Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du Hãy nghe Nguyễn thị tuyết mai một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong gia đình quý tộc, có cha là Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức Tể tướng dưới triều Lê - Trịnh. Năm Quý Mão 1783, Nguyễn Du dự khoa thi Hương ở trường Sơn Nam và đậu Tam trường (Tú tài). Mặc dù từng làm quan nhưng ông lại được hậu thế đánh giá cao ở sự nghiệp văn chương. Nguyễn Du mất ở Huế năm 1820. Đến năm 1824, người ta cải táng ông và đưa về quê nhà Tiên Điền, Hà Tĩnh. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du nằm ở thị trấn Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Những năm gần đây, khu di tích Nguyễn Du đã được đầu tư theo hướng trở thành một khu du lịch quốc gia và trở thành địa điểm du lịch Hà Tĩnh về văn hóa - lịch sử thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
(Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du)
Đây nơi lưu giữ những tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du và những chứng tích của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Đến với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt này, du khách sẽ được hòa mình vào không gian yên lành, xanh mát. Điểm nhấn ở đây là những ngôi nhà bằng gỗ mang đặc trưng kiến trúc của vùng Bắc Trung Bộ thế kỷ 18, cùng với nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du. Đây là địa điểm hàng đầu được nhiều du khách và giới nghiên cứu chọn để dừng chân ghé thăm mỗi khi có dịp đến Hà Tĩnh.
Khu di tích hiện trưng bày hơn 2.200 tài liệu, hiện vật. Tiêu biểu như: nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du.
Khu lưu niệm Nguyễn Du hiện nay có tổng diện tích khoảng 28.562m2, thuộc địa bàn thôn Hồng Lam, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, gồm các hạng mục chính sau:
Nhà tư văn: do Quận công Nguyễn Nghiễm dựng tại khu vườn của ông tổ họ Nguyễn năm 1785, được tu sửa vào các năm Tự Đức thứ 3 (1850) và Tự Đức thứ 13 (1860). Ban đầu, đây là địa điểm tụ hợp bình thơ, bình văn của các nhà khoa bảng trong vùng.
Nhà thờ Nguyễn Du: dựng năm 1820, tại khu vực vườn nhà Nguyễn Du, thuộc xóm Tiền, thôn Lương Năng.
Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh: do Nguyễn Nghiễm cùng người em là Nguyễn Trọng dựng năm 1762, để báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ.
Nhà trưng bày: năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, ngôi đình Chợ Trổ của xã Đức Nhân, huyện ĐứcThọ, có niên đại cuối thế kỷ XVIII, đã được chuyển về Khu lưu niệm, để làm nơi trưng bày một số hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn (ở Tiên Điền). Hiện nay, đây là khu vực trưng bày gần 1000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du...
(Bên trong bảo tàng Nguyễn Du còn lưu giữ nhiều ấn bản cổ các tác phẩm của ông)
Khu lăng Văn Sự: nằm gần bờ sông Lam, thuộc giáp Đông, thôn Lương Năng. Đây là mộ cụ tổ đời thứ 3 của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền. Khu vực này còn là nơi an táng Giới Hiên công Nguyễn Huệ, trưởng nam đời thứ 6 của dòng họ và Thuật Hiên công Nguyễn Khản, anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du.
Mộ Đại thi hào Nguyễn Du: táng ở Đồng Cùng, thuộc giáp Tiền (xã Tiên Điền), quay hướng chính Tây, có tổng diện tích khoảng 3.219m2. Ban đầu, đây chỉ là ngôi mộ đất đơn sơ, sau đó cụ Đặng Thai Mai dựng tấm bia ghi “Tiên Điền Nguyễn tiên sinh phần mộ”.
Đền thờ và mộ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm: ở thôn Bảo Kệ (nay là thôn Minh Quang, xã Tiên Điền) có tổng diện tích khoảng 682m2, mặt bằng kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, phong cách kiến trúc thời hậu Lê.
Đền thờ và mộ Nguyễn Trọng: ở thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền. Nguyễn Trọng (1709 - 1789), là con thứ 3 của Nguyễn Quỳnh, là chú ruột của Nguyễn Du. Đền quay hướng Nam, tổng diện tích khoảng 998m2 .Trước đây, phần mộ này được táng tại đồng Đùng, thuộc thôn Minh Quang, xã Tiên Điền.
Khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du: thuộc địa phận giáp Tiền, thôn Lương Năng, làng Tiên Điền, là nơi nghỉ dưỡng của Nguyễn Du mỗi dịp về quê. Sau khi Nguyễn Du mất, ngôi nhà trong vườn được cải tạo thành nhà thờ ông.
Trước khi nằm xuống, Nguyễn Du làm thơ khóc cho Thúy Kiều nhưng cũng khóc cho chính mình rằng: "Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố như" (dịch nghĩa: Ba trăm năm nữa ta đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như). Tố Như - tên hiệu của Nguyễn Du. Nhưng chưa cần đến mốc thời gian đó, sau khi ông mất, hàng triệu người Việt đã ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, tôn xưng là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1964, Hội đồng Hòa bình thế giới công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là Di tích quốc gia đặc biệt này. Nếu có dịp ghé thăm Hà Tĩnh đừng quên ghé thăm khu di tích này để biết và hiểu thêm về thân thế và cuộc đời của Đại thi hào nhé.