Khi đặt chân đến quê hương Đồng Khởi, là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, chúng ta lại hòa mình vào những hàng dừa xanh bạt ngàn và cảm nhận hương vị giải thoát của đạo Phật. Nằm sâu trong vùng quê hẻo lánh thuộc ấp Bình Chiến, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, lại hiện hữu một ngôi già lam Vạn Phước đầy nét uy nghi và cổ kín xen lẫn sự thanh tịnh, giải thoát. Hãy nghe Nguyễn thị tuyết mai một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Tọa lạc trên một khu đất rộng 12ha, chùa Vạn Phước được xem là ngôi chùa có diện tích lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Nằm tại Ấp Bình Chiến, Thị Trấn Bình Đại, Huyện Bình Đại, Tỉnh Bến Tre. Ngôi chùa được ví như "đóa hoa sen mọc lên giữa bùn". Không ai có thể ngờ rằng mảnh đất trước đây là đầm lầy, ao tù, nước đọng, mà bây giờ đã trở thành một ngôi già lam khang trang, nơi ươm mầm những hạt giống kế thừa mạng mạch Phật Pháp, kế vãng khai lai và đem chánh pháp của Như Lai lại gần hơn với cuộc sống của đồng bào Phật tử nơi đây.
Khi đến với ngôi già lam Vạn Phước, ấn tượng đầu tiên của chúng ta là một không gian rộng lớn, ngôi chùa được phủ lên mình một màu vàng tươi rực rỡ, màu của sự giải thoát trong đạo Phật. Đầu tiên là cổng Tam Quan, chiếc cổng được xây dựng theo một lối kiến trúc rất đặc biệt, gồm 4 ngọn tháp tượng trưng cho chân lý Tứ Diệu Đế là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bốn ngọn tháp tựa như ngòi bút viết lên nền trời xanh thẳm sự màu nhiệm của các chân lí mà đức cha lành Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ.
Tiếp đó, chúng ta sẽ được cảm nhận hương sen thanh khiết từ ao liên trì phảng phất và lan tỏa trong khắp khuôn viên của ngôi già lam. Những đóa hoa sen với sức sống mạnh mẽ đã vươn lên, vượt thoát khỏi lớp bùn nhơ đục, đua nhau khoe sắc, mang lại niềm hỷ lạc vô bờ. Ngoài ra, hoa sen còn là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên. Hoa sen có mặt công hầu hết các công trình của bổn tự từ cành hoa thực trong các hồ cho đến tòa sen mà chư Phật, Bồ tát an tọa và họa tiết hoa văn v.v...
Ngay cạnh ao liên trì là tượng đài của Đức Phật Di Lặc, người hiện đang là giáo chủ của cung trời Đâu Suất. Đức Di Lặc với nụ cười hiền dịu hòa vào ánh chiều tà của những buổi hoàn hôn tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng. Rất nhiều tâm huyết đã đổ xuống nơi đây chỉ vì một mục đích duy nhất là để cho Phật tử có nơi chiêm bái, đảnh lễ ngài. Xung quanh tôn tượng của ngài có chín con rồng với thần thái dũng mãnh như trực hầu, gìn giữ thánh tượng của vị giáo chủ hội Long Hoa. Tất cả đã tạo nên một dấu ấn riêng cho ngôi già lam Vạn Phước.
Vào sâu hơn nữa, chúng ta sẽ bắt gặp một công viên tràn đầy hoa thơm và cây kiểng. Công viên ấy được sự chăm sóc tận tụy bằng đôi bàn tay của Chư Tăng trong bổn tự, đôi bàn tay dãi dầu nắng mưa với những nét chai sần nhưng lại tạo ra những vóc dáng mang đậm nét thiền môn. Bên cạnh đó còn có những dàn hoa lan với trên 50 giống loài khác nhau cùng hòa hợp, tạo nên những hành lan trải đầy hoa.
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao 54m – cao nhất khu vực Miền Tây tại Chùa Vạn Phước cũng là một điểm nhấn thu hút rất nhiều du khách gần xa đến chiêm bái và cầu nguyện.
Có một công trình không thể bỏ qua khi đến nơi đây và được mọi người ngợi ca là Tiên cảnh chốn trần gian chính là "Liên Hoa Thất Bảo". Khi đến đây bạn như lạc bước chốn Bồng Lai vừa nhẹ nhàng, thanh thoát và an lạc tận tâm mình.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình của chúng ta đó là khu Tăng xá của chùa, đây là nơi sinh hoạt của chư Tăng trong bổn tự và cũng là nơi lưu trú cho khách Tăng ở các nơi có dịp viến thăm. Được xây dựng trên một ao nước trong xanh, hằng ngày có những làn gió mang theo hương vị giải thoát thổi qua mang đức hạnh thanh cao của quý thầy lan tỏa khắp mọi nơi.
Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, nơi đây còn là nơi tỏa sáng tấm lòng nhân đạo khi là nơi trú ngụ của rất nhiều người khuyết tật. Nếu đến Bến Tre, bạn nên ghé qua ngôi chùa vừa để thắp nén nhang hành hương vừa để chiêm ngưỡng kiến trúc nổi bật và nếu có thể hãy đóng góp ít nhiều để những người khuyết tật có một cuộc sống tốt hơn ở đây nhé!