Đền Am thuộc thôn Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định mang một giá trị tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương. Hãy nghe Nguyễn Thị Phượng một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Đền Am, Thôn Nhất, thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân trong làng với Đức Thánh tổ, thiền sư Bùi Huệ Tộ. Theo các nguồn ghi chép lịch sử, thiền sư Bùi Huệ Tộ đã có công xây dựng 18 ngôi chùa trong và ngoài huyện Nam Trực. Ở mỗi nơi khi đến xây chùa, Ngài đều quan tâm giúp đỡ những người nghèo, giúp cho nhân dân có cuộc sống ấm no. Thiền sư đã giành nhiều tâm huyết để vận động nhân dân địa phương và nhân dân thập phương sửa sang chùa cảnh; bỏ tiền để mua ruộng, giúp họ làm ăn, sinh sống tốt hơn. Trong quá trình tu hành, tìm hiểu đạo pháp, thiền sư Bùi Huệ Tộ đã phát triển tác phẩm “Khóa hư lục” của Vua Trần Thái Tông thành “Kế hư lục” với trên 40 chương nhằm tuyên truyền những tư tưởng tích cực của đạo Phật về tính thống nhất, độc lập của Phật giáo Việt Nam.
( ảnh sưu tầm)
Tín ngưỡng thờ tự Đức Thánh tổ Bùi Huệ Tộ tại đền Am mang ý nghĩa thờ tự một vị chân tu, một vị phúc thần vì hạnh phúc ấm no của nhân nhân. Sau khi Đức Thánh tổ “hỏa trung hóa Phật”, nhân dân thôn Giáp nhất đã lập đền thờ phụng để đời đời ghi nhớ công đức của Ngài. Ngôi đền được xây dựng ngay trên nền đất thảo am mà trước đây Đức Thánh tổ đã tạo dựng.
Đền Am được xây dựng trên khu đất rộng gần 3000m2, quay mặt về hướng Tây Nam. Xung quanh đền có nhiều cây lâu năm tạo không khí mát mẻ, tôn nghiêm mà lại rất ấm cúng. Di tích đền Am bao gồm kiến trúc như: hồ nước, cổng, nghi môn, sân, nhà khách, công trình đền chính và hai dãy giải vũ môn. Đền có kiến trúc cổ kính, mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII.
( ảnh tự chụp)
Ngày mồng 9, mồng 10 tháng Giêng (âm lịch), là ngày sinh, đồng thời cũng là ngày hóa của Đức Thánh tổ, Thiền sư Bùi Huệ Tộ, nhân dân thôn Giáp Nhất mở lễ hội lớn để khai xuân. Những hoạt động diễn ra trong khuôn khổ lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian của vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài nghi thức tế lễ, rước hội, còn có nhiều hoạt động văn hóa, dân gian và nghệ thuật thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu, hát chèo, hát văn, bóng đá, thi văn nghệ, và đặc biệt là biểu diễn múa rối nước. Chính vì những nét đặc sắc đó, lễ hội không những thu hút cả cộng đồng dân trong làng mà còn thu hút rất nhiều khách thập phương.
( ảnh tự chụp)
Một điều đặc biệt về tín ngưỡng văn hóa ở làng Giáp Nhất, đã được mở rộng và nổi tiếng khắp bốn phương và dần dần trở thành tín ngưỡng của nhân dân thập phương, mỗi khi xuân về mọi người dân sẽ gieo quẻ đầu năm ở đền Am và sẽ đi tán quẻ thẻ. Quẻ thẻ sẽ ứng với từng người, từng gia đình, ngay cả khi 2 người gieo được cùng một số quẻ thẻ nhưng kết quả tán thẻ cũng chưa mấy đã giống nhau. Quẻ thẻ sẽ bao quát vận hạn trong cả 1 năm và nêu ra những điều chúng ta cần tránh để có một năm tốt nhất. Hay kể cả khi gia chủ muốn mua đất, mua nhà, hay gặp một điều khó giải quyết, người dân nơi đây cũng đến đền Am để lễ và xin thẻ để Ngài có thể chỉ lối. Xin quẻ thẻ ở Đền Am đã trở thành một nét văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân làng Giáp Nhất và quý khách thập phương.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, ngày 14 tháng 12 năm 2012 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 4898/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Đền Am, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là di tích cấp quốc gia. Mong rằng với bài viết này 63 Stravel sẽ đem lại cho tất cả mọi người thêm những kiến thức về văn hóa, dân tộc đặc biệt là ở vùng quê Nam Định