Ứng dụng thuyết minh tự động khám phá 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Điểm du lịch

Bắc Ninh

Đền Cùng - Giếng Ngọc

Đến đền Cùng giếng Ngọc hòa mình vào không khí tâm linh của những câu chuyện truyền miệng, từ thế hệ này qua thế hệ khác, địa điểm này ở Bắc Ninh hiện nay đã trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn cho khách du lịch cả trong và ngoài nước. Đền Cùng - Giếng Ngọc nằm tại Viêm Xá (hay làng Diềm) thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, địa danh linh thiêng được coi là nơi hiển ứng thờ Mẫu Tam Phủ từ hàng ngàn năm trước. Từ thời Tiền Lý, Tiền Lê và thời kỳ Lý, quân triều đình đã tung ra đợt đánh đối phó với quân xâm lược dọc theo con sông Cầu, mỗi lần như vậy đều đến đây cầu đảo và nhận được sự che chở từ linh thánh của đền Cùng, đánh bại quân địch không ít lần. Sự nổi tiếng của đền Cùng lan tỏa khắp trong văn hóa dân gian từ xa xưa. Ngày nay, đây là điểm đến thu hút một lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan, cầu tình duyên, sự nghiệp thành công và hạnh phúc gia đình. Bước qua cổng tam quan của Đền Cùng, bạn sẽ ngay lập tức được chìm đắm trong một quần thể kiến trúc hài hòa và cổ kính. Khuôn viên ở đây rất rộng rãi rợp bóng cây cổ thụ tạo nên sự mát mẻ, yên bình và rất trong lành. Bạn có thể ghé thăm đền Cùng giếng Ngọc bất cứ lúc nào trong năm, đặc biệt là vào dịp đầu năm, mùng 1 hoặc rằm âm lịch. Lúc này, rất nhiều du khách từ khắp nơi đổ về đây để cầu tình duyên, công danh sự nghiệp, sức khỏe,... Khuôn viên ở đây rất thoáng đãng nhờ những bóng cây cổ thụ lâu năm, luôn xòe tán lá xanh biếc, mang lại cảm giác thư thái, trong lành cho du khách. Đền Cùng Bắc Ninh là chốn tâm linh linh thiêng, thờ Mẫu Tam Phủ từ ngàn xưa. Sự linh hiển của ngôi đền này đã nổi tiếng khắp dân gian từ thời Tiền Lý, Tiền Lê, thời Lý. Trước mỗi trận chiến, quan quân triều đình đều ghé chốn này cầu nguyện và được phù hộ để đánh bại quân xâm lược. Truyền thuyết kể rằng, vua Lý Thần Tông từng mắc bệnh lạ và hóa sói nhưng khi đến đền Cùng cầu đảo, nhà vua đã dần khỏi bệnh, tai qua nạn khỏi. Vào thời vua Bảo Thái đầu thế kỷ 17, đã xây dựng một đền trên cột đá với quy mô lớn, vẫn để lại dấu ấn cho tới ngày nay. Các triều đại kế tiếp sau này đều không quên thờ tụng Mẫu tại ngôi đền này. Lịch sử của đền Cùng - giếng Ngọc ở Bắc Ninh không biết chính xác từ bao giờ, nhưng dựa vào nhiều tài liệu cho rằng có thể nó đã tồn tại hơn 1.500 năm. Khi vượt qua cổng Tam quan, bạn sẽ được chìm đắm trong một không gian kiến trúc hài hòa và cổ kính. Khám phá từng ngóc ngách của đền Cùng là cơ hội để du khách hiểu sâu hơn về đời sống văn hóa và kiến trúc của thế hệ ông cha. Ngoài ra, không gian thơ mộng cùng bầu không khí trong lành, địa điểm này cũng là nơi lý tưởng để bạn đến để tĩnh tâm và xua tan đi mọi muộn phiền. Đền Cùng xưa kia từng sở hữu bộ sưu tập bia đá và thần phả đồ sộ, nhưng trải qua chiến tranh, nhiều hiện vật đã bị hư hại và thất lạc. Ngày nay, đền Cùng giếng Ngọc vẫn còn giữ được hai pho tượng bà chúa Giếng và một số hoành phi câu đối quý giá. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách thập phương, đền Cùng đã được xây dựng thêm nhà khách và nhà ghi bia công đức. Giếng Ngọc hình bán nguyệt với độ rộng 20m2, đi xuống là 11 bậc gạch, tiếp đến 4 bậc đá và cuối cùng là 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Nước giếng trong vắt lạ thường, có thể thấy tận đến lớp đá ong độc đáo ở đáy, đặc biệt nước giếng uống vào cảm giác mát, ngọt vì chảy ngầm từ trên núi và được thấm qua lớp đá ong. Du khách có thể uống trực tiếp nước giếng mà không cần lọc nhưng muốn đi xuống phải đi chân trần xuống và để giày, dép trên bờ. Người làng Diềm rất trân trọng nước trong giếng Ngọc và cũng thường hay lấy mang về dùng trong nhiều dịp quan trọng. Họ thường lấy nước giếng về để pha trà đãi khách, nấu rượu dùng trong các lễ nghi trọng đại của gia đình và dòng họ. Kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh, đối với du khách đến tham quan và cúng lễ đây không chỉ đơn thuần là nước uống giải khát, mà còn mang theo niềm tin về sức khỏe, sự minh mẫn. Đền Cùng và giếng Ngọc có truyền thuyết về ba ông thần cá cũng rất hút khách đến tham quan. Tất cả thần cá đều có kích thước lớn và nổi bật hơn hẳn so với cá thường, sống trong giếng từ rất lâu rồi. Kể cả những trận lũ lụt lịch sử khiến giếng Ngọc ngập sâu khiến nhiều con rùa và cá không thể sống nổi, nhưng ba ông thần cá vẫn không hề rời đi, tồn tại kiên cường. Sự kiện này được truyền miệng qua bao thế hệ, càng tô điểm thêm sự huyền bí và linh thiêng cho giếng Ngọc. Người dân địa phương tin rằng cá thần trong giếng Ngọc chính là hiện thân của hai công chúa nhà vua Lý Thánh Tông. Mùa thu, nước trong giếng thường rút xuống thấp nhất, đến đây lúc này bạn có thể dễ dàng chiêm ngưỡng ba cá thần bơi lội tung tăng trong giếng. Giếng Ngọc, thực chất là giếng nước được người xưa khai thác để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhờ mạch nước ngầm từ hai ngọn núi Kim Sơn và Kim Lĩnh, nước trong giếng Ngọc ở đền Cùng rất mát và trong. Người dân làng Diềm xưa đến nay đều truyền tai nhau rằng cũng nhờ uống nước trong giếng Ngọc mà sở hữu được chất giọng quan họ uyển chuyển, vang, rền, khiến lòng người say đắm. Đến với đền Cùng - Giếng Ngọc, để thư giãn, hiểu biết thêm về chốn tâm linh lâu đời mà còn có cơ hội được đến tận làng Diềm - được biết đến là cái nôi của quan họ Bắc Ninh. Dạo quanh làng ngắm cảnh, thưởng thức những làn điệu quan họ đằm thắm, ngọt ngào để thêm yêu mến văn hóa cũng như con người tại xứ Kinh Bắc.

Bắc Ninh

Từ tháng 01 đến tháng 03.

178 lượt xem

Nhà Thờ Chính Tòa Giáo Phận Bắc Ninh

Đến với Bắc Ninh người ta nghĩ ngay tới cái nôi văn hóa Lạc Việt, những làn điệu dân ca quan họ dịu ngọt… Vậy nhưng đừng quên tại đây còn có Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh – ngôi Thánh Đường 127 tuổi cổ kính với kiến trúc nghệ thuật có một không hai. Nhà thờ Chánh tòa Bắc Ninh tọa lạc tại đường Ngô Gia Tự, Ninh Xá, tỉnh Bắc Ninh. Vị trí nhà thờ đắc địa ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Ninh và chỉ cách thành cổ Bắc Ninh 300m. Năm 1889, Đức cha Antonio Lễ – Giám mục tiên khởi đã chọn mua mảnh đất tại đây và bắt đầu cho xây dựng nhà thờ cùng với Tòa Giám Mục. Sau 3 năm xây dựng, đến năm 1892 Nhà thờ Chánh tòa Bắc Ninh chính thức được khánh thành. Từ đó đến nay, đây là nơi tập trung sinh hoạt thường xuyên tín ngưỡng tôn giáo của giáo dân Bắc Ninh và các khu vực xung quanh. Trong những năm chiến tranh ác liệt, nhiều công trình lịch sử bị tàn phá nặng nề. Vậy nhưng trải qua hơn một trăm năm thăng trầm, nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh vẫn sừng sững vững vàng vượt qua bom đạn, rêu phong của năm tháng và trở thành biểu tượng cho giáo phận Kinh Bắc, là “di sản Đức Tin” lưu giữ những minh chứng lịch sử hùng hồn của dân tộc. Nhờ thế mà dù gặp biết bao khó khăn trong đời sống đức tin, nhưng niềm tin sắt son của giáo phận Bắc Ninh vẫn mãi kiên vững không lay. Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh được xây dựng theo lối kiến trúc Baroque độc đáo của Ý được hình thành vào thế kỉ XVI. Không gian nhà thờ được xây dựng theo cấu trúc hình chữ thập và tuân theo quy tắc đối xứng đặc trưng của kiến trúc nhà thờ thời kỳ Phục Hưng. Nhà thờ có chiều dài khoảng 45m, chiều ngang rộng 12m được tạo thành từ 12 cột chính hình chữ nhật cao hai tầng tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ, chia đều hai hàng mỗi bên sáu chiếc. Nhìn từ xa, bạn sẽ cực kì ấn tượng với ngoại hình bên ngoài của Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh. Điểm nhấn đầu tiên là mặt tiền nhà thờ với hai ngọn tháp cao 22m. Ngọn tháp này được tạo thành từ 4 khối hình hộp xếp chồng lên nhau và trên cùng là tháp chóp. Có ý kiến cho rằng hai ngọn tháp này tượng trưng cho liền anh và liền chị đang đứng nâng chiếc nón quai thao. Phía trong hai ngọn tháp có treo ba quả chuông bằng đồng được đúc từ khi xây dựng nhà thờ. Suốt hơn một thế kỉ qua, tiếng chuông nhà thờ Bắc Ninh cao vút quen thuộc vẫn vang lên đều đặn lan tỏa khắp các phố phường. Tiếng chuông ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng nói riêng và trên miền quê hương Quan họ nói chung. Phía mặt trước nhà thờ ta có thể dễ dàng nhận ra rất nhiều hình ảnh tượng trưng về Đức Mẹ. Trên cùng là biểu tượng của Mẫu Tâm với hình trái tim kết hợp cùng vương miện. Ngay bên dưới đó là hình ảnh triều thiên cùng bốn bông hoa tượng trưng cho Đức Mẹ Mân Côi. Hai bên cạnh chạm khắc hai huy hiệu Giám mục được cho là của Đức Cha An-tô-ni-ô Cô-lô-mơ Lễ Lễ và Ðức cha Mac-xi-mi-nô Van-lát-cô Khâm. Phía dưới là bốn bông hồng được khắc thêm trong dịp kỉ niệm nhà thờ tròn 100 tuổi, biểu tượng cho lòng sùng mến Đức Mẹ. Dưới sảnh đường nhà thờ bố trí ba cửa vào, một cửa lớn ở chính diện và hai cửa phụ nhỏ hai bên. Điều này khá tương đồng với cổng làng Tam quan ở các làng quê Việt Nam. Đi vào bên trong nhà thờ, có lẽ bạn sẽ còn ấn tượng hơn nữa với không gian nơi đây. Một không gian rộng lớn, thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng lung linh mỗi buổi sớm khi nắng mai chiếu xuống. Gian cung thánh chính là trung tâm nhà thờ với thiết kế vô cùng độc đáo và tinh tế với hàng ngàn mảnh gỗ Hương đỏ xếp xen kẽ nhau. Mái trần nhà thờ được xây bằng gỗ dồi theo kiểu đan mắt cáo. Hai bên là các bức tranh kính khắc họa chân dung 4 vị Thánh sử và diễn tả 20 mầu nhiệm kinh Mân côi. Điểm nhấn của gian cung thánh chính là cây Thánh giá được làm bằng gỗ hương đỏ lớn cùng tượng “Chịu nạn” được trạm trổ bằng gỗ Pơmu nguyên khối. Bên trên gác đàn có 12 bức phù điêu vẽ 12 nhà thờ giáo xứ đầu tiên được thiết lập khi giáo phận mới được khai sinh vào năm 1883. Phía cuối nhà thờ là Chính toà - nơi đặt ngai Giám mục thể hiện cho sự hiện diện diện và cai quản của Đấng Bản Quyền giáo phận. Bàn Thánh, Ghế và bục đều được làm từ gỗ Hương đỏ chạm khắc tinh tế tượng trưng cho sự giao hoà đất trời và sự trường tồn vĩnh cửu của Đạo Chúa. Bên trái gian cung thánh là bức tượng Nữ Vương Thánh Mân Côi cổ nhất Giáo phận. Theo tài liệu ghi chép lại, bức tượng này được các Cha Dòng Đa Minh Tây Ban Nha tặng nhà thờ nhân dịp khánh thành năm 1892. Dáng vẻ mềm mại, dịu dàng làm cho bức tượng thêm sống động và mang đậm hơi thở của đời sống Đức Tin. Đối diện sang phía bên phải gian cung thánh là tượng Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, trong tay cầm cành thiên tuế. Thời vua Minh Mạng ngài đã can trường giữ vững Đức tin qua việc khẳng định “Thiên Chúa là thượng phụ” và chịu phúc tử đạo vào ngày mồng 5 tháng 9 năm 1838 tại pháp trường Cổ Mễ. Đến ngày 27 - 5 - 1900, Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước của Giáo Hội. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn Ngài lên bậc Hiển Thánh. Du khách có thể lựa chọn nhiều thời gian khác nhau, tùy theo mục đích và sở thích khi đến thăm Nhà thờ Bắc Ninh. Nhìn chung, du khách muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc và nghệ thuật của nhà thờ thì có thể đến vào bất kỳ ngày nào trong năm. Nếu bạn đến thăm Nhà thờ Bắc Ninh để cầu nguyện và hành hương thì có thể chọn các ngày lễ lớn của Giáo hội Công giáo, như Giáng sinh, Phục sinh, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu,... Những ngày này, nhà thờ chính tòa Bắc Ninh sẽ tổ chức nhiều Thánh lễ và hoạt động tôn giáo cho giáo dân và du khách. Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh đã trải qua một lần trung tu vào năm 1990 nhưng nơi đây vẫn còn nguyên vẹn nét kiến trúc cổ kính vốn có. Ngày nay, nơi đây điểm sinh hoạt tôn giáo thường xuyên của các giáo dân. Vào mỗi chủ nhật hàng tuần, mọi người đều cùng tới nhà thờ và cầu nguyện. Ngày nay, nơi đây trở thành một điểm đến của rất nhiều giáo dân trong khu vực cũng như khách du lịch và các bạn trẻ tới tham quan khám phá.

Bắc Ninh

Từ tháng 01 đến tháng 12.

189 lượt xem

Làng nghề đúc đồng Đại Bái

Làng nghề đúc đồng Đại Bái một cái tên khá quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Đây là một địa chỉ nổi tiếng với hàng trăm năm làm nghề gò đồng thủ công. Sau một thời gian dài xây dựng và phát triển hiện nay đúc đồng chính là công việc chính của người dân làng này. Về lịch sử hình thành thì theo những dữ liệu ghi chép lại ở khu di tích người ta biết được rằng nghề đúc đồng đã có từ xa xưa nhưng phải đến khoảng đầu thế kỉ thứ 11 thì nó mới được phát triển rộng rãi nhờ công của ông Nguyễn Công Truyền. Sau này ông đã truyền dạy cho những người trong làng và nhờ đó đúc đồng đã trở thành nghề chính của người dân nơi đây. Một thời gian dài phát triển với rất nhiều mẫu mã đẹp, đa dạng nghề gò đồng đã biến làng Đại Bái trở thành làng nghề với tên gọi là làng nghề đúc đồng Đại Bái. Và Nguyễn Công Truyền đã được tôn vinh trở thành tiền tiên sư của nghề này. Với làng Đại Bái hiện nay chia làm 4 xóm chính và mỗi xóm sẽ chuyên sản xuất một loại đồ đồng riêng. Chẳng hạn như xóm Sông thì chuyên làm đồ thờ, xóm Tây chuyên làm chiêng, cồng, mâm, xóm Giữa thì chuyên làm xiêu, niêu còn xóm Ngoài thì chuyên làm nồi,…. Ở thời điểm hiện tại trên địa bàn làng đang có trên 70 doanh nghiệp, gần 700 hộ chuyên làm nghề với tổng số lao động lên tới hơn 1.700 người. Khi đến với làng nghề đồng Đại Bái mọi người không chỉ được xem các sản phẩm được làm từ đồng, xem quy trình sản xuất ra chúng mà còn được khám phá những khu di tích văn hóa lịch sử về làng như: chùa Diên Phúc, đình Văn Lãng, khu lăng của ông tổ nghề đồng Nguyễn Công Truyền, lễ hội truyền thống của làng Đại Bái,…..Vậy nên nếu như có thời gian hãy dành ra một chút để có thể tham quan và khám phá hết những nét văn hóa hay, độc đáo của người dân làng nghề nơi đây nhé. Để tham quan làng nghề đúc đồng Đại Bái mọi người có thể đến vào bất cứ lúc nào. Bởi làng nghề hoạt động quanh năm cho nên du khách đến vào thời gian nào cũng đều có thể tham quan và tìm hiểu về văn hóa của làng. Tuy nhiên nếu như bạn muốn trải nghiệm thử mùa lễ hội tại đây thì có thể đến vào khoảng đầu tháng tư âm lịch. Bởi hàng năm vào ngày 10/4 người dân nơi đây sẽ tổ chức lễ hội truyền thống của làng hay còn gọi là lễ hội truyền thống làng Đại Bái. Vậy nên nếu có thể hãy lựa chọn khoảng thời gian này để thấy được nhiều nét văn hóa của người dân nơi đây nhé. Đến với làng nghề đúc đồng Đại Bái khách du lịch sẽ không phải mất tiền vé vào. Bởi đây là một làng nghề thủ công nó rất rộng rãi mọi người có thể thoải mái tham quan và tìm hiểu những nét đặc trưng nơi đây. Người dân ở làng cũng rất thân thiện, mến khách họ sẵn sàng giới thiệu cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, quy trình mà mình làm ra những sản phẩm từ đồng. Đến tham quan làng nghề đúc đồng Đại Bái chiêm ngưỡng rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ đồng. Ngoài việc chế tác thủ công truyền thống, việc tiếp cận các công nghệ chế tác hiện đại giúp làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, năng suất cao được thị trường ưa chuộng. Nếu trước kia làng Đại Bái chỉ sản xuất đồ thờ cúng thì nay đã chuyển sang các loại tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà, các bộ đồ thờ, tranh chạm khảm, hoành phi, câu đối… đòi hỏi kỹ thuật cao, xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Á, Đông Nam Á. Các sản phẩm luôn có giá thành tốt và độ bền cao, lưu giữ được giá trị nghệ thuật. Và không dừng lại ở việc trau chuốt, trơn nhẵn, mà người ta còn khảm, cẩn các chi tiết hoa văn cầu kỳ lên bề mặt sản phẩm cho thêm phần sinh động. Với nội lực từ chính đôi bàn tay khéo léo, sự cần cù, sáng tạo của những người thợ đúc đồng đã và đang góp phần tạo dựng cho nghề truyền thống của quê hương Đại Bái ngày càng khởi sắc, vươn xa. Có thể thấy rằng làng nghề đúc đồng Đại Bái là một làng nghề vô cùng lâu năm và nổi tiếng. Đây là một minh chứng cho lịch sử phát triển của nghề đồng và cũng là nơi chứa đựng một nền văn hóa cực kỳ sâu sắc của con người Việt Nam. Với sự nỗ lực và cố gắng không ngừng giờ đây Đại Bái đã vô cùng phát triển trở thành một điểm đến du lịch thu hút đông đảo khách tham quan.

Bắc Ninh

Từ tháng 01 đến tháng 12.

194 lượt xem

Thành cổ Luy Lâu

Thành cổ Luy Lâu có kiến trúc cổ kính, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và lưu giữ nhiều cổ vật quý giá. Không gian cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, bạn có thể đến đây để thư giãn cũng như tìm hiểu về lịch sử và văn hóa đặc sắc. Thành Luy Lâu ở Bắc Ninh còn có các tên gọi khác như: Lũng Khê, Siêu Loại,... Toà thành cổ này có niên đại khoảng 2000 năm hiện nay nằm ở xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh. Được đánh giá một trong những tòa thành cổ nhất của Việt Nam chỉ đứng sau thành Cổ Loa ở Đông Anh, Hà Nội. Vào thế kỷ thứ 2, Luy Lâu cũng được ví như kinh đô thứ 2 của nước ta, đồng thời cũng là trung tâm giáo dục, văn hoá quan trọng. Từ Hà Nội đến Thành Luy Lâu chỉ khoảng 30km, sau khi được hình thành nơi đây đã phát triển thịnh vượng không ngừng trong nhiều thế kỷ. Luy Lâu lúc bấy giờ gắn liền với tên tên tuổi của Sĩ Nhiếp, Ngài đã có công đưa Nho Giáo vào nước ta tại nơi mình cai trị là xứ Giao Châu, không những thế còn cho thực hiện nhiều chính sách nhằm phát triển và được nhiều người biết đến hơn. Theo lịch sử ghi lại thì Luy Lâu là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất và lớn hàng đầu đối với người Việt ta. Với con đường truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ đến các nước, địa danh này cũng là dấu mốc quan trọng. Do đó, khu thành cổ Luy Lâu mang rất nhiều dấu ấn lịch sử, một điểm tham quan nổi tiếng tại Bắc Ninh mà nếu có dịp bạn nhớ ghé đến tham quan. Khám phá khu thành cổ này trở thành một trong những hành trình thú vị hút khách quanh năm tại vùng đất quan họ, nên bạn cũng có thể đến tham quan bất cứ thời điểm nào. Nếu muốn tham gia thêm nhiều hoạt động trải nghiệm văn hoá hơn thì hãy đến vào khoảng đầu năm từ tháng 1 - tháng 3. Sẽ có nhiều lễ hội lớn diễn ra như: hội Đình Bảng, hội Lim,... với nhiều hoạt động đặc sắc. Mùa hè, khoảng thời gian từ tháng 4 - tháng 5 thời tiết chưa quá nóng, khá khô ráo cho chuyến đi khám phá thành Luy Lâu Bắc Ninh. Ngoài tham quan, chụp ảnh ở thành cổ, bạn đừng quên ghé check in cánh đồng hoa cải nở vàng vào dịp cuối năm nhé. Nhìn chung mỗi thời điểm đều sẽ mang lại những cảm nhận và nét đẹp riêng cuốn hút níu chân bạn khó lòng rời xa. Với sự kết hợp của kiến trúc đẹp và lịch sử phong phú, cảnh quan ở thành cổ Luy Lâu thực sự tạo được sức cuốn hút lớn. Ngôi thành cổ này thời xưa được làm hoàn toàn bằng đất, do sự biến thiên của thời gian mà giờ đây đã bị sàn bằng gần hết. Hiện nay chỉ còn một đoạn thành dài nằm ven sông Dâu nhưng vẫn gợi nhắc về cả một quá khứ huy hoàng, cuộc sống tấp nập bên trong thành thời xưa. Ngoài cảnh quan thiên nhiên trầm lặng, cổ kính đi sâu vào bên trong thành bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều cổ vật quý hiếm. Nổi bật nhất là tấm bia cổ cách trung tâm chỉ vài trăm mét đặt cạnh đền thờ con trai của Sĩ Nhiếp - Sĩ Huy ở làng Thanh Hoài. Tấm bia có nên đại từ năm 314 đến năm 450, được đánh giá là xuất hiện sớm nhất ở nước ta thời bấy giờ. Cầu đá Lũng Khê là cây cầu đá cổ bắc ngang qua một ao nước lớn, đi qua đây bạn mới vào được đền thờ Sĩ Nhiếp. Đó cũng là một trong những địa điểm du lịch Bắc Ninh kết hợp check in “sống ảo” được nhiều bạn trẻ tìm đến. 20 tấm đá to được dùng để lát lên bề mặt của cầu, ngồi trên đó chụp ảnh sẽ có cảm giác an yên và rất thư thái. Ngoài ra khi đến thành cổ Luy Lâu du khách có thể ghé thăm các điểm du lịch tâm linh gần đó như Đền thờ Sĩ Nhiếp, khám phá chùa Bình Văn, chùa Phi Tướng, chùa Dâu. Đến xứ quan họ Bắc Ninh ngoài những cảnh đẹp hay lễ hội, văn hoá truyền thống thì ẩm thực cũng mang nét đặc sắc riêng. Trên đường ghé thăm vùng đất Luy Lâu, bạn nhớ dành thời gian thưởng thức các món ăn nổi tiếng ở nơi đây như: nem Bùi Ninh Xá, gà Hồ, bánh tro Đình Tổ... Khu thành cổ Luy Lâu tuy hiện nay chỉ còn một vài dấu tích nhỏ gợi nhắc về một vùng đất quy mô thời xưa. Tuy nhiên, đến đây tham quan và tìm hiểu bạn sẽ có thêm nhiều trải nghiệm văn hoá thú vị, không chỉ xung quanh vùng đất Luy Lâu mà còn cả địa điểm nổi tiếng khác tại Bắc Ninh.

Bắc Ninh

Từ tháng 01 đến tháng 03.

220 lượt xem

Làng gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, tọa lạc tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng gốm nằm cạnh bên con sông Lục Đầu, rất thuận tiện cho việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Làm gốm được xem là hoạt động kinh tế chính của người dân nơi đây. Khi đến thăm làng gốm Phù Lãng bạn sẽ bắt gặp rất nhiều sản phẩm gốm và củi khô được phơi dọc theo hai bên đường. Các sản phẩm của làng gốm Phù Lãng sản xuất cũng vô cùng phong phú về mẫu mã, kiểu dáng và màu sắc. Nhìn chung sẽ bao gồm ba nhóm sản phẩm chính đó là: đồ gia dụng, đồ dùng trong thờ cúng và đồ trang trí. Việc làm gốm yêu cầu người nghệ nhân phải thực sự tỉ mỉ và khéo léo qua nhiều công đoạn khác nhau. Từ việc chọn và xử lý đất, tạo hình, tráng men, nung gốm đều đòi hỏi trình độ tay nghề nhất định. Đến thăm làng gốm Phù Lãng và tận mắt chứng kiến thì bạn mới có thể cảm nhận hết sự tài hoa của những nghệ nhân làm gốm Du khách có thể đến khám phá làng gốm Phù Lãng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Làng nghề luôn mở cửa chào đón du khách thập phương với nhiều hoạt động hấp dẫn. Nếu như bạn có đam mê sưu tầm đồ gốm thì hãy đến làng gốm Phù Lãng vào tháng chạp. Thời điểm cuối năm là giai đoạn mà làng gốm nâng cao năng suất hoạt động, cho ra nhiều mẫu mã mới, đẹp mắt để phục vụ cho nhu cầu vui xuân đón Tết. Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng có rất nhiều lễ hội hấp dẫn như hội Lim, lễ hội Đình Bảng, lễ hội Chùa Dâu, lễ hội đền Bà Chúa Kho, lễ hội chùa Phật Tích… Bạn có thể đến làng gốm Phù Lãng vào những tháng có lễ hội để vừa có thể khám phá làng nghề, vừa có thể trải nghiệm không khí lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Làng gốm Phù Lãng mang trong mình vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc của làng quê Bắc bộ. Những ngôi nhà với mái ngói nhấp nhô, các lò nung gốm, các đống củi khô được chất cao qua đầu chạy dài tăm tắp. Những chum, vại, bình gốm, chậu cảnh… xếp tầng chờ được hoàn thiện. Check in tại làng gốm Phù Lãng hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những bộ ảnh đẹp để đời. Các sản phẩm của làng gốm Phù Lãng có một nét đẹp riêng, vô cùng tinh xảo và đầy tính nghệ thuật. Điểm đặc trưng là nên sự khác biệt cho gốm Phù Lãng đó là lớp men phủ có hoa văn màu da lươn, kết hợp với phương pháp đắp nổi theo kiểu chạm kẹp. Điều này giúp cho các sản phẩm gốm bền, đẹp nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ của đất và lửa. Đến làng nghề bạn sẽ thỏa sức ngắm nhìn những tác phẩm gốm vô cùng đẹp mắt của các nghệ nhân Phù Lãng. Không chỉ dừng lại ở việc tham quan hay mua sản phẩm về làm kỷ niệm, khi đến làng gốm Phù Lãng bạn còn có thể hóa thân thành các nghệ nhân. Việc làm nên một sản phẩm gốm đẹp ngay lần đầu tiên là không hề dễ dàng. Tuy nhiên đây sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị khi có được sản phẩm do chính tay mình làm ra. Bạn sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn các bước cơ bản và thỏa sức sáng tạo, biết đâu bạn cũng là một bậc thầy làm gốm đấy.

Bắc Ninh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1891 lượt xem

Làng Tranh Đông Hồ

Làng tranh Đông Hồ ở đâu hay làng tranh Đông Hồ thuộc tỉnh nào là câu hỏi được nhiều du khách quan tâm khi tìm hiểu về địa điểm du lịch nổi tiếng này. Làng tranh dân gian này nằm bên bờ sông Đuống, thuộc địa phận xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 16km. Do cách Hà Nội không xa, khoảng 35km nên địa điểm này còn được gọi là làng tranh Đông Hồ Hà Nội. Ghé thăm nơi đây, khách du lịch sẽ được các nghệ nhân giới thiệu về lịch sử làng tranh Đông Hồ. Bắt đầu từ thế kỷ 17 ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đến nay, nghề làm tranh tại đây đã có tuổi đời hơn 400 năm. Theo ghi chép của lịch sử, khoảng năm 1945, làng Đông Hồ có 17 dòng họ, tất cả các dòng họ này đều làm tranh. Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện làng Đông Hồ còn 2 gia đình theo nghề làm tranh là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam. Tranh làng Hồ được yêu thích bởi thể hiện những đề tài quen thuộc, gắn liền với hình ảnh làng quê, cuộc sống bình dị hằng ngày của người Việt. Người làng Hồ biết cách chắt lọc, áp dụng các chất liệu từ thiên nhiên để tạo nên màu sắc truyền thống, vừa tươi, vừa có độ bền cao: màu chàm từ cây lá Chàm, c, màu đỏ thắm từ vỏ cây Van, màu đen từ tro cây lá Tre hoặc tro Voan,... Những bức tranh đặc sắc được in trên giấy Dó. Đây là loại giấy được gia công thủ công từ cây Dó mọc trên rừng. Nền giấy thường được quét một lớp nhựa thông hoặc lớp hồ pha ít bột từ vỏ sò Điệp để tạo màu sáng lấp lánh. Vì vậy, giấy Dó còn được gọi là giấy Điệp. Để làm nên những bức tranh sinh động, người thợ cần có ván in. Ván khắc in tranh gồm 2 loại: ván in màu và ván in nét. Ván in nét thường được làm từ gỗ thừng mực hoặc gỗ thị. Dụng cụ khắc ván in là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve được làm từ thép cứng. Ván in màu làm từ gỗ mỡ vì có khả năng giữ màu cao hơn. Quy trình làm tranh dân gian Đông Hồ gồm các bước như sau: Bước 1 - Chuẩn bị giấy Dó: Sau khi hái từ rừng về, người thợ sẽ giã nhỏ, rây thành bột mịn và chế biến thành giấy Dó. Bước 2 - In tranh: Người thợ in màu lên tranh để tạo hình thù. Thông thường, một bức tranh cần có 5 bản khắc, in trong 5 lần. Bước 3 - Phơi tranh: Sau khi in xong, tranh cần phơi khô để không bị lem và bền màu. Làng tranh Đông Hồ là một trong những địa điểm du lịch gần Hà Nội nổi tiếng. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, góp phần làm chuyến du lịch làng tranh Đông Hồ thêm hấp dẫn và đáng nhớ.

Bắc Ninh

Từ tháng 1 đến tháng 12

2124 lượt xem

Đền Bà chúa Kho

Bà Chúa Kho sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh. Sau khi lấy vua Lý, Bà đã xin vua cho về lại làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng đất hoang hóa. Nhân đó nhà vua giao cho Bà trông coi kho quân lương thực tại Núi Kho (Bắc Ninh). Năm Đinh Tỵ 1077, Bà bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng. Để tưởng nhớ công ơn của bà đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no, khai khẩn đất hoang, nhân dân đã lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho, đền thờ bà được sắc phong là “Chủ khổ linh từ” (Đền thiêng thờ Bà Chúa Kho). Đầu thế kỷ XX, người Pháp xây dựng nhà máy giấy Đông Dương với quy mô lớn bao trùm gần như toàn bộ núi Kho và có ý định phá bỏ ngôi đền nhưng đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương. Năm 1967, giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, TP Bắc Ninh là một trong những trọng điểm bị dội bom tàn phá ở nhiều nơi nhưng đền vẫn còn giữ được nguyên vẹn cho đến ngày nay. Năm 1989, đền Bà Chúa Kho được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được tỉnh Bắc Ninh trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô lớn như hiện nay. Đền Bà Chúa Kho tọa lạc trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đền Bà Chúa Kho ngày nay mang kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu chữ Nhị, gồm 3 gian tiền tế và 3 gian hậu cung nhìn về hướng nam. Các công trình kiến trúc chính của đền có cổng tam quan, sân đền, hai dải vũ, tiền tế, công đệ nhị và hậu cung. Tất cả tạo nên một quần thể thống nhất, trang nghiêm. Sau hậu cung đền Bà Chúa Kho vẫn còn một đường hầm có kết cấu hình mái vòm nằm lùi sâu trong chân núi, đào xuyên qua lòng núi Kho sang phía sông Cầu. Tương truyền đường hầm này do Bà Chúa Kho xây dựng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống. Hiện nay, đền còn lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị lịch sử cao, đó là 2 đạo sắc phong niên hiệu Khải Định, tượng đồng, trâm bạc, lục bình sứ cổ,… Hàng năm, vào ngày 14 tháng Giêng, Đền Bà Chúa Kho chính thức khai hội. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu xuân năm mới kéo dài hết cả tháng Giêng, rất đông người đổ về đền Bà Chúa Kho dự lễ. Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành một thói quan hàng năm với nhiều người. Người cầu an, cầu lộc cho gia đình nhưng phần lớn là giới kinh doanh đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho, mong cho một năm vốn liếng dồi dào, làm ăn thuận lợi. Bởi người ta quan niệm rằng Bà Chúa Kho là người cai quản kho lương, là người ban phát “nguồn sống” cho mọi người. Nghi thức “vay – trả” cũng rất rõ ràng, người ta ghi trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và bao lâu sẽ trả. Thậm chí có người còn hứa là vay 1 trả 3, trả 10,… Với quan niệm “đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, nên dù có làm ăn tốt hay không, người ta vẫn giữ đúng lời hứa, cuối năm tạ lễ ở đền Bà Chúa Kho, mang trả số “vốn” để cảm ơn Bà đã phù hộ trong suốt một năm. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội du khách sẽ được hòa mình trong không khí trang nghiêm của các nghi lễ tế truyền thống cùng các trò chơi dân gian truyền thống náo nhiệt như chọi gà, kéo co,… thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách.

Bắc Ninh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1867 lượt xem

Chùa Bút Tháp

Bắc Ninh là nơi nổi tiếng với những ngôi chùa linh thiêng lâu đời. Một trong số đó chắc chắn không thể không nhắc tới Chùa Bút Tháp. Chùa có kiến trúc vô cùng độc đáo sẽ là điểm đến lý tưởng nếu du khách muốn tìm về một chốn dung dị. Chùa nằm ngay khu vực ven sông Đuống, quanh chùa có dòng sông uốn lượn quanh co là khung cảnh vô cùng nên thơ. Chùa còn có tên khác là Ninh Phúc tự, thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được vẻ đẹp sơ khai lúc ban đầu. Chùa Bút Tháp là một ngôi chùa cổ với nét kiến trúc vô cùng độc đáo tại Bắc Ninh. Ninh Phúc tự được cho xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17 thời Hậu Lê. Kiến trúc xây dựng của chùa theo kiểu “Nội công ngoại quốc”.Tuy đã trải qua hàng trăm năm lịch sử nhưng chùa vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính. Đây cũng là một trong những di tích lịch sử Quốc Gia mà du khách nên ghé tới. Đặc biệt bạn sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội tham gia lễ hội chùa Bút Tháp. Kiến trúc xây dựng chính của chùa quay về hướng Nam. Theo đạo phật đây là hướng thể hiện trí tuệ. Chùa được xây dựng theo bày trí cân xứng chặt chẽ. Khu trung tâm của tháp được xây dựng bao gồm 8 nếp nhà chạy song hành với một trục dọc theo mô hình đường thần đạo. Khu vực ngoài cùng tháp bút là Tam Quan, rồi đến Gác Chuông và các tòa thờ khác. Bên trái của chùa là nơi thờ tự Chiết Tuyết và tháp đá Báo Nghiêm bao gồm 8 mặt và 5 tầng cao đến 13m. Dọc hai bên tòa Tiền Đường là hai nhà bia và hai dãy hành lang được xây dưng chạy dọc theo chiều dài của ngôi chùa. Nếu có cơ hội được đến tham dự lễ hội chùa Bút Tháp, du khách nên dành thời gian tham quan một số địa điểm được đề xuất. Đảm bảo bạn sẽ có một chuyến du lịch tâm linh trọn vẹn. Đầu tiên là Tượng phật Quan Âm. Tượng phật là 1 trong 4 bảo vật quốc gia được Nhà nước công nhận được đặt tại chùa. Ngoài tượng Phật Quan Âm, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng: Bộ Tượng Phật Tam Thế, cùng Hương Án và tòa Cửu Phẩm Liên Hoa.Một trong những địa điểm được nhiều du khách đặc biệt quan tâm trong Chùa Bút Tháp đó chính là tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt. Pho tượng này đã có tuổi đời rất lâu năm được xác nhận điêu khắc vào năm 1656. Tượng có bề ngang là 2.1m và chiều cao 3.7m, độ dày là 1.15m. Được gọi là tượng phật nghìn tay nghìn mắt bởi tượng Quan Âm có tất cả là 11 đầu với 952 cánh tay ngắn và 42 cánh tay dài. Đây thật sự là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất mang đậm ý nghĩa Phật Giáo. Thứ hai là Tháp Báo Nghiêm, Một địa điểm mà du khách nhất định phải ghé đến khi thăm Chùa Bút Tháp đó là tháp Báo Nghiêm. Tháp được đặt nằm ngay bên trong khuôn viên của chùa. Đây chính là nơi thờ tự Hòa thượng Chuyết Chuyết. Tháp Báo Nghiêm được tiến hành xây dựng từ năm 1647 thời vua Lê Chân Tông. Đây cũng là công trình được công nhận có tuổi đời lâu năm. Cửa chính của tháp cũng được xây dựng quay về hướng Nam với dòng chữ “Báo Nghiêm Tháp” ngay tại thân của công trình. Tháp có kiến trúc tương đối độc đáo xây dựng nhỏ dần từ thấp đến cao. Nhìn từ trên cao trông tháp Báo Nghiêm như một chiếc bút khổng lồ giữa bầu trời xanh.

Bắc Ninh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1827 lượt xem

Chùa Dâu

Chùa Dâu còn có tên là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự. Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chùa Dâu là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử về văn hóa hết sức lớn lao và sâu sắc, bao gồm giá trị lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Quá trình hình thành và tồn tại của chùa Dâu gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển của nước ta. Cùng với một số chùa lân cận, chùa Dâu tạo nên một trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam và khu vực. Đây là trung tâm Phật giáo được hình thành sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc thời kỳ nhà Hán là Bành Thành và Lạc Dương. Nhiều đại sư danh tiếng thời xưa đã từng tu hành, trụ trì ở chùa Dâu như: Mâu Bác ở thế kỷ II, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương ở thế kỷ III và Thiển sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở thế kỷ VI. Chùa Dâu còn là chùa Cả trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp, chùa Dâu thờ Thần Mây (Pháp Vân), chùa Thành Đạo thờ Thần Mưa (Pháp Vũ), chùa Phi Tướng thờ Thần Sấm (Pháp Lôi), và chùa Phương Quan thờ các lực lượng thiên nhiên của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là sự biểu hiện của cả tục thờ Mẫu, một tôn giáo bản địa thuần Việt. Chùa còn thờ “Đức Thạnh Quang” – biểu tượng của thần SiVa trong Ấn Độ giáo. Như vậy, chùa Dâu đã dung hội, cải tiến một cách điển hình các tín ngưỡng, tôn giáo bản địa với các tôn giáo lớn trong khu vực nhưng vẫn mang đậm đà bản sắc dân tộc. Hội Dâu tổ chức vào ngày 8 tháng 4 Âm lịch hàng năm, đây là lễ hội lớn của cả tổng Dâu xưa với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo vẫn được duy trì. Trải qua trường kỳ lịch sử, chùa Dâu đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Đại tu toàn bộ các hạng mục công trình, tu sửa tháp Hòa Phong, sơn thếp hệ thống tượng, khôi phục Tam quan, giải phóng mặt bằng phía trước chùa để kè hồ, xây dựng tường bao bảo vệ di tích. Chùa Dâu gồm các hạng mục công trình: Tiền thất, tháp Hòa Phong, Tiền Đường, nhà Tả vu – Hữu vu, Tam Bảo, Hậu đường, hành lang và các công trình phụ trợ. Nhà Tiền thất gồm 7 gian, 2 chái, bên trong bày một số bộ bàn ghế để khách thập phương sắp lễ trước khi vào lễ Phật. Nổi bật nhất trong các công trình của chùa là tòa tháp Hòa Phong. Theo thư tịch cổ, vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu chùa Dâu, xây tháp cao 9 tầng. Nhưng kiến trúc của tòa tháp hiện còn là của thời Lê Trung Hưng. Tháp được xây bằng gạch nung già, với 3 tầng, cao 15m. Bên ngoài tháp có tượng một con cừu làm bằng đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Trong tháp có 4 tượng Thiên Vương - 4 vị thần trong truyền thuyết cai quản 4 phương trời. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Nhà Tiền đường gồm 7 gian, 2 chái. Trước nền nhà là tam cấp chạy suốt 5 gian giữa. Ở gian chính giữa có 2 thành bậc đá chạm rồng, mang phong cách nghệ thuật thời Trần. Tại Tiền đường có các ban thờ Hộ Pháp, Đức Ông, Đức Thánh Hiền, Bát Bộ Kim Cương. Tượng Pháp Vân được thờ trong nhà Thượng điện. Đây là một trong 4 pho tượng trong hệ thống tượng Tứ pháp vùng Dâu ​-Luy Lâu được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tượng Pháp Vân uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc. Khu vực nối Tiền thất và Hậu đường là nơi thờ Thập bát La Hán (18 đệ tử đắc đạo của Phật đã tu đến cảnh giới La Hán). Ngoài ra, các pho tượng Bồ Tát, Tam Thế, Đức Ông, Thánh Tăng được đặt ở phần hậu điện. Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử. Chùa Dâu là điểm đến của Phật tử của cả nước, du khách đến với chùa Dâu là về với đạo Phật và cùng chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, giá trị mà ngôi chùa mang lại. Như cái tên bình dị, chùa Dâu ngôi chùa cổ bậc nhất xứ Kinh Bắc.

Bắc Ninh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1871 lượt xem

Đình Đình Bảng

Nhắc đến Bắc Ninh không chỉ là nhắc đến những làn điệu dân ca đi sâu vào tiềm thức của người dân Kinh Bắc, mà còn là nhắc đến mảnh đất cổ lâu đời với nét truyền thống văn hóa đặc sắc. Nét văn hoá đó thể hiện qua các làng nghề như Tranh Đông Hồ, làng nghề Đúc Đồng, Gốm Phù Lãng… hay các địa điểm tâm linh như đền Đô, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp. Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình nằm ở làng Đình Bảng (xưa là làng Cổ Pháp) - quê hương Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ), người lập ra triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long (năm 1010). Đây được coi là là ngôi đình cổ kính và nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc. Từ xa xưa, dân gian xứ Bắc đã có câu: "Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Báng, vẻ vang đình Diềm" cũng là để ca ngợi vẻ đẹp kiến trúc và giá trị lịch sử văn hoá mà Đình Bảng đem lại. Đình làng Đình Bảng được xây dựng năm 1700. Người hưng công là quan Nguyễn Thạc Lương (từng làm trấn thủ Thanh Hóa) và vợ là Nguyễn Thị Nguyên. Ông bà đã mua gỗ lim, một loại gỗ quý và bền đem về cúng để dựng ngôi đình. Công trình này đã mất gần 40 năm để xây dựng. Cũng như nhiều đình làng Việt Nam dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, đình Báng có kiến trúc bề thế, hòa hợp với thiên nhiên Việt Nam. Nguyên trước có cả tam quan, cửa giữa xây hai trụ gạch kiểu lồng đèn cao, hai bên có cửa cuốn tò vò giả mái, phía sau là khoảng sân rộng, hai bên là hai dãy tả vu và hữu vu. Đình có mái dài, cao, các đầu đao uốn cong vút, lợp ngói mũi hài dày bản, rộng khổ. Góc mái tức "tàu đao" làm cong uốn ngược. Đình làng Đình Bảng gồm tòa đại đình đồ sộ nối với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ. Công trình đồ sộ nhất và quan trọng nhất là Đại đình (Bái đường). Đại đình hình chữ nhật, dài 20 m, rộng 14 m. Đình có kết cấu hệ kèo chồng rường, gồm bảy gian hai chái (gian phụ). Nội thất đình được trang trí với rất nhiều chủ đề phong phú như tứ quý, tứ linh, thanh gươm, bầu rượu. Nghệ thuật điêu khắc thể hiện xu hướng của thời điểm cuối thế kỷ 17, đầu 18 là nghệ thuật cung đình lấn át nghệ thuật dân gian.

Bắc Ninh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1848 lượt xem

Hội Lim

Vào mỗi dịp đầu xuân, ai nấy cũng hứng khởi và chờ đón những lễ hội diễn ra hàng năm tại nhiều nơi. Và một trong số những lễ hội truyền thống nổi tiếng ai cũng biết chính là Hội Lim Bắc Ninh. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, là lễ hội lớn của vùng, thể hiện một cách sâu nhất văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc. Lịch sử Hội Lim được truyền miệng lại với rất nhiều phiên bản khác nhau. Có quan niệm cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương. Hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời, và phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú. Như: hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ…, viên quận công Đỗ Nguyên Thụy – người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hàng năm, theo truyền thống “xuân thu nhị kỳ”. Như vậy, quận công Đỗ Nguyên Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu, tháng Tám, với những quy định chung, đồng thời ông cũng chính là người xây dựng bước đầu những lệ tục của lễ hội vào mùa xuân, tháng Giêng. 40 năm sau, vào nửa sau thế kỷ XVIII, cũng chính người làng Đình Cả, tướng công Nguyễn Đình Diễn lại tiếp tục phát triển và đổi mới hội Lim. Ông đã cấp ruộng và tiền cho hàng tổng để chuyển hội hàng tổng từ mùa thu tháng Tám sang hẳn mùa xuân tháng Giêng. Ông cũng bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Vân (tức núi Lim) để xây lăng mộ của mình trên đỉnh núi. Hội Lim được duy trì trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, hội Lim không được mở trong nhiều thập kỷ cho đến tận những năm sau đổi mới. Ngày nay, hội được mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Do được mở rộng cả về diện tích lẫn quy mô nên phải nói rằng hội Lim là một lễ hội lớn và được tổ chức công phu, hoành tráng. Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát Quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng 3 ngày (từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm), trong đó ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động tập trung. Bởi vậy mà du khách cũng tập trung du lịch Bắc Ninh vào ngày 13 để có mặt tại hội Lim trong chính hội. Hội Lim bắt đầu bằng một lễ rước. Thành phần đoàn rước là những người dân được mặc bộ lễ phục thời xưa với màu sắc sặc sỡ. Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Truyền thống xa xưa để lại một phong tục cuốn hút và say mê đặc biệt mà chỉ Bắc Ninh mới có, đó là các sinh hoạt văn hóa hát dân ca Quan họ – loại hình dân ca đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc. Hát dân ca Quan họ diễn ra từ ngày 12 tháng Giêng tại Lim (sân chùa Hồng Ân và các trại Quan họ) và khắp tại các chùa, đình. Hội hát Quan họ Bắc Ninh diễn ra ở bất cứ nơi đâu: trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền thúng giữa ao, hồ – dấu tích xưa của dòng Tiêu Tương đã một thời vang vọng tiếng hát Trương Chi làm say đắm nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Chỉ cần nơi đó có các liền anh, liền chị. Liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bẩy, nón thúng quai thao đến hẹn lại lên, gặp gỡ, đón tiếp nhau thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm theo lề lối của người hát Quan họ, bằng làn điệu dân ca đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là sự kết hợp nhuần nhuyễn, mê đắm của thơ cà và nhạc điệu nhằm bảy tỏ tình yêu trong sáng, hết lòng vì người kia, chung thủy một lòng ngóng chông của tình yêu đôi lứa. Nếu bạn có dịp được thưởng thức những khúc quan họ do chính những nghệ nhân mảnh đất Kinh Bắc hát, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khiến bạn “nhớ mãi không quên”.

Bắc Ninh

Tháng 2

1806 lượt xem

Đền Đô

Nằm ở làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đền Đô được xây dựng từ thế kỉ thứ 11 và còn được gọi tên là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế. Đền là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Với diện tích hơn 31,000m2, đền Đô có 21 công trình lớn nhỏ được chia làm khu nội thành và khu ngoại thành và với trung tâm là đền thờ chính. Đến đây, bạn sẽ phải trầm trồ trước một cảnh quan rộng lớn với những công trình đại điện hoành tráng, hậu cung uy nghi, thuỷ đình thư thái và những văn bia tĩnh mịch. Trong đền chùa cổ kính, mùi hương trầm như lan toả khắp không gian và khiến ta suy tưởng về một triều đại anh hùng linh kiệt hào hùng. Trải qua nhiều triều đại, đền được nhiều lần tu sửa và mở rộng. Không chỉ sở hữu những giá trị văn hoá và lịch sử đặc sắc, đền Đô còn sở hữu kiến trúc cung đình dân gian độc đáo trong một tổng thể cảnh trí hữu tình và hài hoà với thiên nhiên. Đây cũng là một công trình kiến trúc tiêu biểu với nghệ thuật khắc đá, gỗ, tạc tượng với nhiều đường nét chạm khắc tinh xảo, công phu. Sự độc đáo trong kiến trúc ở đền Đô không mang tính giá trị nghệ thuật cao và phần nào thể hiện đậm nét giá lịch sử và văn hoá của triều đại Lý nói riêng và văn hoá lịch sử dân tộc nói chung. Hàng năm, lễ hội đền Đô được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 3 Âm lịch nhân kỉ niệm ngày Lý Công Uẩn lên ngôi vua và ban “Chiếu dời đô”. Đây là một lễ truyền thống có từ lâu đời và đã trở thành một phong tục ăn sâu vào đời sống văn hoá tinh thần của người dân nơi đây. Lễ hội thu hút nhiều du khách đến dâng hương và tỏ lòng thành kính với các vị vua nhà Lý.

Bắc Ninh

Tháng 4

1990 lượt xem

Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời mang đậm dấu ấn thời Lý. Chính những di sản văn hoá quý báu này là nguồn tư liệu sống động, đầy tính nhân văn trong hành trình tìm về cội nguồn dân tộc. Vì vậy nếu bạn là người quan tâm đến tín ngưỡng Phật giáo và các giá trị lịch sử truyền thống thì chùa Phật Tích sẽ là địa điểm tham quan không thể bỏ qua. Chùa thuộc địa phận xã Phật Tích, đây chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa tín ngưỡng dân gian Việt cổ và Phật giáo. Sự kết hợp hài hòa đó đã hình thành nên trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử và văn hóa chùa Phật Tích thu hút rất nhiều du khách đến nghiên cứu, ngắm cảnh hàng năm. Theo sử sách ghi lại thì chùa được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ tư tức năm 1057. Mục đích xây dựng chùa là để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và gửi gắm niềm tin của đông đảo nhân dân. Ban đầu, chùa được xây lên với nhiều tòa ngang dãy dọc. Tiếp đó tại nơi đây vua Lý Thánh Tông cho xây dựng thêm một ngọn tháp Linh Quang vào năm 1066. Về sau khi tháp đổ thì lộ ra bên trong có tượng Phật A-di-đà được làm từ đá xanh nguyên khối dát vàng. Dân làng đã đổi tên thành Phật Tích và di chuyển và sinh sống trên sườn núi trước sự kỳ diệu của bức tượng Phật. Cho đến thời điểm hiện tại dù đã trải qua nhiều biến động của thời gian ngôi chùa vẫn giữ được nhiều nét cổ kính, trầm mặc. Chùa được thiết kế theo lối Nội công ngoại quốc. Sân chùa Phật Tích là bậc nền thứ nhất. Nơi đây gắn liền với vườn sự tích hoa mẫu đơn khoe sắc lưu truyền trong truyền kỳ nổi tiếng “Từ Thức gặp tiên”. Bậc nền thứ hai của chùa là nơi có các kiến trúc cổ nhưng theo thời gian ngày nay không còn được thấy. Nền thứ ba ở vị trí cao nhất, có Long Trì là một cái ao hình chữ nhật nay cạn nước. Điểm độc đáo của chùa là bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh ngồi trên tòa sen cao đến 1,87 m. Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc đặc sắc của kỹ thuật tạc tượng đỉnh cao.Ngoài ra, ở chùa Phật Tích còn có bức tượng người chim đánh trống. Bức tượng này đã thể hiện sự thoát tục và khát vọng vươn tới ước mơ của con người. Ngay phía trước chùa có một dãy thú 10 con: trâu, tê giác, voi, ngựa… có kích thước lớn. Tất cả được làm từ đá đã thể hiện tài hoa của các nghệ nhân thời Lý. Ngày nay, chùa có tất cả 7 gian tiền đường để dùng vào mục đích đón tiếp khách gần xa. Chùa có 5 gian bảo thờ Phật, đức A Di Đà và các vị tam thế. Ngoài ra chìa còn có 7 gian nhà thờ Mẫu, 8 gian nhà Tổ.Lối đi lên chùa có ba bậc nền bạt vào sườn núi có kè bằng đá tảng dựng đứng như bức tường dài 58m. Ba bậc nền có cao từ 3–5m và khoảng giữa tường là lối đi bằng đá rộng 5m có đến 80 bậc. Bạn có thể tham quan chùa Phật Tích bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng phù hợp nhất là tháng Giêng. Lúc này, tiết trời mát mẻ, hoa cỏ sinh sôi nên rất phù hợp để vãn cảnh chùa. Ngoài ra, lễ hội Khán hoa mẫu đơn ở chùa Phật Tích còn là một trong những lễ hội diễn ra sớm và có quy mô lớn nhất Bắc Ninh. Lễ hội gắn liền với chuyện tình cảm động Từ Thức gặp tiên. Lễ hội chùa Phật Tích thường được diễn ra trong ba ngày, từ mồng 3 đến mồng 5 Tết âm lịch hàng năm. Ngày chính của hội là mồng 4. Từ ngày mồng 3 đã có rất đông du khách kéo về chùa để lễ Phật, cầu may mắn, bình an. Hàng vạn du khách đã nô nức có mặt tại đây dự lễ hội. Một lưu ý nho nhỏ là khi đến vãn cảnh chùa khách du lịch nên ăn mặc lịch sự, kín đáo để thể hiện lòng tôn kính đối với đạo Phật. Chùa Phật Tích thực sự là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử đã có từ hàng ngàn năm của dân tộc. Du khách đến đây không chỉ là để hành hương bái Phật mà còn để chiêm nghiệm những giá trị cổ xưa của dân tộc.

Bắc Ninh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1956 lượt xem