Khi hành hương đến Lạng Sơn, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua đó chính là đền Kỳ Cùng. Nơi đây là một trong những ngôi đền linh thiêng thờ Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh - vị quan thứ năm trong Tôn Quan thời Trần và nơi đây cũng thờ các vị Tứ Phủ.
Đền Kỳ Cùng hiện tọa lạc tại phường Vĩnh Trại, nằm ở phía Bắc của dòng sông Kỳ Cùng. Đây được xem là một trong những vị trí linh thiêng thờ thần Giao Long - một vị thần giữ cho quanh năm mưa thuận, gió hoà. Trong đền có bến đá Kỳ Cùng được công nhận là một trong tám cảnh đẹp có tại Lạng sơn. Trước kia, người ta tương truyền rằng đây là nơi của thần Giao Long, giữ sông nước, làm mưa thuận gió hoà suốt năm. Theo lịch sử ghi chép, đền Kỳ Cùng có từ rất lâu nhưng không biết ai xây và năm thành lập của đền. Chỉ biết được đây là ngôi đền nhỏ dựng bằng đất để thờ thần cai quản vùng đất này, phù hộ cho dân chúng làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi chép về đền Kỳ Cùng như sau: “Ở bên tả sông Kỳ Cùng thuộc xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng có con giao long thành thần đào hang ở đây, đền rất thiêng, nhiều lần được phong tặng”. Về sau, đền thờ thần Giao Long được thay bằng quan Đệ Ngũ Tuần Tranh, bởi trong tâm thức người dân xứ Lạng, sự tích đền Kỳ Cùng gắn với truyền thuyết rằng quan Đệ Ngũ Tuần Tranh là con của Bát Hải Động đình, giáng trần xuống ở thời nhà Trần, được vua cử lên trấn thủ Lạng Sơn chỉ huy đánh giặc. Vì thua trận, ông bị vu cáo về tội quyến rũ vợ người khác nên đã thả mình xuống sông Kỳ Cùng để tự vẫn, chứng minh sự trong sạch của mình. Thấu được nỗi oan của ông, thần linh đã hoá phép ông thành 2 thần là ông Cộc ngự tại đền để cai trị, điều phối sông nước. Nỗi oan của ông sau này cũng được Thần Công Tài - vị tướng thời Lê chứng minh trong sạch. Thần Công Tài là một nhân vật có công lao to lớn với nhân dân và cũng là một danh nhân văn hoá thời bấy giờ. Đây là một trong những di tích lịch sử vô cùng linh thiêng được rất nhiều du khách quan tâm khi đến với Lạng Sơn. Khi đến với đền du khách để được chiêm ngưỡng lối kiến trúc thời xưa cùng nhiều cổ vật lưu truyền lại từ hàng ngàn đời nay. Toạ lạc tại chính giữa trung tâm sầm uất của thành phố Lạng Sơn. Kiến trúc của đền được xây dựng theo kiểu hình chữ Đinh tương tự như những ngôi đền khác, gồm 3 cửa vòm và 2 trụ gạch vuông. Phía trên được trang trí bằng nhiều hoa văn đắp nổi, trên cùng là tam khí bao gồm đỉnh và hoa thờ ở 2 bên. Mặt ngoài của đền sẽ hướng ra dòng sông Kỳ Cùng. Phía trong đền gồm nhiều hoành phi, đại tự được xây dựng từ thời nhà Lê với rất nhiều cổ vật mang giá trị tâm linh như ngai, tán, chuông, lọng, đỉnh đồng, tượng cổ,... Ngoài tượng quan Tuần Tranh được thờ ở điện chính thì đền còn có thêm gian thờ Quan Âm, Thánh Mẫu. Ở sân đền còn sót lại bến đá, đây là một trong 8 cảnh đẹp được công nhận trong Trấn doanh bát cảnh ở Lạng Sơn. Theo nhiều sử sách ghi lại, ngày xưa các sứ giả đi qua Trung Quốc, khi qua bến đá này đều phải sửa soạn lễ vật dâng hương cầu cho chuyến đi được bình an, thành công. Ngoài ra, tại đền Kỳ Cùng còn thờ Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh. Đây cũng là một trong những vị thần được nhân dân thờ phụng tại đền. Tại đây, khi có tiệc, lễ Tứ Phủ dân làng thường thỉnh về ngự. Khi ngự lên đồng, ông sẽ mặc trang phục lam thêu rồng, mang hồ phù, làm lễ, khai quang. Sau đó, ông sẽ chứng sớ rồi múa thanh long đao. Tại các điện khác, khi mở phủ hoặc có lễ tiệc nào đó người ta đều đợi giá Quan Đệ Ngũ sau lúc thỉnh các quan lớn để chứng hết toàn bộ đàn mã rồi đem đi hoá vàng. Hàng năm, vào ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng, người dân tại đây sẽ tổ chức lễ hội đền Kỳ Cùng lớn nhất Lạng Sơn. Đồng thời, cũng mở ra khoảng không gian giao lưu văn hoá cổ truyền. Thông thường, đúng vào giờ Ngọ ngày 22 sẽ tiến hành phần lễ khởi đầu với lễ rước kiệu Tuần Tranh nhằm tạ ơn nghĩa báo đáp với Thân Công Tài tại đền Tả Phủ. Nghi lễ này bắt đầu từ sự tích Thần Công Tài đã hóa giải nỗi oan khuất cho Tuần Tranh như chúng tôi đã kể ở trên. Đến giờ Ngọ ngày 27 tháng Giêng, dân địa phương sẽ làm lễ tiễn biệt để rước kiệu Tuần Tranh về lại đền Kỳ Cùng. Vào những thời điểm như ngày rằm, mồng một hay lễ hội, đền Kỳ Cùng sẽ đón tiếp một lượng khách du lịch rất lớn đến tham quan và giao lưu văn hoá. Khi đến đây, khách du lịch thường mua lễ vật gọn gàng để dâng lên các vị thần mong được phù hộ bình yên, may mắn, thuận lợi và thành công trong công việc. Khách du lịch khi đến với đền Kỳ Cùng thường đặt bánh oản để làm lễ vật dâng lên đền Kỳ Cùng. Đây không chỉ là thứ bánh mang đậm nét văn hoá của người dân nơi đây mà còn thể hiện được ý nghĩa tâm linh khi được thiết kế với hình thù đặc trưng và ý nghĩa. Khi viếng thăm đền Kỳ Cùng, khách du lịch thường lựa chọn những địa điểm gần đền để thưởng thức những món ăn đặc trưng của người dân Lạng Sơn như : phở chua, bánh áp chao, nem nướng Hữu Lũng, khâu nhục...
Đối với những ai yêu thích tìm về văn hóa, lịch sử và những điều bí ẩn thì đền Kỳ Cùng chắc chắn sẽ đem đến cho bạn chuyến đi như mong muốn. Địa điểm du lịch tâm linh này hàng năm đều thu hút đông đảo người ghé tới tham quan và chiêm bái. Trong hành trình khám phá vùng đất Lạng Sơn, bạn đừng quên ghé qua địa danh này.
Lạng Sơn
Từ tháng 01 đến tháng 12.
474 lượt xem