Năm Mùa là tên một bungalow - homestay ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá. Hai năm qua, cái tên này đã trở thành điểm đến của hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh. Và khi một góc nhỏ đơn sơ ở xa tít tắp giữa trùng điệp núi rừng này lại là điểm đến của nhiều người, thì người ta mới giật mình nhận ra làm du lịch không phải là điều gì đó quá xa vời. Bunggalow 5 Mùa nằm trên một quả đồi rộng khoảng 2 ha, được bao quanh bởi những rẫy cà phê tít tắp. Đó là một không gian quê cảnh và có phần hoang dã. Nếu không bước vào bên trong cánh cổng ở chân đồi thì không ai nghĩ đây là một điểm du lịch. Nhưng thực tế đó là một điểm du lịch ấn tượng, nếu không muốn nói là điểm nhấn hấp dẫn nhất của du lịch Quảng Trị hai năm lại đây. Hấp dẫn đến mức muốn đặt được một căn bungalow ở đây, người ta phải đặt trước từ 7-10 ngày. Trước khi Bunggalow 5 Mùa ra đời, người dân ở thôn Xa Ry chỉ biết đến nương rẫy. Những rẫy cà phê bạt ngàn đã xuất hiện ở vùng này từ hàng chục năm trước. Những ngọn đồi điệp trùng nối nhau đổ xuống thung lũng cũng là thứ quen thuộc với nhiều người. Những ngôi nhà ghép từ ván gỗ cũng không phải là thứ gì quá xa lạ. Nhưng khi có người ghép tất cả những chi tiết đó vào với nhau, ngọn đồi lại trở nên rất có hồn. Và nó trở thành một điểm du lịch khiến nhiều người phải ao ước được trải nghiệm. Ông Hoàng Thông - chủ của Bungalow 5 Mùa vốn không phải là người địa phương. Ông là một doanh nhân gốc Huế nhưng sống và làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh. Ông đặt chân đến Xa Ry và ngọn đồi quen thuộc của người dân tự nhiên tạo cho ông nhiều cảm xúc. Từ đó, ông bắt tay vào “chế biến” những thứ quen thuộc thành những thứ vừa quen, vừa lạ. Cái quen là ông tạo ra một không gian gồm những căn nhà riêng biệt ấm cúng xen giữa những tán cây nằm ở lưng chừng đồi để phục vụ những người thích trải nghiệm cảm giác yên bình hòa mình giữa núi rừng. Còn cái lạ ông tạo ra chính là kết cấu của những căn nhà theo phong cách bungalow - là kiểu nhà một tầng có xuất xứ ở Ấn Độ từ thế kỷ XVII. Mỗi bungalow được ông thổi vào một linh hồn, có tên và số phận riêng. Có lẽ đó chính là cái “lạ” nhất. Nhà Hồ Điệp. Căn nhà được đặt theo tên gọi của lan Hồ Điệp, một loại lan vừa quý phái vừa cho đẹp bậc nhất họ Phong lan. Thiêt kế căn nhà sở hữu một khối hình vuông cân đối với hai bên cánh ôm lấy khoảng sân chơi ngoài trời nằm chính giữa. Ngoại thất căn nhà với tone màu nâu phối cùng nội thất bên trong tone màu trắng tuyền, lấy cảm hứng từ màu sắc của hoa lan Hồ điệp – Bướm đêm tung cánh giữa núi rừng đại ngàn. Bạn nên đến đây vào mùa hoa cà phê nở, để ngắm nhìn những đồi cà phê phủ màu trắng xóa bao quanh khiến bạn như cánh bướm bập bềnh giữa một trời hoa ngát hương. Nhà Hoàng Thảo mang trong mình câu chuyện về quá khứ phương xa. Vật liệu phục dựng căn bulalow này được giữ lại nguyên vẹn từ những thùng đựng máy cũ. Nguồn gốc thứ gỗ này đến từ Ấn độ, đem về Sài Gòn . Để rồi được tái sinh trở lại, chủ nhân đã đưa lên đây cất ra một căn nhà độc đáo nằm giữa vườn cà phê xanh ngát. Nhà Hoàng Thảo ví như một nhánh cỏ vàng ươm, bị loài chim nào đó bỏ lại trên đỉnh đồi. Căn nhà thiết kế với khoảng sàn ngoài trời phía trước được nối dài ra, cho view nhìn về thửa ruộng bậc thang của người đồng bào Vân Kiều bên dưới. Gỗ bao quanh nhà, được lấy từ các tấm pallet đựng hàng vẫn giữ màu nguyên thủy, làm cho căn nhà có màu vàng tựa như màu sắc hoa lan Hoàng Thảo, một trong các loài lan đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới Hướng Hóa. Nếu muốn tìm cảm giác không khí mát mẻ của cách rừng nhiệt đới, hãy đến đây một lần. Nếu đến đây vào những buổi sáng mù sương bạn sẽ có cảm giác được chìm đắm trong làn mây khi đó toàn bộ căn nhà đã chìm trong sương mờ mịt. Nhà Vân Đài như một bản hòa ca của muôn vàn màu sắc bằng nhịp điệu của ánh sáng. Ngôi nhà sở hữu thiết kế trẻ trung, hiện đại. Bời dĩ có cái tên Nhà Vân Đài, vì nó tựa như một đài mây ngũ sắc nổi bật giữa núi rừng vậy đó. Vân Đài là tên một loài lan cứng cáp, mạnh mẽ và có màu sắc rực rỡ. Hòa ca ánh sáng sẽ đổi thay nhịp điệu khi mặt trời di chuyển dần qua từng khung cửa sổ. Những khung cửa bỏ độc đáo này được tận dụng từ khung cửa sổ bỏ đi của một trạm quân y gần đó, căn nhà có thể đón ánh sáng của mặt trời từ mọi phía. Về đêm, nhà Vân Đài tựa như một chiếc đèn lồng, mang ánh đèn thắp sáng cả núi rừng. Nhóm một đống lửa để cùng hòa mình vào bản tình ca sắc màu giữa đại ngàn hùng vĩ. Nhà Giáng Hương vốn dĩ là một căn nhà gỗ cũ bị bỏ hoang được người chủ cũ tận dụng làm chuồng bò. Chủ nhân hiện tại đã mua lại xác ngôi nhà, tu sửa, làm mới và dựng trở lại ở bên chân ngọn đồi, bên cạnh hồ cá. Nhà Giáng Hương mang vẻ đẹp đơn sơ, xưa cũ của núi rừng và toát ra phong thái trầm mặc của thời gian nên có tên gọi là Giáng Hương – một loài hoa lan rất thơm của rừng Trường Sơn. Phần bên trái ngôi nhà, tựa lưng vào một dãy cà phê cổ thụ, phần bên phải với view suối, phần trước mặt có hồ. Căn nhà có dãy hành lang bên ngoài, trang bị thêm lò sưởi bên trong, phục vụ đầy đủ cho bạn trải nghiệm tốt nhất khi đến đây. Nhà Hoàng Hậu: Cái tên nhà Hoàng Hầu bắt nguồn từ vị trí đắc địa của nó, nằm giữa trung tâm ngọn đồi, và Hoàng Hầu là tên của loài lan đẹp nhất họ Phong Lan. Căn nhà với diện tích 96m2 được xây dựng hoàn tất chỉ trong 12 ngày bằng kĩ thuật lắp ghép các tấm vách được sản xuất trước đó. Vật liệu gỗ dựng vách lấy từ gỗ thông tận dụng từ một căn nhà cũ. Ngay cả cách gọi tên 5 Mùa cũng quyến rũ du khách. Vùng đất này được gọi là một “tiểu Đà Lạt” ở miền Trung. Ngoài bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của đất trời thì ông Thông gửi vào cái tên này thêm một mùa - đó là mùa của tâm trạng, của cảm xúc. Và ông đã tạo ra được một điều đặc biệt ngay từ những thứ rất bình thường.
Quảng Trị 558 lượt xem Từ tháng 03 đến tháng 08
Ngày cập nhật : 10/12/2024