Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Lâm Đồng

Dinh Bảo Đại 1

Đà Lạt nổi tiếng với 3 dinh thự thời vua Bảo Đại là Dinh 1, Dinh 2, Dinh 3 gắn liền với những nốt lịch sử thăng trầm của đất nước ta. Năm 1940, một người triệu phú Pháp tên Robert Clément Bourgery đã cho xây dựng Dinh 1. Năm 1949 thì cha vợ của vua Bảo Đại đã góp tiền để vua mua lại căn dinh thự này. Vua Bảo Đại đã đặt Tổng Hành Dinh tại đây để làm việc trong suốt những năm làm Quốc Trưởng giai đoạn 1949 – 1954. Ngoài Đà Lạt, vua Bảo Đại còn sở hữu một dinh thự rất nổi tiếng khác ở Vũng Tàu đó chính là Bạch Dinh. Năm 1956, Dinh 1 đã chuyển sang cho Ngô Đình Diệm dùng. Sau đó nhiều năm thì nơi này trở thành nơi nghỉ ngơi của các nguyên thủ quốc gia tới năm 1975. Vào năm 2014, chính quyền địa phương đã đầu tư khôi phục, tu sửa Dinh 1, đưa nơi này vào hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt. Dinh 1 Đà Lạt (Dinh Bảo Đại) đã trải qua nhiều lần tu sửa. Khuôn viên bên ngoài được thiết kế rộng rãi và được bố trí sẵn các bàn ghế rất sang trọng. Bước qua cánh cổng vào khuôn viên có hàng trăm loài hoa đua hương khoe sắc, khung vườn cờ khổng lồ, dải bậc tam cấp 7 màu, hàng trăm chiếc đèn lồng treo lủng lẳng... Đài phun nước mang đậm nét Châu Âu cũng thu hút rất nhiều du khách. Bước lên lầu 1, ngoài khu vực sảnh chính thì hai bên của dinh là 2 phòng khách lớn, phía sau là 4 căn phòng lớn nhỏ khác nhau. Lúc trước, những căn phòng này được dùng làm phòng chuyển tiếp, phòng văn thư, phòng bếp và phòng WC. Cuối lầu 1 là một phòng chụp hình rất hoành tráng và nguy nga. Trong đó có cả ngai vàng, võng lọng sơn son thiết vàng... Khi bước lên lầu 2 của Dinh 1 Bảo Đại, bạn sẽ thấy 3 căn phòng ngủ khác nhau. Căn thứ nhất là phòng ngủ của mẹ vua Bảo Đại (bà Từ Cung). Phòng thứ 2 là phòng ngủ của vua Bảo Đại. Kế tiếp là phòng ngủ của Nam Phương hoàng hậu, nằm đối diện với dãy hành lang của dinh. Có thể nói, căn phòng thứ 2 là quan trọng nhất trong dinh 1 của vua Bảo Đại. Đây là nơi chuyên diễn ra những buổi hội họp quan trọng dưới thời của vua Bảo Đại từ năm 1949 cho đến năm 1954. Đây cũng là nơi bàn về các chiến dịch, chiến sự vào năm 1955 đến năm 1963. Đến chính quyền của Ngô Đình Diệm, ông mới sửa sang lại phòng của vua Bảo Đại và đào đường hầm bí mật tại đây. Lối đi xuống đường hầm được ngụy trang y hệt một giá sách bên phải giường ngủ. Lối thoát này dẫn ra bãi trực thăng phía sau đồi của dinh 1. Đặc biệt ở khu dinh thự này là những công trình xây dựng đậm chất quân sự, bạn sẽ không khỏi bất ngờ và choáng ngợp trước vẻ đặc sắc của nó. Đầu tiên là một sân rộng đáp trực thăng, kho xăng, lối đi thoát hiểm (đường hầm). Cánh cửa hầm được lắp thêm kim loại có sức nặng vài trăm kilogam, pháo, kính chống đạn... Nguồn: Cổng thông tin du lịch Đà Lạt

Lâm Đồng 1657 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di Tích Căn Cứ Kháng Chiến Khu 6 Cát Tiên

Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến khu VI Cát Tiên có tổng diện tích gần 50 hecta, ở địa bàn thôn 5, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một địa chỉ lý tưởng thu hút nhân dân và du khách yêu thiên nhiên, ưa khám phá và tìm hiểu lịch sử, truyền thống cách mạng dân tộc đến tham quan. Di tích Khu VI, Cát Tiên là công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng, ghi lại những công lao và chiến tích của các thế hệ cha anh trong công cuộc đấu tranh chống giặc Mỹ xâm lược, giai đoạn 1963 - 1966. Khuôn viên di tích Khu VI, Cát Tiên được thiết kế hài hòa, khoa học và đẹp mắt, phù hợp với không gian cảnh quan, với hệ thống đường nội bộ trải bê tông sạch đẹp uốn lượn quanh các ao hồ trong xanh thoáng mát; Tượng đài uy nghi tọa lạc trên đỉnh đồi trung tâm đã tạo nên điểm nhấn thu hút sự chú ý của nhân dân và du khách khi đến tham quan di tích Khu VI, Cát Tiên. Cách đồi Tượng đài không xa là nhà trưng bày với 108 hiện vật đã sưu tầm được và một số loại vũ khí thô sơ được phục chế phục vụ cho công tác trưng bày và thuyết minh. Rải rác trên những sườn đồi xanh rợp bóng mát của các loại cây rừng là công trình các lán trại, hầm trú ẩn tái hiện không gian làm việc, sinh hoạt của “Các cơ quan Khu ủy, Quân khu” với tổng số 23 hạng mục, trong đó, cơ quan Khu ủy có 12 hạng mục và cơ quan Quân khu là 11 hạng mục. Theo tư liệu lịch sử, trong giai đoạn từ năm 1963 - 1966 Khu ủy, khu VI Cát Tiên đã có những đóng góp quan trọng đánh dấu sự phát triển lớn mạnh không ngừng của lực lượng cách mạng nước ta. Thời gian đầu, Khu VI là nơi tập trung củng cố và chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhằm phối hợp với toàn miền Nam tiến công địch, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng làm chủ, vùng giải phóng, tạo thế và lực để phong trào cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi to lớn. Đặc biệt trong Đông - Xuân năm 1964 - 1965, phong trào cách mạng ở Khu VI đã có bước phát triển nhảy vọt cả chiều rộng lẫn chiều sâu; quân và dân Khu VI đã chủ động tích cực phối hợp với toàn miền Nam tiến công địch trong chiến dịch Đồng Xoài mùa Hè năm 1965, góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Mùa khô năm 1965 - 1966, quân và dân Khu VI đã đánh thắng cuộc phản công lần thứ nhất của địch ở chiến trường Khu VI. Từ đây, quân và dân Khu VI liên tục làm thất bại kế hoạch bình định, tìm diệt của địch trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai (1966 - 1967), đến mùa khô 1967 - 1968, quân và dân Khu VI đã đẩy mạnh các cuộc tiến công và giành được những thắng lợi to lớn. Từ giữa năm 1965 đến cuối năm 1968, Đảng bộ, quân và dân Khu VI đã phối hợp với toàn miền đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Chiến công của quân và dân Khu VI - Cát Tiên thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Trong đó, cộng đồng các dân tộc Khu VI đã đoàn kết, anh dũng, bất khuất, làm nên những chiến công vang dội, thể hiện sự chói sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với lòng yêu nước nồng nàn đã giúp quân và dân Khu VI vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Việc xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI, Cát Tiên đã thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, vinh danh, phát huy những giá trị lịch sử to lớn của quân và dân Khu VI, đồng thời đây chính là nơi giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu mai sau. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Huyện Cát Tiên

Lâm Đồng 2264 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu di tích thác nước Datanla

Khu Du lịch di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Thác Đa tang la, hay còn được gọi là Da tan la, là một thác nước nổi tiếng tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Nằm trong khu du lịch Đa tan la, thác cách thác Prenn 8 km và trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 10 km. Thác Da tang la được xem là một trong những điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn tham quan và trải nghiệm phiêu lưu mạo hiểm. Tên gọi “Đa tang la” hay “Đa tang la” được lấy từ tiếng K’Ho, được hợp thành từ “Đạ-Tam-N’ha”, có ý nghĩa là “dưới lá có nước”. Tên gọi này có nguồn gốc từ cuộc xung đột lịch sử giữa các dân tộc Chăm – Lạch – Chil trong thế kỷ XV. đến thế kỷ XVII. Thác Da tang la có lượng nước dồi dào nhờ vào nguồn nước ổn định từ thượng nguồn. Không ồn ào như một số thác khác, Da tang la chảy qua nhiều thềm đá và đổ từ ghềnh cao khoảng 20m. Phần dưới của thác tạo thành khu vực nước rất trong, được gọi là Suối Tiên, trong khi phần trên có một vực sâu gọi là Vực Tử Thần. Theo truyền thuyết, vì vực sâu này nằm giữa một vùng đồi núi, nên đã từng là nơi lánh nạn cho một cánh quân của dân tộc bản địa trong cuộc chiến tranh với người Chăm hàng trăm năm trước. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa của thác Đa tang la. Một trong số đó kể về cuộc gặp gỡ của dũng sĩ K`Lang và nàng sơn cước Hơbilang tại đây. Một số truyền thuyết khác về thác Đa tang la cho rằng thác là nơi mà các nàng tiên thường tắm, hoặc câu chuyện về cuộc chiến tranh giữa người Lạt và người Chăm, trong đó thác đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chiến đấu của họ. Với những giá trị văn hóa đó mà vào năm 1998, thác Đa tang la đã được nhà nước ta công nhận là một trong những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ở Đà Lạt nổi tiếng, được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin du lịch Đà Lạt

Lâm Đồng 1253 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Thác Cam Ly Đà Lạt

Thác Cam Ly nằm cách thành phố Đà Lạt 2km về phía Tây. Đây được xem là thác nằm gần trung tâm thành phố nhất. Thác Cam Ly nằm cạnh dòng suối Cẩm Lệ, thác được hình thành từ một phần dòng nước chảy vào từ hồ Xuân Hương và một dòng suối khác là suối Cam Ly cũng chảy vào đây. Thác Cam Ly là một trong những con thác được nói về sự tưởng nhớ, sự biết ơn, sự kính trọng của người dân nơi đây đối với người có công trong thời kỳ đó. Truyền thuyết kể rằng, thác Cam Ly có nguồn gốc từ tiếng K’Ho. Người dân trong bộ tộc Lạch (Lạt) gọi thác Cam Ly là Liêng Tô Sra - ranh giới của dòng suối Cẩm Lệ đến sông Đạ Đờng. Người dân trong buôn làng mới lấy tên của vị tù trưởng của bộ tộc Lạch (Lạt) lúc đó là K'Mly để tưởng nhớ, thể hiện sự biết ơn của dân làng đối với vị tù trưởng này. Vị tù trưởng này đã lo bữa ăn giấc ngủ của cả bộ tộc, sống chan hoà với các người dân, lo lắng cuộc sống của người dân trong làng trở nên ấm no, sung túc, đầy đủ. Nên tên của vị tù trưởng này được đặt cho con thác là K’MLy sau này đọc chạy (đọc trại) là Cam Ly. Còn theo nguồn gốc của tiếng Hán Việt thì Cam Ly có nghĩa là dòng suối có nước ngọt (Cam là ngọt, Ly là thấm vào). Thác Cam Ly sở hữu vẻ đẹp thơ mộng, đặc biệt vào mùa mưa khi nước chảy cuồn cuộn, tạo ra những khối nước khổng lồ đổ xuống dữ dội. Với vị trí thuận tiện gần trung tâm thành phố, thác Cam Ly thu hút đông đảo du khách ghé thăm hàng năm . Dưới chân thác Cam Ly là một vườn hoa nhỏ, góp phần tạo nên một phong cảnh hài hòa và đẹp mắt. Ngoài ra, trong khu vực thác còn có lăng Nguyễn Hữu Hào, được xây dựng với nhiều kiến trúc độc đáo. Vào năm 1998, Thác Cam Ly đã được nhà nước ta xếp hạng là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ở Đà Lạt được công nhận di tích cấp quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin du lịch Đà Lạt

Lâm Đồng 1213 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Hồ Xuân Hương

Khi nhắc đến Đà Lạt, không ai là không biết đến Hồ Xuân Hương, một hồ nước tuyệt đẹp nằm ngay tại Trung tâm thành phố Đà Lạt. Hồ Xuân Hương là một hồ nước nhân tạo, có chu vi khoảng 5km và rộng 25ha. Hồ có hình dáng của mặt trăng lưỡi liềm, kéo dài hơn 2 km và đi qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt như Vườn hoa thành phố, Công viên Yersin, Đồi Cù và Quảng trường Lâm Viên. Theo người dân nơi đây thì nguồn gốc cái tên Hồ Xuân Hương đến từ 2 truyền thuyết khác nhau. Truyền thuyết đầu tiên cho rằng, cứ vào mùa xuân, xung quanh hồ lại có một mùi hương thơm thoang thoảng, ngây ngất lòng người. Chính vì vậy mà người dân đã đặt cho hồ cái tên là Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, truyền thuyết thứ 2 cho rằng, Hồ Xuân Hương được đặt theo tên của một nữ thi sĩ người Việt vào thế kỉ 19 có tên là Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương là tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như Bánh trôi nước, cái kiếp tu hành, cái nợ chồng con,…. Hồ Xuân Hương ban đầu là một thung lũng rộng lớn, và có dòng suối Cam Ly chảy qua. Năm 1919, kỹ sư Lab-bê đã ngăn dòng suối này để nước tích tụ và tạo thành hồ. Sau đó, vào năm 1923, các kỹ sư người Pháp đã cho xây dựng một đập được xây dưới đáy hồ, nhưng bị vỡ sau một cơn bão vào năm 1932. Kỹ sư Trần Đăng Khoa sau đó đã cho xây dựng lại một đập mới bằng đá. Vào năm 1989, Hồ Xuân Hương đã được nhà nước ta công nhận là một trong những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ở Đà Lạt nổi tiếng, được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin du lịch Đà Lạt

Lâm Đồng 1540 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Hồ Tuyền Lâm Đà Lạt

Hồ Tuyền Lâm được hình thành từ những năm 1985 - 1986. Khi đó, UBND tỉnh Lâm Đồng và Huyện Đức Trọng thực hiện ra quân đắp đập để giữ nước của khu vực Suối Tía. Xung quanh của khu vực dòng chảy Suối Tía là các dãy núi bao quanh tạo thành lòng chảo, khi đắp đập giữ nước lại tạo thành Hồ Tuyền Lâm như ngày nay. Lúc ban đầu, mục đích chính của Hồ Tuyền Lâm là tích nước sử dụng chính cho công tác tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp của vùng hạ lưu - khu vực xã Hiệp An, Định An thuộc huyện Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 1998, khi Hồ Tuyền Lâm được Bộ Văn hoá Thể thao Và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Thắng cảnh quốc gia ngày 31/8/1998, khu vực Hồ Tuyền Lâm càng được quan tâm, chú trọng nhiều hơn, không chỉ phục vụ cho mục đích tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp mà còn được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương định hướng quy hoạch phát triển du lịch. Hồ Tuyền Lâm có diện tích 350ha; cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 6km về phía Nam. Khu vực Hồ Tuyền Lâm có khí hậu trong lành, không gian yên tĩnh, cảnh quan tự nhiên (rừng, núi, hồ, suối, thác,…) đa dạng, quyến rũ và có nhiều yếu tố nhân văn hấp dẫn, hứa hẹn trở thành khu du lịch có quy mô lớn với nhiều loại hình du lịch đặc sắc như: tham quan thắng cảnh, cắm trại, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, đi bộ, leo núi, câu cá, lễ hội - tín ngưỡng, vui chơi giải trí, thể thao,…đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lượt, với đặc diểm vị trí và địa hình khu vực Suối Tía (Hồ Tuyền Lâm ngày nay) và Núi Voi là căn cứ quan trọng nhất của phong trào cách mạng thành phố Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức. Khu căn cứ địa này có vai trò là nơi chỉ đạo các phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của quân và dân thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức, nơi dừng chân tập kết, huấn luyện các lực lượng vũ trang, các đội công tác của Tỉnh và quân khu, là bàn đạp để các lực lượng tấn công vào Đà Lạt và cơ động đánh địch ở các mặt trận trong tỉnh Tuyên Đức. Trong kháng chiến chống Mỹ ngoài cơ quan Thị ủy còn có các đơn vị đóng quân như Ban Kinh tài, bệnh xá, các Đội công tác phụ nữ, thanh niên học sinh, Đội công tác nội thị, Đội biệt động thị 850, 852, 860… và các cơ quan lãnh đạo, đơn vị tiền phương của tỉnh như Tỉnh Uỷ, Tỉnh Đội, hậu cần, Trạm hành lang, Đại đội 810 (sau thành Tiểu đoàn 810), Đội an ninh Tỉnh và lực lượng của Khu 6 như Tiểu đoàn 186, 145, 200C. Từ năm 1982 đến năm 1987, công ty Thuỷ lợi Lâm Đồng, được Bộ Thuỷ lợi đầu tư, xây dựng một đập nước dài 235m chắn ngang suối Tía tạo thành hồ Quang Trung, về sau đổi tên thành hồ Tuyền Lâm. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Công nhận Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là Khu du lịch quốc gia . Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm được UNESCO vinh danh là “Khu du lịch tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương” trong Chương trình diễn đàn “Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ”. Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm có tài nguyên du lịch phong phú bao gồm cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên rừng, khí hậu, các giá trị văn hóa, kiến trúc; kết cấu hạ tầng được đầu tư, tôn tạo cùng với các dự án đang tiếp tục triển khai đầu tư đã và đang phát huy giá trị, góp phần khẳng định vị trí Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm trên bản đồ du lịch Việt Nam với sự đa dạng các loại hình du lịch. Nguồn: Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm

Lâm Đồng 1304 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử ở Đà Lạt – Hồ Than Thở

Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6 km về phía đông, gần trường Võ Quốc gia Đà Lạt (hiện nay là Học viện Lục quân). Hồ nằm trên một đồi cao giữa rừng thông, mang lại không gian yên bình và tĩnh lặng. Phía bắc của hồ có một cặp cây thông gợi lên hình ảnh đôi tình nhân, gần thắng cảnh Đồi thông hai Mộ với truyền thuyết về một mối tình tan vỡ. Ban đầu, khu vực hồ Than Thở chỉ là một cái ao nhỏ, và được gọi là Tơnô Pang Đòng. Tuy nhiên, vào năm 1917, người Pháp đã xây dựng một cái hồ tại nơi đây để cung cấp nước sinh hoạt cho Đà Lạt. Người Pháp đã đặt tên hồ nước là Lac Des Soupirs (nghĩa là “hồ tiếng rì rào” trong tiếng Pháp). Tuy nhiên, sau này, hồ được ông Nguyễn Vỹ, chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt, đổi tên thành hồ Than Thở nhằm thể hiện sự thương xót với truyền thuyết về chuyện tình yêu lãng mạn giữa Hoàng Tùng và Mai nương vào những năm của thế kỷ 18 tại nơi đây. Hồ Than Thở đã trải qua không ít những thăng trầm trong lịch sử. Từ việc khai hoang núi rừng vào những năm 1980 – 1990, cho đến quá trình bảo tồn và phục hồi vào cuối năm 1990. Vào năm 1999, Hồ Than Thở đã được nhà nước ta công nhận và xếp hạng là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin du lịch Đà Lạt

Lâm Đồng 1250 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được thành lập vào ngày 3 tháng 9 năm 1976 theo quyết định của Bộ Giáo dục. Trường được bộ Giáo dục giao nhiệm vụ trở thành trung tâm đào tạo giáo viên cấp 2 cho tỉnh Lâm Đồng cũng như một số tỉnh lân cận. Ban đầu, trường có tên là Grand Lycée Yersin, được người Pháp xây dựng từ năm 1927 dành cho những công dân người Pháp và một số gia đình giàu có theo học. Tòa nhà chính của trường được thiết kế và xây dựng theo phong cách độc đáo và đã được công nhận bởi Hội Kiến trúc sư thế giới. Sau chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975, trường được chính quyền Việt Nam thu hồi và chuyển thành Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Hiện nay, các công trình của trường đã được sửa chữa và nâng cấp, với việc thay thế tấm ngói lợp mới. Điểm đặc biệt của trường nằm ở chiếc tháp chuông cao 54 mét và dãy nhà hình vòng cung độc đáo. Vào năm 2001, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử ở Đà Lạt được công nhận là di tích cấp quốc gia. Tháng 8 năm 2022, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã được sáp nhập với trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng và trường Cao đẳng nghề Đà Lạt, sau đó đổi tên thành trường Cao đẳng Đà Lạt theo quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nguồn: Cổng thông tin du lịch Đà Lạt

Lâm Đồng 1169 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Ga Đà Lạt

Ga Đà Lạt không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố Đà Lạt, mà còn là nơi ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam. Ga Đà Lạt nằm trên đường Quang Trung (phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), cũng là nhà ga xe lửa duy nhất của khu vực Tây Nguyên. Ga Đà Lạt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đô thị “xứ ngàn thông”, được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương. Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, nằm trong tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, kết nối thành phố cao nguyên với Phan Rang (Ninh Thuận). Tuyến đường sắt này dài 84km, độ chênh cao toàn tuyến là 1.500m, được khởi công từ năm 1908 theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Năm 1932, tuyến đường hoàn thành cũng là thời điểm xây dựng ga Đà Lạt. Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui, là một tuyến đường sắt đặc biệt bởi có 16km đường sắt răng cưa leo dốc, với độ dốc trung bình 12%. Khi ấy, đường sắt và đầu máy có bánh xe răng cưa chỉ có ở Thụy Sĩ và Việt Nam. Năm 1972, tuyến đường sắt này bị chiến tranh phá hủy. Năm 1975, đất nước thống nhất, tuyến này được khôi phục nhưng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn do hiệu quả kinh tế kém. Hệ thống đường ray, dấu vết đường sắt răng cưa bị tháo bỏ. Các nhà ga bị bỏ hoang. Nhà ga Đà Lạt được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron, với kiến trúc đậm tính bản địa. Cấu trúc công trình mạch lạc, khoa học song hình thức rất tinh tế. Công trình có bố cục đối xứng, với khối kiến trúc ở giữa mô phỏng 3 đỉnh của núi Langbiang và những mái nhà rông Tây Nguyên; hai bên là hai khối kiến trúc trải dài. Chính giữa công trình, bên ngoài, dưới mái có mặt đồng hồ to ghi lại thời gian bác sĩ Alexan drây Yersin phát hiện ra Đà Lạt. Ở khối giữa, phía trước có hai sảnh, một dành cho hành khách và một là sảnh hàng hóa. Giữa hai lối đi này là nơi chờ tàu. Khối kiến trúc giữa này chỉ có 1 tầng với không gian rộng và chiều cao lên tới mái. Về tổng thể, kiến trúc công trình hài hòa với thiên nhiên và là một điểm nhấn đô thị độc đáo. Ga Đà Lạt được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001. Hiện nay, nhà ga Đà Lạt đã bị tách khỏi hệ thống đường sắt quốc gia Việt Nam, nhưng vẫn là một điểm du lịch hấp dẫn. Nhà ga duy trì một đoàn tàu du lịch gồm 1 đầu máy và 4 toa đi - về tới ga Trại Mát (phường 11, thành phố Đà Lạt), nằm ở phía đông, cách Đà Lạt 7km, đi mất khoảng 25 phút. Trên cung đường này, du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh ngoại ô lãng mạn của thành phố. Ở điểm cuối là ga Trại Mát, du khách có thể tới tham quan chùa Linh Phước (còn gọi là chùa Ve Chai) - một ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo. Bên cạnh đó, ga Đà Lạt vẫn bán vé liên vận trên tuyến đường sắt Thống Nhất, đi từ ga Nha Trang (Khánh Hòa) và phục vụ xe ô tô trung chuyển Đà Lạt - Nha Trang. Cùng với các công trình nổi tiếng của Đà Lạt như: Nhà thờ Chính tòa, dinh Bảo Đại, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt..., ga Đà Lạt là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến thành phố Đà Lạt. Tại đây còn trưng bày đầu tàu hơi nước cổ và một quán cà phê nằm trong một toa tàu. Khung cảnh lãng mạn cùng kiến trúc cổ kính của nhà ga là nơi mà nhiều người tới “săn” những tấm ảnh đẹp Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Lâm Đồng 1451 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Linh Sơn

Chùa Linh Sơn nằm trên sườn ngọn đồi ở số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi, thuộc địa phận phường 2, TP Đà Lạt là một trong những ngôi chùa lớn và lâu đời ở thành phố Đà Lạt. Đây cũng là nơi đặt trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng. Chùa được xây năm 1938 theo đề nghị của bà Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại) với Giáo hộ Tăng già Trung Phần từ năm 1936, sau lần bà từ Đà Lạt trở về kinh đô Huế. Chùa Linh Sơn hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1940 do Hòa thượng Thích Trí Thủ trụ trì. Chùa mang tên một ngọn núi ở Ấn Độ, được nhiều lần trùng tu tôn tạo. Chùa Linh Sơn nằm trên ngọn đồi gần 4 ha, là quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Chùa Linh Sơn được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 4 ha theo những đặc trưng kiến trúc các quốc gia Á Đông hài hòa và giản dị, lối thiết kế nơi đây chịu ảnh hưởng từ kiến trúc của các ngôi chùa cổ ở Cố đô Huế. Trên đỉnh mái của chùa có đắp thêm phần đuôi rồng uốn lượn rất bay bổng. Tòa chính điện bố trí theo hình chữ đinh. Bậc cấp dẫn vào chánh điện có hai con rồng chầu ở hai bên. Đi qua cổng tam quan theo những bậc cấp vào chùa, xung quanh có những hàng cây sao, cây thông và bạch đàn cao vút. Gần đến sân chùa có hai bên là trụ gạch khảm những lời Phật dạy. Ở phía trước sân chùa là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng trên tòa sen. Phía bên trái sân chùa có một hồ nước với những hòn non bộ và cây cảnh rất tinh tế, phía bên phải là tòa bảo tháp gồm ba tầng hình bát giác và có mái ngói cao 4 mét. Ở giữa là tòa chính điện gồm hai căn nhà với hai bên bậc cấp là cặp rồng chầu tượng trưng Long thần bảo hộ độ trì Phật pháp. Bên trong chính điện chùa Linh Sơn bài trí nghiêm trang, tiền đường có bốn trụ gỗ lớn chạm khắc đôi câu đối bằng chữ Nho sơn son thếp vàng mang nặng ý nghĩa tâm linh: Chính giữa là ban thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa đài sen, ở trên có pho tượng đồng nặng 1,25 tấn và cao 1,7 mét, được đúc vào năm 1952, được khánh thành dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Phía bên trái của chính điện là nơi Tổ đường thờ Đạt Ma Sư Tổ, và đặt bài vị những sư thầy đã viên tịch hay những người đã khuất được thân nhân đưa lên chùa để linh hồn được thanh tịnh. Ở ngoài là chiếc trống lớn đường kính 0,75 mét. Bên phải chính điện có tượng Hộ pháp Di Đà và Ðại Hồng Chung nặng 450 kg treo trên khung bằng gỗ quý. Trong chùa Linh Sơn còn có phòng phát hành kinh bổn và nhà vãng sinh, là nơi quàn thi hài Phật tử mà gia quyến họ muốn cử hành tang lễ tại chùa. Ngoài ra, chùa Linh Sơn còn có một giảng đường khá lớn được xây dựng từ năm 1972 và hiện tại là trường cơ bản Phật học của tỉnh Lâm Ðồng. Nguồn: Giáo hội Phật Giáo tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng 1770 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, được chế độ cũ dựng lên với tên gọi mỹ miều: “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”. ở số 9A, Hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Di tích lịch sử cách mạng này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia vào ngày 22/6/2009. “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” được thành lập vào đầu năm 1971. Chế độ cũ dùng hình thức mị dân để đánh lừa công luận, che đậy âm mưu thâm độc nhằm cách ly, đàn áp, tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam. “Trung tâm” này thực chất chính là một nhà lao thiếu nhi, thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà tù đế quốc. Nhà lao đặc biệt này đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 - 17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam. Nhà lao được thiết kế thành một khối chữ nhật khép kín với tường đá bao quanh. Hai dãy nhà dọc hai bên chủ yếu là các phòng giam, xà lim; các dãy nhà ngang tạo hai khoảnh sân ở giữa để phục vụ các hoạt động của tù nhân khi ra ngoài phòng giam. Những khi được cho ra sân tắm nắng, các tù nhân chỉ được phép di chuyển giới hạn trong các ô nhỏ kẻ vạch trên sân tiếp giáp cửa ra vào của mỗi phòng giam. Phía trước là khối nhà chữ A bình thường, đó là các phòng làm việc của bộ máy quản lý nhà lao. Mọi hoạt động của tù nhân thiếu nhi đều khép kín phía sau, trong những bức tường đá kiên cố, với rất nhiều cuộn dây kẽm gai ken dày trên mái, chỉ giao tiếp với bên ngoài thông qua 2 lớp cửa kiên cố nhưng hầu như lúc nào cũng đóng kín. Qua 2 lớp cửa của khối nhà chữ A là khu vực sân cờ, cột cờ khi đó treo thường trực cờ của chính quyền Sài Gòn. Mỗi sáng đầu tuần, tất cả tù nhân thiếu nhi phải tập trung tại đây để chào cờ và hát quốc ca. Những ai chống đối, không chào cờ, không hát quốc ca sẽ bị tra tấn cho đến khi khuất phục. Nhà lao có 8 phòng giam, chia thành 2 khu: khu giam tù nhân nam có 6 phòng và khu giam tù nhân nữ có 2 phòng. Diện tích mỗi phòng khoảng 30 m2, thường giam từ 60 - 70 tù nhân, có phòng lúc cao điểm giam gần 100 tù nhân. Cuối hành lang hai khu phòng giam là các dãy xà lim biệt giam những chiến sỹ chống đối. Đặc biệt, có một hầm đá xây khuất sau hành lang xà lim, không có mái che mà chỉ có lưới kẽm gai chăng dày bên trên để địch thực hiện hình phạt phơi sương, phơi nắng tù nhân. Ngày 23/4/1971, chính quyền Sài Gòn đưa 126 tù thiếu nhi từ nhà tù Kho đạn (Đà Nẵng) vào giam tại Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, đánh dấu hoạt động chính thức của nhà lao này. Sau đó, tù thiếu nhi từ Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre… tiếp tục được chuyển về; đặc biệt cuối năm 1971, chính quyền Sài Gòn tập trung các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi giam cầm ở nhà lao Côn Đảo và nhà lao Chí Hòa về giam tại đây. Từ đây, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã tập hợp lực lượng nòng cốt, thành lập bộ phận chỉ huy thống nhất, đề ra các yêu sách cụ thể để tiến hành các biện pháp đấu tranh liên tục, bền bỉ, xuyên suốt quá trình tồn tại của nhà lao. Trong quá trình đấu tranh, dù còn nhỏ tuổi, các tù nhân thiếu nhi vẫn bị hành hạ, tra tấn dã man bằng nhiều hình thức: còng tréo, đánh bằng roi tết từ dây điện, dây kẽm gai, gậy hướng đạo, hay dùng bóng điện cao áp sáng nóng ấn vào mặt... Tại xà lim, giữa đêm Đà Lạt lạnh giá, nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, kẻ địch còn dội nước lạnh để hành hạ các tù nhân biệt giam. Các chiến sĩ nhỏ tuổi phải ngủ trên nền xi măng, san sẻ cho nhau từng hạt cơm, ngụm nước, chỗ nằm… Các chiến sĩ nhỏ tuổi cũng đã bảy lần tổ chức vượt ngục, thể hiện khát vọng tự do, mong muốn được trở về tiếp tục chiến đấu. Một sự kiện gây chấn động tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào tối ngày 23/01/1973 là các tù nhân thiếu nhi tổ chức tiêu diệt tên cai ngục Nguyễn Cương, kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc. Chính phong trào đấu tranh gan dạ, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ địch khi thành lập nhà lao này, buộc nó phải giải tán vào giữa năm 1973. Sau ngày thống nhất Tổ quốc năm 1975, các cựu tù nhà lao thiếu nhi Đà Lạt tản mạn về các địa phương, tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất trong lao tù, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, năm 2009, tập thể cựu tù nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 - 1973) nay trở thành một địa điểm tham quan đầy ý nghĩa của tỉnh Lâm Đồng. Đây chính là một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Nguồn: Bảo tàng Lâm Đồng

Lâm Đồng 2621 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật