Bún cá Châu Đốc - Đặc sản trứ danh của đất An Giang

Mắm ruốc hòa với nước lèo tạo nên hương vị đặc trưng khó trộn lẫn cho món bún cá Châu Đốc. Hãy nghe Huỳnh Lê Hoàng Sang (Long An) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Người ta thường nói ai đến An Giang mà chưa biết đến vị ngon của món bún cá Châu Đốc thì không khác gì chưa từng tới đây. Tô bún cá tuy nhìn đơn giản nhưng lại là sự kết hợp hài hòa của những gì được trồng, nuôi ở vùng đất phù sa màu mỡ này.

Đôi nét về bún cá Châu Đốc

Thật ra món bún cá không phải bắt nguồn từ Việt Nam mà là của nước bạn Campuchia. Bún cá theo chân một bộ phận người Khmer vào Việt Nam và ở lại vùng đất An Giang này. Theo thời gian, bún cá được biến tấu theo đồng bào tại đây rồi trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống của người dân ở An Giang.

Tô bún cá Châu Đốc không chỉ có vẻ ngoài hấp dẫn mà còn có hương vị mà thử một lần là không ai có thể quên được. Trước khi bỏ rau ăn kèm vào, tô bún mang một màu vàng óng ánh từ nước dùng, những lát cá được xào với nghệ tươi và bông điên điển - loại cây đặc trưng của miền Tây sông nước. Sau khi cho rau vào, bún cá Châu Đốc như được hoàn thiện vẻ đẹp của mình. Màu xanh của những loại rau sống ăn kèm khi cho vào sắc vàng của bún cá trở thành một tổ hợp màu sắc vô cùng đẹp mắt và hấp dẫn khiến bạn sẽ muốn thử ngay. 

                                                                                                                Món bún cá Châu Đốc đặc sản An Giang nổi tiếng với hương vị độc đáo (Ảnh: sưu tầm)

Những điều làm nên món bún cá Châu Đốc trứ danh

Nguyên liệu đậm chất miền Tây 

Khác với các loại bún cá khác, bún cá Châu Đốc được làm từ cá lóc (cá chuối). Cá lóc sẽ được rửa sạch, cắt bỏ vây, ruột rồi đem giấm, muối chà sạch nhớt và rửa lại lần nữa, với tiêu chí chung phải giữ được độ ngọt của cá nhưng không còn mùi tanh khi nấu. Không có một cách làm cá nào nhất định nhưng tiêu chí chung là vẫn giữ được độ tươi ngọt và không bị tanh khi nấu. Cá lóc có 2 loại là cá lóc đồng và cá lóc nuôi. Cá lóc đồng sẽ chắc thịt và ngọt hơn vì chúng sinh trưởng trong môi trường tự nhiên với vị ngọt tự nhiên. 

Thứ quan trọng nhất nhì trong nồi nước dùng nấu từ củ ngải bún. Củ ngải bún có hình dạng và màu sắc khá giống với củ nghệ tươi. Tuy nhiên, củ ngải bún có mùi thơm nhẹ chứ không thơm nồng nàn như các loại củ gia vị khác. Ngải bún sau khi rửa sạch sẽ được nghiền nhuyễn cùng với nghệ tươi sau đó vắt lấy nước cốt. Ngải cứu không chỉ làm dậy mùi thơm của nước dùng mà còn giúp khử đi mùi tanh của cá. 

Một nguyên liệu khác tạo nên hương vị đậm đà đặc trưng của nước dùng món bún cá Châu Đốc là mắm ruốc. Tuy nhiên, mắm ruốc được bỏ vào bún cá được sơ chế không hề đơn giản. Mắm ruốc sau khi mang về sẽ được bọc trong lá chuối và đem nướng cho đến khi dậy mùi thơm. Sau đó mắm được lấy ra và rây qua lưới để lọc bớt cặn rồi mới cho vào bún cá. 

                                                                                                                                     Những nguyên liệu dùng để nấu bún cá (Ảnh: sưu tầm)

Nồi nước dùng đúng chuẩn bún cá Châu Đốc 

Không chỉ khâu sơ chế công phu mà phần nấu nước dùng của bún cá Châu Đốc cũng rất cầu kỳ. Đầu tiên, người nấu mang phần cá đã được sơ chế đi luộc. Sau khi cá chín thì vớt cá ra rồi lại bỏ xương heo vào nồi nước luộc để ninh thêm tầm 30 - 45 phút cùng với sả đập dập để dậy mùi thơm. Trong lúc ninh nước dùng, người nấu lấy phần cá đã luộc đi ướp với nghệ tươi rồi đem xào lên cho vàng. Lúc này người nấu phải thật khéo tay để cá vàng đều màu nghệ cũng như không có mùi tanh hay bị nát phần thịt cá. Sau khi ninh nước dùng đủ thời gian, người nấu lại bật lửa lớn rồi cho cá, mắm ruốc, nghệ tươi, nước cốt ngải bún vào. Bấy giờ nồi nước dùng đúng chuẩn bún cá Châu Đốc đã hoàn thành. Một nồi nước dùng được cho là thành công khi mang một màu vàng ươm hấp dẫn cùng hương thơm thoang thoảng của ngải bún, nghệ tươi và sả cây hòa trộn với nhau. 


                                                                                                                               Nước dùng là tinh tuý của món bún cá Châu Đốc (Ảnh: sưu tầm)

Bún cá Châu Đốc thỏa mãn cả mắt nhìn và hương vị 

Khâu bài trí món bún cá cũng rất quan trọng vì chúng tôn lên vẻ đẹp của món ăn. Bún sau khi trụng sẽ được bỏ vào bát. Nếu muốn bún cũng có một màu vàng nhạt thì các bạn có thể múc một lượng nước dùng vừa đủ, nấu sôi rồi trụng bún vào. Sau lớp bún là những miếng cá tươi mềm vàng màu nghệ tươi. Cuối cùng là từng vá nước dùng nóng hôi hổi mang mùi thơm đặc trưng được đổ vào tô. Và giờ tất cả những gì bạn cần làm là bỏ rau vào rồi thưởng thức hương vị đặc trưng chỉ có ở món bún cá Châu Đốc - An Giang. Ngoài ra, món bún cá còn được ăn kèm với hột vịt lộn, thịt heo quay và đầu cá lóc. 


                                                                                                       Bún cá thường được ăn kèm với heo quay, hột vịt lộn và đầu cá tùy theo người dùng (Ảnh: sưu tầm)

Mách bạn một số quán bún cá ngon ở An Giang 

    Bún cá Halal: số 79 Lê Lợi, phường Châu Phú B, Thành phố Châu Đốc, An Giang

    Bún cá Cường: 63 Trương Định, phường Châu Phú B, Thành phố Châu Đốc, An Giang

    Bún cá Hiếu Thuận: Số 18/2A đường Lê Lợi, phường Mỹ Bình, Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

    Bún cá Cồn Tiên: Tỉnh lộ 956, xã Đa Phước, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang

Bún cá Châu Đốc là món ăn đặc sản không thể bỏ qua khi đến An Giang. Có lẽ, chính bởi sự cầu kỳ trong cách làm và những nguyên liệu tạo ra món ăn này nên mới khiến bún cá Châu Đốc nổi tiếng đến vậy. Nếu bạn vẫn chưa thử qua món ăn đậm đà bản sắc An Giang này thì vào chuyến đi sau, nhất định phải bỏ túi món ăn này vào cẩm nang du lịch và ghé đến thưởng thức nhé.

12 Tháng 07, 2024 227

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành