Đền Hùng - biểu tượng lịch sử của dân tộc Việt Nam

Đền Hùng, khu di tích gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc và ẩn chứa những giá trị về kiến trúc, văn hóa sâu sắc. Chúng ta cần tự hào và truyền tải đến với bạn bè quốc tế. Hãy nghe Thái Thùy Trâm (Hà Tĩnh) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Trên đất nước Việt Nam yêu dấu có rất nhiều cảnh đẹp. Một trong số đó là đền Hùng – nơi thờ các Vua Hùng thời xưa đã có công dựng nước. Trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, về với Đền Hùng là cuộc hành hương trở về nguồn cội, tìm lại những dấu ấn lịch sử hào hùng thời Vua Hùng dựng nước:

                                                         “Dù ai đi ngược về xuôi

                                                          Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

                                                          Khắp miền truyền mãi câu ca

                                                          Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Đền Hùng nằm ở phía tây bắc Hà Nội, cách Thủ đô chưa đầy 90km. Nơi đây được xây dựng trên núi Hùng (hay còn được gọi là núi Cả, núi Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiêu Sơn…). Núi có độ cao 175m so với mặt nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Văn, núi Trọc, núi Pheo.

                                                       Đền Hùng ở Phú Thọ (ảnh sưu tầm)

Phong cảnh nơi đây mới hùng vĩ làm sao! Ở đó núi non trùng điệp, rừng cây bạt ngàn xanh tốt. Vào những ngày đẹp trời, ta có thể nhìn thấy dòng sông Lô hiền hòa, trong vắt, những xóm làng ẩn hiện trong vườn cây trái như một bức tranh đầy màu sắc. Từ núi Nghĩa Lĩnh có thể “quan sát được cả một vùng rất rộng của trung tâm Bắc Bộ với ngã ba Hạ, nơi sông Lô đổ nước vào sông Hồng, với các dãy núi Tam Đảo, Ba Vì và các dãy đồi lượn sóng xen kẽ giữa những cánh đồng tốt tươi, những vùng quê trù phú của vùng trung du.

Toàn bộ khu di tích gồm bốn đền, một chùa và một lăng hài hòa trong phong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất đẹp mắt. Cao nhất là Đền Thượng, thấp nhất là Đền Giếng. Các Đền được xây dựng theo một kiến trúc cổ kính. Sau khi qua cổng chính của khu di tích, qua 225 bậc đá, là lên đến đền Hạ. Ở khu vực Đền Hạ có chùa Thiên Quang và cây Thiên Tuế 700 tuổi; gần đó có đền Ngọc và giếng Ngọc. Từ Đền Hạ theo 168 bậc đá nữa là Đền Trung và lên tiếp 102 bận nữa thì lên Đền Thượng và có lăng vua Hùng, tượng trưng cho mộ Tổ.

                                       Đền Hùng Phú Thọ, cái nôi của dòng máu Lạc Hồng (ảnh sưu tầm)

Cổng đền được xây theo kiểu vòm cuốn. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, bốn góc tầng mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ; giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh – hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.

                                                                      (Ảnh sưu tầm)

Qua cổng chính là Đền Hạ. Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Ngay chân Đền Hạ là nhà bia, trên đỉnh có đắp hình, nậm rượu. Nơi đây đặt bia đá ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19 tháng 9 năm 1945: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nằm kề bên đền Hạ là Chùa Thiên Quang, được xây vào thời Trần. Phía trước chùa có cây vạn tuế gần tám trăm năm tuổi, xung quanh chùa có hành lang bao bọc, mái lợp ngói mũi, đầu đao cong, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Trước sân chùa là hai tháp sư hình trụ bốn tầng và một gác chuông có tuổi đời vài trăm năm.

Sau một hành trình gian nan cuối cùng du khách cũng đặt chân lên đỉnh Nghĩa Lĩnh, và tại đây có đền Thượng với tên gọi là “Kính Thiên lĩnh điện”. Đây là nơi thờ Thánh Gióng và vua Hùng. Đền Thượng tọa lạc ở trung tâm trời đất và cũng là trung tâm của khu di tích đền Hùng. Ngôi đền có sân rộng và được tôn tạo lại với kiến trúc cổ để du khách tìm về hành lễ nhưng không được đặt chân vào bên trong các gian thờ.

                                                            Đền Thượng Phú Thọ (ảnh sưu tầm)

Hằng năm cứ vào đúng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch thì khu di tích Đền Hùng lại long trọng tổ chức giỗ tổ Hùng Vương với nhiều hoạt động, sự kiện long trọng nhằm bày tỏ lòng biết ơn, gợi nhớ lại công lao của các vị Vua Hùng đã có công lớn trong việc xây dựng nền móng nước nhà.

Cùng với thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tích hợp nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, thể hiện ý thức nhớ về cội nguồn dân tộc “Ăn quả nhớ người trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn”; sự đoàn kết sâu rộng của cộng đồng dân tộc tạo nên tính cộng đồng sâu sắc. Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành truyền thống quý báu không chỉ ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.

Điều đó đã tạo nên triết lý nhân văn sâu sắc, động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam, hình thành nên nét đặc sắc của văn hóa nhân loại. Thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ dòng tộc giữa các Vua Hùng với mọi thế hệ trong cộng đồng người Việt từ quá khứ, hiện tại đến mai sau.

29 Tháng 06, 2024 210

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành