Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Nhật Lệ giăng sóng cánh hồng

Có người nói sông Nhật Lệ đẹp nhất vào đêm trăng rằm. Dòng sông phẳng lặng chị Hằng nghiêng soi trong ánh vàng thơ mộng.

Có người nói sông Nhật Lệ đẹp nhất vào đêm trăng rằm. Dòng sông phẳng lặng chị Hằng nghiêng soi trong ánh vàng thơ mộng.

Âm nhạc Hoàng Sông Hương cũng vang lên trong hồn sông núi Quảng Bình với lời ca: “Bồng bềnh ru ngọn sóng/ Điệu hát tình lênh đênh/ Nhật Lệ trăng huyền thoại/ Sóng vỗ trào tim anh”. Nhưng thật không ngờ lần này tới Đồng Hới tôi lại sững sờ với dòng sông Nhật Lệ trước bình minh. Đó là những mắt sóng cháy miên man thơm thảo như có hương hoa bay lên.

Thành phố hoa hồng bên sông

Một góc thành phố Đồng Hới.

Thành phố Đồng Hới thanh xuân và tươi mới bên sông Nhật Lệ. Đây là một thành phố trẻ bất ngờ bứt phá từ những năm 90 thế kỷ XX sau khi tỉnh Quảng Bình được tái lập. Một thời thị xã Đồng Hới bị quên lãng từ cuối thập niên 70 thế kỷ XX. Quảng Bình mỏng dính nơi biển khơi nằm giữa hai tuyến đầu đất nước. Chiều rộng từ Đông sang Tây chỉ chừng hơn 50 cây số. Vậy nên những con phố Đồng Hới cũng còm cõi bên những làng chài dọc cửa biển Nhật Lệ. Con sông đôi khi trở nên hung dữ vì sự cô đơn trước biển khơi. Miền gió lào cát trắng Quảng Bình dường như cũng dồn tụ sự nóng bỏng về Đồng Hới. Câu thơ bất hủ của Tố Hữu vẫn còn đọng lại tới bây giờ: “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” (Mẹ Suốt).

Đồng Hới gắn liền với Quảng Bình Quan tồn tại từ 1631 với bao chiến tích lịch sử từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh cho tới sau này. Hơn thế nữa, quân và dân Quảng Bình anh hùng và chiến thắng qua những cuộc bắn phá tàn bạo của máy bay Mỹ. Khi ấy cửa biển Nhật Lệ là nơi hội tụ đường biển tiếp tế vào chiến trường miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954-1975) cho tới khi thống nhất đất nước.

Vẫn hiện diện đâu đó những cột sóng đen ngòm vì bom đạn trên sông Nhật Lệ cùng xác máy bay Mỹ tơi tả rơi. Bức tượng “Mẹ Suốt” của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến tạo hình tượng tiêu biểu cho thành phố anh hùng này. Nhạc sĩ Trần Hoàn từng viết: “Nhật Lệ ơi, lời nước non vang vọng từ ngàn xanh/ Với sức người, đất trời ta chuyển mình/ Nhớ lời dặn của Người trước lúc đi xa” (Nhớ Nhật Lệ). Nhạc sĩ Nhật Lai cũng đã ghi dấu với thời gian lịch sử qua giai điệu hào hùng: “Sóng reo lên khúc ca anh hùng/ Của Quảng Bình chống Mỹ không lùi/ Hỡi dòng sông mến yêu hát lên khúc ca chiến thắng” (Bài ca Nhật Lệ).

Và cũng trong năm tháng chống Mỹ, thị xã Đồng Hới nhỏ bé xinh đẹp được coi là một bông hoa hồng e lệ ngát hương. Trong cuộc chiến khốc liệt chống Mỹ cứu nước, những người con thành phố vẫn chăm bẵm các khóm hồng thể hiện ngọn nguồn sức mạnh tâm hồn. Cho dù có thể thiếu thốn đói khát nhưng hoa hồng luôn gắn bó với số phận chiến sĩ bên chiến hào. Một thị xã nghèo nhưng anh hùng được tôn vinh thành một biểu tượng “Thị xã hoa hồng”. Biểu trưng (logo) được dựng lên cho thành phố là bông hoa hồng bao quanh hình tượng cổ thành. Đó là sức mạnh của Quảng Bình hiện diện qua biểu trưng thành phố Đồng Hới. Và cũng từ đây những vườn hồng trải dài trên đường phố lớn. Hàng triệu đóa hoa tươi rói trên những vành đai con đường bên sông Nhật Lệ.

Tôi cứ đi mê mải trong hương hoa thơm thảo trên đường phố Trần Hưng Đạo (dài tới 3km). Hai cây cầu lớn thành phố vượt sông Nhật Lệ nối đôi bờ cồn xã Bảo Ninh cùng tuyến đường đi dọc miền Nam. Nhà thơ Xuân Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình đã viết sau những năm tháng cam go: “Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta/ Sẽ trồng lại hoa hồng trên phố nhỏ/ Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở/ Vàng huân chương trong mỗi sân nhà” (Đồng Hới). Giờ đây Đồng Hới không chỉ gắn bó với hình ảnh: “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như sóng biển tung trắng bờ” (Mẹ Suốt); mà cái đẹp thành phố còn được tôn vinh sự rạng rỡ tươi hồng của những bông hoa.

Dòng sông huyền thoại

Thành phố hoa hồng tựa một chàng trai trưởng thành bên dòng sông Nhật Lệ già nua. Một dòng sông cổ kính luôn sôi động nơi cửa biển ngàn đời nay. Nhật Lệ tuy chỉ dài 85 cây số nhưng là chứng nhân cho biết bao biến cố lịch sử huy hoàng. Phần sông chảy qua thành phố Đồng Hới được mở rộng tới cửa biển Nhật Lệ. Sông rộng mênh mông vào mùa nước lớn hay triều dâng, chiều ngang mặt nước có đoạn rộng tới hơn 1000 mét. Chính nơi đây là điểm khởi nguồn những câu chuyện ngàn năm đầy khốc liệt binh đao giữa Đại Việt và Chiêm Thành (Chăm).

Nhật Lệ nằm trong phần đất đầu xứ Chăm cổ (Quảng Bình). Sau một Đèo Ngang đẫm máu là một Nhật Lệ tang thương của những cuộc chiến. Quảng Bình là một trong những vùng đất luôn bị giành giật qua các triều đại. Những di sản Chăm trên đất Quảng Bình giờ chỉ còn là những đống gạch thành quách đổ nát.

Quảng Bình Quan nằm trong hệ thống chiến lược Lũy Thầy.

Nhưng dòng sông Nhật Lệ thì luôn còn và nổi sóng với mọi bấn loạn thăng trầm của những cuộc chiến. Dưới đáy sông còn in dấu hình ảnh trẫm mình của vương phi Chăm Mỵ Ê để giữ thủ tiết với giang sơn xã tắc (1044). Và cũng còn đó, hình ảnh dòng sông hòa chung dòng nước mắt của Huyền Trân Công Chúa khi chia tay vua cha Trần Nhân Tông để sang làm vợ vua Chế Mân.

Cuộc chia tay nơi cửa biển Nhật Lệ đẫm nước mắt vì giang sơn đất nước. Nơi đây đánh dấu những cuộc mở cõi về phương Nam của ông cha ta lững lẫy bốn phương. Những câu thơ của vua Lê Thánh Tông vang dội như sấm rền: “Quân hùng mãi chép chuyện đời Trần/ Tuần Nam nay chỉ theo người trước/ Mở rộng biên cương vạn dặm hồng” (1470). Sự tráng lệ của dòng sông nơi cửa biển này chính là phần hồn lịch sử trên đất Quảng Bình. Nơi đã sinh ra những nữ anh hùng thời đại như Mẹ Suốt, Nguyễn Thị Khíu và Trần Thị Lý trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Nhật Lệ trở thành dòng sông lịch sử và nảy nở ngọn nguồn thi ca. Những câu thơ của Lê Thị Mây tựa như khái quát qua những hình ảnh: “Gió từ sông tràn Quảng Bình Quan/ Bức tường đổ mất dần dấu vết/ Máu chảy suốt chiều dài đất nước/ Một bên đò Mẹ Suốt triệu đàn con” (Gió từ sông Nhật Lệ). Xưa nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng đã dừng chân bên sông phác họa: “Nước về Nhật Lệ xô xiết bao gềnh thác…Biết bao nhiêu khách trên đường danh lợi/ Hỏi ai là người không qua cửa ải Quảng Bình” (Qua Quảng Bình Quan).

Một dấu ấn kỳ thú khi thi hào Nguyễn Du về làm quan cai bạ ở Quảng Bình trong 4 năm trời (1809-1813) đã cảm xúc trước dòng sông: “Nước cửa biển Lệ vỗ mình/ Vị Kinh trong đục dòng chảy miết/ Vàng hoa, xanh trúc đều lặng thinh” (Tặng bạn). Và không ít văn nhân đã cho rằng câu thơ trong truyện Kiều: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa” của Nguyễn Du chính là mô tả cảnh nơi cửa biển Nhật Lệ. Và nữa, nhà thơ Xuân Hoàng cũng từng bày tỏ niềm vui: “Nhật Lệ quê ta vốn sẵn nhiều buồm/ Mây ngũ sắc ta gởi vào một tấm/ Buồm sẽ đi xa, biển mình đẹp lắm/ Đồng Hới mình sẽ đẹp vạn lần hơn” (Đồng Hới).

Phải chăng “Mùa xuân chín”?

Thi phẩm “Mùa xuân chín” của nhà thơ Hàn Mặc Tử, người được sinh ra tại làng Lệ Mỹ (nay là phường Đồng Mỹ - TP Đồng Hới) bên sông Nhật Lệ. Ngôi làng cổ ấy kéo dài dọc đoạn cuối sông đổ ra biển. Nhà thơ gắn bó với dòng sông suốt gần mười năm tuổi thơ. Chính vì thế có những câu thơ trong “Mùa xuân chín” nhiều người đều cho rằng cảnh trí tuổi thơ nơi đây đã hiển hiện sâu nặng. Thực ra người đọc dễ nhận ra “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín” ấy chính là tác giả ở một nơi nào đó chợt nhớ đến miền cát trắng biển xanh và ngóng tới một người: “Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Đặc biệt là câu kết thì ắt hẳn đó chính là hình ảnh bên sông Nhật Lệ.

Hơn nữa, trong nhiều thi phẩm khác ký ức về sông quê và những ám ảnh trăng đẫm chất siêu thực luôn được giải mã mang tín hiệu “Ngoài vũ trụ” (Hàn Mặc Tử). Rất có thể cả những hình ảnh tượng trưng như “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối” (Thức khuya), hay “Trăng nằm sõng soài trên cành liễu” (Bẽn lẽn), hoặc “Mới lớn lên trăng đã thẹn thò” (Huyền ảo)… cũng là sự ánh xạ cùng với trăng sông Nhật Lệ. Tôi cứ tha thẩn đi bên sông trong không gian diễm huyền mang âm hưởng thi ca họ Hàn. Tâm hồn lâng lâng theo “Gió lùa ánh sáng vô trong bãi/ Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai”. Quả nhiên có một linh hồn sông quê luôn hiện lên trong thơ Hàn Mặc Tử ngay cả giây phút bi phẫn của đời thi sĩ.

20 Tháng 10, 2023 1390

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành