Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Việt nam

Nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương

Nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương thuộc Làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ trung tâm thành phố Huế, theo Quốc lộ 1A (hướng Bắc 30km đến xã Phong Thu, huyện Phong Điền) rẽ phải theo tỉnh lộ 6 khoảng 15km là đến di tích. Nguyễn Tri Phương, tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 21-7 năm Canh Thân (1800), quê ở làng Ðường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Phong Chương, Phong Ðiền). Làm quan dưới các triều Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, là Ðại thần của Nhà Nguyễn, có nhiều công lao trong việc khai khẩn xứ Nam Kỳ và đánh thực dân Pháp xâm lược. Ông bị thương trong trận quân Pháp đánh vào Thành Hà Nội ngày 19-11-1873, sau đó tuyệt thực và mất ngày 20-12-1873 ( tức ngày 1-11 âm lịch), thọ 73 tuổi. Vua Tự Ðức cho đem thi hài ông về an táng tại quê nhà và cấp vật liệu xây dựng nhà thờ chung với em trai là Nguyễn Duy và con là Nguyễn Lâm đều là những người có công đánh thực dân Pháp. Di tích nhà thờ, lăng mộ Nguyễn Tri Phương đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 575-Quyết Định /Văn Hóa Thông Tin ngày 14/7/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 284 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình và Miếu khai canh Thế Lại Thượng

Đình và Miếu khai canh Thế Lại Thượng nằm trên đường Bạch Ðằng, phường Phú Hiệp (nay là phường Gia Hội), thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đình - Miếu Thế Lại Thượng được xây dựng trên phần đất của làng Thế Lại - một làng cổ xứ Thuận Hóa, ra đời cách đây trên 500 năm, về sau, làng Thế Lại tách ra làm hai làng Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ. Hiện nay làng Thế Lại Thượng nằm trong địa phận phường Phú Hiệp (nay là phường Gia Hội), thành phố Huế. Đình Thế Lại Thượng quay mặt về hướng Tây – Nam. Trước mặt là sông đào Đông Ba. Khuôn viên rộng 1.200m2, có la thành bao quanh. Đình Thế Lại Thượng được cấu trúc gồm: Cổng Tam quan với 4 trụ biểu vuông, cao lớn, có đắp nổi câu đối chữ Hán, cách trụ biểu 5m là đôi hạc đứng trên lưng rùa chầu độc lư cao 1,8m, tiếp đến là sân đình. Đình xây dựng theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, dài 12m, rộng 9m, có 26 cột chính và 4 cột hiên. Ðề tài trang trí chủ yếu là tứ linh, một số hoa lá tượng trưng cho 4 mùa và các hệ thống Bát Bửu, tất cả đóng khung trong các ô hộc. Nội thất chia làm 2 phần: Hậu cung và Tiền đường (hay Bái đường). Miếu Thành hoàng Thế Lại Thượng có cổng Tam quan xây theo kiểu cửa vòm. Kiến trúc Miếu theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, có 36 cột gỗ, đề tài trang trí chủ yếu là tứ linh, hổ phù, hoa lá 4 mùa. Đình và Miếu Thế Lại Thượng là một cụm di tích chứa đựng nhiều giá trị nổi bật về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa xã hội. Cụm di tích này đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 05/1999 Quyết Ðịnh-Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày 12-1-1999 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 282 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Mã Pì Lèng

Mã Pì Lèng (Hà Giang) nổi tiếng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” hùng vĩ ở vùng núi phía bắc nước ta, cùng với đèo Ô Quy Hồ (nối liền Lào Cai và Lai Châu), đèo Pha Đin (nối liền Sơn La và Điện Biên) và đèo Khau Phạ (Yên Bái). Đèo Mã Pì Lèng hay còn gọi là Mã Pì Lèng, Mã Pì Lèng (nghĩa là “sống mũi con ngựa”) được mệnh danh là vua của các con đèo ở vùng núi Tây Bắc, là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, thuộc xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc và xã Tả Lủng huyện Đồng Văn. Đỉnh Mã Pì Lèng nằm ở độ cao 1.200m thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Cao nguyên đá Đồng Văn. Khung cảnh núi non hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích. Du khách có thể đến với Mã Pì Lèng từ tháng 1 đến tháng 3 vì đây là thời điểm của các những mùa hoa như hoa mận, đào, cải, tháng 4 lại thu hút với phiên chợ tình Khâu Vai, tháng 9 hấp dẫn với mùa lúa chín trên Hoàng Su Phì hay tháng 11 và tháng 12 là mùa của hoa tam giác mạch. NGUỒN: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Hà Giang 400 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng mộ và nhà thờ, nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu

Lăng mộ và nhà thờ, nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu ở số 53, đường Phan Bội Châu, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phan Bội Châu - nhà yêu nước, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, năm 1925 Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bị thực dân Pháp lén lút đưa về Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi ân xá cho Cụ, thực dân Pháp phải đưa cụ về giam lỏng tại Huế 15 năm (1925-1940). Ngôi nhà của cụ Phan ở dốc Bến Ngự: Nhà ở cụ Phan được xây dựng trong khoảng từ năm 1926-1927. Ngôi nhà do Cụ tự thiết kế, cụ Võ Liêm Sơn – giáo viên trường Quốc Học đứng ra chủ trì xây dựng. Ngôi nhà có hình chữ công nằm ngang, ba gian nhà lợp tranh, tượng trưng cho ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), vách đất tương đối cao và thoáng mát. Chính giữa nhà hình vuông, làm nơi diễn thuyết. Xung quanh có các chái chia phòng riêng biệt. Lăng mộ cụ Phan Bội Châu: Lăng mộ được cụ Phan Bội Châu định vị sẵn từ năm 1934, nằm ngay phía trước ngôi nhà ở và chính giữa khu vườn. Sau khi cụ Phan qua đời (29/10/1940) với số tiền phúng điếu của đồng bào trong cả nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đứng ra xây dựng ngôi mộ và nhà thờ. Mộ có chiều dài 7m, ngang 5m, có 5 bậc tam cấp cao 0,8m, cách bình phong phía đầu mộ chừng 1m là tấm bia cao 1,8m, rộng 0,8m, trên mặt bia có bài “Tự Minh” bằng chữ Hán do cụ Phan viết năm 1934. Nhà thờ cụ Phan Bội Châu: Do cụ Huỳnh Thúc Kháng đứng ra xây dựng năm 1941 cùng với khu lăng mộ. Nhà thờ được xây dựng phía bên phải nhà ở, nguyên trước đây là ngôi nhà rường 3 gian tường gạch, mái lợp ngói liệt. Nhà dài 7,5m, rộng 6m. Từ đường: Từ đường được xây dựng từ tháng 4/1955 đến năm 1956, do cụ Tôn Thất Sa thiết kế, bác sỹ Thân Trọng Phước làm Trưởng ban xây dựng. Từ đường là một ngôi nhà ngói to lớn, đồ sộ, cao khoảng 8m, mái lợp ngói âm dương, mặt quay về phía lăng mộ cụ Phan Bội Châu. Mặt trước Từ đường có biển đề hàng chữ “Từ đường các liệt sỹ tiền bối và Phan Bội Châu tiên sinh”. Hiện nay, ngôi Từ đường đã được Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế sử dụng một phần để tổ chức trưng bày về thân thế, sự nghiệp cụ Phan. Cùng với những di tích chính, trong khu vực vườn nhà cụ Phan Bội Châu còn có một số di tích khác: Lăng mộ Tăng Bạt Hổ, lăng mộ ông bà Phan Nghi Đệ (con trai và con dâu của cụ Phan), nhà bia thờ Ấu Triệu Lê Thị Đàn, giếng nước… Tượng cụ Phan nằm bên phải khu vườn. Bức tượng do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn thực hiện năm 1973 cùng với sự tham gia của Ban cán sự giáo chức và trí thức giải phóng (thuộc Thành ủy Huế), Trường Cao đẳng mỹ thuật, gia đình cụ Phan và các ban đại diện, cán sự sinh viên và học sinh Huế. Tượng cụ Phan là loại tượng đồng có kích cỡ lớn nhất Việt Nam, cao 3m, nặng 4 tấn đồng. Tượng được đặt trên một bệ hình khối chữ nhật cao 2m bằng đá hộc. Nghĩa địa mang tên Phan Bội Châu: Nghĩa địa mang tên cụ Phan Bội Châu là một khu vườn rộng 4.000m2, ở gần đàn Nam Giao, do cụ Phan mua cùng thời điểm với mảnh đất làm nhà ở dốc Bến Ngự. Năm 1934, Cụ dựng bia quy định rõ tiêu chuẩn những người được chôn cất tại đây. Ở nghĩa địa hiện nay có mộ đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Nữ sử Đạm Phương, Hải Triều, Lê Tự Nhiên, Thanh Hải… Lăng mộ và nhà thờ, nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 575-Quyết Định/Văn Hóa ngày 14/7/1990 của Bộ Văn hóa Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 290 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Hạ Lũng

Đình Hạ Lũng thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Đình còn có tên chữ là Nhân Thọ đình, được dân làng Hạ Lũng xây dựng lên vào khoảng thế kỷ 18, kiến trúc của ngôi đình còn một số tiêu bản gỗ vì một số đầu dư của 2 bộ vì tòa đại bái đình được chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ 18. trải qua nhiều lần trùng tu lớn; nhưng có 2 lần trùng tu được ghi lại trên câu đầu, thượng lương đình là đời vua Khải Định (1924) và năm 1995. Đình Hạ Lũng là công trình kiến trúc theo kiểu chữ Công chéo đao tàu góc gồm: Tòa đại bái 5 gian (trong đó có 3 gian chính và 2 gian phụ), nhà ống muống 2 gian và hậu cung (3 gian). Kết cấu của các bộ vì tòa đại bái làm theo kiểu "chồng rường giá chiêng biến thể", vì nách là những bức cốn được chạm bóng cả hai mặt với các đề tài long, ngư, thủy, ba, cá chép vượt vũ môn. Các bộ vì của 2 gian ống muống, vì nóc đều là các bức cốn chạm các đề tài tứ linh, tứ quý. Nhìn chung, hệ thống gỗ kiến trúc của ngôi đình Hạ Lũng khá đồ sộ chắc khỏe, trên các cấu kiện kiến trúc đều được chạm khắc nổi, bong kênh với nhiều đề tài phong phú, đa dạng, sinh động. NGUỒN: CỔNG CƠ SỞ DỮ LIỆU THÔNG TIN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Hải Phòng 278 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Quần đảo Cát Bà

Quần đảo Cát Bà cách trung tâm thành phố Hải Phòng 60km theo đường biển, có diện tích khu vực đề cử Di sản thế giới là 31.150ha với 388 hòn đảo. Về mặt hành chính, quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Nơi đây đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2004), được Chính phủ xếp hạng Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2013) và trở thành Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (năm 2023). Những dãy núi đá vôi trập trùng xen lẫn tùng áng, vụng vịnh; hang động kỳ vĩ; có giá trị đa dạng về sinh học và cảnh quan địa chất, địa mạo, đã tạo nên quần đảo Cát Bà như một kiệt tác thiên nhiên. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 3000 loài động, thực vật trên cạn, dưới biển, trong đó có nhiều loài được đưa vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, Voọc Cát Bà là loài đặc hữu, hiện chỉ còn phân bổ duy nhất tại nơi đây. Quần đảo gồm 388 hòn đảo lớn nhỏ nằm trên diện rộng khoảng 345 km². Đảo Cát Bà lớn nhất có diện tích 153 km², là đảo lớn thứ ba ở Việt Nam sau Phú Quốc và Cái Bầu, có đỉnh cao nhất 331m. Các đảo còn lại ít khi độ cao đạt 100-250m, phần nhiều là đảo nhỏ có độ cao dưới 100m và các hòn rất nhỏ thường chỉ cao 20-50m . Đây là một khu vực địa hình nhiệt đới bị ngập chìm do biển tiến có cảnh quan độc đáo tương tự vịnh Hạ Long là phổ biến các chóp kiểu Phong Tùng và các chóp kiểu Phong Linh, và phễu. Các hòn đảo là các chóp hoặc tháp đơn lẻ hoặc thành cụm, vách bờ dốc đứng nổi trên mặt nước biển trong xanh. Nhiều tên đảo gọi theo hình dáng của vạn vật như Ớt, Chuông, Mai Rùa, Lã Vọng, Đuôi Rồng, Báo và Sư Tử Ăn mòn sinh hóa và cơ học của nước biển do sóng và thủy triều tạo nên rìa bờ lõm vòng quanh đảo làm tăng vẻ kỳ dị, độc đáo hình dạng các hòn đảo. Trên đảo Cát Bà có các thung lũng như Trung Trang, Gia Luận, Tai Lai và Việt Hải. Chúng có độ cao 5-8m, chiều rộng 100-600m, có nơi rộng tới 1 km, kéo dài một vài tới chục km, được lấp đầy bằng các trầm tích sông-biển muộn. QUẦN ĐẢO CÁT BÀ có rất nhiều hang động đẹp thuộc ba nhóm: hang ngầm cổ, hang nền và hang hàm ếch biển. Các hang ngầm cổ như động Hùng Sơn, động Hoa, hang Trung Trang v.v thường có độ cao trên 10m. Các hang nền phổ biến nhưng thường có kích thước nhỏ và thường có độ cao dưới 10m. Hang hàm ếch biển có khi xuyên thủng các khối đá vôi tạo thành hang luồn như hang Xích, hang Thủng. Địa hình đáy ven bờ QUẦN ĐẢO CÁT Bà gồm các dạng tùng áng, rạn san hô, đồng bằng đáy vịnh và luồng lạch. Tùng, áng là các thung lũng hoặc phễu karst bị biển ngập chìm. Tùng có 26 chiếc với hình dạng kéo dài (tùng Gấu, tùng Chàng ). Áng có 33 chiếc với hình dạng đẳng thước (áng Thảm, áng Vẹm và áng Kê,.) NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 327 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng

Cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng (thời kỳ 1936 - 1939), đặt tại nhà cụ Đặng Thị Sáu ở xóm Nam, xã Dư Hàng Kênh ven đô thị Hải Phòng (nay là ngõ Than, cụm dân cư số 2 phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân). Tại đây, cán bộ Đảng trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân, thợ thuyền các xưởng thợ, công sở các vùng nông thôn. Tháng 9/1936, đồng chí Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) từ Côn Đảo trở về, được Đảng giao nhiệm vụ tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Nguyễn Công Hòa đã chọn nơi đây làm địa điểm chỉ đạo phong trào cách mạng tại Hải Phòng thời kỳ 1936 - 1939. Tháng 04/1937, Thành ủy Hải Phòng được thành lập do đồng chí Nguyễn Công Hòa là Bí thư. Nhờ kết quả của công tác tổ chức, phát triển các cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng cách mạng, phong trào đấu tranh của công nhân và các giới lao động khác ở Hải Phòng - Kiến An lại bùng lên mạnh mẽ. Khi đồng chí Nguyễn Công Hòa chuyển sang công tác khác, đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Thành ủy tiếp tục ở và làm việc tại nhà cụ Đặng Thị Sáu. Tại đây, nhiều chủ trương của Thành ủy Hải Phòng đã được triển khai nhanh chóng để chỉ đạo phong trào cách mạng. Đầu năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương điều vào tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn, đồng chí Tô Hiệu về phụ trách phong trào cách mạng ở Hải Phòng và vùng mỏ (Quảng Ninh). Cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng (thời kỳ 1936 - 1939) tại nhà cụ Đặng Thị Sáu là di tích lịch sử cách mạng duy nhất còn lại, tương đối nguyên vẹn của chặng đường cách mạng vẻ vang những năm 1936 - 1939. Di tích này được Nhà nước xếp hạng năm 1998. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 299 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Miếu Nam

Miếu Nam là công trình tín ngưỡng do nhân dân xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng dựng lên cách đây đã nhiều thế kỷ để tôn thờ nhân vật lịch sử có công với đất nước trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc, góp phần dựng lên nhà nước Vạn Xuân tự chủ đầu tiên trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta hồi thế ký thứ 6. Theo bản thần tích khắc trên phiến đá hình trụ vuông bốn mặt niên hiệu Tự Đức thế kỷ thứ 19 đang trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng cho biết: lịch sử nhân vật được tôn thờ tại miếu Nam, xã Bắc Sơn là một danh tướng, tên huý là Nguyễn Hồng, người địa phương. Trong cuộc khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Lương (Trung Quốc) hồi thế kỷ thứ 6, Nguyễn Hồng đã tham gia vào quân đội của Lý Bí, lập được nhiều công lao góp phần vào việc tiêu diệt đội quân xâm lược nhà Lương, giúp Lý Bí lập lên nhà nước Vạn Xuân, mở ra thời kỳ giành quyền độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Do có công lao, nên khi mất, Nguyễn Hồng đã được nhân dân quê hương lập đình thờ và suy tôn làm thành hoàng làng, ngàn năm hương khói phụng thờ. Miếu Nam khởi thuỷ có tên gọi là đình Nam. Tương truyền, đình Nam được dựng ngay tại nơi Nguyễn Hồng mất mà dấu tích để lại đến nay là mộ phần của ông được gìn giữ ngay trong hậu cung của đình, bên trên là thần tượng uy nghi đặt trong khám thờ. Trải qua những năm kháng chiến chống Pháp, đình Nam đã bị tàn phá, chỉ còn lại hậu cung. Có lẽ do quy mô quá nhỏ nên dân làng gọi đây là miếu. Nhưng với lòng thành kính, dần dần người dân địa phương đã bỏ nhiều công sức, tiền của để dựng lại ngôi miếu ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ngày nay, thăm di tích miếu Nam, xã Bắc Sơn, chúng ta sẽ bắt gặp ở đây nét duyên dáng của mái đình làng Việt Nam truyền thống cùng những đồ thờ đẹp mắt, lộng lẫy vàng son, trong đó có chiếc kiệu bát cống độc đáo ở huyện An Dương. Với những giá trị nhiều mặt về vật thể và phi vật thể, năm 1990, Nhà nước xếp hạng di tích miếu Nam (đình Nam), xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng là Di tích Lịch sử Văn hoá. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 307 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Nhu Thượng

Đình Nhu Thượng thuộc xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng thờ hai chị em Mại Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn, con vua Mai Hắc Đế, người đứng đầu chống quân đô họ nhà Đường ở thế kỷ 8. Do sẵn có quan hệ bằng hữu và thân thuộc với gia định họ Phạm và họ Hoàng ở đây, Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn đã giúp đỡ dân làng ruộng đất, vàng bạc, đồng thời chiêu mộ dân thôn xây dựng đồn trại, tham gia nghĩa binh, góp phần củng cố triều đại của Nhà Mai Thúc Loan. Tại các thôn Văn Xá, Nhu Điều, Kiều Yên Thượng ngày nay vẫn còn mang địa danh như đầm quan, địa lính... có nguồn gốc từ hai chị em họ Mai chu cấp cho dân mỗi làng 10 mẫu đất canh tác. Sau một trận giao chiến ác liệt với quân đô hộ nhà Đường kéo sang đàn áp cuộc khởi nghĩa, Mai Hắc Đế hy sinh, quân sỹ tôn Mai Kỳ Sơn lên nối ngôi cha. Lực lượng nghĩa quân của Mai Kỳ Sơn còn chiếm cứ 2 vùng Đông và Nam phủ Tống Bình được một thời gian dài. Sau hơn 2 tháng quân giặc mới phá được căn cứ phòng thủ của hai chị em Mai Kỳ Sơn ở Kiều Yên Thượng, Nhu Điều. Ngày nay, trên bờ một con trạch thoát triều cũ, chảy ra sông Lạch Tray, thuộc địa phận xã Quốc Tuấn, huyện An Dương vẫn còn 2 ngôi miếu nhỏ, một thờ bà chị, một thờ ông em. Tương truyền đây là nơi xưa kia dân làng an táng 2 vị, nơi đây đặt bài vị, bát hương. Tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng mở hội nghi lễ thành hoàng từ 2 ngôi miếu về đình làm lễ mở hội. Đình Nhu Thượng từ lâu đã trở nên thân quen với người dân địa phương bởi quy mô kiến trúc bề thế, nghệ thuật chạm, khắc trên gỗ khá tinh tế, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Đình cấu trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bề thế được xây dựng theo thức chồng diêm, nóc các, 2 tầng, 8 mái cao vượt hẳn lên so với 5 gian tiền đường, dựng năm Tự Đức 14 (1861). 20 năm sau, mùa xuân năm Tự Đức 34 (1882), dân làng dựng tiếp 5 gian tiền đường, nối với tòa hậu cung bằng cách tận dụng nguồn vật liệu gỗ, đá của ngôi đình cũ ven sông. Đình Nhu Thượng được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1991. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 329 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Nam

Đình Nam ở phường Bắc Sơn, một trong những công trình tín ngưỡng quan trọng của người dân vùng đất Đồ Sơn, vừa được phục dựng. Đây vừa là điểm sinh hoạt tâm linh và điểm đến linh thiêng tại khu du lịch nổi tiếng của thành phố. Nằm giữa khu dân cư đông đúc ở trung tâm quận Đồ Sơn, cách không xa bãi biển rì rào sóng vỗ quanh năm, đình Nam ngày nay có quy mô vừa phải, mang dáng dấp của những ngôi đình cổ phong cách thời Lê. Đình có kiến trúc chữ Đinh, gồm 3 gian, 2 trái, được làm chủ yếu bằng gỗ và đá xanh. Hệ thống mái cong, đao vượt với những đường nét chạm khắc tứ linh tinh xảo mang dấu ấn thế kỷ 15. Đặc biệt, toàn bộ 38 cột gỗ trong đình có đường kính từ 34-45cm được chọn lựa cẩn thận từ những thân cây kiền kiền- loại gỗ quý, cứng như lim nhưng dai hơn. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đình Nam 2 lần bị phá hủy hoàn toàn. Lần thứ nhất vào khoảng thế kỷ 17, đình Nam là một trong những nơi đóng quân của Quận He Nguyễn Hữu Cầu ở Đồ Sơn. Khi chúa Trịnh Doanh sai Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Đình Trọng đem quân đánh dẹp cuộc khởi nghĩa, đình bị phá tan tành. Sau đó, người dân địa phương phục dựng lại đình với 5 gian, 2 trái, trang nghiêm, bề thế. Đến cuối năm 1953, đình lại bị phá một lần nữa khi thực dân Pháp cưỡng bức người dân ở đây đi nơi khác, lập “vành đai trắng” ở Đồ Sơn. Năm 1993, Đảng ủy, ỦY BAN NHÂN DẬN, MẶT TRẬN TỔ QUỐC Việt Nam và người dân phường Vạn Sơn xây dựng lại đình trên nền cũ. Thời kỳ đó, do kinh tế khó khăn nên chỉ dựng tạm giam nhà cấp 4 và tạo một số pho tượng gỗ để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân. Từ đó đến nay, tuy đã nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, song gian nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống tượng gỗ bị mối xông hư hại. Năm 2011, nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa, 6 pho tượng thờ được đúc lại bằng đồng dát vàng. Xuất phát từ nguyện vọng của bà con, lãnh đạo phường quyết tâm phục dựng lại ngôi đình cũ, khởi công tháng 10-2014. Ban Quản lý đình Nam đang hoàn thiện bức đại tự, câu đối và một số chi tiết bên trong ngôi đình. Mong muốn của chính quyền và người dân địa phương tiếp tục mở rộng khuôn viên của đình, khôi phục khu vực từ chỉ và thực hiện các thủ tục công nhận di tích NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 297 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Phủ thờ Tôn Thất Thuyết

Phủ thờ Tôn Thất Thuyết thuộc Thôn vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ trung tâm thành phố Huế đến cầu An Cựu (bờ bắc) theo đường Tỉnh lộ qua Cầu ngói Thanh Toàn về thôn Vân Thê là đến di tích (khoảng 7km). Tôn Thất Thuyết sinh ngày 29/3 năm Kỷ Hợi (12/5/1839) tại xóm Phú Mộng, xã Xuân Hòa, huyện Hương Trà (nay thuộc phường Kim Long – thành phố Huế) trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp thuộc phòng 4 hệ 5 của dòng họ Nguyễn Phúc. Thân sinh là Đề đốc Tôn Thất Đính, thân mẫu là bà Văn Thị Thu. Trong sự nghiệp của mình, ông được cử giữ nhiều chức vụ: Án sát tỉnh Hải Dương, Tán tương quân thứ Thái Nguyên rồi Tán lý quân thứ Sơn – Hưng – Tuyên, Tham tán, Hữu tham tri bộ Binh, Tuần phủ Sơn Tây, Tuần phủ, hộ lý Tổng đốc Ninh Thái kiêm Tổng đốc các việc quân Ninh, Thái, Lạng, Bằng, Hiệp đốc quân vụ đại thần, Thượng thư bộ Binh, Phụ chính đại thần, Điện tiền tướng quân, Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại…Ông luôn có chủ trương đánh Pháp, tháng 11/1873, quân của ông cùng quân của Lưu Vĩnh Phúc đánh bại quân Pháp ở Ô Cầu Giấy, Hà Nội, ông muốn thừa thắng tấn công địch nhưng triều đình muốn ông triệt binh về Sơn Tây, ông cự tuyệt, triều đình phải cử người đến bàn bạc ông mới chịu lui binh. Tháng 6/1874 khi được điều về Nghệ An đối phó với cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai, song khi đến nhậm chức, ông tỏ ra thiện cảm và giúp đỡ phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh. Sau khi Hàm Nghi lên ngôi, Tôn Thất Thuyết tích cực chuẩn bị cho việc đánh Pháp. Ông lập quân Phấn nghĩa và Đoàn kiệt, xây dựng căn cứ Tân Sở và hệ thống Sơn phòng, mua sắm tích trữ vũ khí, tăng cường phòng thủ kinh thành, khích lệ sỹ phu và văn thân và mở các cuộc đấu tranh không khoan nhượng với các phần tử chủ hòa, thân Pháp trong nội bộ Triều đình và Hoàng tộc. Đêm ngày 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết chủ động tổ chức tấn công quân Pháp đóng tại Tòa Khâm sứ, Trấn Bình Đài và khu nhượng địa. Cuộc tấn công thất bại, sáng ngày 5/7/1885, ông hộ giá vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành ra Quảng Trị rồi ra Hà Tĩnh phát động phong trào Cần Vương. Đầu năm 1886, sau khi sắp xếp, ổn định bộ máy của Triều đình kháng chiến Hàm Nghi, ông ra Bắc vận động các sỹ phu, văn thân, tù trưởng các dân tộc thiểu số nổi lên đánh Pháp. Đầu năm 1887, sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh, song Triều đình Mãn Thanh theo yêu cầu của Pháp đã quản thúc ông tại Quảng Đông. Ông mất tại Thiều Châu ngày 22/9/1913. Phủ thờ Tôn Thất Thuyết vốn là Phủ thờ của dòng họ, được Tôn Thất Thuyết cho xây dựng khoảng năm Tự Đức thứ 19 (1866). Sau ngày Tôn Thất Thuyết mất dòng họ lấy Phủ này làm nơi thờ ông. Di tích Phủ thờ Tôn Thất Thuyết được công nhận là di tích Quốc gia ngày 15/10/1994 tại Quyết định số 2754-Quyết Định/Bộ Văn hóa Thông tin của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 322 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Lăng mộ Trần Văn Kỷ.

Lăng mộ Trần Văn Kỷ thuộc làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trần Văn Kỷ là một danh sỹ kiệt xuất triều đại Tây Sơn. Năm 1777, Trần Văn Kỷ đỗ Giải nguyên. Năm 1786, Trần Văn Kỷ được Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho mời để hỏi về kế trị loạn. Khâm phục tài năng của ông, sau khi từ Quy Nhơn về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã phong cho ông làm Trung Thư phụng chính (người dự thảo chính lệnh cho vua), nắm toàn bộ trung thư cơ mật, tham mưu cho Nguyễn Huệ và được phong tước Hầu. Trần Văn Kỷ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại bộ máy cai trị ở Đàng ngoài, tiến cử một số nhân sỹ nổi tiếng vào bộ máy nhà nước như: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Võ Văn Ước, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn…, đứng ra tổ chức hội kiến giữa vua Quang Trung và Nguyễn Thiếp một danh sỹ đất Nghệ An. Dưới triều Quang Trung, ông có nhiều công lao giúp Quang Trung trị vì đất nước. Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh thắng thế, Trần Văn Kỷ về quê, đổi tên cải dạng nuôi chí phục thù. Bị phát giác, ông phải vào Kinh đô Phú Xuân, trên đường vào đến ngã ba Sình ông hô to “Trung thần bất sự nhị quân” rồi nhảy xuống sông trầm mình tự vận để giữ tròn khí tiết, ông mất ngày 24/12/1801 (tức ngày 19 tháng 11 năm Tân Dậu). Phần mộ Trần Văn Kỷ nằm trên một mô đất cao có diện tích 11m2. Mộ nguyên trước đây đắp đất hình tròn, đường kính 1m, chính mộ quay về hướng Đông, trước mộ có tấm bia xi măng cao 70cm do cháu nội Trần Văn Kỷ lập năm 1958. Năm 1995, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế đã trùng tu lại ngôi mộ. Nấm mộ tròn được giữ nguyên, phía trên nấm rắc sỏi, xung quanh xây đường tròn để bảo vệ mộ, bao quanh mộ là một lớp bê tông hình chữ nhật có đường gờ bốn bên. Di tích lăng mộ Trần Văn Kỷ đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 534 -Quyết Định /Bộ Văn hóa Thông tin ngày 11/5/1993 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 323 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Văn Xá

Đình Văn Xá thuộc xã Hương Văn, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Văn, thị xã Hương Trà), tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ thành phố Huế dọc theo Quốc lộ 1A ra phía Bắc khoảng 13km, rẽ phải theo đường làng là đến di tích. Đình Văn Xá được xây dựng vào năm Ất Sửu (1865) dưới thời Tự Đức, là một trong số ít những ngôi Đình có quy mô bề thế, và có giá trị kiến trúc tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế. Đình Văn Xá được xây dựng trong khuôn viên rộng khoảng 1.600m2 có la thành bao quanh 4 phía. Trước mặt Đình có hồ bán nguyệt trồng sen. Từ ngoài đi vào đình Văn Xá có cổng Tam quan, bình phong, nhà bia, sân đình và đình. Cổng Tam quan mở ba lối đi vào hình vòm cuốn, tầng mái đúc giả ngói âm dương. Bình phong xây kiểu tổ ong, chính giữa có dựng nhà bia (khắc nội dung về việc xây dựng và trùng tu Đình). Ðình Văn Xá là ngôi nhà rường ba gian hai chái kép, nền đất rộng 400m2, gồm 54 cột trong đó có 8 cột cái cao 5,2m, 16 cột nhì (cột quân) cao 3,6m, 24 cột ba (cột bên) cao 2,5m và 6 cột tư (cột hiên) cao 1,5m. Hệ thống vì kèo chạm trổ tinh vi. Nghệ thuật trang trí đình Văn Xá chủ yếu là "Tứ linh”, “lưỡng long chầu nguyệt" đặc trưng kiến trúc Nguyễn. Mái lợp ngói liệt, bờ nóc đắp cao trông giống một con thuyền được chia ra làm 13 ô trang trí. Ðình Văn Xá thờ vọng Thành hoàng là năm vị tiền khai canh của dòng họ Lê, Trần, Cao và hai vị nhân thần là Bố Chính Dinh Ký Lục Trần Mậu Quế (1688-1762) và Hữu Tham Tri Bộ Lễ Trần Hưng Ðạt (1746-1810). Ðình trùng tu các năm 1961 và năm 1995. Đình Văn Xá đã được xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 61/1999 Quyết Ðịnh/Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày 13-9-1999 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 354 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Trung Hành

Trung Hành là tên của một làng thuộc tổng Trung Hành, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa, nay thuộc thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng. Xưa kia là vùng đất Ngô Quyền đóng quân và huy động sức người, sức của, đánh quân xâm lược Nam Hán năm 938, mở đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất nước. Là một trong số 17 làng, xã có hệ thống bố phòng, tích chứa quân lương của Ngô Quyền, nên Trung Hành được các triều đại kế tiếp phong sắc, công nhận việc thờ tự Ngô Vương. Đặc biệt Trung Hành vốn nổi tiếng là vùng đất địa linh, nhân kiệt - nhiều người đỗ đạt, nhiều văn quan, võ tướng có tài, hiện còn được ghi lại trên văn bia, gia phả các dòng họ. Ngạn ngữ có câu: “An Dương - Trung Hành, Kim Thành - Quỳnh Khê, thế ngôn chi đa sĩ”, nghĩa là: làng Trung Hành, huyện An Dương, làng Quỳnh Khê huyện Kim Thành đời truyền có nhiều quan. Miếu - chùa Trung Hành là cụm di tích được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 57. Cụm di tích này tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi và đẹp, nằm cạnh tuyến đường lớn Lê Hồng Phong nối liền sân bay Cát Bi với trung tâm thành phố. Miếu Trung Hành thờ Ngô Quyền có quy mô vừa phải. Miếu được trùng tu lớn vào khoảng thế kỷ 17 mà dấu vết còn để lại trên 4 cây cột cái sơn son tại tòa bái đường. Những điểm nổi bật của di tích là sự hợp lý, liên hoàn của toàn bộ khuôn viên di tích. Miếu có quy mô khép kín, được bố cục theo kiểu nội công ngoại quốc gồm: cổng tam quan, toà bái đường, hai bên giải vũ và tòa hậu cung (cung trong và cung ngoài). Nhưng lại tạo ra một không gian mở bởi 2 bên nhà giải vũ đứng song hành nơi bái đường với thềm hiên cung ngoài. Trong miếu còn lưu giữ được 5 bản sắc phong có niên đại từ 1889 đến 1924 (trong đó có 3 sắc phong cổ) và nhiều cổ vật quý khác có niên đại vào thế kỷ 19. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 356 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình làng Xích Thổ

Đình làng Xích Thổ được xây cùng với thời lập làng cách đây khoảng 300 năm, vào cuối thời Lê Trung Hưng. Do thời gian mai một, đình làng cũ bị đổ nát, không còn giữ được thần tích. Khoảng cuối thế kỷ 18, đình, chùa Xích Thổ được xây dựng lại đồng bộ trên nền đất như hiện nay. Qua nhiều lần tu bổ, nay đình làng có khuôn viên rộng 1.200m2, mái cong lợp ngói mũi, xây theo lối chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Giữa gian tiền đường là ban thờ thành hoàng làng Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi. Theo thần tích, ngài sinh vào niên hiệu vua Hồng Thuận, thời Lê, khoảng năm 1509-1516, tại Nghĩa Xá, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân ngày nay. Là người có sức khỏe phi thường, học ít hiểu nhiều, văn võ tinh thông, ngài đã có công đánh giặc Minh, phò tá nhà Mạc. Đình Xích Thổ nay còn giữ 5 đạo sắc phong thần của ngài qua các triều vua: Duy Tân, Thành Thái, Đồng Khánh, Tự Đức, Khải Định. Năm 1924, vua Khải Định sắc phong ngài là Phúc thần, ghi vào điểm lễ triều đình, truyền cho các nơi thờ phụng lâu dài. Vì thế ngoài Xích Thổ, hiện nay ở các làng ven sông Lạch Tray đều có đình, đền thờ hoặc thờ vọng bài vị ngài. Đặc biệt đình làng Xích Thổ còn lưu giữ được 3 pho tượng cổ làm bằng gỗ, có niên đại khoảng 200 năm của thành hoàng Phạm Tử Nghi (thời Mạc), Bạch Xích Đại Vương (thời tiền Lý), Bộ Quốc (Triều Trần). Bên cạnh đó, đình còn lưu giữ được bia đá hậu thần (thần bia phả ký) đầu thế kỷ 19, thời vua Thành Thái ghi công những người đã có nhiều đóng góp vào việc tu bổ đình, chùa, đảo hồ đình. Bên cạnh đình làng là chùa Hưng Khánh. Nếu ai có dịp đến vãn cảnh chùa, được nghe tiếng chuông chùa ngân nga bên những cánh đồng quê bát ngát và dòng Lạch Tray lộng gió, sẽ thấy tâm hồn mình thật yên ả, thư thái. Đây là một ngôi chùa mang vẻ đẹp cổ kính, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử của Xích Thổ. Trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng gỗ quý hiếm gần 200 tuổi và 1 pho tượng phật bằng đá có từ 500 năm trước. Chiếc chuông lớn (đại hồng chung) của chùa Hưng Khánh được đúc bằng đồng tại tổng Kiều Yêu từ thế kỷ 19 đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Trên thân chuông có khắc bài phú sinh động, giàu ý nghĩa văn hóa. Sau năm 1954, hòa bình được lập lại, đình và chùa Xích Thổ lại là nơi học tập của con em Xích Thổ. Từ 1965-1975, đình, chùa Xích Thổ là nơi hội họp, tập trung đưa tiễn con em của làng lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây còn là điểm sơ tán của nhiều đơn vị trong thời kỳ đó như: Bộ đội thông tin Quân khu 3, Công ty Xây lắp Hải Phòng, Trường dạy nghề xí nghiệp sửa chữa ô tô Đồng Tâm quốc tế… Qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước, đình, chùa làng Xích Thổ thực sự là căn cứ địa cách mạng của vùng An Dương, đã trở thành một chứng nhân lịch sử, nơi ghi dấu, nhắc nhớ nhiều thế hệ con người quê hương về những năm tháng hào hùng, đáng tự hào. Năm 2013, quần thể đình, chùa, bia tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sỹ làng Xích Thổ đã được thành phố công nhận là Di tích lịch sử kháng chiến. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 292 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Từ Lâm

Đình Từ Lâm thuộc xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng thờ vị thành hoàng Hoa Duy Thành, một danh tướng thời Trần có công tham gia đánh đuổi giặc Mông Nguyên thế kỷ 13. Về thân thế, công lao của vị thành hoàng được ghi trong bảng thần tích được lưu giữ tại đình do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) và truyền thuyết tại địa phương cho biết: Hoa Duy Thành người làng Linh Động, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương (nay là thông Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), xuất thân trong một gia đình quan lại quý tộc có thế lực trong vùng, thông minh, khỏe mạnh, am hiểu binh pháp, văn võ song toàn, được mọi người mến mộ. Nghe tin giặc Mông kéo sang xâm lược nước ta lần thứ II (1285), Hoa Duy Thành tự bỏ tiền của tuyển mộ, huấn luyện quân sĩ. Khi triều đình mở khoa thi tuyển mộ nhân tài, ông là người đỗ đạt cao và trở thành vị tướng tâm phúc dưới quyền của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, đảm trách đạo quân tinh nhuệ hộ giá Vua Trần rút khỏi vòng vây của giặc từ vùng biển An Bàng (Hải Phòng Quảng Ninh ngày nay) vào vùng Châu Ái (tức Thanh Hóa) an toàn theo kế sách của Hưng Đạo Đại Vương. Trong cuộc chiến chống xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 (1287 1288), Hoa Duy Thành được lệnh đem quân bảo hộ phối hợp với các cánh quân truy kích địch trên sông Bạch Đằng, góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. Quét sạch quân thù, Hoa Duy Thành trở về quê hương sinh sống, được nhà vua ban tặng trang Từ Đường, sử dụng làm điền trang của mình. Khi ông mất, dân làng lập đền thờ ngay tại nơi xưa kia ông luyện binh mã. Đến thời Lê, đền Từ Đường được tu sửa trở thành đền Từ Đường và tôn ông làm Đương cảnh thành hoàng. Đến thời Khải Định. Từ Đường được đổi tên thành Từ Lâm như hiện nay, vì kiêng tên húy nhà vua. Trang trí kiến trúc của Đình thể hiện khá công phu, tỉ mỉ. Các hình hoa lá cách điệu, các đề tài tứ linh, tứ quý chạm nổi trên các thanh rường, câu đầu, bẩy hiên thật khéo léo, sinh động. Còn mỗi đầu dư hình rồng, kỹ thuật chạm bong kênh được sử dụng tinh vi, giúp chúng ta xác định niên đại tạo dựng của đình vào khoảng thế kỷ thứ 17 (thời Lê). Đình Từ Lâm được nhà nước công nhận di tích lịch sử năm 1991. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 289 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Văn Cú

Đình Văn Cú được xây dựng từ năm 1470, với kiến trúc ban đầu khá đơn sơ. Đến thời vua Tự Đức (1848-1883) đình được xây dựng 5 gian gỗ lim to đẹp, sau bị tàn phá chỉ còn lại vọng cung. Năm 2004, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nguồn đóng góp xã hội hóa, đình được phục dựng lại. Đình có kiến trúc đơn giản, tọa lạc trong khuôn viên rộng rãi và riêng biệt, phía trước là hồ nước, nơi tụ thủy, tích phúc cho thế đất không bao giờ cạn nước. Di tích còn bảo lưu nhiều di vật quý. Toàn bộ hệ thống cửa võng bao gồm 5 lớp trang trí tại gian trung tâm tiền đường và 3 gian hậu cung hiện lên trong di tích như cung điện rực rỡ vàng son. Nét chạm khắc cầu kỳ tinh xảo, tượng trưng tiêu biểu cho nghệ thuật dân tộc. Ngoài ra, còn nhiều di vật có giá trị khác như khám luyện, long đình, nhang án, đại tự, câu đối… làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc. Theo Bản thần tích xã Văn Cú, tổng Văn Cú, huyện An Dương (tỉnh Kiến An), đình Văn Cú thờ 2 nhân vật lịch sử là Đỗ Huy và Đỗ Quang. Hai anh em cùng với người anh họ là Cao Tuấn có công lớn giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân và đẩy lùi quân xâm lược nhà Tống, được vua Đinh phong chức Thái thú Đồng Châu, Thứ sử Hoan Châu. Ở các nơi trị nhậm, hai ông thi hành nhiều chính sách tiến bộ, làm nhiều việc nhân đức, coi dân như con của triều đình lên trong châu được bình yên, không ngớt tiếng đàn dịch tiêu dao, nhân dân ái mộ ca tụng công đức ông. Đến tháng 10 năm Kỷ Mão (984), Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cùng với Thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính. Vốn là trọng thần của triều vua trước, hai ông cùng với các trung thần khác như Nguyễn Bặc, Đinh Điền... dấy binh chống lại. Do binh cùng lực kiệt, hai ông cùng số binh sĩ còn lại xuống thuyền rút lui về trang Văn Cú bày trận ở Đống Đa, Đống Trúc để chống cự và sau đó tử trận tại đây. Dân làng xót thương an táng Đỗ Quang ở Đống Đa, Đỗ Huy ở Đống Trúc, lập đình để tôn thờ tại ngôi nhà mà 2 ông sinh ra. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 277 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tháp Tường Long

Khu du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng nổi tiếng với những bãi tắm lý tưởng và phong cảnh hữu tình. Nhưng ít người biết rằng trên đỉnh Long Sơn (phường Ngọc Xuyên), ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn chạy dọc bán đảo Đồ Sơn còn có một di tích văn hóa lịch sử với cả nghìn năm tuổi - đó là tháp Tường Long. Tháp Tường Long (còn gọi là tháp Đồ Sơn) xây thời Lý Thánh Tông. Công trình kiến trúc Phật giáo này được xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000 m2, thuộc địa phận phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn. Bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm 190. Lòng tháp rỗng và là nơi đặt pho tượng A di đà. Công trình được xây bằng gạch và đá có kích thước khác nhau. Ngoài loại gạch xây, còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh. Cách trang trí này biểu hiện nghệ thuật điển hình thời Lý. Theo sách "Đại Việt sử lược" thì năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau ngài nằm mộng thấy rồng vàng bèn ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là "Thấy rồng vàng hiện lên" để ghi nhớ điềm lành. Lại có người cho rằng cửa biển Đồ Sơn là một trong những cái nôi tiếp nhận cho dựng tháp ở đây để thờ Phật. Khi xưa, có thể nơi đây còn là một đài quan sát nằm trong hệ thống "truyền đăng". Mỗi khi có biến, các trạm quan sát ven biển liền đốt cỏ khô cho khói bay lên trời, truyền tín hiệu báo động về kinh thành. Qua những di vật còn lại thì thấy rằng tháp Tường Long được xây cùng thời với tháp Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long (nay là khu vực Nhà hát lớn Hà Nội). Theo Đại Nam nhất thống chí", tháp cũ Đồ sơn cao 100 thước, dựng trên một khu đất rộng 1000m2, có 9 tầng, cửa mở ra hướng tây. Một thước ta dài 0,45m, như vậy tháp cao khoảng 0,45m, lại đặt trên ngọn núi cách mặt biển 100m nên ngọn tháp này thuộc loại cao nhất so với các tháp ở Việt Nam thời bấy giờ. Tháp Tường Long nhiều lần được tu tạo và khôi phục trong triều Trần và triều Lê, nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn đã cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương. Điều này chứng tỏ tháp Tường Long xưa vô cùng quy mô, bề thế.Từ vị trí tháp Tường Long có thể thấy biển với những con tàu ra khơi vào lộng lẫy đế đánh bắt cá mang về nguồn hải sản tươi ngon phục vụ cho du khách, thấy thị xã Đồ Sơn cùng làng mạc, đồng ruộng xanh tươi, lại hiểu người xưa sao khéo chọn địa điểm xây tháp. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 289 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Ngôi nhà số 1 ngõ 42 Mê Linh

Ngôi nhà số 1 ngõ 42 Mê Linh, phường An Biên, quận Lê Chân, Hải Phòng là cơ quan bí mật của Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Hải Phòng năm 1927 - 1929, cơ quan bí mật của Đông Dương Cộng sản Đảng Tỉnh ủy Hải Phòng thời kỳ 1929 - 1930. Ở đó một thời đã là cơ sở hoạt động của các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người chiến sĩ ưu tú của Đảng, người con của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Hải Phòng. Sau khi dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu, tháng 9 năm 1927, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về nước hoạt động và được Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách Mạng đồng chí hội chỉ định là Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Hải Phòng. Đầu năm 1928, đồng chí thực hiện Vô sản hoá và mở lớp huấn luyện, viết báo giác ngộ quần chúng cách mạng, đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Tháng 6/1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản được thành lập. Tháng 9/1929 tại địa điểm trên (1/42 Mê Linh), hội nghị của những thanh niên cộng sản tiêu biểu quyết thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng. Sau hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản Đảng ở Việt Nam (03/02/1930), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cương vị Xứ uỷ Bắc Kỳ trở về củng cố Đảng bộ Hải Phòng. Nhờ có đường lối đúng đắn của Trung ương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Đảng bộ Hải Phòng đã phát động được quần chúng đấu tranh sôi nổi, liên tục. Năm 1929, tên Đốc lý Hải Phòng đã tuyên truyền, xuyên tạc nói xấu, bôi nhọ lý tưởng cao cả của những người cộng sản, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết bài bóc trần luận điệu xuyên tạc của tên thực dân, đồng thời thông qua đó giác ngộ quần chúng nhận rõ bộ mặt nham hiểm của chúng và kêu gọi quần chúng ủng hộ những người cộng sản vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Tại ngôi nhà này, còn lưu giữ một số di vật (phục chế) mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã từng dùng như: bàn làm việc, tủ, giường gỗ. Hàng năm, ngôi nhà 1/42 Mê Linh được Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng chăm lo tu bổ. Đó là nơi ghi dấu một thời kỳ hoạt động bí mật của Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của Đảng, người Bí thư đầu tiên, người con quang vinh của giai cấp công nhân và nhân dân Hải Phòng ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngày nay, tại số 124 Nguyễn Đức Cảnh còn đặt một tấm bia tưởng niệm đồng chí. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 291 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích chùa Mõ

Di tích chùa Mõ - Địa điểm du lịch tâm linh Hải Phòng nằm tại Xã Ngũ Phúc, thuộc huyện Kiến Thụy, địa phận thành phố Hải Phòng Tương truyền, chùa Mõ thờ Quỳnh Trân công chúa, con gái của vua Trần Thánh Tông, đồng thời cũng là người có công khai hóa mảnh đất này khi lựa chọn nơi đây để lập am, chiêu mộ dân đến khai hoang, cùng nhau xây dựng. Ngôi chùa mang một vẻ đẹp cổ kính, tĩnh lặng bên năm tháng cùng với cây gạo cổ thụ đã đứng sừng sững hơn 720 năm, được công nhận là cây di sản Việt Nam. Vào năm 1991, Chùa Mõ đã được công nhận như một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. NGUỒN: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Hải Phòng 273 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích chùa Đỏ

Khu di tích chùa Đỏ nằm tại Đường Lê Lai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng Chùa Đỏ là tên thường gọi của ngôi chùa cổ Linh Độ Tự. Sở dĩ chùa có cái tên Linh Độ vì đây là nơi mà dân làng lập nên ở khu bãi bồn cao gần bờ sông, với mong muốn thờ Phật, cầu Như Lai siêu độ cho các vong linh xấu số trôi dạt vào bờ sông ở đây. Theo người dân nơi này, chùa Đỏ là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất thành phố hoa phượng đỏ. Ngôi chùa còn thu hút khách hành hương và tới vãn cảnh khi sở hữu kiến trúc cổ diêm chồng đấu có 3 tầng 20 mái, cao 26m - kiến trúc độc đáo có một không hai trong lịch sử kiến trúc chùa chiền trên đất nước Việt Nam. NGUỒN: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Hải Phòng 291 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Bạch Đằng Giang

Khu di tích Bạch Đằng Giang ở Thủy Nguyên, Hải Phòng rộng 20ha, nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh được công nhận năm 1962. Ba trận thủy chiến đó là, trận Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938, trận Lê Hoàn đánh tan quân Tống năm 981 và trận Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông năm 1288. Vĩ đại là thế nhưng với những di sản còn lại vẫn chưa đủ để thể hiện tầm vóc của những chiến thắng đó. Nhận thức được những giá trị to lớn ấy, từ năm 2008 những người có tâm huyết đã quyết tâm xây dựng lại quần thể ghi dấu ấn hồn thiêng sông núi nước Nam. Cổng vào di tích là vườn đá cuội và trụ đá cao chừng 5m, 4 mặt đều khắc chữ, mặt chính giữa khắc câu thơ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”, 3 mặt còn lại tán dương công trạng của ba bậc tiền nhân trong các trận thủy chiến. Quần thể còn nhiều khu khác như đền Bạch Đằng Giang thờ Đức Ngô Quyền Vương, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn minh Đại Việt. Đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Vua Lê Đại Hành, năm 981 đã tái tạo lại địa cọc của Ngô Quyền để đánh Tống bình Chiêm, đưa Đại Cồ Việt ngang hàng với Đại Hán. Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông, đỉnh điểm là chiến thắng Bạch Đằng 1288, mở ra nền văn minh Đông Á rực rỡ. Cả ba ngôi đền đều được thiết kế theo kiến trúc cổ với sự kết hợp kỳ công giữa gỗ và đá tự nhiên. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm cuối cùng trong tứ linh từ của khu di tích Bạch Đằng Giang. Đây là nơi đầu tiên ở Hải Phòng lập đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Người luôn trong trái tim của mọi người dân Việt. Trúc Lâm tự Tràng Kênh, đây là ngôi chùa mô phỏng theo chùa Đồng ở Yên tử. Chùa thờ Phật Tổ Như Lai, Đạt Ma và Bồ Tát, Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Dưới chân chùa là tượng Bạch Ngọc 18 vị La Hán và cây đa cổ thụ trên trăm tuổi. Chùa là một trong những nơi cao nhất của khu di tích Bạch Đằng Giang, có thể quan sát bao quát không gian rộng rãi, nhìn ra dòng sông Bạch Đằng, dãy Đông Triều hùng vĩ. Đặc biệt trong những ngày trời quang du khách cũng có thể nhìn thấy danh thắng Yên Tử. Đền thờ Thánh Mẫu trong khu di tích thờ Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Trong đền còn có hương án và pho tượng thờ tự Ngũ Vị Tôn Ông, Tam Vị ông Hoàng, Đức Nam Hải Thần Vương và Mẫu Sơn Trang. Trong khu di tích còn có khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng; sơ đồ diễn biến các trận chiến trên sông Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần..; lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ. NGUỒN: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Hải Phòng 402 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Thủ Lễ

Đình Thủ Lễ thuộc thị trấn Sịa, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 16km về phía Bắc, cách huyện lỵ Quảng Điền 1km. Làng Thủ Lễ là một trong những làng được thành lập khá sớm, trước thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Sau khi làng được thành lập, 8 vị khai canh đã chọn vị trí trung tâm của làng để xây dựng Đình. Đình nằm trên một khuôn viên rộng chừng 1.000m2. Từ ngoài vào là 4 trụ biểu hình khối vuông cao lớn, trên mỗi trụ đều có câu đối chữ Hán. Cách trụ biểu 5m là nhà bia, hồ bán nguyệt, tiếp đến là bức bình phong. Đình gồm 5 gian 2 chái, có 48 cột gỗ lớn, Đình không có vách ngăn và hệ thống cửa ở mặt tiền, mái lợp ngói âm dương. Nội thất chia làm hai phần, bên trong là Hậu cung bố trí các án thờ, ngoài là Tiền đường treo hoành phi, liễn đối và câu đối. Hai bên tả, hữu Đình có hai nhà Tăng. Hiện đình Thủ Lễ còn lưu giữ: một khánh đá, một phiến đá bùa, 57 sắc phong, hơn 400 trang văn bản (địa bạ), 16 câu đối, 3 bức hoành, hai tượng hạc bằng gỗ. Ðặc điểm nổi bật của đình Thủ Lễ là kiểu nhà rường truyền thống, với bộ rường gỗ vững chãi biểu trưng cho cư dân đầm phá Tam Giang. Hàng năm có hai lễ chính, Xuân tế (tháng giêng Âm lịch) và Thu tế (tháng 7 Âm lịch). Với giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đó, Đình Thủ Lễ được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 61/1999-Quyết Ðịnh /Bộ Văn Hóa Thông Tin, ngày 13-9-1999 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 306 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Dạ Lê

Đình Dạ Lê thuộc phường Thủy Vân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6km về phía Nam. Đình Dạ Lê được xây dựng khoảng năm Minh Mạng thứ 7 (1826) là công trình kiến trúc tương đối cổ kính, được vua Khải Định tặng 4 chữ “Mỹ tục khả gia” nghĩa là “Tục tốt đáng khen”. Khuôn viên Đình Dạ Lê rộng 2.158m2. Bố trí cấu trình Đình bao gồm: Hồ bán nguyệt - trụ biểu – bình phong – tòa Đại đình được liên kết với nhau theo một trục dọc. Tòa Đại đình làm theo kiểu nhà rường ba gian, hai chái diện tích 221m2 (17m x 13m). Cột kèo bằng gỗ, kết cấu hài hòa, gồm 28 cột lớn, trong đó hàng cột lớn nhất (cột cái) 8 cột, cột hàng nhì (cột quân) 16 cột và cột hàng ba (cột hiên) 4 cột. Mái của Đình Dạ Lê hơi ngang, lợp ngói liệt, trên trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt”, bốn góc mái có biểu tượng “long hồi”. Nội thất Đình có án thờ gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ. Trên các nghi môn, liên ba chạm khắc các họa tiết đặc trưng của nghệ thuật triều Nguyễn. Đình Dạ Lê còn lưu giữ được 20 câu đối, 6 bức hoành phi. Trải qua thời gian và chiến tranh, Đình Dạ Lê được trùng tu nhiều lần, qua các lần tu sửa một số cấu trúc gỗ đã được thay thế bằng xi măng cốt thép. Đình Dạ Lê là một di tích kiến trúc tiêu biểu có giá trị về mặt kiến trúc gỗ truyền thống, mang phong cách nhà rường dân gian Huế. Đình Dạ Lê còn là nơi tập trung và diễn ra nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của làng. Đặc biệt, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nhân dân địa phương hưởng ứng các phong trào đấu tranh yêu nước, phong trào giải phóng dân tộc. Với giá trị kiến trúc, nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử của di tích, ngày 19/1/2001 Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định số 04/2001/Quyết Định-Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận Đình Dạ Lê là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 321 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Chùa Bảo Ngạn

Chùa Bảo Ngạn tọa lạc tại xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Chùa Bảo Ngạn vốn là một ngôi chùa cổ, tương truyền xưa kia vốn là thái ấp thang mộc của con gái vua Hùng, được chư Tổ kiến tạo thành chùa thờ Phật, là nơi ủ ấm tâm linh cho dân cư Phật tử cả một vùng rộng lớn. Trải qua các biến cố thăng trầm của thời gian, ngôi chùa đã thành một phế tích. Từ chốn Tổ chùa Hương – Hà Tây, được Phật bổ xứ về chùa Bảo Ngạn, Đại đức Thích Minh Thuận đã từng bước một, vừa kiên trì kiến tạo cả nền tảng vật chất và nền tảng tâm linh của chùa, vừa phát tâm vô quải ngại nỗ lực đóng góp cho công nghiệp hoằng pháp ở Phú Thọ. Ban đầu Thầy làm các lán nhà tạm, rồi từng bước 1 xây dựng giảng đường, nhà khách, nhà Tăng, nhà Tổ,…kiên cố, uy nghi. Trường An cư kết hạ và các khóa tu, các lễ hội vẫn được khai mở tại đây. Như ong về tổ, Phật tử vân tập về tu học ngày một đông đúc. Nơi đây đã trở thành 1 chốn Già lam nổi tiếng trong vùng. Chùa Bảo Ngạn có kiến trúc và thiết kế nội thất tuân theo phong cách Chân Tịnh kết hợp với Mật Tịnh đồng tu. Đặc biệt, nó có cung thờ Tổ Liên Hoa Sinh – một vị tổ quan trọng trong Mật tông Tây Tạng. Đại đức Minh Thuận, một trong những Pháp tử ưu tú của Tổ Viên Thành, được biết đến là người đã đưa Mật giáo trở lại Việt Nam vào năm 1992. Kiến trúc của chùa Bảo Ngạn theo hình dáng của chữ “Công”, với tiền tế chồng lên nhau tạo thành tám mái. Hậu cung cũng có mười hai mái, với diện tích mặt sàn lớn hơn 500m2 và chiều cao lên tới 16,5 mét. Ngôi chùa hiện đứng vững uy nghi bên bờ sông Lô, gần cây cầu Việt Trì lịch sử. NGUỒN: BÁO PHÚ THỌ

Phú Thọ 316 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật