Mỗi dịp mùng 9 tháng 3 âm lịch, người dân và các cấp chính quyền địa phương ở đây tổ chức lễ hội Kiệu "Bay" rất lớn để tôn vinh và tưởng nhớ tới công ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Hãy nghe
Nguyễn Thị Phượng
một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Làng Thanh Khê nằm ở vị trí cách thành phố Nam Định hơn 10km. Ngôi làng vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ, chân chất của một làng quê đồng bằng bắc Bộ. Men theo con đường lát gạch đỏ đã nhuộm màu thời gian, một bên là cánh đồng xanh mơn mởn của vụ lạc xuân, bên kia là cánh đồng lúa non tơ trải dài mát rượi, chúng ta sẽ tìm thấy Thanh Am động - một trong những di tích lịch sử văn hoá truyền thống gắn liền với những truyền thuyết dân gian và những hoạt động lễ hội đặc sắc của vùng đồng bằng sông Hồng đặc biệt là của làng Thanh Khê. Đền Thanh Khê thờ Nam Toàn giáo chủ, Đại thánh phổ am, Đại pháp Thiền sư Linh quang Bồ tát.
( Ảnh sưu tầm)
Theo các niên lão trong làng kể lại, xưa kia, vào một năm lũ lụt càn quét có một cây gỗ lớn không biết từ đâu trôi dạt vào địa phận làng Thanh Khê, trai tráng trong làng tụ họp cũng không vớt nổi đành phải dùng sào đẩy gỗ trôi đi.Thế nhưng, cây gỗ này lại quay về trước dòng nước mạnh ngược chiều. Qua một đêm yên lành, tấm kỳ mộc lớn đã nằm ngay trên gò đất cao (khu vực đền Thanh Am ngày nay). Thấy sự kỳ dị, dân làng Thanh Khê làm lễ cúng bái, đồng thời lập đền thờ kỳ mộc để cầu mong nhân dân có cuộc sống ấm no, yên bình. Sau từ cây gỗ quý ấy các nghệ nhân đã khéo léo tạc được tượng Đại Thánh Phổ Am thiền sư . Pho tượng này hiện đang được thờ trong cung cấm của đền. Qua cây cầu nhỏ bắc qua dòng nước nhỏ là đến 3 gian tiền đường, cung chính tẩm và cấm cung của Thanh Am động. Trong đền có nhiều cây cổ thụ và mấy chục loại cây thuộc miền sơn cước rất quý hiếm. Lạ kỳ thay là trong khu đền có tới 32 cây cọ cổ thụ và 2 cây có dáng như hình người, có niên đại vài trăm năm tuổi, tương truyền kể lại đó là bàn cờ tiên 32 quân và do 2 thiền sư đã sử dụng. Ngay lối còn có hai giếng ngọc, người xưa gọi đây là 2 mắt long xà, bốn mùa nước trong xanh, mát lành soi bóng cỏ cây hoa lá.
Đền Thanh Am cổ kính nhuộm màu rêu phong theo thời gian nằm giữa vườn cọ. Ngay sát đó làng còn có ngôi đền thờ Đức Dương Cảnh là Thành Hoàng làng, phủ Thiên Tiên thánh mẫu và ngôi chùa cổ kính. Tất cả tạo nên một thể thống nhất, một quần thể di tích lịch sử văn hoá tâm linh. Trong năm có rất nhiều hội hè đình đám diễn ra tại các đền, đình, chùa, phủ trong của làng nhưng đông vui nhất và thu hút sự tò mò của người dân địa phương và thập phương chính là dịp chính hội 9-3 (âm lịch). Hội được tổ chức vào những ngày đầu xuân năm mới, càng làm cho không khí lễ hội trở nên náo nhiệt và sôi động. Cứ tới hội, nhân dân trong làng Thanh Khê lại cho thanh niên, trai tráng địa phương thực hiện nghi thức rước kiệu “Thánh mẫu xa giá vân du”. Đặc biệt, những thanh niên được chọn phải là người chưa lập gia đình, có sức khỏe cường tráng, họ phải trải qua quá trình tuyển chọn khắt khe trước đó và được “Mẫu chứng giám”.
( Ảnh sưu tầm)
Chiều ngày mùng 9 tháng 3 âm lịch, là ngày chính hội, cỗ kiệu "bay” được đặt lên vai các tráng sĩ, các thanh niên cường tráng cũng là lúc hàng loạt yếu tố ly kỳ xuất hiện mà ai có thể giải thích được khiến các khách thập phương tham gia rất tò mò. Quãng đường rước kiệu hơn một cây số, từ phủ Mẫu cho tới ngôi đền Thanh Am thờ Đại Thánh thiền sư - ngôi đền này được mệnh danh là “khu rừng cọ giữa đồng bằng”. Cỗ kiệu đồ sộ, được hoàn thiện từ năm 1895, nghi ngút khói hương, di chuyển “ầm ầm” cuốn hút hàng ngàn người nô nức du xuân trẩy hội. Theo cả những thanh niên trực tiếp bê kiệu rước hội, họ cũng không thể làm chủ được tốc độ cũng như hướng di chuyển của cỗ kiệu, dường như có sức mạnh tâm linh thần bí nào đó chi phối sức mạnh và trí não của họ. Trên vai của của những thanh niên trai tráng, cỗ kiệu vừa di chuyển vừa xoay, mà lại hết sức nhịp nhàng, chúng ta có thể tưởng tượng như vị thần đang ngao du thưởng ngoạn trong tiết trời xuân mơn mởn ban phúc lành cho dân làng và những du khách tham quan hội.
( Ảnh sưu tầm)
Theo truyền thuyết, nghi thức rước kiệu là sự kiện Thánh Mẫu vân du xuống khu vực đất thiêng liêng- đền Thanh Am để nhận kinh sách, sau đó di chuyển về phủ thờ Thánh Mẫu. Khi cỗ kiệu đặt lên vai các chàng trai thì ngay lập tức đã có chao đảo mà hết sức nhịp nhàng. Đây là một sự kiện lễ hội tâm linh hết sức thiêng liêng, không phải ở lễ hội nào, làng quê nào cũng có.
Còn theo các nhà khoa học, hiện tượng kiệu "bay" là trạng thái thăng hoa cực độ của người bê kiệu. Nhờ sự cân bằng của chiếc kiệu và người bê kiệu nên họ có thể biểu diễn nhiều động tác di chuyển trên không trung cả mấy tiếng đồng hồ mà không sợ xô ngã.
Tuy nhiên ở góc độ nào đi chăng nữa, đây cũng là một trong những yếu tố văn hóa tốt đẹp, mang đặc sắc của người dân địa phương góp phần làm nên nét đặc sắc cho lễ hội truyền của dân tộc.
28
Tháng 06,
2024
253
Nguyễn Thị Phượng