Di tích lịch sử

Thái Bình

Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn

Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn thuộc thôn Ðồng Phú, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà là nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật, dấu tích từng gắn bó với nhà bác học - danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Lê Quý Đôn tên thật là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh ngày mùng 5 tháng 7 năm Bính Ngọ, tức là ngày mùng 2 tháng 6 năm 1726 ở làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Đồng Phú xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thân phụ là Lê Trọng Thứ đậu Tiến Sĩ làm quan đến Thượng Thư bộ Hình tước Hầu. Thân mẫu là Trương Thị Ích, con gái Tiến sĩ Trương Minh Lượng, làm quan Hoằng phái hầu. Thủa nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là thần đồng, năm 1739 theo cha lên kinh đô theo học thày là tiến sĩ Lê Hữu Kiều. Năm 18 tuổi thi Hương đậu giải nguyên, sau ở nhà dạy học và làm sách. Năm 27 tuổi thi Hội đỗ đầu, thi Đình đỗ Bảng Nhãn. Lê Quý Đôn lần lượt làm việc tại Viện Hàn lâm, Ban Toản tu quốc sử, đi Liêm Phóng tham gia việc binh, đi sứ Trung Quốc, làm việc tại phủ Chúa Trịnh… được thăng dần các chức Hàn Lâm viên chỉ, Tư nghiệp Quốc tử giám, Bồi tụng, Quốc sử tổng tài, Hiệp trấn … Năm 1784 được thăng Thượng Thư bộ Công, tước Nghĩa Phái hầu, cũng năm đó ông bị bệnh về nhà dưỡng bệnh tại quê ngoại là làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc tỉnh Hà Nam) ông mất tại đây ngày 14 tháng 4 âm lịch thọ 58 tuổi. Vợ ông là bà Lê Thị Trang con gái thày học Lê Hữu Kiều, ông có bốn con trai là Quý Kiệt, Quý Tá, Quý Châu, Quý Nghị. Sự nghiệp sáng tác của Lê Quý Đôn rất đồ sộ, ông đã làm khoảng 40 đầu sách các loại bao gồm hầu hết các tri thức đương đại như lịch sử, thơ văn, triết học, chú giải kinh điển, tổng loại… là kho tàng quý của nền học thuật nước nhà. Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn bao gồm ba công trình: Từ đường danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, lăng mộ Lê Trọng Thứ (thân phụ Lê Quý Đôn), hồ Lê Quý. 1. Từ đường danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn Từ đường bao gồm tòa Bái đường năm gian, toà Trung đường và Hậu cung mỗi toà ba gian.Tiền thân Từ đường xưa là nhà ở của Lê Quý Đôn, khi phụ thân mất, Lê Quý Đôn mới cải thành từ đường, đến đời Lê Quý Kiệt đưa thêm cả bài vị Lê Quý Đôn về cùng ông nội. Dân địa phương quen gọi nơi đây là từ đường Bảng nhãn Lê Quý Đôn. 2. Lăng mộ Lê Trọng Thứ. Lê Trọng Thứ (1693 - 1783), là quan đại thần thời Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông là thân phụ nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến Lê Quý Đôn. Lê Trọng Thứ, hiệu Trúc Am tiên sinh, lúc nhỏ học hành rất sáng dạ, nổi tiếng là thần đồng, lớn lên theo học cụ Thám hoa họ Vũ ở Hà Nam. Năm Lê Trọng Thứ 27 tuổi đỗ hương tiến, năm 31 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ năm (1724), triều vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương, làm quan thanh liêm nổi tiếng trong ngoài, năm 65 tuổi về nghỉ với chức Hộ bộ Hữu thị lang. Ít lâu sau lại được mời ra làm quan lần thứ hai thăng đến chức Thượng Thư bộ Hình, rồi về nghỉ hưu ở tuổi 80. 3. Hồ Lê Quý. Năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) , ông xin triều đình trở lại quê nhà “đóng cửa viết sách”. Để thư thái, có điều kiện để đọc sách và viết sách, Lê Quý Đôn cho đào một chiếc hồ lớn. Giữa hồ cho đắp một đảo nhỏ, trồng cây cảnh, xây một Thư Lân. Thời gian này ông viết nhiều sách “đặc biệt chú trọng đến địa lí” như : Địa lí tinh ngôn, Địa lí tuyển yếu… Có thể cả chương hình tượng và sản vật trong bộ Vân Đài loại ngữ cũng được chuẩn bị tài liệu từ thời kì này . Khu Lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia ngày 12 tháng 12 năm 1986. Nguồn: Sở văn hoá thể thao du lịch tỉnh Thái Bình

Thái Bình 732 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Tiên La

Đền Tiên La tọa lạc trên diện tích gần 6000 m2, tại gò Kim qui, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đền Tiên La với kiến trúc cổ “Tiền nhất”, “Hậu đinh” từ cột kèo đến đao mái uốn cong với kiểu dáng Lưỡng long chầu nguyệt; mặt trước Đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc, bao quanh Đền là những rặng cây xanh sum suê, tỏa bóng. Đền Tiên La được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 12/11/1986. Ngôi đền thờ Bát Nạn Tướng Quân (Tướng quân phá nạn cho dân - có nơi gọi là Bát Nàn hay Bát Não) Vũ Thị Thục sinh năm 17, mất năm 43, một nữ danh tướng trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng có công đánh Tô Định, được phong: “Đông Nhung Đại Tướng Quân” có từ gần hai ngàn năm nay. Bát Nạn công chúa, đại tướng quân Đông Nhung là tước hiệu Trưng Vương phong cho Thục nương (Vũ Thị Thục) khi đánh thắng quân Hán. Thục Nương sinh ra tại quê ngoại vùng Hương Đa Cương (Nay thuộc xã Tân Tiến – Hưng Hà - Thái Bình), lớn lên tại quê cha (Phượng Lâu – Vĩnh Phúc), là người con gái xinh đẹp đoan trang có lòng yêu nước, thương dân lại ưa binh đao, võ nghệ nên bà đã ngầm lo việc cứu nước giúp dân. Tháng ba năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên). Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Bà theo về giúp thống lãnh quân tiên phong. Nghĩa quân chiến thắng giòn giã. Năm 41, đất nước hoàn toàn giải phóng. Hai Bà Trưng lên ngôi vua đóng đô tại Mê Linh – Vĩnh Phúc, lấy hiệu là Trưng Vương. Đền Tiên La có các công trình chính như: Tam quan ngoại, Tam quan nội, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung. Qua tam quan ngoại, sân Đền là tam quan nội, hai bên có Lầu cậu, Lầu cô; đi tiếp sẽ đến nhà Tiền tế gồm 5 gian, được kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, nội thất được trạm trổ công phu với các hoa tiết như: “Long - Lân - Quy - Phượng ” đan xen “Thông - Trúc - Cúc - Mai ”. Tại đây còn có những đại tự với nội dung ca ngợi triều Trưng Vương và đức hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nạn. Kế tiếp là nhà Trung tế được xây dựng theo kiểu nhà phương đình, kiến trúc “chồng diêm cổ các”. Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng nhà đều bằng đá; toàn bộ hệ thống cột, kèo được chạm khắc rất tinh xảo, trong đó 4 cột cái chạm tứ linh; 12 cột quân chạm long vân; 8 xà chạm thông, trúc, cúc, mai; sườn cột và 8 kèo đá chạm điểm băng hoa dây và chữ Triện; đi sâu vào bên trong là hậu cung được kiến trúc bằng gỗ thứ thiết, gồm 3 gian, trong đó gian giữa là ngai và tượng thờ Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục, xung quanh thờ các tướng sỹ của Bà. Trên nóc hậu cung treo bức đại tự “Vạn cổ anh linh ”. Tương truyền, đây còn là nơi đặt mộ của bà Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Cùng với kiến trúc đặc sắc, Đền Tiên La còn lưu giữ nhiều đồ tế khí, đồ thờ có niên hạn từ thời Trần, Lê; Lễ hội đền Tiên La để tưởng nhớ công ơn Bát Nạn Tướng Quân trước đây được tổ chức vào 15 đến 17 tháng ba âm lịch hàng năm. Ngày nay để phục vụ đông đảo du khách về dự, Ban tổ chức lễ hội đã mở hội từ đầu tháng ba, chính hội tổ chức vào ngày 17 âm lịch, trùng ngày hy sinh của Bà (ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão). Nguồn: Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Thái Bình

Thái Bình 1096 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Lưu Xá

Đền Lưu Xá là nơi thờ phụng hai danh nhân lịch sử thời Lý (Thế kỷ XII - XIII) là Lưu Khánh Đàm và Lưu Ba. Chùa Báo Quốc là tên gọi của vua Lý đặt cho để tỏ lòng trọng vọng các quan đại thần có nhiều công lao giúp bốn triều vua Lý (Thái Tông - Thánh Tông – Nhân Tông – Thần Tông) xây dựng đất nước thịnh trị thời đó. Di tích đền Lưu Xá và chùa Báo Quốc liên quan chặt chẽ với nhau, hình thành cụm di tích vì đều chung một sự kiện lịch sử. Ngôi đền và chùa nằm gần nhau ở đầu thôn Lưu Xá – xã Canh Tân – huyện Hưng Hà – tỉnh Thái Bình. Lưu Khánh Đàm và Lưu Ba là hai anh em khác mẹ, thân phụ của các ông là cụ Lưu Ngữ - Quê ở quận Cửu Chân (nay là xã Thiệu Trung – Thiệu Hóa – Thanh Hóa). Cụ Lưu Ngữ được làm quan đời tiền Lê (Hai triều vua Lê Hoàn và Lê Long Đĩnh) cai quản vùng đất ngã ba sông này. Nhận thấy đất Lưu Xá lúc ấy sau sông trước đầm, sông nước quanh co thế “Rồng chầu hổ phục” bèn lập cung ở đó rồi lấy vợ người bản quán. Lúc đầu lấy bà Trần Thị Ngọc, bà gần 40 tuổi mà chưa có con, cụ lại lấy bà họ Phạm. Sau đó hai bà mang thai và sinh con trong cùng một ngày chỉ khác là người sinh giờ Dần, người sinh giờ Ngọ, anh là Lưu Khánh Đàm, em là Lưu Khánh Điều (Lưu Ba). Cụ Lưu Ngữ lại đưa người thân từ quê ra ở đất Lưu Xá. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở ra vương triều Lý, các con của Lưu Ngữ sớm được tập ấm, nhập triều. Cả hai anh em đều làm quan đồng triều. Triều Lý vừa lập, giặc từ phương nam lấn tới, Lưu Khánh Đàm được vua Lý Thái Tổ giao cùng các tướng cầm quân đánh giặc, bắt sống vua nước Chiêm là Bố Hợp đem về. Phía Nam vừa yên thì phía Bắc giặc Tống lại lăm le lấn tới. Ông đã tâu với vua: “Mong bệ hạ đừng lo, sa giá bệ hạ thân chinh đế thị uy bốn biển, ngoài cõi, thần và nghĩa đệ cùng các tướng sỹ lo đánh giặc” thời Lý 3 lần giặc Tống vào đánh chiếm nước ta đều bị quân dân ta đánh bại. Thái Tổ xét Lưu Đàm là người đánh nam dẹp bắc, lại có “thiện kế” (kế giỏi), xướng xuất việc rời đô lên phong ông làm Thái Phó khai quốc công thần, giao cho ông dạy bảo thái tử Phật Mã. Thái Tổ mất, Thái Tông lên ngôi, Lưu Khánh Đàm tâu xin vua miễn phu dịch và thuế cho dân làng Lưu Xá. Khi Thái Tông băng hà, Thánh Tông lên ngôi phong cho Lưu Khánh Đàm làm Bình Chương sự, cuối đời Lưu Khánh Đàm về Lưu Xá sửa lại chùa làng và tu ở đó. Khi ở làng, cùng với sư Giác Hải, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không tổ chức cho dân “Khai thông sông Luộc”, “Móc ruộc sông Sinh”, “Đào phình sông Hóa” ở Thái Bình. Khi ông mất vua Thánh Tông về dự lễ an táng, vì ông là khai quốc công thần nên vua ban tên chùa nơi ông tu hành là “Báo Quốc Tự”, ban cho ông tước vương, ban mĩ tự là “Chính trực chiêu cảm”, lại cho xây một tháp cao 9 trượng, 9 tầng ở bên lăng của Lưu Đàm vương. Dân làng Lưu Xá cảm ơn xây đền thờ và tôn ông làm Thành Hoàng làng. Lý Nhân Tông lên ngôi ban cho ông bốn chữ đẹp “Hiển ứng linh thông”, các triều sau đều có sắc phong thần cho ông. Đền thờ ông (đền Lưu Xá) và chùa Báo Quốc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình

Thái Bình 1116 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Keo Thái Bình

Chùa Keo (Thần Quang tự), thuộc thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Theo tư liệu lịch sử, năm Tân Sửu, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 3 (1061) đời Lý Thánh Tông dựng chùa Nghiêm Quang trên đất Giao Thuỷ (làng Keo/ấp Keo), thuộc Nam Định ngày nay. Tháng 3 năm Đinh Hợi, niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 5 (1167) đời Lý Anh Tông, chùa này được đổi tên thành chùa Thần Quang. Năm Tân Hợi (1611), một trận lụt lớn làm chùa bị trôi dạt, dân ấp Keo phải di dời đi 2 nơi: một bộ phận định cư ở phía Đông Nam - hữu ngạn sông Hồng (nay thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định); một bộ phận định cư ở phía Đông Bắc - tả ngạn sông Hồng (nay thuộc thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Như vậy, sau năm 1611, làng Keo (gốc ở Nam Định) được chia thành hai làng. Sau đó, hai làng dựng lại chùa, tên Nôm đều gọi là “chùa Keo”. Để phân biệt, dân gian thường gọi chùa Keo ở Thái Bình là Keo Thái Bình hoặc Keo trên; chùa Keo ở Nam Định là Keo Nam Định hoặc Keo dưới. Chùa Keo Thái Bình được dựng năm 1632, tên chữ là Thần Quang tự. Ngoài chức năng thờ Phật, chùa Keo Thái Bình cũng như chùa Keo Nam Định còn là nơi thờ Thánh Dương Không Lộ và những người có công lớn trong việc dựng. Chùa Keo (Thái Bình) thường mở hội 2 lần trong một năm. Hội xuân được tổ chức ngày mùng 4 tháng Giêng, mang tính chất của một lễ hội nông nghiệp. Chùa Keo Thái Bình gồm 21 hạng mục lớn, nhỏ (154 gian). Trải qua trên 300 năm, chùa đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần, vào các năm 1689, 1707, 1941, 1957, 2004. Xét về quy mô, bố cục, đặc điểm và nghệ thuật kiến trúc, có thể coi chùa Keo (Thái Bình) là một trong những công trình sáng giá nhất trong hệ thống chùa dạng thức “tiền Phật hậu Thánh” cũng như dạng thức chùa “trăm gian” ở Việt Nam. Các hạng mục kiến trúc chính của di tích gồm: Tam quan ngoại gồm 3 gian, hai chái, khung gỗ, 4 chân hàng cột, mái lợp ngói mũi hài. Tam quan nội ở phía sau hồ nước (hình vuông), khung gỗ, gồm 3 gian, hai chái, 3 hàng chân cột, 4 bộ vì, mái lợp ngói mũi hài. Chùa thờ Phật được dựng trên mặt bằng hình chữ Công, gồm 3 toà (chùa Hộ/chùa Ông Hộ, Ống muống, Tam bảo). Đền Thánh được dựng theo dạng thức mặt bằng chữ Công, gồm 3 tòa: Thiêu hương (5 gian), Ống muống (3 gian), Thượng điện (5 gian). Phía trước đền là toà Giá roi (5 gian). Gác chuông được làm theo dạng thức chồng diêm cổ các, gồm có 3 tầng, 12 mái, khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Hai dãy hành lang Đông và Tây được dựng bao quanh chùa Phật - Đền Thánh, phía trước thông qua hàng dậu và Tam quan nội, phía sau kết nối với Gác chuông, hợp thành ô chữ Quốc. Hai dãy hành lang đều được dựng trên mặt bằng hình chữ L, kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói, mỗi dãy 33 gian. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng chùa Keo là Di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc - Di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Thái Bình 1084 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Lăng Mộ 3 Vua Trần (Di tích Quốc gia đặc biệt)

Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thuộc phủ Long Hưng xưa, là vùng đất có vị thế địa lý - kinh tế - chính trị - văn hóa đặc biệt quan trọng, gắn với nhiều sự kiện lịch sử thời Trần và lịch sử dân tộc, là hậu phương, nền tảng vững chắc, để nhà Trần thay thế vai trò chính trị của nhà Lý. 1. Khu lăng mộ Vùng đất Long Hưng vốn là nơi dựng nghiệp của nhà Trần, vì thế đã được triều Trần đặc biệt chú trọng, phân phong cho các thân vương. Nơi đặt mộ tổ của họ Trần tại hương Tinh Cương (nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) tiếp tục được lựa chọn làm nơi an nghỉ của các vị vua đầu triều và hoàng tộc nhà Trần: Thái tổ Trần Thừa táng tại Thọ Lăng; Thái Tông táng tại Chiêu Lăng, Thánh Tông táng tại Dụ Lăng, Nhân Tông táng tại Đức Lăng. Sau khi Thái Tổ Trần Thừa mất, hương Tinh Cương chính thức được đổi tên thành Thái Đường (khu lăng tẩm của vua và hoàng tộc). Khu lăng mộ các vua Trần hiện nay có tổng diện tích 38.221m2, được nhân dân gọi là Phần Đa, Phần Trung, phần Bụt, tương ứng với Chiêu lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng - nơi yên nghỉ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và 01 ngôi đền thờ Thượng hoàng Trần Thừa, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Cả ba lăng mộ đều đã được tôn tạo vào năm 2004. 2. Khu đền thờ Hiện nay, khu đền gồm các hạng mục: đền Vua (ở giữa), đền Thánh (ở phía Đông, bên tả đền Vua) và đền Mẫu (ở phía Tây, bên hữu đền Vua). Ba kiến trúc này đều quay hướng Nam, hướng về khu vực lăng mộ, được bố trí dàn hàng ngang, có chung sân lễ hội, đường nghi lễ, cửa chính (Ngọ môn). Đền Vua: được xây dựng với diện tích 6.498m2, nơi thờ ba vua đầu triều Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông), phối thờ Thượng hoàng Trần Thừa và các vị cao tổ, tằng tổ nhà Trần là Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, cùng hai người có công mở nghiệp nhà Trần là Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ. Đền quay hướng Nam, gồm các hạng mục: cổng, sân tế, giếng ngọc, cổng sang đền Thánh, đền Mẫu, cổng vào phía sau đền, tiền tế, trung tế, hậu cung và hai tòa giải vũ. Đền Thánh: được xây dựng theo dạng thức truyền thống, diện tích 6.011m2, gồm các hạng mục: cổng, sân tế, lầu chiêng, lầu trống, tiền tế, phương đình, trung tế, hậu cung và giải vũ… Đền là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, phu nhân Nguyên Từ Quốc mẫu và hai con gái là Quyên Thanh Quận chúa, Đại Hoàng Công chúa. Đền Mẫu: thờ các vị quốc mẫu và công chúa đầu triều Trần, tổng diện tích 6.228 m2, với các hạng mục: giếng ngọc, bình phong, sân tế, giải vũ, tiền tế, trung tế và hậu cung… 3. Khu di tích khảo cổ học nhà Trần Khu di chỉ khảo cổ học Tam Đường (thời Trần), xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đã được khai quật khảo cổ nhiều lần, phát hiện được dấu vết kiến trúc và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, với niên đại từ thời Lý đến Nguyễn, đặc biệt là nhóm hiện vật thời Trần,… minh chứng cho giá trị và sự tồn tại của di tích qua các thời kỳ lịch sử. Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích còn được biểu hiện qua lễ hội truyền thống, được tổ chức thường niên tại khu vực đền thờ các vua Trần từ ngày 13 đến ngày 16 tháng Giêng. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Thái Bình 1124 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đền Thờ Bà Chúa Muối

Đền thờ Bà Chúa Muối (tức đền thờ Tam phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh) là vợ Ba của vua Trần Anh Tông. Phủ và đền thờ bà Chúa Muối nằm ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sách xưa chép lại: Bà Chúa Muối tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh năm 1280 tại trang Quang Lang, huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình (nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình làm nghề muối. Từ thuở nhỏ, bà đã có tài mạo khác thường, chăm đọc sách vở và rất mực thông minh. Mỗi khi học xong Nguyệt Ảnh thường ra đồng giúp bố mẹ làm việc. Nhưng mỗi lần giúp bố mẹ thì bà đi đến đâu trời lại râm đến đấy, trong khi nghề làm muối phải có ánh nắng, nắng càng to thì muối càng đẹp. Lo lắng cho nghề truyền thống và kế sinh nhai của cư dân địa phương, những người cao tuổi trong làng đã họp nhau lại, bàn ra kế đóng cho bà một chiếc thuyền để mang muối đi buôn nơi khác. Trong một lần buôn, thuyền của bà đậu ở bến sông gần kinh thành Thăng Long, vừa hay lại đúng vào dịp vua Trần Anh Tông đi kinh lý qua sông. Cơ duyên như trời định, xiêu lòng trước vẻ đẹp của bà, vua đã đưa bà vào cung, hết mực sủng ái và cho làm Tam phi. Nhưng không may, bà không sinh được con rồi buồn phiền mà lâm bệnh. Sau đó, vua Trần Anh Tông đưa bà về quê ngoại với hy vọng có thể khiến bệnh tình của bà tiến triển tốt hơn. Thấy bà Chúa chiều nào cũng ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhảy múa để bà vơi bớt nỗi buồn. Một chiều nọ, khi đang nhìn lũ trẻ nhảy múa rất vui, bà cười rồi thoát trần (ngày 14/4 năm Mậu Tuất). Nhà vua hay tin vô cùng thương xót, sắc phong cho bà làm Phúc thần và cho nhân dân lập đền thờ phụng mang tên Đền thờ Bà Chúa Muối. Qua thời gian, đền thờ đã bị hư hại và phá bỏ. Năm 1988, người dân trong vùng tạm xây lại một phủ nhỏ để thờ bà. Năm 2012, Bộ Văn Hoá Thể Thao Du Lịch đã khôi phục lại di tích này. Phủ hiện tại có 3 gian, có hậu cung và những hương án bàn thờ, tượng thờ; trong phủ có một số vật dụng đặc thù liên quan đến nghề làm muối như xe cút kít, gáo múc nước chạt, tang, cào muối trên sân phơi… đền Bà chúa Muối hiện còn lưu giữ một bức hoành phi sắc phong thời Trần và hai bộ câu đối cổ. Đền thờ là một công trình kiến trúc đặc biệt kết hợp giữa đền và chùa, tọa lạc trên mảnh đất Trang Quang Lang. Chùa quay hướng Bắc là nơi thờ Đức Phật Thích ca Mâu Ni. Đền quay hướng nam là nơi thờ thánh Mẫu Tam Phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh (tức Bà Chúa Muối). Đây là một ngôi đền – chùa đẹp nhất mà trong bia đá năm 1596 có đoạn viết như sau: “Cổ tích Thái Bình hưng quốc tự, bản cổ truyền chi danh lam, bảo Nam bang chi thắng cảnh…” Nghĩa là: “Khu đền chùa Thái Bình Hưng Quốc là nơi danh lam cổ truyền, là địa danh thắng cảnh quý báu nhất dưới trời Nam…” Nguồn: Báo nông thôn Việt

Thái Bình 1239 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Đồng Bằng

Đền Đồng Bằng tọa lạc bên dòng sông Diêm thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền có tên tự là Bắc Hải Linh Từ, nơi thờ Vua cha Bát Hải Động Đình - người có công lao to lớn trong việc bình Thục giữ nước và chiêu dân lập ấp, xây dựng giang sơn xã tắc thuở sơ khai. Đền Đồng Bằng được nhân dân biết đến là một ngôi đền linh thiêng có từ thời vua Hùng Vương thứ 18. Đền có sắc phong “Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Tục truyền rằng, vào đời vua Hùng Vương thứ 18, nước ta bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình phải lập đàn để triệu Linh sơn Tú khí về giúp nước dẹp giặc. Khi ấy thủy thần làng Đào Động đã hiện thân phò vua dẹp giặc và có công đầu trong việc trấn giữ tám cửa bể phía Tây. Ngài được sắc phong là “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Kể từ đó nơi đây là chốn địa linh được nhân dân bốn phương ngưỡng vọng và lập đền thờ. Vào thế kỉ XIII, làng Đào Động còn là một trong những phòng tuyến quân sự quan trọng của nhà Trần, đây là nơi đóng quân và luyện tập thủy chiến của quân binh. Trước khi ra trận, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng sĩ đều đến dâng hương cầu nguyện tại ngôi đền. Sau khi mất đi, ông được nhân dân phối thờ tại đây. Kể từ đó, đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Vương và các tướng sĩ nhà Trần trong ba lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên tám trang Đào Động xưa. Không chỉ mang những giá trị lịch sử đáng trân trọng, đền Đồng Bằng còn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật đồ đồng, đồ đá và đồ gỗ với diện tích nội tự là 6.000m2, gồm 13 tòa, 66 gian liên hợp chặt chẽ với nhau tạo thành quần thể ngôi đền với kết cấu theo kiểu “tiền nhị hậu đinh” khép kín, bề thế. Các mảng kiến trúc hài hòa với những nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm hoành phi, câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thiếp vàng về các chủ đề tứ linh, tứ quý, các bộ lư hương, án thờ, long ngai và các công trình điêu khắc gỗ tinh xảo, tuyệt mỹ từ thời Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Bởi những huyền tích, giá trị lịch sử, nghệ thuật mà đền Đồng Bằng được biết đến là ngôi đền linh ứng và bốn mùa hương khói. Đặc biệt, năm 1986 đền Đồng Bằng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Theo tục lệ hàng năm, lễ hội đền Đồng Bằng được tổ chức kéo dài khoảng một tuần từ ngày 20/8 đến ngày 26/8 âm lịch, lễ hội thu hút đông đảo con nhang đệ tử, nhân dân và du khách gần xa. Lễ hội đền Đồng Bằng lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp, là dịp để thể hiện lòng biết ơn, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và sự ngưỡng vọng, tôn kính của nhân dân đối với Đức Vua cha Bát Hải Động Đình và tưởng nhớ ngày mất của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình

Thái Bình 1090 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Miếu Hai Thôn

Miếu Hai Thôn xưa thuộc tổng Cự Lâm, nay là thôn Phương Tảo, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một di tích lịch sử thờ vua Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương Nương, đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 12 tháng 12 năm 1986. Tại ngôi miếu này còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc ta trong quá trình dựng và giữ nước. Lý Bí là một hào trưởng địa phương quê ở phủ Long Hưng (Sơn Tây) ven sông Hồng, phía trên thị xã Sơn Tây. Từ nhỏ ông đã có tài võ nghệ, thông minh, đồng thời ông cũng là người hết mực yêu thương dân.Quân phong kiến phương Bắc đô hộ, nhà Lương (thời Nam Bắc triều) đàn áp dân ta vô cùng cực khổ, ông bỏ chức quan ở Châu Đốc - Hà Tĩnh về quê mưu việc lớn. Oán ghét quân Lương nên ông đã triệu tập binh mã, tập hợp các hào kiệt có lòng yêu nước và được hào kiệt khắp nơi hưởng ứng như: Triệu Túc - Tù trưởng ở Chu Diên (con trai Triệu Quang Phục), Tinh Thiều, Phạm Tu... Trong đó lão tướng Phạm Tu dù tuổi đã ngoài 60 vẫn rất hăng hái luyện tập. Mùa xuân năm 542 Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, vừa hành quân vừa tiếp tục chiêu mộ quân lính. Khi qua vùng đất Thái Bình ông dừng lại ở An Để trang (thuộc thôn Phương Tảo 2 - Xuân Hòa - Vũ Thư -Thái Bình bây giờ). Vì thấy phong cảnh hữu tình, địa thế thuận lợi cho việc đóng quân luyện tập, ông liền lệnh cho quân sĩ đắp cung thành tại đây. Đó là ngày 10/2 âm lịch năm 542. Nghĩa quân đắp thành để luyện tập và chiêu mộ thêm quân ngày một đông và mạnh. Tương truyền một buổi đẹp trời ông đi dạo mát, ngắm cảnh đẹp, cánh đồng lúa xanh tươi, bỗng ông thấy rực ánh hào quang và nghe thấy tiếng người con gái cắt cỏ hát. Đó chính là bà Đỗ Thị Khương Nương “mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, đủ đức công dung ngôn hạnh” là con gái cụ Đỗ Công Cẩn làm nghề dạy học và cắt thuốc chữa bệnh cho dân. Lòng sinh niềm cảm mến nên sau thời gian đắp đồn, luyện tập binh sĩ, ông tiếp tục đi dẹp giặc Lương nơi khác và giao cho bà Đỗ Thị Khương Nương cai quản. Chỉ sau 3 tháng dẹp xong giặc Lương, quân tướng nhà Lương run sợ bỏ thành Long Biên chạy về Trung Quốc, thắng lợi hoàn toàn, ông lệnh đón bà Đỗ Thị Khương Nương về triều làm hoàng hậu. Ông dựng nên nước lấy tên là Vạn Xuân năm 544, xưng danh là Tiền Lý Nam Đế, kinh đô đóng ở bờ sông Tô Lịch - Hà Nội, xây điện Vạn Thọ làm nơi vua họp bàn việc nước với quần thần. Khi Lý Bí và Đỗ Thị Khương Nương qua đời, nhân dân các làng trong vùng tưởng nhớ công ơn đã góp công, góp sức xây đền Hữu Lộc là chính từ, các điểm phụ cận là vọng từ, công trình kiến trúc kiểu chữ Tam . Phía trước có Tảo môn làm bình phong, hệ thống tường hoa xung quanh. Đệ nhị đệ tam xây cuối thời nhà Lê giống như chùa Keo. Miếu được đại tu vào năm 1680, gồm 3 toà, 11 gian. Trước sân xây cuốn thư cổ, cổng hoành mã. Hiện phía trước của hai toà đều đánh bạo kép, ngưỡng kép, chấn phong thượng hạ, các mảng cánh gà hồi hiên chạm lõng 3 tầng rồng lửa; tường sau, hồi tả, hồi hữu đều đắp đố lụa bằng gỗ lim. Các đồ tế khí đời Lê, các cỗ khám lớn, các cỗ ngai đồ sộ chạm lõng 5 tầng đủ các đề tài trúc long, long cuốn, long ổ… tất cả đều sơn son, thếp vàng. Đặc biệt, miếu còn lưu giữ bức tranh vẽ vào nửa cuối thế kỷ XVII, miêu tả vua Tiền Lý Nam Đế và Hoàng Hậu rất sinh động và được xem là độc nhất vô nhị. Theo truyền thuyết, miếu Hai Thôn xưa là hành cung, phủ đệ của hoàng hậu. Các triều đại sau đều tôn tạo thêm và miếu nay là một trong số ít công trình kiến trúc thời Lê còn được bảo lưu khá nguyên vẹn với nhiều đồ thờ quý hiếm. Hàng năm miếu Hai Thôn mở hội từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 2 âm lịch, quy tụ nhân dân các vùng lân cận nên mang tính hội vùng. Phần lễ hội miếu Hai Thôn có các hoạt động: rước bà, cúng tế, dâng hương, hát giao duyên nam nữ và các trò: vật võ, tổ tôm, hát chèo, chọi gà. Những năm gần đây, hội miếu Hai Thôn có thêm các hoạt động văn nghệ, thể thao hiện đại do người dân tự tổ chức để làm sống lại không khí những ngày nghĩa quân luyện tập thuở xưa và để cầu mong cho dân mạnh khoẻ, mùa màng bội thu. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình

Thái Bình 1096 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tọa lạc tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nơi đây ghi lại dấu ấn sâu đậm về Nguyễn Đức Cảnh, một trong 7 đảng viên đầu tiên sáng lập ra Đảng Cộng sản, một cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Công đoàn Việt Nam. Khu lưu niệm được xây dựng trên chính mảnh đất hương hoả của 8 gia đình trong thân tộc cùng sinh sống, có diện tích rộng 1.600m². Khung cảnh nếp nhà xưa của gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh lúc sinh thời gồm: Ngôi nhà thờ Tổ (vốn là trường dạy học của ông thân sinh ra đồng chí Nguyễn Đức Cảnh), nhà ở, nhà bếp được dựng lại nguyên vẹn trên nền đất cũ. Không gian giản dị, khiêm nhường, gợi lại hình ảnh nền nếp, gia phong của một gia đình nho giáo thời xưa. Tri ân, khắc ghi công lao to lớn của Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, khu lưu niệm cụ Nguyễn Đức Cảnh được đầu tư tu bổ, nâng cấp, mở rộng khang trang, xứng tầm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây cũng chính là cái nôi đầu tiên đã hun đúc, chắp cánh cho nhân cách, tâm hồn, ý chí và hành động của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Đức Cảnh. Phía sau nhà vẫn còn lưu giữ lại giếng nước, nơi này hơn 100 năm trước đã ghi dấu một thời khắc đặc biệt. Sáng mùng 1 Tết Mậu Thân (1908) (tức là ngày 02/02/1908), cụ bà Trần Thị Thùy ra mừng tuổi giếng theo phong tục rắc tiền xu xuống giếng để cuối năm khi rửa giếng, người nhặt được tiền sẽ là người may mắn, cậu bé Nguyễn Đức Cảnh được đẻ rơi tại đây. Người dân trong vùng gọi là giếng Ngọc, mặc dù ở vùng ven biển, hầu hết nước giếng đều mặn và đục nhưng riêng giếng nước này cả trăm năm nay, nước vẫn đầy ắp, ngọt và trong vắt, nhìn thấu tận đáy. Hằng ngày, khách viếng thăm khu lưu niệm vẫn ra múc nước uống, rửa mặt cho mát. Bên bờ giếng có tấm bia đá rộng khoảng 3m , trên có khắc bài thơ “Tạ từ ngôn” - thư của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gửi thân mẫu viết trong những ngày bị kẻ thù giam giữ trong xà lim án chém. Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp chém đầu vào lúc sáng tinh mơ ngày 31.7.1932 tại Nhà lao Hải Phòng. Năm ấy, ông mới 24 tuổi đời, cái tuổi đang căng tràn sức sống. Trước khi chết, ông hô vang: “Đả đảo đế quốc Pháp và phong kiến!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.Từng trang sử nơi đây đều ghi lại những dấu ấn sâu đậm về Nguyễn Đức Cảnh, một trong 7 đảng viên đầu tiên của Đảng, là một trong những người sáng lập, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân Việt Nam. Tri ân, khắc ghi công lao to lớn của Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với quê hương Thái Bình, tại thành phố Thái Bình và huyện Thái Thụy có 2 tuyến đường mang tên Nguyễn Đức Cảnh, 2 trường học mang tên Nguyễn Đức Cảnh; tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đặt uy nghiêm tại Quảng trường 14 tháng 10. Khu tưởng niệm được xây dựng trên đúng mảnh đất nơi đồng chí sinh ra và lớn lên, được gắn liền với truyền thống của một gia đình hiếu học, đức độ, yêu nước, thương dân. Đây cũng chính là nơi đầu tiên đã hun đúc, chắp cánh cho nhân cách, tâm hồn, ý chí và hành động của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Đức Cảnh. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Thái Bình 1179 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà lưu niệm Bác Hồ

Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn quan tâm đến Thái Bình, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vinh dự 5 lần được đón Bác về thăm: lần thứ nhất vào ngày 10/01/1946, lần thứ 2 vào ngày 28/4/1946, lần thứ 3 vào ngày 26/10/1958, lần thứ 4 vào ngày 26/03/1962 và lần cuối cùng vào hai ngày 31/12/1966 và 01/01/1967, Bác Hồ về thưởng công 5 tấn cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình - là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/1ha. Những di tích và địa điểm ghi dấu Bác Hồ về thăm Thái Bình gồm. 1. Ủy ban hành chính tỉnh, phường Lê Hồng Phong, thị xã Thái Bình. 2. Đoạn đê Đìa, huyện Hưng Nhân. 3. Nhà Trí Thể Dục Thị xã, phường Lê Hồng Phong, thị xã Thái Bình. 4. Trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh, phường Lê Hồng Phong, thị xã Thái Bình. 5. Công trường xây dựng nhà máy xay, phường Lê Hồng Phong, thị xã Thái Bình. 6. Sân vận động thị xã, phường Lê Hồng Phong, thị xã Thái Bình. 7. Xã Nam Cường, huyện Tiền Hải. 8. Nhà chị Lựu, Xã Nam Cường, huyện Tiền Hải. 9. Đình Nho Lâm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải. 10. Nhà ông Du, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải. 11. Một đơn vị bộ đội, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải. 12. Đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Thư Trì. 13. Nhà làm việc của Tỉnh ủy ở nơi sơ tán, thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư. Đêm 31/12/1966, sáng 1/1/1967, Bác Hồ đã về thăm và làm việc với Tỉnh ủy. Người nghỉ tại ngôi nhà lá thuộc thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư. Sau ngày Bác mất, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã giữ lại ngôi nhà làm Khu lưu niệm Bác hồ của tỉnh. Nhà lưu niệm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử ngày 12 tháng 12 năm 1986. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình

Thái Bình 1068 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền A Sào

Tọa lạc tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Đền A Sào là nơi thờ cúng, hương hỏa của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ,cùng với những lễ hội, nghi thức cổ xưa vẫn được duy trì đến ngày nay. “A Sào” có tên gọi gốc là A Cảo, một vùng đất bãi nằm ven sông Hóa, nơi được cho là hội tụ khí thiêng sông biển, lại có địa thế hiểm yếu về quân sự nên đã được triều đình nhà Trần chọn làm thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Hưng Đạo. Trần Hưng Đạo đã sinh ra và trưởng thành từ vùng đất này. Năm 1258, khi triều đình nhà Trần triển khai cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn lúc đó vừa tròn 18 tuổi đã được phong tước Thượng vị hầu và được triều đình giao về trấn thủ đất A Sào. Trước khi cuộc kháng chiến lần thứ hai, đích thân các vua Trần đã cùng Trần Quốc Tuấn về chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa (nay gồm các phần đất của Thái Bình và Hải Phòng) thành một phòng tuyến triển khai thế trận thủy chiến. Tại vùng đất A Sào, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng một lực lượng quân sự cùng một trung tâm tích trữ binh lương với nhiều địa danh đến nay tên gọi của nó còn gắn liền với cuộc kháng chiến như: làng Mễ Thương, xã An Thái (kho gạo); làng Am Qua (kho gươm); Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ (kho thóc lớn); A Mễ, xã An Thái (nơi để gạo của nhà Trần)...Đặc biệt, A Sào là địa danh được mang ý nghĩa là cái ổ, cái tổ của nhà Trần. Đặc biệt, tại khu di tích A Sào hiện nay còn có Bến Tượng A Sào là nơi voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy trên đường hành quân vượt sông Hóa tiến đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng. Dân chúng đã mang gỗ, tre, rơm, rạ, có hào kiệt cho tháo cả nhà gỗ lim để tìm cách cứu voi chiến nhưng không kéo được voi lên. Voi nhìn chủ ứa nước mắt. Chủ tướng cũng đành nuốt nước mắt lên thuyền vượt sông để con voi ở lại vì thế trận quá khẩn trương, gấp gáp. Hưng Đạo Vương rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này!”. Sau ngày toàn thắng, nhân dân đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào). Một ngôi miếu thờ tượng voi tạc bằng đá cũng được dựng lên ven bến sông. Trong khuôn viên của đền có hồ Tắm Tượng (hồ để voi tắm), có gò Đống Yên (nơi để yên ngựa của quân lính), Trại binh (nơi ở của quân lính) và nhiều linh khí khác. Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Đạo Vương, để ghi nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương, dân làng A Sào đều mở hội tế lễ Đức Thánh Trần tại Đệ nhị sinh từ và lễ hội làng A Sào là một trong những lễ hội lớn nhất vùng. Theo lệ xưa, mọi nghi thức trong lễ hội này đều theo nghi thức quốc gia, triều đình thường cử các quan về hành tế và thường có bánh giày để cúng tế. Năm 1951, giặc Pháp đóng đồn ở đền A Sào, chúng đã phá hủy nhiều đồ thờ, dùng xe kéo voi đá từ bến sông về bốt để làm ụ súng và bắn gẫy vòi tượng voi đá. Qua nhiều thăng trầm, Đệ nhị sinh từ đã bị phá bỏ, chỉ còn là bãi đất hoang và tượng voi đá nằm trên nền đền cũ giữa cánh đồng A Sào. Qua nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, năm 2005, một ngôi đền mới đã được phục dựng tại nền cũ của “Đệ nhị sinh từ”. Ngày 14-4-2011, Khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cũng trong năm 2011, di tích miếu thờ, tượng voi đá tại Bến Tượng đã được phục dựng cùng với các địa danh như hồ Tắm Tượng, gò Đống Yên... Cũng từ năm 2012, lễ hội đền A Sào sẽ được tổ chức thường niên vào ngày 10-2 âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với các nghi lễ văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian đặc sắc như thi pháo đất, đấu vật, cờ tướng, bơi chải, màn múa kéo chữ... Nhân dân địa phương và du khách thập phương cứ đến ngày lễ hội là nô nức, hân hoan tham dự vì muốn lưu giữ và gây dựng nét đẹp văn hóa truyền thống. Tham gia lễ hội, du khách thập phương được sống với lòng tự hào dân tộc, tái hiện lại một thời kì hào hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nguồn: Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Thái Bình

Thái Bình 1087 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật