Trong nắng sớm, những vườn lê đơm hoa trắng tinh khôi ở xã Hồng Thái (Na Hang) đẹp tựa dải pha lê khổng lồ làm nao lòng du khách. Tiết xuân ấm áp cũng là dịp vườn lê bung nở hoa rộ nhất, đẹp nhất. Dù thời tiết mờ ảo bởi sương giăng dầy đặc hay trong xanh nắng vàng, được lẫn mình vào những vườn lê tuyệt đẹp ở Hồng Thái đều cho ta cảm giác tuyệt diệu chẳng muốn rời xa. Xưa, cây mận mọc hoang dã trong rừng, quả không to, màu sắc không bắt mắt nhưng ngon bởi vị chua dôn dốt, vỏ giòn và ngọt đậm. Gái Thượng Lâm duyên dáng, dịu dàng, chịu thương chịu khó. Vẻ đẹp thiên phú của người con gái Tày và đôi tay cán bông xe sợi, dệt vải, thêu thổ cẩm đã làm nên nét đẹp văn hóa ngàn đời nay của đồng bào nơi đây. Thật ngạc nhiên, hai vùng đất cách nhau cả trăm cây số, mà câu ca vẫn đưa con người và thiên nhiên đến gần nhau. Câu ca khiến đồng bào thêm tự hào, yêu quý thiên nhiên, con người miền núi xứ Tuyên. Mận và lê đã có từ xa xưa trên đất Hồng Thái, một miền đất nhiều mây trắng, lắm núi cao và lạnh hơn các vùng khác của Tuyên Quang đến vài độ. Cư dân sinh sống trên những triền núi cao, canh tác trên ruộng bậc thang chủ yếu là người Dao Tiền. Ngoài ra còn có đồng bào Mông, Tày. Sức lao động sáng tạo, cần mẫn từ đời này nối tiếp đời khác của họ đã tạc nên bức tranh quê hương miền sơn cước. Bấy lâu nay, quả mận và lê chỉ là thứ ăn chơi, đãi khách, biếu người thân, bạn bè. Rất ít khi là sản phẩm hàng hóa. Cây sống khiêm nhường trên nương đồi hay dốc núi. Xuân về, mỗi cây một dáng vẻ, dâng hiến cho đời mùa hoa trắng muốt, tinh khôi. Hình như chỉ khi cây diện áo mới, người ta mới giật mình nghĩ đến cây, đến vòng quay của tạo hóa. Hơn chục năm trở lại đây, khi du lịch phát triển, lê và mận đã trở thành điểm sáng của vùng đất này. Nhất là khi Ruộng bậc thang Hồng Thái được công nhận là Danh thắng Quốc gia, cây lê đã được bà con chú tâm phát triển, chăm sóc. Những rừng lê vài ha đất tới cả trăm cây được chăm chút, tỉa cành, đầu tư hệ thống tưới nước. Cả một con đường hoa lê, dài tới 6 km, ngót 1.000 cây từ bản Khau Tràng đi thôn Nà Mụ. Mới ngày nào lê được bà con bứng trồng dọc theo con đường bê tông uốn lượn, nay lê đã trổ hoa trắng cả góc trời. Những thân cây, cành lê mốc trắng, xù xì từng mảng địa y cộng sinh, đã nứt ra những chùm nụ bé xinh. Chúng xúm xít, chen chúc bên nhau, lóng lánh tựa chùm xà tích bạc của các thiếu nữ Dao. Muôn hạt mưa li ti, đậu hờ trên cánh mỏng. Mây và sương như dải khăn voan cũng tìm đến đây trú ngụ. Bầu trời trắng đục xà xuống thấp hơn. Chúng mang hơi nước cho cây. Dưới gốc cây, cỏ vừa kịp non xanh. Sắc trắng của hoa, màu xanh của cỏ, dường như chúng đang chạy đua với mùa Xuân. Không ít du khách bất chợt thốt lên câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 là thời tiết đang rộ hoa. Từng cành hoa, chen nối nhau tựa cây cầu màu trắng vắt vẻo giữa không trung. Trên những thảm hoa, những chú ong mê mải kiếm mật, đã vô tình thụ phấn, kết trái cho cây. Khi người làm vườn quét vôi cho từng gốc cây, cây lê lúc này nhìn giống như cô gái Dao chân quấn xà cạp trắng, vừa bước lên từ cánh ruộng Khau Tràng. Đây đó, bên gốc cây lê là những mảng đá mốc meo, rêu mọc xung quanh. Đá đứng, nằm quây quần quanh gốc. Lạ thay, thứ cứng rắn, khô khốc lại hòa quyện cùng với hoa lê tinh khiết, trong ngần. Lang thang quanh bản, chúng ta sẽ gặp những mái ngói âm dương. Nhà người Dao rộng rãi, ấm áp như tấm lòng mình. Những ngôi nhà gần gụi, ở lưng núi, trên độ cao thấp khác nhau, tụ lại thành bản. Đồng bào dùng chung một nguồn nước. Mạch nước từ núi cao, quanh năm tuôn chảy, róc rách về bản, rồi chia đến mọi nhà. Nước tưới mát cho cây vườn, đồng ruộng. Hoa lê thắp sáng trên mái ngói thâm trầm, hay mái ngói làm ngời lên sắc hoa lê?. Trang phục của người Dao Tiền cũng vậy, giữa màu chàm tối, nổi lên điểm sáng của hàng khuy bạc. Thời gian trôi đi, trái lê âm thầm lớn lên, cho đến khi được thu hoạch, lại khiêm tốn trong màu nâu giản dị. Bạn có thể ngược dốc núi để khám phá những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Tuổi cây có đến cả trăm năm. Muốn thu hoạch chè, người dân phải trèo lên cây, vin cành, hái búp. Lớp vỏ ngoài thân cây mốc trắng. Có cây một vòng tay ôm không xuể. Thời tiết lạnh giá, cây chè phải mặc thêm lớp áo ấm, đó là lớp địa y loang lổ. Chè vượt qua sương lạnh, gió rét, để quanh năm cho búp.
Tuyên Quang 1507 lượt xem Tháng 2 đến tháng 3
Ngày cập nhật : 07/03/2023