Cu Vơ thuộc xã Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị) từ lâu được giới phượt khắp nơi hào sảng phong hạng là nơi: “Ngắm mặt trời mọc đẹp nhất tỉnh Quảng Trị”, “Nơi săn mây lý tưởng nhất tỉnh Quảng Trị”… và nhiều cái tên mỹ miều khác dành cho địa danh này. Từ tượng đài chiến thắng Khe Sanh đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chừng 10 cây số là gặp một ngã ba. Từ đây rẽ trái chừng 2 cây số nữa là đến đỉnh Cu Vơ. Có thể từ tiếng Anh, Cover được người dân địa phương hóa thành Cu Vơ, nghĩa là nơi trú ẩn, nắp hầm, vỏ bọc bên ngoài. Theo người dân Hướng Hóa, có 3 đồi Cu Vơ tại địa phương này, 2 đồi ở xã Hướng Linh và 1 ở xã Hướng Phùng. Ngày xưa khi lính Mỹ kiểm soát các cao điểm thường đặt “Cu Vơ” ở những chỗ này để trú ẩn. Dù địa phương có nhiều đồi Cu Vơ nhưng mỗi khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến xã Hướng Linh. Đồi Cu Vơ ở Hướng Linh cao hơn 800 m so với mực nước biển, nằm ở thôn Miệt Cũ. Bản Cu Vơ ngày xưa được thành lập bởi đồng bào dân tộc Vân Kiều sống ở cạnh sông Rào Quán. Đến khi thủy điện Rào Quán hình thành, họ phải di dời, một phần cư dân của thôn Miệt lên trên đồi Cu Vơ định cư. Tuy nhiên, sau khi điện gió Phong Liệu xây dựng thì gần 100 hộ dân ở Cu Vơ lại một lần nữa phải di dời đi nơi khác. Hiện Cu Vơ bốn bề cột điện gió, các công trình như trường học, nhà cộng đồng... hầu như còn giữ lại như minh chứng cho sự hiện diện của một ngôi làng nhỏ từng tồn tại ở nơi này, phần còn lại thuộc sự quản lý của Nhà máy điện gió Phong Liệu. Từ tượng đài chiến thắng Khe Sanh, đi theo hướng xã Hướng Phùng tầm 10 km, rẽ trái thêm 2 km là đến trung tâm thôn Miệt Cũ. Từ đây lên đồi Cu Vơ tầm 2 phút chạy xe máy. Cu Vơ là ngọn đồi trọc chỉ có những cây bụi, sim mua và sau sau (phong hương) mọc. Từ đây sẽ có tầm nhìn (view) triệu đô, như cách nói của lớp trẻ bây giờ. Tầm nhìn 360 độ với bốn bề mây và gió. Con đường bê tông từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây rẽ lên Cu Vơ được Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu thi công phẳng lỳ. Hai bên cây xanh tỏa bóng mát rượi. Con đường ngoằn nghèo với dốc đứng, rất cheo leo. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Phóng tầm mắt ra xa là lòng hồ thủy điện Rào Quán xanh biếc. Cứ ngỡ như đi qua đèo Hải Vân nhìn về Biển Đông bằng tâm thái của một người đứng ở nơi giao giữa đất và trời. Lên khỏi đèo là một “bình nguyên” khá rộng. Địa hình bằng phẳng tương đối với những con dốc vừa phải khiến tôi nghĩ đến một ngôi làng bình yên, heo hút nằm trên đỉnh Trường Sơn, đẹp và bí ẩn giữa thâm u đại ngàn. Làng còn nhiều ngôi nhà và công trình nhưng không có dân cư. Chỉ còn lại những vị khách hiếu kỳ phương xa muốn lên đây săn mây, đón bình minh. Để làm cho Cu Vơ ngày càng đẹp hơn, có sức hút hơn, điện gió Phong Liệu đã trồng hàng ngàn cây bích đào và hàng trăm gốc điệp anh đào. Sắp tới đơn vị này sẽ nhân giống sim, mua bản địa để trồng phủ các đồi nơi có cột điện gió. Đầu mùa xuân ai có dịp lên đây, hai bên đường hoa trẩu nở trắng, rụng thành thảm dày dưới đất. Có những cung đường hoa điệp anh đào nở hồng dưới nắng vàng. Bên vách núi, loài địa lan với màu hoa đỏ, trắng cũng góp mặt làm nên hương sắc cho vùng đất ở cổng trời này. Từ đỉnh Cu Vơ nhìn xuống là cánh rừng già, xa hơn là lòng hồ thủy điện Rào Quán, xa hơn nữa là cánh đồng điện gió Hướng Linh. Đứng đây mới cắt nghĩa được vì sao Hướng Linh là cái nôi của gió. Bởi hai bên núi chắn, chỉ lọt một khe ở giữa là xã Hướng Linh. Cái khe này thường đón gió quanh năm là vậy. Nhưng nếu tính gió từ Biển Đông thổi vào đất liền, đến Hướng Hóa qua khe gió ấy, thì đỉnh Cu Vơ như một bức bình phong ở phía Tây Quảng Trị.
Quảng Trị 132 lượt xem Từ tháng 03 đến tháng 08
Ngày cập nhật : 17/02/2025