CÔNG VIÊN ĐỒNG XANH - KHÔNG GIAN MANG ĐẬM BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

Công viên Đồng Xanh là một trong những điểm tham quan lý tưởng và là nơi trải nghiệm bản sắc văn hoá Tây Nguyên tuyệt vời khi đến Pleiku. Hãy nghe Trần Thị Trà My (Gia Lai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Vùng đất Tây Nguyên luôn gợi trong tôi những hình ảnh đẹp đẽ về núi rừng hùng vĩ hay những cánh đồng cà phê bạt ngàn và nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Là người con của Gia Lai, tôi không chỉ dành một tình cảm đặc biệt với quê hương của mình mà còn mong muốn khám phá sâu hơn về nét đẹp tự nhiên cũng như văn hóa của vùng đất này. Và một trong những nơi lưu giữ những giá trị ấy một cách trọn vẹn nhất chính là công viên Đồng Xanh, nằm cách trung tâm Pleiku không xa. Đồng Xanh là một điểm đến hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên, khiến tôi không khỏi háo hức và mong chờ.

Công viên Đồng Xanh - Gia Lai (Ảnh: Gia Lai).

1. Giới thiệu công viên Đồng Xanh

Công viên được đưa vào hoạt động chính thức vào khoảng năm 2008 đã dần chiếm được thiện cảm của mọi người và trở thành một điểm du lịch văn hoá, sinh thái, tâm linh nổi bật của thành phố Pleiku. Nằm ở thôn 5 An Phú, TP Pleiku, Gia Lai với độ rộng khoảng 14ha, ban đầu nơi đây chỉ là một sân phơi nông sản của hợp tác xã nhưng đến nay, công viên Đồng Xanh đã lột xác hoàn toàn và trở thành một điểm tham quan du lịch cực kỳ giá trị của Pleiku với các công trình độc đáo mang dấu ấn của Tây Nguyên hoang sơ.

Công viên Đồng Xanh được coi là một bức tranh thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên với tràn ngập màu xanh của cây cỏ cùng những thiết kế công phu, tinh tế qua từng điểm nhấn mang đầy đủ những đặc trưng truyền thống trong cuộc sống thường ngày của đồng bào nơi đây, chẳng hạn như mô hình kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà dài,... Theo tôi tìm hiểu được thì những công trình này còn kết hợp với những hoa văn, họa tiết được tổng hợp và cách điệu trên biểu tượng Đài cảnh Tây Nguyên. Đặc biệt khi đến đây vào những dịp lễ tết, bạn sẽ được hòa mình vào không khí tưng bừng của các hoạt động lễ hội, sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây.

Cảm giác đầu khi lần đầu đặt chân vào công viên thật đặc biệt, không gian mở rộng lớn và trong lành khiến tôi như bước vào một thế giới hoàn toàn mới - nơi mà thiên nhiên hòa quyện với những giá trị văn hóa cổ truyền khác biệt với sự ồn ào và náo nhiệt nơi phố thị. Đặc biệt, vào những ngày trời nắng đẹp, ánh sáng lung linh phản chiếu lên từng tán cây và mặt hồ tạo nên một khung cảnh nên thơ với vẻ đẹp trầm mặc, yên bình đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Công viên Đồng Xanh - Gia Lai (Ảnh: Gia Lai).

2. Khung cảnh và vẻ đẹp của công viên Đồng Xanh

Khi bước vào công viên, tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi các công trình điêu khắc mô phỏng đời sống tinh thần và tâm linh phong phú của người dân nơi đây, chúng trông rất độc đáo và lạ mắt. Tôi dường như không thể nào rời mắt khỏi các bức tượng mang hình thù kỳ lạ này. Tôi được đón tiếp bởi hai chú voi làm bằng đá ngay tại cổng chính của công viên, hình ảnh này cũng tượng trưng cho việc người Tây Nguyên rất giỏi trong săn bắt và thuần dưỡng voi rừng cũng thể hiện sức mạnh và sự dũng cảm của con người nơi đây.

Từng hàng cây, thảm cỏ ở hai bên lối đi được chăm chút cẩn thận. Tôi cảm thấy thật may mắn khi được chiêm ngưỡng cây cổ thụ hóa thạch hơn một triệu năm tuổi lớn nhất Việt Nam vì ở đây cũng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật gỗ hóa thạch thuộc loại lớn và có niên đại rất cao được tìm thấy tại miệng núi lửa đã ngưng hoạt động ở xã Chư A Thái, thị xã Ayunpa. Ngoài ra còn có những tác phẩm vô cùng độc đáo mà thiên nhiên ban tặng như những thớ đá nổi trông rất đẹp, kỳ ảo và ấn tượng. Tiếp tục khám phá công viên Đồng Xanh, tôi còn bắt gặp tượng Vua Nước và Vua Lửa, đây chính là hai vị vua linh thiêng của các dân tộc Tây Nguyên. Theo tín ngưỡng nơi đây cuộc sống của đồng bào suốt bao nhiêu năm qua được sung sướng, bình an là nhờ sự giúp đỡ của hai vị vua tối cao này.

Công viên Đồng Xanh - Gia Lai (Ảnh: Gia Lai).

Công viên Đồng Xanh còn được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn chẳng hạn như Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây dựng với kiến trúc truyền thống cùng mái nhà rông cách điệu cao 18m. Tôi như tìm thấy được xúc cảm yên bình khi thành kính bái lạy trước đền thờ. Không chỉ là một công viên sinh thái, công viên đã gây ấn tượng với tôi bởi các công trình kiến trúc đậm chất Tây Nguyên như những ngôi nhà rông cao lớn hay các bức tượng mang hình dáng người dân bản địa trong trang phục truyền thống cùng và các vật phẩm văn hóa đặc trưng của vùng, nơi đây thật sự giống như một bảo tàng sống động của văn hóa Tây Nguyên. Đối với tôi những công trình này không chỉ là nét trang trí, mà còn giúp tôi cũng như các du khách khi đến đây có thể hiểu thêm về đời sống, tinh thần và văn hóa của người dân trên mảnh đất này.

Ngôi nhà rông Tây Nguyên to lớn hiện lên ở ngay trong khuôn viên với mái cao vút chạm đến trời xanh. Nhà rông là một trong những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên, ở đây thường là nơi diễn ra các lễ hội hay sinh hoạt cộng đồng, ngoài ra nhà rông Tây Nguyên còn thể hiện sự kết nối tâm linh và mang ý nghĩa truyền đạt cho thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống. Đứng dưới mái nhà rông cao lớn, tôi dường như cảm nhận được sự gắn kết cộng đồng và càng thêm tự hào về văn hóa truyền thống của quê hương tôi. Khung cảnh của toàn thể công viên được phủ màu xanh mướt của thảm cỏ, hồ nước rộng lớn với làn nước trong xanh cùng những khóm hoa rực rỡ sắc màu hòa với tiếng chim hót và tiếng gió vi vu qua những tán cây, tất cả điều này đã khiến tôi cảm thấy gần gũi và kết nối sâu sắc với thiên nhiên hơn bao giờ hết.

Công viên Đồng Xanh - Gia Lai (Ảnh: Gia Lai).

3. Hoạt động và trải nghiệm tại công viên Đồng Xanh

Đến công viên Đồng Xanh, tôi không chỉ được tham quan cảnh đẹp mà còn được vui chơi hết mình ở khu trò chơi và thưởng thức những món ăn dân dã, đặc sản của đồng bào Tây Nguyên tại khu ẩm thực bản địa. Hàng năm, công viên Đồng Xanh thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước về đây tham quan và tham gia vui chơi giải trí với nhiều hoạt động như: du thuyền, bơi lội, đạp vịt, câu cá… Đây cũng là địa điểm được rất nhiều gia đình lựa chọn làm điểm đến cuối tuần vì không gian của công viên Đồng Xanh rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng ngoài ra còn có khu dịch vụ ẩm thực – nhà hàng chuyên phục vụ những món ăn đặc sản truyền thống dân tộc như: Cơm lam, rượu cần, rượu ghè, thịt rừng nướng…

Công viên Đồng Xanh đã từng được chọn làm nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quan trọng như: Thi tạc tượng; các hoạt động lớn của Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai; giao lưu gặp mặt các anh hùng và Mẹ Việt Nam anh hùng trong hành trình từ Nam ra Bắc dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội,... Một trong những điểm nhấn của chuyến đi chính là được tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống. Tôi thật may mắn khi có cơ hội được chứng kiến và hòa mình vào tiếng cồng chiêng Tây Nguyên, với âm thanh trầm ấm và vang vọng khiến tôi cảm nhận được sự mạnh mẽ và mang đến một cảm giác thiêng liêng khó tả. Đối với người Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà còn là linh hồn của văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử, truyền thống và cũng là cầu nối giữa con người với thần linh. Tôi cũng thử sức với các hoạt động khác như đan lát và làm đồ thủ công dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương có tay nghề vô cùng khéo léo, qua từng thao tác, tôi dường như nhận thấy được sự tinh tế và tỉ mỉ trong từng sản phẩm thủ công của người Tây Nguyên.

Công viên Đồng Xanh - Gia Lai (Ảnh: Gia Lai).

Lời kết

Công viên Đồng Xanh không chỉ là một điểm tham quan du lịch, là nơi để học hỏi và khám phá về bản sắc văn hóa của Gia Lai mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa Tây Nguyên. Qua những trải nghiệm tại công viên Đồng Xanh, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về quê hương Gia Lai cùng những giá trị văn hóa truyền thống mà vùng đất này đang gìn giữ và phát triển. Điều này cũng khiến tôi tự hào hơn về quê hương của mình và công viên Đồng Xanh đã giúp những người con xa xứ như tôi có dịp tìm hiểu thêm về văn hóa của dân tộc. Cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại, nhưng những giá trị cốt lõi của văn hóa cần được lưu giữ để thế hệ sau thêm trân trọng nguồn cội của mình. Công viên Đồng Xanh chính là một nơi giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị văn hóa và ý thức bảo vệ di sản của cha ông. Tôi hy vọng rằng công viên Đồng Xanh sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát triển hơn nữa để tất cả mọi người đều có cơ hội trải nghiệm và hiểu thêm về vẻ đẹp độc đáo của Tây Nguyên.

07 Tháng 11, 2024 152

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành