Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Đi “Một vòng Việt Nam” ở bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam – nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, đời sống, lịch sử đặc sắc nhất của 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Hãy nghe Thanh Thuỷ (Thái Nguyên) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km, bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, có địa chỉ tại số 1 Đội Cấn, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam là một trong năm bảo tàng quốc gia trực thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển sở hữu gần 50.000 tài liệu, hiện vật gốc có giá trị. Với diện tích khoảng 40 nghìn mét vuông, gồm hệ thống trưng bày trong nhà và không gian văn hóa trải nghiệm ngoài trời sống động tái hiện được nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam.


Gian long trọng là phòng đầu tiên trong hành trình tham quan, nơi đặt Bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ôm ba em bé đại diện cho 3 miền Bắc – Trung – Nam thể hiện tình yêu thương của bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở 3 miền của đất nước, đồng thời thể hiện chính sách thống nhất đa dạng và đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Xung quanh gian long trọng có ba bức phù điêu lớn được tạc bằng gỗ, mô phỏng những hoạt động văn hóa lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc từ Bắc vào Nam. Ngoài những nét khái quát về văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại đây bảo tàng còn trưng bày góc văn hóa ASEAN nhằm tăng cường sự hợp tác và phát triển vốn di sản văn hóa Việt Nam và ASEAN.


Sau khi tham quan gian long trọng du khách sẽ đến phòng trưng bày số 1: Đây là không gian văn hóa nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, giới thiệu bản sắc văn hóa của 4 dân tộc Kinh, Mường, Thổ và Chứt. Những yếu tố văn hóa chung và riêng của 4 dân tộc lần lượt được giới thiệu theo ba vùng mưu sinh là đồng bằng thung lũng và miền núi.

Tiếp theo là không gian phòng trưng bày số 2: Giới thiệu về văn hóa nhóm ngôn ngữ Tày – Thái với 8 dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y cư trú tại các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc. Bản làng của đồng bào đặc trưng với hình ảnh những nếp nhà sàn đơn sơ, những thửa ruộng bậc thang, những chiếc quạt nước cần mẫn từng vòng quay đưa nước từ suối về ruộng.


Sang phòng trưng bày số 3: Giới thiệu văn hóa đặc trưng của các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ: H’Mông - Dao, Ka Đai và Tạng – Miến như dân tộc: Mông, Dao, Pà Thẻn, Lô Lô, Phù Lá và một số dân tộc khác. Ở đây, đồng bào rất giỏi canh tác trên nương, rẫy và ruộng bậc thang. Chợ phiên là nơi thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa vùng cao.

Tiếp đến là không gian trưng bày của phòng số 4: Giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer. Ngôi nhà rông là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng gắn liền với không gian cồng chiêng Tây Nguyên ( di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại).

Không gian cuối cùng trong hệ thống trưng bày trong nhà là phòng số 5: Giới thiệu về văn hóa mẫu hệ của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam đảo gồm 5 dân tộc: Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru. Và, văn hóa phụ hệ nhóm ngôn ngữ Hán với 3 dân tộc: Hoa, Ngái, Sán Dìu được giới thiệu thông qua các tổ hợp trưng bày về văn hóa của dân tộc như kiến trúc, ẩm thực, các nghề gia truyền…

Mỗi phòng trưng bày đều trang bị hệ thống âm thanh, phim tư liệu để giới thiệu một số hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.


Sau khi tham quan hệ thống trưng bày trong nhà du khách sẽ tham quan khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng. Có tổng diện tích gần 24.000 mét vuông với 6 không gian vùng văn hóa của nước ta.

Đầu tiên, du khách sẽ dừng chân tại không gian văn hóa vùng núi cao phía Bắc với điểm nhấn là nguyên mẫu ngôi nhà truyền thống của người H'mông trắng ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang.

Tiếp theo là không gian văn hóa vùng thung lũng phía Bắc với những câu hát sli hát lượn của các cô gái Tày, Nùng. Tại đây, có hai ngôi nhà gồm: Nhà sàn của người Tày huyện Bắc Sơn và nhà đất của người Nùng huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn. Cùng với cụm tượng người phụ nữ Thái, Mường lấy nước.

Không gian văn hóa tiếp theo, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh làng quê vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ với cấu trúc quang cảnh gồm: Cổng làng, giếng nước, ao làng, đường làng lát gạch nghiêng và hàng cau, mít, tre, xấu bao quanh ngôi nhà truyền thống của người Việt ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.


Tiếp đến, du khách sẽ hòa mình vào không gian văn hóa ven biển miền Trung với công trình như: Tháp Pôklông - Garai của đồng bào dân tộc Chăm, cùng tượng thiếu nữ trong đội nước, xưởng gốm của người Chăm, đền thờ cá voi, lăng ông được xây dựng theo mô tuýp lăng ngư ông ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng.

Tại không gian văn hóa Trường Sơn Tây Nguyên, du khách sẽ chiêm ngưỡng ngôi nhà Rông cao vút biểu tượng cho sức mạnh, cho sự phồn vinh, văn hoá độc đáo của buôn làng Tây Nguyên.

Cuối cùng, du khách sẽ đến với vùng văn hóa đồng bằng Nam Bộ thông qua 3 công trình đặc sắc là cổng chùa Chăm Pa ngôi chính điện chùa Phước tại Trà Vinh và tháp đựng cốt của dân tộc Khmer. Ngôi chùa được trang trí bằng tượng thần rắn và những bánh xe luân hồi bao quanh chùa thể hiện sự Từ Bi của đức Phật và triết lý Phật Giáo phái Nam Tông.


Với những hiện vật phong phú và đặc sắc bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên còn thường xuyên mời nghệ nhân các dân tộc tổ chức trình diễn lễ hội nghệ thuật, trò chơi dân gian và một số hoạt động thường nhật tiêu biểu như nghi lễ vào nhà mới của người Mông, múa khèn, ném pao tìm bạn tình, hát sli hát lượn, lễ hội cầu mưa…

Chính sự kết hợp giữa tĩnh và động, quá khứ và tương lai giữa truyền thống và đương đại đã làm nên một bảo tàng gắn kết với đời sống, một điểm đến thú vị để chiêm nghiệm, học tập và sáng tạo cho du khách học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, tìm hiểu về cội nguồn truyền thống văn hóa các dân trên khắp mọi miền đất nước.


Có thể nói rằng, bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc Việt là mái nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Là một trong những địa chỉ tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua khi du khách đến Thái Nguyên.

16 Tháng 12, 2024 234

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành