kỳ (khe Bân) đổ ra sông Đá Trắng. Nằm trên độ cao gần 300m so với mực nước biển, hình dáng của ngọn núi khiến ta liên tưởng đến con voi ở trong thế quỳ phục, vòi chúc xuống khe Bân. Hệ thống các tảng đá tự nhiên, lớn, nhưng tương đối đồng đều bao quanh núi Mằn như vành mũ. Điểm xuyết giữa màu trắng xanh của những phiến đá là màu xanh của lá, màu đỏ vàng của các loài hoa cùng hệ thực vật bốn mùa tươi tốt ở xung quanh. Lưng chừng núi với vách đá cheo leo và hiểm trở còn có các hang động với những thớ đá, nhũ đá mịn màng, rực rỡ sắc màu, tạo nên vẻ đẹp kỳ diệu, huyền bí. Từ trên đỉnh núi Mằn nhìn xuống, phía Đông và phía Tây ngọn núi có dòng sông Bân và sông Đá Trắng chảy lượn bao quanh, nước trong xanh như mắt ngọc, tạo thành bức tranh sơn thuỷ đầy mê hoặc. Không chỉ là danh thắng đẹp, có cảnh sắc hữu tình với câu sấm trạng nổi tiếng lưu truyền đến tận ngày nay “Mằn sơn án hải, vạn đại Đế Vương”, ngọn núi nổi tiếng từ thời Đồng Khánh còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hoá. Theo lời người dân địa phương kể lại, từ ngàn xưa, nhân dân trong vùng thường coi núi Mằn và núi Bài Thơ là hai cặp núi song sinh với nhiều truyền thuyết hấp dẫn, ly kỳ. Trong đó, núi Mằn gắn liền với truyền thuyết “Ông khổng lồ gánh đá vá trời”. Tương truyền rằng, mỗi bước chân ông đi qua đều gắn liền với một số địa danh lưu truyền đến ngày nay. Đặc biệt, khi ông trở vai, đôi gánh gãy làm đôi, một bên gánh rơi xuống TP Hạ Long là núi Bài Thơ, một bên rơi xuống địa phận Xích Thổ (huyện Hoành Bồ cũ) chính là núi Mằn ngày nay. Di tích núi Mằn còn gắn liền với các sự tích lịch sử về Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương và các truyền thuyết liên quan đến hệ thống đình, miếu nằm rải rác trên địa phận xã Thống Nhất và phường Hoành Bồ như: Miếu Ông Cộc, miếu Ông Lang, miếu Ông Dài, đình Xích Thổ... Để thờ thần núi Mằn (Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương) và Long Hải sơn thần (vị thần cả cai quản vùng sông nước), nhân dân trong vùng đã xây dựng đền Bạch Trạch ngay dưới chân núi. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đến nay đền không còn thờ Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương và Long Hải sơn thần, mà xây dựng thêm am thờ Phật và thờ Mẫu Thượng Ngàn, Tam toà Thánh Mẫu. Đền có khuôn viên gần 1.000m2, bao gồm các công trình: Phủ Bà Chúa Đá trắng, am Thờ Phật, nơi thờ Sơn Thần và Cung bà Chúa Bản thổ. Hầu hết các công trình được xây gạch, trát vữa, mái lợp ngói tây và nền lát gạch hoa. Bên cạnh các giá trị về cảnh quan, tâm linh, quần thể khu di tích núi Mằn còn có giá trị to lớn về lịch sử. Theo nghiên cứu của các nhà sử học thì núi Mằn còn từng là đại bản doanh của quân đội nhà Lý trong cuộc kháng Tống thế kỷ XI. Trong hai lần kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông (1285, 1288), núi Mằn được Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chọn làm đại bản doanh dự bị chiến lược của đạo thủy binh nhà Trần. Sau chiến thắng trận Bạch Đằng năm 1288, vua Trần Thánh Tông đã chỉ huy quân đội nhà Trần vượt biển tiến vào vịnh Cửa Lục, đóng quân tại núi Mằn rồi từ đó tiến lên chặn đánh và truy kích quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy trên đường rút chạy về nước qua đường Đình Lập – Lạng Sơn… Với vẻ đẹp hữu tình tạo hoá đã ban tặng cùng với hệ thống đền, miếu gắn liền với nhiều truyền thuyết lịch sử, quần thể di tích lịch sử - danh thắng núi Mằn đã được Bộ Văn Hoá, Thông Tin và Du Lịch quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 08/7/2014. Nguồn: Báo du lịch Hạ Long Quảng Ninh

Quảng Ninh 1153 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích khảo cổ Hòn Hai Cô Tiên

Di tích lịch sử, khảo cổ học Hòn Hai Cô Tiên thuộc tổ 65, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long. Từ năm 2001 đến nay, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam khảo sát, khai quật và đã phát hiện nhiều di vật mang dấu ấn đặc trưng của giai đoạn muộn của văn hóa Hạ Long (Hậu kỳ đá mới) đến giai đoạn Văn hóa Đông Sơn (Thời đại Kim khí) có niên đại cách đây từ 4.000 năm đến 2.000 năm. Tại đây, các nhà khoa học đã khai quật được 91 hiện vật, 1.000 tiêu bản khoa học gồm công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, trang sức, tín ngưỡng... với các chất liệu gốm, xương, đá; một khu mộ táng với 46 di cốt người cổ, trong đó có những di cốt còn tương đối hoàn chỉnh. Các di cốt được chôn bó gối kèm theo đồ tùy táng. Bảo tàng Quảng Ninh còn thám sát 4 vị trí ở khu vực thung lũng và chân núi, đã thu được 294 hiện vật, trên 20.000 tiêu bản khoa học gồm các chất liệu đồng, đá, xương, gốm như: lưỡi câu, rìu, đục, đồ trang sức. Tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều mảnh khuôn đúc đồng của Văn hóa Đông Sơn cùng những mảnh xỉ đồng dùng để đúc rìu, mũi giáo, lao... Tại khu vực I, Bảo tàng Quảng Ninh còn phát hiện được một quần thể San hô hóa thạch có thể là thuộc kỷ Devon - Cacbon (cách ngày nay khoảng 400 triệu năm). Cùng với giá trị khảo cổ, Di tích Hòn Hai Cô Tiên còn có rừng nguyên sinh núi đá với nhiều loài linh trưởng quý, bò sát như khỉ lông vàng, kỳ nhông, tắc kè... và một hệ thực vật phong phú đặc hữu của rừng núi đá như chè dây, Phất Dụ núi, Phong lan Hạ Long, Hài vệ nữ hoa vàng, Thiên tuế Hạ Long... Việc công nhận di tích Hòn Hai Cô Tiên là Di tích quốc gia đã góp phần nâng cao giá trị văn hóa của Di sản thế giới Vịnh Hạ Long và vị trí lịch sử quan trọng của Quảng Ninh với nền văn hóa cổ Hạ Long, trong vùng Đông Bắc của Việt Nam. Đồng thời, di tích còn tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo ngay trong thành phố Hạ Long. Nguồn: Sở văn hoá thể thao tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh 1155 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm

Cụm di tích chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập từ lâu đã được đông đảo du khách thập phương biết đến là chốn sơn thuỷ hữu tình của Hạ Long. Với những giá trị về văn hoá, lịch sử, khoa học, nghệ thuật và thắng cảnh, mang đậm dấu ấn các thời đại, ngày 23/11/1997, chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích cấp Quốc gia. Còn với nhiều người dân của TP Hạ Long, nơi đây đã trở thành địa điểm hành hương không thể thiếu mỗi dịp du Xuân. Cụm di tích này nằm bên phải quốc lộ 18A (hướng đi từ TP Hạ Long đi Hà Nội) thuộc địa phận phường Đại Yên, thành phố Hạ Long. Qua nghiên cứu các sử liệu cho thấy chùa Lôi Âm được xây vào năm Quang Thuận thời Lê Thánh Tông và ngày khánh thành có thể trùng hợp với thời điểm vua Lê đi tuần thủ An Bang, khắc bài thơ trên núi Bài Thơ (1468). Hồ Yên Lập là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, trải qua hơn 30 năm đi vào khai thác, sử dụng, đến nay hồ Yên Lập vẫn đang phát huy hiệu quả, không chỉ góp phần giảm hạn hán, lũ lụt mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên. Nhìn từ trên cao, hồ Yên Lập hiện ra với màu xanh êm dịu, xung quanh hồ là những ngọn núi nhấp nhô, giữa hồ nổi lên các đảo nhỏ tạo nên vẻ tự nhiên, quyến rũ lòng người. Cụm di tích lịch sử danh thắng chùa Lôi Âm – hồ Yên Lập đã tạo nên cảnh quan thơ mộng, vốn đã nổi tiếng từ xưa, đến nay lại càng nổi tiếng để thu hút khách tham quan trong khắp mọi miền đất nước. Chùa Lôi Âm nằm trong một khu vực hình bán nguyệt, kéo dài từ trên đỉnh xuống lưng chừng núi. Phía trước mặt là hồ nước, theo thế "tựa sơn, hướng thủy" mà từ xưa cha ông đã từng ví "long chầu hổ phục, bên tả che, bên hữu đỡ, có non thiêng hội tụ, có huyền vũ trùng trùng". Chùa Lôi Âm ở độ cao 395m so với mặt biển, được xây dựng theo hướng Đông Nam là hướng của trí tuệ, hướng của tâm linh. Các dấu tích còn để lại hiện nay thì chùa Lôi Âm được xây theo kết cấu kiến trúc kiểu "nội công ngoại quốc", một điển hình của kiến trúc thời Lê. Từ chân núi Lôi Âm lên tới cửa chùa theo con đường Chúa Ngự, với độ dài khoảng 850m và chiều rộng trung bình là 2,5m. Hai bên chùa có suối giải oan tách làm 2 nhánh, khi qua chùa được nhập lại thành dòng. Suối có nước chảy quanh năm, bắt nguồn từ đỉnh núi đổ xuống hồ Yên Lập. Hàng muỗm cổ thụ trồng phía trước và xung quanh chùa là biểu tượng của sự thanh cao, trường tồn. Ngoài ra, chùa còn phong phú với hàng đa, hàng thau hay những hàng trâm, tạo nên sự linh thiêng nơi chốn cửa thiền mà cũng rất gần gũi với cuộc đời trần tục. Các triều vua phong kiến Việt Nam thường lui tới đây du ngoạn và ca ngợi. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, tất cả chùa chiền, đền, miếu đều bị đập phá một cách nghiêm trọng. Riêng tiền đường phía tay phải vẫn còn bức tường cao 1,5m, dày 30cm, xây toàn bộ bằng gạch đỏ. Phía hậu cung của khu tam bảo còn giữ lại bức tường cao 1,2m, độ dày 20cm. Bên cạnh chùa phía tay phải là vườn tháp làm bằng đá xanh thớ mịn, với kỹ thuật ghép mộng chắc chắn. Còn lại nguyên vẹn tháp tổ 3 tầng, phía trên được ghi rõ hàng chữ "Phổ Minh tháp". Đỉnh tháp tạc 1 đài sem ôm lấy bình nước Cam Lộ, thu nhỏ dần lên phía đầu, tỏa mãi trong không trung, tạo cho du khách cảm giác như được siêu thoát trước cửa thiền tâm. Trước cửa chùa còn đặt một cây hương đá xây hình tứ trụ. Trên mái hương nơi các đầu đao thể hiện hình vân xoắn, trong một chừng mực nào có, nó tượng trưng cho niềm mong ước "mưa thuận gió hòa". Cũng nằm phía trước chùa về phía tay trái là hàng bia đá cổ gồm 5 chiếc nguyên vẹn. Trong mỗi mùa lễ hội, nhân dân và du khách vượt qua lòng hồ Yên Lập lên đến chùa Lôi Âm. Cảm nhận về cái đẹp ở đây là phải lướt trên con thuyền để thưởng ngoạn sự thơ mộng, không khí trong lành. Mặt hồ Yên Lập không có sóng xô cuồn cuộn của biển cả, không có những hang động thiên tạo như Vịnh Hạ Long... Nhưng đến với hồ Yên Lập là tìm đến với sự thanh thản của một phong cảnh dịu hiền, mặt nước gợn sóng trong làn gió nhẹ có thể nhìn suốt tới đáy, các đảo nổi trên hồ là những điểm nghỉ chân thú vị. Cụm di tích lịch sử và danh thắng Chùa Lôi Âm - Hồ Yên Lập đã mang đậm dấu ấn các thời đại với nhiều giá trị trong lịch sử, khoa học, nghệ thuật và danh thắng. Qua nghiên cứu, khảo sát những di vật của chùa Lôi Âm ta có thể khẳng định: chùa Lôi Âm là một kho tàng nghệ thuật văn hóa vô giá. Ngoài giá trị khoa học, nghệ thuật văn hóa, chùa Lôi Âm còn chứa đựng những giá trị lịch sử đấu tranh của dân tộc. Nằm nơi địa thế sơn lâm kín đáo, năm 1946 Trung đoàn 98 đã đóng quân tại đây, do đồng chí Vũ Mạnh Hùng làm Trung đội trưởng, lấy ngôi chùa làm đài quan sát, đơn vị đã kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lên nhiều chiến công, đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch. Giờ đây, chùa Lôi Âm là một danh thắng hài hòa trong cảnh "sơn thuỷ hữu tình". Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Thành Phố Hạ Long

Quảng Ninh 1109 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai

Trận địa pháo cao xạ 37 ly của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai là di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1997. Nơi đây, vào thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, các chiến sĩ tự vệ của Xí nghiệp Bến Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai) đã lập nên những chiến công xuất sắc, bắn rơi máy bay Mỹ. Di tích trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai nằm trên đồi cao 102m so với mặt nước biển. Từ đây có thể bao quát được nhiều vị trí của Thị Xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) như bến phà, cảng Hòn Gai và các khu dân cư xung quanh. Năm 1960, đơn vị tự vệ của Bến Hòn Gai được thành lập. Trận đánh đầu tiên của đơn vị chính là ngày 5-8-1964, khi máy bay Mỹ lao vào bắn phá Quân cảng Hải quân ta ở Bãi Cháy, các chiến sĩ tự vệ Bến Hòn Gai đã chiến đấu anh dũng, cùng với các lực lượng phòng không, hải quân và tự vệ của các đơn vị khác tạo nên lưới lửa, bắn rơi 3 máy bay, bắt sống tên phi công Mỹ E-vơ-rết An-va-rét khi hắn nhảy dù xuống Vịnh Hạ Long. Sau trận đánh này, đã có 28 đồng chí của đơn vị được tặng thưởng Huy hiệu 5-8, tiêu biểu như Đặng Bá Hát, Trần Minh Thành… Năm 1966, Xí nghiệp Bến Hòn Gai hình thành 2 cụm trực chiến gồm 30 người, chỉ huy trưởng là đồng chí Lê Quang Minh, chỉ huy phó là đồng chí Đặng Bá Hát. Ngày 10-3-1967, máy bay của giặc Mỹ theo nhiều hướng lao vào đánh phá khu Ba Đèo, phố Nhà Thờ, đồi 102… Với tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ tự vệ, 1 chiếc máy bay F8 của giặc Mỹ đã bị bắn trúng bốc cháy, lao ra biển. Cuối năm 1968, sau khi được tỉnh trang bị thêm cho 4 khẩu pháo cao xạ 37 ly, Xí nghiệp Bến Hòn Gai thành lập 1 đại đội gồm 45 người do đồng chí Đặng Bá Hát làm Đại đội trưởng. Trận địa đóng trên đồi 102 (đồi Bến phà). Ngày 18-5-1972, Đại đội tham gia chiến đấu và đã bắn rơi 1 chiếc F4 của giặc Mỹ. Chiến công đã làm tăng thêm sự phấn khởi và quyết tâm đánh thắng cho cả Đại đội, từ chỉ huy tới chiến sĩ. Chiến tranh leo thang của giặc Mỹ ngày càng ác liệt. Ngày 12-7-1972, chúng lại tập trung đánh vào TX Hòn Gai. Lúc này, hai chiếc phà chở đầy người và ô tô đang trong hành trình qua sông Cửa Lục. Tình thế diễn ra rất nguy kịch. Đồng chí Đặng Bá Hát vừa chỉ huy đánh chi viện, bảo vệ phà vừa trực tiếp chiến đấu. Trận địa bị máy bay Mỹ đánh trúng bằng bom xuyên, đồng chí Đặng Bá Hát bị thương vào bụng và đã anh dũng hy sinh khi tay còn đang cầm cờ lệnh. Sau trận đánh, Đại đội bị tổn thất lớn nhưng vẫn tiếp tục bám trụ, triển khai đánh địch. Chỉ trong tháng 10-1972, Đại đội đã đánh 37 trận, tháo gỡ nhiều bom phá, bom xuyên và bom bi các loại… Với những chiến công đã đạt được, đầu năm 1973, Đại đội tự vệ 37 ly của Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng lẵng hoa ngay tại trận địa và cũng trong năm này, Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Liệt sĩ Đặng Bá Hát với tấm gương chiến đấu, hy sinh quên mình đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào năm 1995. Nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trận địa pháo cao xạ 37 ly của Xí nghiệp Bến Hòn Gai, được biết UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã có sự thoả thuận về dự án đầu tư, tôn tạo di tích. Hiện các thủ tục đã cơ bản xong, chỉ còn chờ con đường lên cầu Bãi Cháy hoàn chỉnh để bắt tay vào thi công. Các hạng mục dự kiến tôn tạo bao gồm xây dựng tượng đài Đặng Bá Hát, phục hồi các giao thông hào, hầm đạn, hầm trú ẩn, xây dựng nhà trưng bày hiện vật… Di tích sau khi được tôn tạo sẽ không chỉ là nơi ghi dấu chiến công, giáo dục truyền thống, mà còn góp phần làm tăng giá trị, ý nghĩa và vẻ đẹp của cầu Bãi Cháy nói riêng, vùng đất Cửa Lục nói chung. Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh

Quảng Ninh 1092 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Núi Bài Thơ

Núi Bài Thơ nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long. Ba mặt núi là những khu dân cư đông đúc, phía tây và phía nam núi kề bên Vịnh Hạ Long xinh đẹp. Núi Bài Thơ là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử, là biểu tượng của thành phố Hạ Long, nơi quần tụ của nhiều di tích nổi tiếng như: chùa Long Tiên, đền Đức Ông, Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh; Trận địa 12 ly 7; Hang thị đội Hồng Gai; Các hang phòng không sơ tán (từ hang số 1 đến hang số 6). Là nơi quần tụ của các điểm di tích thuộc nhiều loại hình như lịch sử, danh lam thắng cảnh, núi Bài Thơ mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ (được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử, thắng cảnh ngày 31/8/1992 (Bổ sung khu di tích thắng cảnh vịnh Hạ Long ) đã trở thành điểm đến thú vị cho những nhà lịch sử, các thi sỹ, nhiếp ảnh gia, nhân dân và khách du lịch gần xa. Từ đỉnh núi Bài Thơ ta có thể nhìn ra bao quát toàn cảnh Vịnh Hạ Long. Núi Bài Thơ như một tượng đài sống ghi lại những dấu ấn lịch sử quan trọng của nhiều thời đại. Hàng trăm năm trước, khi còn mang tên là núi Rọi Đèn (tên chữ là Truyền Đăng Sơn). Theo truyền thuyết dân gian ở địa phương kể rằng: núi Truyền Đăng là ngọn núi cao nhất ở vùng biển Cửa Lục, án ngữ trên con đường hàng hải cổ đại từ phía Bắc vào nội địa nước ta. Các triều đại phong kiến đều lấy núi Truyền Đăng đặt làm vọng gác tiêu biểu ở vùng biển ải Đông Bắc. Hàng đêm, lính đồn trú treo ngọn đèn nồng trên đỉnh núi báo hiệu tình hình phía Đông Bắc vẫn yên tĩnh. Nhưng khi có giặc dã, người lính bèn đốt củi cho ngọn khói bốc cao báo động về đất liền. Từ việc treo đèn đốt lửa của lính đồn trú trên đỉnh núi, nên núi có tên là Dọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng. Năm 1468, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi tuần vùng biển An Bang và đóng quân dưới núi Truyền Đăng. Xúc động trước vẻ đẹp thần tiên của mây trời non nước Hạ Long, nhà vua đã làm một bài thơ và cho khắc vào phía Nam của vách núi đá và từ đó núi có tên Bài Thơ. Hai trăm sáu mươi mốt năm sau (1729), chúa Trịnh Cương đã làm một bài thơ họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông và cho khắc vào gần đấy... Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (năm 1968) núi Bài Thơ còn là vọng gác phòng không canh giữ biển trời vùng mỏ, là hang cứu thương, phục vụ chiến đấu và là nơi đặt trung tâm điện tín của Bưu điện tỉnh Quảng Ninh…. Đặc biệt sự kiện cắm cờ Đảng đầu tiên trên núi Bài Thơ mang một ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn. Sáng 01/5/1930, lá cờ Đảng phấp phới bay trên núi Bài Thơ đã đánh một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cách mạng ở khu mỏ, nó thúc giục công nhân và lao động khu mỏ bước lên trường tranh đấu, đạp đổ ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân và bây giờ ngọn cờ đó vẫn tung bay phất phới trên ngọn núi Bài Thơ, là biểu tượng của thành phố Hạ Long - vùng đất mỏ anh hùng. Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ núi Bài Thơ còn góp phần tạo nên một sự kiện lịch sử quan trọng. Lịch sử còn ghi lại: Dân quân tự vệ phường Bạch Đằng ở ngay trung tâm thành phố Hòn Gai (thành phố Hạ Long bây giờ), dưới chân núi Bài Thơ đã thành lập một khẩu đội 12 ly 7 và đưa lên trực chiến ngay trên núi Bài Thơ. Khẩu đội này là một trận địa phòng không bám trụ và chiến đấu trong điều kiện hết sức gian khổ và góp phần tích cực vào thắng lợi chung của quân dân vùng mỏ Quảng Ninh. Với một vai trò khác, vào những năm 1964 -1975, tại các hang ở sườn núi phía Đông của núi Bài Thơ, Trung tâm điện chính Bưu Điện Quảng Ninh đã chọn làm nơi sơ tán nhà cơ vụ và đặt một trạm viba để phát sóng truyền đi những thông tin quan trọng, nhờ đó không những đảm bảo được thông tin liên lạc thông suốt mà còn góp phần đánh trả lại máy bay Mỹ, bảo vệ trạm phát sóng an toàn. Núi Bài Thơ nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Quảng Ninh từ thời kỳ Phong kiến đến các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ nếu được đầu tư tôn tạo, kết hợp với các điểm di tích như Trận địa 37ly của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai (thành phố Hạ Long), Trung tâm chiến khu Đông Triều (chùa Bắc Mã) (huyện Đông Triều); Khu căn cứ cách mạng Sơn Dương, khu căn cứ kháng chiến chống Pháp Bằng Cả (huyện Hoành Bồ) cùng các di tích lịch sử cách mạng của các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, thành phố Móng Cái sẽ trở thành tour du lịch thăm chiến trường xưa hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: Cổng thông tin điện tử văn hoá thể thao Quảng Ninh

Quảng Ninh 1126 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật