Giữa vùng núi cao ở tỉnh Tuyên Quang lại được thiên nhiên ưu ái cho một “Vịnh Hạ Long” hoang sơ với làn nước xanh biếc nằm ẩn mình giữa những cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ làm say đắm lòng người. Hãy nghe Nguyễn Thị Phượng một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Khu du lịch sinh thái Na Hang nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 108km tọa lạc tại huyện Na Hang, Lâm Bình và giáp với ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Na Hang, là nơi hội tụ gặp gỡ của dòng sông Năng và sông Gâm. Cái tên Na Hang nghe có vẻ rất lạ, tại sao lại được gọi là Na Hang, chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu nhé. Na Hang có nguồn gốc từ tiếng Tày – “Nà Hang” nghĩa là “ruộng cuối”. Hồ Na Hang có diện tích rộng hơn 8000ha như một nàng công chúa dịu dàng cuốn hút được bao quanh bởi 99 ngọn núi trùng trùng điệp điệp với những hình thù đa dạng tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vô cùng tráng lệ. Đặc biệt vào những tháng 7,8,9 là mùa mưa đạt đỉnh điểm, nước hồ dâng cao ngút tạo ra một vùng nước rộng lớn trải dài giữa thiên nhiên hùng vĩ, với các thác nước chảy xiết như lời mời lời gọi những du khách đến để tham quan và khám phá vùng đất này. Ngược lại, vào mùa khô, mặt hồ nước êm ả, hiền dịu. Có lúc mực nước rút cạn những cù lao đất đỏ và các hang động đá vôi sâu trong lòng núi thoắt ẩn thoắt hiện cực kỳ thích mắt.
( Ảnh: sưu tầm)
Đến với Na Hang, chúng ta có thể khám phá điểm đến đầu tiên chính là khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung. Khu bảo tồn có diện tích rộng trên 42.000ha, tại nơi đây vẫn còn bảo vệ được những cây Nghiến nghìn năm tuổi, nhiều loại cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, về thảm thực vật cũng vô cùng đa dạng và phong phú về cả giống chủng loại… Đặc biệt, ở Tát Kẻ còn là môi trường sinh sống của loài Voọc mũi hếch - một loài động vật được ghi vào sách đỏ thế giới.
Từ bao đời nay, đến với nơi đây, quý khách cũng sẽ được trải nghiệm về nền bản sắc văn hoá dân tộc đa sắc màu bởi Na Hang có tới gần 66.000 người dân thuộc 15 dân tộc khác nhau trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Mông, Kinh… Sự giao thoa, ảnh hưởng giữa các nền văn hóa của các dân tộc đã tạo nên một vùng văn hóa dân gian độc đáo với những lời ca tiếng hát đậm đà bản sắc dân tộc ví dụ như làn điệu Then, Sli, Lượn, tiếng đàn Tính, tiếng Khèn… làm đắm lòng bao đoàn du khách. Na Hang được coi là một vùng đất cổ vì những nhà cổ học đã phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá tại hang Phia Vài có niên đại lên tới 10.000 năm. Tại hang Thẩm Choóng, các nhà cổ học cũng phát hiện nơi cư trú, một số dụng cụ sinh hoạt của người nguyên thủy sống ở giai đoạn sơ kỳ đá mới cách ngày nay khoảng 7.000 - 8.000 năm.
( Ảnh: sưu tầm)
Vào Năm 2002, công trình thủy điện tại Tuyên Quang được xây dựng và phát triển tại huyện Na Hang với sứ mệnh sản xuất điện kết hợp phòng chống lũ lụt tại thành phố Tuyên Quang, cung cấp nước trong mùa khô cho vùng hạ lưu, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặc biệt hình thành khu du lịch sinh thái lòng hồ. Thủy điện Tuyên Quang chính công trình thủy điện đầu tiên ở nước ta có đập chính của nhà máy là loại đập đá đổ bằng bê-tông bản mặt, gồm ba tổ máy với công suất 342 MW, sản lượng điện 1.295 triệu KWH/ năm.
Ngày nay Na Hang là một địa điểm được du khách đánh giá cao với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, quý giá. Na Hang đang dần dần trở mình, thay đổi theo sự phát triển của xu hướng và xã hội nhằm thu hút sự quan tâm tìm hiểu và khám phá của du khách trong và ngoài nước…
Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Na Hang và Lâm Bình, khu du lịch sinh thái Na Hang có tổng diện tích 15.000ha trong đó bao gồm 8.000ha diện tích mặt nước.Nếu xưa kia, để di chuyển từ thành phố Tuyên Quang lên đến Na Hang, dân địa phương phải đi mất vài ngày bằng con đường hiểm trở với chiều dài hơn 100km, thì hiện tại du khách chỉ mất khoảng hai tiếng đồng hồ khi xe khách là đã có thể dừng chân tại vùng đất hoang sơ kỳ vĩ này.
( Ảnh: sưu tầm)
Du khách sẽ chớ bỏ qua cơ hội du thuyền trên lòng hồ thủy điện, đây sẽ là trải nghiệm để du khách có thể ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, đẹp đẽ - địa danh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng thắng cảnh quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát, hang Phia Vài… Đi theo dọc bờ sông từ Thượng Lâm, du khách chắc hẳn sẽ có hứng thú với những chiếc “cọc Vài” đá sừng sững mọc lên giữa mặt nước gắn với sự tích Tài Ngào. Tiếp đến, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Nậm Mè (Suối Mẹ), bởi dòng nước suối thong thả đổ xuống như mái tóc buông xõa xuống rừng cây bạt ngàn tạo nên một khung cảnh bức tranh hiếm thấy.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên non nước hữu tình cùng những hiện vật của người nguyên thủy, những lễ hội mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc đặc biệt là về tâm linh như lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng, lễ Cấp Sắc, lễ Tơ Hồng, lễ Rước Dâu của người Dao trong trang phục thổ cẩm độc đáo…, du khách sẽ đặc biệt gây ấn tượng với du khách về lòng hiếu khách, tình người và ẩm thực văn hoá hấp dẫn nơi đây. Lẩu cá Lăng, cá Nheo, thịt Trâu khô, thịt Bò khô, xôi ngũ sắc, các loại rau rừng khá lạ lẫm mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất Tuyên Quang như rau Dớn, rau Dạ… đặc biệt rượu Ngô men lá Sơn Phú, rượu Đao.
Theo quy hoạch của tỉnh Tuyên Quang, Khu du lịch sinh thái Na Hang sẽ hình thành một số phân khu riêng biệt tương ứng với từng chức năng như Khu lâm viên Phiêng Bung (gồm sân bay mini, trường đua ngựa, sân golf, bãi cắm trại), Khu lâm thủy Cọc Vài (gồm dãy khu biệt thự, đảo để nuôi thú, khu vực thể thao mạo hiểm, bến cảng…), khu thể thao trên nước, khu văn hóa lịch sử nghệ thuật để tạo cho du khách có một trải nghiệm tốt hơn khi đến với Na Hang.
Hy vọng với bài viết này, 63Stravel đã góp phần giúp cho các bạn có một trải nghiệm du lịch tốt hơn khi đến với vùng đất Tuyên Quang, đặc biệt là Na Hang.