Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Lầu Bà Cố Hỷ

Lầu bà Cố Hỷ Ba Động, còn được gọi với các tên ngắn gọn hơn là Lầu bà Ba Động và tên chính thức là Lầu bà Cố Hỷ Thượng động nương nương, tọa lạc tại ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, cách thành phố Trà Vinh 51 km về hướng đông nam và cách thị xã Duyên Hải 12 km về hướng đông bắc.

 Lầu bà Cố Hỷ Ba Động, còn được gọi với các tên ngắn gọn hơn là Lầu bà Ba Động và tên chính thức là Lầu bà Cố Hỷ Thượng động nương nương, tọa lạc tại ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, cách thành phố Trà Vinh 51 km về hướng đông nam và cách thị xã Duyên Hải 12 km về hướng đông bắc.

Thờ bà Cố Hỷ là một tín ngưỡng dân gian truyền thống của ngư dân người Việt. Tín ngưỡng này phát triển mạnh tại vùng Bình Thuận, Nam Trung bộ, được ngư dân mang theo như một hành trang văn hóa tâm linh trên đường di cư vào Nam nhiều thế kỷ trước. Do vậy, tục thờ bà Cố Hỷ được xem như một “chứng nhận” về nguồn gốc của cư dân địa phương trên bước đường Nam tiến. Mặt khác, trong giai đoạn tiền khởi nghĩa cho đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Lầu bà Cố Hỷ Ba Động và cộng đồng cư dân theo tín ngưỡng này có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trên cơ sở đó, Lầu bà Cố Hỷ Ba Động được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2015.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân người Việt Trung bộ và Nam bộ, bà Cố Hỷ là một dạng nữ thần đặc biệt, vừa là phúc thần lại vừa là ác thần. Tương truyền, khi xưa ở một làng ven biển Quảng Nam có cô gái mồ côi xinh đẹp sống với người cha nuôi hiền lành. Miệng đời độc ác đồn đại cô gái ấy gian dâm với chính cha mình nên bị làng bắt bỏ vào rọ dìm xuống biển. Xác cô gái trôi giạt vào vùng Cà Ná, được người dân địa phương đưa vào mai táng và lập miếu thờ trên một ngọn đồi. Mang nỗi oan ức khôn tan, hồn cô gái linh thiêng hóa rồng bay khắp biển cả, sông hồ cứu giúp người hiền lành không may lâm vào cảnh gió to sóng dữ nhưng cũng sẵn sàng ra tay tàn độc trừng trị những kẻ gian xảo hại người. Người đi biển Bình Thuận nhiều lần được bà linh ứng nên lập nhiều miếu thờ trên những động cát cao ven biển với tôn danh Bà Cố Hỷ. Những câu thề, câu rũa “Bà Cố Hỷ móc mắt”, “Bà Cố Hỷ vặn họng”… đã in sâu vào tâm thức và điều chỉnh hành vi nhiều thế hệ ngư dân làm lành lánh dữ, cư xử thuận hòa với thiên nhiên, với cộng đồng thôn xóm.

Trong thời gian phò chúa Nguyễn Ánh, tướng Lê Văn Duyệt từng dừng chân trước ngôi miếu hoang Cà Ná, khấn nguyện bà phò trợ cho đoàn quân. Sau ngày chiến thắng, vua Gia Long ban sắc phong với mỹ tự “Thượng động Cố Hỷ tiên phi” hay “Thượng động Cố Hỷ nương nương”. Từ đó, tục thờ bà Cố Hỷ trở thành tín ngưỡng dân gian phổ biến của giới ngư dân Nam Trung bộ, nhất là vùng biển có ba động cát lớn thuộc tỉnh Bình Thuận.

Trên đường di dân vào Nam, giai đoạn thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, một bộ phận ngư dân Bình Thuận đã dừng chân lập thành xóm ấp tại vùng ven biển Trà Vinh đã mang theo tín ngưỡng thờ bà Cố Hỷ, với nét đặc thù là chọn nơi động cát cao hoặc xây lầu cao để tôn thờ. Vùng ven biển Trà Vinh từng có nhiều cơ sở tín ngưỡng thờ bà Cố Hỷ mà tiêu biểu nhất là Lầu bà Bến Cát (nay còn địa danh Vàm Lầu, thuộc xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang), Động bà (nay chuyển hóa thành chùa Giác Linh tự thờ Phật, cũng thuộc xã Mỹ Long Bắc, Cầu Ngang) và Lầu bà Ba Động. Đến cuối thế kỷ XX, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chỉ còn tồn tại duy nhất Lầu bà Ba Động là cơ sở tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ được xây dựng khang trang có ban quản trị kèm theo lễ hội truyền thống được tổ chức khá quy củ hàng năm.

Lầu bà Cố Hỷ Ba Động được hình thành gắn với quá trình khai hoang lập làng của người dân Trường Long Hòa. Ban đầu cơ sở tín ngưỡng này chỉ đơn sơ với bộ khung gỗ tạp, lợp lá dừa nước. Đến đầu thế kỷ XX dân làng chung tay xây dựng lại bằng gỗ căm xe, mái ngói. Trong kháng chiến chống Mỹ, Lầu bà bị máy bay ném bom là hư hại và đến năm 2008 được xây dựng lại khang trang như hiện nay.

Lầu bà Cố Hỷ Ba Động được xây dựng trên khuôn viên rộng 3.000 m2. Kiến trúc chính là ngôi lầu thờ Bà nối liền với vỏ ca dùng để thực hiện nghi thức múa bóng rỗi cũng như chuẩn bị lễ vật dâng cúng. Phía trước sân là một ngôi miếu nhỏ thờ Đại càn nguyên soái hay Nam Hải Đại càn tướng quân tức linh vị cá voi. Phía sau là nhà trù, tức nhà bếp và phía trái là dãy nhà dùng để đãi đằng khách thập phương về dự lễ Vía bà.

Lầu bà là kiến trúc một trệt, một lầu. Tầng trệt thờ bà Chúa Xứ, là một dạng thức thờ mẫu phổ biến ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được xem là nữ thần cai quản xứ sở cả trên đất liền lẫn ngoài biển khơi. Án thờ bà Chúa Xứ đặt ở chính giữa. Bên trái là áng thờ hai cậu “Tài” và “Quí” theo cách phát âm của người Phúc Kiến, mà thực chất là hai cậu “Đại” và “Tiểu”, tương truyền là hai con và cũng là hai người theo hầu bà Chúa Xứ. Bên phải là án thờ Nam Hải Quốc gia tức linh vị cá voi, sinh vật linh thiêng mà tương truyền là được Phật bà Quán Thế âm giao nhiệm vụ tuần tra trên biển, cứu người gặp nạn.

Tầng lầu là một gian thờ được xây khá kín có hành lang bao bọc bên ngoài. Giữa gian thờ là án thờ cốt tượng bà Cố Hỷ cùng cốt tượng bà Thủy, bà Hỏa hai bên. Điều đặc biệt ở Lầu bà Ba Động là tuy bà Cố Hỷ là dạng thức tín ngưỡng thờ mẫu có thần phả rõ ràng, một thời phổ biến từ Nam Trung bộ tới Đồng bằng sông Cửu Long nhưng các thế hệ cư dân Trường Long Hòa lại đồng nhất hình tượng vị nữ thần này với nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu), một nữ tướng lừng danh đầu Công nguyên có công đánh giặc cứu nước. Tương truyền, khi các bậc bô lão gieo quẽ xin phép lập Lầu bà, bỗng có một hộp gỗ sơn đỏ từ đâu bị gió bão trôi giạt vào. Người dân dùng thuyền đưa ra khơi nhưng không lâu, chiếc hộp vẫn giạt trở vào. Các bậc bô lão cung kính đón lên, mở ra mới biết đó là hai sắc phong Thần cho hai anh em Triệu Minh Công (tức Triệu Quốc Đạt) và Triệu Thị Trinh. Các vị bô lão hiểu rằng làng mình đã vinh dự được Thần chọn ngự nên lập đình thờ sắc Ông và đưa sắc Bà vào Lầu cùng phối tự với bà Cố Hỷ.

Hiện tượng đồng nhất thánh mẫu với nhân vật lịch sử đã thể hiện tinh thần yêu nước, cội nguồn dân tộc của người dân Trường Long Hòa qua nhiều thăng trầm lịch sử.

Trường Long Hòa là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và là căn cứ vững chắc của Tỉnh ủy cũng như các cơ quan, đơn vị vũ trang cách mạng tỉnh Trà Vinh trong suốt hai cuộc kháng chiến. Trong thành tích chung ấy, có phần đóng góp quan trọng của cơ sở tín ngưỡng Lầu bà, ban quản trị và cộng đồng cư dân theo tín ngưỡng này.

Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, Lầu bà là nơi hội họp của Chi bộ Đảng và của tổ chức Thanh niên Tiền phong Trường Long Hòa, chuẩn bị các mặt tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương vào tháng 8/1945. Không lâu sau đó, thực dân Pháp lăm le xâm chiến Trà Vinh bằng đường biển thì ngôi Lầu bà là nơi trú quân của lực lượng Cộng hòa vệ binh tỉnh cùng quần chúng nhân dân lập phòng tuyến ven biển cản bước quân thù.

Sau khi xâm chiếm Trà Vinh, thực dân Pháp lập quận Ba Động, lấy khu vực Ba Động làm quận lỵ. Quân dân Duyên Hải đã lấy Lầu bà làm điểm tựa tiến công, đuổi chạy dinh quận vào tháng 02/1947. Đến năm 1951, Lầu bà cũng là điểm xuất quân để quân dân ta đánh chìm đoàn tàu thập ác, tiêu diệt hơn 200 tên địch.

Sau ngày Đồng khởi tháng 9/1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân Trà Vinh ngày càng phát triển. Lầu bà trở thành cơ sở quan trọng trong hệ thống căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh tại Trường Long Hòa. Chính nơi đây được Tỉnh đội chọn mở nhiều lớp đào tạo cán bộ quân sự cho các đơn vị vũ trang tỉnh, huyện đến cấp xã. Tiêu biểu là lớp cán bộ quân chính, lớp đào tạo chiến sĩ đặc công… Nhiều học viên trưởng thành từ đây trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tài năng hoặc Anh hùng lực lượng vũ trang. Sau khi bị máy bay Mỹ ném bom làm hư hỏng, ban quản trị Lầu bà đã hiến số cột bằng gỗ căm xe để ngành Quân giới tỉnh chế tạo báng súng, góp phần trang bị cho lực lượng vũ trang.

Trong giai đoạn 1963 – 1966, Trường Long Hòa là một trong hai bến tiếp nhận vũ khí quan trọng của tỉnh Trà Vinh từ đoàn tàu không số của đường Hồ Chí Minh trên biển. Lầu bà trở thành nơi trung chuyển, tạm thời cất giấu số vũ khí, trang thiết bị quân sự trước khi vận chuyển đến các đơn vị chủ lực quân khu và Hậu cần Tỉnh đội các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dưới sự vận động của Chi bộ địa phương, nhiều thanh niên nam nữ trong cộng đồng cư dân theo tín ngưỡng thờ bà Cố Hỷ Ba Động đã thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến, giải phóng quê hương, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tín ngưỡng thờ Mẫu luôn gắn liền với lễ hội Vía bà. Vía bà Cố Hỷ tại Lầu bà Ba Động mỗi năm có hai lệ xuân thu nhị kỳ, 15 – 16 tháng Giêng và 15 – 16 tháng Bảy âm lịch, trong đó ngày Vía chính là 15 và 16 tháng Giêng. Do Lầu ba Ba Động là cơ sở thờ bà Cố Hỷ hiếm hoi còn tồn tại khang trang, ban quản trị duy trì chặt chẽ nên ngày Vía bà không chỉ là ngày hội của người dân địa phương mà thu hút hàng ngàn người dân ven biển thuộc các tỉnh từ Tiền Giang, Bến Tre tới Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về dự. Các nghi thức chính của ngày hội Vía bà Ba Động như sau:

– Ngày Rằm tháng Giêng: Lễ Túc yết (lúc 6 giờ sáng, những người có trách nhiệm tề tựu để rà soát các bước chuẩn bị); Mộc dục (lúc 7 giờ sáng, lau rửa và thay áo mão cốt tượng Thánh Mẫu); Nghinh ông (lúc 9 giờ, đoàn người gồm các bậc bô lão trong làng mang lư hương, trống, lộng, kiệu thỉnh ông về. Ông ở đây được hiểu là nhân vật Triệu Minh Công, tức Triệu Quốc Đạt, anh ruột của nữ tướng Triệu Thị Trinh. Ông còn được hiểu là Đức ông Nam Hải, tức linh vị cá voi); Khai lễ – Chầu mời (lúc 12 giờ trưa, tiếng trồng chiên vang dậy báo hiệu Thánh Mẫu về ngự tại lầu, chứng giám cho mọi hoạt động tế lễ của dân làng); Tế Tiền vãng (lúc 16 giờ, nghi lễ dâng cúng các bậc tiên hiền, hậu hiền có công khai đất lập làng); Múa bóng rỗi – địa nàng (lúc 19 giờ kéo dài đến tận khuya, các bóng cô, bóng cậu múa hát dâng các phẩm vật dâng cúng Thánh Mẫu và cũng là nghệ thuật diễn xướng dân gian phục vụ nhu cầu thưởng lãm của dân làng); Chánh tế (lúc 23 – 24 giờ, là lễ tế chính với đầy đủ thức ăn, phẩm vật dâng cúng và bài Chúc văn ca ngợi công đức Thánh Mẫu, cầu mong Thánh Mẫu gia ân độ trì dân chúng, nhất là những người lênh đên trên biển).

– Ngày Mười sáu tháng Giêng: Lễ Tống ôn (lúc 10 giờ, pháp sư bắt ấn xua đuổi ám khí, tà ma, dịch bệnh); Tiễn ông (lúc 12 giờ, đoàn người khăn áo chỉnh tề đưa linh vị ông trở về chỗ cũ).

Trong suốt hai ngày, song song với việc thực hiện các lễ thức, ban quản trị Lầu bà tiến hành đãi khách thập phương, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết.

30 Tháng 10, 2023 1329

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành