Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 120km, Đồ Sơn được biết đến với tư cách là một quận của Hải Phòng cũng như là một bán bán đảo nhỏ hẹp dần khi vươn ra biển. Khác với những dải cát trắng của biển miền Trung, Bãi biển Đồ Sơn sở hữu nét đặc trưng của biển Bắc Bộ, đó là màu nước đục cùng cát nâu. Tuy nhiên, vì vị trí gần Hà Nội nên biển Đồ Sơn vẫn luôn là điểm du lịch Hải Phòng lý tưởng của người dân Thủ Đô cũng như các tỉnh gần đó mỗi khi dịp hè đến. Bãi biển Đồ Sơn luôn chào đón bạn ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, bạn nên đến vào đầu năm và mùa hè để tận hưởng trọn vẹn nhất không khí nơi đây. Ngoài biển Đồ Sơn, bạn có thể tham gia vào một số lễ hội truyền thống để khám phá thêm về văn hóa nơi đây như viếng đền Bà Đế, lễ hội đảo Dấu,… Từ ga Hà Nội, ga Long Biên hoặc ga Gia Lâm ( nếu các bạn muốn mang xe máy thì nên đi ga Gia Lâm) đi đến Bãi biển Đồ Sơn mất gần 3 tiếng đồng hồ. Các bạn có thể mua vé trực tiếp tại quầy hoặc mua online trên web của ga, các chuyến tàu tới Hải Phòng trong ngày chạy lúc 6h, 9h17, 15h20 và 18h15. Giá vé tàu khá rẻ chỉ từ 52-85k/lượt tùy loại ghế. Tới Hải Phòng các bạn có thể di chuyển bằng taxi hoặc xe bus tới biển Đồ Sơn. Ngoài phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, Đảo Hòn Dấu còn sở hữu cho mình khu du lịch cực hoành tráng sở hữu bể bơi nhân tạo lớn nhất Châu Á. Bên cạnh đó khu du lịch Hòn Dấu còn có vườn thú, vườn chim và các khu vui chơi hấp dẫn khác. Nếu bạn không thích quá ồn ào, bạn cũng có thể tự tham quan Hòn Dấu, check in cùng bãi đá, hoàng hôn hay ngọn hải đăng đã hơn trăm tuổi ở đây. Cẩm nang du lịch của bạn sẽ thiếu mất một trang khi không thưởng thức hải sản tại Bãi biển Đồ Sơn. Đặc biệt tại khu 2 Đồ Sơn Hải Phòng có các quán ăn, nhà hàng hải sản ven biển để bạn có thể lựa chọn, nào là bề bề, cá mực, tôm,… Ngoài hải sản Đồ Sơn, bạn cũng có thể thưởng thức thêm một số món đặc sản nơi đây như Bánh đa cua Hải Phòng, bánh cuốn nhân tôm, Nem cua bể Hải Phòng,….hoặc cũng có thể mang về những sản vật trứ danh như mắm chắt Bàng La, giò nghé,.. Tuy thuộc hàng “lão làng” trong làng du lịch biển, vậy nhưng Bãi biển Đồ Sơn vẫn mang trong mình những sức hút riêng. Đến với bãi biển Đồ Sơn, vừa được thỏa mình trong làn nước mát, vừa được thưởng thức đặc sản trứ danh, lại vừa khám phá cảnh đẹp, còn gì tuyệt vời hơn thế nữa? Xách ba lô lên và trải nghiệm ngay thôi.
Hải Phòng
Từ tháng 1 đến tháng 12
1357 lượt xem
Vịnh Lan Hạ nằm ở phía Nam của Vịnh Hạ Long và phía Đông của đảo Cát Bà. Tổng diện tích của vịnh khoảng hơn 7.000ha nổi bật với vẻ đẹp kỳ vĩ của khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ dày đặc, mang nhiều hình thù độc đáo. Khác với Vịnh Hạ Long Quảng Ninh, tất cả các đảo ở Vịnh Lan Hạ đều được phủ đầy cây xanh, cho dù chỉ là những hòn đảo vô cùng nhỏ bé. Với vùng khí hậu mát mẻ, trong lành, bạn có thể di du lịch Vịnh Lan Hạ vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Thông thường, với khách du lịch trong nước thì hay đi vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10. Thời tiết lúc này trời nắng đẹp, biển trong xanh, phù hợp cho việc tắm biển thư giãn cũng như chèo thuyền trên vịnh. Còn đối với các du khách nước ngoài thì vịnh Lan Hạ lại trở nên đẹp nhất vào thời điểm tháng 11 đến tháng 3. Để đến vịnh Lan Hạ, các bạn di chuyển tới Bến Bèo từ trung tâm đảo Cát Bà, tại đây mua vé tham quan vịnh rồi thuê tàu đi tới địa điểm du lịch mà bạn muốn. Nếu bạn chỉ đi quanh vịnh, gần bờ và không đi xa thì các bạn nên thuê xuồng máy của người dân địa phương cho tiện. Ngoài ra với các đoàn đi đông, các bạn có thể chủ động thuê tàu ở tại bến. Nếu có ý định nghỉ ngơi ở các khu ngoài vịnh như Cat Ba Sandy Beach, Monkey Island Resort thì các bạn có thể hỏi thuê luôn tàu đi chơi vịnh tại các resort này. Hang Luồn nằm trên đảo Bồ Hòn, bên phải là Cổng Trời, phía trước hang là hòn Con Rùa. Vách đá bao quanh hang dựng đứng sừng sững, nước trong hang bốn mùa trong xanh êm đềm, phẳng lặng. Hang Luồn là địa điểm du lịch vịnh Lan Hạ thu hút du khách không chỉ bởi hình thù độc đáo mà còn bởi cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, hữu tình. Từ bến Bèo, theo hướng ra vịnh Lan Hạ khoảng 15′ là sẽ tới đảo Nam Cát hoang sơ. Nơi đây hấp dẫn khách du lịch bởi chính nét nguyên sơ, chưa có sự can thiệp nhân tạo nhiều. Trên đảo có 3 ngôi nhà sàn lớn bằng gỗ và 6 nhà nghỉ được làm từ tre nứa, khi nghỉ ngơi tại đây bạn sẽ được hòa mình cùng với thiên nhiên và mùi vị vùng biển. Ngoài ra, bãi biển Nam Cát xinh đẹp cũng là nơi để du khách được thoải mái vẫy vùng trong làn nước trong xanh, tha hồ ngắm những đàn cá nhỏ, rặng san hô hay những chùm rong biển. Tại đây có đầy đủ các dịch vụ phục vụ du khách như chèo thuyền Kayak, lặn biển, câu cá… cho tới các hoạt động tập thể như đốt lửa trại, sinh hoạt về đêm. Để đến được đảo Khỉ, khách du lịch sẽ đi thuyền từ Bến Bèo, mất khoảng 10 phút qua làng chài Cái Bèo và một số hòn đảo nhỏ là tới. Trước đây, đảo Khỉ có tên gọi là đảo Cát Dứa vì trên đảo có nhiều cây dứa dại. Hiện nay, tên của đảo được gọi là đảo Khỉ bởi vì trên đảo có khoảng hơn 20 con khỉ do ban quản lý Vườn Quốc Gia Cát Bà mang thả tại đây. Những chú khỉ thân thiện thường xuống bãi tắm chơi đùa với du khách, ăn các thức ăn do du khách cho như chuối, táo, quýt, bánh kẹo… chúng thoải mái chơi đùa, leo trèo tạo ấn tượng đặc biệt cho những ai từng tới đây. Nằm trong phần lặng sóng nhất của Vịnh, nước biển xanh trong cùng phong cảnh hữu tình khiến cho bãi tắm Vạn Bội trở nên nổi tiếng với du khách. Khi đến du lịch Vịnh Lan Hạ, ai cũng sẽ bị hút mắt bởi vẻ đẹp e ấp, kiều diễm như thiếu nữ của thắng cảnh nơi đây. Đây là địa điểm thích hợp cho chèo thuyền kayak cũng như bơi lội. Hải sản ở Vịnh Lan Hạ rất đa dạng và phong phú như cua biển, tu hài, sam biển, tôm hùm, rắn biển… Tuy nhiên những món ngon đặc sản mà bạn nhất định phải thưởng thức khi đến Lan Hạ là sam biển nướng, tôm hùm đút lò sốt trứng, cua rang muối, tu hài nướng, tôm hùm chần rượu vang…
Hải Phòng
Tháng 4 đến tháng 10
1213 lượt xem
Mùa hè chính là thời gian lý tưởng nhất để du lịch Cát Bà. Từ tháng 4 đến tháng 10, trời mát mẻ, thích hợp để nghỉ dưỡng, tắm biển. Mùa cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7. Nếu định ra đảo từ tháng 7 và tháng 8, du khách nên lưu ý xem dự báo thời tiết trước ba đến năm ngày để đảm bảo không có mưa bão. Từ tháng 11 đến tháng 3, hòn đảo khá vắng vẻ. Song thời gian này lý tưởng để khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng. Từ Hà Nội, du khách có thể đi xe riêng đến Hải Phòng, qua cầu vượt biển Tân Vũ đến Phà Gót. Chuyến phà đậu bến Cái Viềng thuộc huyện Cát Hải, đi xe khoảng 20 km nữa sẽ đến trung tâm đảo – thị trấn Cát Bà. Trong đó, chi phí áp dụng cho xe ôtô dưới 9 chỗ gồm cầu đường 210.000 đồng, phà 190.000 đồng. Phí phà cho xe máy 45.000 đồng một xe. Nếu đi xe khách, một vé từ Hà Nội đến bến Phà Gót khoảng 150.000 đồng, rồi sang đảo bằng phà với 12.000 đồng một người. Ngoài ra, du khách có thể chọn các hãng xe tới thẳng trung tâm đảo, với giá 250.000 đồng một người. Cáp treo Cát Hải – Phù Long giúp tiết kiệm thời gian sang đảo, chỉ 10 phút, thay vì 20 - 30 phút đi phà. Qua cầu Tân Vũ về hướng Phà Gót, du khách vào ga cáp treo Cát Hải theo bảng chỉ dẫn bên đường. Giá vé cáp treo khứ hồi là 200.000 đồng một người, người có hộ khẩu Hải Phòng là 150.000 đồng. Tại ga có bãi gửi xe. Cáp treo hoạt động 9h – 16h ngày thường, 9h – 17h cuối tuần. Trên đảo có dịch vụ thuê xe máy, khoảng 40.000 đồng một giờ và 200.000 đồng một ngày. Taxi từ trung tâm Cát Bà có dịch vụ chạy theo tuyến tham quan, giá 200.000 – 500.000 đồng cả đi lẫn về. Các địa điểm bạn có thể ghé thăm và vui chơi khi đến Cát Bà bao gồm: Vịnh Lan Hạ, Làng chài cổ Cái Bèo, Đảo Khỉ, Vườn Quốc gia Cát Bà, Hang Quân Y, Động Trung Trang, Pháo đài Thần công, Các bãi tắm đẹp trên đảo Cát Bà. Ẩm thực ở vùng vịnh chủ yếu là hải sản. Du khách rỉ tai nhau các đặc sản như sam biển, tu hài, cá song, tôm hùm, bề bề, rắn biển, các loại ốc, bún tôm... Ngoài ra, hải sản có thể mua về làm quà, với mức giá tham khảo khoảng 500.000 – 700.000 đồng một đôi sam, 200.000 – 250.000 đồng một kg tu hài, tôm hùm từ 600.000 đồng đến 1,8 triệu đồng một kg... Thưởng thức ẩm thực, du khách có thể đến chợ Cát Bà, ở đây có nhiều quán ăn theo suất hoặc buffet. Ngoài ra, quán lẩu nướng Thúy Anh, đường Cái Bèo là một trong những quán ăn được nhiều du khách lựa chọn. Giá trung bình 200.000 đồng một người. Không nên tắm biển sau 18h vì thủy triều lên cao. Nên di chuyển bằng cáp treo vào cuối tuần vì bến phà Gót thường quá tải. Các tour khám phá vịnh có thể bớt một vài điểm như bãi tắm, đảo nhỏ do nước dâng cao. Trước khi mua sắm, ăn uống, du khách hãy hỏi giá.
Hải Phòng
Từ tháng 4 đến tháng 10
1633 lượt xem
Quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng của nước ta, có quy mô bề thế với phong cảnh sơn thủy hữu tình thu hút khách du lịch đến tham quan hàng năm. Khu di tích bao gồm các di tích lịch sử gắn liền với chiến công lừng lẫy 3 lần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên lừng lẫy của quân dân nhà Trần ở thế kỷ XIII và cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Khu di tích Côn Sơn nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân cùng với núi non, chùa tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử. Chùa Côn Sơn (tục gọi là chùa Hun) tọa lạc dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là Thiên Tư Phúc Tự nghĩa là chùa được trời ban cho phúc lành. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm bên cạnh chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Trải qua những biến thiên của lịch sử, Chùa Côn Sơn ngày nay bị thu nhỏ lại so với kiến trúc thời Lê, bao gồm các công trình như Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Ghé vãn cảnh chùa Côn Sơn, ngoài các công trình kiến trúc đặc sắc, du khách sẽ còn có cơ hội tìm hiểu về giếng Ngọc. Giếng Ngọc tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân, trên đường lên Bàn Cờ Tiên, phía sau là Đăng Minh bảo tháp – nơi đặt xá lị Huyền Quang tôn giả. Nằm ở vị trí cao hơn mái ngói chùa Côn Sơn nhưng mùa nào giếng Ngọc cũng luôn đầy nước. Người xưa quan niệm rằng giếng Ngọc là huyệt mạch của núi Côn Sơn và chính là mắt của Kỳ Lân. Đây không chỉ là nguồn nước quý của di tích mà còn là một điểm tham quan mang nhiều giá trị tâm linh. Từ giếng Ngọc, bạn men theo các bậc đá leo lên đỉnh Côn Sơn có đặt Bàn Cờ Tiên – nơi Nguyễn Trãi cũng các bậc tiền nhân dừng chân chơi cờ. Từ đỉnh Côn Sơn, một vùng núi non hùng vĩ thu gọn lại trong tầm mắt người lữ hành. Năm 1330, Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang mở rộng chùa, lập ra Cửu phẩm Liên Hoa. Năm 2017, công trình này đã được tôn tạo thành công tạo nên điểm nhấn kiến trúc trong cảnh quan thanh tịnh, linh thiêng của chốn Côn Sơn. Tòa Cửu phẩm Liên Hoa gồm cây Phẩm 9 tầng và nhà Phẩm. Nhà Phẩm được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, gỗ vàng tâm, đá xanh Thanh Hóa, ngói mũi hài phục chế và hàng nghìn viên gạch Bát Tràng. Với kết cấu 3 tầng, 12 mái, cả công trình tựa như một bông sen thanh thoát với 3 lớp cánh hoa mãn khai. Còn tòa tháp Cửu phẩm Liên Hoa hình bát giác 9 tầng cao 10.3 m với những chi tiết chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Tất cả tạo nên một công trình nghệ thuật sáng tạo độc đáo của Phật giáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Điểm nổi bật trong khu di tích danh thắng Côn Sơn đó là đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi có tên chữ là “Ức Trai linh từ”. Ngôi đền tọa lạc dưới chân núi Ngũ Nhạc, Kỳ Lân, tựa lưng vào Tổ Sơn tạo thành thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Đền bao gồm các công trình như đền Chính, Tả vu, Hữu vu, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại, cầu Thấu Ngọc, miếu Giải oan,… mang đậm phong cách kiến trúc thời hậu Lê. Quanh đền là dòng suối Côn Sơn ngày đêm chảy rì rầm như tiếng đàn cầm vang vọng giữa núi rừng xanh ngắt đã đi vào thơ ca, sử sách. Đặc biệt, ở Hậu cung của đền Chính có đặt bức tượng đồng Nguyễn Trãi cao 1.4m, nặng 600kg và tượng song thân phụ mẫu của ngài. Đền thờ Nguyễn Trãi chính là nơi lưu giữ tâm hồn, cốt cách, tài đức lớn lao của vị Danh nhân văn hóa thế giới này. Đền Kiếp Bạc cách khu di tích Côn Sơn khoảng 5km là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc là do đền tọa lạc trên một thung lũng giao giữa hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đền Kiếp Bạc có địa thế vô cùng thuận lợi nhìn ra con sông Thương, sau lưng là núi Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào là nơi tụ khí để gây dựng cơ nghiệp. Đền bao gồm các công trình Tam quan, giếng Ngọc, các tòa điện thờ Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão, công chúa Thiên Thành – phu nhân Hưng Đạo Vương và hai con gái Nhị vị Vương cô. Hiện đền có lưu giữ 7 pho tượng đồng mang giá trị văn hóa, tâm linh lớn.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1095 lượt xem
Đến với vùng đất Hải Dương, ngoài thăm quan các danh lam thắng cảnh, thưởng thức các sản vật địa phương thì du khách chắc chắn khó lòng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm các làng nghề truyền thống đặc biệt là điểm đến mang nét đẹp văn hóa Bắc Bộ đặc trưng như làng rối nước Thanh Hải. Nơi đây là cái nôi của bộ môn nghệ thuật múa rối của Việt Nam với tuổi đời hàng trăm năm, Trải qua bao biến thiên của lịch sử, các thế hệ của làng Thanh Hải vẫn đang miệt mài đam mê và giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật tuyệt vời này. Làng rối nước Thanh Hải hay còn gọi là phường rối nước Thanh Hải nằm ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương, địa danh này được coi là nơi khởi nguồn của bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam này. Theo các bậc cao niên thì làng rối nước Thanh Hải đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm từ thời nhà Lý. Hầu hết các nghệ nhân của làng rối nước này đều xuất thân từ nông dân, quanh năm quen với việc đồng áng, chân lấm tay bùn. Thế nhưng với tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật truyền thống cho cha ông để lại, họ vẫn thường xuyên tập luyện và biểu diễn dù vẫn canh cánh nỗi lo cơm áo hằng ngày. Điểm độc đáo ở làng rối nước Thanh Hải đó chính là những tích trò biểu diễn đều do các trưởng phường hoặc các phường viên nghĩ ra, đa số là nội dung về tình yêu quê hương đất nước, những hoạt động đời thường, nét văn hóa, phong tục truyền thống, tập quán thờ thần thánh, răn dạy người ta biết sống theo điều hay lẽ phải. Hiện tại ở làng rối nước Thanh Hải có câu lạc bộ hoạt động với 36 người, trong đó có nhiều người thường xuyên đi biểu diễn rối nước ở các tỉnh/ thành trong cả nước. Rối nước Thanh Hải thậm chí đã xuất hiện ở nhiều sự kiện, cuộc thi lớn như liên hoan múa rối tại Huế liên hoan múa rối tại Hà Nội, Festival tuần Văn hóa Huế, lễ hội đền Hùng, các lễ hội lớn nhỏ ở trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong đó ở nhiều cuộc thi, phường rối làng Thanh Hải đã đạt được giải thưởng lớn. Cũng như những làng quê khác ở Bắc Bộ, làng rối nước Thanh Hải cũng mang vẻ yên bình với vẻ đẹp của mái đình, bến nước. Đến đây điều đầu tiên du khách sẽ được tận hưởng đó chính là khung cảnh tuyệt đẹp, đậm chất quê nơi mang đến cảm giác yên bình, thư thái. Đặc biệt vẻ đẹp của làng quê này trở nên nổi bật hơn với nghệ thuật rối nước truyền thống. Thăm quan làng Thanh Hải, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống tứ danh này. Các nghệ nhân cho biết, khâu quan trọng đầu tiên trong nghệ thuật rối nước ở làng Thanh Hải chính là chế tác được các con trò sao cho có thể quay người và quay cổ một cách uyển chuyển. Con trò được làm từ gỗ sung và được đục, đẽo với những đường nét cách điệu theo từng nhân vật rồi đánh bóng, vẽ, sơn… Con rối thường sẽ có hai phần là phần thân nổi trên mặt nước và phần đế là nơi lắp máy điều khiển chìm dưới nước. Khi trình diễn các nghệ nhân sẽ nắn và điều khiển hoạt động của rối cho khớp với nhạc, lời ca, trống… Ghé thăm làng rối nước Thanh Hải bạn cũng đừng quên chiêm ngưỡng thủy đình, đây là nơi được dựng giữa ao, tượng trưng cho mái đình của nông thôn Việt. Nếu đến làng vào đúng các dịp lễ hội, cuối năm hoặc đầu năm du khách sẽ được thưởng thức những màn trình diễn rối nước đỉnh cao của các nghệ nhân trong làng. Được tận mắt thưởng thức những màn trình diễn độc đáo, bạn mới thấy hết được nét tài hoa của các nghệ nhân và cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật này. Sau khi ghé thăm làng rối nước Thanh Hải bạn cũng đừng quên ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng khác cũng nằm trong khu vực huyện Thanh Hà như chùa Bạch Hào, chùa Động Ngọ, Khu du lịch sinh thái sông Hương để có hành trình vi vu thật trọn vẹn.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1257 lượt xem
Động Kính Chủ nằm ở sườn dãy núi đá vôi có tên Dương Nham, Bổ Đà hoặc Xuyến Châu. Đó là dãy núi nằm trên bờ sông Kinh Thầy, duyên dáng soi bóng mình xuống dòng nước. Cửa động quay hướng Nam đón gió mùa hè mát rượi. Đứng ở đây, du khách có thể nhìn thấy núi chợ Trời và Tháp Bút- hai ngọn cao nhất của dãy núi đồ sộ này; thấy cả đỉnh An Phụ nơi có đền thờ Trần Liễu và chùa Cao; thấy ruộng đồng, làng xóm và xa xa là thị trấn Kinh Môn sầm uất. Nhưng khi vào trong động, du khách còn ngỡ ngàng trước bàn tay đẽo gọt khéo léo của tạo hóa để tạo ra hai vòm hang hình quả chuông, cao hun hút. Sâu vào trong là dòng suối nước trong vắt và mát lạnh. Suối chảy tới đâu chưa ai biết. Vòm động từng là nơi sinh sống của bày dơi quạ hàng mấy ngàn con, cứ chập tối là đập cánh vù vù, túa ra khỏi hang đi kiếm ăn. Đây cũng là nơi sơ tán của nhà máy đóng tàu Hải Phòng thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong động có chùa thờ Phật và thờ vua Lý Thần Tông. Một nhánh của động cửa quay hướng Tây, nằm thấp hơn, dẫn du khách vào với cung thờ Mẫu Tam Phủ. Nét độc đáo nhất ở Động Kính Chủ là Bảo vật quốc gia- hệ thống bia ma nhai. Tất cả bia ở đây được khắc ngay vào vách đá với 54 tấm bia, là số bia có nhiều nhất trong các hang động ở Việt Nam. Có bia ở thấp. Có bia ở cao. Lại có bia chót vót trên vòm động. Các văn bia này đến nay nét chữ vẫn còn nguyên vẹn vì không bị mưa nắng bào mòn. Hơn 50 văn bia nói trên có niên đại chính xác từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX. Tác giả của những văn bia cũng thật đa dạng: từ nhà Vua đến quan Đại Thần; từ quan Phủ, quan huyện đến du sĩ, giáo học cho đến chức dịch địa phương. Nội dung bia rất phong phú: bia ghi việc trùng tu chùa Dương Nham ở trong động. Bia ghi việc xây tam quan, tạc tượng đá, bắc cầu vào cổng chùa, bia ghi tên các vị đỗ đạt của cả huyện từ đời Trần đến đầu thế kỷ 17. Đặc biệt là có gần 20 bia khắc thơ. Có bài thơ hoàn chỉnh. Có bài thơ là bài minh cho văn bia. Về ký tự thì các văn bia này nhiều bia chữ Hán. Một số bia chữ Nôm, một số là chữ quốc ngữ. Tất cả đều do bàn tay tài hoa của người thợ đá sở tại (thôn Dương Nham) chạm khắc. Những nét chữ rất nhỏ, mềm mại, sắc cạnh; Những họa tiết trang trí như rồng uốn, hoa leo, chim đậu cùng các đường triện phức tạp và tinh xảo khiến ta ngạc nhiên và vô cùng thán phục. Các bài thơ khắc trên vách đá trong động hầu hết là thơ vịnh cảnh và bày tỏ cảm xúc của mình với đất nước, với quê hương. Ngay vách đá cửa động là tấm bia khắc bút của vị quan Đại Thần đời Trần: Phạm Sư Mạnh. Cụ quê ngay xã Hiệp Thạch cùng tổng Dương Nham. Nhân chuyến đi duyệt quân các lộ, cụ đã chọn Động Kính Chủ làm nơi ở và đọc sách. Cảm xúc trước cảnh đẹp của quê hương, cụ đã làm bài thơ ngũ ngôn, có 18 câu. Chính tay cụ viết lên vách đá rồi cho thợ đục theo nét bút. Giọng thơ hào sảng gợi lại không khí hào hùng của một thời ông cha ta đánh giặc trên sông Bạch Đằng: Bạch Đằng sóng cuồn cuộn/ Tưởng tượng thuyền vua Ngô/.../ Mặt bể ngàn chiến hạm/ Cửa non vạn bóng cờ Vào trong động, nhìn lên đỉnh động là bài thơ của vua Lê Thánh Tông, một vị minh vương giỏi cả văn lẫn võ, người đã minh oan cho Nguyễn Trãi, Người sáng lập Hội Tao đàn. Bài thơ gồm 22 câu theo thể thất ngôn, không chỉ ca ngợi sông núi Kính chủ Ngoảnh nhìn tám hướng mênh mông thế/ Trời xanh bất tận núi muôn nơi mà còn bộc lộ tư tưởng thiền, tâm thiền mang đầy tính nhân văn của Người. Những người yêu thơ văn không thể không say sưa với mấy bài thơ vừa khắc chữ Hán, chữ Nôm, vừa khắc ngữ Quốc ngữ. Hay những bài thơ xuất hiện đầu thế kỷ XX (trước Cách mạng tháng Tám) của Du sĩ Trần Hữu Đáp, Trần Quốc Trinh, của ông quan thượng thư đã hưu trí Nguyễn Văn Đào. Ở những bài thơ này, bên những câu thơ ca ngợi cảnh đẹp Kính chủ: Dương Nham một thú yên hà/ Ấy là Làng Uyển hay là Bồng Lai khiến du khách đứng trước Tranh Lục động, cảnh ngàn thu đều có cảm giác Bụi trần cũng sạch, phúc tu cũng dầy (thơ Trần Hữu Đáp), ta còn gặp những câu thơ ẩn ý sâu xa chứa đựng nỗi niềm về thời cuộc mà vì lí do nào đó không tiện nói ra: Kính Chủ là đây hỏi chủ đâu? là câu thơ mở đầu. Câu thứ tám, kết bài Cảnh vẫn bền nguyên, dạ khác nhau. Đặt bài thơ vào năm 1935- năm ra đời của bài thơ ta có thể hiểu được phần nào những điều Trần Quốc Trinh muốn gửi gắm. Sang bài thơ của cụ Nguyễn Văn Đào, quan Thượng Thư đã về hưu ta cũng gặp những câu thơ đầy ám ảnh Tang thương mấy mặt vòng trần thế/ Sinh sự làm chi hỡi hóa công. Bài thơ cụ làm trước Cách mạng tháng Tám 6 năm. Đất nước lúc ấy như thế nào? Dân tình lúc ấy ra sao? Trả lời hai câu hỏi trên là ta hiểu cụ muốn nói gì. Với hơn 20 bài thơ khắc trên đá và nhiều dấu tích lịch sử, nhiều di tích, cảnh quan đẹp, quần thể di tích An Phụ- Kính Chủ- Nhẫm Dương có thể nói là điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay việc kết nối điểm du lịch này với các điểm đến khác của tỉnh Hải Dương và các tỉnh/ thành lân cận chưa hiệu quả. Có lẽ, muốn di tích này thu hút được nhiều khách du lịch, ngành Du lịch tỉnh Hải Dương và huyện Kinh Môn cần tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn gắn với Động Kính Chủ và cụm di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời có những bài thuyết minh đặc sắc cho điểm đến; đẩy mạnh việc quảng bá văn hoá, xúc tiến du lịch huyện Kinh Môn.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1113 lượt xem
Là mảnh đất gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và đặc biệt là người anh hùng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, Côn Sơn đã hội tụ được các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo và thắng cảnh như Côn Sơn. Chùa Côn Sơn thuộc xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là một di tích lịch sử văn hoá và danh thắng nổi tiếng đất nước, được trùng tu xây dựng tôn tạo năm 1304. Ngay từ thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Đây là một vùng núi đất và sỏi kết, cao xấp xỉ 200m, rộng trên 1km2 với phong cảnh u tịch, điển hình là rừng thông mã vĩ. Từ cảnh quan tự nhiên đã được tôn tạo thành thắng cảnh. Đến với Côn Sơn du khách có thể thưởng ngoạn nhiều giờ, với nhiều di tích khác nhau, trong quần thể di tích Côn Sơn, Quý khách có thể thăm: Chùa Côn Sơn, Giếng Ngọc, Thạch bàn, Am Bạch Vân (có sự tích Bàn cờ tiên), Đền thờ Nguyễn Trãi, rừng thông bạt ngàn. Chùa Côn Sơn ngụ dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun. Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ. Trải qua biến thiên về lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. Kiến trúc chùa được xây theo kiểu chữ công bao gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện, nhà thờ Tổ. Thượng điện là nối là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang), tượng ông bà Trần Nguyên Đán, hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Sân chùa có 4 nhà bia. Sân chùa có cây đại 600 tuổi, 4 nhà bia, đặc biệt là bia "Thanh Hư động" có từ thời Long Khánh (1373-1377) với nét chữ của vua Trần Duệ Tông và bia hình lục lăng. Tọa lạc bên sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp là Giếng Ngọc. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa. Từ chùa Côn Sơn leo khoảng 600 bậc đá là đến đỉnh núi Côn Sơn (cao 200m). Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, tại đây có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay Bàn Cờ Tiên có dựng nhà bia theo kiểu Vọng Lâu đình, hai tầng cổ các tám mái. Đứng từ đây, du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Từ chân núi đi theo lối mòn có kê đá xuống phía chân núi có một tảng đá lớn, mặt phẳng và nhẵn nằm kề ven suối gọi là Thạch Bàn lớn. Tương truyền khi xưa Nguyễn Trãi lấy làm "chiếu thảm" nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước. Tại đây, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt, đều để lại dấu ấn qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối… Hàng năm, lễ hội chùa Côn Sơn được cộng đồng cư dân phường Cộng Hòa, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương cùng với Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, từ ngày 15 đến ngày 22.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1188 lượt xem
Đảo Cò Chi Lăng Nam là một khu du lịch sinh thái nổi tiếng ở Hải Dương. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên rộng mở, thoáng đãng, bình yên đậm chất nông thôn Bắc Bộ. Đến với Đảo cò Chi Lăng Nam du khách sẽ được ngồi thuyền thưởng ngoạn cảnh sắc cực kỳ ấn tượng. Một hòn đảo nhỏ nằm giữa mặt hồ mênh mông nước. Từng đàn cò trắng bay rợp trời ríu rít gọi nhau về tổ. Hồ nước rộng thênh thang xanh mát, trên đảo cò đậu san sát trên cây nhìn như những bông hoa trắng nổi bật trên cụm cây xanh tốt. Tất cả tạo nên một không gian vô cùng tuyệt vời để mỗi du khách sau khi thưởng ngoạn sẽ cảm thấy thêm quý, thêm yêu cuộc sống tươi đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Đảo cò Chi Lăng Nam trực thuộc thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Khu du lịch sinh thái Đảo cò cách thành phố Hải Dương tầm 30 km, cách thủ đô Hà Nội hơn 60 km về phía Nam. Người dân trong vùng các thế hệ truyền lại rằng vùng hồ An Dương ngày xưa từng là cánh đồng chiêm trũng ở giữa có một gò đất nổi lên cao. Vào khoảng thế kỉ XV một trận đại hồng thủy đã làm vỡ đê sông Luộc nước tràn vào ngập trắng cả một vùng. Quanh gò đất cao giữa cánh đồng trũng xuất hiện những xoáy nước khổng lồ rồi tạo thành một hồ nước lớn. Đất lành chim đậu dần dần hòn đảo trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm, hàng nghìn con cò. Nhận thấy đây là cảnh quan thiên nhiên "độc nhất vô nhị" chính quyền địa phương và nhân dân huyện Chi Lăng Nam đã quyết định đề xuất xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên. Từ đây Đảo cò Chi Lăng Nam ra đời và dần trở thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Có tổng diện tích là 31,673 ha Khu sinh thái Đảo cò Chi Lăng Nam có hệ sinh thái động thực vật vô cùng đa dạng với hơn 170 loài ở cả trên đảo và dưới lòng hồ. Đảo cò là nơi trú ngụ của rất nhiều loài cò, vạc, chim nước quý. Các loài vạc như vạc lưng xanh, vạc xám, vạc sao...Các loài chim nước như iệc xám, chim bói cá, chim trả, cú mèo, cuốc, bồng chanh...Và đặc biệt không thể kể đến cơ man các loại cò như cò ghềnh, cò trắng, cò bợ, cò lửa, có diệc, cò ruồi. Hiện nay ở Đảo cò Chi Lăng Nam thường có khoảng 16.000 con cò và 6.000 con vạc sinh sống. Đảo là nơi trú ngụ của họ nhà cò vạc còn dưới hồ An Dương sâu và rộng lại là nơi sinh sống của rất nhiều loại cá quý như cá vược, cá chạch, cá bơn, cá nheo, cá chép, cá quả...hay các loại ba ba, rùa, tôm, cua...
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1121 lượt xem
Cách thành phố Hải Dương khoảng 40km về phía Đông Bắc, có một ngôi đền thiêng thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Di tích đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt nhưng chưa được nhiều người biết tới. Quần thể di tích Đền Cao An Phụ, tục được gọi là Đền Cao, nằm ở xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là điểm đến tâm linh và văn hóa đầy hấp dẫn. Đền có tên tự là “An Phụ Sơn Từ”, tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ với chiều dài 17 km, cao 246m. Phía Đông Bắc nhìn về dãy Yên Tử sừng sững, phía Tây Bắc là Động Kính Chủ được mệnh danh là “Nam Thiên đệ lục động” có dòng sông Kinh Thầy uốn lượn sát chân núi, phía Tây Nam là miền châu thổ mênh mông. Nơi đây phong thủy hữu tình, là một cảnh đẹp đáng du ngoạn. Trần Liễu sinh năm Kiến Gia thứ nhất (1211) là anh ruột của Trần Cảnh - vị vua đầu tiên triều Trần. Năm 1237 triều đình cắt đất An Phụ, An Sinh, An Dưỡng, An Hưng, An Bang cho Trần Liễu làm thái ấp và lấy tên đất phong vương cho ông là: An Sinh Vương Trần Liễu. Ông cùng phu nhân Thiên Đạo Quốc Mẫu đã góp phần tạo nên thiên tài Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người con trung hiếu, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn có công lao to lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. An Sinh Vương Trần Liễu mất vào mồng 1 tháng 4 năm 1251. Sau khi ông mất, người dân lập đền thờ trên đỉnh núi An Phụ, từ đó ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội đền cao An Phụ, nhân dân khắp nơi về làm lễ dâng hương tri ân công đức. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh, gồm có tiền tế, trung từ và hậu cung. Hậu cung có thờ tượng Trần Liễu và 2 cháu nội Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô là 2 con gái của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nổi tiếng linh thiêng. Tại Quần thể di tích An Phụ còn có chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là Chùa Cao, được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII, dưới triều Trần. Trước chùa có 2 cây đại trên 700 năm tuổi như một nhân chứng lịch sử chứng kiến những biến thiên trên đỉnh núi này. Trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, ngôi chùa đã bị tàn phá nặng nề và được trùng tu nhiều lần. Ngày nay, chùa Tường Vân cùng với nhà mẫu, lầu cô và một số hạng mục khác tại An Phụ đã được tôn tạo khang trang. Năm 1992, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh Đền Cao An Phụ đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia. Ngày 22/12/2016, khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương của huyện Kinh Môn đã được nhà nước xếp hạng quần thể di tích quốc gia đặc biệt, là di tích thứ 2 của Hải Dương được công nhận sau Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1204 lượt xem
Đền Kiếp Bạc cách thủ đô Hà Nội khoảng hơn 70km về phía Đông Bắc, thuộc quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc. Nơi đây lưu giữ rất nhiều hiện vật, công trình, câu chuyện liên quan đến cuộc kháng chiến nhà Trần chống quân Mông Nguyên vào thế kỷ XIII và cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV. Hành trình tham quan đền Kiếp Bạc nói riêng và Côn Sơn - Kiếp Bạc nói chung sẽ là chuyến đi về nguồn vô cùng ý nghĩa. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội hiểu hơn về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp những vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, lắng nghe những câu chuyện gắn liền với hành trình hàng ngàn năm bảo vệ dân tộc đầy gian nan. Ngoài ra, đền Kiếp Bạc còn là nơi lưu giữ và trưng bày rất nhiều những món cổ vật quan trọng của đất nước liên quan đến cuộc đời Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Vì vậy, Chính phủ đã công nhận Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là Di tích Quốc gia đặc biệt, mở cửa đón khách đến tham quan để hiểu hơn văn hóa, lịch sử nước nhà. Từ trung tâm thủ đô Hà Nội đến Kiếp Bạc khoảng 70km nên di chuyển bằng phương tiện tự lái được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đi xe máy hoặc ô tô thì sẽ mất khoảng 2 giờ chi chuyển thẳng theo hướng Quốc lộ 1A. Khi đến thành phố Bắc Ninh thì bạn tra cứu thêm GoogleMap để tới đền Kiếp Bạc. Nếu không tự tin với tay lái, muốn chọn phương thức di chuyển an toàn hơn thì bạn có thể cân nhắc mua vé xe khách. Bạn nên mua vé từ bến Mỹ Đình về Quảng Ninh, nói với tài xế cho xuống tại ngã 3 Sao Đỏ, Chí Linh, cách khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc khoảng 5km. Sau đó, bạn bắt xe ôm hoặc taxi để đến đây. Còn với các bạn từ miền Trung và miền Nam thì có thể cân nhắc chọn bay ra Hà Nội du lịch Thủ đô, sau đó dành thêm một ngày thuê xe máy lên khám phá quần thể di tích nổi tiếng này. Đền Kiếp Bạc là công trình toạ lạc tại vị trí trung tâm của thung lũng Kiếp Bạc. Xung quanh đền là cánh rừng rộng lớn, không gian rất yên tĩnh, tịch mịch. Công trình này được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV, trải qua nhiều lần trùng tu vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc truyền thống cùng những dấu vết rõ nét của thời gian. Đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, khuôn viên rộng đến 13.5 km2. Nơi đây đang lưu giữ 7 pho tượng được đúc bằng đồng là tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai người con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào và Bắc Đẩu. Ngoài ra, khuôn viên đền còn bao gồm nhiều hạng mục công trình đặc biệt như đường thần đạo, trạm hạ mã, tả hữu canh gác… Bên trong các gian điện thờ được trang trí rất cầu kỳ, tinh xảo, đúng chất kiến trúc đền chùa xưa. Đi dạo một vòng khuôn viên đền, bạn sẽ cảm thấy rất thư thái, thoải mái vì không gian ở đây cực kỳ trong lành, mát mẻ, yên tĩnh. Người dân tại Chí Linh, Hải Dương rất tôn thờ và biết ơn công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với dân tộc. Vì vậy, đền vẫn luôn được hương khói đầy đủ trong suốt hơn 7 thế kỷ từ khi được xây dựng. Ngày nay, có nhiều khách phương xa đổ về đền để thờ cúng, chiêm bái với mong muốn cầu nguyện những điều bình an và may mắn. Lễ hội đền Kiếp Bạc thường được tổ chức vào ngày 15 đến 20 tháng Tám âm lịch hàng năm, là ngày giỗ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội này để tưởng nhớ ngày mất của người anh hùng dân tộc, sự biết ơn đối với những đóng góp của ông trong hành trình bảo vệ đất nước, ba lần đánh đuổi quân Mông Nguyên. Lễ hội được tổ chức cực kỳ long trọng, theo chuẩn nghi lễ xưa. Trong 5 ngày lễ hội sẽ diễn ra các nghi thức như Lễ rước cỗ tiến Thánh, Lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, Lễ cầu an, Lễ ban ấn của Đức Thánh Trần. Phần hội sẽ có hội hoa đăng và các trò chơi dân gian (kéo co, đua thuyền…) để phục du khách gần xa ghé đến.
Hải Dương
Từ tháng 1 đến tháng 12
1094 lượt xem
Chẳng cần phải đến đâu xa, ngay tại Hà Nam cũng có một ngôi chùa thanh tịnh và tuyệt đẹp được nhiều người yêu thích, đó chính là chùa Địa Tạng Phi Lai Tự. Ngôi chùa này còn có những cái tên khác như chùa Phi Lai Địa Tạng hay tên Nôm là chùa Đùng, có lịch sử tồn tại đã hơn 1000 năm tuổi. Hai bên có dãy núi mang hình dạng Tả thanh long, Hữu bạch hổ cùng nhiều vật cổ có giá trị lịch sử thiêng liêng, mang đậm dấu ấn của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vị trí chùa nằm ngay trên một ngọn đồi nhỏ, phía sau có rừng thông xanh và thuộc địa bàn thôn Ninh Trung. Không gian bên trong vô cùng rộng rãi, bằng phẳng với đường dẫn vào khang trang. Những ai mới lần đầu đến đây sẽ phần nào bất ngờ khi sân dẫn vào chùa được trải sỏi trắng thay vì gạch đỏ như nhiều nơi khác. Theo người dân địa phương, ban đầu chùa Đùng được xây dựng từ khoảng TK XI với khoảng hơn 100 gian. Có thời gian vua Trần Nghệ Tông từng chọn nơi đây làm chốn ở ẩn và vua Tự Đức cũng đã từng đến cầu tự. Qua nhiều năm tháng được biết đến như là nơi thờ cúng thì kiến trúc chùa cũng dần hao mòn theo thời gian, cây cối bủa vây làm mọi người lãng quên. Tháng 12/2015 chùa được Đại đức Thích Minh Quang tiếp nhận, tu bổ, xây dựng lại và đổi tên thành như hiện nay. Tên gọi của chùa để chỉ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến hoặc cũng có thể không bao giờ tới nơi này. Nơi hóa đất Phật là nơi Đức Địa Tạng không quay trở lại. Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự sở hữu khung cảnh sơn thủy hữu tình, tựa núi và có ao sen nhỏ xinh trong khuôn viên. Tổng hòa cả quần thể như đang ẩn mình trong khu rừng kỳ vĩ. Ngay trước Tổ đường là 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Ngay 12 vòng tròn ấy có một tấm biển "Khổ hải (biển khổ) vì là biển nên xin hãy đi lên bờ" được đặt, mang thông điệp nhẹ nhàng nhắc nhở hãy đi lên những phiến đá mịn kia, đừng giẫm chân lên sỏi. Sỏi trăng cũng có ý nghĩa thiền định. Đó cũng là lý do khi dạo quanh sân chỉ cần nhìn vào viên sỏi tinh khôi lòng người ta cũng trở nên thanh thoát. Hình ảnh tượng Đức Địa Tạng toát ra vẻ phúc hậu mà uy nghiêm được đặt tại chùa Địa Tạng Phi Lai Tự lấy màu nâu, vàng và trắng chủ đạo. Ở khuôn viên bạn cũng tìm thấy được những vườn trái cây, thảo dược, rau rừng... được người dân và các sư chăm sóc tốt. Dưới chân núi chùa Địa Tạng Phi Lai Tự cũng cho xây dựng một nhà trồng nấm rộng khoảng 20m2 cung cấp lương thực sạch khi nấu lẩu chay hoặc làm ruốc chay. Với những bạn có thú vui đọc sách, nhất là sách nuôi dưỡng tâm hồn thì chùa Địa Tạng Phi Lai Tự chính là thiên đường giữa trần gian với số lượng sách phủ kín cả những bức tường. Ngoài ra khi cần hít thở không khí bạn cũng có thể ngắm nhìn những chậu phong lan nằm ở sau nhà thờ Tổ hoặc đến vườn thiền thưởng trà, nằm võng, ngồi ghế đá ngắm chùa từ trên cao. Đến thăm nơi đây đầu năm bạn sẽ thấy được hình ảnh chùa Địa Tạng Phi Lai Tự được trang hoàng bằng nhiều loại hoa tươi rực rỡ mừng Tết cổ truyền. Ngoài ra từ tháng 9 – tháng 10 âm lịch chùa cũng sẽ tái hiện lại khung cảnh chợ quê cùng nhiều mặt hàng quen thuộc trong ấn tượng khách tham quan. Tháng 6 – tháng 7 là thời điểm mà chùa Địa Tạng Phi Lai Tự tổ chức các khóa tu mùa hè được nhiều gia đình Phật tử yêu thích ghi danh. Đặc biệt hơn, vào 30/7 âm lịch chùa sẽ tổ chức lễ Vu Lan, lễ Vía ngài Địa Tạng Bồ Tát cực kỳ long trọng. Một thời điểm lý tưởng khác lý tưởng để ghé thăm chính là Tết Trung thu 15/8 âm lịch khi chúng ta được thưởng ngoạn trăng tròn và tận hưởng không gian thoáng đãng xung quanh.
Hà Nam
Từ tháng 1 đến tháng 12
1299 lượt xem
Trải qua bao thăng trầm, chùa Phật Quang, một ngôi chùa cổ xưa gần trăm tuổi ở thôn Dư Nhân, đã trải qua nhiều khó khăn. Ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ phục vụ nhu cầu tâm linh của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, do lịch sử dài lâu, nhiều công trình bắt đầu xuống cấp và hư hại. Đối mặt với tình trạng này, Trụ Trì Đại Đức Thích Thiên An quyết định trùng tu toàn bộ không gian chùa. Việc phục dựng chùa Phật Quang chính thức bắt đầu từ năm 2015 với nhiều công trình kiến trúc ấn tượng như hồ cá, giảng đường, lầu trà, hòn non bộ, nhà Tổ, Tam Bảo… trên diện tích rộng hơn 6.000 m2. Diện mạo mới rực rỡ của chùa Phật Quang không chỉ là thành quả của việc trùng tu mà còn là sự góp sức, hỗ trợ tâm huyết của đông đảo Tăng Ni và Phật tử. Hòa thượng Thích Thiên Ân, với chữ thư pháp, tranh vẽ, trang trí cảnh quan chùa, tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo, ấn tượng khiến du khách không khỏi kinh ngạc. Chùa Phật Quang là điểm đến thú vị với kiến trúc tinh tế, với hòn non bộ, hồ cá, và bàn ghế đá đồ sộ. Không gian thoáng đãng của chùa mang đậm đặc nét thiết kế Nhật Bản với chú ý đến từng chi tiết nhỏ, từ bonsai đến chữ thư pháp trên đá. Khám phá ngôi chùa này, du khách sẽ cảm nhận được sự bình yên, quên hết mọi lo âu và áp lực cuộc sống. Du khách không chỉ thưởng thức trà, ngắm hoa, mà còn có cơ hội nghe sư thầy giảng đạo. Chùa mở cửa đón khách và sẵn lòng giải đáp mọi thắc mắc về lịch sử và ý nghĩa của từng cảnh quan trong khuôn viên chùa. Không Chỉ Chiêm Bái, Ngắm Cảnh, Du Khách Còn Có Cơ Hội Thưởng Thức Những Món Đặc Sản Hấp Dẫn Của Hà Nam. Những Món Ngon Như Bánh Chưng Làng Đầm, Cá Kho Làng Vũ Đại, Bánh Cuốn Phủ Lý Sẽ Làm Phong Phú Chuyến Du Lịch Của Bạn
Hà Nam
Từ tháng 1 đến tháng 12
1156 lượt xem
Chùa Tam Chúc thuộc siêu dự án quần thể du lịch tâm mới được hình thành ở Hà Nam. Chùa Tam Chúc cũng được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất thế giới với hệ thống cảnh quan cùng nhiều bảo vật quý hiếm. Mời bạn hãy cùng Vntrip tận mắt tham quan những điều đặc biệt của ngôi chùa hoành tráng này nhé. Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, thuộc tỉnh Hà Nam. Từ đây cách trung tâm Hà Nội mất khoảng 60km. Ngôi chùa này có một vị trí hết sức đặc biệt có thể xem như cầu nối chùa Hương và chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Tọa lạc ở một vị trí vô cùng đắc địa về mặt tâm linh khi phía sau chùa là Thất Tinh còn mặt trước là hồ Lục Nhạc, trong hồ có 6 hòn đảo mà theo tương truyền đây tượng trưng cho 6 chiếc chuông được trời ban. Hiện nay hệ thống giao thông kết nối giữa Hà Nội và Hà Nam hết sức thuận lợi. Chùa Tam Chúc cách chùa Bái Đính khoảng 30Km và cách chùa Hương 4,5Km tạo nên một quần thể “tam giác vàng” trong hoạt động du lịch tâm linh. Toàn bộ đại dự án quần thể khu du lịch Tam Chúc rộng đến 5000 ha, bao gồm nhiều cảnh quan như hồ nước rộng lớn, núi đá, thung lũng tạo nên sự kỳ vĩ, tráng lệ. Công trình chùa Tam Chúc vẫn đang trong quá trình xây dựng và người ta ước tính cần thêm 30 năm nữa để hoàn tất toàn bộ quần thể này. Chùa Tam Chúc được xây dựng trên nền của ngôi chùa cổ trước đó, mà theo các nhà khảo cổ ngôi chùa này đã có niên đại hơn 1000 năm trước. Trải qua thời gian cùng nhiều biến cố lịch sử nơi này chỉ lưu lại những vết tích cổ xưa như cột đá, xà đá, và nhiều hiện vật vùi lấp ngàn năm. Chùa Tam Chúc được xây dựng lại với 12000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật, các tác phẩm này được những người Hồi Giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa đưa sang Việt Nam. Các công trình nổi bật tại quần thể này có thể kể đến là: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế. Đình Tam Chúc là nơi thờ phượng hoàng hậu đời nhà Đinh tên là Dương Thị Nguyệt. Theo sử sách tương truyền Đinh Bộ Lĩnh trước đây trong cuộc chinh chiến dẹp loạn 12 sứ quân đã đến nơi đây chiêu binh mãi mã đến khi chiến thắng trận và lên ngôi hoàng đế đã sai lệnh xây đình thờ tại đây. Quần thể di tích du lịch tâm linh chùa Tam Chúc xứng đáng là một điểm đến hấp dẫn cho các Phật Tử trên khắp thế giới đến hành hương cũng như du khách trong, ngoài nước thưởng ngoạn, chiêm bái cầu may mắn, bình an nhất là dịp các tháng sau Tết Nguyên Đán. Ngôi chùa là sự kết hợp hoàn hảo của nét cổ kính linh thiêng nơi di tích ngàn năm tuổi cùng với cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, bao la. Chùa Tam Chúc hiện tại và trong tương lai chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn và được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển đột phá kinh tế – xã hội cho tỉnh Hà Nam.
Hà Nam
Từ tháng 1 đến tháng 12
1517 lượt xem
Chùa Bà Đanh nằm sát núi Ngọc và được dòng sông Đáy bao quanh ba mặt. Phía bên ngoài chùa giáp với đường đi bộ, cổng tam quan chùa thì gần bờ sông, vì thế tam quan được tôn cao năm bậc và hai đầu xây bít đốc. Tam quan chùa có ba gian, hai tầng, tầng trên có hai lớp mái, lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ hàng lan can và những chấn song con tiện, tầng này sử dụng làm gác chuông, ba gian dưới có cửa gỗ lim. Phía ngoài cửa là hai cột đồng, trên nóc tam quan đắp một đôi rồng chầu. Hai bên cổng chính là cổng nhỏ có tám mái, cửa uốn lượn hình bán nguyệt. Ngày thường, khách ra vào bằng cửa nhỏ, chỉ khi chùa có lễ thì cửa chính mới mở. Chùa Bà Đanh thờ Phật, ngoài Phật còn có tượng Thái Thượng Lão Quân, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và thờ cúng tín ngưỡng Tứ Phủ (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong). Đặc biệt chùa thờ nữ thần Pháp Vũ, là nữ thần gió. Theo truyền thuyết, nữ thần Pháp Vũ linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, mang lại mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu, giúp đời sống người dân sung túc nên chùa có tên Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh. Ở không gian trung tâm chùa là pho tượng Bà Đanh đang ở thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt phúc hậu, hiền từ, đầy nữ tính và gần gũi. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Gần như toàn bộ nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc của ngôi chùa tập trung ở nhà bái đường – nơi hành lễ thường ngày. Nhà bái đường năm gian gỗ lim, đầu hồi bít đốc và cũng đắp nổi hai con rồng. Quan sát từ giữa sân gạch, du khách sẽ thấy được hệ thống tượng đắp nổi “tứ long chầu mặt nguyệt” trên nóc nhà mái đường. Cả bốn con rồng, từ kiểu dáng đến thân hình đều uốn lượn, mắt, râu, vuốt, vây đều rất sinh động, uyển chuyển, mà cũng rất dữ dội, trông như đang vờn nhau, bay lượn trong khoảng không bao la. Rồng ở đây mang màu sắc của thời kỳ nhà Nguyễn. Đầu hai dãy hành lang và liền với nhà bái đường là hai cột trụ cao vút, uy nghi. Trên mỗi cột đều đắp nổi hình tứ linh: long, ly, quy, phượng theo thế đối xứng, hài hoà, cân đối. Từng đường nét đều thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân xưa. Dù đẹp và cổ kính, nhưng chùa Bà Đanh lại được biết đến bởi sự vắng vẻ, hoang vu. Đã có rất nhiều giả thuyết lý giải cho điều này nhưng thuyết phục nhất là chùa rất linh thiêng, người đi đường hoặc người vào lễ bái nếu cười cợt, nói chuyện to, bất kính dù chỉ một câu cũng sẽ bị trừng phạt. Vì thế khách hành hương ngày càng ít ghé thăm ngôi chùa. Một phần nữa, chùa nằm cách xa khu dân cư, quanh đó ít người dân sinh sống. Ba mặt chùa là sông, rừng rậm, cây cối, vì thế rất ít người lai vãng đến chùa chỉ trừ những ngày lễ hội lớn của đạo Phật. Những lý do trên đã khiến chùa đã vắng càng vắng hơn. Ngày nay, chùa được đầu tư xây dựng lại khá khang trang, rộng rãi, khách đến chùa cũng nhiều hơn. Vì thế câu nói xưa giờ đã được cải biên thành: “Ngày xưa vắng ngắt vắng ngơ/ Bây giờ tấp nập như chùa Bà Đanh”. Chùa Bà Đanh hiện đang lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm, nhất là tượng Phật tổ, tượng Bồ Tát, đại tự, khánh đá, câu đối và nhang án…
Hà Nam
Từ tháng 1 đến tháng 12
1144 lượt xem
Tám cảnh thuộc vùng núi của xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) đã từng là nơi chúa Trịnh Sâm cho lập hành cung và được chúa ví với 8 cảnh đẹp nổi tiếng như ở Tiêu Tường (Vân Nam, Trung Quốc). Từ lâu, dãy Bát cảnh sơn (dãy núi có 8 cánh) được coi là một thắng cảnh của trấn Sơn Nam. Theo Lịch triều hiến chương loại chí (phần Dư địa chí) của Phan Huy Chú thì vào thế kỷ thứ XVI, Nghị tổ Trịnh Doanh qua đây chiêm ngưỡng đã ví Bát cảnh sơn với Tiêu Tương bên Trung Quốc và cho lập hành cung để đi về thưởng ngoạn. Xưa kia, ở Bát cảnh sơn có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ đại thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành. Thắng cảnh 1: Ông Chùa Tiên hay còn gọi là chùa Ông. Ông Chùa Tiên (Chùa Ông ) được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông ở trên núi tướng khoảng 200m. Núi chính là bức tường đầu tiên trong hệ thống Bát Cảnh Sơn ở Hà Nam. Chùa có phong cách kiến trúc cực tinh tế với tám trận, bốn góc rồng bởi vậy đây chính là điểm đầu tiên cũng như quan trọng bậc nhất trong thắng cảnh Bát Cảnh Sơn nhé. Thắng cảnh 2: Ông Đền 2. Thắng cảnh này có một hồ nước bán nguyệt lớn xung quanh với những hàng cây xanh thắm. Hồ có diện tích lên tới 320 mẫu quanh năm nước xanh cùng với độ sâu trung bình chừng 5m. Theo tương truyền đây là hồ nước do đền thờ để lại sau một trận lũ lụt. Hiện nay trong hồ có vô số các loài cá mà có thể khai thác được. Đền Ông được xây dựng theo kết cấu tam giác với hàng trăm bức tượng phật uy nghi, tráng lệ tới đây bạn sẽ thấy tâm hồn thêm yên tĩnh, thanh tịnh. Thắng cảnh 4: Chùa Kiều. Chùa Kiều nằm ở độ cao 150m trên ngọn núi cùng tên. Chùa Kiều nằm ở phía Đông Nam với một diện tích lớn. Chùa hiện có 3 tấm bia khắc vào vách đá là một trong những điểm quan trọng của nơi này. Bên cạnh đó ngôi chùa còn gắn liền với những truyền thuyết về ánh trăng. Thắng cảnh 5: chùa Bà. Ngôi chùa trở nên linh thiêng từ khi làng tổ chức rước vong phật Pháp Vũ về thờ. Phật Pháp Vũ thuộc hệ Tứ Pháp chùa Dâu (Bắc Ninh) gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Lịch sử còn ghi lại sự linh ứng mỗi khi các vua thời Lý đến chùa Dâu cầu khấn, từ đó chùa các nơi xin rước Tứ Pháp về thờ”.
Hà Nam
Từ tháng 1 đến tháng 12
1152 lượt xem
Nếu bạn không biết thì kẽm trống hà nam là một trong những thắng cảnh nên thơ, hùng vĩ. Địa danh này gồm cả sông, cả núi, đồng ruộng, cây cỏ bao xung quanh, thêm vào đó là con người tạo dựng thêm những cảnh quan để có một tổng thể khu danh thắng như hiện nay.
Hà Nam
Đang cập nhật
889 lượt xem
Đền Trúc Hà Nam nằm trong khu du lịch Đền Trúc - Ngũ Ðộng Thi Sơn, thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, cách thành phố Phủ Lý hơn 7km theo quốc lộ 21A. Có khá nhiều sự tích về Đền Trúc Hà Nam nhưng theo các cụ già trông coi đền kể lại thì vào năm 1089, trên đường đi chinh phạt phương Nam qua thôn Quyển Sơn, đoàn thuyền chiến của Lý Thường Kiệt bị một cơn gió bất ngờ thổi gãy cột buồm, cuốn lá cờ lên đỉnh núi Cấm. Thấy lạ, ông bèn cùng tướng sĩ dừng lại, sửa soạn lễ tế trời đất, cầu cho quân đại thắng. Và lần ra quân ấy đúng thật thắng lớn, Lý Thường Kiệt đã cùng quân sĩ quay trở lại làm lễ tạ và cho phép mọi người mở hội ăn mừng chiến thắng. Lễ hội kéo dài hằng tháng, không khí tưng bừng, náo nhiệt, thậm chí trong khoảng thời gian đó ông còn dạy cho người dân nơi đây nghề nuôi tằm dệt vải. Sau này để tưởng nhớ công ơn của Lý Thường Kiệt, dân làng đã lập đền thờ ngay tại nơi ông mở hội, chính là Đền Trúc ngày nay nằm sâu bên trong khu rừng bạt ngàn trúc xanh. Đền Trúc ở Hà Nam được thiết kế theo kiểu chữ “Đinh” gồm cổng đền, tiền đường và hậu cung. Cổng đền có 4 cột trụ: 2 cột chính giữa cao trên 6m và 2 cột nhỏ ở hai bên. Tiền đường Đền Trúc chia làm 5 gian và hậu cung có 3 gian đều được xây dựng theo phong cách truyền thống của thế kỷ 17- 19 là lợp ngói nam, xây bằng gạch thất, bắt mạch để trần, hệ thống cửa được chạm trổ theo các đề tài tứ linh, tứ quý... có giá trị nghệ thuật cao. Không chỉ được ngắm cảnh đẹp và tham gia lễ hội, đến với Đền Trúc Hà Nam du khách còn có cơ hội tận mắt nhìn thấy những hiện vật bằng đá từ thời Lý mang đậm dấu ấn lịch sử của một thời hào hùng. Được biết, hiện nay ở Đền Trúc đang lưu giữ 2 cổ vật chưa được nghiên cứu từ thời Lý là đôi rồng và một bể cảnh bằng đá. Đôi rồng không lớn lắm, nằm đối xứng theo chiều dọc, đầu quay vào tòa tiền đường nhưng lại có hình dạng khác nhau. Theo những nhà khảo cổ từng đến đây cho biết, con rồng phía bên phải nhìn từ ngoài vào là rồng thời Lý có hình dáng mềm mại, uyển chuyển; còn con rồng phía bên trái là rồng thời Trần có dáng to khỏe, mập mạp hơn. Còn bể cảnh bằng đá được tạo từ đá nguyên khối, có hình chữ nhật, vuông thành sắc cạnh, đáy bể có diềm hình sóng nước bao quanh, thành bể có họa tiết tứ quý. Mặc dù chưa biết chính xác được niên đại của bể cảnh này song nhìn những chi tiết phủ rêu phong cũng biết bể có từ hàng trăm năm trước.
Hà Nam
Từ tháng 1 đến tháng 12
1078 lượt xem
Đền Trần Thương hiện nay là nơi tôn vinh anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh có công chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Với hơn một thế kỷ tồn tại, đền vẫn giữ nguyên vẻ đẹp từ thuở sơ khai và là biểu tượng lịch sử và niềm tự hào của người dân Hà Nam. Vùng đất Trần Thương được biết đến với câu nói “Cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương” và câu thơ khắc trên bức châm ở đền: “Đất Trần Thương mênh mông phúc lợi, hoa quả rộn ràng mọi mùa xuân.” Trước kia, Trần Thương là trung tâm của 6 con kênh nước. Từ đây, có thể đi ngược dòng sông Hồng về Thăng Long hoặc xuôi ra biển về hướng Đông, chỉ cách đây khoảng 3km là nơi đặt lăng mộ của gia đình nhà Trần. Đền Trần Thương là một trong 3 đền lớn thờ Hưng Đạo Đại Vương trên toàn quốc. Truyền thuyết kể rằng, trên hành trình chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo nhận thấy địa thế tại đây rất hiểm trở, nên ông đã lập 6 kho chứa lương thực để phục vụ cho cuộc chiến. Nơi đây ngày nay đã trở thành địa điểm lưu giữ tinh thần lịch sử và niềm tự hào của người dân Hà Nam. Đền Trần Thương, một công trình kiến trúc uy nghi và cổ kính nằm trên đất thiêng theo kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể cảnh quan đền bao gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng… Kiến trúc và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như hòa mình vào đạo trong không gian văn hóa linh thiêng. Giá trị của đền thể hiện qua trang trí tinh tế với các họa tiết độc đáo: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước mây trời… Tạo nên bức tranh sống động, cổ kính và chứa đựng triết lý dân gian. Bộ sưu tập đồ thờ, cổ thư của đền cũng rất đa dạng, đặc biệt là pho tượng Đức Thánh Trần với gương mặt nghiêm túc nhưng vẫn mang nụ cười dung dưỡng. Với giá trị lịch sử truyền thống, đền Trần Thương tỏa sáng với văn hóa độc đáo. Hàng năm, đền tổ chức 2 lễ hội lớn: lễ phát lương Đức Thánh Trần diễn ra vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng; lễ giỗ từ ngày 18 đến 20 tháng 8 âm lịch thu hút đông đảo người dân và du khách. Trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức, từ lễ rước nước, thi bơi chải trên sông đến “Diễn xướng thanh đồng” - một lễ nghi truyền thống, tất cả đều nhấn mạnh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đền Trần Thương không chỉ là nơi tổ chức các lễ hội, mà còn là nơi gìn giữ ký ức về văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng. Đây là biểu tượng của sự tôn kính đối với những nhân vật thánh thiện cứu quốc, là niềm tự hào của một quốc gia với lòng hiếu kính bất tận.
Hà Nam
Từ tháng 1 đến tháng 12
1127 lượt xem
Đền Lảnh Giang - điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Hà Nam còn được gọi với cái tên thân thuộc là Lảnh Giang linh từ. Cụ thể, ngôi đền này nằm ở thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Địa điểm du lịch này nằm ngay sát chân đê nối liền với Hà Tây cũ, bên bờ hữu của sông Hồng. Đối diện với đền Lảnh Giang là tỉnh Hưng Yên. Do đó, du khách có thể dễ dàng đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau, từ đường bộ cho đến đường thủy. Cũng bởi vị trí này mà nhiều người vẫn hay nhầm lẫn rằng đền Lảnh Giang tọa lạc tại Hưng Yên. Hà Nam là một tỉnh không có sân bay, do đó, để có thể đến được đền Lảnh Giang, du khách có thể săn vé máy bay đi Hà Nội tại Traveloka. Các tính năng Thông báo giá vé, Đổi lịch trình bay và Hoàn tiền của Traveloka sẽ hỗ trợ bạn tối đa trong quá trình đặt vé. Hiện nay, các chuyến bay đến sân bay Nội Bài Hà Nội được khai thác một cách thường xuyên. Do đó, du khách có thể dễ dàng đặt được vé máy bay trong bất cứ khoảng thời gian nào. Sau khi đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài, bạn cần lựa chọn các phương tiện phù hợp tiếp theo để di chuyển đến tỉnh Hà Nam. Đa phần, khách du lịch thường lựa chọn xe buýt 206 hoặc một số hãng xe khách tiêu biểu như Phúc Lộc Thọ, Việt Trung, Thời Đại, Mận Tịnh,... Sau khi đến thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, du khách muốn tham quan đền Lảnh Giang cần di chuyển thêm 8km theo hướng quốc lộ 38 để đến thị trấn Hòa Mạc. Từ đây đi thêm tầm 3, 4 cây số nữa là bạn có thể đến được cầu Yên Lệnh. Tiếp đó, chỉ cần rẽ trái và chạy men theo con đường nằm ngay sát bờ đê sông Hồng là bạn có thể đến được đền Lảnh Giang, Hà Nam. Theo ghi chép từ các tài liệu, cho đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa thể xác định được thời gian mà đền Lảnh Giang được xây dựng. Theo bút tích còn sót lại trên nóc của tòa đệ nhị, rất có thể đền Lảnh Giang được trùng tu vào năm 1944. Trải qua những thăng trầm lịch sử, ngôi đền này vẫn còn giữ nguyên được quy mô bề thế vốn có. Nhiều truyền thuyết đã kể lại rằng, đền Lảnh Giang gắn liền với Tam vị danh thần - con của nàng Quý người trang Hoa Giám. Họ không chỉ có công trong việc giúp vua Hùng chống quân Thục Phán mà còn phù trợ vợ chồng Tiên Dung công chúa. Vì thế, đền Lảnh Giang đã được lập ra để ghi công, tưởng nhớ các vị thần giúp sức vua Hùng giữ nước. Mỗi năm, đền Lảnh Giang sẽ có 2 kỳ lễ hội lớn nhằm bày tỏ lòng tưởng nhớ với các vị thủy thần và cầu mong mưa thuận gió hòa quanh năm để người dân an cư lập nghiệp. Trong đó, lễ hội kỳ 1 sẽ diễn ra vào tháng 6 âm lịch hàng, kéo dài từ mùng 2 đến mùng 5. Lễ hội kỳ 2 sẽ tiếp tục diễn ra vào tháng 8 âm lịch, cụ thể là 20/8. Lễ hội tại đền Lảnh Giang không chỉ quy tụ nhiều nghi thức tế lễ, rước thánh vô cùng linh thiêng và trang trọng mà còn tập trung nhiều trò chơi thú vị, hấp dẫn. Đến Hà Nam vào dịp này, du khách không những có thể chiêm ngưỡng danh thắng và các công trình kiến trúc tâm linh độc đáo tại nơi đây mà còn có thể tìm hiểu thêm về phong tục tập quán cũng như nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Trong năm 1996, đền Lảnh Giang đã chính thức được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng vào di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cùng từ đó, đền trở thành một trong những công trình cần được giữ gìn, bảo vệ và phát triển. Đền Lảnh Giang gồm có 3 tòa nhà với 14 gian cùng nhà khách, lầu thờ được bao quanh bởi những bức tường thành kiên cố. Trong đền có rất nhiều vật dụng giá trị cùng nhiều cổ vật quý và tượng thờ 3 vị thần thời Hùng Vương. Đứng trước đền Lảnh Giang, hẳn rằng du khách sẽ vô cùng ấn tượng với lối kiến trúc đồ sộ và uy nghiêm. Cổng Tam quan được thiết kế theo kiểu chồng diêm tám mái tạo cảm giác thông thoáng, phần đầu đao là hình rồng đẹp mắt đan xen với các họa tiết vô cùng hài hòa. Trước cổng Tam quan là hồ bán nguyệt trong xanh phẳng lặng được tô điểm bởi những đóa hoa súng rực rỡ sắc hương. Theo chân cây cầu nối từ cửa đền đến giữa hồ, du khách sẽ bắt gặp một tòa tháp ẩn hiện trong bóng cây si già, vừa uy nghiêm, cổ kính nhưng cũng vô cùng nên thơ.
Hà Nam
Từ tháng 1 đến tháng 12
1229 lượt xem
Hồ Bán Nguyệt vẫn được xem như trái tim vàng của Hưng Yên. Đây là thắng cảnh mà người dân Hưng Yên nào cũng biết tới. Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên nằm ở trung tâm phố Hiến, nằm giáp đường Bạch Đằng, phía Đông nằm cạnh Bãi Sậy, phía Tây Nam là đê sông Hồng. Từ trung tâm thành phố chỉ cần đi khoảng 1km là tới đây. Du lịch Hưng Yên, ghé thăm hồ Bán Nguyệt, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên yên ả, thanh bình. Tới đây, bạn được hít hà bầu không khí trong trẻo, dường như mọi mệt mỏi, u buồn đều tan biến, chỉ còn những khoảnh khắc yên bình đúng nghĩa của nó. Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên không chỉ mang vẻ đẹp thơ mộng mà còn nằm ngay tại vùng đất linh thiêng, nơi có nhiều đình, miếu, đền, chùa. Trong đó có hai địa điểm tâm linh nổi tiếng nằm ngay tại ven hồ được nhiều du khách ghé thăm là đền Trần và đền Mẫu. Đây là hai địa danh mang nhiều dấu ấn lịch sử, nằm in bóng bên mặt hồ Bán Nguyệt tĩnh lặng. Đúng như cái tên gọi, nhiều người đã có thể hình dung được hình dáng của mặt hồ Bán Nguyệt Hưng Yên. Nơi đây giống như một vầng trăng khuyết ấn tượng. Vẻ đẹp của hồ được hiện lên vừa dân dã mà lại cực sống động trong từng lời hát, câu thơ, trong những tác phẩm nghệ thuật. Đến với hồ Bán Nguyệt, bạn sẽ được thỏa thích tận hưởng bầu không khí bình yên, trong lành rồi đọng trong tâm hồn biết bao cảm xúc khó quên. Hồ Bán Nguyệt chứa trong mình dòng nước lững lờ trôi, không gian yên ả, tĩnh lặng tạo nên khung cảnh nhẹ nhàng, nên thơ. Ban đầu, hồ là một đoạn của sông Hồng sót lại sau khi đổi dòng. Người dân nơi đây ví hồ như mảnh gương của Hằng Nga rớt xuống. Hồ dù không thông với bất cứ đâu nhưng nước trong hồ luôn đầy ắp, trong veo. Một bên là đê sông Hồng cùng với thảm cỏ xanh mướt, một bên là phố phường nhộn nhịp. Nếu bạn đang muốn tìm về một không gian yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên xanh mát ở Hưng Yên thì hồ Bán Nguyệt chính là địa điểm khó có thể bỏ qua. Bao quanh hồ Bán Nguyệt là rất nhiều cây xanh, cây nào cũng vươn mình ra rủ bóng xuống mặt hồ phẳng lặng. Mỗi khi có có gió thoảng qua, các hàng cây đung đưa tạo cho người ta cảm giác mộc mạc, yên bình biết bao. Giữa hồ là cột cờ cao 10m với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, đây được xem là điểm nhấn đặc biệt giữa mặt hồ yên bình. Tham quan hồ Bán Nguyệt, du khách có thể nghỉ ngơi tại các ghế đá, vừa ngắm cảnh, vừa tận hưởng gió mát. Dạo quanh bờ hồ, bạn sẽ được nghe tiếng nước chảy nhè nhẹ, thả hồn vào làn gió đưa, cảnh tượng như một bản nhạc trữ tình. Trong cái nhịp sống hối hả, vội vã của cuộc sống hiện đại thì tới nơi đây, thời gian như được lắng đọng, tâm hồn như nhẹ nhõm hơn. Hồ Bán Nguyệt là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội thường niên của thành phố Hưng Yên. Vào năm 1905, tổng đốc Lê Hoan tổ chức cuộc thi vịnh Kiều tại ngay hồ với sự góp mặt của Nguyễn Khuyến và Chu Mạnh Trinh.Đến thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã cho xây đắp con đường nhỏ từ cửa đền Mẫu sang điếm canh, chia đôi hồ để triển khai các hoạt động chèo thuyền giải trí. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, con đường này bị phá bỏ để trả lại vẻ đẹp nguyên sơ cho hồ.
Hưng Yên
Từ tháng 1 đến tháng 12
1131 lượt xem
Làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km. Năm tháng trôi qua, làng Nôm vẫn là mảnh đất được người dân Hưng Yên trân trọng, gìn giữ. Trước cuộc sống nhộn nhịp, xô bồ, thật khó có nơi nào mà người ta cảm thấy yên bình đến vậy. Những nét đẹp kiến trúc, văn hóa và con người vẫn vẹn nguyên sau hơn 2oo năm biến động. Chính bởi vẻ đẹp “bền vững” đó, du lịch làng Nôm Hưng Yên cũng được nhiều người quan tâm tới. Dời xa phố thị, tới một làng quê nhỏ, bạn sẽ thấy vừa quen và lạ. Quen như ở chính ngôi nhà mình, lạ bởi một miền đất mới. Ở làng Nôm, vẻ đẹp truyền thông dung dị như cây đa, giếng nước, mái đình vẫn được gìn giữ. Qua cánh cổng làng rêu phong, khung cảnh bên trong làng mang đặc trưng của làng quê cổ Việt Nam. Các khu nhà nhỏ nhắn đều nhuốm màu thời gian, hoạt động thường nhật của người dân diễn ra bình lặng, yên ả. Cảm giác vô cùng thoải mái, thư thả. Du lịch Hưng Yên sẽ không trọn vẹn nếu du khách chưa ghé tới làng Nôm. Ngoài việc thưởng thức các món đặc sản Hưng Yên, tới làng Nôm còn là cơ hội cho du khách tìm hiểu về văn hóa con người nơi đây. Qua các kiến trúc và các điểm đến thú vị. Bước qua cánh cổng làng, chợ Nôm là địa điểm mà bạn có được trải nghiệm về chợ quê Việt Nam hoàn hảo nhất. Chợ Nôm trước đây là khu chợ sầm uất nhất vùng Văn Lâm. Khu chợ giản dị, không bê tông cốt thép như các chợ trung tâm thành phố. Một địa điểm hấp dẫn khách tại làng Nôm đó là chùa Nôm. Ngôi chùa còn có tên khác là Linh thông cổ tự. Theo nhiều tài liệu chữ Hán, chùa được xây dựng trên một đồi thông lớn, thời Hậu Lê. Tuy nhiên, qua phân tích các bức tượng đất nung trong chùa, thì nhiều nhà khảo cổ cho rằng ngôi chùa tồn tại khoảng ngàn năm rồi. Chùa Nôm có kiến trúc Á Đông đậm nét, điển hình của chùa cổ Việt Nam. Trong chùa lưu giữ hơn 100 pho tượng đất nung, điêu khắc tinh xảo. Ngôi chùa rất linh thiêng và được người dân làng Nôm trân quý. Những ngôi nhà ở làng Nôm cũng là nơi nhiều du khách tới khám phá. Nhiều ngôi nhà có tuổi đời 200 năm, kiến trúc độc đáo. Nền văn hóa Kinh Bắc chân thực và sống động qua từng nếp nhà.
Hưng Yên
Từ tháng 1 đến tháng 12
1067 lượt xem
Đền được xây dựng trên một khu đất cao, bằng phẳng, hình chữ nhật với diện tích 18.720m². Mặt đền quay hướng chính tây, nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên (làng Ngự Dội, xã Tứ Dân) – nơi mà công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ 18, gặp Chử Đồng Tử và hai người nên duyên vợ chồng. Đền được chia thành ba khu. Khu ngoài có diện tích 7.200m², không có tường bao, kiến trúc duy nhất là nhà bia 2 tầng, 8 mái cong, với cửa trổ ra 4 hướng. Trong nhà bia có bia đá với nội dung nói về thời điểm trùng tu đền Đa Hòa và cuộc nhân duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Từ đây, theo con đường lát gạch rộng 6m với hai bên đường là hàng cây gạo cổ thụ tỏa bóng râm mát, sẽ đến cổng chính. Qua cổng chính là vào khu giữa. Khu này có diện tích 3.400m², có tường thấp bao quanh, trồng đan xen nhiều cây xanh và được chia thành hai khu: khu bên phải có lầu chuông, bên trong có quả chuông đồng cao 1,5m; khu bên trái có gác khánh, bên trong có khánh đá với chiều ngang là 1,2m; ngăn cách giữa hai khu này là con đường lát gạch dẫn từ cổng chính đến ngọ môn với ba cửa ra, vào, phía trên treo bức đại tự với bốn chữ sơn son thiếp vàng “Bồng lai cung khuyết “. Bước qua ngọ môn là vào khu trong. Với diện tích 11.520m², kiến trúc kiểu cung đình thời Nguyễn nhưng có sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, khu trong gồm: sân đại, nhà đại tế, sân chầu, tòa thiêu hương, cung đệ nhị, cung đệ tam và hậu cung. Nối liền các cung là thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo… Trong hậu cung có 3 khám thờ: Đức Thánh Chử Đồng Tử (ở giữa), Hoàng hậu Tiên Dung công chúa (bên trái), thứ phi Hồng Vân – Tây Sa (bên phải). Tổng thể công trình kiến trúc trong khu này gồm 18 ngôi nhà mái ngói cong hình 18 thuyền rồng cách điệu. Đây là kiến trúc đặc biệt nhằm tái hiện hoạt cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đang giăng buồm du ngoạn trên bến sông thuở nào. Ngoài kiến trúc độc đáo, đền Ða Hoà còn lưu giữ nhiều di vật quý hiếm, điển hình như: 3 cỗ ngai thờ bằng gỗ có niên đại vào cuối thế kỉ 17 và 18. Đây được coi là những cỗ ngai cổ nhất còn tìm thấy ở nước ta hiện nay; đôi lọ Bách thọ bằng gốm (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào được khắc trên thành lọ)… Rời đền Đa Hòa, du khách sẽ đến đền Dạ Trạch (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch), nơi gắn liền với truyền thuyết về đầm Dạ Trạch. Tương truyền, tại vị trí Chử Đồng Tử và hai người vợ là công chúa Tiên Dung và Hồng Vân “hóa” về trời vào đêm 17/11 âm lịch, đã sụt xuống thành một đầm lớn, đầm Dạ Trạch (đầm được hình thành chỉ sau một đêm). Cho là thần linh ứng, người dân địa phương đã lập đền thờ 3 vị trong khu vực đầm Dạ Trạch và đặt tên là đền Dạ Trạch hay còn gọi là đền Hóa. Đền Dạ Trạch đã được trùng tu nhiều lần, tuy nhiên, kiến trúc hiện nay là kết quả lần trùng tu vào năm 1890 với kiểu chữ Công (工), mặt hướng chính đông, ra hồ bán nguyệt, mái khắc nhiều hình long, phượng rất đẹp, gồm ba gian. Trong đó, hậu cung là gian được thiết kế đẹp nhất với mái vòm cuốn tam cấp, gợi cho du khách cảm giác như đứng trong khoang thuyền. Từ ngoài vào, bên phải, đầu tiên là ban thờ thổ công miếu đình, tượng quan võ, rồi đến ban thờ các vị thân sinh của Đức thánh Chử Đồng Tử; bên trái là ban thờ Bế ngư thuyền quan (tượng một con cá chép bằng gỗ sơn son thếp vàng óng ánh), kế đến là ban thờ Triệu Việt Vương (548 – 571). Ở chính giữa hậu cung là 3 khám thờ: Đức Thánh Chử Đồng Tử (ở giữa), Hoàng hậu Tiên Dung công chúa (bên trái), thứ phi Hồng Vân (bên phải). Tại đây còn đặt tượng thờ hai con ngựa, một tượng đỏ, một tượng trắng. Tương truyền, đó là hai con ngựa mà Đức Thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân đã cưỡi để đi chữa bệnh cho dân. Ngoài kiến trúc chính, trong khu vực đền còn có lầu chuông, bên trong đặt một chuông Dạ Trạch từ chung (chuông đền Dạ Trạch) được đúc năm Thành Thái thứ 14 (1902), dài 1,5m, rộng 0,8m; hai dãy nhà chín gian, trước kia, đây là nơi để chín chiếc kiệu; hai bia đá dựng đối diện nhau (một bia đã vỡ), được dựng năm Gia Long thứ 17 (1819), cao 1,6m, rộng 0,8m, dày 0,17m; một hồ bán nguyệt; nhiều hoành phi, câu đối ghi lại sự tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Tây Sa; đặc biệt là hình ảnh chiếc nón và cây gậy – hai vật mà Đức Thánh Chử Đồng Tử đã dùng để cứu nhân độ thế. Đền Dạ Trạch đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989. Để ghi nhớ công ơn của Đức Thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, hàng năm, người dân địa phương lại tổ chức lễ hội Chử Đồng Tử. Đây là 1 trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước với các hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn. Độc đáo nhất là lễ rước nước với sự tham gia của 10 con thuyền nối đuôi nhau ra sông Hồng lấy nước về lễ Thánh tại đền Đa Hòa và Dạ Trạch. Hoạt động này được tổ chức theo đúng phong tục xưa, diễn ra trong suốt hai tiếng đồng hồ. Trong quá trình các thuyền di chuyển, còn biểu diễn múa rồng trên thuyền.
Hưng Yên
Từ tháng 1 đến tháng 12
1002 lượt xem
Nhắc đến Hưng Yên là nhắc đến một mảnh đất với rất nhiều địa điểm cho du khách có thể tham quan du lịch. Du lịch Hưng Yên nổi tiếng với các loại hình du lịch như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. Một số những địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng có thể kể đến như làng Nôm, phố Nối, vườn hoa cúc chi, đền Trần,…Đặc biệt không thể không kể đến địa điểm tâm linh nổi tiếng ở mảnh đất này đó là đền thờ Chử Đồng Tử. Đền được xây dựng trên một khu đất cao hình chữ nhật, và có lịch sử khá lâu đời. Đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết về tình yêu và đồng thơi gắn với những chiến công lừng lẫy của dân tộc ta như cuộc chiến của Quang Phục chống lại quân Lương; Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi chống quân Minh; nhiều phong trào khởi nghĩa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,… Đền gồm 2 khu là đền Dạ Trạch và đền Đa Hòa, hai khu đền này cách nhau không quá xa và đều nằm ở huyện Khoái Châu. Tổng diện tích của đền là 18 720 m vuông, bao gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ khác nhau. Hai ngôi đền này đều đã được nhà nước chứng nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Ngôi đền thu hút các du khách không chỉ bởi vẻ bề ngoài cổ kính rêu phong mà những pho tượng cũng là một trong những nét nổi bật đáng chú ý tại đền. Tiêu biểu là pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở hậu cung, tượng được đúc bằng đồng, được sơn màu, kẻ mắt rất tinh xảo, và hiện nay thì có ba pho tượng như thế được đặt tại cung Đệ Tam. Du khách có thể lựa chọn đến đây từ 10 đến 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, để không chỉ có thể vãn cảnh ngôi đền mà còn có thể tham gia vào lễ hội Chử Đồng Tử. Lễ hội này được tổ chức nhằm ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của đức thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung đã có công chữa bệnh giúp dân. Lễ hội hết sức độc đáo với nhiều hoạt động đa dạng khác nhau như rước kiệu, múa rồng, hát ca trù, những trò chơi dân gian đặc sắc,…
Hưng Yên
Tháng 3 đến tháng 4
1103 lượt xem
Nằm giáp con sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa, thuộc thành phố Hưng Yên, văn miếu Xích Đằng hay còn gọi là văn miếu Hưng Yên, là một di tích quan trọng trong quần thể cụm di tích Phố Hiến. Văn miếu được xây dựng vào năm 1832, trải qua gần 400 năm tồn tại và ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng, văn miếu đã trở thành một biểu tượng về truyền thống hiếu học của người dân mảnh đất “Nhất kinh kì, nhì Phố Hiến”. Dù nằm trong khu dân cư, nhưng đi ngay trên cầu Yên Lệnh, thuộc quốc lộ 38 nối Hà Nam với Hưng Yên có thể quan sát được văn miếu Xích Đằng từ hai cây gạo đã có hàng trăm năm tuổi được trồng trước cổng. Nằm trên đường dẫn vào còn có tượng hai con nghê đá lớn được tạc từ thế kỷ XVIII. Tam quan hay còn gọi là cổng nghi môn là một trong những công trình còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo trong các văn miếu còn lại ở Việt Nam. Được dựng theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác. Hai bên Tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi hương. Thay vì lầu trống như ở các văn miếu Quốc tử giám, văn miếu Mao Điền, ở văn miếu Xích Đằng lầu trống được thay vào bằng lầu chuông. Tiếng chuông và tiếng khánh vang lên chính là lúc báo hiệu giờ thi đã bắt đầu và kết thúc, đồng thời nó cũng là tiếng cầu thỉnh tỏ lòng biết ơn, tri ân với những bậc hiền nho trong mỗi dịp lễ hội. Hai chiếc chuông và khánh của văn miếu cũng là những di vật cổ được đúc và tạo dựng từ thế kỷ XVIII. Phía trong cổng có sân rộng, ở giữa sân là đường thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả vu, hữu vu. Hai dãy này hiện nay được dùng để trưng bày các hình ảnh và hiện vật liên quan đến giáo dục của tỉnh Hưng Yên. Văn miếu Xích Đằng kết cấu theo kiểu chữ Tam: gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái được kết cấu theo kiểu “trùng thiềm địa ốc”, mặt chính quay về hướng Nam. Bên trong khu nội tự tỏa sáng với hệ thống các đại tự, cấu đối, cửa võng và một hệ thống các trụ, kèo được sơn son thếp vàng phủ kim hoàn toàn. Hiện vật quý giá nhất trong văn miếu còn lưu giữ được đến ngày nay đó chính là 9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ của 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng xưa, trong đó có 138 vị ở Hưng Yên và 23 vị ở Thái Bình.
Hưng Yên
Từ tháng 1 đến tháng 12
1058 lượt xem
Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, tọa lạc tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng gốm nằm cạnh bên con sông Lục Đầu, rất thuận tiện cho việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Làm gốm được xem là hoạt động kinh tế chính của người dân nơi đây. Khi đến thăm làng gốm Phù Lãng bạn sẽ bắt gặp rất nhiều sản phẩm gốm và củi khô được phơi dọc theo hai bên đường. Các sản phẩm của làng gốm Phù Lãng sản xuất cũng vô cùng phong phú về mẫu mã, kiểu dáng và màu sắc. Nhìn chung sẽ bao gồm ba nhóm sản phẩm chính đó là: đồ gia dụng, đồ dùng trong thờ cúng và đồ trang trí. Việc làm gốm yêu cầu người nghệ nhân phải thực sự tỉ mỉ và khéo léo qua nhiều công đoạn khác nhau. Từ việc chọn và xử lý đất, tạo hình, tráng men, nung gốm đều đòi hỏi trình độ tay nghề nhất định. Đến thăm làng gốm Phù Lãng và tận mắt chứng kiến thì bạn mới có thể cảm nhận hết sự tài hoa của những nghệ nhân làm gốm Du khách có thể đến khám phá làng gốm Phù Lãng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Làng nghề luôn mở cửa chào đón du khách thập phương với nhiều hoạt động hấp dẫn. Nếu như bạn có đam mê sưu tầm đồ gốm thì hãy đến làng gốm Phù Lãng vào tháng chạp. Thời điểm cuối năm là giai đoạn mà làng gốm nâng cao năng suất hoạt động, cho ra nhiều mẫu mã mới, đẹp mắt để phục vụ cho nhu cầu vui xuân đón Tết. Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng có rất nhiều lễ hội hấp dẫn như hội Lim, lễ hội Đình Bảng, lễ hội Chùa Dâu, lễ hội đền Bà Chúa Kho, lễ hội chùa Phật Tích… Bạn có thể đến làng gốm Phù Lãng vào những tháng có lễ hội để vừa có thể khám phá làng nghề, vừa có thể trải nghiệm không khí lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Làng gốm Phù Lãng mang trong mình vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc của làng quê Bắc bộ. Những ngôi nhà với mái ngói nhấp nhô, các lò nung gốm, các đống củi khô được chất cao qua đầu chạy dài tăm tắp. Những chum, vại, bình gốm, chậu cảnh… xếp tầng chờ được hoàn thiện. Check in tại làng gốm Phù Lãng hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những bộ ảnh đẹp để đời. Các sản phẩm của làng gốm Phù Lãng có một nét đẹp riêng, vô cùng tinh xảo và đầy tính nghệ thuật. Điểm đặc trưng là nên sự khác biệt cho gốm Phù Lãng đó là lớp men phủ có hoa văn màu da lươn, kết hợp với phương pháp đắp nổi theo kiểu chạm kẹp. Điều này giúp cho các sản phẩm gốm bền, đẹp nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ của đất và lửa. Đến làng nghề bạn sẽ thỏa sức ngắm nhìn những tác phẩm gốm vô cùng đẹp mắt của các nghệ nhân Phù Lãng. Không chỉ dừng lại ở việc tham quan hay mua sản phẩm về làm kỷ niệm, khi đến làng gốm Phù Lãng bạn còn có thể hóa thân thành các nghệ nhân. Việc làm nên một sản phẩm gốm đẹp ngay lần đầu tiên là không hề dễ dàng. Tuy nhiên đây sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị khi có được sản phẩm do chính tay mình làm ra. Bạn sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn các bước cơ bản và thỏa sức sáng tạo, biết đâu bạn cũng là một bậc thầy làm gốm đấy.
Bắc Ninh
Từ tháng 1 đến tháng 12
1215 lượt xem