Ngắm cổ thụ Sa mu dầu hơn 2.000 tuổi trong lõi rừng già, được công nhận là cây di sản Việt Nam

TPO - Cây Sa mu dầu hơn 2.000 năm sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) có chiều cao hơn 70 m, đường kính thân 5,5 m. Cây được công nhận là cây di sản Việt Nam và đây được xem là cây Sa mu dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay.

TPO - Cây Sa mu dầu hơn 2.000 năm sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) có chiều cao hơn 70 m, đường kính thân 5,5 m. Cây được công nhận là cây di sản Việt Nam và đây được xem là cây Sa mu dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Vườn quốc gia Pù Mát là một khu rừng đặc dụng, có diện tích 94.804 ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An. Theo tiếng đồng bào dân tộc Thái, Pù Mát có nghĩa là những con dốc cao. Vườn quốc gia Pù Mát được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An do UNESCO công nhận năm 2007.

Nơi đây từng được mệnh danh là “chốn tiên cảnh” của Nghệ An. Không chỉ thu hút du khách bởi khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi đây còn có những thác nước hùng vĩ, đa dạng sinh học với hàng nghìn loài thực vật và động vật.

Trong Vườn quốc gia Pù Mát có “cụ” cây Sa mu dầu cổ thụ với hơn 2.000 năm tuổi. Cây được một nhóm chuyên gia điều tra về đa dạng sinh học phát hiện vào năm 1998. Tháng 10/2010, cây Sa mu dầu này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Cây Sa mu dầu có tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata, thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Đồng bào dân tộc Thái tại huyện Con Cuông (Nghệ An) gọi cây này là cây Mậy Pẹc. Cây Sa mu chủ yếu phân bố trong những cánh rừng nguyên sinh chạy dọc biên giới Việt - Lào, khu vực hỗn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim, với độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, và là nơi có độ dốc từ 12 độ đến 40 độ. Riêng cây Sa mu dầu di sản này nằm ở thượng nguồn Khe Bu thuộc địa bàn xã Châu Khê (huyện Con Cuông).

Bên trong khu rừng có có cả quần thể với những cây Sa mu to lớn khác. Để đi đến được khu vực cây Sa mu dầu "khổng lồ" này, người dân, lực lượng chức năng phải lội bộ cả ngày trời mới tới.

Cây Sa mu dầu hơn 2.000 năm tuổi sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát có chiều cao khoảng hơn 70 m.

Cây có chu vi thân đo được là 23,7 m, đường kính thân 5,5 m. Cây được xem là cây Sa mu dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Đi vào khu vực lõi rừng nguyên sinh như lạc vào thế giới của những cây khổng lồ.

Sa mu dầu là nguồn gen quý hiếm thuộc nhóm 1A trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế rất cao. Gỗ Sa mu dầu là loại gỗ quý, bền, ít mối mọt, có mùi thơm đặc trưng, hoa vân, màu sắc rất đẹp. Sa mu dầu đang đối mặt với nguy cơ đe dọa tuyệt chủng và cần sự ưu tiên trong công tác bảo tồn.

Con người bé nhỏ dưới gốc cây Sa mu dầu "khổng lồ".

Hiện cây Sa mu dầu được lãnh đạo, cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát chia sẻ cán bộ, nhân viên vườn đã và đang bảo vệ quần thể Sa mu và “cụ” Sa mu một cách tốt nhất để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của loài cây này. “Cụ” Sa mu dầu này là niềm tự hào không chỉ của riêng cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Pù Mát mà còn của cả tỉnh Nghệ An.

Ngoài quần thể cây Sa mu dầu "khổng lồ", trong Vườn quốc gia Pù Mát cũng có hệ thực vật đa dạng phong phú với nhiều loài, nhiều cây cổ thụ.

Vườn quốc gia Pù Mát được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An.

07 Tháng 01, 2024 1329

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành