Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Quảng Ngãi

Trường Lũy Quảng Ngãi

Trường Lũy là một di tích đặc biệt với tổng chiều dài 127,4km, trong đó có 113km thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Di tích Trường Lũy Quảng Ngãi (được xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào ngày 9.3.2011), đi qua các huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ. Trường Lũy là loại hình di tích đặc biệt có quy mô lớn, có những di tích liên quan mật thiết không thể tách rời là lũy - đường cổ - hệ thống đồn/bảo và phong cảnh thiên nhiên. Trường Lũy được xây dựng bằng vật liệu khai thác tại chỗ như đất đồi, đất ruộng, đá tự nhiên với nhiều kỹ thuật đắp, đầm đất, xây, xếp đá... rất đặc trưng của cư dân miền đồng bằng ven chân núi và miền núi phía tây Quảng Ngãi. Do lũy dài và đi qua nhiều địa hình khác nhau, nên trên địa hình bằng phẳng, lũy được đắp bằng đất, còn ở sườn núi có độ dốc thì lũy được đắp cốt đất ở trong và ốp đá ở bên ngoài. Di tích Trường Lũy ở khu vực núi cao hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn, nhất là phần lũy xây bằng đá. Theo các nhà nghiên cứu, trên toàn tuyến lũy có hơn 70 di tích đồn/bảo được xây bằng đá, hoặc bằng đất có hào bao quanh. Đa phần các di tích này còn nguyên vẹn, trong đó có những đồn/bảo như Thiên Xuân thuộc xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), đồn/bảo Kim Long, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) có diện tích khá lớn. Theo hồ sơ di tích, độ cao trung bình của Trường Lũy Quảng Ngãi là 45m. Địa bàn huyện Nghĩa Hành có điểm lũy cao nhất với trên 200m, chủ yếu ở các đèo, đồi núi như đèo Phước Lộc, ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) với 221m, đèo Chim Hút thuộc xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) với 227m... Đặc điểm địa hình của lũy ở Quảng Ngãi chủ yếu chạy men theo chân núi, lưng đồi thấp. Theo các nhà nghiên cứu, Trường Lũy là một ranh giới nhưng không phải là một ranh giới đóng kín. Lũy cắt ngang qua nhiều sông, suối, mỗi chỗ cắt ngang có một cổng, do một bảo canh gác, cho phép điều hành việc đi lại giữa hai bên. Việc đi lại chủ yếu là vì mục đích trao đổi kinh tế (người Hrê mua muối, người Việt mua gạo, quế và lâm sản), nhất là mạng lưới chợ nằm bên phía người Việt. Các đồn/bảo này trong thời bình là các trạm kiểm soát việc buôn bán, thu thuế giữa 2 miền, đây là nét văn hóa đặc biệt của di tích. Các nhà khảo cổ cho rằng đây không chỉ là công trình được xây nên với mục đích phòng vệ, mang yếu tố quân sự, mà còn là con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, giữa vùng núi - đồng bằng và miền biển. Ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, di tích Trường Lũy còn có tiềm năng để phát triển du lịch, với những con đường cổ bên cạnh một bờ lũy dài dằng dặc, xuyên qua những cộng đồng dân cư với những xóm làng tươi đẹp, lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc. Nguồn: Báo điện tử Quảng Ngãi

Quảng Ngãi 1062 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hang Quảng Ngãi

Chùa Hang (Thiên Khổng thạch tự) còn có tên dân gian là “Chùa không sư” nằm về hướng Đông Bắc cù lao Ré (đảo Lớn) thuộc địa phận xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Kiến trúc độc đáo của chùa Hang không phải do bàn tay con người xây dựng thành mà bởi sự kỳ diệu của tạo hóa. Không được dựng lên bởi gỗ, gạch, vôi, vữa, chùa Hang chỉ đơn thuần là một hang đá ăn sâu vào chân núi Thới Lới (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Chùa Hang là hang đá thiên nhiên lớn nhất trong hệ thống hang đá ở Lý Sơn, hình thành trong thời kỳ biển tiến, cách đây chừng 4.500 năm. Từ những vệt ngấn sóng quanh chân núi Thới Lới, nhô cao lên hẳn so với mực thủy triều hiện nay, đặc biệt là đá trước cửa chùa Hang là minh chứng sống động của hiện tượng sóng biển ăn mòn vào các lớp trầm tích hạt mịn, đá và bùn carbonat. Những ghi chép của nhà khảo cổ học người Pháp, Parmentier, lời khẩu truyền trong dân gian và một vài dấu tích ít ỏi còn lại cho thấy chùa Hang vốn đã là một hang đá mà người Chăm sử dụng làm nơi cư trú hoặc thờ tự trước khi người Việt đặt chân lên đảo Lý Sơn. Gia phả và di huấn của các dòng họ đầu tiên khai phá làng An Hải cho biết, cách nay chừng 4 thế kỷ, thời vua Lê Kính Tông, ông Trần Công Thành cùng các vị tiền hiền làng An Hải là những người khởi xướng việc sửa sang, mở rộng hang đá, biến nơi đây thành ngôi chùa thờ Phật. Về sau, hậu duệ họ Trần đưa thêm linh vị của các bậc thiền hiền làng Lý Hải vào chùa để phụng thờ. Theo gia phả của họ Trần, dòng họ trông coi chùa Hang, ngôi chùa này khoảng 300 năm tuổi. Quãng thời gian bị cướp biển (giặc Tàu Ô) quấy nhiễu, chùa Hang là nơi ẩn nấp an toàn của người dân. Bên trong chùa là một hang sâu 24m, rộng 20m, cao 3,2m, ngoài ra còn nhiều ngóc ngách. Tương truyền, xưa kia đây là đường xuống âm phủ. Theo quan niệm thiện - ác song hành, gian chính của chùa Hang là dành cho cái thiện, những người biết ăn năn hối lỗi. Ngược lại, người mắc tội nếu không chịu quay đầu sẽ bị đày xuống âm phủ theo hang nhỏ hơn bên cạnh. Trước khi có con đường bê tông chạy đến đầu dốc xuống chùa, muốn đến chùa phải men theo sườn núi đầy trắc trở. Đoạn sườn núi ăn ra phía biển người ta gọi là cái meo, là nơi nhiều người không may trượt chân rơi xuống bãi đá biển và bị thương, thậm chí là mất mạng. Từ chân núi Thới Lới phía Đông Nam, vòng qua sườn núi phía Tây Bắc, rồi theo các bậc cấp bằng đá đi dần xuống thấp hơn, gần với mặt nước biển, du khách sẽ nhìn thấy sừng sững trước sân chùa hàng cây bản biển (cây bàng vuông) có hàng trăm năm tuổi. Ngẩng mặt trông ra là trùng khơi lộng gió, quay đầu nhìn lại là “hang đá trời sinh”, thấp thoáng xa xa là cù lao Bờ Bãi. Trước thạch tự tôn nghiêm là bức tượng toàn thân đức Quan thế âm Bồ Tát với đôi mắt nhân từ hướng ra biển cả như chứa cả sự đồng cảm với chúng sinh. Nhẹ chân bước lần vào trong chùa, cũng chính là hang đá, giữa thoang thoảng mùi trầm hương, tỏ mờ ngọn nến rọi vào khoảng sáng tối u linh, phải mất một thoáng để định thần, mắt làm quen với bóng tối, để nhận ra bệ thờ Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh và các vị bồ tát, tổ sư, các vị tiền hiền có công khai phá làng An Hải và huyện Lý Sơn. Như mọi ngôi chùa thờ Phật khác, số người đến hành lễ, cầu Phật đông nhất ở chùa Hang là vào dịp Tết Nguyên Đán, Nguyên tiêu, Phật đản, Vu Lan và các ngày sóc, vọng, vía Phật, Bồ Tát… Đặc biệt, bà con ngư dân Lý Sơn dù có là tín đồ nhà Phật hay không cũng đến đây hành lễ rất long trọng, nghiêm cẩn vào các ngày vía Bồ Tát Quan Thế Âm hoặc trước khi bước vào mùa đánh cá (mở cửa biển). Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Quảng Ngãi 1541 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Nơi có rất nhiều đoàn khách cao cấp của Đảng và nhà nước, của tỉnh Quảng Ngãi và Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đến tưởng niệm và tìm hiểu về Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh ra nơi làng Thi Phổ Nhất. Từ những năm 1925, ông đã tham gia phong trào sinh viên học sinh tranh đấu đòi Pháp thả cụ Phan Bội Châu, và để tang Phan Châu Trinh. Năm 1926, ông tham gia khóa huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Rồi cũng từ đó, người thanh niên Phạm Văn Đồng dấn thân trên con đường cách mạng. Cách mạng tháng 8 thành công, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông là đại diện của Trung ương Đảng và Chính Phủ tại miền Nam Trung Bộ. Năm 1949, ông được cử làm phó Thủ tướng Chính Phủ và từ tháng 9.1954 còn kiêm nhiệm Bộ trưởng ngoại giao, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương. Rồi từ tháng 9.1955 đến tháng 12.1986, ông giữ chức Thủ tướng Chính Phủ. Du khách đến tham quan thường dừng lại khá lâu nơi những hiện vật sinh hoạt thường ngày của cố Thủ tướng. Một chiếc xe đạp. Một va ly. Hộp cà mèn đựng cơm. Ông Nguyễn Tấn Vạn, Nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ suy nghĩ: Tui nhiều lần thăm khu lưu niệm, dừng lại lâu ở chiếc xe đạp và chiếc cà mèn cơm có 4 hộp đựng đồ ăn khi đi công tác mà xúc động về sự giản dị của Bác. Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn hòa mình với dân, gắn bó với dân, cùng gánh vác, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi qua những giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn. Ở cương vị, trọng trách nào, Thủ tướng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Những năm kháng chiến chống Pháp, với tư cách là đại diện Trung ương Đảng và Chính Phủ, Phạm Văn Đồng đã cùng với chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Duy Trinh chỉ đạo đánh Pháp giữ vững vùng tự do Liên Khu 5. Đặc biệt, người vô cùng sắc sảo trong công tác đối ngoại, là trưởng phái đoàn của Chính Phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Fontainebleau ở Pháp năm 1946, Trưởng đoàn đại biểu dự hội nghị Genève năm 1954. Mặc dù, bận rộn với việc nước, việc dân, nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, đến sự nghiệp giáo dục của đất nước. Giáo dục và trân trọng thế hệ tương lai của đất nước, của dân tộc. Trong suốt 75 năm hoạt động cách mạng, 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm làm Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có nhiều cống hiến to lớn. Cuộc đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là cuộc đời dấn thân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Kỉ niệm 115 năm ngày sinh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là thêm một lần tưởng nhớ và tri ân công lao của vị Thủ tướng luôn sống giữa lòng dân. Nguồn: Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi 1779 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu chứng tích Sơn Mỹ

Khu chứng tích Sơn Mỹ, nằm cạnh quốc lộ 24B, thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nơi vừa gìn giữ chứng tích hiện trường, vừa là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ, hay còn gọi là vụ thảm sát Mỹ Lại. Sơn Mỹ là tên chính quyền Sài Gòn đặt cho xã Tịnh Khê, còn Mỹ Lại là cách viết trong các tài liệu, bản đồ của quân đội, và sau nầy trên báo chí Mỹ, chỉ định xã Tịnh Khê. Tên gọi nầy bắt nguồn từ tên thôn Mỹ Lại, một trong 4 thôn (ấp) của Sơn Mỹ. Pinkville (Làng Hồng) cũng là một tên khác của Sơn Mỹ được quân đội Mỹ sử dụng như một biệt danh trong các bản đồ tác chiến. Vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra ngày 16/3/1968, nhằm ngày 18/2 năm Mậu Thân, theo âm lịch. Đơn vị chủ lực gây ra sự kiện đẫm máu, làm chấn động dư luận thế giới là trung đội 1, lữ đoàn 11, sư đoàn Armerical, quân viễn chinh Mỹ. Vào “buổi sáng khủng khiếp” đó, sau những loạt đạn pháo dồn dập nã vào xóm làng, quân Mỹ đổ bộ bằng trực thăng xuống cánh đồng phía tây thôn Tư Cung và xóm Gò (thôn Cổ Lũy) cùng thuộc xã Tịnh Khê. Cuộc thảm sát có tính chất hủy diệt và tàn bạo đến điên cuồng bắt đầu với việc lính Mỹ truy lùng và nã đạn vào dân thường. Nhà cửa, hầm trú ẩn bị đánh sập, đốt cháy, trâu bò bị bắn giết. Đỉnh điểm của sự dã man là việc tập trung dân làng, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em, thành từng tốp rồi xả súng bắn giết. 102 người bị giết ở Tháp Canh, 170 người khác bị bắn ở một đoạn mương nước phía đông xóm Thuận Yên thôn Tư Cung. Lính Mỹ đã không gặp bất cứ một phản ứng nào từ phía “đối phương”, ngoài những tiếng thét hoảng loạn, đau đớn của các nạn nhân vô tội. Tổn thất duy nhất của họ về nhân sự là việc người lính da đen Herbert Carter tự bắn vào chân mình để khỏi tham gia vào vụ thảm sát đồng loại. Sự thật ghê rợn:. Chỉ trong một buổi sáng, có đến 504 thường dân vô tội bị giết chết (407 người ở thôn Tư Cung, 97 người ở thôn Mỹ Hội), trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già. Có 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu rụi. Ngay sau vụ thảm sát, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng các cấp và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên tiếng tố cáo trước dư luận trong và ngoài nước về tội ác của quân viễn chinh Mỹ. Tuy nhiên phải đến một năm rưỡi sau, sự kiện kinh hoàng nầy mới được phanh phui ở Mỹ bởi chính các nhà báo và cựu binh Mỹ. Người Mỹ và cả thế giới bàng hoàng. Phong trào phản đối sự tham chiến của Mỹ ở Việt Nam lan rộng. Nhiều nhân sỹ, trí thức, nhà hoạt động xã hội có uy tín ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đòi đưa các nhân vật đứng đầu ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc ra xét xử về tội ác chiến tranh. Sau ngày miền Nam giải phóng, chính quyền cách mạng đã cho bảo vệ các chứng tích còn lại sau vụ thảm sát, xây dựng nơi tưởng niệm các nạn nhân và nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến vụ thảm sát Sơn Mỹ tại xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung, bên cạnh con mương dẫn nước từng đỏ máu 107 nạn nhân bị sát hại tập thể. Sau nhiều lần trùng tu, hiện nay khu chứng tích có diện tích 2,4ha, bao gồm 2 khu vực chính là khu chứng tích thực địa (phía tây) đã được bảo tồn, tôn tạo và khu nhà trưng bày bổ sung, tượng đài tưởng niệm, nhà đón khách (phía đông). Ngoài ra, còn có các di tích liên quan đến vụ thảm sát tại thôn Tư Cung và thôn Mỹ Lại. Ở đây có phim tư liệu ghi lại lời kể và hình ảnh của những nạn nhân sống sót, có nhiều cuốn sổ lưu niệm mà khách thăm viếng đã viết vào đó bằng nhiều thứ tiếng, thể hiện chân thực cảm nghĩ, thái độ của nhiều người, thuộc nhiều thế hệ, nhiều tôn giáo, dân tộc và xu hướng chính trị khác nhau, khi trực tiếp tìm hiểu về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Nguồn: Báo điện tử Quảng Ngãi

Quảng Ngãi 1833 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Chiến thắng Mỏ Cày

Di tích Địa điểm Chiến thắng Mỏ Cày thuộc thôn 1, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi Ngay sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, từ tháng 3/1945 đến tháng 5/1945, Tỉnh ủy quyết định chuyển Đội du kích Ba Tơ đến hoạt động ở vùng Cơ Nhất thuộc vùng rừng núi Cao Muôn (huyện Ba Tơ), xây dựng Chiến khu kháng Nhật ở vùng Nước Sung, Nước Lá (xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ) và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc địa phương cùng đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng. Từ 28 chiến sĩ được huấn luyện ở Nước Sung, Nước Lá, Đội du kích Ba Tơ đã nhanh chóng phát triển lực lượng, chuyển về đồng bằng xây dựng căn cứ đứng chân ở khu căn cứ Vĩnh Sơn (xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) và khu căn cứ Núi Lớn (xã Đức Lân, huyện Mộ Đức), hình thành hai đại đội võ trang cách mạng mang tên Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám. Đại đội Phan Đình Phùng do đồng chí Phạm Kiệt làm Đại đội trưởng, các đồng chí Phan Phong và Võ Thứ làm Đại đội phó, đồng chí Tạ Phượng làm Chính trị ủy viên, được biên chế thành 5 trung đội: Ấm Loan, Bố Khiết, Xung Phong, Cao Thắng, Tú Trọng và Từ Nhại. Mỗi Trung đội có 5 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 12 người. Đại đội Hoàng Hoa Thám cũng có 5 trung đội: Nguyễn Nghiêm, Cử Đình, Phạm Hồng Thái, Ngô Đáng và Tân Tú, biên chế cũng giống như đại đội Phan Đình Phùng, do đồng chí Nguyễn Đôn làm Đại đội trưởng kiêm chính trị ủy viên, sau đó đồng chí Trần Công Khanh về làm Đại đội trưởng thay đồng chí Nguyễn Đôn, các đồng chí Nguyễn Khoách (Thạnh) và Lê Văn Đức làm Đại đội phó, đồng chí Nguyễn Cừ (Nhạn) làm Phó chính trị ủy viên. Giữa lúc Đội du kích Ba Tơ phát triển nhanh chóng thành lực lượng vũ trang nòng cốt cho cao trào tiền khởi nghĩa ở Quảng Ngãi thì ngày 14/8/1945 Nhật đầu hàng Đồng minh. Thời cơ đã đến, tuy chưa nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương nhưng qua nắm bắt tình hình, đúng 16h ngày 14/8/1945, từ Thi Phổ, Mộ Đức, Tỉnh ủy đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Chấp hành mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa của Tỉnh ủy và theo kế hoạch đã được thống nhất, Đại đội Phan Đình Phùng từ chiến khu Vĩnh Sơn xuất kích đánh chiếm các đồn Di Lăng, Hà Thành, Trà Bồng và bót gác cầu Châu Ổ, sau đó kéo quân về đứng ở Xuân Phổ, phía Tây thị xã Quảng Ngãi chờ lệnh. Đại đội Hoàng Hoa Thám từ chiến khu Núi Lớn cấp tốc hành quân đánh chiếm các đồn Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ sau đó tiến về đứng chân ở khu vực ga Lâm Điền (Mộ Đức), rồi triển khai đội hình phục kích đánh Nhật ở Mỏ Cày Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, đơn vị của đồng chí Nguyễn Hoa và Nguyễn Khai về tới ga Lâm Điền, sau khi đã phá hủy đường sắt, đào hầm bố trí chờ Nhật đến, nhưng không thấy lính Nhật đến. Các đồng chí đã chuyển hướng sang quốc lộ 1A và bố trí phục kích tại Thi Phổ. Khi thấy chiếc xe quân sự của Nhật xuất hiện, ta bất ngờ nổ súng giết chết 5 tên. Quân Nhật hoảng loạn phóng xe bỏ chạy. Ta thu được một tiểu liên Sten Nhật và 75 viên đạn. Sau đó, đơn vị tiếp tục hành quân tiến đến Mỏ Cày, triển khai kế hoạch phục kích đoàn xe của Nhật từ phía Nam kéo xe ra thị xã Quảng Ngãi. 16 giờ cùng ngày, Ủy ban Cách mạng lâm thời các xã Hoài An, An Phong (nay thuộc xã Đức Chánh) đã tổ chức cho các đội tự vệ đỏ và nhân dân đào đường, phá cống làm chướng ngại vật để cản trở đoàn xe quân sự Nhật đi trên quốc lộ 1A nhằm ngăn chặn đường hành quân của quân Nhật từ phía Nam kéo về thị xã. Trận Mỏ Cày giành thắng lợi của Đội du kích Ba Tơ đã để lại nhiều kinh nghiệm quý trong việc vận dụng linh hoạt chiến thuật vận động phục kích đánh địch trên tuyến giao thông quốc lộ 1A đạt hiệu suất chiến đấu cao diệt nhiều sinh lực địch. Bài học kinh nghiệm này đã được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, ngày 07/6/1966 tiểu đoàn 48, lực lượng vũ trang tỉnh đã anh dũng chặn đánh tiểu đoàn 3, thuộc trung đoàn 4 ngụy diệt 408 tên, có 2 tên Mỹ, bắn cháy và bắn hỏng 18 xe, thu 267 súng các loại. Từ đây, Mỏ Cày trở thành địa danh ghi dấu chiến công đánh Nhật và đánh Mỹ Ngụy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nguồn: Tổng hợp bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi 1742 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử khởi nghĩa Ba Tơ

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra ngày 11/3/1945 với 278 đội viên du kích, sau 2 ngày Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam, lập nên chính quyền mới ở huyện Ba Tơ và tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ gắn liền với Đội du kích Ba Tơ, là tổ chức vũ trang đầu tiên của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi được Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo. Đội du kích Ba Tơ là một trong những lực lượng vũ trang cách mạng ra đời trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trở thành lực lượng nòng cốt của quần chúng cách mạng ở Quảng Ngãi trong những ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở Thừa Thiên - Huế và vùng Nam Trung Bộ. Nhiều thành viên Đội du kích Ba Tơ về sau đã trở thành cán bộ tài năng, tướng lĩnh xuất sắc của quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1980, quần thể các địa điểm di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích Lịch sử- Văn hóa quốc gia. Năm 2010, Đội du kích Ba Tơ được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp. Theo đó, di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ gồm có 11 địa điểm:. 1. Khúc sông Liêng (thị trấn Ba Tơ), phía sau đồn Ba Tơ, nơi các chiến sĩ cách mạng giả bệnh lao, đòi sống cách ly dưới thuyền, che mắt địch để in ấn truyền đơn, tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng. 2. Lò gạch Nước Năng (thị trấn Ba Tơ), nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào cuối tháng 12.1944. 3. Nhà đồng chí Trần Quý Hai (thị trấn Ba Tơ), nơi Tỉnh ủy lâm thời tổ chức cuộc họp bất thường (10.3.1945) quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền. 4. Chòi canh Suối Loa (xã Ba Động), nơi Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp khẩn cấp vào trưa ngày 11.3.1945 để quyết định chuyển hướng khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện lỵ Ba Tơ. 5. Đồn Ba Tơ, nơi trú đóng của đội lính do tên đồn trưởng người Pháp chỉ huy, kiểm soát châu Ba Tơ, bị quân khởi nghĩa đánh chiếm trong đêm 11.3.1945. 6. Nha kiểm lý (thị trấn Ba Tơ) là nơi vào đêm 11.3.1945 các lực lượng nổi dậy vây bắt viên kiểm lý Bùi Danh Ngũ, thu toàn bộ ấn triện, hồ sơ, tài liệu, vũ khí; giành chính quyền về tay nhân dân. 7. Sân vận động Ba Tơ (thị trấn Ba Tơ), là nơi Đội du kích Ba Tơ được thành lập và là địa điểm vào sáng ngày 12/3/1945 Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa tổ chức cuộc mit tinh lớn, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. 8. Bãi Hang Én (xã Ba Vinh), dưới chân núi Cao Muôn, là nơi vào đêm 14.3.1945, đội du kích Ba Tơ tổ chức tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc!”. 9. Bến Buôn (xã Ba Thành), nơi đây là địa điểm tiếp nhận lương thực, vũ khí do nhân dân miền xuôi quyên góp, chuyên chở bằng đường sông tiếp tế cho Đội du kích Ba Tơ xây dựng chiến khu kháng Nhật ở Nước Sung, Nước Lá. 10. Chiến khu Nước Lá- Hang Voọt Rệp (xã Ba Vinh), nơi Đội du kích Ba Tơ trú quân, xây dựng căn cứ, luyện tập quân sự kháng Nhật. 11. Chiến khu Núi Cao Muôn (xã Ba Vinh), một trong những nơi đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng, vun đắp tình đoàn kết Kinh - Thượng. Tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận các xã: Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng "An toàn khu của Trung ương ở Quảng Ngãi" trong thời kỳ chống Pháp. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận các địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là "Di tích quốc gia đặc biệt". Nguồn: Tổng hợp di tích quốc gia

Quảng Ngãi 1903 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm

Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, là người con của quê hương Thừa Thiên Huế được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cha là Bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là Dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên là giảng viên Trường Đại học Dược khoa, Hà Nội. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường đại học Y khoa Hà Nội. Đặng Thuỳ Trâm mang theo sức trẻ, ý trí chiến đấu cùng những hoài bão của tuổi trẻ, xung phong nhận nhiệm vụ của một thầy thuốc ở chiến trường Miền Nam. Nơi công tác của Chị là bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trong khi làm nhiệm vụ tại địa bàn, Chị đã bị địch phục kích và anh dũng hy sinh vào năm 1970 khi còn rất trẻ, chỉ mới chưa đầy 28 tuổi đời với 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng. Nhân dân địa phương đã an táng Chị ngay trên mảnh đất mà Chị đã hy sinh và được gia đình cải táng về nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Thủ đô Hà Nội. Khu di tích Đặng Thuỳ Trâm bao gồm: Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ cùng các điểm di tích lịch sử gắn liền với hoạt động của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm trong chiến tranh như: Trạm phẫu thuật tiền phương ở núi Bộng Dầu, thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh. Hầm bí mật tại vườn nhà y sĩ Tạ Thị Ninh ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường. Bệnh xá Đức Phổ tại đồi gò Chày thôn Đồng Răm 1, xã Ba Khâm. Bệnh xá Đức Phổ tại thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ. Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm nằm ngay bên quốc lộ 1A, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 50km về hướng Nam. Bệnh xá được xây dựng theo ước muốn của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm lúc sinh thời. Đây là nơi khám, chữa bệnh có mô hình đặc biệt lần đầu tiên trong hệ thống khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc. Ngoài việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, bệnh xá còn là địa chỉ thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm. Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm được xây dựng trên diện tích 3.900m², kiến trúc theo hướng kiểu nhà Rông - Tây Nguyên để du khách cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện. Những hàng cọ dọc lối đi và trước hiên nhà khiến khu bệnh xá giống một khu nghỉ dưỡng có sân vườn. Nổi bật trong khuôn viên chính là tượng đài của Anh hùng, Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tay cầm nón che đầu, chân sải bước, như đang tất tả vượt rừng trong những lần làm nhiệm vụ, đi tìm địa điểm mới an toàn hơn để dựng bệnh xá cứu chữa thương binh, tránh những trận càn của địch. Ngoài khu chữa bệnh, bệnh xá còn có riêng một khu trưng bày giới thiệu những hiện vật, hình ảnh liên quan đến Anh hùng, Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm nói riêng và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) và Khu 5 nói chung. Đặc biệt, trong nhà trưng bày có hành trang để lại trước lúc hy sinh của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm là 2 cuốn nhật ký đã được một cựu chiến binh Mỹ tên là Frederic Whitehurst cựu sỹ quan quân báo Hoa Kỳ nhặt được tại chiến trường và lưu giữ suốt 35 năm cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4 năm 2005. Do khó khăn trong việc tìm kiếm gia đình của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và đã tưởng như tuyệt vọng, 2 cuốn nhật ký này được Frederic Whitehurst trao tặng cho Viện Lưu trữ về Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Texas, Lubbock lưu giữ và bảo quản. Hai tập nhật ký này sau đó đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản thành cuốn sách mang tên “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Tác phẩm lần lượt được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều quốc gia, làm cho hình ảnh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trở nên quen thuộc với bạn bè quốc tế, trở thành biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đấu tranh bất khuất và khát vọng hòa bình của thế hệ trẻ Việt Nam. Có thể nói với sức ảnh hưởng sâu rộng của cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là một trong những tấm gương sáng cho việc giáo dục tinh thần và chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời hiện đại… Vì thế mà ngày nay Khu di tích Đặng Thuỳ Trâm là một điểm tham quan rất nổi tiếng của giới trẻ mỗi khi họ có cơ hội đến thăm Quảng Ngãi. Nguồn: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Quảng Ngãi 1698 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thiên Ấn

Chùa Thiên Ấn tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Ấn thuộc xã Tịnh Ấn, Huyện Sơn Tịnh, cách trung tâm TP Quảng Ngãi 3 km. Ngôi chùa cổ có kiến trúc đẹp và độc đáo bậc nhất Quảng Ngãi. Chùa Thiên Ấn được khai sơn và hình thành từ năm 1716, tuy nhiên lúc bấy giờ, đây chỉ là một cái thảo am nhỏ, tĩnh mịch, ít người lui tới. Sau đó, ngôi chùa được trùng tu thì số lượng tăng ni, phật tử đến đây ngày càng nhiều hơn. Năm 1717, nơi đây được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng biển ngạch ghi chữ, “Sắc Tứ Thiên Ấn Tự”. Qua những tháng ngày trải qua mưa gió cùng chùa, tấm biển đã bị hư hại nghiêm trọng và được vị thiền sư Hoàng Phúc tái tạo lại vào năm 1946. Và mãi đến năm 1964, nơi đây mới chính thức được trùng tu và xây dựng trở thành một ngôi chùa vào cuối năm 1965. Kể từ khi được khai sơn cho đến nay, chùa Thiên Ấn đã trải qua 5 lần trùng tu xây dựng và mở rộng. Đến nay, khuôn viên của ngôi chùa đã tăng đến khoảng 1ha. Trải qua hơn 300 năm hình thành và tồn tại, chùa Thiên Ấn đã có khoảng 15 vị trụ trì, trong đó có đến 6 vị được suy tôn là sư tổ - lục tổ. Với bề dày lịch sử của chùa, Thiên Ấn tự đã được đưa vào danh sách Di tích lịch sử cấp quốc gia của Bộ Văn hóa - Thể thao vào năm 1990. Chùa Thiên Ấn có không gian rất rộng với những bức tường bao xung quanh. Chùa Thiên Ấn gây ấn tượng bởi những họa tiết cầu kỳ hình rồng chầu nguyệt cùng cuốn thư và hệ thống câu đối. Phía trên cổng gác tam quan đặt bức tượng thần hộ pháp. Phía trong hai dãy tượng La Hán ở hai bên những bức tượng Phật. Trong khuôn viên chùa Thiên Ấn có một khu đất rộng có cây cổ thụ che bóng mát quanh năm. Chùa Thiên Ấn được xây dựng theo lối kiến trúc nhà Rường được làm hoàn toàn từ gỗ, phía trước là gian chùa chính và khu nhà tổ ở phía sau khuôn viên chùa. Đặc biệt, trong chùa có một chiếc chuông quý với tiếng vang rộng lớn khắp cả vùng. Khu vực xung quanh Tổ đình Thiên Ấn là khu vườn hoa. Trong đó, phải kể tới bức tượng Phật Quan Thế Âm ở khuôn viên chùa xung quanh được trồng hoa và nhiều loại cây cảnh khoe sắc tuyệt đẹp. Phía Đông chùa là khu vực viên mộ, nơi đây là nơi an táng của các vị thiền sư trụ trì. Phía nam là lăng mộ Huỳnh Thúc Kháng. Phía Bắc là một hồ sen rộng lớn nở hoa khoe sắc thơm ngát, nước trong hồ xanh ngắt và ấn tượng nhất ở hòn non bộ giữa hồ. Tiếp đó là lăng mộ vị sư tổ cùng tượng hoa sen và tòa bảo tháp. Chùa Thiên Ấn nổi tiếng có giếng Phật ở khuôn viên của chùa, nước giếng sâu và mát rượi quanh năm. Điều đặc biệt của giếng Phật đó là, nguồn nước trong giếng chưa bao giờ cạn và người dân nơi đây cho rằng uống nước trong giếng có thể chữa được các loại bệnh tật. Chùa Thiên Ấn - một ngôi chùa với hơn 300 năm lịch sử gắn liền cùng bao giai thoại linh thiêng, huyền bí. Ngôi chùa là nơi gửi gắm những lời khấn cầu, mong cho những điều tốt lành sẽ đến trong ngày tháng sắp tới. Nguồn: Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi 1510 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Thành cổ Châu Sa

Thành Châu Sa hay thành Hời, tọa lạc tại khu vực hạ lưu, tả ngạn sông Trà Khúc, thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Phía nam giáp sông Trà Khúc, phía bắc giáp sông Hàm Giang, phía đông giáp cánh đồng Dinh và phía tây giáp núi Bàn Cờ. Thành cổ Châu Sa được xây dựng bởi người Chăm Pa vào thế kỷ thứ 9 để bảo vệ phía nam của kinh đô Trà Kiệu. Theo như thông tin được ghi trên tấm bia, di tích Thành Cổ Châu Sa được xây dựng vào năm 903. Sau khi vị vua của triều đại thứ 5 của vương quốc Chăm Pa là Java Vikrantavarman III qua đời, Sri Indravarman II đã trở thành người kế vị. Vị vua mới đã dời kinh đô từ Panduranga (nay là Ninh Thuận) đến châu Amaravati (nay là Quảng Ngãi) và lập nên vương triều Indrapura (Chiêm Thành). Sau đó, tại phía Nam của Indrapura người Chăm đã xây dựng thành Châu Sa, một công trình phòng thủ quan trọng của đế chế Chăm Pa, với mục tiêu ngăn chặn và đề phòng các cuộc nổi dậy và xâm lược từ các tiểu quốc khác. Thành Châu Sa từng là thủ phủ, trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của vương quốc Chăm Pa thịnh vượng. Đây là nơi giao thương nhộn nhịp giữa vương quốc Chăm Pa và các quốc gia lân cận trong giai đoạn cuối thế kỷ 9 và đầu thế kỷ 10. Sau khi vương quốc Chăm Pa suy yếu, Thành Cổ Châu Sa tiếp tục trải qua nhiều biến động trong lịch sử của Việt Nam. Năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông mở rộng lãnh thổ về phương Nam, thành Châu Sa đã trở thành một đồn binh quan trọng cho đến khi thành Quảng Ngãi được xây dựng vào năm 1807. Trước năm 1975, thành Châu Sa được chính quyền Sài Gòn sử dụng như một đồn binh và được đặt tên là đồn Sơn Thành. Thành cổ Châu Sa là một kỳ quan kiến trúc được xây dựng bằng đất với quy mô rộng lớn, bao gồm hai lớp thành: thành nội và thành ngoại. Mỗi lớp thành này đều mang những đặc điểm kiến trúc độc đáo và có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của người Chăm và vương quốc Chăm Pa. 1. Thành nội. Thành nội có tổng cộng năm cửa ra vào, mỗi cửa được đặt ở các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và Tây Nam. Các cửa này được xây dựng bằng gạch và có các tòa vọng lâu nhô lên cao. Đặc biệt cửa phía Nam được đào đắp, gia cố cẩn thận và được coi là cửa chính của thành. Với địa hình và vị trí chiến lược đặc biệt đã tạo nên một hệ thống phòng thủ vững chắc cho Thành Cổ Châu Sa. Thành Châu Sa còn có hai gọng thành được gọi là "càng cua", nối thành nội với dòng sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi là sông Trà Khúc. 2. Thành ngoại. Thành ngoại được xây dựng một cách khéo léo bằng cách kết hợp đào đắp và tận dụng địa hình tự nhiên của vùng. Thành ngoại sử dụng các đồi núi thấp, sông con, rạch nước, ao đầm trong khu vực để tạo nên một hệ thống kiên cố, bảo vệ Thành Cổ Châu Sa khỏi các nguy cơ từ bên ngoài. Thành ngoại chỉ được đắp với ba bờ thành ở các hướng Tây, Đông và Bắc. Bờ thành phía Tây và Đông được xây dựng chắc chắn và kiên cố, trong khi phía Bắc chủ yếu dựa vào núi non. Phía Nam không có bờ thành bảo vệ, nhìn ra sông Trà Khúc. Nhiều hiện vật gốm cổ và tháp cổ Gò Phố cũng được tìm thấy tại đây, cho thấy thành từng là điểm hành hương của các tín đồ Bà La Môn thời xưa. Ngoại thành Châu Sa cũng được tìm thấy nhiều hiện vật gọi là "cút", hình dạng giống như thẻ bài được đeo trên người. Bên trong thành nội cũng có nhiều tiểu phẩm Phật giáo tuyệt đẹp được làm từ đất nung. Năm 1994, thành cổ Châu Sa đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Nguồn: Tổng hợp báo du lịch Quảng Ngãi

Quảng Ngãi 1505 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình làng An Định

Đình làng An Định (thôn An Định, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) được xây dựng vào năm 1820, do bảy tộc họ tiền hiền: Trần, Nguyễn, Phạm, Huỳnh, Võ, Phan, Lê và dân làng cùng đóng góp để tạo dựng nên. Đình làng An Định không chỉ có bề dày lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, mà còn là công trình nghệ thuật độc đáo. Trải qua thời gian cùng sự biến thiên của lịch sử, đình làng An Định trở thành biểu tượng văn hóa truyền thống của làng quê Việt. Ngôi đình tọa lạc ở khu đất cao và đẹp nhất làng, có hàng cây cổ thụ bao quanh, với tổng diện tích 5.372m2. Trong đó diện tích xây dựng của đình là 204m2. Đình An Định đã trải qua bốn lần trùng tu. Đặc biệt, kỳ trùng tu thứ 2 (1875) đình được xây dựng lại gần như mới hoàn toàn và có tổng thể kiến trúc như ngày nay. Ngôi đình mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, được phản ánh qua kỹ thuật chạm khắc trên gỗ rất độc đáo. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc được bố trí theo trục đạo chữ T ngược. Mặt chính của đình quay về hướng nam. Kỹ thuật đắp nổi nghệ thuật tạo hình được các nghệ nhân thể hiện hết sức tinh xảo, sống động. Đình làng An Định là một trong những kiến trúc tiêu biểu trong các kiến trúc làng, xã của người dân Quảng Ngãi thời xưa. Đình đảm nhận vai trò vừa là trung tâm văn hóa, đồng thời là nơi thờ chung của cộng đồng, là trụ sở hành chính của chính quyền, làng xã và là nơi giải quyết mọi việc liên quan đến thành viên trong làng. Ngoài ra, đình còn phản ánh khả năng chinh phục, gầy dựng quê hương với đôi bàn tay và khối óc đầy sáng tạo của cha ông, tiếp thu kiến thức xây đình từ đồng bằng sông Hồng với kết cấu vì kèo suốt giá chiêng, chồng giường giá chiêng, phát triển thành những yếu tố kết cấu mới mang yếu tố địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu để nó vừa trang nghiêm vừa khang trang và độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Quảng Ngãi. Đình làng An Định có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, là nơi thờ cúng tổ tiên của bảy dòng tộc họ tiền hiền đã góp phần tạo nên vùng đất này. Hằng năm, tại đình làng An Định diễn ra các lễ hội như: Tế đình rước sắc (15 tháng 2), Thanh minh (16 tháng 3), lễ bà Chúa Ngọc và lễ hội cầu mùa (2 tháng 8). Lễ hội cũng hoạt động theo quy định chung về lễ nhạc của các triều đại phong kiến, đặc biệt là triều Nguyễn. Song lễ hội cũng phần nào có nguồn gốc từ các hoạt động đời thường phù hợp với nhu cầu địa phương, các truyền thống văn hóa nhất định mà thành. Hơn nữa, đình làng An Định cũng thể hiện một tổng thể kiến trúc độc đáo, thích hợp, hài hoà từ kiểu đình miền Bắc và kiểu nhà kèo miền Trung còn lưu lại trên địa bàn tỉnh. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình làng An Định là địa điểm hoạt động bí mật của cách mạng. Đây là nơi cán bộ cấp cao của Đảng ủy và chính quyền Liên Khu 5 họp bàn kế hoạch chiến đấu. Không những thế, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân An Định còn đào một địa đạo từ đình An Định ra tận bờ sông để làm nơi che giấu bộ đội, thương bệnh binh. Đình làng An Định còn là cơ sở y tế bí mật để trị thương cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đình làng An Định chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Ngôi đình in đậm ý chí và sức mạnh của cộng đồng người Việt trong xây dựng làng xã, là nơi hội tụ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Đình làng An Định đã đi sâu vào trong tâm khảm của biết bao thế hệ, trở thành hoài niệm của những người con xa xứ, một lòng hướng đến tình yêu đối với làng quê đất Việt. Đình làng An Định đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2018. Nguồn: Báo quảng Ngãi

Quảng Ngãi 1508 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Văn hóa Sa Huỳnh

Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí, được hình thành đỉnh cao văn minh vào thời kỳ đồ sắt có niên đại từ 500 năm trước công nguyên, kết thúc ở thế kỷ hai sau công nguyên, có nguồn gốc hình thành phát sinh và phát triển từ các văn hóa tiền Sa Huỳnh trước đó thuộc sơ kỳ đồng thau, Trung kỳ đồng thau. Phân bố của Văn hóa Sa Huỳnh là ở miền Trung Việt Nam, phía Bắc giao thoa với Văn hóa Đông Sơn ở Quảng Bình, phía Nam giao thoa với Văn hóa Đồng Nai ở Bình Thuận, phía Tây là rìa Tây Nguyên, vùng thung lũng Đông Trường Sơn, phía Đông vươn ra đảo gần bờ. Táng thức cơ bản của Văn hóa Sa Huỳnh là mộ chum chôn thành khu nghĩa địa lớn, đồng thời cũng tìm thấy mộ vò, mộ đất tại các khu mộ táng Văn hóa Sa Huỳnh. Đồ trang sức đặc trưng của Văn hóa Sa Huỳnh là khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi mã não, vòng tay được chế tác từ đá quý, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể biển. Nghề chế tạo thủy tinh và luyện rèn sắt thành tựu nổi bật của văn minh Sa Huỳnh, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội Sa Huỳnh. Văn hóa Sa Huỳnh có sự giao lưu rộng rãi với các văn hóa khác trong khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh thuộc loại hình di tích khảo cổ, có 6 địa điểm di tích gồm:. Đầm An Khê, Lạch An Khê – sông Cửa Lỗ, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức, Quần thể di tích Champa. Hai địa điểm Long Thạnh và Phú Khương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử – văn hoá Quốc gia. 1. Địa điểm di tích Long Thạnh. Địa điểm di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương) thuộc tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Long Thạnh là di tích tiền Sa Huỳnh thuộc sơ kỳ đồng thau, là nguồn gốc trực tiếp phát triển lên Văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt. Di tích Long Thạnh nổi bật với loại quan tài chum hình trứng và hình cầu, phía trên có nắp đậy là bát bồng hay dạng mộ nồi có hai nồi chôn úp nhau. Bộ sưu tập hiện vật đặc trưng với loại cuốc đá hình lưỡi mèo, loại bôn đá hình răng trâu, nhóm trang sức bằng đá quý nephrit gồm khuyên tai 4 mấu, khuyên tai hình vành khăn, ống chuỗi hình đốt trúc, ống chuỗi hình trụ được chế tác công phu và tinh xảo. Bộ sưu tập hiện vật Long Thạnh đáng chú ý là đồ gốm. Đồ đựng bằng gốm của Long Thạnh đa dạng về loại hình và phong phú về hoa văn. Di tích Long Thạnh mang đặc trưng giai đoạn sớm, đại diện cho một giai đoạn văn hóa sơ kỳ đồng thau tiến lên giai đoạn sơ kỳ sắt của Văn hóa Sa Huỳnh. 2. Địa điểm Di tích Phú Khương. Di tích Phú Khương là khu mộ chum Văn hoá Sa Huỳnh rất lớn, phân bố trên trảng cát lớn của dải cồn cát Sa Huỳnh ven đầm An Khê, thuộc thôn Phú Long, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Di tích thuộc giai đoạn Sa Huỳnh sắt sơ kỳ, mộ chum luôn được chôn thành cụm trên vùng cồn cát nằm ven bờ biển, cạnh đầm nước ngọt và do vậy ở gần đâu đó là di tích cư trú của những chủ nhân khu mộ chum Phú Khương. Bên trong chum có nhiều đồ tùy táng, một vài chum chứa di cốt người, di vật tùy táng trong chum có nồi, bát, bình gốm, đồ sắt, đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng tay bằng thuỷ tinh và đá bán quý. Đặc trưng di tích Phú Khương là các đồ trang sức bằng đá quý, đó là loại hạt chuỗi màu đỏ sẫm bằng đá mã não có nhiều hình dạng như hình vuông dẹp, hình quả trám, hình thoi, hình đa diện lục giác, bát giác. 3. Địa điểm Di tích Thạnh Đức. Di tích Thạnh Đức là khu mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên dải cồn cát Sa Huỳnh, giữa một bên là biển và một bên là đầm nước mặn của khu đồng muối Tân Diêm, thuộc tổ dân phố Thạnh Đức, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Khu mộ chum Thạnh Đức có số lượng chum táng rất lớn, nếu tính tổng số mộ chum khai quật được đã đến con số 175 chum. Trong chum có chứa di vật tùy táng như đồ đồng, công cụ sắt, đồ trang sức khuyên tai bằng đá nephrit, bằng thủy tinh và nhiều đồ đựng bằng gốm. Đồ đồng Thạnh Đức có loại lục lạc đồng, đây là bằng chứng giao lưu giữa Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt ở Thạnh Đức có loại vòng đeo tay chất liệu đồng sắt kết hợp. Đây là di vật độc đáo lần đầu tiên tìm thấy trong di tích Văn hóa Sa Huỳnh. 4. Quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh. Quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh gồm: Tháp núi Một, Tháp Gò Đá, Cầu Đá, Miếu Champa (Miếu thờ Thổ Chủ), Bia ký Champa, Hệ thống giếng Champa, Con đường xếp đá cổ (Sa Huỳnh - Champa - Việt), Hệ thống mương thủy lợi cổ Champa. Về hiện trạng: Các tháp Champa như tháp núi Một chỉ còn lại phế tích nền đế tháp. Tháp Gò Đá còn lại dấu tích đế tháp nằm bên cạnh tuyến đường thiên lý. Đường xếp đá cổ, mương thủy lợi cổ, cầu đá cổ vẫn còn giữ nguyên vẹn. 5. Đầm An Khê. Đầm An Khê nằm cạnh Quốc lộ 1A, thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đầm An Khê có giá trị nổi bật là một hồ nước ngọt cạnh biển lớn nhất Việt Nam, là nơi chuyển tiếp hệ sinh thái trên cạn và biển, cùng tồn tại trong một tổng thể các hệ sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn và sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng đối với môi trường và sự phát triển kinh tế xã hội của vùng. 6. Lạch An Khê, sông Cửa Lỗ. Phía Đông của đầm An Khê có lạch thoát nước ra biển nhỏ hẹp với diện tích 58,5 ha, cuối con lạch là cửa đầm - người dân địa phương thường gọi Cửa Lỗ, cửa này hầu như kín quanh năm. Đầm, lạch An Khê và sông Cửa Lỗ gắn liền với sự hình thành nên Văn hóa Sa Huỳnh, là điều kiện thiên nhiên cơ bản để hình thành nên các di tích Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Champa và Văn hóa Việt ở xung quanh đầm. Nguồn: Trung tâm thông tin văn hoá thể thao thị xã Đức Phổ

Quảng Ngãi 1617 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật