Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Dù đã trải qua hơn 40 năm từ khi bị phơi ra ánh sáng nhưng nơi đây vẫn khiến nhiều người liên tưởng chúng như những nhà tù khủng khiếp thời Trung cổ. Hãy nghe Thái Thùy Trâm (Hà Tĩnh) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Đến với Côn Đảo là đến với những trang sử hào hùng của vùng đất này thông qua các di tích lịch sử còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Hệ thống nhà tù Côn Đảo – nơi đã giam cầm và đày ải gần 2000 chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng – điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà của cả nhiều du khách nước ngoài. Nhà tù Côn Đảo nằm ngoài vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được Thống đốc Nam kỳ Bonard ký quyết định thành lập ngày 1/2/1862, gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này.
Dưới con mắt của thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, đáp ứng tốt những yêu cầu đối với một nhà tù bởi Côn Đảo bốn bề là biển, cách xa đất liền, không có phương tiện người tù khó bề trốn thoát, người ở bên ngoài cũng không có cách nào cứu thoát người tù. Ở nơi hải đảo này, những người cách mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội và quần chúng nhân dân, với đoàn thể, với các phong trào yêu nước.
Chuồng Cọp Côn Đảo: Địa ngục trần gian (ảnh sưu tầm)
Côn đảo được đặt dưới sự cai trị của các “chúa đảo”, dù là thời Pháp hay thời ngụy quyền thì các “chúa đảo” và các quan chức dưới quyền đều dùng các chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ. Hệ thống nhà tù ở Côn Đảo gồm: Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, khu biệt lập Chuồng Cọp, khu Chuồng Bò, Trại Phú An, Trại Phú Phong và Trại Phú Hưng với 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng giam biệt lập.
Toàn cảnh nhà tù Côn Đảo (ảnh sưu tầm)
Được xây dựng vào năm 1862, Trại giam Phú Hải là trại giam lớn nhất và lâu đời nhất tại hệ thống nhà tù Côn Đảo. Trại giam Phú Hải bao gồm 33 phòng giam chia thành 2 dãy nằm đối diện nhau, 5 phòng giam mỗi bên, nối qua hai dãy là 20 hầm đá hay còn được gọi là xà lim, 2 hầm xay lúa cho tù nhân lao động, 1 phòng tử hình và 1 khu đập đá.
Trại Phú Hải (ảnh sưu tầm)
Mỗi buồng giam “chuồng cọp” có kích thước cỡ 1,5m x 2,7m, không có giường ngủ, giam từ 5 đến 12 người, chân bị còng vào một thanh sắt, việc ăn uống và vệ sinh cá nhân đều tại chỗ. Bên trên, cai ngục đi dọc hành lang để theo dõi, kiểm soát người tù, trên tay luôn cầm gậy sắt dài nhọn sẵn sàng chọc xuống tù nhân nào chống đối. Đồng thời, bên trên mỗi buồng giam đều có 1 thùng nước bẩn, 1 thùng vôi bột, khi tù nhân có dấu hiệu phản đối, cai ngục rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân. Tù nhân bị giam trong chuồng cọp phải chịu tra tấn dã man, như đóng đinh vào tay, chân, đục răng, thiêu sống, chôn sống…
Chuồng cọp kiểu Pháp (ảnh sưu tầm)
Tuy bị giam cầm trong ngục, nhưng các tù nhân vẫn nung nấu kế hoạch vượt ngục, đã có hàng trăm cuộc vượt ngục liên tục được tổ chức để đào thoát khỏi “địa ngục trần gian”. Để chuẩn bị vượt ngục, khó có thể kể hết những khó khăn, gian khổ mà người tù đã trải qua, trong đó, chuẩn bị phương tiện vượt biển là một công việc công phu, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, lâu dài và vô cùng nguy hiểm. Người tù Côn Đảo vượt ngục bằng mọi phương tiện tự chế tạo, như tre, thùng phi, thuyền khung mây bọc vải, thuyền ván… Khi vượt biển, những người tù đã phải đánh đổi bằng xương máu thậm chí bằng cả tính mạng.
Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Họ luôn tìm về đây để lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của mảnh đất này. Về nơi đây chúng ta càng thấu hiểu hơn độc lập tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh cao cả của lớp lớp cha anh đi trước, những con người đã làm lên những huyền thoại bất tử trong kháng chiến.