Trải dài theo đường bờ biển nước ta có đến hàng trăm ngọn hải đăng lớn nhỏ khác nhau, tuy nhiên Hải đăng Đảo Hòn Dấu vẫn vô cùng nổi bật. Nó được cả khu rừng nguyên sinh cổ thụ bao quanh và nằm cách đất liền hơn 1km, có thể xem như một thế giới tách biệt hẳn với những xô bồ, tấp nập ngoài kia. Ngay từ khi đặt chân lên đảo chúng ta đã gặp được những gốc si, gốc đa có thân to lực lưỡng với những chiếc rễ khổng lồ có kích thước cỡ con trăn đang trườn trên mặt đất. Hải đăng Đảo Hòn Dấu thuộc khu du lịch giải trí Bãi biển Đồ Sơn và gắn với truyền thuyết Lão đảo Thần Vương. Ngọn núi Đồ Sơn chạy dọc theo bán đảo đồi Vạn Hoa thì dừng lại và nhô lên 1 ngọn đồi nhỏ tách biệt hẳn khỏi đất liền chính là Đảo Dấu. Nếu dãy núi chạy dọc theo Đồ Sơn là con rồng lớn thì Hòn Dấu có thể xem như viên ngọc vờn ngay trước miệng rồng. Tới đảo bạn sẽ được tham quan ngọn Hải đăng Đảo Hòn Dấu được xây năm 1892 và hoàn thành năm 1896. Tháng 6/1898 ngọn hải đăng được đưa vào hoạt động chính thức dưới sự quản lý của người Pháp. Ngọn đèn cao khoảng 63.5m so với mực nước biển và vào tháng 5/1955 quân đội ta đã tiếp quản hải đăng từ người Pháp. Kể từ đó ngày này cũng đã trở thành ngày khởi đầu của ngành Bảo đảm an toàn Hàng Hải. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân địch đã đánh phá ngọn hải đăng, rải thủy lôi để phong tỏa cảng Hải Phòng, cản trở các tàu viện trợ cho nước ta. Đồng hành cùng nhân dân, những người công nhân trên ngọn đèn đã hô vang khẩu hiệu "Còn người còn đảo, trái tim còn đập còn ánh sáng”. Năm 1964 khi không quân Mỹ mở rộng chiến dịch đánh chiếm, ngọn hải đăng Long Châu và Hải đăng Đảo Hòn Dấu đã góp phần bảo vệ an toàn cho các tàu của những nước xã hội chủ nghĩa chở hàng tới. 27/04/1967 nó bị đế quốc đánh sập hoàn toàn, nhưng sau đó công nhân trạm đèn đã nhanh chóng xây lại một cột đèn sắt cao 17m thay thế. Tới năm 1986 ngọn hải đăng mới được xây dựng lại ngay trên nền móng cũ và sau đó năm 1995 thì được tu sửa lại theo nền móng ban đầu. Ngọn hải đăng này là một tòa nhà 2 tầng bề thế, có tháp đèn ở chính giữa. Chúng ta có thể leo lên tới pha đèn bằng cầu thang gỗ, xoáy trôn ốc có 90 bậc thang rồi tới hành lang tròn lộng gió, nơi bạn được ngắm cảnh biển trời bát ngát, với từng đàn chim đang chao lượn. Hải đăng được thiết kế có chớp đèn và ánh sáng trắng theo chu kỳ 15s. Dưới chân chúng ta và xa xa là ngọn núi Đồ Sơn như nằm ngang tầm mắt. Khi ghé thăm nhân viên bảo tàng Hải đăng cùng hướng dẫn viên tại Hải đăng Đảo Hòn Dấu sẽ giúp chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử hình thành cũng như những truyền thuyết lý thú trên đảo. Từ trên đỉnh cao của Hải đăng Đảo Hòn Dấu bạn có thể hít hà cơn gió biển căng tràn sức sống và hòa mình vào không gian đất trời tươi đẹp. Ngay bên dưới chúng ta vẫn còn những quả ngư lôi mà đế quốc Mỹ đã thả xuống để dập tắt ánh đèn chỉ đường cho các con tàu không số, chúng vẫn đang nằm đó như một chứng tích sống động của một thời oanh liệt. Tới Hải đăng Đảo Hòn Dấu ngoài được thăm ngọn hải đăng cổ, bạn còn có cơ hội thăm đền Nam Hải đại Thần Vương thắp nén nhang cầu an. Đây là một địa điểm khá linh thiêng trên đảo được người dân Đồ Sơn nói riêng và Hải Phòng nói chung rất trân trọng, người xưa còn phải hạ buồm và vào đão tế lễ mỗi lần đi ngang. Dịp nọ khi kinh lý ra miền Bắc thuyền của vua Tự Đức đã gặp sóng gió lớn, nhà vua lên đền khấn vái thì chốc sau trời quang mây tạnh ngay. Mùng 8 – 10 tháng 2 Âm lịch hằng năm chính là thời điểm diễn ra lễ hội đảo Dấu truyền thống của người đi biển ở duyên hải Bắc Bộ. Vào ngày nay ngư dân từ khắp các tỉnh thành khác sẽ kéo về để cúng lễ, cầu cho một năm biển êm sóng lặng, thu hoạch được nhiều tôm cá.
Hải Phòng 1452 lượt xem Tháng 4 đến tháng 10
Ngày cập nhật : 12/03/2023