Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Thừa Thiên Huế

Nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương

Nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương thuộc Làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ trung tâm thành phố Huế, theo Quốc lộ 1A (hướng Bắc 30km đến xã Phong Thu, huyện Phong Điền) rẽ phải theo tỉnh lộ 6 khoảng 15km là đến di tích. Nguyễn Tri Phương, tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 21-7 năm Canh Thân (1800), quê ở làng Ðường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Phong Chương, Phong Ðiền). Làm quan dưới các triều Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, là Ðại thần của Nhà Nguyễn, có nhiều công lao trong việc khai khẩn xứ Nam Kỳ và đánh thực dân Pháp xâm lược. Ông bị thương trong trận quân Pháp đánh vào Thành Hà Nội ngày 19-11-1873, sau đó tuyệt thực và mất ngày 20-12-1873 ( tức ngày 1-11 âm lịch), thọ 73 tuổi. Vua Tự Ðức cho đem thi hài ông về an táng tại quê nhà và cấp vật liệu xây dựng nhà thờ chung với em trai là Nguyễn Duy và con là Nguyễn Lâm đều là những người có công đánh thực dân Pháp. Di tích nhà thờ, lăng mộ Nguyễn Tri Phương đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 575-Quyết Định /Văn Hóa Thông Tin ngày 14/7/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 286 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình và Miếu khai canh Thế Lại Thượng

Đình và Miếu khai canh Thế Lại Thượng nằm trên đường Bạch Ðằng, phường Phú Hiệp (nay là phường Gia Hội), thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đình - Miếu Thế Lại Thượng được xây dựng trên phần đất của làng Thế Lại - một làng cổ xứ Thuận Hóa, ra đời cách đây trên 500 năm, về sau, làng Thế Lại tách ra làm hai làng Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ. Hiện nay làng Thế Lại Thượng nằm trong địa phận phường Phú Hiệp (nay là phường Gia Hội), thành phố Huế. Đình Thế Lại Thượng quay mặt về hướng Tây – Nam. Trước mặt là sông đào Đông Ba. Khuôn viên rộng 1.200m2, có la thành bao quanh. Đình Thế Lại Thượng được cấu trúc gồm: Cổng Tam quan với 4 trụ biểu vuông, cao lớn, có đắp nổi câu đối chữ Hán, cách trụ biểu 5m là đôi hạc đứng trên lưng rùa chầu độc lư cao 1,8m, tiếp đến là sân đình. Đình xây dựng theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, dài 12m, rộng 9m, có 26 cột chính và 4 cột hiên. Ðề tài trang trí chủ yếu là tứ linh, một số hoa lá tượng trưng cho 4 mùa và các hệ thống Bát Bửu, tất cả đóng khung trong các ô hộc. Nội thất chia làm 2 phần: Hậu cung và Tiền đường (hay Bái đường). Miếu Thành hoàng Thế Lại Thượng có cổng Tam quan xây theo kiểu cửa vòm. Kiến trúc Miếu theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, có 36 cột gỗ, đề tài trang trí chủ yếu là tứ linh, hổ phù, hoa lá 4 mùa. Đình và Miếu Thế Lại Thượng là một cụm di tích chứa đựng nhiều giá trị nổi bật về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa xã hội. Cụm di tích này đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 05/1999 Quyết Ðịnh-Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày 12-1-1999 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 283 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Lăng mộ và nhà thờ, nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu

Lăng mộ và nhà thờ, nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu ở số 53, đường Phan Bội Châu, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phan Bội Châu - nhà yêu nước, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, năm 1925 Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bị thực dân Pháp lén lút đưa về Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi ân xá cho Cụ, thực dân Pháp phải đưa cụ về giam lỏng tại Huế 15 năm (1925-1940). Ngôi nhà của cụ Phan ở dốc Bến Ngự: Nhà ở cụ Phan được xây dựng trong khoảng từ năm 1926-1927. Ngôi nhà do Cụ tự thiết kế, cụ Võ Liêm Sơn – giáo viên trường Quốc Học đứng ra chủ trì xây dựng. Ngôi nhà có hình chữ công nằm ngang, ba gian nhà lợp tranh, tượng trưng cho ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), vách đất tương đối cao và thoáng mát. Chính giữa nhà hình vuông, làm nơi diễn thuyết. Xung quanh có các chái chia phòng riêng biệt. Lăng mộ cụ Phan Bội Châu: Lăng mộ được cụ Phan Bội Châu định vị sẵn từ năm 1934, nằm ngay phía trước ngôi nhà ở và chính giữa khu vườn. Sau khi cụ Phan qua đời (29/10/1940) với số tiền phúng điếu của đồng bào trong cả nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đứng ra xây dựng ngôi mộ và nhà thờ. Mộ có chiều dài 7m, ngang 5m, có 5 bậc tam cấp cao 0,8m, cách bình phong phía đầu mộ chừng 1m là tấm bia cao 1,8m, rộng 0,8m, trên mặt bia có bài “Tự Minh” bằng chữ Hán do cụ Phan viết năm 1934. Nhà thờ cụ Phan Bội Châu: Do cụ Huỳnh Thúc Kháng đứng ra xây dựng năm 1941 cùng với khu lăng mộ. Nhà thờ được xây dựng phía bên phải nhà ở, nguyên trước đây là ngôi nhà rường 3 gian tường gạch, mái lợp ngói liệt. Nhà dài 7,5m, rộng 6m. Từ đường: Từ đường được xây dựng từ tháng 4/1955 đến năm 1956, do cụ Tôn Thất Sa thiết kế, bác sỹ Thân Trọng Phước làm Trưởng ban xây dựng. Từ đường là một ngôi nhà ngói to lớn, đồ sộ, cao khoảng 8m, mái lợp ngói âm dương, mặt quay về phía lăng mộ cụ Phan Bội Châu. Mặt trước Từ đường có biển đề hàng chữ “Từ đường các liệt sỹ tiền bối và Phan Bội Châu tiên sinh”. Hiện nay, ngôi Từ đường đã được Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế sử dụng một phần để tổ chức trưng bày về thân thế, sự nghiệp cụ Phan. Cùng với những di tích chính, trong khu vực vườn nhà cụ Phan Bội Châu còn có một số di tích khác: Lăng mộ Tăng Bạt Hổ, lăng mộ ông bà Phan Nghi Đệ (con trai và con dâu của cụ Phan), nhà bia thờ Ấu Triệu Lê Thị Đàn, giếng nước… Tượng cụ Phan nằm bên phải khu vườn. Bức tượng do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn thực hiện năm 1973 cùng với sự tham gia của Ban cán sự giáo chức và trí thức giải phóng (thuộc Thành ủy Huế), Trường Cao đẳng mỹ thuật, gia đình cụ Phan và các ban đại diện, cán sự sinh viên và học sinh Huế. Tượng cụ Phan là loại tượng đồng có kích cỡ lớn nhất Việt Nam, cao 3m, nặng 4 tấn đồng. Tượng được đặt trên một bệ hình khối chữ nhật cao 2m bằng đá hộc. Nghĩa địa mang tên Phan Bội Châu: Nghĩa địa mang tên cụ Phan Bội Châu là một khu vườn rộng 4.000m2, ở gần đàn Nam Giao, do cụ Phan mua cùng thời điểm với mảnh đất làm nhà ở dốc Bến Ngự. Năm 1934, Cụ dựng bia quy định rõ tiêu chuẩn những người được chôn cất tại đây. Ở nghĩa địa hiện nay có mộ đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Nữ sử Đạm Phương, Hải Triều, Lê Tự Nhiên, Thanh Hải… Lăng mộ và nhà thờ, nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 575-Quyết Định/Văn Hóa ngày 14/7/1990 của Bộ Văn hóa Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 294 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Phủ thờ Tôn Thất Thuyết

Phủ thờ Tôn Thất Thuyết thuộc Thôn vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ trung tâm thành phố Huế đến cầu An Cựu (bờ bắc) theo đường Tỉnh lộ qua Cầu ngói Thanh Toàn về thôn Vân Thê là đến di tích (khoảng 7km). Tôn Thất Thuyết sinh ngày 29/3 năm Kỷ Hợi (12/5/1839) tại xóm Phú Mộng, xã Xuân Hòa, huyện Hương Trà (nay thuộc phường Kim Long – thành phố Huế) trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp thuộc phòng 4 hệ 5 của dòng họ Nguyễn Phúc. Thân sinh là Đề đốc Tôn Thất Đính, thân mẫu là bà Văn Thị Thu. Trong sự nghiệp của mình, ông được cử giữ nhiều chức vụ: Án sát tỉnh Hải Dương, Tán tương quân thứ Thái Nguyên rồi Tán lý quân thứ Sơn – Hưng – Tuyên, Tham tán, Hữu tham tri bộ Binh, Tuần phủ Sơn Tây, Tuần phủ, hộ lý Tổng đốc Ninh Thái kiêm Tổng đốc các việc quân Ninh, Thái, Lạng, Bằng, Hiệp đốc quân vụ đại thần, Thượng thư bộ Binh, Phụ chính đại thần, Điện tiền tướng quân, Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại…Ông luôn có chủ trương đánh Pháp, tháng 11/1873, quân của ông cùng quân của Lưu Vĩnh Phúc đánh bại quân Pháp ở Ô Cầu Giấy, Hà Nội, ông muốn thừa thắng tấn công địch nhưng triều đình muốn ông triệt binh về Sơn Tây, ông cự tuyệt, triều đình phải cử người đến bàn bạc ông mới chịu lui binh. Tháng 6/1874 khi được điều về Nghệ An đối phó với cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai, song khi đến nhậm chức, ông tỏ ra thiện cảm và giúp đỡ phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh. Sau khi Hàm Nghi lên ngôi, Tôn Thất Thuyết tích cực chuẩn bị cho việc đánh Pháp. Ông lập quân Phấn nghĩa và Đoàn kiệt, xây dựng căn cứ Tân Sở và hệ thống Sơn phòng, mua sắm tích trữ vũ khí, tăng cường phòng thủ kinh thành, khích lệ sỹ phu và văn thân và mở các cuộc đấu tranh không khoan nhượng với các phần tử chủ hòa, thân Pháp trong nội bộ Triều đình và Hoàng tộc. Đêm ngày 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết chủ động tổ chức tấn công quân Pháp đóng tại Tòa Khâm sứ, Trấn Bình Đài và khu nhượng địa. Cuộc tấn công thất bại, sáng ngày 5/7/1885, ông hộ giá vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành ra Quảng Trị rồi ra Hà Tĩnh phát động phong trào Cần Vương. Đầu năm 1886, sau khi sắp xếp, ổn định bộ máy của Triều đình kháng chiến Hàm Nghi, ông ra Bắc vận động các sỹ phu, văn thân, tù trưởng các dân tộc thiểu số nổi lên đánh Pháp. Đầu năm 1887, sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh, song Triều đình Mãn Thanh theo yêu cầu của Pháp đã quản thúc ông tại Quảng Đông. Ông mất tại Thiều Châu ngày 22/9/1913. Phủ thờ Tôn Thất Thuyết vốn là Phủ thờ của dòng họ, được Tôn Thất Thuyết cho xây dựng khoảng năm Tự Đức thứ 19 (1866). Sau ngày Tôn Thất Thuyết mất dòng họ lấy Phủ này làm nơi thờ ông. Di tích Phủ thờ Tôn Thất Thuyết được công nhận là di tích Quốc gia ngày 15/10/1994 tại Quyết định số 2754-Quyết Định/Bộ Văn hóa Thông tin của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 324 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Lăng mộ Trần Văn Kỷ.

Lăng mộ Trần Văn Kỷ thuộc làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trần Văn Kỷ là một danh sỹ kiệt xuất triều đại Tây Sơn. Năm 1777, Trần Văn Kỷ đỗ Giải nguyên. Năm 1786, Trần Văn Kỷ được Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho mời để hỏi về kế trị loạn. Khâm phục tài năng của ông, sau khi từ Quy Nhơn về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã phong cho ông làm Trung Thư phụng chính (người dự thảo chính lệnh cho vua), nắm toàn bộ trung thư cơ mật, tham mưu cho Nguyễn Huệ và được phong tước Hầu. Trần Văn Kỷ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại bộ máy cai trị ở Đàng ngoài, tiến cử một số nhân sỹ nổi tiếng vào bộ máy nhà nước như: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Võ Văn Ước, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn…, đứng ra tổ chức hội kiến giữa vua Quang Trung và Nguyễn Thiếp một danh sỹ đất Nghệ An. Dưới triều Quang Trung, ông có nhiều công lao giúp Quang Trung trị vì đất nước. Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh thắng thế, Trần Văn Kỷ về quê, đổi tên cải dạng nuôi chí phục thù. Bị phát giác, ông phải vào Kinh đô Phú Xuân, trên đường vào đến ngã ba Sình ông hô to “Trung thần bất sự nhị quân” rồi nhảy xuống sông trầm mình tự vận để giữ tròn khí tiết, ông mất ngày 24/12/1801 (tức ngày 19 tháng 11 năm Tân Dậu). Phần mộ Trần Văn Kỷ nằm trên một mô đất cao có diện tích 11m2. Mộ nguyên trước đây đắp đất hình tròn, đường kính 1m, chính mộ quay về hướng Đông, trước mộ có tấm bia xi măng cao 70cm do cháu nội Trần Văn Kỷ lập năm 1958. Năm 1995, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế đã trùng tu lại ngôi mộ. Nấm mộ tròn được giữ nguyên, phía trên nấm rắc sỏi, xung quanh xây đường tròn để bảo vệ mộ, bao quanh mộ là một lớp bê tông hình chữ nhật có đường gờ bốn bên. Di tích lăng mộ Trần Văn Kỷ đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 534 -Quyết Định /Bộ Văn hóa Thông tin ngày 11/5/1993 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 327 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Văn Xá

Đình Văn Xá thuộc xã Hương Văn, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Văn, thị xã Hương Trà), tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ thành phố Huế dọc theo Quốc lộ 1A ra phía Bắc khoảng 13km, rẽ phải theo đường làng là đến di tích. Đình Văn Xá được xây dựng vào năm Ất Sửu (1865) dưới thời Tự Đức, là một trong số ít những ngôi Đình có quy mô bề thế, và có giá trị kiến trúc tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế. Đình Văn Xá được xây dựng trong khuôn viên rộng khoảng 1.600m2 có la thành bao quanh 4 phía. Trước mặt Đình có hồ bán nguyệt trồng sen. Từ ngoài đi vào đình Văn Xá có cổng Tam quan, bình phong, nhà bia, sân đình và đình. Cổng Tam quan mở ba lối đi vào hình vòm cuốn, tầng mái đúc giả ngói âm dương. Bình phong xây kiểu tổ ong, chính giữa có dựng nhà bia (khắc nội dung về việc xây dựng và trùng tu Đình). Ðình Văn Xá là ngôi nhà rường ba gian hai chái kép, nền đất rộng 400m2, gồm 54 cột trong đó có 8 cột cái cao 5,2m, 16 cột nhì (cột quân) cao 3,6m, 24 cột ba (cột bên) cao 2,5m và 6 cột tư (cột hiên) cao 1,5m. Hệ thống vì kèo chạm trổ tinh vi. Nghệ thuật trang trí đình Văn Xá chủ yếu là "Tứ linh”, “lưỡng long chầu nguyệt" đặc trưng kiến trúc Nguyễn. Mái lợp ngói liệt, bờ nóc đắp cao trông giống một con thuyền được chia ra làm 13 ô trang trí. Ðình Văn Xá thờ vọng Thành hoàng là năm vị tiền khai canh của dòng họ Lê, Trần, Cao và hai vị nhân thần là Bố Chính Dinh Ký Lục Trần Mậu Quế (1688-1762) và Hữu Tham Tri Bộ Lễ Trần Hưng Ðạt (1746-1810). Ðình trùng tu các năm 1961 và năm 1995. Đình Văn Xá đã được xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 61/1999 Quyết Ðịnh/Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày 13-9-1999 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 357 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Thủ Lễ

Đình Thủ Lễ thuộc thị trấn Sịa, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 16km về phía Bắc, cách huyện lỵ Quảng Điền 1km. Làng Thủ Lễ là một trong những làng được thành lập khá sớm, trước thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Sau khi làng được thành lập, 8 vị khai canh đã chọn vị trí trung tâm của làng để xây dựng Đình. Đình nằm trên một khuôn viên rộng chừng 1.000m2. Từ ngoài vào là 4 trụ biểu hình khối vuông cao lớn, trên mỗi trụ đều có câu đối chữ Hán. Cách trụ biểu 5m là nhà bia, hồ bán nguyệt, tiếp đến là bức bình phong. Đình gồm 5 gian 2 chái, có 48 cột gỗ lớn, Đình không có vách ngăn và hệ thống cửa ở mặt tiền, mái lợp ngói âm dương. Nội thất chia làm hai phần, bên trong là Hậu cung bố trí các án thờ, ngoài là Tiền đường treo hoành phi, liễn đối và câu đối. Hai bên tả, hữu Đình có hai nhà Tăng. Hiện đình Thủ Lễ còn lưu giữ: một khánh đá, một phiến đá bùa, 57 sắc phong, hơn 400 trang văn bản (địa bạ), 16 câu đối, 3 bức hoành, hai tượng hạc bằng gỗ. Ðặc điểm nổi bật của đình Thủ Lễ là kiểu nhà rường truyền thống, với bộ rường gỗ vững chãi biểu trưng cho cư dân đầm phá Tam Giang. Hàng năm có hai lễ chính, Xuân tế (tháng giêng Âm lịch) và Thu tế (tháng 7 Âm lịch). Với giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đó, Đình Thủ Lễ được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 61/1999-Quyết Ðịnh /Bộ Văn Hóa Thông Tin, ngày 13-9-1999 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 311 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Dạ Lê

Đình Dạ Lê thuộc phường Thủy Vân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6km về phía Nam. Đình Dạ Lê được xây dựng khoảng năm Minh Mạng thứ 7 (1826) là công trình kiến trúc tương đối cổ kính, được vua Khải Định tặng 4 chữ “Mỹ tục khả gia” nghĩa là “Tục tốt đáng khen”. Khuôn viên Đình Dạ Lê rộng 2.158m2. Bố trí cấu trình Đình bao gồm: Hồ bán nguyệt - trụ biểu – bình phong – tòa Đại đình được liên kết với nhau theo một trục dọc. Tòa Đại đình làm theo kiểu nhà rường ba gian, hai chái diện tích 221m2 (17m x 13m). Cột kèo bằng gỗ, kết cấu hài hòa, gồm 28 cột lớn, trong đó hàng cột lớn nhất (cột cái) 8 cột, cột hàng nhì (cột quân) 16 cột và cột hàng ba (cột hiên) 4 cột. Mái của Đình Dạ Lê hơi ngang, lợp ngói liệt, trên trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt”, bốn góc mái có biểu tượng “long hồi”. Nội thất Đình có án thờ gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ. Trên các nghi môn, liên ba chạm khắc các họa tiết đặc trưng của nghệ thuật triều Nguyễn. Đình Dạ Lê còn lưu giữ được 20 câu đối, 6 bức hoành phi. Trải qua thời gian và chiến tranh, Đình Dạ Lê được trùng tu nhiều lần, qua các lần tu sửa một số cấu trúc gỗ đã được thay thế bằng xi măng cốt thép. Đình Dạ Lê là một di tích kiến trúc tiêu biểu có giá trị về mặt kiến trúc gỗ truyền thống, mang phong cách nhà rường dân gian Huế. Đình Dạ Lê còn là nơi tập trung và diễn ra nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của làng. Đặc biệt, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nhân dân địa phương hưởng ứng các phong trào đấu tranh yêu nước, phong trào giải phóng dân tộc. Với giá trị kiến trúc, nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử của di tích, ngày 19/1/2001 Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định số 04/2001/Quyết Định-Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận Đình Dạ Lê là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 325 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Phú Xuân

Đình Phú Xuân thuộc Phường Tây Lộc,(nay là phường Đông Ba), thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đình Phú Xuân được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XV, là di tích lịch sử kiến trúc gắn với địa danh lịch sử Phú Xuân, nơi chúa Nguyễn chọn đặt phủ chúa xứ Ðàng Trong, là kinh đô Phú Xuân dưới thời vua Quang Trung và nhà Nguyễn. Đình gồm có cổng Tam quan, bình phong, Đình họp và Đình tế.Cổng Tam quan có 4 trụ biểu hình vuông, hai cột giữa cao 4,10m, rộng 0,48m, hai cột bên cao 3,60m, rộng 0,48m. Trụ biểu được trang trí hình tượng búp sen, hoa lá, câu đối. Bình phong cao 2,90m, rộng 4m, dày 0,58m. Sau bình phong có lư hương cao 1,50m được xây bằng gạch và xi măng. Ðình họp là ngôi nhà rường ba gian, hai chái dài 17,80m, rộng 10,60m. Đình có 8 cột lớn, 12 cột nhỏ, các đường xuyên thổ, kèo quyết được trang trí họa tiết hoa lá cách điệu, tất cả đều được làm bằng gỗ lim và kiền kiền. Mái lợp ngói liệt. Ðình tế dài 10,50m, rộng 15,90m xây dựng theo kiểu "thượng song hạ bản", các đường xuyên thổ, liên ba làm bằng gỗ lim, được chạm trổ hoa lá cách điệu. Mái lợp ngói liệt. Gian giữa thờ các vị khai canh, gian tả thờ các vị có công với làng với họ, gian hữu thờ các vị Tiên tổ. Ðình Phú Xuân là kiến trúc dân gian độc đáo, duy nhất có trong Kinh thành, chứng minh cho sự hình thành, phát triển kinh đô Phú Xuân. Đình Phú Xuân đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia tại quyết định số 2754/Quyết Ðịnh Bộ Văn hóa Thông tin ngày 15/10/1994 Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 295 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Ðình Lại Thế

Đình Lại Thế thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (nay là phường Phú Thượng, thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế. Đình được xây dựng từ năm 1741, thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2. Đây là một trong những ngôi Đình cổ ở Thừa Thiên Huế có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Ðình Lại Thế gồm toà Ðại Ðình ba gian, hai chái kép, gian giữa rộng 2,95m, hai gian bên rộng 2,90m, hai gian chái mỗi gian rộng 1,7m. Toàn bộ Đình có 54 cột, chia thành 8 hàng ngang và 7 hàng dọc, kiến trúc đình theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc", “kèo chồng” hay “vài chồng”, là đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Toàn bộ Đình được bố trí bao gồm: Toà đại đình, sân đình, cổng đình, hàng trụ biểu được liên kết với nhau theo một trục dọc. Đường nét hoa văn khắc chạm trang trí trong Đình đều mang giá trị nghệ thuật cao. Đình sau khi xây dựng đã được tu sửa nhiều lần vào các năm: 1780, 1845, 1891 và 1998. Đình Lại Thế còn lưu giữ được nhiều di vật quý: 4 bức hoành sơn son thếp vàng bằng chữ Hán, hệ thống câu đối và 6 sắc phong các đời vua ban tặng cho các ngài có công khai canh khai khẩn gây dựng, mở mang làng Lại Thế. Hàng năm tại Đình Lại Thế thường diễn ra hai lễ chính, đó là: Lễ xuân kỳ và Lễ thu tế để dâng cúng các phúc thần, các thủy tổ khai canh khai khẩn tỏ lòng báo đáp công ơn. Những sinh hoạt này đến nay vẫn được dân làng duy trì, gìn giữ như một nét đẹp truyền thống của con dân làng Lại Thế. Với những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, Đình Lại Thế đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia, theo Quyết định số 04/2001 Quyết Ðịnh -Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày 19/01/2001 của Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 312 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Chùa Thánh Duyên

Chùa Thánh Duyên là một danh lam cổ tự nằm ở núi Mỹ Am (sau đổi là Thủy Hoa rồi Thúy Vân nhưng người địa phương quen gọi là Túy Vân), xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, sát bờ Bắc đầm Cầu Hai, gần cửa biển Tư Hiền, được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, (1691 - 1725), năm 1830 được vua Minh Mạng cho nâng cấp, xây dựng thêm một loạt công trình kiến trúc và đặt tên là “Thánh Duyên Tự”. Dưới triều Nguyễn đây là một quốc tự, được triều đình quan tâm trùng tu và cử các danh tăng về làm Tăng cang và Chủ trì. Chùa Thánh Duyên là một danh lam cổ tự nằm ở núi Mỹ Am (sau đổi là Thủy Hoa rồi Thúy Vân nhưng người địa phương quen gọi là Túy Vân), xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, sát bờ Bắc đầm Cầu Hai, gần cửa biển Tư Hiền, được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, (1691 - 1725), năm 1830 được vua Minh Mạng cho nâng cấp, xây dựng thêm một loạt công trình kiến trúc và đặt tên là “Thánh Duyên Tự”. Dưới triều Nguyễn đây là một quốc tự, được triều đình quan tâm trùng tu và cử các danh tăng về làm Tăng cang và chủ trì. Cảnh đẹp núi Thúy Vân với thắng tích Thánh Duyên Tự được vua Thiệu Trị xếp hạng là đệ cửu cảnh trong hai mươi cảnh đẹp của đất Thần Kinh với bài “Vân Sơn thắng tích” đi kèm với bức họa vẽ toàn cảnh chùa Thánh Duyên nổi bật giữa khung cảnh hữu tình của núi Thúy Vân, đầm Cầu Hai và Biển Đông. Hiện nay, qua nhiều đợt trùng tu, chùa Thánh Duyên đang dần dần khôi phục lại vóc dáng của ngôi cổ tự với đình khắc bài “Vân Sơn bi thắng tích” của vua Thiệu Trị dựng ở chân núi, với cổng chùa hai tầng và tòa chánh điện 3 gian 2 chái còn bảo lưu các tượng Tam thế Phật, Quan Thế Âm, 18 vị La Hán, thập điện Minh Vương bằng đồng. Bên phải sân trước chùa còn bia đá khắc 4 bài thơ của vua Minh Mạng chế ngự về núi Thúy Hoa và chùa Thánh Duyên. Đặc biệt, giữa điện thờ chính là long vị bằng đồng đúc dòng chữ “Đương kim Minh Mạng Hoàng đế vạn thọ vô cương”. Đi dần lên đỉnh núi là Đại Từ Các 2 tầng có nghi môn và la thành bao bọc. Trên đỉnh núi là tháp Điều Ngự 3 tầng, cao khoảng 15m và đình Tiến Sảng ở sau tháp nhìn ra Biển Đông. Quanh chùa còn khá nhiều cây thông cổ thụ đang đứng vững với thời gian. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 325 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Chùa Giác Lương

Địa điểm thuộc làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 21km về phía Tây Bắc. Chùa Giác Lương do bà Hoàng Thị Phiếu và các tộc trưởng của các họ trong làng Hiền Lương xây dựng vào thời Lê Trung Hưng ở xứ Cồn Bệ, sau đó dời đến vị trí hiện nay. Chùa xây hướng Nam, hình chữ nhật dài 14,60m, rộng 11,48m, sườn mái bằng gỗ, lợp ngói liệt, gồm 2 gian và 4 chái. Sát bên chùa có nhà Tăng. Khuôn viên chùa được bao bọc bởi la thành hình chữ nhật, dài 79m, cao 1,20m, dày 0,50m. Mặt trước la thành xây trụ biểu. Cổng Tam quan đồ sộ, trên có lầu, dưới có ba cửa ra vào, quy mô lớn hơn nhiều ngôi quốc tự ở Huế. Trong chùa thờ 7 tượng Phật, thờ thánh Quan Công, Quan Bình, Châu Xương. Chùa có phối tự 12 vị thủy tổ các họ đã có công khai lập Làng. Tại chùa còn lưu giữ quả chuông lớn, đúc năm 1819, thân chuông đúc tên những người thợ rèn tài ba, những quan lại và những người giàu có đã cúng tiền đúc chuông và trùng tu chùa. Chùa Giác Lương góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế trong dặm dài của kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Chùa Giác Lương đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 776-Quyết Ðịnh /Văn Hóa ngày 22/6/1992 của Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 331 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình làng Hòa Phong

Đình làng Hòa Phong thuộc xã Thuỷ Tân, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 15km về phía Đông Nam, cách sân bay Phú Bài 3km. Nhân dân Hòa Phong có truyền thống yêu nước, anh dũng kiên cường. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Hòa Phong có nhiều cống hiến đóng góp cho cách mạng. Đình Hòa Phong là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng của quê nhà trong quá trình đấu tranh cách mạng. Đình làng là nơi tổ chức nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ cho kháng chiến như “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng”. Nhiều năm liền Đình Hòa Phong là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy như đồng chí Tư Minh, đồng chí Hà (Lén), đồng chí Nguyễn Húng, Hoàng Lanh, Hoàng Đắc, Lê Trọng Bật... Đặc biệt tháng 3 năm 1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Khu ủy Bình Trị Thiên đã tổ chức cuộc họp tại Đình Hòa Phong và nhận định Hòa Phong là căn cứ lõm của cách mạng, là đầu mối liên lạc, nằm trong hệ thống hành lang tiếp tế giữa đồng bằng và chiến khu. Nhân dân Hòa Phong đã có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Đình làng Hòa Phong là địa chỉ liên lạc giữa huyện Hương Thuỷ (nay là thị xã Hương Thủy) với các xã trong huyện. Di tích Đình làng Hoà Phong đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cách mạng quốc gia theo quyết định số 1460/Quyết Định -Văn Hóa , ngày 28 tháng 6 năm 1996. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 313 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

Địa đạo Khu uỷ Trị Thiên Huế nằm ở khu vực Khe Trái, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 25 km theo hướng Tây Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Trị Thiên nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng luôn là điểm nóng. Giữa năm 1967 thế và lực của ta trên chiến trường phát triển mạnh mẽ. Nắm vững thời cơ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế chủ trương chỉ đạo các địa phương trong Tỉnh đặc biệt là thành phố Huế phá thế kìm kẹp, phát triển cơ sở cách mạng trong lòng địch tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự, chính trị mở rộng vùng giải phóng, từng bước tăng cường sự chỉ đạo xây dựng các căn cứ địa cách mạng ở khu vực giáp ranh và địa đạo khu uỷ Trị Thiên Huế ra đời trong hoàn cảnh đó. Tháng 8 năm 1967, địa đạo khởi công xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tư Minh - Phó Bí thư Khu uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế chỉ huy mặt trận và đồng chí Đặng Kinh - Phó Tư lệnh quân khu, Uỷ viên thường vụ Khu ủy. Lực lượng chủ yếu là đội công an bảo vệ. Địa đạo là cơ quan đầu não của Khu uỷ Trị Thiên, Thành uỷ Huế chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng quân giải phóng trước và sau cuộc tấn công mùa xuân năm 1968. Ngoài trọng trách là cơ quan chỉ huy tối cao trên chiến trường Trị Thiên Huế, còn là chiếc cầu nối ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng. Tại địa đạo đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng đi đến những quyết định đúng đắn, góp phần to lớn vào sự thành công của chiến dịch Xuân 68 tại địa bàn Thừa Thiên Huế, cùng với những thắng lợi trên chiến trường giáng những đòn chí mạng buộc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pari. Thắng lợi lịch sử xuân Mậu Thân 1968 làm nức lòng đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế mà ở đó có sự đóng góp xứng đáng của quân và dân Trị Thiên Huế anh hùng. Với danh hiệu cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng: “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Địa đạo khu uỷ Trị Thiên là bằng chứng hùng hồn về sức mạnh, thế trận chiến tranh nhân dân là sự phát huy cao độ sức mạnh của ba thứ quân, trên cả ba vùng chiến lược, làm giàu cho kho tàng lý luận quân sự Việt Nam, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội ta. Chiến tranh đã đi qua song những bài học quý giá ấy vẫn còn nguyên giá trị... Di tích địa đạo Khu uỷ Trị Thiên Huế được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 310-Quyết Định/Bộ văn hóa Thể thao ngày 13 tháng 2 năm 1996. Với truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, địa đạo Khu uỷ được Nhà nước đầu tư kinh phí nhằm tu bổ tôn tạo để xứng đáng giá trị lịch sử, tầm vóc của một di tích quốc gia, trở thành điểm tham quan hấp dẫn, phục vụ cho khách tham quan trong nước và quốc tế. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 351 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Khu Di Tích Lịch Sử Chín Hầm

Khu di tích Chín Hầm nằm ở triền núi Thiên Thai, thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), thành phố Huế. Khu Chín Hầm nguyên trước đây (1941) là do thực dân Pháp xây dựng để làm kho chứa vũ khí. Năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (ngày 9 tháng 3 năm 1945), phát xít Nhật lấy toàn bộ vũ khí ở đây, khu Chín Hầm bị bỏ trống. Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn với vai trò “Chúa tể miền Trung” đã cải tạo Chín Hầm trở thành nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước. Từ đây nhà ngục Chín Hầm gắn liền với những tội ác man rợ mà gia đình họ Ngô đã gây ra đối với đồng bào ta. Các hầm này được Ngô Đình Cẩn cải tạo thành những khối bê tông hình chữ nhật nửa chìm, nửa nổi. Trong số này, hầm số 7 là một điển hình trong hệ thống hầm ngục. Cẩn đã cho cải tạo thành những xà lim kiểu chuồng cọp chỉ vừa 1 người kích thước (1,8m x 1,8m x 1,8m), dưới bàn tay của tên bạo chúa Ngô Đình Cẩn, không từ một thủ đoạn nào hòng khuất phục ý chí cách mạng, tinh thần yêu nước của các chiến sĩ. Tội ác của chúng được gói gọn trong hơn ba ngàn câu thơ trong tập thơ “Sống trong mồ” của tác giả Nguyễn Dân Trung (Nguyễn Minh Vân), một nhân chứng sống sót từ nhà ngục Chín Hầm trở về, tập thơ thực sự là bản tố cáo tội ác của tập đoàn gia đình trị họ Ngô, gây xúc động bao người, là sự kính phục những chiến sĩ cộng sản trung kiên, trọn đời vì Đảng, vì dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, là tấm gương sáng cho mọi người học tập. Để tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản, những đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại Chín Hầm, cũng là để ghi dấu tội ác của kẻ thù, ngày 16 tháng 12 năm 1993, Bộ Văn Hóa Thể Thao đã có Quyết định số 2015-Quyết Định /Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch công nhận di tích Chín Hầm là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 334 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Làng Vân Thê

Địa diểm: Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9km về hướng Đông Nam, Đình làng Vân Thê thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nằm ở vị trí trung tâm giữa làng trên một diện tích 7 sào, sau lưng là con sông đào Như Ý (vua Gia Long cho đào từ năm 1806) mặt hướng về dãy Trường Sơn trùng điệp. Cũng bình thường giản dị như bao ngôi đình khác của làng quê Việt Nam, đình làng Vân Thê là chốn thiêng liêng, nơi tụ họp thể hiện ước vọng, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết của con dân trăm họ, trước những sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, đồng thời cũng là nơi bảo lưu, gìn giữ một cách tốt nhất, truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, bất chấp những áp lực văn hoá du nhập từ bên ngoài. Với một quá khứ hào hùng, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đình làng Vân Thê đã trở thành cái nôi cách mạng của huyện Hương Thuỷ, một địa danh lịch sử của tỉnh nhà. Hiện nay, di tích đã đầu tư trùng tu sửa chữa phục hồi một số hạng mục, để di tích ngày càng hoàn thiện. Di tích lịch sử Đình làng Vân Thê đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 985/Quyết Định-Văn Hóa ngày 7/5/1997. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 352 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908-1939) quê ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí là một nhà hoạt động cách mạng, một đảng viên ưu tú của Đảng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ năm 1925 đến năm 1927, đồng chí đã tham gia tích cực các phong trào bãi khóa, phong trào đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh khi đang là học sinh của trường Quốc Học Huế. Tại đây, đồng chí đã tham gia Đảng Tân Việt. Năm 1928, Nguyễn Chí Diểu là ủy viên Kỳ bộ Tân Việt cách mạng Đảng Trung Kỳ. Năm 1929, đồng chí được cử vào Sài gòn hoạt động. Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Chí Diểu trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Thành ủy Sài gòn – Chợ Lớn, sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Tháng 10/1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở khám lớn Sài gòn, bị kết án khổ sai chung thân và đày ra Côn Đảo. Tháng 6/1936 đồng chí được ân xá trở về đất liền, tiếp tục hoạt động cách mạng và tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách khu vực miền Trung. Năm 1939, do lâm bệnh nặng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu qua đời, và được an táng tại nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu (số 5 đường Thanh Hải, Thành phố Huế). Đồng chí Nguyễn Chí Diểu ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ (31 tuổi) nhưng đã để lại cho đời sau một tấm gương sáng về ý chí cách mạng, lòng kiên trung của chiến sĩ cộng sản với ngọn lửa yêu nước, mãi mãi “bất tử” trong lòng quê hương và đất nước. Ngôi nhà này, nơi đồng chí Nguyễn Chí Diểu sinh ra và lớn lên được xây dựng từ đời ông nội, vốn là một ngôi nhà tranh. Khoảng năm 1929, ông Nguyễn Chí Thông (anh ruột của đồng chí Nguyễn Chí Diểu) đã bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi nhà theo kiến trúc nhà rường Huế như hiện nay trên vị trí nền nhà cũ. Với những giá trị lịch sử nêu trên, Di tích lịch sử nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2307-Quyết Định/Văn Hóa ngày 30/12/1991. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 346 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Quy Lai

Quy Lai là một làng cổ ở Thừa Thiên Huế, từ khi khởi dựng đến nay đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử và biến cố của thiên nhiên, song với một tinh thần lao động cần cù, một bản lĩnh kiên định trước những thay đổi của thiên nhiên và xã hội, người dân Quy Lai đã tạo dựng được một truyền thống văn hóa tốt đẹp, cùng nhiều giá trị văn hóa khác, những giá trị văn hóa đó được kết tinh vào Đình Quy Lai, đã và đang phát huy vào cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giàu đẹp của người dân Quy Lai hôm nay. Đình Quy Lai thuộc dòng kiến trúc dân gian Nguyễn, ít nhiều có kế thừa dòng kiến trúc dân gian miền Bắc, nghiên cứu Đình Quy Lai chúng ta thấy có sự kế thừa, phát huy về kỹ thuật, mỹ thuật của cha ông ta, trong điều kiện địa lý, môi trường tự nhiên, nhân văn mới. Tư liệu Hán Nôm đề cập đến Đình Quy Lai sớm nhất là tờ Hội đình về việc tu bổ 2 tòa miếu Thần hoàng và khai khẩn, vì lâu năm hư hỏng, đề ngày 22 tháng 2 năm Tự Đức thứ 2 (tức ngày 26-3-1849). Chúng ta có thể phỏng đoán Đình Quy Lai được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, từ đó đến nay Đình đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, lần đại trùng tu lớn, được ghi lại trong văn bản Hán Nôm lưu giữ tại hòm bộ của làng, đó là lần trùng tu năm 1937 (Bảo Đại thứ 11). Di tích Đình Quy Lai được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 43/2005-Quyết Định /Bộ Văn Hóa Thể Thao ngày 18/1/1988 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ văn hóa, thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế .

Thừa Thiên Huế 336 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Cụm di tích Đình, Chùa làng Thuỷ Dương

Bên cạnh hệ thống lăng tẩm, thành quách đền đài của vương triều nhà Nguyễn. Ngày nay trên mảnh đất Thừa Thiên Huế nói chung và vùng ven kinh thành còn bảo lưu được nhiều công trình kiến trúc cổ. Trong đó có hệ thống cụm di tích kiến trúc nghệ thuật: Đình - chùa làng Thuỷ Dương. Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật: Đình - chùa làng Thuỷ Dương bao gồm các công trình chính sau: Đình chùa làng Thuỷ Dương, chùa Đông Hải, chùa Nam Sơn. Hệ thống cụm di tích mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn đồng thời là hệ thống đình - chùa làng - một đặc trưng văn hoá làng xã khá điển hình còn lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế nói chung và xã Thuỷ Dương nói riêng. Vì thế sự xuất hiện, hình thành cụm di tích kiến trúc: Đình - chùa làng Thuỷ Dương là bằng chứng chứng minh cho sự hình thành làng Thuỷ Dương dưới thời Nguyễn. Đây là hệ thống những di tích đình - chùa mang đầy đủ các yếu tố chính cấu trúc của ngôi đình - chùa làng ở Huế. Tất cả đều được hoà quyện, đan xen với nhau cả về trình độ kiến trúc lẫn dáng vẻ phong cách, từ truyền thống yêu nước đoàn kết dân tộc và vẻ đẹp truyền thống đạo pháp. Đình - chùa làng Thuỷ Dương với trên 200 năm tồn tại trong một ngôi làng Nông nghiệp, đó chính là biểu tượng và sức mạnh của một làng, là nơi thờ vọng thần linh, thuỷ tổ, vừa là nơi dân làng hội họp, tế lễ, hội hè chia sẻ niềm giao cảm tinh thần, củng cố mối liên hệ bền chặt của con dân trên một vùng quê cha đất tổ. Từ ngôi đình chùa làng này định vị cho con người một cuộc sống đầy trách nhiệm không những cho từng cá nhân, gia đình mà cả cộng đồng, chan hoà trong tình làng nghĩa xóm, kế tục truyền thống trong hiện tại. Đình chùa làng Thuỷ Dương với kiến trúc đặc thù, vừa phản ánh mối quan hệ mật thiết trong tổng thể các công trình kiến trúc triều Nguyễn của cố đô Huế nói chung và Phật giáo nói riêng từ những đại danh lam như chùa Thánh Duyên, chùa Từ Đàm đến các tiểu danh lam (chùa làng xã). Đình chùa làng Thuỷ Dương được Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia theo Quyết định số 05/1999/Quyết Định-Bộ Văn Hóa Thể Thao ngày 12/01/1999. (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế .

Thừa Thiên Huế 320 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén là nơi ngày xưa người Chăm-pa thờ nữ thần Po Nagar, sau đó, người Việt theo Thiên Tiên Thánh giáo tiếp tục thờ bà dưới danh xưng Thánh mẫu Thiên Y A Na. Ngoài ra, tại Điện Hòn Chén còn thờ Phật, Thánh Quan công và hơn 100 vị thần thánh thuộc hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên. Điện Hòn Chén được nhiều người biết đến không phải vì đó là di tích tôn giáo mà hơn thế là nơi có các công trình kiến trúc xinh xắn và phong cảnh đẹp như tranh. Điện Hòn Chén được dựng trên ngọn núi Ngọc Trản, một ngọn núi cây cối tươi tốt, cheo leo bên bờ vực thẳm, đó là chỗ sâu nhất của sông Hương. Trên đỉnh núi có một chỗ trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại, trông giống như một cái chén đựng nước trong, cho nên ngọn núi này dân gian còn gọi là Hòn Chén. Khoảng 10 công trình kiến trúc xinh xắn của ngôi Điện đều nằm ở lưng chừng sườn Đông Nam thoai thoải của ngọn núi, ẩn mình dưới bóng râm của một khóm rừng cổ thụ tán lá sum suê. Hệ thống bậc tam cấp chạy từ Điện xuống tận bến nước (sông Hương). Mặt bằng kiến trúc của toàn bộ Điện không rộng, gồm điện thờ chính là Minh Kính Đài nằm giữa, bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh, bên phải là dinh Ngũ Vị Thánh Bà, bàn thờ các quan, động thờ ông Hạ Ban (tức ông Hổ), am Ngoại Cảnh. Dưới bờ sông, cuối đường bên trái là am Thủy Phú. Trên mặt bằng kiến trúc ấy, còn có một số bệ thờ và am nhỏ. Điện Hòn Chén đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 Quyết Định/Bộ Văn Hóa Thể Thao, ngày 26/9/1998 của Bộ Văn hóa Thông tin. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 313 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Phu Văn Lâu

Phu Văn Lâu nằm gần bờ Bắc sông Hương, tại dải đất chạy ngang qua trước mặt Kinh thành và ở ngay trên trục chính của quần thể kiến trúc cố đô Huế: Điện Thái Hòa , Ngọ Môn , Kỳ Đài , Phu Văn Lâu , Nghinh Lương Đình , Hương Giang , Ngự Bình. Tòa lầu này dùng làm nơi niêm yết các văn bản mà triều đình nhà Nguyễn cần bố cáo cho thần dân được biết những chiếu chỉ của nhà vua hay bảng kết quả các cuộc thi Hội, thi Đình. Ngoài ra, đây cũng là nơi triều đình tổ chức các cuộc lễ khánh hỷ mang tính quốc gia có sự hiện diện của nhà vua, triều thần và dân chúng. Tại vị trí Phu Văn Lâu trước đây, triều đình (đầu thời Vua Gia Long) đã cho xây một công trình kiến trúc tương đối nhỏ, mang tên Bảng Đình (Đình treo bảng). Đến năm 1819 cũng dưới thời Vua Gia Long được thay thế bằng một tòa nhà hai tầng và đổi tên thành Phu Văn Lâu. Năm 1843, Vua Thiệu Trị cho dựng nhà bia bên tay phải lầu để khắc bài thơ “Hương Giang hiểu phiếm” (Buổi sớm bơi thuyền trên sông Hương). Trong gần 190 năm tồn tại, Phu Văn Lâu được trùng tu khoảng 10 lần, lần sớm nhất vào năm 1905 (sau cơn bão năm Thìn, 1904, Phu Văn Lâu bị hư hỏng nặng), lần gần đây là vào năm 1994, 1995. Qua nhiều lần trùng tu nhưng về phương diện kết cấu kiến trúc không có gì thay đổi đáng kể. Phu Văn Lâu là một tòa nhà lầu cao 11,67m, mái lợp ngói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly), tòa nhà có 16 cột sơn màu đỏ sậm (4 cột chính xuyên suốt cả hai tầng, 12 cột quân), có hệ thống lan can bao xung quanh, không gian tầng dưới hoàn toàn để trống. Tầng hai, bốn mặt đều dựng đố bản, kiểu đồ lụa khung tranh, hai bên trổ cửa sổ tròn, lan can bên ngoài bằng gỗ, trên của sổ mặt tiền có treo hoành phi sơn son thếp vàng, trang trí dây lá cách điệu “lưỡng long triều nguyệt”. Trong lần tu sửa năm 1974, người ta đã thay thế một số kết cấu gỗ cột, kèo, xuyên bằng xi măng cốt thép. Phu Văn Lâu là một tác phẩm tạo hình xinh đẹp của triều Nguyễn, một di sản đặc sắc trong quần thể kiến trúc Cố đô. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 302 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Lăng Đồng Khánh (Tư Lăng)

Lăng Đồng Khánh (Tư Lăng) được xây dựng trên vùng đất thuộc làng Cư Sĩ, nay là thôn Thượng Hai, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Sau khi lên ngôi (tháng 2/1888), Vua Đồng Khánh cho xây dựng bên lăng mộ của vua cha ngôi điện đặt tên là Truy Tư để thờ cúng cha. Công việc đang triển khai thì Vua Đồng Khánh mắc bệnh và đột ngột qua đời. Vua Thành Thái lên kế vị và cho đổi tên điện Truy Tư thành Ngưng Hy để thờ Vua Đồng Khánh. Thi hài nhà vua được mai táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách điện Ngưng Hy 30m về phía Tây. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi là Tư lăng. Năm 1916, con trai của Vua Đồng Khánh lên ngôi (vua Khải Định) đã cho tu sửa điện thờ, xây cất lăng mộ cho cha mình. Toàn bộ khu lăng mộ từ Bái đình, Bi đình đến Bửu thành và Huyền cung đều được kiến thiết dưới thời Khải Định đến tháng 7/1917 mới xong phần cơ bản và đến năm 1923 thì hoàn tất. Quá trình xây lăng Đồng Khánh diễn ra qua 4 đời vua (1888-1923) vì vậy lăng Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau. Khu tẩm điện: các công trình vẫn mang lối kiến trúc xưa “trùng thiềm điệp ốc”. Chính điện và các nhà phụ thuộc vẫn là những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy trang trí tứ linh, tứ quý,… điện Ngưng Hy có 24 đồ bản vẽ các bức tranh trong điển tích “Nhị thập tứ hiếu”. Trên các cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết của điện Ngưng Hy xuất hiện những phù điêu bằng đất nung với cách trang trí dân dã như “Ngư ông đắc lợi”, “Gà chọi”. Tuy nhiên, việc xuất hiện hệ thống cửa kính nhiều màu và hai bức tranh miêu tả cuộc chiến tranh Pháp – Phổ thời Na-pô-lê-ông cùng một số hiện vật khác đã nói lên ảnh hưởng của văn hóa Tây Âu. Khu lăng: Kiến trúc lăng mộ hầu như được “Âu hóa” hoàn toàn từ kiến trúc, trang trí đến vật liệu xây dựng. Nhà bia là sự biến thể của kiến trúc Romance pha trộn kiến trúc Á Đông. Tượng quan viên cao, gầy đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá, ngói ác toa, gạch ca rô. Nhìn chung lăng Đồng Khánh mở đầu cho thời kỳ kiến trúc pha trộn Âu Á, Tân cổ. Công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 2009/1998-Quyết Định/Bộ Văn Hóa Thể Thao ngày 26/9/1998 của Bộ Văn hóa và Thông tin. Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 268 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Cung An Định

An Định là cung điện riêng của vua Khải Định, tọa lạc bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát - Thị xã Huế, nay là số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế. Nguyên tại vị trí này từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định về sau) đã lập phủ, đặt tên là phủ An Định. Năm Khải Định 2 (1917), vua mới dùng tiền riêng cải tạo lại thành cung theo lối kiến trúc hiện đại. Đầu năm 1919, công việc xây dựng hoàn tất, cung vẫn giữ nguyên tên gọi. Từ ngày 28/2/1922, cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ Hoàng cung qua sống tại cung An Định. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch thu Cung An Định. Sau năm 1975, bà Từ Cung đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Đến nay di tích Cung An Định đang được phục hồi trùng tu. Cung An Định quay mặt về hướng nam, phía sông An Cựu. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có khuôn viên tường gạch, dày 0,5m, cao 1,8m trên có hàng rào song sắt bao bọc. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình. Từ trước ra sau là: Bến thuyền, Cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, Hồ nước... trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Cổng chính làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đình Trung Lập, nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu đình bát giác, nền cao. Trong đình nguyên có đặt bức tượng đồng vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, đúc từ năm 1920. Lầu Khải Tường nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của Cung An Định. Chữ Khải Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành), tên lầu là do vua Khải Định đặt. Lầu 3 tầng, xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, chiếm diện tích tới 745m2. Lầu được trang trí rất công phu, đặc biệt là phần nội thất của tầng 1 với các bức tranh tường có giá trị nghệ thuật rất cao. Cùng với các công trình kiến trúc khác thời Khải Định như lăng Khải Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn... cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển (Néo - Classique). Công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia 13/12/2006. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1092 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đấu trường Hổ Quyền

Hổ Quyền là đấu trường cổ, thuộc thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây từng diễn ra những trận chiến sinh tử giữa voi và hổ dành cho vua cùng dân chúng thưởng lãm. Các trận đấu này vừa mang tính giải trí vừa là cách để triều đình rèn luyện tượng binh. Trước khi xây dựng đấu trường Hổ Quyền, các trận chiến sinh tử giữa voi và hổ dưới thời nhà Nguyễn được tổ chức ở đảo Dã Viên trên sông Hương. Trong giai đoạn này, có rất nhiều sự cố nguy hiểm liên quan đến trận đấu. Vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chứng kiến một cuộc đấu đẫm máu với 40 con voi tàn sát 18 con hổ. Đặc biệt, một con hổ đã tát ngã người quản tượng, sau đó ông lại bị chính con voi mình huấn luyện giẫm chết. Đến thời vua Minh Mạng, khi nhà vua đang ngồi xem giao đấu trên sông Hương thì một con hổ đã bơi về phía thuyền rồng, may mắn là có đội quân hộ giá kịp thời. Chính vì vậy, vào năm Minh Mạng thứ 11 tức năm 1830, vua đã cho xây dựng một đấu trường kiên cố tại vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, thuộc phía Tây kinh thành. Hổ Quyền được xây dựng theo hình vành khăn với hai vòng tường thành. Vòng trong có chiều cao 5.9m, vòng ngoài cao 4.75m, nghiêng góc 15 độ tạo thế vững chãi. Chu vi phía tường ngoài là 140m, phần đường kính lòng chảo là 44m. Hổ Quyền được tôn tạo bởi gạch vồ, vôi vữa và đá thanh. Khán đài được chia làm 2 nơi, cho vua và quan dân, binh lính. Nơi vua ngồi nằm ở phía Bắc, được xây cao hơn các vị trí khác. Bên trái là 24 bậc cấp dành cho hoàng tộc và đại thần. Bên phải dành cho quan và binh lính phẩm cấp thấp hơn. Đối diện khán đài là hệ thống 5 chuồng cọp có các cửa gỗ đóng mở bằng cách kéo dây từ phía trên xuống. Trên tường thành còn một cửa cao 8 thước, rộng 7 tấc là nơi đưa voi vào trường đấu. Nghi thức tổ chức trận đấu giữa voi và hổ tại Hổ Quyền rất trang trọng. Xung quanh đấu trường có bày nghi trượng, cờ lọng. Binh lính cầm khí giới cung kính đứng hai bên đường đã sẵn trải chiếu hoa để chào đón nhà vua. Đến chính ngọ, vua và đoàn tùy tùng sẽ ngự thuyền rồng đến. Khi thuyền gần sát bờ sông, vua rời thuyền, sang kiệu che bốn lọng vàng cùng bốn tàn vàng. Đi phía trước sẽ là lính ngự lâm, phía sau theo thứ tự là thị vệ cầm cờ tam tài, cờ ngũ hành, cờ nhị thập bát tú, gươm tuốt trần và đến cuối cùng là đội nhạc cung đình. Trận tử chiến tại đấu trường Hổ Quyền diễn ra hằng năm và kết thúc khi voi quật chết hổ. Hổ Quyền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia ngày 26/9/1998. Nguồn: Cổng thông tin du lịch Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1797 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất của Huế, tọa lạc trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương. Chùa Thiên Mụ là một danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của cố đô Huế. Chùa được xây trên đỉnh một ngọn đồi cao ngay bên bờ sông Hương đối diện vùng đất Long Thọ. Trước cửa chùa có tháp kiến trúc theo hình bát giác, một kiểu bố cục theo hình bát quái. Tháp này gồm có 6 tầng đều nhau nhưng càng lên cao thì diện tích lại được thu nhỏ lại. Mỗi tầng có một mái nhỏ chìa ra với những đường nét trang trí khá tinh vi, đều đặn và sinh động lạ thường. Mỗi mặt có một cửa cuốn khá lớn hình chữ nhật nhưng chung quanh có nhiều mô hình long nguyệt. Trên cùng là một mái nhỏ 8 cạnh. Chính giữa có trang trí một hình nậm rượu có mũi nhọn. Chung quanh có những mô hình vân vũ. Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn. Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ". Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao sóng gió lịch sử, chùa Thiên Mụ từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều vua nhà Nguyễn. Năm 1884, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” (mừng sinh nhật thứ 80) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: Xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là tháp Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng hai tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua. Khuôn viên chùa được chia làm hai khu vực: Khu vực trước cửa Nghi Môn gồm có các công trình kiến trúc: Bến thuyền có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại nền đất và bộ móng xây bằng đá thanh) sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vời vợi, hai bên đình Hương Nguyện có hai lầu bia hình tứ giác (dựng thời Thiệu Trị), lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông (dựng thời Nguyễn Phúc Chu). Đây là những công trình có tính chất lưu niệm (bia, tháp). Khu vực phía trong cửa Nghi Môn gồm các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan âm, nhà Trai, nhà Khách, vườn hoa, phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch. Chùa Thiên Mụ như một chứng nhân lịch sử diễn ra trên đôi bờ sông Hương. Ngôi chùa vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người dân Huế nói riêng và đời sống văn hóa người Việt Nam nói chung. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Thừa Thiên Huế 1742 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật