Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Cùng với Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… Vĩnh Long từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm du lịch trải nghiệm miền Tây sông nước nổi tiếng. Hãy nghe Quyên một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 100km với khoảng 2 giờ di chuyển theo tuyến Quốc lộ 1A, Vĩnh Long được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đất phù sa màu mỡ thích hợp trồng các cây ăn quả nhiệt đới và lúa nước. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên trù phú, con người nồng hậu mến khách, mảnh đất Vĩnh Long với nhiều hoạt động vui chơi thú vị sẽ mang đến cho bạn những kỉ niệm đáng nhớ.
1. Chợ nổi Trà Ôn
Nếu muốn tìm hiểu đặc sắc văn hóa sinh hoạt của người dân Vĩnh Long, hãy đến chợ nổi Trà Ôn. Cách vàm Trà Ôn 250m, chợ nổi ở hạ lưu sông Hậu có chiều dài trên 300m, thường họp theo con nước nên nước lớn thì chợ đông. Dù quy mô không quá lớn như chợ nổi Cái Răng, cũng không quá tấp nập như chợ nổi Cái Bè nhưng chợ nổi Trà Ôn lại điểm chợ đầu mối quan trọng của vùng. Bởi vậy nên dù ghé chợ trong ngày vào bất kì thời điểm nào trong ngày cũng thấy tấp nập những thuyền ghe. Đặc biệt hơn hết là các ghe bày bán hoa kiểng rực rỡ sắc màu.
Hình ảnh sưu tầm
2. Lò gạch Mang Thít
Khu Lò gạch Mang Thít thuộc huyện Mang Thít, nơi đây có khoảng 700 cơ sở, trong đó xã Nhơn Phú và Mỹ An sở hữu nhiều cơ sở sản xuất gạch hơn cả. Xuất phát điểm từ một làng nghề truyền thống, cho đến nay các lò gạch, gốm ở Vĩnh Long đã trở thành một địa điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn mà bạn không thể bỏ qua. Dù theo thời gian, sản lượng tiêu thụ gạch gốm đỏ đã giảm đáng kể nhưng bằng tình yêu nghề mãnh liệt và quyết tâm gìn giữ nét đẹp văn hóa của cha ông, người dân trong vùng vẫn duy trì việc sản xuất và có sự chuyển hướng sang chế tác đồ dùng bằng gốm dùng để trang trí nội thất, chậu cây.
Hình ảnh sưu tầm
3. Nhà cổ cai Cường
Nằm ở địa chỉ số 38, ấp Bình Hòa, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Nếu bạn là một người yêu thích không gian nhà cổ xưa, mang phong cách đặc trưng vùng Nam Bộ thì nhà cổ Cai Cường là một địa điểm đáng để chiêm ngưỡng và chụp hình. Giống hệt như trong những thước phim truyền hình, căn nhà nơi đây toát lên dáng vẻ bề thế, trang trọng của một nhân vật quyền thế thời xa xưa. Đến tham quan nhà cai Cường, bạn không những được sờ, được ngồi vào bộ bàn ghế hơn 100 năm tuổi mà còn có thể tham quan vườn, thu hoạch trái cây và thưởng thức đờn ca tài tử nữa.
Hình ảnh sưu tầm
4. Khu du lịch Vinh Sang
Với vị trí đắc địa bên cạnh dòng sông Cổ Chiên êm đềm, khu du lịch sinh thái Vinh Sang còn mang đến cho mọi người một bầu không khí trong lành, mát lạnh, khiến cho chuyến tham quan trở nên cực kỳ thoải mái và dễ chịu.
Khuôn viên bên trong khu du lịch Vinh Sang rất rộng lớn với màu xanh lá chủ đạo của cây cỏ và lối thiết kế mang đậm bản sắc miệt vườn Nam Bộ. Toàn bộ trang trại Vinh Sang được chia thành từng khu vực vui chơi riêng biệt, trong đó nổi bật nhất là khu động vật quý hiếm và khu trò chơi dân gian.
Có thể nói điểm nổi bật nhất của khu du lịch Vinh Sang chính là khu vực bảo tồn động vật quý hiếm như gấu, gà sao, hươu sao, vượn má hồng,… Nếu bạn là người yêu thích cảm giác mạnh, bạn có thể thử trải nghiệm hoạt động câu cá sấu hoặc cưỡi đà điểu. Với diện tích tương đối rộng cùng cơ sở vật chất hiện đại, khu du lịch Vinh Sang là địa điểm phù hợp để bạn có thể tổ chức các buổi dã ngoại cho cả gia đình hoặc tạo nên các hoạt động team building ý nghĩa tại đây.
Hình ảnh sưu tầm
5. Chùa Phước Hậu
Vườn kinh bằng đá trong chùa Phước Hậu nổi tiếng là điểm tham quan hấp dẫn tại Vĩnh Long vì tính độc nhất vô nhị. Được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 4,000 m2 của chùa Phước Hậu, vườn kinh có tổng cộng 250 phiến đá sắp xếp theo hình dáng của lá bồ đề. Trên mặt đá là 500 trang kinh được viết song ngữ Anh - Việt. Công trình Phật giáo có ý nghĩa của Vĩnh Long đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh ghé thăm.
Hình ảnh sưu tầm
Hi vọng rằng với những gợi ý về địa điểm du lịch Vĩnh Long như trên, ai cũng có thể tìm cho mình một hoặc vài địa điểm yêu thích. Nếu có dịp về thăm nơi đây thì bạn đừng quên ghé qua trải nghiệm những tọa độ vui chơi, nghỉ dưỡng hấp dẫn này nhé.
Khu du lịch Vinh Sang là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Vĩnh Long, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến với khu du lịch Vinh Sang, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về mảnh đất và con người vùng sông nước Miền Tây. Khu du lịch Vinh Sang nằm ở đầu cù lao An Bình, dọc theo bờ sông Cổ Chiên, đối diện cầu Mỹ Thuận, thuộc tổ 14, ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Khi du lịch Vĩnh Long, muốn tới khu du lịch Vinh Sang, bạn sẽ cần đi qua bến phà An Bình sau đó theo biển chỉ dẫn đi thêm 3km là tới. Từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, đi khoảng 35 km theo hướng đường Cao tốc Sài Gòn – Tiền Giang, hết cao tốc du khách rẽ phải về hướng cầu Mỹ Thuận, đi thêm khoảng 60 km nữa du khách sẽ tới cầu Mỹ Thuận nổi tiếng, đây là cây cầu dây văng đầu tiên ở Miền Tây, bắc qua sông Tiền nối 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Vừa xuống dốc cầu Mỹ Thuận du khách rẽ trái về hướng đi Vĩnh Long, đến ngã 3 đầu tiên tiếp tục rẽ trái ra bờ sông đi đến bến tàu Vinh Sang. Từ đây du khách sẽ đi tàu qua cù lao An Bình để đến khu du lịch Vinh Sang. Với diện tích khoảng 2,2 ha, Vĩnh Sang là một khu vườn thiên nhiên rộng lớn có hệ thống kênh rạch liên thông nhau với đa dạng các loại cây ăn trái, không gian đặc trưng của miệt vườn sông nước miền Tây Nam bộ. Đây còn là nơi bảo tồn nhiều loài chim, thú quý hiếm và là một khu vui chơi giải trí hấp dẫn với hàng loạt các trò chơi dân gian và hiện đại. Đến khu du lịch Vinh Sang, du khách được tận hưởng cảm giác thoải mái, không khí trong lành ở một vùng quê, có dịp khám phá cuộc sống miệt vườn Nam Bộ. Điểm thu hút du khách nhất đó chính là được tham quan miệt vườn trong khu du lịch Vinh Sang. Có rất nhiều loại cây ăn trái trong vườn như chôm chôm, dâu, xoài,.. và khách mua vé vào vườn có thể được ăn thoải mái no nê. Ở khu du lịch Vinh Sang có rất nhiều trò chơi phù hợp với nhiều lứa tuổi. Đối với những bạn thích cảm giác mạnh thì có thể chơi trò câu cá sấu, cưỡi đà điểu, trượt cỏ. Còn nếu muốn tham gia các trò chơi đồng quê thì có thể lựa chọn các trò như: tát ao bắt cá, bóng nước, đua thuyền thúng bắt vịt, chèo xuồng ba lá, đi dây, cầu khỉ, cầu xe đạp …vv… Trong đó trải nghiệm hóa thân thành những người nông dân Nam Bộ đích thực thống với chương trình mò cua bắt ốc trong rang phục bà ba đen và chiếc khăn rằn truyền thống được nhiều người yêu thích nhất. Du khách sẽ được trở về tuổi thơ và nhớ những ngày xưa thân thương cùng nhau tham gia chương trình mò cua bắt ốc, được tự tay dùng những cây móc cua thọt sâu vào trong hang và lôi ra những chú cua khỏe mạnh đang giơ hai càng lên giống như đang chiến đấu với kẻ thù. Sau khi bắt hết cua và ốc lên, du khách được tự tay chế biến thành món cua ốc luộc sả trong nồi đất, chấm với muối ớt chanh cay nồng, cùng uống thêm rượu nếp Vinh Sang chắc chắn sẽ làm lưu luyến quý du khách gần xa. Đặc biệt, Khu Du Lịch Vinh Sang còn có một đàn Đà điểu Châu Phi với hơn 60 con trưởng thành. Đây là loài chim to lớn nhất thế giới được nuôi dưỡng và phát triển ngay giữa đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Giữa thiên nhiên tươi mát của miền Tây Nam Bộ du khách được thoả thích hóa thân thành những chú “Hugo cưỡi đà điểu ” chạy tung tăng trên bãi cát. Đây là một dịch vụ được các bạn trẻ rất ưa chuộng. Ngoài những trò vui chơi giải trí, khu du lịch Vinh Sang còn mang đến những nét đặc trưng rất riêng của vùng sông nước Nam Bộ. Bằng tàu du lịch, bạn có thể vào sâu trong các con rạch nhỏ, tham quan những làng nghề truyền thống nổi tiếng của miệt vườn Nam Bộ nằm ven sông; thưởng ngoạn nghề làm kẹo dừa truyền thống, nghề nấu rượu nếp của người dân cù lao An Bình; thăm thú vườn chim với hơn 12 loài, gần 1.000 con cư ngụ trong một ao nước rộng 0,5ha. Nhà hàng Vinh Sang nằm ở trong Khu Du Lịch với hệ thống gồm 3 nhà hàng lớn nhỏ và các tum ăn uống dọc theo sông Cổ Chiên chuyên nấu các món ăn dân dã của người miền tây sông nước: như cá nướng trui, lẩu mắm, vịt nướng, lẩu vịt nấu chao, lẩu cua đồng…. Trong đó phải kể đến những món ăn vô cùng lạ, ngon miệng được chế biến từ thịt cá sấu và thịt đà điểu, đặc biệt là lẩu gà nòi chanh quế được xếp vào danh sách 99 món ngon Việt Nam. Sau khi vui chơi và ăn uống xong du khách sẽ được xem hát bội – đây là một loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam, thường diễn những tuồng tích xưa mang tính kinh điển, trang phục diễn phong phú về màu sắc, kiểu dáng được quy định riêng cho từng nhân vật, kết hợp âm nhạc và vũ điệu đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn cho người xem, có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ hay sự khác biệt về văn hóa. Lần đầu tiên tại Miền Tây bộ môn nghệ thuật truyền thống này đang được tỉnh Vĩnh Long nổ lực phục hưng, bảo tồn và quảng bá đến với du khách trong nước và quốc tế.
Vĩnh Long 1694 lượt xem
Tháng 11 đến tháng 4
Đến Vĩnh Long, thành phố bên bờ sông Cổ Chiên thơ mộng, du khách sẽ được tham quan rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Một trong số đó là Văn Thánh Miếu là một công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại từ thời Nguyễn sau khi quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nơi đây được mệnh danh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”, lưu giữ biết bao câu chuyện quý giá về tinh thần hiếu học của cha ông ta thời xưa. Văn Thánh miếu Vĩnh Long đặt tại làng Long Hồ, tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long, phía Đông Nam thành Vĩnh Long nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long. Đi du lịch Vĩnh Long muốn ghé thăm Văn Thánh Miếu, từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, bạn theo đường Trần Phú chạy ven dòng sông Long Hồ, chỉ một đoạn ngắn khoảng 2km là đến nơi. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ. Hai Văn Thánh Miếu khác nằm ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đất Gia Định xưa. Công trình được khởi công năm 1864 và hoàn thành năm 1866 do Đốc học Nguyễn Thông khởi xướng, thờ Khổng Tử và các học trò của Ngài. Tuy trên danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất đây là một tụ điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước. Khi Văn Thánh Miếu được xây dựng hoàn tất. Hội Văn Thánh miếu ra đời đảm trách quản lý, thờ phượng. Triều đình Huế hướng dẫn điển lễ tế tự và cấp 20 miếu phu trông nom Văn Thánh Miếu. Nơi đây trở thành trung tâm văn hoá của khu vực miền Tây Nam kỳ. Các sĩ phu, tao nhân mặc khách qui tụ về đây đàm đạo thơ phú, luận bàn thế sự. Năm 1867, khi chiếm xong Vĩnh Long thực dân Pháp phá hoại các công trình văn hoá của nhà Nguyễn để lại và có ý định huỷ hoại Văn Thánh Miếu. Thực hiện di huấn của cụ Phan Thanh Giản, ông bá hộ Trương Ngọc Lang (tức bá hộ Nọn) tìm nhiều biện pháp để bảo vệ Văn Thánh Miếu – di sản văn hoá của vùng đất Vĩnh Long. Sau khi chiếm Vĩnh Long, bọn thực dân Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dựng Dinh tham biện (tỉnh trưởng) định phá Văn Thánh miếu. Lúc đó ông Bá hộ Trương Ngọc Lang (người Minh Hương) được đồng bào đề cử đứng ra tranh thủ với quân viễn chinh giữ lại công trình văn hóa này. Rồi từ đó đến nay, Văn Thánh miếu Vĩnh Long được tu bổ vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994, 2006 và năm 2007. Trải qua bao thời gian biến cố lịch sử, công trình đã trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản, và đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Cổng tam quan uy nghi hướng ra dòng sông tĩnh lặng, được xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái, tuy đơn giản nhưng mỹ thuật, trên hai trụ có chạm đôi liễn thanh tao. Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Hai bên là hai hàng sao cao vút có cùng niên đại với ngôi Thánh Miếu. Hai hàng cây cao thẳng tắp tạo cho khuôn viên vườn cảnh và khu di tích một bề sâu và không khí uy nghi trầm mặc lạ lùng. Trên con đường đó, giữa hoa lá đan xen, khách có thể chiêm ngưỡng ba tấm bia đá đã phôi pha với thời gian. Trước cổng là tấm bia ghi văn tài của cụ Phan Thanh Giản, mặt trước nêu lý do dựng miếu, xưng tụng công đức Thánh Nhân và triều đình, mặt sau dương danh những người có công. Tổng cộng trong văn miếu có ba tấm bia mang giá trị ghi dấu các thời kỳ lịch sử gắn với Văn Miếu. Ngoài bia Phan Thanh Giản còn có bia ghi việc trùng tu miếu năm 1903, bia ghi công bà Trương Thị Loan (con gái ông Trương Ngọc Lang) đã có công hiến đất làm hoa lợi hương hỏa. Khổng Thánh Miếu trước kia đơn sơ, cột cây mái ngói trên nền đất, năm 1903 mới được thay bằng cột gỗ căm xe, lót gạch tàu, lợp ngói đại và ngói ống. Miếu thờ Đức Khổng Tử có nhiều cặp liễn đối và hoành phi mang giá trị lịch sử văn hoá và cho thấy lòng hiếu học của dân chúng Nam kỳ. Chính điện làm theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Tượng đức Khổng Tử được đặt thờ ở giữa, hai bên là bốn vị cao đồ. Ngoài ra, bàn thờ bên tả hữu còn thờ cúng 12 vị học sĩ cao đồ khác. Bên ngoài hai ngôi miếu nhỏ (Tả vu, Hữu vu) được xây dựng làm nơi tưởng nhớ đến 72 vị học trò danh tiếng của Khổng Tử. Văn Xương Các nằm ngay bên phải lối vào khu di tích, hai bên có hai khẩu thần công. Những khẩu súng cổ này từ năm 1921 đã được đặt tại cầu tàu (trước viện Bảo tàng Vĩnh Long hiện nay). Năm 1937 mới mang tới Văn Thánh Miếu và năm 1960 được đặt uy nghi trên bệ xây. Văn Xương Các xây theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Trên gác là nơi cất sách và thờ Văn Xương Đế Quân, một vị tinh quân chủ quản việc thi cử học hành. Tầng dưới, gian giữa là nơi văn nhân thi ngồi đàm đạo, phía sau là khám thờ chạm trổ tinh vi, trong đặt hai bài vị, có câu đối ca tụng hai sĩ tử đứng đầu đất Gia Định là Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản. Hàng năm tại điện Đại Thành có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh, tại Tụy Văn Lâu có lễ vía cụ Phan Thanh Giãn vào các ngày 4 và 5 tháng Bảy âm lịch, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13 tháng Mười âm lịch. Vào dịp diễn ra lễ hội, Văn Thánh Miếu đón đông đảo du khách thập phương về tham dự.
Vĩnh Long 1873 lượt xem
Từ tháng 1 đến tháng 12
Cù lao An Bình, gồm 4 xã: An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Với địa hình là những cồn đất được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và Hàm Luông đã trở thành một điểm du lịch Vĩnh Long hấp dẫn, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên về một vùng sông nước đậm chất Tây Nam Bộ. Đến Cù Lao An Bình, du khách được người dân chèo ghe tam bản len lõi qua những con rạch ngắm cảnh sông nước hữu tình hai bên bờ. Những cơn gió mát lộng cùng điệu hò trên mũi thuyền sẽ mang lại cho bạn những ấn tượng khó quên. Hay đạp xe trên những con đường làng rợp bóng cây, hít thở khí trời miệt vườn yên bình, êm ả. Tham quan những vườn chôm chôm chín đỏ hay vườn nhãn, vườn cam, vườn quýt sai trĩu quả đậm nét đặc trưng của loại hình du lịch Miền Tây miệt vườn. Ghé thăm các nhà vườn, du khách tha hồ thưởng thức trái cây mùa nào thức ấy, gần như quanh năm. Các vườn trái cây đặc sản như: Vườn chôm chôm ông Chín Hoán, vườn chôm chôm ông Chín Cần, vườn nhãn tiêu ông Tám Hổ, và vô số các vườn trái cây khác. Du khách không chỉ được thưởng thức nhiều loại trái cây ngon mà du khách còn được trải nghiệm nhiều điều thú vị như thăm nhà cổ, thăm những làng nghề đậm chất văn hóa sông nước; được trải nghiệm tát mương bắt cá, làm vườn, câu cá, chế biến món ăn, làm bánh dân gian, nghe hát bội… Một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Cù Lao An Bình là Chùa Tiên Châu nằm trên bãi Tiên tả ngạn sông Cổ Chiên. Chùa được hình thành từ những năm 1740 – 1750, là một ngôi chùa cổ không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long mà còn nổi tiếng cả vùng Miền Tây Nam Bộ gắn liền với truyền thuyết về bãi tắm của tiên nữ. Nhà cổ Cai Cường được biết đến như một công trình kiến trúc mang dáng dấp châu Âu pha lẫn nét Á Đông cổ xưa. Tọa lạc ở tại xã Bình Hòa Phước, nằm bên bờ rạch Cái Muối tấp nập thuyền ghe, đây là nơi thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Nét hấp dẫn nhất của ngôi nhà là bộ bao lam bằng gỗ kết dính cả ba gian nhà, trên khắc chạm tinh tế hình long, phụng, chim muông, cây cối…tất cả đều sơn son thếp vàng rất bắt mắt. Ghé thăm khu du lịch Vinh Sang, du khách sẽ được tham quan vườn cảnh chim thú, cưỡi đà điểu chạy tung tăng trên bãi cát, câu cá sấu, tập đi cầu khỉ, chơi xe trượt cỏ, đi xe đạp dạo quanh đường làng, chèo xuồng bên những dòng kênh, giăng lưới, chài cá hoặc be bờ tát mương bắt cá… Cù lao An Bình còn có làng nghề truyền thống như Làng mai vàng Phước Định. Đây là một làng nghề truyền thống, chuyên trồng mai vàng làm hoa kiểng, đến đây du khách sẽ được thưởng lãm những gốc mai cổ thụ hàng trăm năm tuổi và tận hưởng không gian của ngôi làng màu vàng của hoa mai rực nở trong mùa tết nguyên đán. Thiên nhiên đã ban cho cù lao An Bình cây lành trái ngọt bốn mùa và người dân xứ cù lao đã sáng tạo, tận dụng sông rạch, vườn cây ăn trái làm điểm tham quan du lịch, homestay. Sau một ngày dạo chơi, du khách có thể nghỉ tối tại những nhà vườn theo loại hình du lịch homestay, cùng ăn ở và sinh hoạt với người dân địa phương. Được thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền sông nước như cá tai tượng chiên xù, chả giò chiên giòn, cá lóc nướng trui, bánh xèo, rượu trái cây…. thơm nồng đượm vị miệt vườn sông nước miền quê và nghe hát bội, đờn ca tài tử. Vườn cảnh bonsai của ông Sáu Giáo (ấp Bình Thuận, xã Hòa Ninh), nhà sàn ông Mười Đẩy cất bằng gỗ nằm trên rạch Ninh Hòa, hay ngôi nhà xưa ông Hai Hoàng có lối kiến trúc kiểu Pháp. Đây đều là những địa điểm nghỉ ngơi của du khách có nhu cầu nghỉ qua đêm.
Vĩnh Long 1718 lượt xem
Từ tháng 1 đến tháng 12
Chùa Tiên Châu còn được gọi với tên khác là Chùa Di Đà. Đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất thuộc tỉnh Vĩnh Long, Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, Chùa Tiên Châu đã thành lập hơn 300 năm và trở thành Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp Quốc gia từ rất lâu. Ngôi chùa sở hữu vẻ đẹp cổ kính, độc đáo nên thu hút rất nhiều người đến tham quan cũng như khám phá. MIA.vn tin rằng, đây chắc chắn là một trong những ngôi chùa Vĩnh Long mang vẻ đẹp ấn tượng, nguy nga nhất mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến Vĩnh Long du lịch. Vĩnh Long là tỉnh thành cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km. Tỉnh thành này có hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển, đồng thời cơ sở hạ tầng cực kỳ tốt nên bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Trong số các phương tiện di chuyển đến Vĩnh Long, các bạn sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể đi bằng xe máy, lái ô tô hoặc mua vé xe khách. Dựa vào kinh nghiệm của một số bạn, từ Sài Gòn đến Vĩnh Long thường sẽ mất khoảng 3 tiếng để di chuyển. Giá vé xe khách chỉ dao động từ 100.000 VNĐ/lượt đến 120.000 VNĐ/lượt nên cực kỳ phù hợp cho những ai muốn di chuyển nhanh, thoải mái và an toàn. Tuy nhiên, nếu muốn đi bằng xe máy tự túc, các bạn có thể tham khảo lộ trình sau đây: Từ Sài Gòn, các bạn về trung tâm thành phố Vĩnh Long theo Quốc lộ 1A. Để đến được Chùa Tiên Châu thuộc cù lao An Bình, các bạn cần qua phà ở sông Tiền. Chỉ tốn khoảng 15 phút di chuyển bằng đường sông là các bạn đã đặt chân đến cù lao. Sau đó, các bạn hỏi thăm người dân để tìm đến địa chỉ của Chùa Tiên Châu. Theo truyền thuyết dân gian mà những bậc lão làng sống ở khu vực tả ngạn sông Cổ Chiên kể lại, Chùa Tiên Châu được xây dựng vào khoảng năm 1750 cuối thế kỷ thứ 18. Ngày trước, vị hòa thượng Giác Nguyên khi đi tu hành đến vùng đất cù lao An Bình này đã cảm nhận được khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây. Do đó, ông đã lập một cái am nhỏ bằng tre để thờ Phật Di Đà giáo chủ cõi Tây phương cực lạc gọi là Tiên Châu Di Đà. Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền một sự tích liên quan đến Chùa Tiên Châu. Vào những đêm trăng thanh gió mát, tiên nữ thường xuống đây tắm sông, nô đùa. Do đó, bãi sông này được đặt tên là bãi Tiên hoặc bãi Bích Trân. Còn am đặt tại cạnh bờ sông lấy tên là Tiên Châu. Khác với Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long uy nghi, tráng lệ, Chùa Tiên Châu sẽ khiến mọi người ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp vô cùng cổ kính. Chùa Tiên Châu được xây dựng theo lối kiến trúc cổ xưa với 4 nóc là tiền đường, trung đường, chính điện và hậu tổ được sắp xếp thành hình chữ tam. Theo đó, khu vực chính điện, hậu tổ và hậu liêu nói liền nhau tạo nhiều khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát. Chùa Tiên Châu có thiết kế mang đậm nét văn hóa chạm trổ chùa chiền vào thế kỷ 18. Nét chạm khắc này được thể hiện rõ nét nhất bởi 96 cột gỗ tròn dùng để chống đỡ cả ngôi chùa. Các nét chạm trỗ tại đây vô cùng tinh tế và sắc sảo thu hút đông đảo các tín đồ của Phật giáo ghé đến tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, Chùa Tiên Châu sở hữu vẻ đẹp tinh tế, hài hòa khi được xây dựng theo kiến trúc vừa cổ điển, vừa hiện đại. Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa chưa một lần thay đổi vẻ đẹp đặc trưng cổ kính vốn có của mình. Bước vào khuôn viên của chùa Tiên Châu, bạn sẽ bắt gặp một tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi trên đài sen. Phật Bà đang cầm trên tay bình nước cam lộ tưới nhuần ơn phước cho chúng sinh. Góc bên trai của khuôn viên là tượng Phật Thích Ca tĩnh tọa dưới sự che chở của chín con rồng và gốc bồ đề râm mát. Còn bên phải là tượng Phật Di Lặc đang nở một nụ cười viên mãn, an lạc. Bên trong nội điện của Chùa Tiên Châu được trang hoàng vô cùng đẹp và lộng lẫy. Ở giữa tứ trụ là khánh thờ, phía trong có pho tượng Phật A Di Đà lớn được làm bằng chất liệu đất sét. Không những thế, hai bên khánh thờ còn treo các câu đối sơn mài có ý nghĩa cực kỳ lớn. Còn rất nhiều hiện vật có giá trị được lưu giữ trong ngôi chùa như: bộ bao lam chạm Thập Bát La Hán, liễn đối chạm khắc tinh tế từ thế kỷ 19, tranh khắc gỗ... Trải qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi chùa vẫn sừng sững, hiên ngang với vẻ đẹp bất chấp vượt thời gian. Điều này dường như được xem là một minh chứng cho sự sống bất diệt của lịch sử. Bất kỳ ai lần đầu đến đây cũng đều cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính cũng như dòng chảy vô cùng thiêng liêng tại ngôi chùa này.
Vĩnh Long 1710 lượt xem
Từ tháng 1 đến tháng 12
Vĩnh Long là một tỉnh ở miền Tây, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng chừng 135km về phía Nam. Không phát triển du lịch như nhiều tỉnh miền Tây khác nhưng Vĩnh Long cũng có rất nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn. Trong đó, phải kể đến là chợ nổi Trà Ôn. Chợ nổi Trà Ôn nằm ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Chợ cách trung tâm thành phố Vĩnh Long khoảng chừng 40km và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 162km. Tùy theo điểm xuất phát và nhu cầu, bạn có thể đến đây bằng phương tiện xe máy, xe khách hay máy bay.Tương tự như nhiều chợ nổi khác ở miền Tây, chợ nổi Trà Ôn hoạt động từ rất sớm, bắt đầu từ 3 – 4 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ trưa. Theo kinh nghiệm thì bạn nên đi chợ vào lúc 5 – 6 giờ sáng. Đây là thời điểm lý tưởng này để bạn đến đây tham quan.Từ 5 - 6 giờ sáng là khung giờ chợ nổi Trà Ôn hoạt động sôi nổi nhất. Không khí mua bán ở thời điểm này vô cùng tấp nập, nhộn nhịp. Bên cạnh đó, thời tiết sáng sớm cũng cực kỳ mát mẻ. Rất thoải mái để bạn có thể dạo một vòng quanh chợ. Đến tham quan chợ nổi thời điểm này, bạn còn có cơ hội được ngắm khung cảnh bình minh tuyệt đẹp trên sông.Hầu hết các bến thuyền ở huyện Trà Ôn đều có cho thuê thuyền phục vụ khách du lịch đi tham quan chợ nổi. Khi thuê thuyền, bạn nên trao đổi để thống nhất giá trước, tránh tình trạng bị hét giá. Sau khi đã thuê được thuyền, bạn sẽ được chủ thuyền chở xuôi theo dòng sông Hậu để đến chợ nổi Trà Ôn. Khi vừa mới đến gần khu chợ, bạn sẽ thấy được ngay không khí buôn bán tấp nập của người dân nơi đây. Hằng ngày, chợ nổi Trà Ôn có đến khoảng 100 thuyền bè từ khắp các tỉnh miền Tây đến buôn bán, giao thương.Những chiếc thuyền trên chợ nổi như một cửa hàng di động, chở đầy đủ các loại mặt hàng buôn bán. Trong đó trái cây, rau củ và các mặt hàng nông sản được trao đổi nhiều nhất. Bởi lẽ, các tỉnh miền Tây là nơi trù phú với hệ thống sông ngòi kênh rạch dày đặc, rất thích hợp để phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, trên chợ nổi còn có các thuyền bán đồ ăn, thức uống, các đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm sử dụng hằng ngày,… Bất kỳ mặt hàng nào trên đất liền, bạn cũng có thể tìm thấy ở chợ nổi Trà Ôn.Ở trước mỗi thuyền, người dân sẽ treo mặt hàng mà mình bán trên một cây sào lớn. Theo tiếng địa phương thì đây được gọi là cây bẹo. Vì ở trên chợ nổi, người dân không thể rao bán như chợ trên đất liền. Do đó, người dân sẽ treo mặt hàng mà ghe mình bán lên cây bẹo để khách có thể dễ dàng nhận biết từ xa. Đây được xem là một trong những đặc trưng của các chợ nổi miền Tây.Khi đến chợ nổi Trà Ôn bạn có thể khám phá nét đặc trưng này nhé. Thử ghé một chiếc thuyền, giao lưu với người dân miền Tây hiền lành, chất phát và mua một vài mặt hàng, một vài cân trái cây về làm quà cho người thân bạn bè. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử ghé một chiếc thuyền bán đồ ăn sáng. Trên chợ nổi Trà Ôn bán rất nhiều món ăn sáng thơm ngon như hủ tiếu, bánh cánh, bánh mì, bún cá,… Trong không khí se lạnh của buổi sáng sớm, ngồi trên chiếc thuyền giữa sông nước mênh mông và thưởng thức một món ăn sáng nóng hổi, truyền thống của người dân miền Tây là một trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ.Đến chợ nổi Trà Ôn vào sáng sớm, bạn cũng sẽ được thưởng thức một khung cảnh đời sống hằng ngày tuyệt đẹp trên dòng sông Hậu. Người dân buôn bán tấp nập, sôi nổi. Trong khi đó, bình minh cũng đang dần dần ló dạng từ xa. Bạn có thể tranh thủ check-in để có được những bức sống ảo để đời nhé.
Vĩnh Long 807 lượt xem
Từ tháng 05 đến tháng 08
Vĩnh Long là một tỉnh thành thuộc khu vực miền Tây sông nước. Tương tự như các tỉnh thành khác, Vĩnh Long nổi tiếng không chỉ những vườn trái cây trĩu quả hay nhiều ngôi chùa có công trình kiến trúc độc lạ. Bên cạnh những ngôi chùa Vĩnh Long thu hút đông đảo các Phật tử về tham quan và chiêm bái thì vùng đất này còn được mọi người nhắc đến bởi vô số lò gạch nằm cạnh dòng sông Cổ Chiên, Mang Thít vô cùng thơ mộng.Lò gạch thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long trải dài hơn 30km, nằm bên cạnh dòng sông Cổ Chiên trong xanh, thơ mộng. Lò gạch thuộc hai huyện Long Hồ và Mang Thít. Trong đó, số lượng hộ gia đình tham gia sản xuất gạch tập trung nhiều nhất ở xã Nhơn Phú và Mỹ An thuộc huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Lò gạch Mang Thít Vĩnh Long đã tồn tại và lớn dần cùng với dòng sông Cổ chiên hơn 100 năm qua. Chính vì thế, lò gạch gốm này vô cùng nổi tiếng và lớn nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không những thể, các sản phẩm của làng gốm còn được phép xuất khẩu sang nhiều nước phát triển trên thế giới. Dân gian, người bản địa sinh sống tại vùng đất này hàng trăm năm nay ưu ái gọi lò gạch Mang Thít Vĩnh Long là “Vương quốc gạch ngói”. Lò gạch Mang Thít Vĩnh Long được mọi người nhớ đến với hình ảnh từng mái lò đỏ hồng, những hàng gạch nhuốm màu thời gian giữa dòng sông Cổ Chiên hàng trăm năm qua. Từ những viên gạch đỏ với đầy đủ sắc thái khác nhau, dưới bàn tay điêu luyện của nghệ nhân làng Mang Thít, nhiều tác phẩm kiệt tác được ra đời. Cùng với dòng sông Cổ Chiên, lò gạch cũ ám khói lặng lẽ vượt qua bao thăng trầm, nên ai đến đây cũng đều cảm nhận được nét đẹp vượt thời gian của chính nó. Lò gạch Mang Thít Vĩnh Long mang một vẻ đẹp cổ kính và độc đáo. Hình ảnh những viên gạch im lìm nằm giữa khung cảnh hiền hòa, bình yên tại các lò nung, khiến khung cảnh nơi đây càng trở nên cuốn hút, thanh bình hơn bao giờ hết. Vào những buổi chiều tà, khung cảnh lò gạch Mang Thít Vĩnh Long càng trở nên lung linh và ấn tượng. Lò gạch Mang Thít Vĩnh Long là nơi vẫn còn lưu giữ nhiều mỏ sét nguyên sinh cổ xưa có giá trị. Tất cả các mỏ sét nguyên sinh đều nằm bên trong những ngôi làng làm nghề gạch gốm đỏ truyền thống dọc theo hai bên bờ. Đây là nguyên liệu quan trọng nhất để làm thành các sản phẩm trang trí, hoặc trong xây dựng như gạch đỏ, nung, đồ gốm… Từ những bàn tay nhiều kinh nghiệm của người thợ thủ công, hàng nghìn tác phẩm có giá trị được ra đời mang đến cho con người nhiều công dụng hữu ích. Theo lời kể của người dân địa phương, nghề làm gạch gốm thủ công truyền thống tại Vĩnh Long đã từng có một thời kỳ thịnh vượng và vô cùng huy hoàng đến nỗi bất kỳ gia đình nào sống ven sông này đều sở hữu một miệng lò. Đó là lý do tại sao làng nghề lò gạch gốm Mang Thít Vĩnh Long vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống. Mỗi lò gạch nung được xem như là một biểu tượng của thời gian, phảng phất nhiều kỉ niệm. Bất kỳ ai đến đây cũng đều cảm nhận sức hút, vẻ đẹp thăng trầm phượt thời gian của các lò gạch. Chính lúc này, các bạn hãy tự do, tạo dáng để có thể tạo ra một album ảnh chất lượng và xịn sò nhất nhé. Nếu bạn đến đây đúng vào khoảng thời gian mùa làm gạch gốm bước vào giai đoạn cao điểm thì sẽ tuyệt vời lắm đây. Bạn sẽ được ghi lại hình ảnh hàng loạt lò nung gạch, gốm nhả khói trắng ngút trời. Từ xa xa nhìn lại, lò gạch Mang Thít Vĩnh Long chẳng khác nào một tiểu vương quốc đỏ với hàng trăm lâu đài nhỏ nối dài. Bên cạnh đó, bạn còn có cơ hội check-in công trình kiến trúc có một không hai ở Việt Nam tại lò gạch Mang Thít Vĩnh Long. Đó là những ngôi nhà bằng gốm vô cùng đặc sắc và ấn tượng. Đừng bỏ qua cơ hội trải nghiệm đặc biệt này khi đến Vĩnh Long du lịch nhé.
Vĩnh Long 944 lượt xem
Từ tháng 11 đến tháng 04
Nhắc đến Vĩnh Long, một số bạn chỉ nghĩ đến những khu du lịch sinh thái rộng lớn, các vườn trái cây bạt ngàn hay một số địa danh gắn liền với truyền thống hiếu học của dân tộc. Tuy nhiên từ xa xưa đến nay, Vĩnh Long tự hào là vùng đất được mọi người nhắc đến nhiều nhất với nhiều di tích văn hóa Quốc gia như: Văn Thánh Miếu, Chùa Ông Thất Phủ Miếu, Chùa Tiên Châu, Đình Long Thanh... Đó là lý do vì sao nhiều người lại muốn tìm về Vĩnh Long để nghỉ ngơi và tạm gác cuộc sống khó khăn ngoài kia. Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long được nhiều người ví như cổ trấn thu nhỏ ở vùng đất miền Tây Nam Bộ. Đây được xem là một trong những ngôi chùa linh thiêng, sở hữu vẻ đẹp bề thế nhất ở vùng đất Vĩnh Long. Hàng năm ngôi chùa luôn chào đón hàng ngàn Phật tử đến tham quan và chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Không những thế, vào mỗi dịp rằm, lễ hoặc Tết, có rất đông khách thập phương từ khắp nơi tề tựu về đây để thăm viếng và vãn cảnh. Ngôi chùa sở hữu diện tích hơn 1,7 hecta, được xây dựng vào năm 1970 do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm 1975, vì nhiều lý do khác nhau nên việc thi công đã tạm dừng. Đến năm 2015, việc thi xông xây dựng tại Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long mới được tiếp tục. Trong đó có nhiều hạng mục đến thời điểm 2015 mới dần hoàn thiện như: chánh điện, bảo tháp, đài Đức Quan Thế Âm lộ thiên, cổng tam quan... Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long được mọi người ví von như một thị trấn cổ thu nhỏ vì phong cách kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo của người Việt Nam. Với lối thiết kế khoa học, ngôi chùa sử dụng nhiều khoảng trống để tạo không gian nhẹ nhàng, thanh tịnh. Lối kiến trúc nghệ thuật vừa tinh xảo vừa hài hòa của Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long khiến nhiều người vô cùng thích thú khi được check-in tại đây. Không những thế, hầu hết các hạng mục từ ngoài vào trong của ngôi chùa đều mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam nên đã vô cùng thu hút khách thập phương.Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long có rất nhiều góc hấp dẫn, vô cùng đẹp tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ đến đây sống ảo. Từ mái chùa cong cong, bậc thang bề thế đến bảo tháp cao lớn, mỗi góc tại Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long đều có thể trở thành nơi tuyệt vời để bạn có thể thả dáng chụp ảnh. Theo kinh nghiệm tham quan tại ngôi chùa này của nhiều bạn trẻ cho biết, mọi người nên dừng chân tại cổng tam quan để check-in. Với vẻ đẹp vô cùng uy nghiêm bề thế, đây chắc chắn là góc chụp mà bất kỳ ai lần đầu đến Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long cũng không nên bỏ qua. Đi dần vào khuôn viên bên trong, quảng trường rộng lớn hiện lên vô cùng cao lớn và cực kỳ thoáng đãng. Bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được sự thanh tịnh và bình an khi lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng từ tứ phương. Điểm nhấn đặc biệt nhất tại ngôi Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long chính là tòa bảo tháp cao 9 tầng nổi tiếng cao đến 49m. Tòa bảo tháp sở hữu vẻ đẹp cổ kính, nghiêm nghị và hùng vĩ vô cùng nhờ thiết kế hình lục giác, kết hợp các nét chạm trổ hoa văn hình rồng trên mái ngói độc đáo. Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long mang đến vẻ đẹp vô cùng lộng lẫy khi sở hữu nhiều hạng mục ấn tượng cộng hưởng với lối kiến trúc đặc trưng của văn hóa Phật giáo truyền thống Việt Nam. Nơi đây chắc chắn là một trong những địa điểm thú vị bạn nên note lại
Vĩnh Long 982 lượt xem
Từ tháng 11 đến tháng 04
Nghề làm gạch là một trong những nghề truyền thống tại Vĩnh Long, do vậy mà hiện nay tại đây đã kết hợp quảng bá nét đẹp văn hóa này với các tiện ích du lịch để du khách có thể vừa tìm hiểu các giá trị cổ xưa cũng như được lưu lại kỉ niệm thăm thú hấp dẫn thông qua những bức ảnh độc đáo, chắc chắn sẽ cho bạn những trải nghiệm du lịch đáng nhớ đấy. Lò gạch Vĩnh Long – Hưng Lợi nằm ở vị trí xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Lò gạch Hưng Lợi luôn luôn chào đón mọi người đến tham quan và check-in tại đây bất kỳ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên, để có được những shoot hình ấn tượng, các bạn nên đến đây vào thời điểm sáng sớm tinh mơ. Hiện đang là địa điểm check – in hấp dẫn thu hút nhiều bạn trẻ tại Vĩnh Long nói riêng và trên cả nước nói chung tới tham quan, khám phá. Không những nổi tiếng với nhiều giá trị cổ xưa đang được gìn giữ, bảo tồn, nơi đây còn được biết đến với hình ảnh của hàng ngàn lò gạch độc lạ, ấn tượng. Bất kỳ hình dáng đặc biệt nào của những lò gạch Hưng Lợi cũng đều trở thành điểm nhấn thú vị. Chính điều này đã giúp bạn có thêm nhiều tấm ảnh để đời tại đây. Do đó, điểm đặc biệt thu hút giới trẻ đến đây thường xuyên đó là những background chụp hình với sắc thái hoài niệm, một chút cổ điển và nét đẹp cổ xưa. Đặc biệt, bức tường bằng gạch là góc view được đông đảo các bạn trẻ săn đón nhiều nhất. Tới thăm lò gạch Vĩnh Long – Hưng Lợi, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng, tham quan quy trình sản xuất ra một viên gạch hoàn chỉnh mà còn có cơ hội biết thêm được về nét đẹp văn hóa cổ xưa nơi đây. Từ lâu, lò gạch Vĩnh Long – Hưng Lợi đã là điểm đến thú vị để nhiều du khách từ xa đến tham quan khi tới du lịch Vĩnh Long. Tại đây có nhiều lò gạch lớn với nhiều hình dáng khác nhau, độc đáo tạo nên điểm nhấn thú vị. Hầu hết các background nơi đây đều có màu đỏ đun đầy hoài niệm – màu đặc trưng của gạch. Lò gạch Vĩnh Long – Hưng Lợi hứa hẹn sẽ mang tới cho bạn những bức ảnh mang đậm phong cách vintage. Bên cạnh đó, bạn còn có thể tham quan hoặc trực tiếp trải nghiệm các quy trình, công đoạn sản xuất gạch để hiểu thêm về làng nghề truyền thống này. Đừng bỏ lỡ cơ hội được sống ảo thả ga với lò gạch Hưng Lợi độc đáo nếu bạn có cơ hội ghé thăm Vĩnh Long và mong muốn được trải nghiệm những lý thú nhất tại vùng đất này nhé.
Vĩnh Long 63 lượt xem
Từ tháng 11 đến tháng 04
Tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao được xây năm 2004 tại ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm, có chiều cao 7,5m, chất liệu đồng, nặng 21,5 tấn. Tượng được xây dựng nhằm tưởng niệm 2 anh hùng dân tộc là Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao trong buổi đầu lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp. Ngày 20/6/1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ hai, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Vĩnh Long vùng lên tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Đầu tiên có nhóm Đàng cựu (là nhóm quan triều đoàn kết khởi binh), rồi đến hai con của Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm phất cờ phản kháng, nhưng lần lượt thất bại…Trước sự đàn áp của quân xâm lăng, lòng dân yêu nước càng sôi máu căm hờn, khoảng năm 1872 cuộc khởi nghĩa ở Vũng Liêm bừng dậy, lãnh đạo phong trào kháng Pháp này là Lê Cẩn và Nguyễn Giao. Lê Cẩn và Nguyễn Giao đều xuất thân là nông dân, nhưng có ít nhiều học thức, lại có tấm lòng yêu nước nồng nàn, nên khi hai ông đứng lên kêu gọi nhân dân kháng Pháp đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nông dân và sĩ phu quanh vùng. Vào một đêm của năm Nhâm Thân (1872), thực hiện chiến lược của Lê Cẩn- Nguyễn Giao, Phó Mai kéo nhóm dân quân chừng vài ba mươi người đánh phá chợ quận Vũng Liêm, giết chủ quận tên Thực và 6 tên lính. Sau chiến thắng vang dội này, quân Pháp tiến hành đàn áp dữ dội và chúng đưa đốc phủ Tôn Thọ Tường đến trấn nhậm Vũng Liêm thay tên chủ quận đã bị nghĩa binh hạ sát, ngoài ra còn có tên tham biện Alix Salicetti nổi tiếng nham hiểm đi cùng, nhưng lực lượng kháng chiến không nao núng, tạm thời rút lui, ẩn náu chờ thời cơ phản kích. Để tiêu diệt tên Salicetti, Lê Cẩn nghĩ ra kế trá hàng, dụ địch vào bẫy phục kích của nghĩa quân tại Cầu Vông. Ngày 15/2/1872, Salicetti dẫn đoàn tùy tùng đến Vũng Liêm gặp nghĩa quân. Khi đến Cầu Vông, Đốc binh Lê Cẩn vừa thấy Salicetti ngồi ngựa đến gần đầu cầu liền chống tầm vông nhảy vọt qua, ôm Salicetti vật ngã xuống đất. Vào lúc ấy, tiếng trống trận vang rền, Nguyễn Giao kéo nghĩa quân chặn đường rút lui của lính Pháp và giết trên 10 tên. Trong khi đó, Đốc binh Lê Cẩn và Salicetti ôm vật nhau rơi xuống sông và cùng chết dưới nước. Nguyễn Giao lấy thủ cấp Salicetti và cùng dân, quân chôn cất Đốc binh Lê Cẩn bên một mé rừng. Sau đó, tên tổng đốc Trần Bá Lộc đem theo quân bắt và giết hết dân trong ấp. Thây người lấp cả “Vũng Linh” (nay đọc trại ra là Vũng Liêm), nhà cửa nhân dân cũng bị đốt sạch. Nguyễn Giao tiếp tục kháng Pháp, nhưng đại sự không thành, ông bị giặc bắn thác tại sông Cổ Chiên và thây người chí sĩ trẻ tuổi bị trôi mất tích. Tuy hai anh hùng, chí sĩ đã hy sinh, nhưng tên tuổi của Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao vẫn sống mãi với sử sách, được các thế hệ hôm nay lưu nhớ. Nguồn: Du lịch Vĩnh Long
Vĩnh Long 1968 lượt xem
Khu di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát, thuộc ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Quan Tiền tướng quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn tên thật là Thạch Duồng (1763 – 1820), một người dân tộc Khơ-me, quê ở tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, Càng Long (Trà Vinh). Ông theo phò chúa Nguyễn, có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Cầu Kè và tạo được mối đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, ngăn chặn được sự xâm lấn của quân Xiêm La. Ông cùng các tướng sĩ tham gia hỗ trợ cùng Thoại Ngọc Hầu đào vét kênh Vĩnh Tế nên chúa Nguyễn cảm kích phong chức Điều bát và được mang Quốc thích là Nguyễn Văn Tồn. Khi ông mất được truy tặng là Tiền quân Thống chế Điều bát. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì Thống chế Nguyễn Văn Tồn bị nhiễm bệnh dịch trong lúc tham gia đốc thúc đào kinh Vĩnh Tế. Năm đó có dịch lớn, giết chết hàng ngàn dân phu và lan rộng ở nhiều tỉnh Nam Kỳ. Vợ chồng Thống chế Nguyễn Văn Tồn mất cùng một ngày sau Tết Canh Thìn 1820. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là sau khi vợ chồng Thống chế Điều bát mất thì dịch bệnh tự dưng chấm dứt. Bấy giờ người dân vùng Trà Ôn – Mân Thít cho rằng ông hiển linh phù hộ dân làng khỏi dịch bệnh nên kéo đến lăng mộ làm lễ cúng vái ông, mong được che chở và tín ngưỡng thờ ông Thống chế Điều bát xuất phát từ đó. Lăng Ông Trà Ôn thờ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, tồn tại đã 200 năm đã qua nhiều lần trùng tu, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Về kiến trúc, phần lăng có chính điện, võ ca và nhà khách, được xây cất theo lối đình Nam bộ với vật liệu bằng gỗ, lợp ngói, nền gạch, vách tường. Từ ngoài nhìn vào, cổng tam quan và hàng rào quanh lăng Ông Thống chế Điều bát được xây dựng năm 1963, phục dựng năm 1994. Hai bên cổng có cặp liễn đối. Sau khi đi qua cổng này, sẽ bắt gặp một cổng nữa, phía sau cổng này là một sân rộng, được tráng xi măng với nhiều cây xanh, hoa cảnh xung quanh sân. Bên trong khuôn viên có bức bình phong vẽ hình long hổ. Trước chánh điện là võ ca và cột cờ cao 10m treo cờ Soái. Võ ca xây dựng năm 1953 bằng vật liệu nặng, có 4 cột tròn. Các đầu mái võ ca trang trí hình đồng tiền bằng sành. Mái võ ca lợp ngói âm dương, bên trên có tượng lưỡng long tranh châu, cặp cá hóa long. Hai bên cửa võ ca đặt tượng hai kỳ lân oai dũng. Nổi bật là tấm hoành phi sơn son thếp vàng với bốn đại tự “Hộ quốc an dân”. Chính điện rộng khoảng 200m2, có tứ trụ nâng đỡ tạo thành mái hình bánh ít, xuyên câu. Mái lợp ngói âm dương. Đầu mái có hoa văn đồng tiền sành. Trên nóc có đôi rồng chầu nhật nguyệt. Có ba cửa vào chánh điện. Bên trên cửa chính có bảng khắc chữ nổi “Mỹ Thanh hội quán”. Hai bên cửa có cặp liễn đối. Bên trong bàn thờ giữa thờ tượng chân dung Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, bên phải thờ tượng phu nhân Thống chế Điều bát. Bên trái thờ Bình Tây phó tướng Nguyễn An. Phần mộ của Tiền quân Thống chế Điều bát và phu nhân tọa lạc phía sau lăng theo kiểu song táng được xây dựng năm 1820 có kết cấu bằng vôi và ô dước, mật ong, đường. Mộ Ông cao hơn mộ Bà. Trước mộ có tấm bình phong với hai câu đối. Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 22/01/2020. Nguồn: Du lịch Vĩnh Long
Vĩnh Long 1755 lượt xem
Chùa Phước Hậu tọa lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là ngôi cổ tự tổ đình Phật giáo dòng Lâm Tế, phái Chúc Thánh, đồng thời nổi tiếng với công trình vườn kinh bằng đá độc đáo, có một không hai ở Miền Tây. Khởi nguyên, chùa Phước Hậu chỉ là một chiếc am tranh. Năm 1894, mọi người trong làng cùng nhau xây dựng am tranh thành một ngôi chùa sườn gỗ, mái ngói âm dương, vách ván, nền gạch. Ngôi chùa này là một dạng chùa làng nên được đặt tên là chùa Đông Hậu. Năm 1910 đổi hiệu chùa Đông Hậu thành Phước Hậu, tăng ni tín đồ đến quy y thọ giới ngày thêm đông. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, chùa Phước Hậu còn là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng ngay trong lúc khó khăn nguy hiểm nhất. Nhiều tu sĩ tu học ở chùa, đã tuân lời dạy dỗ của các vị Hòa thượng nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, đã “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào”. Ðây là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20 cũng như lịch sử Cách mạng của tỉnh Vĩnh Long và khu Tây Nam Bộ thời chiến tranh. Sau nhiều lần trùng tu, xây mới, chùa Phước Hậu hiện nay gồm nhiều công trình như chánh điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp… Trừ chánh điện là công trình xây mới năm 1962 bằng vật liệu hiện đại theo mô hình kiến trúc kết hợp Đông – Tây, các công trình khác là các bộ phận của ngôi chùa cũ, có từ năm 1894. Chánh điện chùa Phước Hậu hình chữ “sơn”, nhìn xuống dòng sông. Mặt tiền chùa xây theo kiểu cổ lầu, giữa trang trí mô hình ngôi tháp bảy tầng cao chót vót. Nội điện khá rộng, bàn thờ giữa đặt tượng đức Phật Thích Ca dạng tọa thiền cùng với tượng Thái tử Tất Đạt Đa sơ sinh và bộ Tam tôn (Quan Âm, Di Đà, Thế Chí). Hai bên tả hữu ban có hai bàn thờ. Ở đây có nhóm tượng rất quý của ngôi chùa Đông Hậu xưa còn giữ được như tượng Tiêu Diện đại sĩ, Hộ Pháp, Địa Tạng, Chuẩn Đề và bộ tượng La Hán đều bằng gỗ hoặc bằng gốm Cây Mai. Chùa có vườn kinh đá rất độc đáo, là những bài kinh khắc trên đá rất công phu. Vườn kinh pháp cú gồm 213 phiến đá màu xanh kích thước 0,4×0,6m, khắc 423 bài kinh trên 2 mặt, ngoài ra còn có một bài thơ nói về đại ý của bộ kinh pháp cú, 1 bài nói về công hạnh của người tu, phật tử và một phiến đá khắc hình Hòa thượng Thích Minh Châu. Các phiến đá được sắp xếp bố cục mô phỏng lá bồ đề xòe ra theo tám hướng, tượng trưng Bát chánh đạo. Trung tâm vườn là ngọn núi có bốn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài ra còn có Vườn kinh A Di Đà và Vườn kinh Bắc Truyền trích diễm. Vườn kinh A Di Đà có 31 phiến đá được bố cục theo một dãy hồ nhỏ trồng sen hình chữ S, tượng trưng nước Việt. Mỗi miền Bắc, Trung, Nam có một phiến đá đặt giữa hồ ghi ngôi chùa biểu trưng, thêm những hòn giả sơn biểu tượng như núi Yên Tử, Thất Sơn… Các bài kinh ở vườn kinh này được dịch theo thể thơ lục bát. Chùa còn có một số phiến đá khắc thêm tiếng Anh cạnh tiếng Việt để khách du lịch nước ngoài hiểu được khi đến tham quan và nhiều phiến đá khắc chữ tâm, nhẫn, những lời răn dạy của đạo Phật rất độc đáo… Chùa Phước Hậu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 25/01/1994. Nguồn: Du lịch Vĩnh Long
Vĩnh Long 1653 lượt xem
Khu lưu niệm đồng chí Trần Đại Nghĩa tại ấp Phú Mỹ 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là công trình văn hóa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tri ân những đóng góp to lớn và để các thế hệ hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời, tinh thần vượt khó, ham học giỏi, làm việc sáng tạo của một nhà khoa học tài năng, một đại trí thức cống hiến trọn đời vì dân, vì nước, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa được khởi công xây dựng ngày 24-11-2013, khánh thành ngày 18-5-2015. Toàn bộ công trình có diện tích khoảng 16.000m2, được thiết kế theo lối không gian mở, thoáng mát, nhẹ nhàng, gần gũi, nhưng vẫn bảo đảm tính tôn nghiêm. Công trình gồm các hạng mục chính như: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, phòng hội thảo, chiếu phim, sinh hoạt truyền thống, quảng trường… Khu lưu niệm có gần 1.000 tài liệu, hiện vật về cuộc đời của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Để góp phần làm tăng thêm ý nghĩa, giá trị của khu lưu niệm, mới đây Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã bàn giao mô hình công binh xưởng và 132 sản phẩm quốc phòng, kinh tế để trưng bày. Điểm nhấn của khu lưu niệm có trung tâm tích hợp dữ liệu về khoa học và công nghệ, là một công trình hiện đại, được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư xây dựng. Trung tâm là nơi lưu giữ và quảng bá thông tin khoa học công nghệ, phục vụ khai thác sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo. Với tư chất thông minh, giàu nghị lực, từ nhỏ ông luôn quyết chí học tập, quyết chí vươn lên và đạt được kết quả xuất sắc ở những bậc học và sau đó sang Pháp du học. Sau 11 năm làm việc tại các nhà máy điện khí, sản xuất máy bay, viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không của Pháp, Đức, năm 1946, ông đã tình nguyện theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về phục vụ đất nước. Với kiến thức của mình, khi về nước, ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu các loại vũ khí mới; tổ chức xây dựng hàng trăm công binh xưởng trên khắp cả nước; thực hiện cuộc tổng di chuyển hàng chục vạn tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu lên chiến khu Việt Bắc; từng bước hoàn thiện về tổ chức, lực lượng, huấn luyện đào tạo, phát triển đội ngũ; nghiên cứu, chế tạo, cải hoán thành công nhiều loại vũ khí, trang bị phù hợp với chiến trường Việt Nam. Tại nhiều cuộc hội thảo về thân thế sự nghiệp của ông, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học nhận xét: Ông là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Thời điểm đó, những thành tựu nghiên cứu, chế tạo và cải tiến nhiều loại vũ khí của ông đã góp phần giảm khoảng cách về trình độ khoa học giữa ta và địch, giúp quân ta giành thế chủ động trên chiến trường, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng năm 2017 và được tái công nhận vào năm 2022. Nguồn: Báo quân đội nhân dân
Vĩnh Long 1622 lượt xem
Di tích Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang thuộc ấp Tân Thiềng, xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Vào khoảng đầu năm 1928, ông Trương Như Thị cùng các chức sắc đạo Cao Đài tạo lập nhà tịnh Kim Linh. Họ đạo ở đây theo hệ phái Tiên Thiên. Năm 1936, ông Trương Hoàng Ngự một chức sắc Cao Đài hiến 7 công đất để xây dựng thánh tịnh làm nơi thờ tự mới. Năm 1936, Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang đã được hoàn thành. Ngay từ năm 1931, bên cạnh các việc hành đạo, các chức sắc và các tín đồ Ngọc Sơn Quang có những hoạt động cách mạng. Năm 1936, thực dân Pháp niêm phong Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, nhiều chức sắc, tín đồ bị bắt bớ, lưu đày. Dù khó khăn như vậy nhưng Ngọc Sơn Quang vẫn hướng về cách mạng. Năm 1943, tổ chức Đảng phân công đồng chí Trần Văn Sen phá bỏ niêm phong thánh tịnh Ngọc Sơn Quang và các hoạt động ở thánh tịnh Ngọc Sơn Quang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn, các đoàn thể nơi đây hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, tháng 8/1945 các đoàn thể ở Ngọc Sơn Quang cùng nhân dân vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là điểm tựa vững chắc của cách mạng. Nhiều đơn vị bộ đội, cán bộ lãnh đạo của Vũng Liêm, Mang Thít bám trụ nơi đây chỉ đạo phong trào của địa phương. Năm 1954, chi bộ Đảng của Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang ra đời chỉ đạo các hoạt động cách mạng của thánh tịnh. Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, nhiều hoạt động cách mạng diễn ra có lúc âm thầm bí mật, có lúc diễn ra công khai trực diện với kẻ thù giành thắng lợi lớn trên nhiều mặt. Nổi bật là sự kiện Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang dựng đài Ngưỡng Thiên - tổ chức lễ cầu nguyện Hòa Bình, sự kiện này diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 11 năm 1970. Lễ hội đã chủ trương diễn đàn chống xâm lược Mỹ, khẳng định Việt Nam nhất định hòa bình độc lập. Sự kiện này gây tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài đã đến Ngọc Sơn Quang trực tiếp đưa tin ra toàn thế giới. Kẻ thù tìm mọi cách triệt phá buổi lễ, đàn áp tôn giáo. Đài Ngưỡng Thiên vẫn đứng vững trong sự đoàn kết bảo vệ của tín đồ, nhân dân. Sự kiện này làm cho kẻ thù run sợ. Năm 2007, Đài Ngưỡng Thiên đã được Nhà nước kết hợp với các tín đồ các họ đạo Cao Đài trong và ngoài tỉnh đầu tư kinh phí phục dựng lại công trình quy mô và hoành tráng hơn để ghi nhận lại sự kiện lịch sử mang tầm vóc thế giới và cũng để Nhân dân có nơi cầu nguyện cho hòa bình. Sự kiện thứ hai cũng tạo ra tiếng vang lớn diễn ra tháng 7 năm 1973. Tín đồ, chức sắc Ngọc Sơn Quang trực tiếp lên gặp quận trưởng Minh Đức, tỉnh trưởng Vĩnh Long, chỉ huy vùng bốn chiến thuật, Bộ nội vụ, Phủ thủ tướng, Tối cao pháp viện, Bộ chỉ huy cảnh sát quốc gia của ngụy, đấu tranh quyết liệt chống bắt lính. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của Ngọc Sơn Quang, địch phải nhượng bộ thả 181 tín đồ bị giam giữ, cam kết chấm dứt các hoạt động bố ráp, lùng sục Thánh tịnh. Ngày nay, cứ đến ngày 14 và 15 tháng 11 âm lịch hàng năm, tại Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang đều tổ chức kỷ niệm Lễ cầu nguyện hoà bình đầy trang trọng và thành kính. Ngoài ra, di tích Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang có các lễ hội chính: Lễ vía Đức Chí Tôn (Thượng Đế) ngày 9 tháng giêng âm lịch. Lễ Thượng Nguyên ngày 15 tháng giêng âm lịch. Lễ Trùng Ngũ, cúng Thần Nông ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Lễ Trung Nguyên ngày 15 tháng 7 âm lịch. Lễ Hạ Nguyên và lễ khai đạo ngày 15 tháng 10 âm lịch. Di tích Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, loại hình lịch sử cách mạng ngày 31/8/1998. Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Mang Thít
Vĩnh Long 1610 lượt xem
Đình Tân Hoa thuộc huyện Vĩnh Bình, Phủ Định Viễn, nay ở tại ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long. Đình Tân Hoa nằm bên bờ sông Tiền, hướng mặt ra vàm rạch Cái Đôi nên dân thường gọi là đình Cái Đôi. Đây là một công trình kiến trúc vừa mang tính nghệ thuật, vừa ghi dấu một thời lưu dân Việt đã đến đây khai hoang lập ấp. Năm 1998, đình Tân Hoa đã được công nhận là di tích "lịch sử-văn hóa" cấp quốc gia. Đình Tân Hoa được xây khoảng giữa thế kỷ 18. Ngày nay, chưa có tài liệu chứng minh niên đại xây dựng đầu tiên của ngôi đình, nhưng hiện nay, đình Tân Hoa còn lưu nhiều hiện vật như bài văn tế thần Thành Hoàng Đại Vương - dấu ấn tín ngưỡng có từ thế kỷ 18… Đặc biệt nhất, đình còn một biển hiệu cổ khắc ba chữ Tân Hoa Đình theo lối triện làm trong năm Mậu Ngọ (1798), kích thước to lớn, chứng tỏ lúc đó, quy mô đình Tân Hoa không nhỏ. Vào khoảng đời Thiệu Trị (1841 - 1847), tên làng Tân Hoa do trùng tên húy bà Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị) nên bị đổi thành Tân Hóa. Đến ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (08/01/1853), làng Tân Hóa cũng như bao làng khác ở trong vùng đều đồng loạt được sắc phong Bổn cảnh Thành Hoàng chi thần. Thế nhưng, văn bản quý giá này không tồn tại lâu dài. Năm 1862 quân viễn chinh Pháp đã nã súng thôn tính các tỉnh miền Đông Nam bộ và tỉnh Vĩnh Long thì sắc thần Tân Hoa đã bị thiêu hủy. Do đó, khi thực hiện Hiệp ước năm 1862, tỉnh Vĩnh Long được trả lại cho triều đình Huế thì chính quyền đương thời đã nhanh chóng báo cáo và Bộ Lễ đã cấp tốc tái cấp cho làng Tân Hoa một bản sao sắc thần này. Vào giai đoạn đầu của thời Pháp thuộc, làng Tân Hóa nhập với làng Tân Hội, Tân Nhơn, lấy tên mới là Tân Hòa. Do đó vào năm Canh Tuất (1910), đình Tân Hóa được trùng tu và lấy tên là “Tân Hoà linh miếu”. Đình Tân Hoà gồm có sáu nóc làm theo kiểu xếp đọi, mang dáng dấp chung đình làng Nam bộ nhưng cũng có những nét riêng. Chánh điện là một ngôi nhà tứ trụ, được nới rộng ra bốn phía bằng kèo đấm và tám kèo quyết. Còn các ngôi nhà khác như võ ca, võ quy, hậu điện… đều làm theo kiểu ba gian hai chái. Nền đình xây bằng đá chẻ, lần trùng tu sau này đã xây tường gạch bao quanh và cũng không giấu được dấu ấn mỹ thuật của thời gian này là các hoa văn Pháp trên đầu cột ngoài hàng hiên phía trước. Mái đình được lợp bằng ngói âm dương, nối liền nhau bằng hệ thống máng xối. Các bờ nóc, bờ mái được xây cao và gắn nhiều hình trang trí bằng sành như liễn long tranh châu, cá hóa long, phượng hàm thư, rồng khoanh, bát tiên, ông Mặt trời và bà Mặt trăng. Trong đình Tân Hoa còn giữ được hàng chục bộ bao lam, hàng chục hoành phi, câu đối, rất nhiều tự khí như lỗ bộ, lư, đỉnh, hương án, khánh thờ… Mỗi năm, tại đình Tân Hoa có các ngày lễ : - Lễ Thượng Điền vào ngày 11 và 12 tháng 9 âm lịch. - Đặc biệt, đình Tân Hoa còn giữ lệ vía Thần Thành Hoàng, tức ngày Kỳ yên (cũ) khi mới thành lập đình, trước khi được nhà Nguyễn chuẩn mực hóa. - Nhưng ngày lễ lớn nhất của ngôi đình này là ngày Hạ Điền – Kỳ yên, từ ngày 11 đến 13 tháng ba âm lịch hàng năm. Đình Tân Hoa là một công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử khá dài. Trải bao thăng trầm từ khi cha ông chúng ta bắt đầu khai hoang lập ấp, thành lập xóm làng, thế nhưng, mặc dù trong hoàn cảnh nào, cha ông chúng ta vẫn cố gắng bảo tồn di sản văn hóa. Do đó, đình Tân Hoa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa năm 1998. Nguồn: Sách Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Vĩnh Long
Vĩnh Long 1526 lượt xem
Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt còn được bà con Vĩnh Long quen gọi bằng cái tên thân thương là “Vườn nhà Ông Sáu Dân”. Khu lưu niệm tọa lạc tại ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tổng diện tích rộng 1,7 hecta bao gồm các hạng mục: Nhà trưng bày, nhà làm việc, khu thờ, sân vườn. Điểm nhấn của di tích là nhà tưởng niệm và nhà làm việc lúc sinh thời của Thủ tướng. Nhà trưng bày có nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện sống động quá trình hoạt động cách mạng của Thủ tướng. Nhưng ấn tượng nhất là bức ảnh chân dung của cố Thủ tướng với nụ cười rạng ngời ẩn trên nền là 15.000 bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng. Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Khi 16 tuổi, đồng chí đã giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào Thanh niên phản đế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, ở tuổi 18, đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm, lãnh đạo Nhân dân nổi dậy cướp chính quyền ở huyện lỵ Vũng Liêm. Tuy khởi nghĩa thất bại nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã bắt đầu bộc lộ tư chất của một tài năng lớn. Trên cương vị Tỉnh ủy viên lâm thời tỉnh Rạch Giá, đồng chí đã xây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện lực lượng quân sự, mở rộng và phát triển căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy kháng chiến của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, trên cương vị Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh miền Tây, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu. Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Võ Văn Kiệt được Đảng phân công bí mật ở lại miền Nam, hoạt động bên cạnh đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1970, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy T4, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công vang dội buộc Đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân đội ra khỏi miền Nam. Sau Hiệp định Paris, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu đưa ra những quyết định mang tính lịch sử, Đánh địch lấn chiếm, giữ đất giữ dân; Mùa Xuân năm 1975, trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, trên cương vị Ủy viên Đảng ủy đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy năm cánh quân thần tốc tiến vào thành phố, phối hợp với sự nổi dậy của Nhân dân, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy, đồng chí đã lãnh đạo đưa Thành phố dần đi vào ổn định. Sau này, trên các cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Đồng chí Võ Văn Kiệt với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết; là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một người cộng sản chân chính với trái tim nhân hậu mãi mãi ở trong lòng Nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Nguồn: Báo Vĩnh Long điện tử
Vĩnh Long 1521 lượt xem
Tiên Châu là một trong những ngôi chùa cổ ở Vĩnh Long, có lịch sử tồn tại khoảng 250 năm, tọa lạc trên một cù lao nhỏ được ôm ấp bởi hai nhánh của dòng Mêkông hùng vĩ là sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Chùa Tiên Châu có tên chính thức là Di Đà Tự hay chùa Tô Châu. Gọi là Di Đà Tự vì chùa thờ Phật Di Đà - Giáo chủ cõi Tây Phương cực lạc. Còn gọi chùa Tô Châu là vì làng Bình Lương (nay là ấp Bình Lương, nơi ngôi chùa tọa lạc) xưa kia có những cây liễu rủ bóng xuống dòng sông phẳng lặng, phong cảnh đẹp và thơ mộng, gợi nhớ đến đất Tô Châu - Trung Quốc. Chùa Tiên Châu do Hòa thượng Đức Hội lập nên vào khoảng thế kỷ 19, với kiến trúc cổ gồm 4 nóc là tiền đường, chính điện, trung đường và hậu tổ. Các gian được bố trí theo kiểu tứ trụ, nới rộng hai chiều ngang dọc nhờ các kèo đầm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương. Nội điện chùa được bố trí rất đẹp, giữa tứ trụ là khánh thờ một tượng phật Di Đà rất lớn. Đâu lưng với khánh thờ Phật Di Đà là Phật Di Lặc cũng lớn như tượng Phật Di Đà. Hai bên khánh thờ Phật Di Đà là nơi thờ các vị Tiêu Diện Vương Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thập Điện Minh Vương, Nam Tào Bắc Đẩu, Quan Thánh Đế Quân, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát Trung đường là nơi thờ các vị Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, Phật Thích Ca Mâu Ni, Tam Tạng, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị tổ sư tiền bối và thiện nam tích nữ đã quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên được treo rất nhiều tranh khuyến thiện với những câu đối mang đầy ý nghĩa thâm trầm của cõi Phật. Qua thời gian, chùa Tiên Châu đã nhiều lần xuống cấp và cũng ngần ấy lần được trùng tu, sửa chữa. Trận chiến Mậu Thân năm 1968 đã gây thiệt hại không nhỏ cho chùa Tiên Châu. Đạn pháo từ thị xã Vĩnh Long và các tàu chiến khiến chùa loang lổ vết đạn, mái ngói bị đổ sập nhiều nơi. Sau đó, Ban hộ trì Tam bảo kết hợp với Hội Phật giáo Việt Nam quyết định trùng tu lại ngôi chùa. Theo đó, mặt tiền chùa được xây bằng bê-tông, có 3 giàn cửa sắt. Năm 1994, chùa Tiên Châu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa. Không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long, chùa Tiên Châu còn nổi tiếng khắp vùng đồng bằng châu thổ sông Mêkông. Bên cạnh sự nổi tiếng về di tích, danh lam, kiến trúc… Tiên Châu Cổ Tự còn được biết đến bởi truyền thuyết Bãi Tiên. Theo truyền thuyết, làng Bình Lương ngày xưa phong cảnh hữu tình, khí hậu thuận lợi nên nhiều người đến đây tham gia khai hoang lập ấp. Họ rất lương thiện, cuộc sống cộng đồng rất hòa thuận nên nơi đây được gọi là làng Bình Lương. Người dân làng Bình Lương chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm. Vào một đêm trăng sáng, trai tráng trong làng chèo thuyền ra sông đánh bắt cá. Trên bãi cồn, trong một căn lều nhỏ dưới gốc bần, một cụ già nằm thao thức. Từng cơn gió mát mẻ và se lạnh nhẹ thổi, mang theo mùi hương thoang thoảng của hoa lá, hòa quyện cùng bản giao hưởng du dương trầm bổng của côn trùng thổn thức trong lòng đất. Cụ nhìn ra bãi cát trắng xóa lấp lánh dưới ánh trăng, chợt thấy những bóng trắng mờ ảo của bao nàng con gái đang thướt tha, uyển chuyển bay lượn, vui chơi trên bãi cát - Tiên giáng trần! Câu chuyện được truyền đi trong làng, sau đó lan xa trong thiên hạ. Từ đó, bãi cát trên khúc sông này được gọi là Bãi Tiên. Nguồn: Du lịch Vĩnh Long
Vĩnh Long 1433 lượt xem
Văn Thánh Miếu tọa lạc trên đường Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long với diện tích 10.322m2. Văn Thánh miếu là một công trình đề cao Nho giáo, là thiết chế văn hóa chính thống của nhà nước phong kiến. So với các Văn miếu khác ở Nam Bộ thì Văn miếu Vĩnh Long xây dựng muộn nhất và là công trình duy nhất còn tồn tại cho đến hôm nay. Cổng tam quan và hai cổng phụ được xây dựng theo lối cổ lầu, có 3 tầng mái. Trên đỉnh nóc có trang trí lưỡng long chầu nhật bằng gốm màu xanh, mái lợp ngói đại tiểu. Hai bên cột có liễn đối bằng chữ Hán đắp nổi bằng xi măng mang ý nghĩa đề cao đức Khổng Phu tử và Nho giáo. Từ cổng đi thẳng vào điện Đại Thành gọi là thần đạo. Hai bên thần đạo là hai hàng sao cao vút như hai tầng lính áp hầu. Trên thần đạo có 3 tấm bia đá Bia thứ nhất khắc nội dung do cụ Phan Thanh Giản viết trước khi tử tiết, bia được ông Trương Ngọc Lang lập năm 1872. Bia thứ hai được dựng vào năm 1917. Bia đá thứ ba dựng năm 1931, ghi lời bà Trương Thị Loan hiến đất và ký thác việc thờ cúng cha ruột và cha chồng tại Văn Xương Các. Phía trước Văn Xương Các có hai khẩu súng thần công. Súng thần công là hai trong số các khẩu súng ngày xưa được đặt theo dọc bờ sông Cổ Chiên để giữ thành Vĩnh Long. Đến năm 1937, hai khẩu súng này được đem về đây. Văn Xương Các là một công trình văn hóa đặc sắc được xây dựng theo kiểu trùng thiềm điệp ốc làm nên diện mạo riêng của Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Văn Xương Các còn có tên gọi là Thơ lầu, Tân đình, Tụy Văn lâu, gồm có hai tầng: tầng trên thờ 3 vị Văn Xương Đế Quân (vị thần trông coi việc văn học) là nơi cất sách; Tầng dưới là nơi nghỉ ngơi khi đến lễ cúng tế Đức Khổng Tử và là nơi bình văn, luận võ của các quan đại thần thời bấy giờ. Phía trước là khánh thờ Gia Định xử sĩ Sùng Đức Tiên sinh Võ Trường Toản và Khâm sai Kinh lược sứ Phan Thanh Giản. Khuôn viên Văn Thánh miếu rất rộng và nhiều cây xanh rợp bóng mát, có hai hồ nước trước đây trồng sen, bên trái là hồ Nguyệt anh, bên phải là hồ Nhật tinh. Nằm ở cuối “thần đạo” là Văn Miếu, phần chính là Điện Đại Thành thờ Đức Khổng Tử, phía trước là Tả vu và Hữu vu thờ thất thập nhị hiền. Nội thất điện Đại Thành có bày trí các gian thờ: gian chính giữa là bàn thờ Đức Khổng Tử, hai bên là bàn thờ thập nhị hiền triết. Phía trước là bàn thờ Nhà giáo Chu Văn An, hai bên tả ban và hữu ban là khám thờ Thập Nhị hiền triết đó là 12 học trò giỏi của Ngài. Trong Văn Miếu có rất nhiều hoành phi, câu đối do các nhà hảo tâm ở khắp nơi hiến cúng. Ngày 25 tháng 3 năm 1991, Văn Thánh miếu đã được Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Mỗi năm tại đây đều tổ chức lễ Tế Khổng Tử và các vị Thánh Hiền vào ngày Đinh đầu tháng Hai và ngày Đinh cuối tháng Tám. Tại Văn Xương Các có lễ giỗ Phan Thanh Giản (mùng 4, mùng 5 tháng 7 âm lịch), ngày giỗ các quan đại thần và chiến sĩ trận vong (ngày 12 và 13 tháng 10 âm lịch). Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Tỉnh Vĩnh Long
Vĩnh Long 1426 lượt xem
Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tọa lạc tại ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, có diện tích 3,2 ha. Đồng chí Phạm Hùng, sinh năm 1912 mất năm 1988; quê quán: xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long; Đồng chí từng giữ các chức vụ: Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1946), kiêm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (1947); Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1951); Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Liên khu ủy và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu miền Đông Nam Bộ (1952); Bộ trưởng Phủ Thủ tướng (1957); Phó Thủ tướng (1958); Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1967); Phó Thủ tướng (1976); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1980 - 1986); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987). Ủy viên Bộ Chính trị khóa 2, 3, 4, 5, 6; đại biểu Quốc hội khóa 2, 3, 4, 7, 8. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng thuộc lớp nhà lãnh đạo tiền bối có tầm nhìn sắc sảo, là tấm gương cao đẹp của người chiến sĩ Cộng sản chân chính. Dù trong lao tù đế quốc, chín năm kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Nam bộ, tham gia xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ở miền Bắc, về Trung ương Cục miền Nam trên cương vị Bí thư và Chính ủy Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã để lại dấu ấn sâu đậm, tạo tiền đề quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước từ sau Đại hội 4 của Đảng năm 1986. Những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng, đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Không những thế, đồng chí còn để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với các dân tộc và bạn bè thế giới trong việc xây dựng tình đoàn kết hữu nghị các nước. Đồng chí, được Nhà nước Liên Bang Xô Viết tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười, Huy chương vì sự nghiệp củng cố liên minh chiến đấu; Nhà nước Cộng hòa Cuba tặng thưởng Huân chương Chê Ghêvara hạng Nhất; Nhà nước Tiệp Khắc tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và Huy chương tình anh em chiến đấu; Nhà nước Bungari tặng Huân chương. Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được khởi công xây dựng ngày 02/10/2000, khánh thành ngày 11/6/2004. Ngày 06/6/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu lưu niệm đồng chí Phạm Hùng là Di tích Quốc gia. Nằm trong một tổng thể không gian cảnh quan thoáng mát, có nhiều cây xanh, Khu lưu niệm gồm hai khu vực: nhà từ đường và khu mộ của thân nhân gia đình họ Phạm; các công trình xây dựng trong Khu lưu niệm (nhà lễ tân; nhà tưởng niệm; nhà trưng bày; phục dựng các công trình: Banh 1, trại Phú Hải, nhà tù Côn Đảo; Nhà lá trung quân ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tại Tây Ninh; Nhà 72 Phan Đình Phùng, Hà Nội). Khu lưu niệm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là địa điểm lưu niệm danh nhân cách mạng. Đồng thời, là nơi sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nguồn: Ban quản lý Khu lưu niệm
Vĩnh Long 1415 lượt xem