Công viên Đồng Xanh trong mắt khách du lịch được xem như một Tây Nguyên thu nhỏ, một điểm đến tham quan. Công viên Đồng Xanh thuộc thôn 5, xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nơi đây được xem là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng và khám phá bản sắc văn hóa vùng Bắc Tây Nguyên, do Công ty Cổ phần văn hóa - du lịch Gia Lai đầu tư xây dựng. Với diện tích khoảng 8 hecta, công viên Đồng Xanh nằm trải dài trên cánh đồng lúa nước An Phú và trong bản làng của người dân tộc Gia Rai, Ba Na... Chính vì vậy mà kiến trúc nhà sàn, nhà dài, nhà rông, nhà mồ, nhạc cụ T’rưng nước và những bức tượng được tạo nên đều mô phỏng, tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt và xản xuất của đồng bào các dân tộc. Chùa Một Cột được xây dựng ở công viên Đồng Xanh theo nguyên mẫu của “Tây Thiên Nhất Trụ” tại Hà Nội cả về tỷ lệ lẫn kiến trúc. Do đó, khi tới đây tham quan, hình ảnh này sẽ giúp người lữ hành gợi nhớ về một trong những công trình kiến trúc tâm linh thiêng và đáng tự hào của người Việt. Điểm xuyết xung quanh là tượng Phật Quan Âm cứu khổ cứu nạn, lầu Thần tài, cổng Tam quan và hai con voi bằng đá tượng trưng cho nghệ thuật săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của cư dân bản địa Tây nguyên cùng bốn bên là các loại cây quý được bố trí hài hòa, đẹp mắt. Tại đây, còn có công viên nước với hồ tạo sóng đầu tiên ở Tây nguyên, khu vườn thú mini với nhiều chim muông, thú qúy như Đà điểu, Nai, Beo, Gấu, cá Sấu… cùng hệ thống nhà nghỉ với những bungalow phục vụ khách có nhu cầu nghỉ dưỡng… Bên cạnh những thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa khi du lịch Tây Nguyên, điểm dừng chân này cũng được đầu tư xây dựng các công trình văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn, hướng về đất Tổ để tưởng nhớ công ơn các vị Vua Hùng đã có công dựng nước. Cụ thể, du khách sẽ cảm thấy an yên và tự tại khi thành kính bái lạy trước đền thờ Quốc tổ Hùng Vương. Ngôi đền này có quy mô lớn nhất miền Trung và Tây nguyên, được xây dựng với lối kiến trúc truyền thống gồm mái nhà rông cách điệu cao 18m. Trong điện là tượng Quốc tổ Hùng Vương uy nghiêm, được tạc bằng gỗ cao 6m, nặng gần 3 tấn sơn son thiếp vàng. Và phía trước điện là tượng 18 vị Vua Hùng uy nghi, tạo nên một không gian hoành tráng nhưng cũng thật trang nghiêm. Tại công viên Đồng Xanh có sự xuất hiện của thân gỗ hóa thạc đã thu hút không ít sự chú ý từ khách du lịch. Được biết, gỗ hóa thạch này lớn tuổi nhất Việt Nam với niên đại hàng trăm triệu năm với đường kính hơn 1m và dài hàng chục mét. Thân gỗ hóa thạch lớn như chiếc linga đặt bên cạnh mái nhà rông, biểu tượng văn hóa Tây Nguyên. Thân gỗ này được tìm thấy ở miệng núi lửa xã Chư A Thai, huyện Ajun Pa, tỉnh Gia Lai. Theo như được người trước kể lại, những cánh rừng cổ thụ ở Gia Lai qua hàng triệu năm bị chôn vùi dưới dòng nham thạch núi lửa tạo nên loại gỗ hóa thạch tuyệt đẹp. Và các nhà khoa học cũng đã chứng minh, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Gia Lai vốn tồn tại hàng chục ngọn núi lửa. Cùng với quá trình biến đổi địa chất hàng triệu năm, gỗ hóa thạch được tạo nên từ sự phân hủy của các chất hữu cơ trong thân gỗ diễn ra suốt một thời gian dài đó. Người Tây Nguyên cho rằng, gỗ hóa thạch là một loại hình trang sức rất tuyệt vời, có kết cấu như thạch anh nên rất cứng, có thể sử dụng làm đồ mỹ nghệ. Với những khúc to, gỗ hóa thạch có thể cưa ra làm bàn, ghế vì nó không bị mưa gió hay thời tiết làm mục nát, hư hỏng. Không những thế, gỗ hóa thạch còn mang đến may mắn, bình an, sức khỏe và trường thọ cho người sở hữu. Những biểu tượng đặc trưng cho nền văn hóa bản là hình ảnh những ngôi nhà rông, nhà dài, nhà sàn, nhà mồ, tượng nhà mồ, nhạc cụ T’rưng nước, đài cảnh Tây nguyên. Đặc biệt là tượng Vua Nước (Pờ Tau La) và Vua Lửa (Pờ Tau Pui) - hai biểu tượng quan trọng trong tín ngưỡng tự nhiên của các dân tộc Tây nguyên. Cùng với đó là tượng chàng Djông đi tìm nữ thần Mặt Trời. Tất cả đã tạo nên một sắc thái sinh động nhưng vô cùng chân thực về cuộc sống sinh hoạt cũng như sản xuất của đồng bào dân tộc. Thêm vào đó, hình ảnh chiếc chiêng đồng lớn nhất Việt Nam với đường kính 2,5m, nặng 700kg chắc chắn sẽ khiến khách du lịch thích thú. Đây là tác phẩm thực hiện bởi các nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều, như mở ra một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đi tiếp vào bên trong, quan sát một cách tổng thể, du khách sẽ bắt gặp một hệ thống nhà nghỉ bungalow được xây dựng bên hồ cá, vườn hoa cùng một công viên nước và hồ tạo sóng, hồ sen với những hòn non bộ cùng khu vườn nhiều muôn thú: đà điểu, nai, beo, gấu, cá sấu... Hòa cùng bầu không khí trong lành, thoáng đãng ở công viên Đồng Xanh khi du lịch Tây Nguyên, bạn còn có thể khám phá và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn như: du thuyền, đạp vịt, câu cá... Hoặc du khách cũng có thể cùng gia đình, bạn bè của mình ghé vào khu dịch vụ ẩm thực - nhà hàng đặc sản truyền thống dân tộc để thưởng thức các món ăn nổi tiếng nơi đây như: cơm lam, rượu cần, rượu ghè, thịt rừng nướng...
Gia Lai 99 lượt xem Từ tháng 11 đến tháng 04
Ngày cập nhật : 18/12/2024