Di tích lịch sử

Tuyên Quang

Di tích Thành nhà Mạc (Thành Tuyên Quang)

Thành Tuyên Quang (còn gọi là thành nhà Mạc) nằm giữa hai khu phố Xuân Hoà và Tam Cờ, thuộc địa phận phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, được xây dựng vào khoảng năm 1533-1548. Thành xây theo kiểu hình vuông, mỗi bề dài 275m, tường thành cao 3,5m, bề dày phía trên cùng thành 0,8m. Ở giữa mỗi mặt thành có một cửa bán nguyệt mở ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Trên cửa xây tháp, mái lợp bằng ngói vảy. Bên trong tường thành có một con đường nhỏ để tiếp đạn dược, cấp cứu, tải thương. Gạch xây thành bằng đá ong chứa quặng sắt, rất rắn. Ngoài cùng bao thành là một lớp hào sâu ngập nước. Đầu thời Nguyễn, thành được sửa chữa, gia cố thêm, xây bằng loại gạch nhỏ. Trong thành, chếch về hướng bắc có núi Thổ Sơn, cao gần 50m, dốc đứng, rất tiện cho việc quan sát và cố thủ khi bị bao vây. Án ngữ bên bờ sông Lô, nằm trên trục giao thông thuận lợi, địa hình và cấu trúc làm cho thành có một vị trí quân sự trọng yếu. Đã có nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trong thành nhà Mạc: Năm 1884, đồng bào các dân tộc do Lãnh Chân, Đốc Thịnh chỉ huy cùng với quân của Lưu Vĩnh Phúc, vây hãm quân Pháp trong thành từ tháng 8-1884 đến tháng 4-1885, chặn đánh chiến thuyền tiếp tế, đào nhiều đường hầm, dùng thuốc nổ để công phá. Trong tổng số 600 tên địch đã có 200 tên bị diệt, hơn 300 tên bị thương. Rạng sáng ngày 17/8/1945, dưới sự chỉ huy của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, Quân giải phóng, tự vệ địa phương nhanh chóng đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, trại bảo an, nhà bưu điện, sở kho bạc, chỉ còn thành Tuyên Quang do quân Nhật đóng trại. Ngày 20/8, Quân giải phóng vừa chặn đánh quân Nhật từ Hà Giang xuống vừa tập trung lực lượng tấn công vào thành, tổ chức đông đảo quần chúng tuần hành thị uy. Ngày 21/8, quân Nhật buộc phải đầu hàng. Ngày 20/3/1961, tại sân vận động ở chân núi Thổ Sơn, nhân dân Tuyên Quang mít tinh đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và làm việc. Di tích thành Tuyên Quang được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, ngày 30-8-1991. Nguồn: Báo Tuyên Quang điện tử

Tuyên Quang 771 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Chiến thắng Khe Lau

Khe Lau là nơi giao nhau giữa sông Gâm và sông Lô thuộc địa phận xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây còn có nhiều tên gọi khác là ngã ba Luồng, Cửa Sông hoặc Hòn Lau. Với địa hình hiểm trở, cả hai bờ sông đều có những đồi lau rậm rạp và ở gần chân núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta phục kích đánh địch. Từ ngày 3/11/1947, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Chiêm Hóa về thị xã Tuyên Quang bằng cả đường thủy lẫn đường bộ. Bộ đội Trung đoàn 112 cắt rừng vượt về Yên Nguyên phối hợp cùng dân quân, du kích địa phương lập một trận địa phục kích từ chân đèo Gà tới cầu Cả. Pháo binh được điều gấp từ Yên Bình về bố trí phục kích tàu chiến địch ở Hòn Lau. Lúc 14 giờ ngày 10/11/1947, đoàn tàu của địch gồm 2 chiếc L C T, 1 ca-nô chở 200 lính Âu-Phi từ Chiêm Hóa chạy về tới Hòn Lau. Pháo binh của ta dồn dập nhả đạn. Cả 2 chiếc L C T của địch đều bị trúng đạn, bốc cháy. Chiếc ca-nô của địch tháo chạy nhưng cũng bị trúng đạn. Lính Pháp chạy lên bờ liền bị dân quân, du kích nổ súng tiêu diệt. Trận Khe Lau diễn ra hơn 1 giờ đồng hồ, quân ta đã tiêu diệt hơn 200 tên lính địch, bắn chìm 2 tàu chiến, 1 ca-nô. Chiến thắng Khe Lau, được đánh giá là 1 trong 10 trận đánh lớn trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947. Cố Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca từng khẳng định, trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, Tuyên Quang đã đóng góp vào chiến thắng trên mặt trận sông Lô bằng 2 trận đánh. Trận đầu là trận Bình Ca và trận cuối cùng là trận Khe Lau. Bác Hồ đã nói “địch mạnh ở hai gọng kìm, ta bẻ gãy thì cái ô mà chúng chụp xuống Việt Bắc sẽ cụp thành ô rách”. Quân và dân Tuyên Quang đã góp phần bẻ gãy cánh quân đường thủy của Pháp, đóng góp rất lớn vào chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947. Đập tan ý đồ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài để đối phó với ta, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta sang một thời kỳ mới. Với thắng lợi này, lực lượng vũ trang của ta ngày càng trưởng thành, căn cứ địa Việt Bắc đã trở thành biểu tượng của niềm tin và chiến thắng. Không thực hiện được âm mưu, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Việt Bắc, trong quá trình rút chạy chúng bị quân ta chặn đánh tiêu hao nhiều sinh lực. Giữa tháng 12/1947, Tuyên Quang sạch bóng quân xâm lược. Trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, quân và dân Tuyên Quang đã đánh 48 trận trong đó có 30 trận độc lập tác chiến, 18 trận phối hợp với bộ đội chủ lực, tiêu diệt 1.300 tên địch, bắn cháy, bắn hỏng 10 ca-nô, tàu chiến, phá hủy 1 máy bay, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Quân và dân Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, góp phần bảo vệ an toàn, bí mật nơi ở của Bác Hồ, các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Ngày 23/12/1947, tại thị xã Tuyên Quang đã diễn ra lễ mừng chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 và vinh dự được đồng chí Võ Nguyên Giáp – Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ Việt Nam thay mặt Chính Phủ tuyên dương công trạng quân dân Việt Bắc. Nguồn: Báo nhân dân

Tuyên Quang 1131 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Đá Bàn

Khu di tích lịch sử Làng Ngòi - Đá Bàn là địa danh lịch sử được biết đến bởi mối tình đoàn kết gắn bó, sẻ chia của 2 nước Việt – Lào. Di tích cách mạng Lào nằm tại thôn Làng Ngòi – Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Di tích được phân bố ở hai khu vực là khu Làng Ngòi và khu Đá Bàn. Khu Làng Ngòi bao gồm các di tích: Hội trường Đại hội đại biểu Neo Lào Ítxala; nơi ở, làm việc của đồng chí Cayxỏn Phômvihản; nơi ở, làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông; nơi ở, làm việc của đơn vị bộ đội Lào. Toàn bộ Khu di tích nằm trên đồi Gò Tre, đồi Tơ thuộc thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Diện tích đã được khoanh vùng bảo vệ là: 1.500m2. Tại đây, ngày 13/8/1950, đã diễn ra Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến, về dự Đại hội có hơn 100 đại biểu thay mặt nhân dân các bộ tộc Lào. Đại hội đã bầu ra Chính phủ kháng chiến Lào do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Thủ tướng; đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, làm Bộ trưởng Quốc phòng (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào) và bầu ra Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Lào tự do (Neo Lào Ítxala) nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, thống nhất cho nước Lào xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trải qua biến thiên của lịch sử, những dấu tích đã bị mai một dần, để lưu giữ được những giá trị lịch sử, Sở văn hóa thể thao và du lịch Tuyên Quang đã thực hiện Dự án phục hồi, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia cách mạng Lào. Dự án đã phục hồi nhà ở và nhà làm việc của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông; nhà Hội trường; phục hồi, tôn tạo hệ thống hầm, hào; cải tạo lại cửa hang Đá Bàn; tôn tạo nhà bia tổng thể; xây dựng cầu kiên cố bắc qua suối dẫn vào khu di tích; xây nhà Ban quản lý di tích… Để phát huy hơn nữa những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của khu di tích quốc gia Cách mạng Lào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy có hiệu quả các giá trị lịch sử của khu di tích; đưa khu di tích lịch sử quốc gia cách mạng Lào tại Tuyên Quang thực sự trở thành biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt – Lào. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ của hai nước để tiếp tục nuôi dưỡng, vun đắp và đưa mối quan hệ Việt Nam – Lào mãi mãi gắn bó, sắc son. Nguồn: Cục Thông tin đối ngoại

Tuyên Quang 1219 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Kim Bình

Khu di tích Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (Khu di tích Kim Bình), bao gồm 52 điểm, phân bố trên địa bàn 4 xã: Kiên Đài, Kim Bình, Vinh Quang, Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Khu di tích Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, như: Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Việt - Miên - Lào, Trường Nguyễn Ái Quốc (tiền thân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khai giảng khoá III, Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất. 1. Khu di tích địa điểm làm việc của Trung ương Đảng và Chính phủ, xã Kiên Đài. Xã Kiên Đài có hệ thống đồi núi cao bao bọc (chiếm 3 phần tư diện tích), địa thế hết sức hiểm trở, cơ động "thuận đường tiến, tiện đường thoái", là vùng giáp gianh giữa tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn. Giao thông chủ yếu bằng đường mòn và đường goòng (có từ thời Pháp thuộc). Khu căn cứ Kiên Đài được che phủ một lớp thảm thực vật đa dạng, phong phú tiện lợi cho việc khai thác phục vụ xây dựng lán trại, nhà ở, kho tàng, hầm hào, công sự. Nhiều ngọn núi cao bao bọc các thôn, xóm tạo thành bức tường thành kiên cố. Trên núi có nhiều hang, động, rất thuận lợi cho việc trú ẩn khi có báo động. Nhân dân ở đây đa số là đồng bào dân tộc Tày, Dao, có tinh thần yêu nước và giác ngộ cách mạng sớm. Với vị trí đảm bảo an toàn, bí mật, thuận lợi giao thông và liên lạc, Kiên Đài là nơi ở và làm việc của các lãnh tụ và nhiều cơ quan Trung ương trong thời gian từ năm 1948 - 1952. 2. Khu di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, xã Kim Bình. Cuối năm 1950, sau khi nghiên cứu kỹ địa hình xã Kim Bình, Trung ương Đảng quyết định chọn khu đồi Nà Loáng, thuộc thôn Bó Củng làm nơi tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đồi Nà Loáng nằm ở vị trí trung tâm thôn Bó Củng, xung quanh được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao, như Pù Choong, Pù Mi, Pù Méo, Trai Mặt, Khặm Khuật, tạo thành bức tường thành vững chắc, thuận lợi để đặt đài quan sát, trận địa phòng không. Đồi có dạng hình bát úp, đỉnh khá rộng và bằng phẳng thuận lợi để xây dựng nhà cửa và đi lại. Dưới chân đồi có suối Cổ Linh chảy qua, là nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho các đại biểu. Từ đồi Nà Loáng có nhiều lối mòn thuận lợi đến các vùng trong An toàn khu. 3. Trạm gác bảo vệ các cơ quan Trung ương, phố Chinh, xã Vinh Quang Trạm gác là một ngôi nhà đất ba gian được dựng bằng cột gỗ, mái lợp lá cọ phên vách nứa đan nong đôi, có một cửa ra vào và hai cửa sổ. Nhà có chiều dài khoảng 3m, chiều rộng khoảng 2m, bên trong có một bộ bàn ghế để phục vụ trực bảo vệ. Hiện nay, di tích chỉ còn lại địa điểm. 4. Địa điểm Nà Mạ, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú Căn lán nhỏ cách nhà sàn của gia đình ông Hà Văn Hợp khoảng 20m, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh nghỉ có chiều dài khoảng 7m, chiều rộng khoảng 3m. Lán được làm bằng tre, nứa, mái lợp lá cọ, phên vách nứa đan nong đôi. Ngôi nhà sàn của gia đình ông Hà Văn Hợp, nơi nghỉ lại qua đêm của đồng chí Phạm Văn Đồng là ngôi nhà sàn 3 gian 2 chái, được làm bằng cột gỗ, mái lợp lá cọ, xung quanh thưng vách nứa đan nong đôi, có 2 cầu thang lên xuống. Hiện nay, di tích chỉ còn lại địa điểm. Các hiện vật của Khu di tích Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang (20 hiện vật) như: bàn, ghế hội trường, hòm đựng đồ để xây dựng, hòm đựng gạo phục vụ Đại hội, hộp đựng cơm, tráp đựng tài liệu của đại biểu. Tại Khu di tích Kiên Đài có các hiện vật: bộ bàn ghế làm việc của đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng... Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ một số hiện vật như: bàn, ghế làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian diễn ra Đại hội… Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến 19/02/1951, cũng là dịp nhân dân các dân tộc xã Kim Bình tổ chức lễ hội Lồng tông. Vì vậy, di tích có sự gắn kết chặt chẽ với lễ hội. Khu di tích Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 22/12/2016). Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang 1379 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm du lịch văn hoá - lịch sử Nha Công an

Khu di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam (Di tích Nha Công an Trung ương) tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh (Sơn Dương) là một phần thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi ở và làm việc của Nha Công an Trung ương từ tháng 4-1947 đến tháng 9-1950. Trước đây, toàn bộ nhà ở và làm việc của các bộ phận trong Nha Công an Trung ương được phân bố trên 2 quả đồi lớn, thường được gọi là đồi A và B. Hai quả đồi này nằm liền nhau và sát cánh đồng Lũng Cò. Từ đây có thể quan sát được cả một vùng rừng núi, xóm làng rộng lớn thuận tiện cho việc đi lại hội họp. Phía sau hai quả đồi có núi Đền bao bọc, địa thế kín đáo và hiểm yếu rất thuận lợi cho việc bảo vệ. Nơi đây đã chứng kiến những bước trưởng thành của toàn lực lượng, nơi Nha công an Trung ương ra những chỉ thị, nghị quyết quan trọng, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với CAND. Quảng trường 19 tháng 8 được đặt tên theo ngày truyền thống CAND. Nổi bật trước Quảng trường là cờ Tổ quốc và cờ Đảng được xây dựng bằng đá tự nhiên với thế dựa vào núi vững chắc, thể hiện cho ước vọng đất nước, Đảng mãi trường tồn. Để tỏ lòng tri ân và giáo dục truyền thống đối với các thế hệ cán bộ CAND, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã cho khắc tên của 13.689 liệt sĩ lên bia ghi danh phía sau của hai lá cờ. Tượng đài “Bảo vệ an ninh tổ quốc”, toạ lạc trên đỉnh đồi B, vị trí trung tâm khu di tích, tượng có trọng lượng hoàn thiện là 420 tấn. Đây là công trình văn hoá độc đáo không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, nội dung mà còn có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc... Quần thể tượng đài rộng gần 3.000 m2, làm hoàn toàn bằng đá tự nhiên với trung tâm là Tượng đài “Bảo vệ an ninh tổ quốc” được làm bằng đá granite nguyên khối, có chiều cao 21,6 m, đường kính lớn nhất là 4,5 m, hướng về Thủ đô Hà Nội. Tượng đài gồm 5 nhân vật đại diện cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Trên đỉnh là lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng cùng thanh bảo kiếm hướng lên trời cao. Phía sau của Tượng đài là bức phù điêu bằng đá granit đỏ, khắc họa 39 sự kiện bằng hình ảnh được chọn lọc tiêu biểu nhằm thể hiện một cách khái quát nhất các hoạt động nổi bật trong chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của lực lượng CAND cùng với toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bức phù điêu là một công trình văn hoá tiêu biểu, độc đáo tôn vinh quá trình hình thành và phát triển ngành công an nhân dân Việt Nam. Nhìn từ xa có thể thấy bức phù điêu như một áng mây đang toả hào quang rực rỡ. Với mục đích giáo dục truyền thống vẻ vang của ngành đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, năm 2010 cùng với việc xây dựng bức Phù điêu, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định cho khắc tên của 630 tập thể và 336 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thuộc lực lượng CAND lên bảng vàng phía sau của bức phù điêu. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang 1174 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Nhà ở và Hầm an toàn của đồng chí Tôn Đức Thắng

Khu di tích Nhà ở và Hầm an toàn của đồng chí Tôn Đức Thắng nằm ở thôn Chi Liền, (nay là thôn Đồng Ma), xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Nơi đồng chí Tôn Đức Thắng quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt sinh hoạt và làm việc từ cuối năm 1952 đến năm 1954. Ngôi nhà nằm bên cạnh dòng sông Phó Đáy, xung quanh cây cối um tùm tươi tốt, giúp cho việc đưa thông tin liên lạc bí mật giữa các nơi trong vùng thuận lợi. Đây là ngôi nhà sàn bằng gỗ, có 2 gian ngăn dọc, mái lợp lá cọ. Gian ngoài của nhà là nơi làm việc và tiếp khách; gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi. Sát nhà ở của Bác Tôn là Hầm an toàn được đào sâu vào sườn núi Chi Liền khoảng 10m, đào sang ngang 10m, có 2 cửa thông 2 chiều. Đây là 2 di tích tiêu biểu trong những di tích lịch sử cách mạng đã từng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng tại Tuyên Quang trong thời kỳ gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khu di tích Kim Quan cách thị xã Tuyên Quang hơn 40 km về phía đông, trải rộng trong khu rừng Nà Lơi và Vực Nhù, thôn Khuôn Điền, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Dòng sông Phó Đáy bao bọc khu rừng vừa thuận tiện giao thông, sinh hoạt vừa đảm bảo bí mật. Khu văn phòng Trung ương Đảng cách Văn phòng Chính phủ 200m về phía Đông Bắc. Ở đây, có hội trường, nhà đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh, nhà đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương và các bộ phận của Văn phòng Trung ương: điện đài, văn thư, thư viện, bộ đội bảo vệ. Địa điểm Vực Nhù nơi Bác ở và làm việc. Nhà của Bác là nhà sàn dựng trên sườn núi. Cách nhà sàn không xa là hầm trú ẩn. Nhà nối với hầm bằng đường hào chữ chi. Toàn bộ nhà làm việc, nhà ở, hội trường đều bằng gỗ, tre, nứa, lá… các hầm trú ẩn đều đào sâu trong lòng núi, được lát gỗ cả bốn mặt. Riêng căn hầm khu văn phòng Trung ương Đảng có một đoạn lộ thiên ở phần ngoài, phần này có ụ đất cao, tạo lối vào hầm hình chữ chi. Kim Quan còn là nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ tiếp khách quốc tế. Cũng từ đây Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng đi dự hội nghị Giơ-ne-vơ. Khu di tích đã được Bộ Văn hoá- Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia. Nguồn: Hiệp hội lữ hành Việt Nam

Tuyên Quang 1154 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Hang Bòng

Theo cuốn sách Di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang xuất bản năm 2010, hang Bòng, thôn Bòng, xã Tân Trào (Sơn Dương) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở lâu nhất trong kháng chiến. Từ căn lán nhỏ đơn sơ trước cửa hang Bòng, Bác Hồ đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng, chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Chính phủ, viết báo, làm thơ. Những ngày ở đây, Bác đã sống một cuộc sống giản dị, thanh bạch, luôn dành sự quan tâm, yêu thương cho mọi người. Tại hang Bòng, Bác Hồ đã ở và làm việc 3 lần: Lần thứ nhất từ tháng 5-1951 đến tháng 12-1951, lần thứ hai từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1952, lần thứ ba từ tháng 6 đến cuối năm 1952. Tại lán hang Bòng, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian chơi với các cháu thiếu nhi, tăng gia sản xuất, luyện tập thể thao. Hàng ngày, Bác vẫn ra sông Phó Đáy tắm, khi về không quên mang theo vài viên đá nhỏ xếp vào các bậc đường đi để những hôm trời mưa đỡ trơn. Nhiều câu chuyện cảm động về phẩm chất cách mạng sáng ngời, tình thương yêu của Bác dành cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nơi đây vẫn được kể lại. Từ hang Bòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đến địa điểm họp Bộ Chính trị mở rộng dự kiến diễn ra vào ngày 25 tháng 5 năm 1951. Trời mưa to, nước suối dâng cao, Người đã bơi qua suối và dầm mưa đến dự hội nghị. Cũng tại đây, Bác Hồ đã nhường chăn và đắp cho cán bộ khỏi rét giữa đêm đông giá lạnh, nhường cơm cho cán bộ ăn cho khỏi đói và bảo cán bộ ngủ lại lán cho khỏi mệt. Chính tình thương bao la của Bác đã thúc giục những cán bộ được sống gần Bác vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong kháng chiến và mãi mãi sau này. Lán hang Bòng cũng là nơi Bác đã viết nhiều bài báo, bài viết về công tác tự phê bình và phê bình, phòng chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Ba lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc ở lán hang Bòng, Người làm việc say sưa, hăng hái, không ngơi nghỉ. Nhiều mệnh lệnh, chỉ thị đã được phát ra, truyền đi trên toàn quốc, dẫn dắt cách mạng vững bước đi lên. Những quyết định quan trọng đã làm thay đổi cục diện chiến trường, quan hệ ngoại giao được xây dựng và củng cố, đưa vị thế chính trị của Việt Nam lên tầm cao mới, công tác tài chính, tiền tệ được chú trọng để tạo sức mạnh cho nền kinh tế kháng chiến. Cũng từ đây, Người lên đường đi công tác nước ngoài, ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch. Nguồn: Báo Tuyên Quang online

Tuyên Quang 1109 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Hồng Thái (đình Kim Trận)

Đình Hồng Thái trước năm 1945 còn có tên là đình Kim Trận thuộc thôn Hồng Thái, xã Tân Trào, đình được dựng lên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng và là nơi hội họp, bàn bạc những công việc chung của làng. Tháng 3 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Chu Quý Lương, nhân dân Kim Trận đứng lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Sau khi giành được chính quyền, nhân dân họp bàn và quyết định đổi tên làng. Đồng bào đã lấy tên liệt sỹ Phạm Hồng Thái đặt làm tên xã mình và đình Kim Trận cũng mang tên đình Hồng Thái từ đó. Đình Hồng Thái được dựng theo thuật phong thuỷ từ ngàn xưa để lại, đó là thế: "đất tụ thuỷ, nước tụ hội". Trên thực tế, đình được đặt theo hướng nam lấy núi Thia làm án đình, phía trước là dòng sông Phó Đáy, trước cửa đình có một khoảng sân rộng có nhiều cây cổ thụ như: cây đa, cây gạo… Đình được cất dựng năm thứ 4 của triều Khải Định, tức năm 1919. Đình có kiến trúc thuần gỗ, mái lợp lá cọ. Nhìn về tổng thể, đình có dáng dấp một ngôi nhà sàn miền núi, gồm có ba gian, hai chái. Hai gian hai bên dùng làm nơi hội họp và ăn uống, 3 gian chính giữa dùng làm nơi cúng tế. Phía trên gian giữa có một sàn lửng, chia làm hai phần: phần thượng cung dùng để đồ cúng tế, phía trong là vọng cung là nơi để đồ tế khí. Không giống như đình ở miền xuôi, đình Hồng Thái có kiến trúc rất đơn giản. Nổi bật lên là các chữ triện tô mực đen ở các đầu dư. Ngoài ra, ở gian giữa ta còn thấy hình tượng 6 con tắc kè bám ở 6 cột. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, trang trí, đây còn là một trong những tín ngưỡng nông nghiệp của đồng bào, bởi đồng bào tin rằng tắc kè là con vật có khả năng dự báo được thời tiết mưa hay nắng, để từ đó người ta có thể tính được thời gian trồng cấy mùa vụ. Đình Hồng Thái thờ các vị sơn thần xung quanh vùng. Ngoài ra, đình còn thờ một vị nhân thần là Ngọc Dung công chúa. Hàng năm, dân làng ở đây tổ chức nhiều lễ cúng bái tại đình, các ngày lễ dựa vào mùa vụ trong năm. Ngày 4/5/1945, Bác Hồ từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào. Đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên khi Người đến Tân Trào. Tháng 8 năm 1945, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, khí thế giành chính quyền đang hừng hực khắp nơi. Bác và Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng tại đình Tân Trào. Đình Hồng Thái được chọn làm nơi đón tiếp các vị đại biểu về dự Đại hội. Tất cả các vị đại biểu trước khi vào Tân Trào đều phải xuất trình giấy tờ tại đình Hồng Thái. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ và Trung ương Đảng chuyển về Hà Nội. Đất nước ta hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp bội ước quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quê hương cách mạng Tân Trào lại được đón Bác, Trung ương, Chính phủ về đây để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời kỳ kháng chiến, đình Hồng Thái trở thành trụ sở của Ban bảo vệ an toàn khu. Mọi người muốn vào các cơ quan Trung ương công tác đều phải qua đình Hồng Thái, xuất trình giấy tờ, có chữ ký của người phụ trách thì mới được vào an toàn khu. Ngoài ra, đình Hồng Thái là nơi làm việc của bộ phận Tiếp tế ATK trong thời gian kháng chiến. Sau khi bộ phận này chuyển đi thì nhiều đơn vị bộ đội về đóng quân tại đình Hồng Thái để huấn luyện các đơn vị bộ đội. Nguồn: Trung tâm xúc tiến du lịch Tuyên Quang

Tuyên Quang 1185 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Tân Trào

Đình Tân Trào thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trước đây đình có tên là Kim Long, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 6 (1853). Đình Tân Trào được Bác Hồ và Trung Ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc Dân Đại Hội trong 2 ngày 16 và 17/8/1945, sự kiện lịch sử trọng đại tạo tiền đề cho cách mạng tháng tám thành công. Đình Tân Trào là một ngôi đình thờ Thành Hoàng và các vị thần sông, thần núi của làng Tân Lập. Đình được dựng vào năm Quý Hợi (1923) theo kiểu nhà sàn, cột gỗ 3 gian 2 chái, mái lợp lá cọ. Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945, các Đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về họp Quốc dân Đại hội. Tại đây, các Đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945 thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây. Thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa, với tinh thần quật cường của Quốc dân Đại hội Tân Trào, cả nước đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là “Hội nghị Diên Hồng” lần thứ hai trong lịch sử dân tộc ta. Quốc dân Đại hội Tân Trào chính là tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này là Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 10 chính sách của Việt Minh cũng chính là tiền đề của bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta. Đình Tân Trào là địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Nguồn: Đài phát thanh truyền hình Tuyên Quang

Tuyên Quang 1155 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cây Đa Tân Trào

Di tích cây đa Tân Trào ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cây đa Tân Trào là một biểu tượng lịch sử của thôn Tân Lập, nơi đã diễn ra những sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam. Cây đa này không chỉ là vị thần bảo hộ cho người dân nơi đây mà còn là một nhân chứng sống cho những ngày tháng hào hùng của quân và dân Tân Trào. Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc. Từ đó cho đến nay, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang. Cây đa Tân Trào có hai nhánh cây cao vút được người dân gọi là cây đa ông và cây đa bà. Cả hai cây nằm cách nhau 10mm và rất sum suê cành lá. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, cây đa dần già đi và suy yếu. Năm 1993, do ảnh hưởng của một trận bão, “cây đa ông” bị đổ, chỉ còn lại một nhánh nhỏ. Còn “cây đa bà” không tránh khỏi được quy luật “sinh tử”, dần có những dấu hiệu xấu, lá ngả vàng, một số ngọn bị chết. Đến năm 2008, cây đa Tân Trào chỉ còn sót lại duy nhất một cành hướng Đông Bắc của “cây đa bà” còn sống nhưng là phát triển không tốt, phần rễ chính của cây gần như đã chết. Trước tình hình cấp bách đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra các phương án chăm sóc và hồi sinh cho cây đa Tân Trào. Bằng nhiều nỗ lực, sau 2 năm cây đa Tân Trào đã dần phục hồi, xuất hiện thêm nhiều chồi non, báo hiệu sự sống sẽ nảy nở mạnh mẽ. Và cho đến ngày nay, “cây đa bà” đã phát triển thành 2 cụm rễ gồm 38 rễ lớn nhỏ, tán rộng tỏa bóng xanh mát. Nhánh nhỏ của “cây đa ông” cũng đã phục hồi và phát triển thành cụm cây mới tươi tốt. Di tích cây đa Tân Trào nằm trong khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào của tỉnh Tuyên Quang. Nguồn: Du Lịch Tuyên Quang

Tuyên Quang 1199 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Lán Nà Nưa

Lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa) ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ngày 21/5/1945, sau 18 ngày đêm xuyên rừng, bất đầu từ Khuổi Nậm- Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ về tới Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Điểm dừng chân đầu tiên của Bác khi tới Tân Trào là đình Hồng Thái. Sau khi nắm sơ bộ tình hình, địa thế dự kiến nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương, Bác Hồ và các cán bộ cùng đi vượt sông Phó Đáy vào thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Ban đầu Bác Hồ đến ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh của xã, nằm ở trung tâm thôn Tân Lập. Cuối tháng 5 năm 1945, Bác Hồ chuyển ra ở căn lán nhỏ trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng. Lán Nà Nưa nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Lán cách làng Tân Lập hơn 500 mét về hướng đông, cách lán chừng 80 mét là con đường mòn qua đèo De, sang Phú Đình- Định Hóa (Thái Nguyên); phía trước lán, dưới chân rừng Nà Nưa là dòng suối Khuôn Pén. Tại căn lán nhỏ, đơn sơ trong rừng Nà Nưa, Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Lán Nà Nưa được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, quay theo hướng đông tây, có 6 cột gỗ chôn xuống đất, không có vì kèo, mái lợp lá cọ, lán dài 4,20 mét, rộng 2,70 mét, chia làm 2 gian nhỏ (có vách ngăn giữa 2 gian): Gian ngoài rộng 1,97 mét, dài 2,70 mét là nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách; gian phía trong rộng 2,10 mét, dài 2,70 mét là nơi Bác nghỉ ngơi. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, nửa phía trên vách đan để chừa những ô thoáng nhỏ để lấy ánh sáng. Ở chái phía tây có sàn (người Tày gọi là thích) để hai ống bương (bắng) nước. Mặt sàn bằng phên nứa đan nong mốt. Phía dưới, đầu sàn của lán là phiến đá rộng và phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ mỗi khi trời tối. Tại lán Nà Nưa, Bác Hồ đã chỉ thị: Vùng giải phóng đã bao gồm 6 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên) địa thế nối liền với nhau nên thành lập khu căn cứ, lấy tên là Khu giải phóng; các lực lượng vũ trang sau khi thống nhất lại, lấy tên chung là Quân giải phóng; triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác. Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh...Tân Trào được chọn làm “Thủ đô của Khu giải phóng”, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam. Từ căn lán nhỏ Nà Nưa - từ Tân Trào mọi chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp cả nước. Để bảo tồn giá trị đặc biệt của di tích, năm 1972, di tích lán Nà Nưa đã được phục dựng lại tại địa điểm căn lán cũ. Năm 2009, lán Nà Nưa tiếp tục được tu bổ; đồng thời phục dựng hệ thống các di tích: Lán họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (cách lán của Bác 20m về phía tây bắc), lán cảnh vệ (cách lán của Bác,30m về phía tây), lán điện đài (cách lán của Bác, 30m về hướng nam), lán Đồng minh (cách lán của Bác, khoảng 40m về hướng bắc). Lán Nà Nưa, là một trong số 138 di tích, cụm di tích trong khu di tích lịch sử Tân Trào được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, ngày 10/5/2012. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang 1075 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật