Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
TPO - Trekking là hoạt động du lịch dã ngoại mà người tham gia có những chuyến đi bộ đường dài, leo núi nhiều ngày, băng qua các cung đường với đủ loại địa hình. Ở khu vực phía Bắc nước ta, nhiều phượt thủ nhận định ngoài đoạn đường chinh phục đỉnh Fansipan, du khách nên trải nghiệm các cung trekking dưới đây bởi độ thử thách và quang cảnh hùng vĩ.
TPO - Trekking là hoạt động du lịch dã ngoại mà người tham gia có những chuyến đi bộ đường dài, leo núi nhiều ngày, băng qua các cung đường với đủ loại địa hình. Ở khu vực phía Bắc nước ta, nhiều phượt thủ nhận định ngoài đoạn đường chinh phục đỉnh Fansipan, du khách nên trải nghiệm các cung trekking dưới đây bởi độ thử thách và quang cảnh hùng vĩ.
Bạch Mộc Lương Tử
Quãng đường từ chân núi lên đỉnh Bạch Mộng Lương Tử dài khoảng 30 km
Bạch Mộc Lương Tử còn có tên gọi khác là Kỳ Quan San, nằm ở giữa ranh giới 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Địa điểm này sở hữu hữu độ cao 3.046 m so với mực nước biển, nằm trong top 4 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Quãng đường từ chân núi lên đỉnh dài khoảng 30 km. Du khách sẽ phải thử thách với khá nhiều địa hình khác nhau như rừng gỗ lớn, rừng tre nứa, đồi trúc hay vách đá cheo leo toàn rêu phủ. Thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục Bạch Mộc Lương Tử là khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau.
Vách Đá Trắng
Cắm trại tại Vách Đá Trắng.
Cung đường Vách Đá Trắng dài 5 km có xuất phát điểm từ xã Pải Lủng và kết thúc tại xã Pả Vi, thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nằm bên trên đèo Mã Pì Lèng. Đáng chú ý, sau thời gian đi bộ mỏi mệt, du khách còn được trải nghiệm cắm trại qua đêm tại vách đá. Địa điểm cắm trại là một bãi đất được xếp đá san bằng, tương truyền nơi đây từng là nơi nghỉ chân của vua Mèo khi đi qua đèo Mã Pì Lèng.
Tây Côn Lĩnh
Khám phá rừng nguyên sinh ở Tây Công Lĩnh. Ảnh: Trần Nguyên Minh Hạnh.
Cung trekking này bắt đầu hoạt động từ năm 2018, còn khá mới mẻ đối với nhiều du khách. Tây Côn Lĩnh là ngọn núi phía Tây của tỉnh Hà Giang, trải dài từ Hoàng Su Phì cho đến Vị Xuyên. Đỉnh Tây Côn Lĩnh được mệnh danh là "nóc nhà của vùng Đông Bắc", với độ cao 2427 m so với mực nước biển.
Để chinh phục cung đường này, du khách phải vượt qua những khu rừng nguyên sinh kỳ bí. Nơi đây có thảm thực vật rất phong phú và đa dạng với nhiều loại cây nhiệt đới, cây cổ thụ sừng sững, xen lẫn với nhiều loại lá cây thân thảo, cây lau tạo nên một cảnh quan vừa hùng vĩ thơ mộng.
Tà Xùa
Đoạn đường "sống lưng khủng long" tại Tà Xùa.
Tà Xùa là dãy núi kéo dài nối liền 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái. Khu vực này gắn liền với lối đi nhỏ, mệnh danh "sống lưng khủng long" vô cùng hiểm trở. Đoạn đường này nối liền hai đỉnh cao nhất thuộc dãy Tà Xùa, chỉ vừa 1 người đi, 2 bên là vực sâu. Điều đó khiến du khách cảm giác như đang lơ lửng giữa trời, bao phủ bởi "biển mây" bồng bềnh.
Pusilung
Nhiều phượt thủ không thể vượt qua cung đường Pusilung hiểm trở.
Pusilung nằm ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ngọn núi này cao thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Fansipan. Nằm ngay sát đường biên giới Việt-Trung, địa hình nơi đây được những người trải nghiệm đánh giá cực phức tạp và có quãng đường dài.
Với độ dài trên 60 km toàn bộ là đồi dốc lên xuống, Pusilung có thể làm nản lòng bất kỳ du khách nào. Đoạn đường này dài tới nỗi khiến nhiều người đã phải bỏ dở chặng đường vì quá mệt và mất kiên nhẫn với những con dốc kéo dài vô tận. Đường chinh phục Pusilung là sự kết hợp của rừng già, đồi cỏ rậm rạp, băng qua nhiều suối lớn trong suốt chuyến hành trình.