Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tọa lạc tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cách thành phố Vị Thanh khoảng 40km. Với tổng diện tích trên 2.800ha trải dài từ phía Tây sông Hậu đến tận vùng U Minh, không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của đồng bằng Sông Cửu Long, Lung Ngọc Hoàng còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo nhất cả nước hiện nay.
Theo tiếng địa phương, “lung” là vùng đất trũng lầy hoang dã. Lung Ngọc Hoàng diễn giải nôm na là “Vùng đất trũng ngập nước của ông Trời”. Dân gian tương truyền, ngày xưa nơi đây có nhiều đàn voi (tượng) di chuyển, kiếm ăn từ nơi này sang nơi khác, những bầy voi đi làm lún đất, sụt lở, tạo thành những lung, vũng, mương, bàu, lạch. Lâu lâu Ngọc Hoàng hạ giới xuống trần du ngoạn tại đây nên dần dần lung này có tên Lung Ngọc Hoàng!
Lung Ngọc Hoàng là vùng đất ngập nước mang đầy vẻ hoang sơ, huyền bí, tồn tại từ rất lâu đời. Ngày xưa, nơi đây được mệnh danh là “vùng đất chết”, nước ngập quanh năm, cỏ dại mọc cao ngút ngàn. Đi lạc vào vùng này, khó có thể tìm được lối ra, do địa hình mênh mông và dây leo chằng chịt, hoang sơ, vắng vẻ. Theo sách “Địa chí Cần Thơ” (2003), khoảng trên 120 năm về trước, đã có người đến khai khẩn Lung Ngọc Hoàng. Trước năm 1945, có nhiều địa chủ đã thuê người vỡ đất làm ruộng và khai thác cá. Về sau, do chiến tranh, Lung Ngọc Hoàng hoang hóa, rồi trở thành căn cứ cách mạng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trước kia khu vực này được giao cho Lâm trường Phương Ninh đầu tư trồng cây tràm, khai thác nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường. Đến năm 2002, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được chính thức thành lập trở thành điểm đến nổi bật nhất của du lịch Hậu Giang.
Nơi đây được biết đến là vùng ngập nước và là nơi trú ngụ, sinh sống của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, với hàng trăm ngàn cây tràm nối tiếp nhau vươn cao gần chục mét.
Các nhà nghiên cứu cho biết khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đang tồn tại trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ. Trong số này có 56 loài mới phát hiện. Lung Ngọc Hoàng là khu sinh học đa dạng với nhiều hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước khác nhau. Đó là các loài dây choại mọc dưới gốc hoặc trên thân tràm, lau, sậy, bòng bong… Những loài trên cạn cũng khá nhiều như trâm sắn, ngái lông, mua, gừa…vv.
Lung Ngọc Hoàng cũng quy tụ nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang…Với hệ thống lung trũng phong phú và hoang sơ kết hợp với rừng tràm được bảo vệ nghiêm ngặt, Lung Ngọc Hoàng là nơi thích hợp cho các loài lưỡng cư, cá tôm về sinh sống nhiều vô kể. Nơi đây từng được ví như cái rốn cá của khu vực phía tây sông Hậu.
Để tham quan khám phá rừng tràm, bạn phải mua vé thuê những chiếc tắc ráng (còn gọi là vỏ lãi). Bước vào Lung Ngọc Hoàng du khách có cảm giác như lạc vào một vùng trời cổ tích, thanh bình và đượm chất hoang vu như Lung Sen, Lung Trăn, Lung Chuối Nước.
Về Lung Ngọc Hoàng, bạn sẽ có dịp đi xuồng len lỏi trong rừng tràm rợp mát, xem tận mắt những gốc tràm to lớn, xòe bộ rễ như chiếc đầm độc đáo…. Du khách sẽ gặp những cánh đồng hoang vu xa tít tận phía chân trời với những bầy le le, cò trắng chập chờn tung cánh. Càng vô sâu khung cảnh càng trở nên hoang dã và thơ mộng.Thú vị hơn, bạn có thể đi câu và được hướng dẫn kéo vó, đặt lờ, lộp bắt cá… đúng chất nông dân.
Từ tháp quan sát cao 21m đặt giữa trung tâm lung Ngọc Hoàng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng tràm chạy ngút ngàn, những dòng kênh lượn quanh… mang đến cảm giác sảng khoái khi được đắm mình giữa bốn bề thiên nhiên xanh mát, trong lành.
Bạn có thể tới khu vực nhà hàng với các chòi lá nhỏ để thưởng thức những món ăn ngon hấp dẫn như: cá lóc nướng trui, lươn um, vịt trời gác bếp, cá thác lác rút xương đặc sản nổi tiếng của Hậu Giang.. Một bữa ăn mang đậm hương vị miền Tây và rất dân dã giữa khung cảnh thơ mộng của khu rừng này, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với du khách.
Hậu Giang
Từ tháng 1 đến tháng 12
1114 lượt xem