Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Hậu Giang

Di tích lịch sử căn cứ Hỏa Tiến

Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (1965 – 1698) tọa lạc tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Tỉnh ủy Cần Thơ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đã đóng cơ quan Tỉnh ủy ở nhiều nơi như: Kinh Ngang xã Hiệp Hưng, Thạnh Hòa huyện Phụng Hiệp, Xà Phiên; Vĩnh Viễn huyện Long Mỹ nhưng có hai căn cứ Tỉnh ủy đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng tạo ra bước ngoặt lịch sử trong tỉnh. Đó là căn cứ Tỉnh ủy Bà Bái, xã Phương Bình từ năm 1972 đến năm 1975 đã đứng chân chỉ đạo đánh bình định năm 1973 và cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây thường được gọi là căn cứ Chìa Khóm (tiếng Trung Quốc: Chìa có nghĩa là ăn, Chìa Khóm có nghĩa là về đây ăn Khóm). Sau khi thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, tháng 11 năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, thực hiện “Chiến tranh cục bộ” tiến hành đưa quân viễn chinh, quân chư hầu, tăng cường vũ khí hiện đại (B52, bom Na-par, chất độc hóa học.); đồng thời sử dụng cao nhất hỏa lực không quân, hải quân, pháo binh để yểm trợ cho quân ngụy càn quét bình định; tiến hành kế hoạch hai gọng kìm: “bình định và tiêu diệt”, bình định nông thôn quét sạch cơ sở cách mạng ra khỏi dân; tiêu diệt quân chủ lực hòng bẻ gãy xương sống của Việt cộng, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân và Hải quân. Đối với Cần Thơ là trọng điểm bình định của địch ở Đồng bằng sông Cửu Long nên chúng đưa cố vấn và sĩ quan Mỹ tăng cường cho cơ quan tác chiến và bình định, địch mở nhiều cuộc càn quét với quy mô lớn, dùng trực thăng, soi đèn bắn phá, máy bay ném bom giết đồng bào và phá vườn tược ở vùng căn cứ giải phóng Phụng Hiệp, Long Mỹ Vị Thanh. Trước tình hình đó Khu ủy chỉ thị cho tỉnh Cần Thơ chọn địa bàn xây dựng căn cứ để đứng chân lãnh đạo, chỉ đạo phong trào ba mũi trong tỉnh đánh bại âm mưu bình định của địch. Đồng chí Nguyễn Văn Nhân (Ba Mai) được giao nhiệm vụ Trưởng ban xây dựng cùng với một số cán bộ, chiến sĩ tận dụng cây lá trong khu vực sẵn có để xây cất các nhà ở cho Tỉnh ủy và các bộ phận phục vụ Tỉnh ủy như: Văn phòng Tỉnh ủy, Tổ cơ yếu, Tổ mã thám, Ban thông tin điện đài, Trạm giao liên nội địa, Giao liên công khai, Ban căn cứ, Tổ bảo vệ, Đội phòng thủ. Như vậy từ tháng 2 - 1965, Tỉnh ủy Cần Thơ từ Kinh Ngang, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp dời vể căn cứ ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Lựu, huyện Long Mỹ. từ căn cứ này, những năm 1965, 1966, 1967 dưới sự chỉ đạo của Khu ủy khu Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy đã lãnh đạo Đảng bộ, quân và dân Cần Thơ “hai chân ba mũi” phá kìm kẹp, phá ấp “Tân Sinh”, bao vây tiêu diệt, bức rút nhiều đồn bót địch, đưa dân về ruộng vườn cũ, vùng giải phóng được mở rộng áp sát thị xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho ta thọc sâu đánh địch, hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy tận sào huyệt của địch, đã giết chết nhiều tên Mỹ-ngụy gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Kết hợp với hoạt động lực lượng vũ trang nội thành, tiểu đoàn Tây Đô tập kích diệt gọn tiểu đoàn Biệt động quân “cọp đen” và đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn Biệt động quân 42 và 44 tại xã Trường Long, Ô Môn; Tiểu đoàn Tây Đô đánh vào hậu cứ sư đoàn 21 ngụy ở Trà Bét, xã Giai Xuân sát Thành phố Cần Thơ. Để gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng, nhằm giáo dục cho thế hệ hiện nay và mai sau; UBND tỉnh Cần Thơ đã công nhận căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang 821 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Khu di tích lịch sử - Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô

Di tích Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô, nằm bên bờ kinh xáng Lái Hiếu thuộc ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Vị Thanh trung tâm tỉnh là 25 km, cách thị xã Ngã Bảy 16 km, đi bằng đường bộ và đường thủy đến di tích đều thuận tiện. Cuối năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương và Nghị quyết của Liên tỉnh ủy Miền Tây đã được triển khai thực hiện, các lực lượng vũ trang của toàn Miền lần lượt ra đời, trong đó có Tiểu đoàn Tây Đô. Được thành lập vào ngày 24 tháng 6 năm 1964 tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang). Do Ban quân sự tỉnh tổ chức lễ ra mắt Tiểu đoàn rất long trọng, có 1000 dân, cán bộ, chiến sĩ đến dự, Ban quân sự tỉnh có đồng chí Lê Hoàng Lâu, Tỉnh đội trưởng đến dự và công bố Quyết định thành lập Tiểu đoàn Tây Đô, đồng thời giao nhiệm vụ cho Đảng ủy, Ban chỉ huy Tiểu đoàn, đồng chí Bùi Quang Đơ thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ Tiểu đoàn đọc lời đáp và hứa hẹn, nguyện trung thành với Đảng, với nhân dân. Đồng chí hô to khẩu hiệu “Tiểu đoàn Tây Đô ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”. Tất cả cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn đồng thanh hô “Quyết thắng”. Ra đời giữa thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, Tiểu đoàn Tây Đô đã nhanh chóng trưởng thành, anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia... được Đảng và Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Với các thành tích của Tiểu đoàn Tây Đô, ngày 26 tháng 7 năm 2006 Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ra Quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa “Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô” là di tích cấp tỉnh. Di tích được quy hoạch và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình như: tượng đài hoành tráng, nhà trưng bày hình ảnh hiện vật của Tiểu đoàn Tây Đô, sân, đường nội bộ, cây xanh,…trên diện tích 01 ha đất cũng tại ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012, có ý nghĩa rất to lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nơi đây đã trở thành một trong những điểm di tích quan trọng của tỉnh thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan, học tập, họp mặt, sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nguồn: Phòng Quản lý Di sản văn hóa

Hậu Giang 1115 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Phổ Minh

Ngày 5 tháng 10 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Chùa Phổ Minh (toạ lạc tại số 135/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực 1, Phường 4, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Chùa Phổ Minh được xây dựng trước năm 1908 (trước thế kỷ 20) là một trong những ngôi chùa khá lâu đời tại thành phố Vị Thanh.. Ngôi chùa vừa mang dấu ấn lịch sử tôn giáo, vừa là địa chỉ đỏ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, từng là nơi để cán bộ cách mạng thời chống Pháp, Mỹ trú ngụ. Ban đầu, chùa chỉ được cất bằng lá kiểu nhà sàn, vì thời ấy nơi đây rắn rết, cọp beo nhiều vô kể. Trải qua nhiều đời trụ trì, đến năm 1967 chùa được xây lại nhưng cũng bằng lá. Lúc này, tình hình kháng chiến chống Mỹ và bè lũ tay sai hết sức ác liệt. Trong khi đó, địch tăng cường bắt quân dịch nên nhiều thanh niên địa phương tự nguyện “xuống tóc” để vào chùa nhằm tránh sự ép buộc của chúng. Từ năm 1908, nhà chùa thường xuyên góp lúa, gạo, tiền bạc ủng hộ cách mạng, làm hầm bí mật che giấu cán bộ, đùm bọc cho hàng trăm thanh niên địa phương trốn quân dịch. Trong khuôn viên chùa được xây dựng khang trang với nhiều tượng khá đẹp và hoành tráng, trong khuôn viên hơn 1 ha có vườn cây xanh, cảnh quan tôn nghiêm, tĩnh lặng, đặc biệt là ao sen khá rộng và đẹp. Phần chánh điện rất khang trang to rộng với nhiều thiết chế như bàn thờ Phật, tiên thánh; trống, chuông, mõ quý hiếm cùng nhiều hiện vật rất cổ kính và có giá trị văn hóa. Từ năm 1968 đến 1975, chùa đã che chở, đùm bọc gần 130 người. “Trong số này có nhiều trường hợp hoạt động cách mạng bí mật. Hàng ngày, họ ở trong chùa, nhưng đến mùa vụ thì ban ngày về tiếp gia đình, ban đêm trở lại chùa. Để chở che, đùm bọc những cán bộ cấp trên xuống nắm tình hình địch và bàn về những trận đánh, cố hòa thượng Thích Huệ Giác bí mật cho đào hầm trú ẩn ở sau chùa. Chưa kể, nhằm qua mắt Mỹ ngụy, cố hòa thượng Thích Huệ Giác còn dùng be bồ bằng tre bao xung quanh miệng hầm, rồi lấy vỏ dừa lấp xung quanh. Nhờ vậy mà không ít lần cán bộ hoạt động cách mạng lánh vào đây khi bị Mỹ ngụy càn quét đều được bảo vệ an toàn. Đến ngày 30-4-1975, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Hồ Ngọc Cẩn tuyên bố tử thủ, nhiều “chư tăng” lột áo nhà sư đi nắm tình hình địch và tiếp đào công sự vì đề phòng phản công của chúng. Lúc này, nhiều vợ con của lính ngụy chạy về các đồn để tìm chồng, cha. Thấy vậy, cố hòa thượng Thích Huệ Giác vận động, tuyên truyền họ khuyên người thân buông súng đầu hàng. Nhờ đó, khoảng hơn giờ sau, dinh tỉnh trưởng kéo cờ 3 sọc xuống để treo cờ trắng lên đầu hàng. Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, tăng, ni chùa Phổ Minh tiếp tục sứ mệnh của mình là xây dựng và bảo vệ đạo pháp – dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chùa Phổ Minh là cơ sở hoạt động bí mật, thường quyên góp lúa gạo, tiền bạc ủng hộ cách mạng. Đặc biệt, chùa là địa điểm hoạt động bí mật của gia đình phu nhân nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; thiếu tướng Trần Quốc Liêm, Phó Tổng cục trưởng An ninh (Bộ Công an); ông Lê Việt Hùng, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ; Đội an ninh, Đội biệt động thị xã Vị Thanh… Nguồn: Giáo hội phật giáo Việt Nam

Hậu Giang 1054 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích lịch sử địa điểm khởi nghĩa nam kỳ 1940, ở Phú Hữu

Di tích Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 trước đây tọa lạc tại làng Phú Hữu, tổng Định An, quận Phụng Hiệp, nay thuộc ấp Phú Thạnh, xã Phú Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Vào những năm 1930 - 1935, nông dân làng Phú Hữu sống trong cảnh bị áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp, phong kiến địa chủ. Trong thời gian này, bên kia bờ tả ngạn sông Hậu chi bộ Đảng Trà Ôn, Vĩnh Xuân ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địa chủ tăng tô, phong kiến, thực dân. Chi bộ Đảng ở Phú Hữu ra đời đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân rất sôi nổi và xây dựng cơ sở cách mạng rất tốt. Từ cơ sở có chi bộ và nhà bà Ngô Thị Lụa (mẹ của đồng chí Nguyễn Phước Ngoạn và Nguyễn Văn Phúc) ở rạch Ngã Lá, ấp Phú Lễ, làng Phú Hữu nên Liên Tỉnh ủy Cần Thơ chọn làm nơi đặt cơ quan. Nơi đây Liên Tỉnh ủy Cần Thơ đã mở nhiều lớp huấn luyện, nhiều cuộc hội nghị của Liên Tỉnh ủy và in nhiều tài liệu cung cấp cho các tỉnh miền Hậu Giang. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ phong trào đấu tranh đòi giảm tô, giảm tức, đòi dân sinh, dân chủ diễn ra mạnh mẽ, sôi nỗi; tổ chức cơ sở Đảng và quần chúng: Thanh niên, phụ nữ phản đế, Nông hội đỏ phát triển mạnh, nhất là từ khi nhận được “Đề cương khởi nghĩa” của Xứ ủy Nam Kỳ do Tỉnh ủy Cần Thơ triển khai vào tháng 4/1940. Chi bộ đã ráo riết chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, tổ chức nhiều cuộc họp quần chúng tốt để phát động phong trào và chọn một địa điểm trong rừng sâu cất chòi dưới bóng những cây kè (nên có tên gọi chòi “Cây Kè”) để làm nơi học tập huấn luyện cho những thanh niên, nông dân có tâm huyết cách mạng trong làng. Các cuộc họp này thường có cán bộ cấp trên như: đồng chí Lưu Nhân Sâm, Ngô Hữu Hạnh (trong Tỉnh ủy Cần Thơ) thường đến nói chuyện về tình hình, tập những bài hát cách mạng và dạy võ nghệ. Những hoạt động của quần chúng dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chuẩn bị cuộc khởi nghĩa tuy bí mật nhưng rất sôi nổi, ai cũng mong ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ đến Cần Thơ vào lúc 12 giờ trưa ngày 22/11/1940, nhưng đến khuya ngày 23/11/1940 Quận ủy Phụng Hiệp mới nhận được lệnh khởi nghĩa. Tuy có muộn nhưng Quận ủy vẫn tiến hành khởi nghĩa. Nhiệm vụ của Quận ủy Phụng Hiệp là tổ chức lực lượng khởi nghĩa đánh vào quận lỵ, đánh cầu Phụng Hiệp và bao vây, kìm chân địch không cho đi tiếp viện nơi khác. Bọn địch ở Trà Ôn được tin báo, tên Chỉ quận trưởng đưa quân đến đàn áp cuộc khởi nghĩa. Những cán bộ lãnh đạo nòng cốt của cuộc khởi nghĩa và quần chúng yêu nước bị bắt, bị kết án từ tù chung thân đến 5 năm tù giam đày đi Côn Đảo. Do không chịu nổi cảnh lao tù nơi rừng thiên, nước độc nên đã hy sinh tại đây. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Phú Hữu và một số nơi trong tỉnh tuy chưa giành thắng lợi, do tình thế cách mạng chưa chín muồi, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ nên bị địch đàn áp dã man, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên của Đảng bị địch tàn sát, bắt bớ tù đày. Nhưng đó là cuộc nổi dậy có tổ chức của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tấn công vào dinh lũy của kẻ thù, báo hiệu sự cố chung của chế độ thống trị. Đó là cuộc diễn tập quan trọng, Đảng bộ Cần Thơ rút ra bài học kinh nghiệm quý giá tổ chức cuộc khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành thắng lợi vẻ vang. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 ở Phú Hữu được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa, cấp quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang 1180 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích chiến thắng Vàm Cái Sình

Di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình tọa lạc tại phường 7, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Từ 1949 vùng giải phóng huyện Long Mỹ rộng lớn nơi dự trữ người của trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi căn cứ của cơ quan cấp tỉnh, khu. Vào những năm 1951, 1952 địch bị thất bại nặng nề và bị động ở chiến trường chính, thực dân Pháp thực hiện chính sách 3 sạch “Đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, phá hoại kinh tế, mở nhiều cuộc hành quân quy mô càn quét vào vùng giải phóng của ta ở huyện Long Mỹ, và mở rộng đánh phá vùng căn cứ địa cách mạng U Minh. Thực hiện âm mưu trên, thực dân Pháp mở chiến dịch càn quét quy mô vào vùng giải phóng căn cứ cách mạng Long Mỹ, Vị Thanh hòng tiêu diệt lực lượng của ta, phá hoại hậu phương cách mạng. Nắm chắc ý đồ của địch, đồng chí Huỳnh Thủ, Tỉnh đội trưởng Cần Thơ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đơn vị 4053, thuộc tiểu đoàn 410 của tỉnh Cần Thơ, là đơn vị có nhiều kinh nghiệm đánh thủy lôi đã lập chiến công đánh nhiều tàu địch trên sông Phụng Hiệp, Châu Thành. Sau khi điều nghiên chiến trường, địch muốn đánh vào ruột vùng giải phóng Long Mỹ, hành quân bằng đường bộ, chỉ có con lộ từ Cầu Đúc vào Hỏa Lựu - Vị Thanh. Để chóng địch càn quét đánh phá vào vùng giải phóng, ta đã đánh phá các con lộ và đánh sập các cầu trên đường giao thông bộ, trên đoạn đường này có cầu sắt Cái Sình. Vào sáng ngày 22/12/1952, sau khi địch cho bắn pháo để dọn đường cho tiểu đoàn cơ động số 14 gồm: lính Pháp, Việt, Miên, do sĩ quan Pháp chỉ huy, thận trọng lần dò tiến vào xã Hỏa Lựu trên con đường bị phá hoại, cỏ, cây sầm uất. Đến 15 giờ địch mới đến Vàm rạch Cái Sình chúng dồn quân tại đây để chờ tàu đưa qua rạch Cái Sình, vì cầu bị ta đánh sập. Đúng như dự đoán của ta, đêm 21/12/1952 ta đã đặt hai trái thủy lôi, hằng ngàn ký thuốc nổ tại Vàm rạch Cái Sình và đưa một tổ công binh (3 đồng chí) của Tiểu đoàn 410, sẵn sàng chiến đấu. Đến gần 15 giờ, tiếng tàu sắt nổ máy vang rền, từ ngã ba Cầu Đúc chạy vào. Các chiến sĩ ta rất bình tĩnh chờ cho quân địch xuống đầy tàu sắt mặt dựng LCT (loại tàu chở quân), khi tàu lui ra giữa Vàm rạch để đưa quân về phía bờ Hỏa Lựu, chiến sĩ ta châm điện, phát ra tiếng nổ long trời, một cột nước trắng xóa dựng cao hằng trăm mét và đổ ập xuống nhấn chìm chiếc tàu mặt dựng xuống dòng sông, gần 400 tên địch, trong đó có một quan Ba (đại úy), hai quan Nhất (thiếu úy) bị tan xác, ta thu một súng ngắn 12 ly, một bản đồ hành quân, hai khẩu trọng pháo: 20 ly và 13,2 ly, 5 súng tiểu liên, 12 súng trường, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch càn quét đánh phá vào vùng căn cứ giải phóng Long Mỹ - Vị Thanh. Trong kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Hậu Giang - Cần Thơ, quân dân Hậu Giang - Cần Thơ đã lập hai chiến công hiển hách diệt nhiều địch nhất, đó là trận đánh xe cơ giới ở 4 trận Tầm Vu, lấy khẩu đại bác 105 ly ở trận Tầm Vu 4 và trận đánh tàu tại Vàm rạch Cái Sình, làm vang dội chiến công khắp miền Tây và cả nước. Chiến thắng Cái Sình có một ý nghĩa quan trọng đã góp phần tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch để phối hợp với chiến trường chính ở chiến dịch biên giới Việt Bắc 1951 - 1952 và cùng các chiến trường khác trong cả nước đẩy địch vào thế bị động, thất bại, tạo ra thế và lực mới thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển mạnh mẽ dẫn đến chiến thắng “Điện Biên Phủ” (7/5/1954) chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam kết thúc chế độ thực dân cũ ở Việt Nam, nửa nước độc lập, ở miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ. Từ ý nghĩa và giá trị lịch sử quan trọng của chiến thắng “ Vàm Cái Sình”. Ngày 3/8/2007, Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Chiến thắng Vàm Cái Sình là di tích cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang 1245 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di Tích Ủy Ban Liên Hợp Đình Chiến Nam Bộ

Thị trấn Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ là nơi được chọn đóng trụ sở của Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ, có vị trí chiến lược quan trọng, đây là trung tâm của hai điểm tập kết Cần Thơ và Cà Mau. Trụ sở Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ nguyên là ngôi nhà của ông Hà Văn Phú (chủ tiệm chụp hình Việt Nam, ở chợ Phụng Hiệp), xây dựng vào năm 1928. Toàn khu di tích được xây dựng trên diện tích 1.635 m2. Từ ngoài nhìn vào trước cửa trụ sở có một bảng lớn, viết bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt - Trụ Sở Ủy Ban Liên Hợp Đình Chiến Nam Bộ. Trước trụ sở chính có 2 cột cờ. Một cột cờ treo lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ Việt Nam. Cột thứ hai treo cờ Tam tài - Quốc kỳ của Pháp, dưới đuôi lá cờ Tam tài còn đeo thêm lá cờ Ba que của ngụy quyền, đã chứng tỏ sự lệ thuộc bám víu nhục nhã của ngụy quyền Sài Gòn. Phía trái của trụ sở là khu nhà sàn bán kiên cố được xây dựng theo kiểu chữ U, nhà của lực lượng bảo vệ phái đoàn Việt Nam ở. Dưới mé sông trước ngôi nhà sàn là một cầu tàu bằng gỗ để chiếc tàu Hòa Bình của phái đoàn ta cập bến. Mỗi lần chiếc tàu Hòa Bình có biểu tượng chim bồ câu trắng ở hai bên mạn tàu, trên nóc tàu có lá cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay, chở phái đoàn ta từ căn cứ ở Hàng Điệp ra trụ sở họp, nhân dân hai bên bờ sông và chợ Phụng Hiệp vui mừng đón chào, vỗ tay vang dội … cổ vũ phái đoàn ta hằng ngày. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ đình chiến ở Đông Dương. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký ngày 20/7/1954, gồm 6 chương, 47 điều. Nội dung quan trọng là Pháp công nhận nền độc lập của nước Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời. Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Nam tập kết ra Bắc. Quân đội của thực dân Pháp phải chuyển vào miền Nam. Miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau hai năm, hai miền sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Để giám sát và điểu hành việc thực hiện Hiệp định đình chiến giữa hai bên, theo chương 6 của Hiệp định (từ điều 28 đến điều 47) quy định cách tổ chức và hoạt động của ủy ban Liên hợp và Ủy ban giám sát quốc tế ở Việt Nam. Từ tinh thần trên, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương được thành lập do thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn. Hội nghị quân sự Trung Giã, Trung ương quyết định thành lập Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký ngày 22/7/1954, để Ủy ban Liên hợp Đình chiến chỉ đạo, theo dõi việc thi hành Hiệp định và bố trí lực lượng chuyển quân tập kết đúng thời hạn quy định. Phái đoàn của Pháp do đại tá Duque làm trưởng đoàn (sau đổi đại tá Colelen bazien), Phó đoàn là Trung tá magron. Ngoài ra còn có một số trung tá ngụy làm phiên dịch và một nữ thư ký người Pháp. Phái đoàn mỗi bên có khoảng 5 người thường trực gồm: Trưởng, phó đoàn, thư ký, phiên dịch… trong suốt thời gian làm việc của Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ có sự bảo vệ, canh gác của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên hiệp Pháp. Di tích lịch sử Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ ở Phụng Hiệp - Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng và xây dựng niềm tin vào thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ ý nghĩa trên Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận trụ sở Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ tại Phụng Hiệp, là di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 28/6/1996 . Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang 1164 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu

Di tích lịch sử - văn hóa Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu tọa lạc tại khu vực 4 (khu văn hóa Hồ Sen), phường 1, thành phố Vị Thanh trung tâm tỉnh Hậu Giang. Hiệp định Geneve được ký kết ngày 20-7-1954 chưa ráo mực, Mỹ Diệm đã ngang nhiên phá hoại. Chúng thực hiện âm mưu gom dân lập khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu, chiếm Long Mỹ - Vị Thanh làm chỗ dựa để đánh phá, bình định vùng căn cứ U Minh, mà địch gọi là: “Đại bản doanh của Cộng sản”. Để thực hiện âm mưu trên, Mỹ Diệm đã tập trung những tên tay sai ác ôn, đầu hàng phản bội hận thù cách mạng và huy động hàng ngàn quân mở nhiều cuộc càn quét, đánh phá, đuổi nhà, gom dân, bên cạnh đó Diệm đã ban hành Luật 10-59, với phương châm “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, lê máy chém về Long Mỹ để chém giết đồng bào ta. Chính Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu) đích thân về đây động viên, khích lệ bọn tay sai thẳng tay chém giết những người bị tình nghi là “việt cộng” và ra giá mua một mật người từ 500 đến 700 đồng,.. oán hận ngất trời, máu chảy thành sông. Theo đồ án thiết kế, khu trù mật có chiều dài 7km, chiều ngang lấy kinh Xà No làm trung tâm, mỗi bên rộng 2km, có diện tích chung 28km vuông, chia làm 4 khu chính: 1 Khu Vị Thanh, 2 Khu Hỏa Lựu, 3 Khu Giữa, 4 Khu Bắc Xà No. Mỗi khu chia thành 4 tiểu khu, mỗi tiểu khu chia ra nhiều lô, mỗi lô chia ra nhiều ô, mỗi ô chia ra nhiều khoảnh đất nhỏ, mỗi khoảnh dài 90 mét, rộng 45 mét (diện tích bằng 4 công đất) cho mỗi gia đình, ngăn cách nhau bằng một con mương. Các lô cách nhau bằng một con kênh rộng từ 3 đến 4 mét, sâu 2 mét, ngoài ra còn có hàng rào, dây thép gai bao bọc. Người dân sống trong khu trù mật bị theo dõi, kiểm soát 5 khâu: ra vào, đi lại, ăn ở, thu nhập, giao tiếp. Để bảo vệ an toàn Khu Trù mật chúng bố trí lực lượng như sau: một đại đội biệt kích thuộc khu U-Minh đóng ở đầu cầu chợ Cái Nhum, một đại đội dân vệ canh gác vòng ngoài, bên trong chúng trang bị cho các cụm thanh niên Cộng hòa, phối hợp với cơ quan mật vụ lùng sục suốt ngày đêm; ngoài ra chúng còn tổ chức Đảng Cần Lao nhân vị, Thanh niên Cộng hòa, Phụ nữ Liên đới, cuộc sống của người dân bị kìm kẹp gắt gao, vì vậy bà con thường mỉa mai gọi là khu “trào mật”. Sống trong cảnh “cá chậu , chim lồng” nhân dân rất bất bình ngày càng uất hận, cùng dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng cách mạng đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống Mỹ Diệm gom dân lập Khu Trù mật. Trước tình hình khó khăn phức tạp đó, chỉ sau sáu tháng ráo riết thi công, tuy mới xây dựng được một phần ba công trình, nhưng ngày 12-3-1960 chúng vội vã tổ chức khánh thành Khu Trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời như “nắng hạn gặp mưa” là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào đấu tranh trong huyện càng trở nên quyết liệt. Đêm 14-9-1960 lệnh Đồng Khởi được phát ra, lực lượng vũ trang của ta tập kích đánh chiếm nhiều nơi. Phối hợp với nhân dân và binh sĩ yêu nước trong khu trù mật và 12 điểm tập trung đã nhất tề nổi dậy lùng sục bắt bọn tay sai ác ôn giao cho cách mạng, đốt cờ, xé ảnh Diệm, lột bảng khẩu hiệu, phá rào, phá cổng trở về xóm ấp cũ. Tiếng reo hò, tiếng mõ, tiếng súng vang động, tạo nên một khí thế cách mạng, sức mạnh “tức nước vỡ bờ”. Ngoài đánh vào, trong nổi dậy làm cho kẻ thù ở khu trù mật bị tê liệt hoàn toàn. Để khắc sâu tội ác và giáo dục nhân dân ta nhất là thế hệ trẻ về lòng căm thù đối với Mỹ - Ngụy lập Khu Trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu, ngày 2 tháng 8 năm 1997 Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận “Khu Trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu di tích tội ác Mỹ Diệm tàn sát đồng bào” là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang 1422 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu Di Tích Căn Cứ Tỉnh Ủy Cần Thơ

Di tích Căn cứ tỉnh ủy Cần Thơ tọa lạc ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thành phố Cần Thơ là trung tâm đầu não của vùng 4 chiến thuật của Mỹ ngụy, tòa lãnh sự Hoa Kỳ, cơ quan tình báo C-I-A, đủ các loại binh chủng, hậu cứ kho tàng, sân bay, cảng quân sự v.v… là nơi xuất phát quân đánh phá các tỉnh miền Tây Nam bộ. Địch chọn Cần Thơ là trọng điểm bình định đánh phá ác liệt, nhất là sau tổng tấn công 1968, vào những năm 1969 - 1970 - 1971 chúng huy động một lực lượng lớn quân chủ lực, bảo an, dân vệ và các loại máy bay, xe tăng, đại bác … dội bom, pháo bầy, B52 rải thảm, chất độc hóa học, phát quang vùng nông thôn giải phóng của ta, đi đôi chiêu dụ hàng, hòng tách dân ra khỏi Đảng “tát nước bắt cá”, nhằm tiêu diệt Đảng và cách mạng. Để đối phó âm mưu mới của địch, vào tháng 4/1971 Ban chấp hành Tỉnh ủy Cần Thơ họp tại khu rừng lá xã Xà Phiên huyện Long Mỹ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau khi bàn bạc trao đổi kỹ lưỡng đã chọn địa điểm ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, làm căn cứ để Tỉnh ủy đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh tấn công làm thất bại âm mưu bình định của địch. Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ được khởi công xây dựng vào đầu tháng 2/1972, tại nền nhà của Bà Bái - một địa chủ ngày xưa, nên mọi người quen gọi là “Căn cứ Bà Bái”. Bước đầu căn cứ chỉ xây dựng vài căn nhà nhỏ, nơi làm việc của Ban Thường vụ, Văn phòng và đội phòng thủ (đội bảo vệ). Sau đó, cất thêm một số căn nhà khác cho các bộ phận: cơ yếu, điện đài, thông tin, nhà ở cho cán bộ nữ, nhà thường trực, nhà khách, nhà ăn, giao liên. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy Cần Thơ đứng chân vững chắc lãnh đạo chỉ đạo quân dân tỉnh nhà đánh địch bằng 3 mũi giáp công, gỡ đồn bót địch, phát động quần chúng phá “ấp chiến lược”, giành quyền làm chủ mở rộng vùng giải phóng, tạo thế tạo lực mới cho tỉnh nhà. Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực ngày 28/01/1973, nhưng địch với bản chất ngoan cố lật lộng phá hoại Hiệp định thực hiện âm mưu “bình định”, “tràn ngập lãnh thổ”, chiếm đất giành dân. Nhưng Tỉnh ủy Cần Thơ vẫn vững vàng đứng vững nơi căn cứ, lãnh đạo quân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh, phát huy sức mạnh 3 mũi tấn công địch, bẻ gãy nhiều đợt càn quét, lấn chiếm, gỡ đồn bót của địch, giành lại vùng giải phóng của ta. Phát huy thắng lợi, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, linh hoạt, táo bạo của Tỉnh ủy, quân dân Cần Thơ xông lên tổng tấn công và nổi dậy như bão táp “Một ngày bằng hai mươi năm”. Chỉ trong 2 ngày 30/4 và 1/5/1975, đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Cần Thơ, góp phần giải phóng miền Nam, viết nên những trang sử chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Với những sự kiện lịch sử và thành tích quan trọng đó, ngày 27/4/1990, Bộ Văn hóa - thông tin ra Quyết định công nhận căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang 1453 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Chiến thắng Tầm Vu

Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu thuộc địa phận ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân , huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Những chiến công hiển hách của 4 trận Tầm Vu năm xưa diễn ra trên đoạn lộ Cái Tắc - Rạch Gòi không đầy 5km là một điểm son chói lọi trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân ta. Sau ngày 23/9/1945 quân Sài Gòn - Gia Định nổ súng chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho cuộc kháng chiến Nam Bộ, thì ngày 30/10/1945 quân dân Cần Thơ anh hùng kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm Cần Thơ. Sau 90 ngày bao vây tiêu hao, tiêu diệt quân Pháp trong thị xã Cần Thơ, kế tiếp đội cảm tử quân Lê Bình hóa trang kỳ tập vào ban chỉ huy Pháp ở Cái Răng vào sáng ngày 12/11/1945 đã giết chết và làm bị thương nhiều tên địch, trong đó có quan ba Rouen bị thương đã làm cho binh lính Pháp kinh hoàng. Với lòng quả cảm, đơn vị cộng hòa vệ binh do đồng chí Nguyễn Đăng chỉ huy ngày 20/01/1946 đã đánh đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, diệt 2 xe quân sự, giết chết một số tên địch, trong đó có Dessert, tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Tây, là một trong 5 tên sĩ quan cao cấp của Pháp trên chiến trường Đông Dương. Ta thu 10 súng, trong đó có 2 trung liên. Trận Tầm Vu 1 có một ý nghĩa rất quan trọng, đây là trận thắng đầu tiên của đơn vị vũ trang ta đánh xe cơ giới địch, mở màn cho những trận chiến tiếp theo trên chiến trường Cần Thơ. Chỉ thời gian chưa đầy 1 năm sau, quân dân Cần Thơ tiếp tục đánh thắng trận Tầm Vu 2, vào: 12/11/1946 do đồng chí Ngô Hồng Giỏi chỉ huy, phục kích đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, thiêu hủy 3 xe, diệt 60 tên lính Pháp, Lê Dương, thu 60 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác. Sau ngày “Toàn quốc kháng chiến”, thực hiện chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (19/12/1946) và lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu (20/12/1946). Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đã phát triển mạnh mẽ, quân dân Cần Thơ đã lập được nhiều chiến công, nhất là hoạt động của các đội “Sát gian Đảng”, Biệt động, Công an vũ trang diệt địch, bọn ác ôn ở nội thành Cần Thơ làm cho chúng hoang mang lo sợ. Thời điểm này, đã diễn ra trận đánh Tầm Vu 3 vào 3/5/1947, do Khu Bộ trưởng Huỳnh Phan Hộ chỉ huy cũng trên lộ Tầm Vu năm xưa. Quân dân ta đã diệt 6 xe quân sự, làm chết và bị thương gần 200 lính Pháp, thu được 8 đại liên, nhiều súng đạn các loại và quân trang, quân dụng. Trận Tầm Vu 3 là thắng lợi thiên thời, địa lợi, nhân hòa, khi ta về đóng quân ở Láng Hầm chuẩn bị trận Tầm Vu 3, có 1 tiểu đội lính khmer vào đốn cây, buộc phải diệt chúng. Quân ta nghi binh rút đi, chỉ trong 10 ngày sau trở lại ém quân, tiếp tục đánh trận Tầm Vu 3 vẫn không bị lộ, do nhân dân che chở bảo vệ cho bộ đội để chiến thắng địch. Chiến công nối tiếp chiến công, chỉ một năm sau, sự phối hợp tuyệt đẹp của ba thứ quân (chủ lực quân, địa phương quân và dân quân du kích) đã tạo nên kỳ tích oai hùng, tiếp tục chiến thắng trận Tầm Vu 4, diễn ra chiều ngày 19/4/1948, dưới sự chỉ huy của Khu Bộ trưởng Trần Văn Giàu và Tham mưu Trưởng Võ Quang Anh, quân ta bằng chiến thuật vận động chiếm đánh tiêu diệt 14 xe quân sự địch, giết chết gần 200 tên lính Pháp, trong đó có một tên quang ba, thu nhiều súng đạn, đặc biệt là thu khẩu đại bác 105 ly lần đầu tiên trong cả nước, làm vang dội khắp chiến trường Đông Dương. Với ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc chiến thắng của 4 trận Tầm Vu, đã điểm tô vào trang sổ vàng truyền thống cách mạng chống quân xâm lược của dân tộc ta càng thêm sáng chói. Do đó, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận địa điểm chiến thắng Tầm Vu, là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 25/01/1991. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang 1380 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Thờ Bác Hồ Xã Lương Tâm

Di tích Đền thờ Bác Hồ tọa lạc ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân Hậu Giang - Cần Thơ, Long Mỹ nói riêng, hình ảnh của Bác Hồ kính yêu ở trong trái tim, khối óc của mỗi người dân, tuy xa thủ đô Hà Nội hàng nghìn cây số nhưng luôn hướng về Bác Hồ và thủ đô kính yêu với niềm tin vững chắc để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Khi nghe tin Bác qua đời ngày 02/9/1969 là nỗi đau chung, sự tổn thất lớn lao đối với cả dân tộc Việt Nam; nhất là nhân dân miền Nam chưa kịp rước Bác vào thăm. Để đền đáp công ơn trời biển của Bác và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã Lương Tâm; Đảng bộ xã, do đồng chí Lữ Minh Chánh (Hai Chánh), Bí thư Đảng ủy xã đã quyết định lập bàn thờ Bác ngay tại Văn phòng Đảng ủy xã. Đồng chí Lê Văn Thống, ủy viên thư ký được giao nhiệm vụ phóng ảnh Bác lập bàn thờ và may băng tang để tổ chức lễ truy điệu. Ngày hôm sau lễ truy điệu được tổ chức trọng thể với sự có mặt đông đủ của các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đóng quân gần cơ quan xã, cùng đông đảo bà con trong xã đến dự lễ với nỗi đau buồn vô hạn, tưởng niệm, ghi lòng tạc dạ về công ơn trời biển của Bác và hứa với Bác quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng - biến đau thương thành hành động cách mạng, quân dân Cần Thơ đã liên tục tấn công địch trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Trong tuần lễ để tang Bác, quân dân tỉnh Cần Thơ mở đợt tấn công vào 34 mục tiêu quân sự, tiêu diệt gần 400 tên địch. Chỉ tính riêng xã Lương Tâm, quân dân ta đã tiêu diệt đồn: Vàm Cấm, đồn Tô Ma, đồn Đường Đào (bị đánh thiệt hại nặng). Trên 40 tên địch đền tội và nhiều tên khác bị thương. Ngay sau ngày Quốc tang, các đồng chí lãnh đạo và một số đồng chí lão thành cách mạng, các vị bô lão trong xã đã bàn bạc đi đến quyết định: xây dựng đền thờ Bác tại ấp 3, ngã tư lộ xe. Đây là nơi thuận lợi nhất để mọi người dân trong xã và các khu vực dễ dàng đến viếng Bác bằng cả đường thủy và đường bộ. Mùa hè năm 1972, Mỹ ngụy mở nhiều đợt càn quét quy mô, tập trung bom pháo đánh phá ác liệt địa bàn Long Mỹ. Cơ quan Đảng ủy xã bị bom pháo Mỹ đánh sập phải dời đi nơi khác, bàn thờ của Bác được lập lại và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm Bác giữ đúng hằng năm (ngày sinh nhật, lễ giỗ và Tết Nguyên đán). Ngoài ra, nhân dân trong vùng thờ Bác và tổ chức lễ giỗ tại nhà. Sau ngày hòa bình, từ nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ và nhân dân xã Lương Tâm, mong muốn xây dựng lại Đền thờ Bác Hồ ở vị trí đã dự kiến trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tại ngã tư lộ xe, ấp 3, xã Lương Tâm và được lãnh đạo chấp thuận, các ngành, các cấp và nhân dân trong và ngoài địa phương tích cực đóng góp sức người sức của, với tấm lòng kính yêu Bác và đây là công trình tưởng niệm thiết thực chào mừng kỷ niệm 100 năm, ngày sinh của Bác. (19/5/1890 - 19/5/1990). Đền thờ Bác được xây dựng năm 1990, với quy mô gần 2 ha. Đền thờ Bác được xây dựng với kiểu kiến trúc mang tính dân tộc, trang trọng, tôn kính. Nhân kỷ niệm lần thứ 107 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/1997), lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng nhà trưng bày giới thiệu thời niên thiếu và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, đây là hạng mục thứ hai sau Đền thờ. Với ý nghĩa đó, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Đền thờ Bác Hồ là di tích lịch sử Quốc gia. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Huyện Long Mỹ

Hậu Giang 1329 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện

Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện phân bố tại 2 địa điểm: khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh và ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Chương Thiện từng là một tỉnh, được chế độ Ngụy quyền Sài Gòn thành lập ngày 24/12/1960, gồm huyện Long Mỹ, Vị Thanh; Nơi đây là đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng để đi các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, U Minh, Rạch Giá. Địch coi Chương Thiện là tuyến phòng thủ từ xa để bảo vệ đầu não vùng 4 chiến thuật (đóng tại thành phố Cần Thơ), là lá chắn ngăn chặn quân chủ lực của ta tấn công, làm bàn đạp để đánh phá căn cứ địa cách mạng U Minh. Do đó, Chương Thiện trở thành một địa bàn chiến lược quan trọng đối với cả ta và địch. Với ta, Chương Thiện là vành đai vững chắc để bảo vệ căn cứ U Minh, là bàn đạp để tấn công vào Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá. Nơi đây còn là hậu phương lớn, dự trữ người và của phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Sau khi Hiệp định Paris (năm 1973) có hiệu lực, Ngụy quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ vẫn có ý đồ tiêu diệt cách mạng miền Nam, xóa bỏ vùng giải phóng với những kế hoạch bình định, lấn chiếm… Nhận biết được tình hình và âm mưu của địch, quân ta đã có sự chuẩn bị để đối phó. Trong suốt 11 tháng (từ tháng 1 đến tháng 11 năm 1973), quân và dân ta đã kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, giữ vững được địa bàn. Kế hoạch bình định Chương Thiện của địch bị thất bại hoàn toàn. Chiến thắng Chương Thiện năm 1973 là minh chứng sống động cho một chủ trương đúng đắn, táo bạo, kịp thời của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long. Chiến thắng này cũng góp phần tạo ra một trong những cơ sở quan trọng để Nghị quyết 21 ra đời, tạo tiền đề cho sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng năm 1975. Nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng, điểm di tích khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh và điểm di tích ấp 1 xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ đã được chọn làm địa điểm lưu niệm sự kiện chiến thắng Chương Thiện của quân và dân khu 9. Tại địa điểm khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang: Theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, điểm di tích này có diện tích 44.303.7m2, với các hạng mục: khu nhà trưng bày hiện vật (1024m2), khu trưng bày ngoài trời, tượng đài, sân lễ và một số hạng mục phụ trợ khác. Hiện nay, nhiều hiện vật liên quan đến khu di tích, như hơn 100 ảnh tư liệu về một số trận đánh tiêu diệt phân chi khu Cái Nai, yếu khu Quang Phong, diệt đồn Rọc Dứa, Cái Sơn, Cái Cao...; 117 hiện vật, gồm vũ khí, quân trang, xe tăng, máy bay…, đã được tiếp nhận, lưu giữ tại kho hiện vật của Bảo tàng tỉnh Hậu Giang. Tại địa điểm ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang: Năm 1998, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã quy hoạch tổng diện tích 58.000m2 đất để xây dựng các hạng mục sau: nhà trưng bày (900m2), nhà hội, sân đường nội bộ và một số hạng mục phụ trợ khác. Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch bình định lấn chiếm Chương Thiện sau hiệp định Paris 1973, không những đã đánh bại chiến thuật, mà còn làm sụp đổ ý đồ chiến lược của Mỹ - Ngụy muốn giành thế mạnh trong giải pháp chính trị, góp phần tạo ra bước ngoặt, đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của địch. Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện là di tích quốc gia đặc biệt ngày 09/12/2013. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Hậu Giang 1489 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật