Điểm di tích

Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào

Khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, thuộc xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là một địa danh, một biểu tượng cao đẹp của tình quân dân Việt Nam – Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là một trong những căn cứ cách mạng đầu tiên dọc biên giới Việt Nam - Lào, nơi để lại dấu ấn đậm nét về sự giúp đỡ của người dân trong vùng đối với Người Chỉ huy của Ban xung phong Lào – Bắc (Lào) là Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Ngày nay, Khu di tích này đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhân dân hai nước tới tham quan và tìm hiểu. Nằm sát biên giới, bản Lao Khô có vị trí địa lý hết sức quan trọng, phía Tây và Nam giáp huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (Lào); địa hình hiểm trở, núi cao, nhiều thung lũng sâu, rừng rậm, là điều kiện thuận lợi cho việc đóng quân và hoạt động bí mật của du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 20/5/1948, Ban xung phong Lào Bắc được Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ra chỉ thị thành lập. Ban Xung phong Lào Bắc do đồng chí Kaysone Phomvihane (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thủ tướng, Chủ tịch nước Lào) làm Trưởng ban, có nhiệm vụ gây cơ sở vùng sau lưng địch, phát động phong trào du kích để thành lập căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp, đào tạo cán bộ địa phương. Ban Xung phong Lào Bắc đã chọn bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La làm nơi đứng chân, chuẩn bị mọi điều kiện cho thực hiện nhiệm vụ. Tại đây, nhân dân bản Phiêng Sa và gia đình ông Tráng Lao Khô đã ủng hộ, chia sẻ lương thực, thực phẩm để nuôi giấu cán bộ cách mạng, giúp đồng chí Kaysone Phomvihane và Ban xung phong Lào Bắc từng bước tiến sâu vào nội địa Lào, gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào phát triển. Bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài trở thành địa danh lưu nhiều dấu ấn về liên minh đoàn kết chiến đấu, biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào. Một niềm vinh dự khác mà người dân ở bản Lao Khô cũng như gia đình ông Tráng Lao Khô hết sức tự hào, đó là vào ngày 19/3/2010, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã trao tặng Huân chương Tự do hạng III và Huân chương Hữu nghị. Điều này đã thể hiện sự biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung, bản Lao Khô nói riêng. Với giá trị quốc tế, lịch sử nổi bật của cách mạng hai nước Việt Nam và Lào, ngày 3/4/2012, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến ngày 29/8/2022, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nhằm bảo tồn di tích cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi ôn lại truyền thống lịch sử, ghi nhớ công ơn của thế hệ cha, ông trong quá trình giải phóng dân tộc Việt Nam - Lào, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Nhằm phát huy di tích gắn liền với phát triển du lịch, Quốc hội hai nước đã quyết định và chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô. Từ đó đến nay, khu di tích là nơi giới thiệu, tôn vinh những giá trị lịch sử to lớn, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, khẳng định tinh thần quốc tế cao cả và sự hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam giành cho nhân dân Lào. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La

Sơn La 52 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Tháp Mường Bám

Tháp Mường Bám, còn gọi là Thạt Bản Lào, là di tích kiến trúc nghệ thuật ở bản Lào xã Mường Bám huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La, Việt Nam. Tháp Mường Bám được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia ngày 24/10/2012. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật của dân tộc Lào xây dựng từ thế kỷ XVI. Tháp Mường Bám cổ kính, rêu phong, lặng lẽ trên một quả đồi đầu xã. Nằm trên một quả đồi nhìn ra dòng Nậm Hua, tiếng Thái nghĩa là “suối đầu nguồn” của dòng sông Mã. Tháp cao 4 tầng, xây dựng theo hình bút tháp cao 13 m. Đứng từ trên tháp, thả tầm mắt, có thể bao quát được cả xã Mường Bám với dòng Nậm Hua uốn lượn như con rắn lớn và những dãy núi trập trùng bao quanh. Đồng bào ở Mường Bám chủ yếu là người dân tộc Thái, Khơ Mú, H’Mông. Theo lời kể của người già trong bản, cách đây khoảng hơn 500 năm, đây là vùng đất có cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, có dãy núi chạy dài, đằng trước là dòng Nậm Húa chảy qua, cánh đồng lúa men theo dòng suối. Theo thuyết phong thuỷ, đây là vùng đất đẹp và ổn định. Tại đây nửa thế kỷ trước các dân tộc bộ tộc Lào, Thái cùng cư ngụ hòa bình, chăm chỉ làm ăn. Tháp Mường Bám còn có tên gọi là “Thạt Bản Lào” (Thạt tiếng Lào có nghĩa là Tháp). Tháp nằm ở vị trí trung tâm bản, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Lào của xã tập trung sinh sống. Kiến trúc của Tháp mang đậm nét kiến trúc Tháp của dân tộc Lào. Do vậy người dân ở đây thường gọi là Tháp bản Lào. Tháp gồm một quần thể 5 tháp, một tháp to ở giữa và 4 tháp con ở cạnh tháp to. Mặt Tháp nhìn ra ngã ba suối Nậm Hua trải dài uốn lượn, có núi án ngữ làm bình phong, núi chắn hai bên thế tay ngai, phía sau Tháp có dãy núi tựa như người đang ngồi "thiền". Quần thể Tháp có vị thế rất tĩnh lặng, uy nghi. Tất cả 5 tháp đều được xây bằng một loại vật liệu chủ yếu là gạch vồ màu đỏ, được gắn kết với nhau bằng vôi, cát, và mật. Các họa tiết hoa văn được làm bằng vữa đắp nổi, nhiều chỗ gắn thêm vào những hình đất nung trang trí. Tháp to còn gọi là Tháp Mẹ, cao 13 m, chia làm 4 tầng. Được trang trí chủ yếu hoa văn hình Voi, Hổ và tượng Vũ Nữ nhảy múa, lá đề uốn theo hình mây, hoa văn hoa cúc, hoa chanh cách điệu, chuỗi hoa văn "tràng hạt", hình "rắn thần" Naga 5 đầu, hình hoa sen cụp xuống, … Tất cả các họa tiết hoa văn này đều đắp nổi phía trên đế thu nhỏ dần. Toàn bộ thân trông xa như một búp sen đang hé nở. Các Tháp nhỏ cao 3,7m nằm cách tháp to 3m, được xây dựng với kiến trúc và trang trí hoa văn giống hệt nhau. Tháp nhỏ còn gọi là Tháp con được chia làm 4 tầng. Được trang trí chủ yếu là hoa văn lá đề xen kẽ hình vân mây, dây hoa cúc và hoa đồng tiền. 4 cạnh chân tháp được đắp 4 lá đề nổi, to ôm gọn 4 góc, bên trong có 2 đường chỉ chìm chạy song song. Phần trên ngọn tháp được thu nhỏ dần, vút lên nền trời. Hiện nay, di tích còn lại một tháp to (tháp mẹ) và một tháp nhỏ (tháp con). Bên cạnh tháp to, còn có pho tượng “chư thần” ngay dưới chân tháp đã bị vỡ hết (hiện chỉ còn bệ tượng). Tháp Mường Bám cùng với hệ thống các Chùa và Tháp ở khu vực Tây Bắc như: Tháp Mường Luân (Điện Biên Đông), Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) Chùa Chiền Viện (Chùa Vặt Hồng- huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn la) Tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu- Tỉnh Sơn La) là một kiến trúc Chùa, Tháp Phật Giáo đặc sắc thuộc phái Tiểu thừa. Theo người già trong bản kể lại, trước kia, tại khu vực Tháp vào tháng 4 dương lịch hàng năm có tổ chức "lễ cầu mưa" vào vụ mùa mới. Theo năm tháng bộ tộc người Lào di chuyển đến nơi khác sinh sống. Hiện nay, tại đây không còn tổ chức lễ hội nữa. Theo đánh giá của ngành văn hóa nét độc đáo của tháp ngoài hình khối còn phải kể đến nguyên liệu xây dựng tháp. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Sơn La

Sơn La 62 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di Tích Lịch Sử Đồn Mộc Lỵ

Đồn Mộc Lỵ do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1951 tại Mộc Châu. Đồn nằm trên một núi đá tai mèo nằm độc lập, địa thế hiểm trở, có nhiều vách đứng án ngữ trên ngã ba đường từ Hà Nội lên Tây Bắc, từ Việt Nam sang vùng Thượng Lào nhằm mục đích ngăn chặn quân ta tiến đánh giải phóng Tây Bắc và vùng Thượng Lào. Chúng trang bị hoả lực dày đặc nên đồn Mộc Lỵ được mệnh danh là: "Chiếc áo giáp sắt" bất khả xâm phạm ở phân khu Sơn La. Đồn Mộc Lỵ do tên quan ba Pháp Vanh - Xăng chỉ huy hơn một tiểu đoàn Thái tăng cường. Ngoài trang bị vũ khí cá nhân đầy đủ như tiểu liên, súng trường, Đồn còn được trang bị một pháo 94 ly, 6 súng cối 81 và 60 ly, 3 đại liên, 27 trung liên, lương thực, thực phẩm, vũ khí thường xuyên được bổ sung đảm bảo cho chiến đấu dài ngày. Đây là một vị trí then chốt hết sức quan trọng nên Tướng Đờ- Ly-Na-Rét đã đích thân tới đây để kiểm tra việc bố phòng và giao nhiệm vụ cho sĩ quan, binh lính phải chống giữ đến cùng khi bị tấn công. Bộ chỉ huy quân đội Pháp còn rút từ Phát Diệm (Ninh Bình) lên tăng cường cho Đồn Mộc Lỵ Những toán biệt kích, ác ôn được lựa chọn và huấn luyện kỹ để tung vào hoạt động các vùng mà chúng nghi là căn cứ giấu quân của ta. Vào đầu tháng 9/1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới. Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Chủ trương của Trung ương Đảng là “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh" và hướng tiến công là Tây Bắc. Với quyết tâm tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ sức mạnh của nhân dân, phá tan “xứ Thái tự trị” giả hiệu của thực dân Pháp, giải phóng Tây Bắc, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế Lào - Vân Nam (Trung Quốc), tạo điều kiện phát triển cách mạng Lào, cô lập, làm rối loạn hậu phương của địch. Chính vì vậy, việc đánh chiếm đồn Mộc Lỵ đối với quân và dân ta có một ý nghĩa rất quan trọng, nó quyết định việc triển khai vận chuyển hậu cần cho chiến dịch từ Hoà Bình lên Tây Bắc. Lúc này các binh đoàn chủ lực của ta đã tiến sâu vào vùng hậu phương của địch. Nên việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, vũ khí đang là một trong những vấn đề cấp bách có tầm quan trọng hàng đầu trong việc quyết định các phương án tác chiến. Vì vậy trong ngày 17 và 18/11/1952 các đơn vị bí mật đào công sự, chiếm lĩnh trận địa. Các tiểu đoàn 249 và 888 luồn rừng theo dòng suối tiến lên phía Tây Bắc hình thành thế bao vây chặn quân tiếp viện của địch từ Sơn La xuống. Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Bắc, ngày 19 tháng 11 năm 1952, quân ta xiết chặt vòng vây quanh vị trí đồn Mộc Lỵ. Sau đúng 3 giờ chiến đấu vô cùng ác liệt, trận đánh đồn Mộc Lỵ kết thúc thắng lợi. Ta tiêu diệt và bắt sống 350 tên trong đó có tên (quan ba Vanh - Xăng cùng một số sĩ quan) thu hơn 500 khẩu súng các loại cùng toàn bộ kho tàng vũ khí, quân trang, quân dụng và lương thực, thực phẩm, giải phóng trên 1000 dân. Phối hợp với bộ đội chủ lực, các đội du kích Tú Nang, A Má, Chiềng Khừa, Pa Háng tổ chức bao vây tiến công đồn Pa Khôm, Pa Háng. Địch hoảng sợ vội vã mở đường rút chạy lên Yên Châu và sang Lào. Sau khi giải phóng Mộc Châu, Đại đoàn 316 chia làm 3 cánh quân tiếp tục tiến lên giải phóng Mộc Châu, Sơn La. Ngày 10 tháng 12 năm 1952 chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi giòn giã. Chiến thắng Đồn Mộc Lỵ có một ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của quân và dân ta. Ta đã nối thông đường giao thông từ Hoà Bình lên Sơn La, tạo thuận lợi cho việc giải phóng Tây Bắc và giải phóng Điện Biên Phủ, ngăn chặn và cắt đứt giao thông của địch đối với vùng Thượng Lào. Bên cạnh đó chiến thắng Đồn Mộc Lỵ còn có một ý nghĩa về mặt chiến lược quân sự, quân và dân ta rút ra bài học kinh nghiệm đánh đồn kiên cố phải đánh từ trên đánh xuống. Trong trận đánh Đồn Mộc Lỵ đã có 53 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174, sư đoàn 316 anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ những công lao to lớn của các liệt sĩ Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Sơn La đã xây dựng Nhà bia tưởng niệm khắc ghi tên tuổi của 53 liệt sỹ. Ngày nay Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ là nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của tỉnh Sơn La. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Quốc gia ngày 20/01/1998. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL

Sơn La 53 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi

Ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), một địa danh lịch sử, một mốc son chói lọi khắc ghi một thời kỳ chiến đấu oanh liệt của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam trong cuộc kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ Ngã ba Cò Nòi là điểm nút giao thông quan trọng nhất để các mũi tiến quân của quân và dân ta tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Địa điểm này đã trở thành "Điểm đỏ" để Thực Dân Pháp bắn phá ác liệt nhất, nhằm chặn đứng và phá tan huyết mạch giao thông của quân và dân ta. Một ngày tại đây chúng đã ném khoảng 69 tấn bom để cày xới phá huỷ, nhưng dưới làn mưa bom của địch, các lực lượng vũ trang, Thanh niên xung phong trong cả nước đã dũng cảm bám trụ, ngày đêm vẫn đảm bảo thông đường mạch máu giao thông vẫn chảy đều trên tuyến lửa. Trong quá trình phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tại Ngã ba Cò Nòi 100 chiến sỹ và Thanh niên xung phong đã hy sinh. Tháng 12 năm 1952 Trung ương Đảng và Chủ Tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, mở rộng và củng cố vùng giải phóng chuẩn bị cho chiến dịch, hàng vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung phong ở khắp các địa phương được huy động lên chiến trường Tây Bắc. Trong chiến dịch lịch sử này, Sơn La đóng một vai trò hết sức quan trọng vừa là hậu phương lớn gần chiến trường vừa là cửa ngõ để tiến vào Tây Bắc. Sơn La án ngữ các tuyến đường huyết mạch giao thông nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc; Liên khu III, IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó ngã ba Cò Nòi là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như "yết hầu" trên tuyến lửa. Ngã ba này là nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ là 13A (quốc lộ 37 hiện nay) và đường 41 (quốc lộ 6 hiện nay), thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Địa hình nơi đây hiểm trở, được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp tạo thành một thung lũng hẹp và sâu có chiều dài hơn 2 km. Tất cả mọi hoạt động chi viện vũ khí, lương thực, thực phẩm của quân và dân ta từ hậu phương Việt Bắc và liên khu III, IV tiến lên chiến trường Điện Biên Phủ đều phải đi qua cửa ải này. Trong hồi ký của mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua". Với vị trí chiến lược quan trọng đó, ngã ba Cò Nòi đã trở thành "túi bom", một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Pháp trên địa bàn Sơn La. Chúng cho rằng việc ngăn chặn và cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương Miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ là vấn đề sống còn của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam. Với tinh thần cả nước phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu hiệu xuyên suốt chiến dịch của quân và dân ta là: "Tất cả cho tiền tuyến" "Tất cả để chiến thắng". Nhân dân các tỉnh lần lượt tiễn con em hăng hái lên đường tham gia quân ngũ, đi thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Cuộc chiến đấu trên mặt trận tiếp tế, vận tải, tháo dỡ bom mìn đảm bảo giao thông, liên lạc diễn ra khẩn trương, quyết liệt ngay từ ngày mở màn đến lúc kết thúc chiến dịch. Để đời đời tri ân công ơn các liệt sỹ thanh niên xung phong đã chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc tại ngã ba Cò Nòi. Ngày 21/4/2000 Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng nhóm đài tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong tại ví trí "tọa độ lửa" năm xưa với diện tích 20.000m2. Công trình được khánh thành ngày 7/5/2002, nhóm tượng gồm 3 thanh niên xung phong ở các tư thế khác nhau được tạo từ chất liệu đá granit. Tượng cao 12 mét, được đặt trên bệ một khối đá nặng 280 tấn. Cùng với nhóm tượng đài, còn có hai bức phù điêu thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận chiến đấu chống thực dân Pháp. Mỗi bức phù điêu có diện tích 42m2, nặng 52 tấn, được phủ bằng kim loại, tái hiện hình ảnh quân và dân ta hăng hái chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, thể hiện ý chí quật cường của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2004) di tích được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Mai Sơn

Sơn La 52 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cầu Tà Vài

Cầu Tà Vài, thuộc bản Tà Vài, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu là di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp cây cầu không chỉ mang ý nghĩa dân sinh mà còn là di tích lịch sử. Bản Tà Vài nơi có cây cầu với 46 trận đánh phá ác liệt và phải hứng chịu 1.272 quả bom của máy bay Mỹ nhằm cắt đứt huyết mạch Quốc lộ 6. Nhưng cây cầu vẫn đứng vững, đảm bảo giao thông thông suốt. Năm 1965, giặc Mỹ đã dùng không quân, biệt kích điên cuồng phá hoại miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với đồng bào miền Nam. Cây cầu Tà Vài ngày đó là trọng điểm mà giặc Mỹ bắn phá, ngày 20-6-1965, máy bay Mỹ đã ném 6 quả bom xuống bản Khâu Đay (Chiềng Hặc, Yên Châu) và 20 quả rốc két xuống cầu Tà Vài. Bắt đầu từ đây, các loại máy bay Mỹ liên tục bắn phá Yên Châu, nhưng do có sự chuẩn bị tốt các phương án đối phó với chiến tranh phá hoại của Mỹ nên Yên Châu bước vào cuộc chiến mà không bị bất ngờ. Lúc này cây cầu Tà Vài trở thành nơi giao tranh quyết liệt giữa ta và địch. Với quyết tâm bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, quyết bám trụ tại trọng điểm giao thông cầu Tà Vài, lực lượng dân quân tự vệ cùng các đơn vị lực lượng vũ trang đã luôn bám mặt đường và cầu để đảm bảo cho xe thông tuyến. Tại đây, từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1966 ta đã bố trí Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ để bảo vệ cầu Tà Vài, trong đó Đại đội 3 gồm 2 khẩu đội pháo 37 ly được bố trí trận địa khu vực đồi bản Tát, giáp cầu Tài Vài, Đại đội 2 gồm 4 khẩu 37 ly được bố trí liên hoàn ở phía Tây cầu Tà Vài. Ngoài hai trận địa chính với phản lực là pháo 37 ly, còn một trận địa phụ gồm 1 đại đội 12,7 ly được bố trí ở địa hình thấp hơn cũng ở gần cầu Tà Vài. Để bố trí được trận địa như vậy, nhân dân bản Tà Vài đã cùng bộ đội đào công sự làm đường vòng quanh sườn đồi để kéo pháo lên. Mỗi khẩu pháo 37 ly phải huy động 200 người mới kéo được. Để động viên tinh thần và giúp đỡ bộ đội chiến đấu, nhân dân bản Tà Vài vừa hăng hái tham gia chiến đấu, vừa sản xuất lúa gạo để đóng góp cho tiền tuyến. Trong những năm tháng đó, nhân dân Tà Vài đã cùng với các bản khác trong xã Chiềng Hặc đóng góp gần 9 tấn rau, 500kg gia cầm, hàng tấn lương thực… Ngoài ra, đội văn nghệ của xã còn đến tận trận địa phục vụ bộ đội và dân quân. Nhiều lần phải di chuyển trận địa, nhân dân đã cùng bộ đội lấy dây rừng bện lại để kéo pháo; lấy tre, nứa làm lán cho bộ đội và giúp bộ đội đào trên 3.000 mét hầm trú ẩn trên trận địa với quyết tâm bảo vệ huyết mạch giao thông cho chiến trường. Địch phá hỏng cầu, đường, nhưng tinh thần của quân và dân ở đây không hề nao núng, mặc cho bom đạn gào thét vẫn hăng hái sửa đường cho xe qua, với phong trào thi đua “Tiếng hát át tiếng bom” và “Địch phá, ta sửa ta đi. Địch phá ta cứ đi”. Ngày 8-12-1966, địch tổ chức 3 tốp máy bay thả bom trên đồi nơi có trận địa pháo phòng không và bắn phá cầu Tà Vài, lúc này 2 nhịp cầu đã bị trúng bom và rơi xuống suối, giao thông đường 6 bị cắt đứt. Do cầu ở vị trí hiểm trở, suối rộng, nước sâu, hơn nữa giặc lại đánh cả ngày lẫn đêm nên rất khó làm lại cầu. Trước tình hình đó, đơn vị bảo vệ cầu quyết định làm đường tránh và đường ngầm để đảm bảo giao thông bằng mọi giá. Đường ngầm cầu Tà Vài được quân và dân làm cách chân cầu khoảng 1km về phía hạ lưu, nhưng giặc vẫn phát hiện và tiếp tục bắn phá. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, các đơn vị bộ đội và dân quân tự vệ đã bảo đảm tốt mạch máu giao thông. Phát huy truyền thống chiến đấu ngoan cường, tinh thần đoàn kết một lòng, nhân dân bản Tà Vài với khí thế sục sôi căm thù quân xâm lược, biến thành hành động cách mạng trong chiến đấu và sản xuất, góp phần xuất sắc vào thành tích đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ. Tại trận địa cầu Tà Vài, quân và dân Yên Châu đã bắn rơi 2 máy bay F105 và bắt sống giặc lái Mỹ bằng súng trường, huyết mạch chi viện cho Miền Nam luôn thông suốt, chiến công đó đã nhanh chóng lan rộng đi khắp nơi, được cả nước biết đến. Ngày nay, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, người dân Tà Vài chăm chỉ lao động sản xuất và tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho quê hương, nơi có cây cầu Tà Vài ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Nói đến cầu Tà Vài là nói đến tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường và chiến đấu vẻ vang của quân và dân Yên Châu. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La

Sơn La 464 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Hang A Phủ

Hang Thẩm Cắn còn gọi là hang “Vợ chồng A Phủ”, chính là khu căn cứ cách mạng 99 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của tỉnh Sơn La. Hang thuộc xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn la. Khu di tích gồm có hai hang: Hang thứ nhất (hang khô) nằm dưới chân của ngọn núi U Bò, xung quanh là khu rừng nguyên sinh, khí hậu thoãng đãng, mát mẻ. Trước cửa hang là nương rẫy của bà con nhân dân được bao trùm khắp 4 mùa một màu xanh hoa trái. Hang khô gồm có 2 cửa nằm ở 2 phía Đông, Tây nối thông với nhau chia hang làm 3 khoang. Tổng chiều dài của hang từ Tây sang Đông khoảng 200m. Cửa phía Tây cao khoảng 3m, rộng 1,5m, lối vào hang nhỏ hẹp, hạn chế ánh sáng. Càng đi sâu lòng hang càng mở rộng , trần hang cao trung bình từ 20 đến 40 mét, độ rộng trung bình 15 đến 30 mét. Nền hang gồ ghề và hơi dốc, có nhiều hòn đá nằm rải rác khắp trên nền hang. Trần hang có nhiều nhũ đá khá đẹp hình các loại muông thú, rừng cây...Trong khoang thứ 2, 3 còn có nhiều ngách hẹp chạy dọc theo vách hang, sâu trung bình 10 đến 15 mét. Đi hết khoang 3 là đến cửa phía Đông. Cửa hang hình bầu dục cao khoảng 50 đến 60 mét, phía đáy rộng khoảng 20 mét, ở phần giữa cửa hang rộng khoảng 30 mét. Đây là nơi Đại đội quân báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu đã tạm trú hai ngày để tìm cách vượt sông Đà chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc 1952. Theo lời kể của nhân dân địa phương thì hang Thẩm cắn cũng là nơi đóng quân và cất giữ vũ khí của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Ngoài ra hang Thẩm cắn trong văn học với tên gọi khác là hang Vợ chồng A Phủ. Theo truyền thuyết sau khi thoát khỏi gia đình Thống lý Pá Tra để đến với khu du kích Phiềng Sa thì Mỵ và A phủ (hai nhân vật chính trong tác phẩm) đã dừng chân tại đây một thời gian để tránh sự lục soát của bọn Thống lý. Hang thứ 2 là hang nước cách hang thứ nhất khoảng 20 mét về phía Nam. Cửa vào hang nằm sâu dưới lòng đất khoảng 5 mét. Đường xuống hang dốc, nhiều tảng đá gập ghềnh, rất nguy hiểm. Hang có chiều dài khoảng 300 mét. Lòng hang tối, có độ rộng khoảng 7 mét, từ nền hang đến trần hang cao trung bình khoảng 10 đến 12 mét, có chỗ chỉ cao 4 đến 5 mét. Nền hang là một dòng suối chảy dọc theo hang từ Tây sang Đông. Đây là nơi Đại đội quân báo đến lấy nước sinh hoạt trong thời gian tạm trú ở hang khô. Hang Thẩm Cắn - Khu căn cứ kháng chiến 99 được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 28-5-2012. Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La

Sơn La 415 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích lịch sử tập đoàn cứ điểm Nà Sản

Tập đoàn cứ điểm Nà Sản nằm trên cao nguyên Nà Sản, là một lòng chảo thuộc địa phận xã Chiềng Mun - huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La với diện tích khoảng 10km2 được bao quanh bởi các dãy núi cao trên 700m. Tại đây có sân bay, Sở chỉ huy, một số đồn bốt, hệ thống hỏa lực mạnh của bốn khẩu pháo 105mm và nhiều đường giao thông hào vây quanh bảo vệ khu trung tâm. Cũng như Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quan trọng nhất của khu căn cứ quân sự này là sân bay Nà Sản, có nhiệm vụ tiếp tế cho quân Pháp đang làm nhiệm vụ tại đây. Sân bay này được xây dựng từ năm 1950 khi quân Pháp đặt sự thống trị, đàn áp nhân dân các dân tộc Tây Bắc sau khi chiếm được quyền kiểm soát từ tay Việt Minh. Ban đầu sân bay Nà Sản để phục vụ cho nhu cầu đi lại với hệ thống đường băng ngắn, nhỏ và kết cấu đơn giản, sau này được mở rộng, kéo dài và nâng cấp nền lát ghi sắt, có thể đáp ứng cho loại máy bay Dakota cất và hạ cánh. Trong khoảng thời gian gần một tháng từ khi quân Pháp rút về đây, chúng liên tục tăng viện lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, dây thép gai và những vật liệu cần thiết để củng cố khu căn cứ quân sự này. Vì thời gian gấp rút nên hệ thống công sự ở đây được làm nhanh chóng bằng những vật liệu thô sơ như tre, gỗ, .. và được xây, đắp tạm thời để ở và chiến đấu. Tại các cứ điểm tại khu trung tâm, xung quanh sân bay được ưu tiên hơn, xây dựng kiên cố bằng xi măng, cát, lát tấm ghi sắt. Hầm chỉ huy trung tâm còn có hệ thống giao thông hào tương đối an toàn thoát ra sân bay trong trường hợp cần thiết. Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu từ ngày 01-10-1952 và kết thúc vào ngày 10-12-1952. Sau 3 đợt tiến công quyết liệt của quân và dân ta nên chiến dịch nhanh chóng kết thúc sớm so với dự kiến ban đầu là 4 tháng. Ta đã tiêu diệt được nhiều quân địch và thu nhiều vũ khí, đạn dược, địch phải rút về co cụm ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Trước thế bị động cô lập hoàn toàn, chúng biết khả năng không thể tồn tại trên mảnh đất này, nên đã bí mật tháo chạy bằng đường hàng không ở sân bay Nà Sản. Chiến dịch Tây Bắc đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Đến nay, người ta ít biết đến Tập đoàn cứ điểm Nà Sản vì quy mô nhỏ lẻ và còn mang tính chất thụ động đối phó. Tuy nhiên đây là khởi nguồn đầu tiên cho hình thức đánh tập đoàn cứ điểm của Thực dân Pháp, là ý tưởng hình thành Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau này, là hình thức phòng ngự có ý nghĩa chiến lược lần đầu tiên xuất hiện trong chiến tranh Việt Nam. Tập đoàn cứ điểm Nà Sản là chứng tích của những năm tháng oanh liệt của quân và dân ta chống thực dân Pháp tại chiến trường Tây Bắc, là dấu ấn cho sự thất bại thảm hại của thực dân Pháp. Tập đoàn cứ điểm Nà Sản được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào ngày 24-1-1998. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La

Sơn La 438 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu

Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu thuộc bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu. Nơi đây đánh dấu một sự kiện lịch sử ngày 7/5/1959 Hồ Chủ Tịch cùng với Ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ lên thăm Tây Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp và sau hoà bình lập lại trên Miền Bắc, mặc dù bận trăm công ngàn việc của đất nước, Bác Hồ, Vị cha già kính yêu của dân tộc luôn quan tâm tới nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Đáp lại lòng tin của Bác, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã dũng cảm trong chiến đấu, hăng hái thi đua lao động sản xuất và mong ước được đón Bác lên thăm và được báo cáo với Bác những thành tích đã đạt được. Ngày 7/5/1959, mong ước của nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã trở thành hiện thực. Quảng trường của thủ phủ khu tự trị Thái, Mèo rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu và hơn 1 vạn người đại diện cho 43 vạn nhân dân các dân tộc Tây Bắc hân hoan đón chào Bác dẫn đầu phái đoàn của Đảng, Chính phủ lên thăm. Bằng cử chỉ vô cùng giản dị, thân mật và gần gũi, Bác đã ghi nhận, biểu dương sự hy sinh và những đóng góp hết sức to lớn của nhân dân các dân tộc Tây bắc trong kháng chiến chống pháp, trong khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Người đã thay mặt Chính phủ tặng nhân dân các dân tộc Tây Bắc tấm Huân chương lao động hạng nhất. Người căn dặn: Phải hăng hái thi đua phát triển kinh tế, xã hội, củng cố các thành phần kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, củng cố an ninh quốc phòng. Hơn 40 năm đã trôi qua, lời dặn của Người đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La bền bỉ phấn đấu thực hiện, đã và đang làm cho vùng đất Miền Tây của Tổ quốc có những đổi thay to lớn. Ngày nay Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận châu nằm ngay trong khuôn viên sân vận động huyện Thuận Châu. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La

Sơn La 430 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Văn Bia Quế Lâm ngự chế

Di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm Ngự Chế thuộc tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La. Nơi đây đã minh chứng thời kỳ lịch sử của vị vua hùng tài, đại lược Lê Thái Tông cùng quân sỹ đi chinh phạt quân phiến loạn ở vùng biên cương phía Tây của Tổ quốc, giữ bình yên cho bờ cõi nước nhà. Di tích được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng cấp Quốc gia ngày 05/02/1994. Vua Lê Thái Tông, tên húy là Nguyên Long, là con thứ của Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và Cung từ Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân – Thanh Hóa). Từ khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tông rất chú ý đến miền Tây Bắc, miền đất phên dậu của Tổ quốc. Để củng cố và đảm bảo sự thống nhất Quốc gia, cũng như Vua Lê Thái Tổ và các vị vua khác, trong 9 năm trị vì đất nước, vua Lê Thái Tông đã 2 lần chỉ huy quân sỹ lên miền Tây Bắc dẹp bọn phản nghịch. Tháng 3 năm Canh Thân (1440), nhà vua lần đầu tiên thân chinh cùng quân sỹ lên trấn Miền Tây đi đánh thổ quân phản nghịch tên là Thượng Nghiễm ở Châu Mường Muổi (nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Nhà vua đi tới đâu cũng được nhân dân ủng hộ nên quân của triều đình đã nhanh chóng dẹp tan bọn phản nghịch. Trên đường trở về, nhà vua cùng quân sỹ nghỉ chân tại Động La (Thẳm báo ké), một hang đá tự nhiên ở châu Mường La. Vua thấy nơi đây cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, với ý nghĩa sâu xa và tâm hồn thanh thản, nhà vua đã cho quân sỹ khắc bài thơ và lời tựa trên vách đá ở cửa Động La. Bài thơ, Quế Lâm Ngự Chế có ý nghĩa như sau: “Tù trưởng Thuận Châu là Thượng Nghiễm phản nghịch, vong ơn bội nghĩa, đem quân theo người Ai Lao làm phản. Thân chinh điều khiển sáu quân tới trị nó. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, dâng voi xin hàng. Ta thương nó quỳ bò không mang vũ khí, không nỡ chém, bèn tha tội cho nó, rồi đem quân trở về để lại một bài thơ. Đúng một năm sau, tháng 3 năm 1441 vua lại đem quân lên dẹp loạn Nghịch Nghiễm ở Châu Mường Muổi, đi đến đâu cũng được nhân dân hưởng ứng, giúp đỡ vì vậy quân của triều đình đã nhanh chóng bắt được tướng Ai Lao là Đạo Mông, đồng thời bắt được con của Thượng Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Tên phản nghịch Thượng Nghiễm ra hàng và chịu tội, kể từ đây dải đất biên cương phía Tây của Tổ quốc đã được yên bình. Để tri ân công đức của Vua Lê Thái Tông và để di tích Văn bia Quế Lâm Ngự Chế mãi mãi trang nghiêm, tỏa sáng trong lòng các thế hệ nối tiếp, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân, được sự nhất trí của Bộ Văn hóa, Thông tin, tháng 9/2001 Tỉnh ủy và UBND Sơn La đã cho khởi công xây dựng đền thờ Vua Lê Thái Tông tại thị xã Sơn La và được khánh thành ngày 22/01/2003, lấy tên là “Quế Lâm linh từ”. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La

Sơn La 396 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

CÂY ĐA BẢN HẸO

Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị của chúng tại vùng Tây Bắc. Chúng cho xây dựng Nhà tù Sơn La để giam cầm, đày ải, thủ tiêu ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng và những người Việt Nam yêu nước. Tháng 12/1939, những tù nhân chính trị tại nhà tù đã họp bí mật và quyết định thành lập Chi bộ lâm thời. Chi bộ đã chọn cây đa bản Hẹo làm địa điểm liên lạc bí mật với cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù và với Trung ương Đảng. Năm 1942 - 1943, tình hình cách mạng trong nước và thế giới có nhiều biến động, Trung ương Đảng chỉ đạo khu căn cứ Yên Bái, Phú Thọ phải lập đường dây liên lạc với Chi bộ nhà tù Sơn La. Hàng ngày tù nhân chính trị Nhà tù Sơn La phải đến khu vực cây đa để lấy củi, nên các tù nhân đã đặt một hòm thư bí mật, để liên lạc nhận định tình hình địch, hòng tổ chức vượt ngục. Theo kế hoạch đã định, tháng 1 năm 1943. Các Đồng chí ở cơ quan Trung ương đã bố trí gặp các đồng chí trong Chi bộ nhà tù Sơn La tại cây đa Bản Hẹo. Thống nhất kế hoạch hoạt động vượt ngục. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các tù nhân từ bên trong nhà tù cho đến các đồng chí, chiến sĩ bên ngoài nhà tù, ngày 3/8/1943, Chi bộ đã tổ chức thành công cuộc vượt ngục cho các tù nhân ưu tú về cơ quan Trung ương Đảng tiếp tục hoạt động cách mạng. Như vậy, trong suốt thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các địa điểm liên lạc khác, cây đa bản Hẹo, nơi đặt hòm thư bí mật, nơi gặp gỡ, liên lạc giữa các chiến sỹ cộng sản thuộc Chi bộ nhà tù với lãnh đạo Trung ương - đã thực sự giữ vai trò quan trọng, góp phần tạo nên một mạng lưới thông tin vững chắc, che mắt được mạng lưới mật thám dày đặc của kẻ thù, phục vụ cho sự phát triển của cách mạng và góp phần to lớn vào thắng lợi của phong trào đấu tranh giành chính quyền ở Sơn La nói riêng và cả nước nói chung. Cây đa bản Hẹo nay là một di tích lịch sử cách mạng trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, do Bảo tàng tỉnh quản lý. Hàng năm, di tích đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây đa vẫn còn đó như một minh chứng cho một thời kỳ lịch sử cách mạng thế kỷ XX. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Sơn La

Sơn La 413 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di Tích Nhà Tù Sơn La

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908, bên cạnh dòng suối Nậm La trên đỉnh đồi Khau Cả, nay thuộc phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Nơi đây đã giam giữ 1007 lượt tù nhân cộng sản, là trường học cách mạng, nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2, chủ yếu để giam cầm tù thường phạm. Năm 1930, trước phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của cách mạng Việt Nam ngày càng dâng cao, thực dân Pháp đã mở rộng Nhà tù Sơn La thêm 1.500 m2 và bắt đầu giam chính trị phạm. Năm 1940, thực dân Pháp cho xây dựng một trại giam có diện tích 170m với ý định giam tù nhân nữ, nhưng âm mưu này đã không thực hiện được. Như vậy, qua 3 lần xây dựng và mở rộng, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.170 m2. Đặc biệt, trong quá trình mở rộng nhà tù, thực dân Pháp còn cho xây dựng một dãy xà lim ngầm nằm sâu dưới lòng đất 3m, được che giấu bởi khu nhà bếp ở trên. Hệ thống xà lim ngầm gồm 5 phòng giam cá nhân và 2 phòng giam tập thể, trong đó có 1 xả lim tối. Nhà tù Sơn La được xây dựng kiên cố, tường xây bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn. Giường nằm cho tù nhân xây bằng đá, mặt láng xi măng, mặt ngoài gắn hệ thông cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Với thiết kế như vậy, những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc với cái nóng như đổ lửa vào mùa hè cùng những đợt sương muối giá rét vào mùa đông đã khiến các loại bệnh phát sinh và lây lan nhanh chóng. Nhà tù Sơn La được ví như “chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”. Từ năm 1930 đến năm 1945, thực dân Pháp đã đày lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.013 lượt tù nhân, trong đó có rất nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy và nhiều cán bộ cốt cán của Đảng. Trực diện với tội ác của kẻ thù, hơn bao giờ hết, khí tiết của những người cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, góp phần rất lớn vào sự thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại, đào tạo, bồi dưỡng cho Đảng và cách mạng Việt Nam những chiến sĩ Cộng sản xuất sắc tiêu biểu như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàng đồng chí trung kiến khác. Hòa bình lập lại, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tiến hành ba lần tu bổ, tôn tạo di tích Nhà tù vào các năm 1980, 1994, 2009 - 2010. Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La còn có 2 điểm là: cây đa Bản Hẹo, địa điểm liên lạc giữa Chi bộ Nhà tù Sơn La với Trung ương Đảng và Nghĩa trang liệt sĩ Nhà tù Sơn La (Nghĩa trang Gốc Ổi) là nơi yên nghỉ của hơn 60 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại Nhà tù Sơn La. Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đã trở thành một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ các dân tộc Sơn La và nhân dân cả nước. Nhà tù Sơn La được xếp hạng quốc gia năm 1962 và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào ngày 31-12-2014. Di tích Nhà tù Sơn La đã trở thành một trường học, một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Sơn La

Sơn La 403 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật