Nhà tù Hỏa Lò: nơi được mệnh danh là “địa ngục của địa ngục”

Đây là nhà tù thực dân lớn nhất Đông Dương, là minh chứng lịch sử của một quãng thời gian đầy gian lao, biểu tượng tinh thần kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hãy nghe Thái Thùy Trâm một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến thăm Hà Nội – Thành phố vì hòa bình đều dành thời gian tới tham quan, tìm hiểu, khám phá về Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, nơi ghi đậm dấu ấn về lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội Hà Nội nói riêng. Trong thời gian qua, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã luôn đổi mới, đa dạng các hoạt động chuyên môn và phục vụ để nơi đây thực sự là điểm đến, thu hút nhiều đối tượng du khách.

Đây là một nhà tù lớn được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Phụ Khánh là làng nghề chuyên sản xuất đồ gia dụng bằng đất và được nung bởi những chiếc lò quanh năm đỏ lửa, nên làng còn có tên Nôm là Hỏa Lò, nhà tù này cũng được mang tên Hỏa Lò bởi lẽ đó.

                                                        Lối vào nhà tù Hỏa Lò (ảnh sưu tầm)

 Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp khẳng định là công trình kiên cố vào loại bậc nhất Đông Dương. Bao quanh nhà tù là bức tường bằng đá, cao 4,5m, dày 0,5m, có cắm mảnh thủy tinh và hệ thống điện cao thế ở trên. Bốn góc nhà tù là bốn tháp canh dùng làm nơi binh lính tập trung canh gác, quan sát nhất cử nhất động toàn bộ trại giam. Để có diện tích 12.908m2 xây dựng nhà tù, chính quyền thực dân Pháp đã cho di dời 48 hộ dân, phá bỏ nhiều công trình kiến trúc tôn giáo. Nhà tù Hỏa Lò cùng các thiết chế khác như: Sở Mật thám, Tòa Đại hình tạo thành thế kiềng ba chân, một hệ thống pháp chế liên hoàn, phục vụ đắc lực cho bộ máy cầm quyền của thực dân Pháp trong việc đàn áp các phong trào đấu tranh của những người Việt Nam yêu nước.

Phải sống trong hoàn cảnh bị giam giữ hà khắc tại Nhà tù Hỏa Lò, nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn tổ chức nhiều hoạt động như: học tập, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, họ đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với kẻ thù để phản đối chế độ giam giữ, đòi quyền lợi của tù chính trị… Vượt lên tất cả, các chiến sĩ đã: “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”, thành nơi rèn luyện lý tưởng, bồi dưỡng ý chí đấu tranh của những người cách mạng.


                                          Các chiến sĩ bị giam tập trung tại đây (ảnh sưu tầm)

Ngay tại chính nhà tù này, thực dân Pháp đã từng giam giữ nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung, trong số đó có 5 đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam; và nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc khác của cách mạng Việt Nam như: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh…

Sự bảo tồn và giữ gìn di tích nhà tù Hoả Lò sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, sự hy sinh lớn lao của những người con yêu nước đã ngã xuống vì hai tiếng hòa bình cho dân tộc. Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng tuổi xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước.

Mỗi năm, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước viếng thăm. Chuyến hành trình về nguồn đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và sự ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi người dân và du khách tham gian. Trong không khí trang nghiêm tại Đài Tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò, những người dân và du khách trong và ngoài nước đã thành kính dâng nén nhang thơm, những bông hoa tươi thắm, tri ân những người con đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.


                                     Hình ảnh du khách tham quan tại nơi gọi là "địa ngục" (ảnh sưu tầm)

Những người cộng sản đã bảo vệ được khí tiết của mình, thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất để minh chứng cho một chân lý cao cả đến tuyệt vời, rằng không thể dùng chế độ lao tù hà khắc, vô nhân đạo để giết dần, giết mòn những chiến sĩ cộng sản, những người Việt Nam yêu nước, như lời thơ trong bài thơ “Không giam được trí óc” của đồng chí Xuân Thủy viết khi đang bị giam cầm ở Hỏa Lò năm 1938:

                                                           “Đế quốc tù ta, ta chẳng tù

                                                            Ta còn bộ óc, ta không lo

                                                            Giam người, khóa cả chân tay lại

                                                            Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do”

Có thể nói nhà tù Hỏa Lò là một di tích lịch sử ghi dấu nhiều đau thương cũng như những hy sinh của các anh hùng. Nếu có cơ hội đến Hà Nội bạn nên dành thời gian tham quan nơi đây để cảm nhận rõ nét hơn. 

28 Tháng 06, 2024 53

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành