Hòa Mình Vào 4 Lễ Hội Truyền Thông Siêu Đặc Biệt Tại Tỉnh Đồng Nai

Ngoài việc tham quan các địa điểm du lịch và thưởng thức ẩm thực địa phương hấp dẫn thì tham gia lễ hội tại Đồng Nai cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn khám phá thêm văn hóa và con người nơi đây. Hãy nghe Trần Thuỳ Thanh Xuân (Đồng Nai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

1. Lễ hội Kỳ Yên - Một trong những lễ hội quan trọng và nổi tiếng tại tỉnh Đồng Nai

Lễ hội Kỳ Yên là một nét văn hóa tâm linh đặc trưng của người dân Đồng Nai, được xem là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất tại vùng đất này. Lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu hoặc gắn liền với các ngày có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến vị thần được thờ phụng. Trong dịp lễ, người dân cùng nhau chuẩn bị lễ vật để dâng lên vị thành hoàng của làng, với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, và quê hương thịnh vượng, bình yên.

Trải qua bao thăng trầm, lễ hội Kỳ Yên ngày nay đã trở thành một tín ngưỡng thiêng liêng, vừa là dịp để gìn giữ truyền thống văn hóa, vừa là nơi thể hiện lòng thành kính với thần linh và các bậc tiền nhân đã có công mở mang, xây dựng quê hương. Trong khuôn khổ lễ hội, những nghi thức cúng tế được tiến hành trang nghiêm, kết hợp cùng các hoạt động diễn xướng như lễ xây chầu – đại bội và các tiết mục hát tuồng, tạo nên một không gian văn hóa đậm nét đặc trưng của người Nam bộ. 

Suốt thời gian diễn ra lễ hội, du khách không chỉ có cơ hội trải nghiệm các nghi thức độc đáo như Túc yết, Đoàn cả, Tế tiền hiền, Hậu hiền, Thỉnh sắc, Tỉnh sanh, Hồi sắc và Tống ôn, mà còn được hòa mình vào bầu không khí sôi động của các hoạt động văn hóa dân gian như hát bộ, múa lân, đua thuyền, và các màn đấu võ, xô giàn đặc sắc.


                                                                                                       (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

2. Lễ hội Sa-yang-va

Lễ hội Sa-yang-va là một lễ hội truyền thống đặc sắc của người Châu Ro, diễn ra vào tháng 3 âm lịch tại ấp Ruộng Lớn, xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Thời điểm này là lúc người dân vừa thu hoạch lúa xong và chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới, nên lễ hội còn được gọi là lễ mừng lúa mới.Với tầm quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương, lễ hội Sa-yang-va được chuẩn bị  chu đáo từ trước đó cả tháng. Người dân cùng nhau chuẩn bị lễ vật như dựng cây nêu, nấu rượu ịt - một loại rượu lên men nhẹ có màu trắng đục và mùi hương ngai ngái của lá tươi, làm các loại bánh truyền thống như bánh dày, bánh nếp, cơm lam, và sắp xếp bàn thờ Yang để cúng tế.

Trong ngày chính lễ, trên bàn thờ sẽ bày biện một mâm lễ gồm thịt gà, thịt heo, bánh, rượu và các lễ vật khác. Bà Búp, Thầy Chang, hoặc chủ gia đình sẽ đọc lời thỉnh cầu để mời các vị Yang và tổ tiên về chứng giám lòng thành, bày tỏ lòng biết ơn về vụ mùa trước và cầu mong sự phù hộ cho mùa vụ sắp tới. Đồng thời, người phụ nữ trong gia đình sẽ đeo gùi ra rẫy thực hiện nghi thức “rước hồn lúa” với hai cây mía, hai cây chuối non và những bông lúa chín đầy hạt để mang về cúng trong kho lúa.

Lễ hội Sa-yang-va trở nên sống động với âm thanh của đàn cồng chiêng lúc khoan thai, lúc dồn dập, hòa cùng tiếng kèn lúa và đàn tre vang vọng khắp nơi. Theo quan niệm của đồng bào Châu Ro, những âm thanh này sẽ tạo nên không khí vui tươi, giúp các Yang và tổ tiên hoan hỉ về dự lễ. Phần lễ đã sôi nổi, phần hội còn nhộn nhịp hơn nữa khi mọi người cùng nhau ca hát, nhảy múa những điệu múa truyền thống quanh đống lửa, tham gia các trò chơi dân gian thú vị và thưởng thức những món ăn truyền thống thơm ngon. Niềm vui của lễ hội kéo dài cho đến nửa đêm, khi bầu không khí hội hè mới thật sự lắng xuống.


                                                                                                       (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

3. Lễ hội Chùa Ông

Trong số các lễ hội truyền thống nổi tiếng tại Đồng Nai, lễ hội Chùa Ông là sự kiện không thể bỏ qua, thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái và tham gia. Diễn ra từ ngày mùng 10 đến 13 tháng Giêng âm lịch, lễ hội mang đến nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, bao gồm lễ nghinh các vị thần, khai lễ mở hội, lễ cúng trời và thả phúc khí cầu, cùng với lễ cầu an và thả hoa đăng trên dòng sông Đồng Nai.

Phần hội của lễ Chùa Ông không kém phần hấp dẫn với nhiều chương trình nghệ thuật đặc trưng, chẳng hạn như biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ, tuồng cổ, và các màn trình diễn lân – sư – rồng. Bên cạnh đó, những trò chơi dân gian và các buổi giao lưu thư pháp cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thích văn hóa địa phương. Điểm nhấn đặc biệt trong lễ hội là nghi thức rước thần trang trọng, kết hợp với các hoạt động giải trí như biểu diễn tạp kỹ, phát bao lì xì cho người tham dự, và những tiết mục nhạc cổ truyền trên các tuyến phố, tạo nên một không khí sôi động, ngập tràn niềm vui lễ hội.


                                                                                                       (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

4. Lễ hội Tả Tài Phán

Khi đến Đồng Nai, du khách không thể bỏ qua lễ hội Tài Phán của cộng đồng người Hoa tại Long Khánh, một sự kiện văn hóa đặc sắc thu hút sự quan tâm của nhiều người. Lễ Tả Tài Phán, còn được gọi là Lễ Đại Phan, được tổ chức hàng năm vào tháng Chạp bởi cộng đồng dân tộc Hẹ (người Hoa). Lễ hội mang đậm tính dung hợp văn hóa, kết hợp các nghi thức tín ngưỡng, đặc biệt là từ Đạo giáo, nhằm cầu an và tấn phong cho các thầy cúng ở các cấp bậc Tài Phán Xí.

Ngoài các nghi thức cầu an, cầu siêu, lễ hội còn hấp dẫn với các hoạt động nghệ thuật như kịch tuồng, hát bội, đấu thánh đăng, và lễ nước Ông thần. Tuy nhiên, nổi bật nhất là nghi thức pháp sư leo thang dao và đi trên than hồng, thu hút đông đảo người dân đến cầu nguyện phước lành và bình an cho gia đình. Đây là thời điểm mà bầu không khí lễ hội trở nên náo nhiệt nhất, khi mọi người đều hướng về những màn biểu diễn ngoạn mục. Không chỉ là dịp để thực hiện các nghi lễ truyền thống, lễ hội Tả Tài Phán còn là cơ hội để những người xa quê trở về sum họp, cùng nhau chia sẻ và thắt chặt tình cảm. Vì thế, nếu có dịp ghé thăm Đồng Nai, đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm lễ hội đặc sắc này.


                                                                                                       (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Nói tóm lại, các lễ hội ở Đồng Nai không chỉ là nơi để người dân thể hiện lòng biết ơn và cầu nguyện mà còn là dịp quan trọng để mọi người gắn kết, thắt chặt tình cảm, cùng nhau chia sẻ niềm vui, giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống quý báu qua từng thế hệ.

24 Tháng 10, 2024 198

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành