Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Chùa Đại Giác (Đại Giác Cổ Tự) là ngôi chùa cổ kính bên sông Đồng Nai thơ mộng tại Biên Hòa. Với lịch sử và kiến trúc độc đáo, nơi đây trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn trong Giáo hội Phật giáo. Hãy nghe Trần Thuỳ Thanh Xuân (Đồng Nai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Không đồ sộ như thiền viện Thường Chiếu, cũng không có kiến trúc độc lạ như chùa Ông, nhưng nét cổ kính, trầm mặc nơi chùa Đại Giác cũng đủ khiến du khách phải lưu luyến. Chùa tọa lạc giữa khung cảnh thanh bình của Đồng Nai, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và tâm linh đặc sắc. Khi bước vào cổng chùa, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được không khí thanh tịnh, hòa quyện với hương thơm của nhang trầm và tiếng chuông ngân vang, như một lời chào mời du khách lạc bước vào một không gian tĩnh lặng và thiêng liêng. Không chỉ là nơi thờ cúng, chùa Đại Giác còn là điểm đến lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn, nơi mà mỗi góc nhỏ đều chứa đựng câu chuyện và ký ức của thời gian.
1. Sơ lược về chùa Đại Giác - Đại Giác Cổ Tự
Chùa Đại Giác được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ thuộc phái Bắc Tông, tọa lạc tại số 393/A2, khu phố Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ngôi chùa nằm trên vùng đất cổ Cù Lao Phố, từng là thôn Bình Hoành, xã Hiệp Hòa. Theo các tài liệu lịch sử, chùa được thành lập vào giữa thế kỷ 17, khoảng năm 1664, dưới sự sáng lập của thiền sư Giác Liễu. Ban đầu, chùa chỉ là một công trình nhỏ và thấp bé. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần trùng tu và mở rộng vào các năm 1779, 1820, 1959 và 1967, kiến trúc của chùa đã trở nên khang trang và rộng rãi như ngày nay.
Chùa Đại Giác không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, cùng với chùa Bửu Long, là minh chứng cho quá trình Nam tiến của ba nhà sư thuộc phái Lâm Tế ở Đàng Trong vào nửa đầu thế kỷ 17. Vì lý do đó, vào năm 1990, chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, khẳng định vị trí quan trọng của nó trong di sản văn hóa Việt Nam.
(Ảnh: Sưu tầm)
2. Hướng dẫn đường đi đến chùa Đại Giác
Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, bạn có thể khởi hành theo đường Võ Thị Sáu. Khi đến gần Phòng Kinh Doanh Dịch Vụ Internet FPT, hãy rẽ trái vào đường D12. Tiếp theo, khi tới Công Ty TNHH TMDV BĐS Ngọc Thắng Land, bạn sẽ rẽ phải vào đường N1. Tiếp tục, rẽ trái vào đường D4 và nhập vào đường Nguyễn Thành Đồng. Sau đó, bạn chỉ cần đi qua cầu Hiệp Hòa, rồi rẽ phải vào đường Đỗ Văn Thi và cuối cùng là nhìn về phía bên trái đường là thấy chùa.
3. Ngắm nhìn kiến trúc độc đáo chỉ có tại chùa Đại Giác ở Đồng Nai
Mặc dù không nổi tiếng và hoành tráng như chùa Đại Giác ở Sài Gòn, nhưng khi đặt chân đến đây, du khách sẽ được chào đón bởi khung cảnh yên bình, với những gốc đa cổ thụ tỏa bóng mát, dòng sông Đồng Nai hiền hòa, cùng vẻ đẹp trầm mặc của các công trình cổ kính phủ đầy rêu phong. Tất cả tạo nên một không gian dễ chịu và thư giãn cho những ai ghé thăm.
Chùa Đại Giác ở tỉnh Đồng Nai nổi bật với chiếc cổng cổ kính màu vàng, hai lớp mái ngói âm dương xanh, đặc biệt tên chùa được viết bằng màu đỏ tươi nổi bật ở ngay chính giữa. Thêm vào đó, trên đỉnh cổng là những bức tượng rồng được điêu khắc tinh xảo, mang đến vẻ đẹp ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Kiến trúc bên ngoài của chùa có ba dãy nhà ngang nối liền theo hình chữ “Tam”, với tường màu vàng, mái ngói đỏ và hiên nhà thấp, gợi nhớ đến những ngôi nhà nông thôn Việt Nam thời xưa. Tuy vẻ ngoài có phần đơn giản, nhưng bên trong chùa lại gây ấn tượng mạnh với các cột tròn cao vút, tạo cảm giác thoáng đãng và rộng rãi. Trên các cột, những bức hoành phi và câu đối bằng chữ Đại và chữ Giác cũng được trang trí vô cùng tinh tế.
(Ảnh: Sưu tầm)
Tòa chính điện nằm ở trung tâm là công trình được nhiều người quan tâm nhất. Bên trong chính điện, bộ Tam Tôn gồm đức Phật A Di Đà và hai tượng Thích Ca được thờ phụng, cùng với các tượng bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Đại Thế Chí, tượng Đản Sanh, tượng Tiêu Diện, hai vị Hộ Pháp, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và Thất Phật Dược Sư. Hai bên điện có các bàn thờ Thập điện Minh Vương, bàn thờ Đạt Ma và bàn thờ Già Lam, tạo nên không gian tôn nghiêm và linh thiêng.
Phía sau chính điện là nhà thờ Tổ, được xây dựng vào năm 1967, nơi thờ tượng Ma Đạt tổ sư cùng di ảnh và long vị của các vị chư tổ, như thiền sư Thành Đằng (đời 34), thiền sư Phật Ý Linh Nhạc và Giác Liễu Thiệt Truyền (đời 35), và tổ sư Mật Hoằng (đời 36). Ngoài ra, chùa còn có nhiều công trình phụ như nhà khách thờ Phật Chuẩn Đề, Linh Sơn thánh mẫu, lầu chuông, lầu trống, phòng chư tăng, trai đường và nhà bếp, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của các nhà sư.
Điểm nhấn ấn tượng nhất có lẽ là tượng Bồ Tát được đúc bằng đá trắng, đặt trên đài sen trước tòa chính điện, cùng tượng Phật A Di Đà cao 2,25m được đặt dưới gốc si cổ thụ. Cây bồ đề lớn linh thiêng trồng ở giữa sân cùng với các khu vườn bảo tháp và nhiều bức tượng cổ khác không chỉ là điểm tâm linh để lễ bái mà còn giúp ngôi chùa trở nên thu hút hơn.
(Ảnh: Sưu tầm)
4. Điều gì hấp dẫn tại chùa Đại Giác Đồng Nai?
Chùa Đại Giác là nơi thờ cúng nhiều vị Phật và thần linh thiêng, vì vậy vào các ngày mồng một, ngày rằm hay những dịp lễ Tết lớn, dòng người đến dâng lễ vật và thắp hương cầu nguyện rất đông. Không gian chùa ngập tràn trong làn khói hương mờ ảo, tạo nên khung cảnh linh thiêng đầy huyền bí. Không chỉ vậy, khuôn viên chùa được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ xanh mát và những chậu bonsai được chăm sóc cẩn thận. Sự kết hợp giữa không khí trong lành, mát mẻ và vẻ đẹp cổ kính của các công trình kiến trúc mang lại cho du khách cảm giác thanh tịnh và an yên lạ thường.
Một điểm thú vị không thể bỏ qua khi đến chùa Đại Giác là buffet chay thơm ngon với giá chỉ 100.000 đồng/người, phục vụ từ 10 giờ đến 13 giờ. Nhiều du khách thường nán lại thưởng thức bữa trưa tại đây trước khi ra về. Đặc biệt, khoản tiền thu được từ buffet này còn được sử dụng vào các hoạt động từ thiện, rất ý nghĩa và nhân văn.
(Ảnh: Sưu tầm)
Đặc biệt hơn, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, chùa Đại Giác trở nên lung linh và rực rỡ với hoa đào, hoa mai cùng những dải lụa đỏ trang trí khắp nơi. Các tiểu cảnh thân thuộc như nhà lá, đống rơm, bàn ghế bằng tre nứa và nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn được tổ chức, tạo nên không gian lễ hội tưng bừng. Ngay cả khi bạn không có ý định lễ Phật, chùa Đại Giác vẫn là nơi lý tưởng để lưu giữ những bức ảnh "sống ảo" đẹp mắt!