Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là dịp lễ hội lớn nhất của người đồng bào dân tộc Khmer. Tại Việt Nam, lễ Chôl Chnăm Thmây thường được tổ chức từ ngày 14-16/4, ở các tỉnh thành phía Nam, nơi có đông đảo người Khmer sinh sống. Hãy nghe Mỹ Ngọc Hà Nội một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Trong văn hóa Khmer, từ “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” nghĩa là “Năm mới.” Tết của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 Dương lịch. Nếu như người Việt và Hoa ăn Tết vào khoảng tháng Giêng m Lịch, khi vụ mùa đã xong xuôi thì đồng bào Khmer lại ăn mừng năm mới vào lúc chuẩn bị khởi đầu mùa vụ mới. Đây là tháng thứ 5 theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên bắt đầu năm mới. Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa mùa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều tạm dừng lại để chờ những cơn mưa đầu mùa.
Nguồn gốc của lễ hội Chôl Chnăm Thmây được lý giải bằng truyền thuyết liên quan đến câu chuyện chuyển giao tôn giáo từ Bà La Môn sang Phật giáo, xoay quanh cuộc đấu trí giữa Đại Phạm Thiên (Maha Prum) và cậu bé thông minh Thom Ma Bal - một tiền kiếp của đức Phật. Vì thua cuộc mà Thần Maha Prum buộc phải tự cắt đầu mình tự sát. Trước khi thực hiện, thần căn dặn những người con gái của mình hằng năm thay nhau xuống trần gian để bảo vệ người dân hạ giới và phù hộ cho họ có một năm bình an, mùa màng bội thu. Từ đó về sau, hằng năm, cứ đến ngày thần Maha Prum cắt đầu, bảy tiên nữ - con gái thần lại thay phiên nhau xuống trần gian, mang theo một mâm đầu của ông xuống núi Prassume rồi quay quanh chân núi ba vòng theo hướng mặt trời mọc.
Người Khmer coi ngày đó là ngày đầu tiên của năm mới, cũng chính là ngày bắt đầu của Lễ Chôl Chnăm Thmây.
Lễ Chôl Chnăm Thmây thể hiện ước vọng một năm mới mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Ngoài ý nghĩa đón mừng Năm mới, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ khô hạn, bước sang thời kỳ có mưa dồi dào để chuẩn bị cho vụ làm mùa mới. Đây không chỉ là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên (qua nghi thức cầu mưa), đoàn kết qua những hoạt động sinh hoạt cộng đồng; mà còn có ý nghĩa tri ân và tưởng nhớ tổ tiên quá vãng qua việc cúng dường, cầu siêu cho người đã khuất.
Ngày lễ chào đón năm mới
Lễ Chôl Chnăm Thmây được người dân Khmer chào đón trang trọng và nồng nhiệt, thể hiện trên mọi phương diện trong đời sống sinh hoạt: ăn - mặc - ở.
Các cháu nhỏ được ông bà, cha mẹ sắm sửa những bộ quần áo mới để đi lễ chùa và đi chơi tết với bạn bè. Thiếu nữ Khmer cũng xúng xính những bộ váy áo truyền thống sặc sỡ, cầu kỳ nhưng không kém phần tinh tế, độc đáo. Trang phục truyền thống của người Khmer dành ưu ái đặc biệt đối với các màu sắc tươi sáng, đặc biệt là những gam màu vàng, đỏ, cam - những gam màu phổ biến trong Phật giáo. Chất liệu chủ yếu cho quần áo là tơ lụa, kết hợp với sử dụng chỉ kim tuyến để tạo điểm nhấn và làm nổi bật vẻ lấp lánh của bộ trang phục.
Để chuẩn bị cho việc ăn uống, đãi khách, dâng cơm cho nhà chùa, gia đình nào cũng lo chà gạo để sẵn, làm bánh, chuẩn bị thịt heo, gà, vịt... Bánh tét - món ăn truyền thống của người Khmer được làm từ nhiều ngày trước lễ. Nước sinh hoạt cũng được gánh đổ đầy ghè, đầy chum. Mọi người sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, giẫy cỏ đường đi, kết cổng chào…
Mọi công việc thường ngày đều dừng lại, người lao động chốn thành thị trở về quê hương, mọi người nghỉ ngơi, trâu bò thả tự do. Người người hào hứng chăm lo cho ngày Tết.
Đêm giao thừa
Thời khắc Giao thừa trong quan niệm của người Khmer không phải là 0 giờ 0 phút như tết Dương lịch hay tết Nguyên Đán mà căn cứ vào thời khắc tiên nữ (một trong 7 nàng tiên con của Thần Kabul Maha Prum) giáng trần. Vị tiên nữ này được cử xuống trần gian thay thế cho vị thần năm cũ để chăm lo cho người dân trong năm đó.
Để biết thời khắc giao thừa, A Cha trong các ngôi chùa sẽ làm lễ và thông báo cho người dân. A Cha là người từng tu hành, có địa vị cao trong xã hội và luôn được người dân Khmer kính trọng.
Trên bàn thờ, người ta bày mâm lễ vật gồm năm ngọn nến, năm nén hương, năm chén cốm, một cặp dừa, hai ly nước, hoa tươi và 11 loại trái cây để nghênh đón các vị thần linh và ông bà tổ tiên. Các thành viên trong gia đình ngồi hành lễ nghiêm trang trước bàn thờ, ngồi xếp chân về một phía, khấn vái, mong và tin rằng sẽ được ban phước lành trong năm mới.
Đối với người Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thu - Trưởng khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - một người có nhiều năm nghiên cứu về cuộc sống đồng bào Khmer cho biết , người Khmer ở Nam Bộ nói riêng và ở Việt Nam nói chung hầu hết là người theo Phật giáo Nam tông. Trong đời sống văn hóa của cộng đồng và cá nhân, người Khmer rất xem trọng ngôi chùa, bởi đây là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng, thể hiện văn hóa-tôn giáo, mang tính giáo dục và tính cố kết xã hội của cộng đồng. Nhìn chung, chùa của người Khmer không chỉ có vai trò về mặt tôn giáo mà còn có vai trò rất quan trọng về mặt văn hóa- xã hội. Vì vậy tất cả các lễ hội đều tập trung tại chùa, đặc biệt là lễ đón Tết Chôl Chnăm Thmây.
Ngày thứ nhất - Chôl Sangkran Thmây: Lễ rước “Maha Sangkran mới” hay còn gọi là lễ “rước Đại lịch”
Trong ngày Tết đầu tiên, người Khmer sẽ chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo lộng lẫy, trang trọng và lịch sự. Họ mang theo lễ vật, nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran” đồng thời diễu hành 3 vòng xung quanh chính điện để đón chào Têvôđa.
Đại lịch được đặt trong khay sơn son thếp vàng đưa lên kiệu khiêng đi vòng quanh chính điện 3 vòng trang trọng, vừa là lễ chào mừng năm mới vừa chờ điềm báo năm mới tốt hay xấu, tùy vào cuộc rước có hoàn thiện hay không, rồi mới vào chính điện làm lễ. Sau đó, tất cả vào lễ Phật, tụng kinh chúc mừng năm mới.
Khi cử hành nghi thức rước đại lịch, một số chùa còn tổ chức dàn nhạc ngũ âm hoặc nhóm múa Chhay-dăm với người dẫn đầu mang mặt nạ, tay cầm gậy múa mở đường… Kế tiếp là vị Achar đội mâm lễ vật trên đầu. Một người đi phía sau cầm lọng màu vàng che cho người đội mâm. Sau cùng là đoàn người tay cầm nhang, đèn đốt sẵn. Già trẻ tuần tự xếp hàng hai, hàng ba xuất phát từ hướng Đông, theo chiều kim đồng hồ, đi vòng quanh chánh điện, thể hiện sự cung kính đối với đức Phật. Khi đi đủ ba vòng, đoàn rước tiến vào chánh điện. Vị sư cả tiếp nhận quyển Đại lịch, đặt lên bệ thờ, tụng kinh đón vị thần cai quản năm mới và tụng kinh cầu an. Những gia đình không tham gia rước Đại lịch tại chùa cũng có thể thực hiện nghi thức đón năm mới tại nhà…
Lễ rước đại lịch của người Khmer có ý nghĩa tương tự lễ đón giao thừa trong tết Nguyên đán của người Việt và nhiều dân tộc khác, nhằm tiễn những điều xui xẻo của năm cũ, gửi gắm ước vọng vào những điều mới mẻ, may mắn, tốt lành trong năm mới.
Ngày thứ hai - Wonbơf : Lễ “dâng cơm” và “đắp núi cát”
Trong ngày thứ hai, mọi người sẽ lên chùa làm lễ dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư. Theo phong tục của người Khmer, vào các ngày lễ, Tết, mọi người tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang cơm, thức ăn và các loại bánh đến kính dâng lên các vị sư sãi.
Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ. Sau khi làm lễ đưa thức ăn đến cho linh hồn những người đã khuất, các nhà sư làm lễ chúc phúc cho những người đã có lòng mang lễ vật đến cúng chùa.
Buổi chiều theo sự hướng dẫn của vị Acha người ta làm lễ “Đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành. Tập tục này gắn với thuật cầu mưa của người xưa. Ngày nay, việc đắp núi cát chỉ được tổ chức trong những năm chùa đang xây dựng, cát do người dân mang đến sẽ được dùng vào việc xây dựng chùa. Một số chùa thay núi cát bằng đắp núi lúa, núi gạo. Số lúa và gạo được dùng vào việc cung cấp lương thực cho các vị sư sãi hoặc hỗ trợ cho dân nghèo.
Ngày thứ ba - Lơm săk: còn gọi là ngày Lễ tắm Phật.
Vào ngày này, các phật tử Khmer mang thức ăn và hoa quả đến chùa từ sớm để dâng cho các vị sư. Sau khi thọ thực xong, thì các nghi lễ tắm Phật chính thức bắt đầu.
Các nhà sư dùng những cành hoa để vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Trong làn khói hương, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Trời Phật gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi và được mùa. Họ cũng cầu Têvôđa hộ trì cho phum, sóc an lành, mọi người tai qua nạn khỏi và đạt thành những điều ước nguyện. Nghi lễ nhằm mục đích bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Phật, rửa sạch những điều không may của năm cũ và đón những điều may mắn trong năm mới.
Tiếp theo đó là lễ Băngskôl (cầu siêu).
Sau khi kết thúc lễ tắm tượng Phật, tắm sư sãi, mọi người cùng các vị Acha tập trung tại khu vực tháp đựng hài cốt để cầu siêu cho linh hồn các nhà sư viên tịch và những người thân của mình được siêu thoát.
Người Khmer đặt một khay lễ vật trên một chiếc chiếu trước tháp, thắp hương và nghe các nhà sư tụng kinh. Trong khi đọc kinh, các nhà sư vẩy nước thơm lên các tín đồ và xung quanh tháp để lan tỏa hạnh phúc cho họ và gia đình.
Lễ cầu siêu là nghi lễ cuối cùng kết thúc Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer. Nếu như tiết thanh minh là dịp người Việt và Hoa hướng về quá khứ để tưởng nhớ tổ tiên và thân nhân đã khuất, chăm sóc, sửa sang mồ mả thì đồng bào Khmer tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây với tâm thức vừa hướng về quá khứ vừa hướng tới tương lai. Điều này thể hiện tính cách thiện lành, chất phác mà phóng khoáng, lạc quan cao độ, sẵn sàng vượt qua khó khăn, luôn hướng tới tương lai của đồng bào Khmer.
Rộn ràng đón Tết
Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, bà con còn đi thăm hỏi, mừng tuổi Năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt.
Bên cạnh các lễ tục truyền thống, ngày nay người Khmer còn ăn mừng Tết Chôl Chnăm Thmây bằng các trò chơi dân gian vui nhộn: đập nồi niêu đất, heo đất, thanh niên trai, gái tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dukê, diễn roban, múa ramvông, romxaravan, múa trống xàdăm… Trong đó, đua ghe Ngo là hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao tưng bừng và náo nhiệt nhất, được chuẩn bị khá công phu, có sức hút hàng chục vạn người tham gia hưởng ứng một cách cuồng nhiệt.
Là địa phương có hơn 30% dân số là người dân tộc Khmer, không khí đón Tết tại Sóc Trăng nhộn nhịp hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại các điểm chùa nổi tiếng của người Khmer: chùa Dơi, chùa Somrong, chùa Kh’leang...
Bạc Liêu cũng là nơi có người Khmer sinh sống đông đảo. Cùng với chăm lo đời sống vật chất, việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm.
Tại Chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu), một trong những ngôi chùa Khmer lớn và độ sộ nhất miền Nam, lễ hội Chôl Chnăm Thmây được tổ chức với quy môn lớn và nhận được nhiều sự quan tâm của không chỉ cộng đồng dân tộc Khmer mà còn với các du khách phương xa. Diện mạo của ngôi chùa được trang hoàng lộng lẫy với cờ phướn, hoa... Khu vực điện lễ thờ cúng được giăng đèn và trang trí cầu kỳ, ngoài ra còn có các gian ẩm thực truyền thống của người Khmer...
Có thể thấy, Tết Chôl Chnăm Thmây có ảnh hưởng rất sâu sắc đến đời sống sinh hoạt của đồng bào Khmer. Lễ hội không chỉ phản ánh bản sắc dân tộc đậm đà, nghi lễ độc đáo, mà còn cho thấy được tinh thần, văn hoá, lối sống phong phú của họ. Từ đó, ta nhận ra rằng lưu giữ văn hoá truyền thống không chỉ để bảo tồn, để khăng khít gắn bó với lịch sử dân tộc, mà còn để bồi đắp, phát triển những giá trị ấy ngày một rực rỡ hơn…