Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Tiền Giang

Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc

Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú (thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) cách trung tâm TP Mỹ Tho khoảng 21km về hướng Tây. Là một địa danh được cả nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới biết đến, không phải là danh lam thắng cảnh, mà chính nơi đây đã diễn ra trận đánh vang dội. Trận đánh mà Mỹ - ngụy tập trung lực lượng tối đa, sử dụng phương tiện chiến tranh hiện đại với chiến thuật tân kỳ, với cố vấn Mỹ và các tên tay sai quyết chống phá cách mạng, nhằm nghiền nát Ấp Bắc và tiêu diệt quân chủ lực của cách mạng Miền Nam. Vào ngày 02/01/1963, với 200 tay súng, quân và dân Ấp Bắc đã đánh bại hơn 2.000 quân địch có máy bay, xe tăng, tàu chiến yểm trợ và cố vấn Mỹ chỉ huy, đã bẻ gãy 2 chiến thuật tân kỳ mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh đặc biệt là "trực thăng vận" và "thiết xa vận" báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. Sáng sớm ngày 02/01/1963, địch mở cuộc càn quét do Bộ Tư lệnh sư đoàn 7 và Chiến đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường đảm trách. Cuộc càn quét diễn ra trong phạm vi xã Tân Phú để bao vây diệt trung đội địa phương của ta mà chúng phát hiện được; lực lượng của ta chỉ có đại đội 1 tiểu đoàn 514 và đại đội 1 tiểu đoàn 261. Lúc 5 giờ sáng ngày 2/1/1963, địch chia làm 2 cánh quân tiến vào Ấp Bắc bị ta chặn đánh buộc chúng phải gọi tăng viện. Cùng thời gian này, trận địa công binh của ta dùng thủy lôi đánh chìm một tàu tại vàm Kinh 3 và bắn hỏng 2 chiếc khác. Đến 9g30 bọn chúng đã cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc; dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Bảy Đen, ta đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch có cả trực thăng và xe M113 yểm trợ. Đến chiều tối, sau nhiều đợt tấn công thất bại quân địch đã rút khỏi trận địa. Kết quả chúng đã thất bại thảm hại, với: 450 tên chết và bị thương, trong đó có 10 cố vấn Mỹ; 3 xe lội nước M 113 bị tiêu diệt; 8 máy bay trực thăng bị bắn rơi; 1 tàu chìm và 2 chiếc tàu khác bị hỏng. Hiện nay, Khu di tích là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên gần 3 ha bao gồm: nhà trưng bày, khu tái hiện hoạt động của quân và dân Ấp Bắc trong chiến đấu, tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép, khu trưng bày những chiến lợi phẩm sau trận đánh: xe bọc thép, máy bay lên thẳng, pháo 105 ly; khu mộ 3 chiến sĩ gang thép: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ); nhà quản trang, xen kẽ là vườn hoa lúc nào cũng khoe sắc và toả hương thơm ngát. Có lẽ ấn tượng nhất trong khuôn viên là tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép cao sừng sững, nặng 18 tấn: người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch, hình ảnh uy nghi của các anh như đưa chúng ta trở về cảnh súng nổ, bom rền hơn 50 năm về trước. Chiến thắng Ấp Bắc là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Tiền Giang và dân tộc ta. Đã nói lên ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân. Ngày 7/1/1993 di tích lịch sử Ấp Bắc đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1421 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Mộ và đền thờ Thủ Khoa Huân

Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân. Sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang. Con ông Nguyễn Hữu Cẩm một nông dân khá giả trong vùng. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, khẳng khái, học rất giỏi và rất chăm chỉ học tập. Năm 1852 (dưới triều vua Tự Đức), ông dự thi hương tại Gia Định, đậu thủ khoa (đứng đầu cử nhân). Sau đó ông được làm giáo thọ tức đốc học ở huyện Kiến Hưng tỉnh Định Tường. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (tháng 2/1859), ông bỏ chức giáo thọ, từ biệt gia đình tham gia kháng chiến, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc, ngược với chiến lược hòa mà thực chất là đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn. Tháng 4/1861 Pháp chiếm Mỹ Tho, ông cùng Thiên Hộ Dương phát động khởi nghĩa, hoạt động ở Tân An và lan rộng đến Mỹ Tho, rất ảnh hưởng đối với sĩ phu Nam Kỳ. Lúc đó Thiên Hộ Dương làm Chánh Quản Đạo, ông làm Phó. Cuối năm 1861 thấy được ảnh hưởng của ông, Pháp sai Tôn Thọ Tường dụ hàng nhưng không thành. Đầu năm 1862 bị giặt đánh úp, ông bị giặc bắt và giải về Sài Gòn. Pháp giao cho ông Đỗ Hữu Phương (tổng đốc Phương) đầu sỏ Việt Gian mua chuộc, ông từ chối và khôn khéo tìm cách trở lại hoạt động liên kết với Trương Định. Tháng 6/1863 giặc phát hiện căn cứ ông ở Thuộc Nhiêu (Cai Lậy) nên bao vây càn quét. Ông và Thiên Hộ Dương chạy thoát về An Giang xây dựng căn cứ Bảy Núi. Dựa vào điều ước Nhâm Tuất, chúng gửi tối hậu thư buộc quan tỉnh An Giang giao nộp Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương. Biết tin, Thiên Hộ Dương trốn thoát sau đó chuyển căn cứ về Đồng Tháp Mười còn Thủ Khoa Huân bị bắt giao nộp cho Pháp. Chúng khép ông vào tội chống lại nhà nước Lang Sa (Pháp) phản đối hiệp ước mà triều đình đã ký, kết án 10 năm khổ sai và đầy ra đảo Réunion. Sau 7 năm tù chúng ân xá và đưa ông về quản thúc tại nhà Đỗ Hữu Phương (Tổng đốc Phương). Đồng thời cử ông làm giáo thọ dạy bảo sinh đồ ở chợ Lớn với hy vọng lôi kéo ông về phía chúng, ông lợi dụng điều kiện dạy học liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín Hoa Kiều Trường Phát nhờ mua vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa. Trong khi công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa đang khẩn trương thì giặc Pháp nhờ bọn do thám đã bắt được thuyền trở vũ khí của nhóm Trường Phát, kế hoạch khởi nghĩa bị vỡ vì không có vũ khí. Trước tình hình đó ông đã ra lệnh bãi binh, trở về Mỹ Tho họp cùng Âu Dương Lân tiến hành khởi nghĩa. Địa bàn hoạt động chạy suốt từ Cai Lậy đến Mỹ Quý (Sa đéc). Trung tâm ngay vùng Bến Tranh đã gây tiếng vang trên toàn cõi Nam Kỳ. Để đối phó giặc sai Đốc phủ kiêm địa chủ Trần Bá Lộc từ Vĩnh Long đến Mỹ Tho đem quân đàn áp. Năm 1875 trong trận giao chiến với giặc bất lợi ông cùng với tùy tùng Đốc binh Hương lẻn về chợ Gạo dự định quá giang thuyền buôn ra Bình Thuận cầu viện. Nhưng Đốc binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn quân bắt Nguyễn Hữu Huân ở chợ Gạo ngày 15/5/1875, đem giam tại Mỹ Tho. Sau 4 ngày giam tại Mỹ Tho mọi mưu chước chiêu hàng đều không thành, giặc Pháp khép ông vào án tử hình. Ngày 19/5/1875 chúng cho tàu chở ông theo dòng sông Bảo Định về quê Mỹ Tịnh An để hành quyết (lúc 12 giờ trưa). Năm ấy ông 45 tuổi. Ngày 15/6/1987 di tích Mộ Thủ Khoa Huân được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1663 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Tứ Kiệt

Lăng Tứ Kiệt là tên gọi mộ và đền thờ của bốn vị anh hùng chống Pháp trong những năm 1868 – 1870, gồm: Nguyễn Thanh Long (Năm Long); Trần Công Thận (tự Phượng); Trương Văn Rộng và Ngô Tấn Đước (Đức) đã lãnh đạo nhân dân và nghĩa quân Cai Lậy - Cái Bè đứng lên chống Pháp xâm lược trong những thập niên cuối của thế kỷ 19. Lăng tọa lạc trên đường 30 tháng 4, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Sau khi Bốn ông hy sinh, nhân dân lập mộ và đền thờ tại Thị trấn Cai Lậy và để tỏ lòng tôn kính nhân dân gọi là Lăng Tứ Kiệt. Theo lời truyền của dân gian, bốn ông đều là những người nổi tiếng can đảm, mưu lược và võ nghệ cao cường. Vốn có lòng yêu nước nồng nàn, khi giặc Pháp xâm lược tỉnh Định Tường (1861), bốn ông đã tham gia lực lượng nghĩa quân do Thiên Hộ Dương lãnh đạo. Cùng với những nghĩa quân khác, bốn ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở vùng Ba Giồng, Chợ Gạo, Mỹ Tho…trong quá trình chiến đấu, bốn ông đã lập được nhiều chiến công vang dội. Năm 1868 khi cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương bị thất bại, bốn ông trở về Cai Lậy chiêu tập nghĩa sĩ, chọn vùng Cái Bè - Cai Lậy làm địa bàn tiếp tục chống Pháp. Chiến công hiển hách nhất của quân Tứ Kiệt là trận tấn công thành Mỹ Tho và thiêu hủy đồn Cai Lậy. Sau hai năm hoạt động gây cho giặc nhiều thiệt hại, cuộc khởi nghĩa của Tứ Kiệt đành chịu thất bại trước sự bao vây và đàn áp tổng lực của quân viễn chinh Pháp. Bốn ông bị bắt, bọn chúng đem vinh hoa phú quí ra dụ dỗ các ông trong nhiều ngày nhưng không thành. Ngày 14/02/1871 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Canh Ngọ), giặc đưa Bốn ông ra pháp trường trảm huyết, dã man hơn chúng còn bêu đầu bốn ông ở chợ Cai Lậy, nhằm uy hiếp tinh thần của dân chúng, sau đó dùi dập ở bến sông cạnh chợ. Cảm phục cuộc đời và tấm gương chiến đấu oanh liệt, bất khuất của bốn ông, nhân dân Cai Lậy đã đấp nên mộ đất, xung quanh có làm hàng rào bằng gỗ, hương khói trang nghiêm. Ở làng Mỹ Trang gần đó, ông Nhiêu học Đặng Văn Ngưu cho dựng trước nhà một ngôi miếu thờ ngay khu đất giặc bêu đầu bốn ông. Ngôi miếu lợp ngói âm dương và để che mắt chính quyền thực dân, người ta gọi đó là chùa Ông (vì phía trước lập bàn thờ Quan Công tượng trưng cho trung nghĩa), còn phía sau lập bài vị khắc 4 chữ Tứ vị thần hồn, sơn son thiếp vàng rực rỡ thờ Tứ Kiệt. Trận bão năm Giáp Thìn ( 1904 ) làm ngôi miếu đổ sập. Ông Nhiêu dời ngôi miếu về làng Thanh Sơn (trước thuộc xã Thanh Hòa nay là thị trấn Cai Lậy). Hiện ngôi miếu tọa lạc tại khu phố 1, thị trấn Cai Lậy, cách Lăng Tứ Kiệt hơn trăm mét. Đến năm 1967, nhân dân Cai Lậy tiến hành trùng tu ngôi miếu và khu mộ Bốn ông qui mô hơn, trong có miếu thờ, ngoài có nhà khách. Năm 1999, Lăng mộ của bốn ông được tỉnh Tiền Giang trùng tu với quy mô lớn, trông rất khang trang và cổ kính như hiện nay. Hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân Cai Lậy tụ tập đông đúc về đây tảo mộ và làm giỗ rất trang trọng, thành kính tưởng nhớ đến Bốn ông vì nước quên mình vì dân giết giặc, nêu tấm gương sáng ngời cho hậu thế. Ngày 13/9/1999 di tích Lăng Tứ Kiệt được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1509 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng từ đầu 19 và tu bổ vào năm 1849 theo dạng chữ "Quốc" của Hán tự, gồm 4 gian: tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu nối tiếp nhau. Chùa có phong cách kiến trúc kết hợp Á – Âu, phần chánh điện thể hiện một stupa, hai chái có chóp nên chùa giống như 5 ngọn tháp, tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) theo quan niệm của phương Đông, có dáng dấp giống như một ngôi đền Ăngco của Campuchia. Nét độc đáo của chùa là nghệ thuật ghép các mảnh sành sứ tạo nên những bức tranh nghệ thuật hài hòa, minh họa sự tích nhà Phật tại hai cổng Tam Quan. Cấu trúc bên trong chùa có 178 cột, 2 sân thiên tĩnh và 5 lớp nhà chùa. Chùa có 7 bộ bao lam chính (cùng nhiều bao lam phụ) được thếp vàng, chạm hình Bát tiên cưỡi thú, thần Mặt trời và thần Mặt trăng do các nghệ nhân địa phương chạm trổ công phu vào khoảng năm 1907-1908. Trong chùa có khoảng 60 tượng quý được tạo tác bằng đồng, gỗ và đất nung được thếp vàng rực rỡ. Bộ tượng cổ nhất ở chùa Vĩnh Tràng là bộ Tam Tôn cổ (Di đà, Quan âm, Thế chi, cao 93cm) bằng đồng to bằng người thật. Tượng Ngọc hoàng cùng phong cách với tượng Già lam, Đạt ma ở chùa Bửu Lâm cũng bằng đồng to bằng người thật. Khác với thông lệ xưa nay, Ngọc hoàng ở đây không có Nam tào, Bắc đẩu cầm sổ sinh tử đứng đầu hai bên mà thay vào đó là ông Thiện, ông Ác. Hai bên tường chánh điện là bàn thờ Thập điện Minh vương Bồ tát. Đặc biệt, nổi bật hơn cả và có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng Thập bát La Hán được tạc bằng gỗ mít có một không hai của vùng đồng bằng sông Cửu Long do các nghệ nhân tạc vào năm 1907. Đây là bộ tượng được chạm khắc theo mô thức cảm hứng dân gian nên rất sinh động, uyển chuyển và phóng khoáng. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thú; tay cầm bửu bối riêng của mình tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà Phật gọi là lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; ở 3 thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Trong chùa có chiếc Đại Hồng Chung cao 1,2m; nặng khoảng 150kg được đúc bằng đồng vào giữa tháng 5 năm 1854; thân chuông có khắc chữ "Vĩnh Trường tự" tiếng chuông làm tăng thêm sự trầm mặc, u tịch của ngôi chùa. Cũng tại đây, chúng ta sẽ bắt gặp những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt Pháp, gạch men Nhật Bản,…chữ Hán viết theo lối chữ Triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích. Phía trước chùa là công viên Vĩnh Tràng, với tượng Phật A Di Đà cao hơn 24m (bệ 6m, tượng 18m) đứng sừng sững trong hoa viên rộng rãi có nhiều cây kiểng đẹp mắt do Điêu khắc gia Thụy Lam và Châu Viết Thạnh xây dựng, khởi công nhằm ngày rằm tháng Giêng và hoàn tất vào mùng 8 tháng Chạp năm Đinh Hợi (năm 2007). Bên trái Chánh điện là Tôn tượng Đức Phật Di Lặc được tôn trí ngồi giữa công viên. Tượng cao 16m, nặng khoảng 250 tấn; mặt bằng phía dưới tượng Phật được bố trí một lầu và tầng trệt, không gian rộng thoáng; đèn chiếu sáng và đèn trang trí được thiết kế rất thiền vị,… do điêu khắc gia Thụy Lam thực hiện. Phía sau chùa là Tôn tượng Phật Thích ca nhập niết bàn dài 35m. Chùa Vĩnh Tràng không chỉ có ý nghĩa tôn giáo và giá trị kiến trúc - nghệ thuật, chùa còn là nơi che giấu nhiều nhà yêu nước; cung cấp hậu cần cho phong trào cách mạng góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc. Chùa Vĩnh Tràng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1984. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1503 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích khảo cổ Gò Thành

Di tích Gò Thành thuộc nền văn hóa Óc Eo, tọa lạc tại ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Tên gọi Gò Thành xuất hiện khi những người Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất này thấy trên gò có nhiều gạch, cho đó là vết tích của một thành xưa nên đặt tên là Gò Thành, với mục đích đánh dấu một vị trí trong khu vực quần cư. Vào năm 1941, Malleret một nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra nơi này, đến năm 1979 một số cán bộ Bảo tàng Tiền Giang đã đến đây khảo sát. Đến tháng 7/1987 một cuộc điều tra khảo cổ học mới chính thức được tiến hành và đã đi đến kết luận: di tích khảo cổ Gò Thành thuộc nền văn hoá Óc Eo. Theo tiếng Khơme có nghĩa là "vùng sáng", "điểm sáng" là tên gọi từ xa xưa của vùng Ba Thê - núi Sập (nay là xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Năm 1941, sau khi Malleret phát hiện ra nơi này, ông đã thu thập một số hiện vật và cho công bố ở Pháp. Nền văn hóa này được lấy tên theo địa danh nơi phát hiện, nên được gọi là "Văn hóa Óc Eo". Trong 2 năm 1988 - 1989, Bảo tàng Tiền Giang đã kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học đã tiến hành 2 mùa khai quật, khảo sát tại di tích này. Các nhà khảo cổ đã phân tích một số mẫu vật nơi đây bằng phương pháp C14 (Cacbon - 14), kết luận khu di tích khảo cổ Gò Thành có niên đại từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8 sau Công nguyên. Đây là một khu di tích đặc biệt vì nơi đây còn lưu giữ khá nguyên vẹn và phong phú với 3 loại di chỉ khác nhau: là di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc và di chỉ mộ táng. Nhất là di chỉ kiến trúc với nhiều đền tháp ở cạnh nhau có quy mô khác nhau, rất hoành tráng, tuy chỉ còn phần nền. Qua thư tịch cổ cho thấy văn hoá Óc Eo chính là văn hoá của vương quốc Phù Nam. Thời đó, Phù Nam là vương quốc vào loại hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á, có những thương cảng lớn, giao lưu hàng hoá với nhiều nước trên thế giới. Xã hội Phù Nam gồm chủ yếu là các giai tầng: nông dân, thương nhân, thị tộc và tăng lữ. Đặc biệt, nơi đây có nhiều hiện vật rất đa dạng, biểu thị cho nền văn minh của một quốc gia cổ, không chỉ có ở phía Đông và Tây Nam bộ của Việt Nam mà trải dài đến cả miền đông Campuchia và một phần duyên hải Thái Lan. Sau các đợt khai quật, trùng tu và tôn tạo di tích, các nhà khảo cổ đã nhận thấy: Chính giữa các đền tháp là những hố thờ dạng giếng hình vuông với nhiều kiểu dáng khác nhau, có độ sâu từ 1,5 đến 3 mét. Phía đáy hố thi thoảng có các mảnh vàng hình vuông hoặc hình tròn cắt hình cánh sen, có khắc hình các con vật chủ yếu là hình voi, một ít tro, các thanh gỗ hình vuông cạnh khoảng 40 cm được chồng lên nhau theo hình vuông, các lớp cát vàng và các lớp cuội xen kẽ. Nền tháp được xây dựng kiên cố với những lớp gạch có kích thước đa dạng. Các nhà khảo cổ đã phát hiện 271 di vật bằng vàng, đồng, đá, đất nung mang nét đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Óc Eo. Bên trong nhà trưng bày hiện vật, có 1 tượng thần Vishnu còn nguyên dạng, 1 tượng nữ thần và 1 tượng nam thần đều chỉ còn phần thân; 1 mảnh đá nhỏ có minh văn Phạn ngữ (chữ Phạn cổ) còn rất ít nét; có cả mô hình sinh thực khí nam, nữ, biểu trưng cho nguồn gốc phát triển nhân loại; 2 hạt đá quý màu tím xanh và trắng trong. Ngoài ra, còn có nhiều mảnh vòi bình, nhiều gốm thô, mịn có tô màu đỏ hoặc nâu có hoa văn trang trí, vài lá đề bằng gốm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích khảo cổ Gò Thành là "Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia" vào ngày 12/12/1994. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1236 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình trung Đồng Thạnh

Đình Đồng Thạnh là một trong những ngôi đình có lịch sử lâu đời và quy mô xây dựng lớn tại Nam bộ. Với lối kiến trúc độc đáo, năm 2009 đình Đồng Thạnh được công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Di tích đình Đồng Thạnh tọa lạc ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, tỉnh Tiền Giang. Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, là một minh chứng cho quá trình khẩn hoang lập ấp của cư dân vùng Gò Công. Theo tư liệu của Bảo tàng Tiền Giang, đình Đồng Thạnh khi mới xây dựng có quy mô nhỏ, bằng tranh và tre lá; về sau, do cuộc sống của nhân dân trong vùng khá giả nhờ ruộng đất phì nhiêu và liên tục trúng mùa đã góp tiền xây dựng lại đình bằng gỗ, lợp mái ngói, gồm võ ca, chánh điện và nhà khách, kéo dài từ năm 1900 đến 1914 mới hoàn thành. Khoảng thời gian 1960 - 1963, phong trào Đồng khởi ở miền Nam diễn ra rất mạnh, đình Đồng Thạnh cũng là nơi diễn ra phong trào Đồng khởi. Tuy nhiên, trong phong trào này, đình Đồng Thạnh đã bị đốt cháy phần chánh điện, vách gỗ và mái ngói. Đến năm 1970, nhân dân địa phương và Hội đình lúc bấy giờ đứng ra quyên góp tiền của xây lại chánh điện như ngày nay. Theo các vị cao niên trong vùng, đình Đồng Thạnh thờ Đại Càn tứ vị Nương vương (thờ bốn vị thần phù hộ người đi biển) và thờ Thần Nông. Ngoài ra, nhân dân còn thờ những người có nhiều công đức trong làng, xã. Mỗi lệ cúng đình vào ngày 16 ngày 17 tháng 3 và 16 tháng 11 âm lịch, người dân đến cúng đông đúc, nhộn nhịp. Về giá trị nghệ thuật - kiến trúc, đình Đồng Thạnh đã trải qua hơn 1 thế kỷ với nhiều biến cố chiến tranh và thiên tai tàn phá, nhưng vẫn tồn tại và để lại nhiều dấu ấn về kiến trúc xây dựng đình chùa Nam bộ. Đây là một trong những ngôi đình có lịch sử lâu đời và quy mô xây dựng lớn tại Nam bộ. Đình có diện tích xây dựng 787 m2, theo lối kiến trúc chữ Tam, bao gồm: Võ ca (nơi hát bội vào dịp Kỳ Yên), chánh tẩm (nơi thờ thần) và nhà khách (nơi dân làng đến bàn việc) nối liền nhau. Nét đặc sắc của ngôi đình này là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn, tranh đắp nổi trên tường và tượng gốm trang trí cả trong và bên ngoài đình. Đặc biệt là những hoa văn chạm trổ công phu, họa tiết trang trí ở đình được hình tượng hóa qua tứ linh, tứ quý, bát tiên, cá hóa long, các loại trái cây, sản vật ở địa phương; các biểu tượng hàm ý sự giàu sang, phú quý, mong cho hạnh phúc tràn đầy, mưa thuận, gió hòa... Trong đó, nhà võ ca là một công trình kiến trúc gỗ khá lớn, được kết cấu theo kiểu nhà rường. Trên con lươn bờ nóc võ ca có trang trí rồng được tạo hình bằng những mảnh sứ, mảnh gốm ghép lại. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1195 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Dinh Đốc phủ Hải

Nhà Đốc Phủ Hải hay là dinh Đốc Phủ Hải tọa lạc ở phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang là một ngôi nhà cổ có lối kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông – Tây độc đáo. Mặc dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi nhà được bà Trần Thị Sanh (một gia đình Đốc phủ giàu có) xây dựng năm 1890. Bà Trần Thị Sanh là con của Bá hộ Trần Văn Đồ, là vợ của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Công Định và là cháu của Từ Dũ Thái Hậu (mẹ vua Tự Đức). Nhà được xây cất theo dạng chữ Đinh (lúc ban đầu), qua nhiều lần tu bổ và xây dựng, toàn bộ ngôi nhà ngày nay gồm ba phần: nhà chánh, hai nhà vuông-nơi ở của những người giúp việc và lẫm lúa (kho thóc của địa chủ). Mặt tiền sảnh của nhà cổ mang đậm phong cách Tây Âu với những vòm cửa hình vòng cung, chạm khắc hoa văn nổi. Trái ngược với tiền sảnh xây bằng gạch kiểu phương Tây, bên trong công trình lại là những cấu trúc gỗ đậm nét truyền thống. Nhà chính gồm ba gian hai chái lợp ngói âm dương, gồm 36 cây cột, trong đó gỗ có 30 cột làm từ gỗ quý. Nối các khoảng cột với nhau là các bộ bao lam bằng gỗ chạm hai mặt thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quí, bát bửu… rất tinh xảo. Trong nhà còn có các đồ dùng quý như tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18. Nổi bật là giường Thất Bảo lát những tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau, chân chạm nổi hoa lá, khảm xà cừ và hai bộ đi văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen. Đặc biệt các bức tranh vẽ trên kính, hai bộ tranh hạt cườm bằng nhung đỏ, 8 tấm thêu mai-lan-cúc-trước, xuân-hạ-thu-đông. Ngoài những điểm độc đáo trong kiến trúc xây dựng thì nhà cổ Đốc Phú Hải được nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu đó là những câu chuyện xoay quanh ngôi nhà. Theo nhiều tư liệu thì ngôi nhà gắn liền với cuộc đời của bà Trần Thị Sanh, vợ thứ của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định anh hùng dân tộc. Gia đình bà Sanh là một gia đình giàu có bậc nhất tại Gò Công đã có những cống hiến trong công cuộc mở cõi, giữ đất phương Nam. Năm 1864, Trương Định tuẫn tiết, bà Sanh vào chùa quy y và giao quyền trông nom, quán xuyến ngôi nhà cho Dương Thị Hương (con riêng của bà) và rể là Tri huyện Trường Bình, nên thường gọi là nhà Bà Huyện. Vào khoảng 1880-1885, Tri huyện Trường Bình chán cảnh quan trường về trí sĩ, nên cho tôn tạo lại ngôi nhà này khang trang, thoáng mát để dưỡng già. Khi ông bà qua đời, ngôi nhà này tiếp tục để cho con gái là Huỳnh Thị Diệu và chồng là Nguyễn Văn Hải làm chức Đốc phủ sứ, nên có tên là nhà Đốc phủ Hải. Cuối thế kỷ trước (1895-1900), Nguyễn Văn Hải có chút tân học ở Pháp nên đã xây dựng thêm tiền sảnh theo kiểu “roman” và xây hai nhà vuông hai bên để người làm cùng ở. Đến năm 1909-1917, ngôi nhà được tu bổ thêm, xây tường rào sắt tây ba mặt và phần sau xây lẫm lúa to lớn. Nhà Đốc Phủ Hải đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1994. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1216 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Hoàng Gia

Lăng Hoàng gia được xây dựng năm 1826, gồm lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng, là ông ngoại Vua Tự Đức, thân sinh bà Thái hậu Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị. Vào cuối thế kỷ thứ 16, ông Phạm Đăng Long theo cha vào vùng Gò Công. Lúc ông đến Gò Rùa (Sơn Quy), thấy thế đất rất đẹp nhưng toàn vùng Gò Công lúc bấy giờ không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở Gò Sơn Quy, nên quy tập mồ mả 3 đời về đây và xây nhà ở gò đất này. Ông Phạm Đăng Hưng là con thứ 3 của ông Phạm Đăng Long, sinh ra tại Gò Sơn Quy, vào năm 1764 (nay là ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, Thị Xã Gò Công – tỉnh Tiền Giang). Ông là người thông minh, văn võ song toàn. Năm 1784, lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, được triều đình bổ làm Lễ sinh ở Phủ, sau đó được thăng Lại bộ Tham tri. Đến năm 1824 được sắc phong Lễ bộ Thượng thư, năm 1825 ông được giao phó giữ kinh thành Huế. Mùa hạ năm 1825, Phạm Đăng Hưng thọ bệnh và mất, linh cữu được đưa về quê hương, an táng tại Gò Sơn Quy. Năm 1849, ông được vua Tự Đức truy phong Tước Đức Quốc công. Ông có 4 người con làm quan to trong triều Nguyễn. Vua Minh Mạng kết thông gia gả công chúa cho con trai ông là Phạm Đăng Thuật và phong chức Phò mã Đô úy. Vua Minh Mạng cũng cưới con gái của ông là Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ) cho Hoàng tử Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị. Lăng được xây dựng do ông Phạm Đăng Tá, con trai trưởng của Phạm Đăng Hưng xây dựng trên phần đất rộng 3.000 m2, ngay trên nền nhà cũ của dòng họ Phạm Đăng. Các nghệ nhân tài hoa bậc nhất chuyên xây dựng lăng tẩm, cung đình từ Huế được đưa vào cùng với nghệ nhân địa phương xây dựng nên công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách cung đình. Năm 1849, khi vua Tự Đức truy phong Phạm Đăng Hưng lên tước Đức Quốc công đã cho trùng tu, mở rộng nhà thờ, xây thêm tam cấp, cổng tam quan, ban thần vị theo nghi thức cung đình. Vào từ đường, chúng ta thấy nơi chính vị thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng; bên trái thờ Phước An hầu Phạm Đăng Long, là cha của Phạm Đăng Hưng; bên phải thờ Bình Thạnh bá Phạm Đăng Dinh; căn chót bên trái thờ Mỵ Khánh tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng và bên phải thờ Thiềm sự phủ Phạm Đăng Khoa, là ông sơ Phạm Đăng Hưng. Mộ Phạm Đăng Hưng táng trên gò cao có hình dáng mai rùa. Mộ xây theo kiểu dáng đỉnh trụ hình bát giác, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen. Mặt sau mộ, xây bình phong hình bán nguyệt, trên có chạm 4 con rồng, dưới có 5 con kỳ lân. Ngũ đại thành xương - Tường lân ống hiện, (Năm đời danh giá tốt đẹp - Điềm lành kỳ lân hiện ra ). Vòng quanh mộ ông có một số phù điêu trang trí như búp sen, cá hóa long… Vào năm 1888, vua Thành Thái lên ngôi, chuẩn bị vào viếng lăng nên cho trùng tu. Năm Khải Định 1921 lăng được trùng tu một lần nữa và đến năm 1998 ngôi nhà thờ được đại trùng tu, phần nào trả lại những nét kiến trúc đặc biệt dành cho Hoàng tộc tại xứ Gò nổi tiếng. Ngày 2/12/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Khu lăng mộ Hoàng gia là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1173 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Trương Định

Trương Định (Trương Công Định) sinh năm 1820, người xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, nay thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trương Định là con của quan Thuỷ Vệ Uý Trương Cầm, tỉnh Gia Định. Năm 1844 Trương Định theo cha vào Nam và cưới vợ là bà Lê Thị Thưởng con một nhà hào phú ở làng Tân Phước, huyện Tân Hoà, khi cha mất Trương Định ở luôn quê vợ Tân Hoà. Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thi hành, ông đem hết tài sản đi chiêu mộ dân nghèo vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi vào khai hoang lập đồn điền ở Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông ngày nay và được bổ chức Phó Quản Cơ của đồn điền. Trong thời gian khẩn hoang Trương Định đã gặp và cưới bà Trần Thị Sanh là anh em con cô con cậu với bà Từ Dũ Thái Hậu (mẹ vua Tự Đức). Tháng 4/1861, thực dân Pháp chiếm thành Định Tường, Tháng 11/1861 chiếm thành Biên Hòa và đến tháng 3/1862, giặc Pháp tấn công chiếm thành Vĩnh Long. Triều đình ký hòa ước "Nhâm tuất" vào ngày 5/6/1862 cắt 3 tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp. Tiếp đó, triều đình ra lệnh cho Trương Định bãi binh, phong làm Lãnh binh An Hà, buộc phải bãi binh ở Tân Hoà và gấp rút nhận chức mới ở An Giang. Nhưng lòng dân và nghĩa quân không chịu, trong lúc đang lưỡng lự giữa ý dân và lệnh vua chưa biết ngã về đâu thì Ông nhận được thư của nghĩa hào huyện Tân Long (Chợ Lớn), tỏ ý muốn cử Ông làm chủ soái 3 tỉnh để giết giặc. Cảm kích sự tính nhiệm của những người yêu nước và nhân dân, Ông đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu "Bình Tây Đại Nguyên Soái" do nhân dân phong, tiếp tục cuộc chiến đấu chống giặc Pháp. Ngày 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám lá tối trời, truy kích Ông và nghĩa quân. Ông rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Gò Công và chọn Lý Nhơn, một vị trí nằm giữa vùng đất phù sa có rừng dừa nước che kín giáp ranh Biên Hoà (nay là TP Hồ Chí Minh) làm phòng tuyến mới . Cuối tháng 9/1863 giặc mở cuộc bao vây đánh úp căn cứ nầy. Thoát được cuộc bố ráp truy kích của giặc ở Lý Nhơn, Trương Định trở về Đám lá tối trời, một mặt Ông xây dựng lại lực lượng và kêu gọi các sĩ phu yêu nước hãy đứng lên góp công góp sức, hiến kế đánh giặc, đó là hịch tháng 8/1864. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Ông khắp nơi một làn sóng kháng chiến lại nổi lên ở Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, Chợ lớn và vùng giáp ranh Biên Hoà làm cho giặc Pháp hoang mang và càng ra sức truy tìm để diệt Ông. Đêm 19/8/1864, dò biết nơi ở của Trương Định, tên phản bội Huỳnh Công Tấn cho quân bao vây đột nhập vào nhà. Trương Định và những nghĩa quân của ông chiến đấu chống trả quyết liệt, diệt được một số quân địch, nhưng lại bị thương nặng, biết mình không sống được và quyết không để rơi vào tay giặc, Ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng, năm ấy ông tròn 44 tuổi. Sau khi Trương Định mất vào ngày 20/8/1864, bà Trần Thị Sanh là người vợ thứ của Trương Định và nhân dân mang Ông về an táng rất trọng thể, tại một địa điểm nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964, ngôi mộ và đền thờ Ông được tu bổ khang trang và giữ nguyên dáng dấp đến ngày nay. Ngoài mộ và đền thờ tại thị xã Gò Công, nhân dân còn lập một đền thờ tại xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông, nơi được gọi là "Đám lá tối trời" mà Trương Định và nghĩa quân từng làm căn cứ chống Pháp để thờ Ông. Di tích mộ và đền thờ Trương Định ở thị xã Gò Công được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 30/8/1987. Còn đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2004. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1312 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chiến lũy Pháo Đài của Trương Định

Di tích Lũy Pháo Đài thuộc ấp Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), đây là di tích lịch sử dân tộc được xếp hạng cấp quốc gia năm 1987. Theo tư liệu của Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang), Di tích Lũy Pháo Đài có lịch sử như sau: Để bảo vệ Cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1834), Triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây Đồn Từ Linh, chu vi 60 trượng (378m), cao 5 thước 5 tấc (2,57 m), mở hai cửa. Năm Thiệu Trị thứ 3 và thứ 7 (1834 - 1847) được sửa chữa lại. Sau khi thành Định Tường thất thủ, tháng 4/1861, Trương Định về Tân Hòa xây dựng căn cứ kháng Pháp. Đồn Từ Linh được sử dụng làm chiến lũy, gọi là chiến lũy Pháo Đài, có trang bị súng thần công loại lớn (vị trí đặt khẩu thần công trước kia nằm tận ngoài giữa hai hướng cửa thành Tây và Tây Bắc cạnh đầu bờ sông Cửa Tiểu và rạch Đồn chừng 60m). Lũy Pháo Đài xung quanh là thành đất đắp cao, dày có 6 cạnh cân đối khá đều nhau, thành hình lục lăng (lục giác), trên thành đất trồng me, chính giữa có cây trôm to và giếng nước. Theo hướng Đông-Nam, Pháo Đài có một gò tròn cao 21m tên Thổ Sơn, được xem là đài quan sát của nghĩa quân. Bên ngoài thành lũy có rừng kè, đước, dừa nước, bần bao bọc; dưới lòng sông, để bảo vệ cửa sông và ngăn chặn tàu chiến của địch có ủi bãi xung phong lên bờ. Ngoài ra, để làm tàu địch giảm tốc độ và làm bia cho những khẩu thần công để đẩy địch dạt sang bờ Trại Cá cho nghĩa quân tiêu diệt, Trương Định đã đổ đá hàn một đoạn theo chiều rộng của sông Cửa Tiểu trước chiến lũy về hướng Tây gọi là Đập Đá Hàn. Đập này ngày nay vẫn còn và đã được đánh dấu để tàu bè ra vào không vướng. Chiến lũy Pháo Đài đã cùng nghĩa quân trấn giữ một cửa biển quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1987, Lũy Pháo Đài được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2000, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành xây dựng nhà bia Di tích Lũy Pháo đài. Nhà bia có kiến trúc đẹp, thoáng mát và trang nghiêm, với chiều cao 9,4 m, rộng 8,4 m, mái ngói, cột bê tông, nền tôn cao 2m so với mặt đất và đã tiến hành phục chế 2 súng thần công. Trong quá trình thi công làm đường vào Khu di tích Lũy Pháo Đài, xe Kobe đã đào lên 2 viên gạch lạ ở độ sâu khoảng 1,4 m, hướng Đông (quay ra biển), dưới chân đồn lũy và tặng cho Bảo tàng Tiền Giang. Qua khảo sát trực tiếp tại thực địa, Bảo tàng Tiền Giang phát hiện thêm 4 viên gạch thẻ khá to nằm lẫn trong đất, đều bị gãy, hình dạng khác nhau, nhưng đặc biệt trên đầu mỗi viên gạch đều có chữ khắc chìm: Giáp tam, giáp ngũ, giáp bát, giáp cửu. Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Phú Đông cho biết: Di tích Lũy Pháo Đài được đưa vào tuyến tham quan truyền thống với các cụm di tích quốc gia khác ở khu vực Gò Công như: Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Nhà Đốc Phủ Hải, Đám lá tối trời... Di tích này không chỉ là điểm tham quan mà còn trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ về quá trình dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông. Hiện nay, Lũy Pháo Đài đang được trùng tu, xây mới các hạng mục như: Hệ thống hàng rào bảo vệ, lối đi và đường đi vào khu di tích. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang 1594 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút

Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút gắn liền với chiến công hiển hách của dân tộc ta chống quân Xiêm (1785), diễn ra trên đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút là bằng chứng khẳng định cho tài thao lược của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và sức mạnh của phong trào Tây Sơn - phong trào nông dân đảm nhận sứ mạng bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Nửa sau thế kỷ 18, trong bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Năm 1771, vua Xiêm (Thái Lan) Chakki 1 cử 5 vạn quân, gồm 3 vạn bộ binh và 2 vạn thủy binh sang xâm lược nước ta. Đêm ngày 19 rạng sáng ngày 20/01/1785, từ Trà Tân - cách Rạch Gầm khoảng 15km về phía thượng nguồn, quân Xiêm dưới sự chỉ huy của Chiêu Tăng với 300 chiến thuyền, xuôi dòng tấn công vào Mỹ Tho. Vừa qua khỏi Rạch Gầm, toàn bộ chiến thuyền Xiêm bị lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn. Nguyễn Huệ trực tiếp đốc chiến… Mọi cố gắng chống cự của giặc đều bị đập tan, các chiến thuyền bị đánh chìm hoặc bốc cháy. Kết quả, gần 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn bị tiêu diệt, hơn 300 chiến thuyền Xiêm bị nhấn chìm, tàn quân giặc phải liều chết mở đường máu mới thoát được thân, chạy bộ qua Chân Lạp. Di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút hiện nay là các công trình được xây dựng trên địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử năm xưa, gồm các hạng mục: cổng, tường rào, tượng đài (phòng trưng bày số 1), phòng trưng bày số 2 và nhà cổ Nam bộ (phòng trưng bày số 3). Cổng: rộng 4,1m, cao 6,61m, trên trụ cổng và tường rào bao bọc chung quanh di tích được làm theo dạng hình thuyền. Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút: bằng đồng, nặng 20 tấn cao 8m, đứng trên bệ tượng bê tông cao 10m. Phòng trưng bày số 1: nằm ngay phía dưới tượng đồng, xây dựng theo hình thuyền chiến, có diện tích 135m2. Mặt tường ngoài trang trí dãy phù điêu bằng đồng có chiều rộng 0,8m, nặng 6 tấn, với hoa văn, họa tiết chim lạc, hình người cầm khiên chiến đấu (được lấy nguyên mẫu từ Trống đồng Đông Sơn)... Trong phòng trưng bày các hiện vật, vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn và quân Xiêm. Phòng trưng bày số 2: tổng diện tích 132m2, diện tích trưng bày 93,5m2. Nội dung trưng bày diễn biến trận đánh Rạch Gầm – Xoài Mút. Nhà cổ Nam bộ (phòng trưng bày số 3): Đây là ngôi nhà cổ 3 gian, xây dựng từ năm 1927, tái hiện hình ảnh ngôi nhà vườn cổ Nam Bộ. Trong nhà cổ có trưng bày một số hiện vật liên quan đến chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút lấy mốc thời gian là ngày 20/01/1785 để làm lễ kỷ niệm. Với những giá trị đặc biệt, Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2014. Nguồn: Cục di sản văn hoá

Tiền Giang 1745 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật