Di tích lịch sử

Sóc Trăng

Chùa Chrôi Tưm Chắs ( chùa Trà Tim cũ)

Một trong số những ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất ở vùng đất Sóc Trăng được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15-16 có chùa Trà Tim. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Sóc Trăng có đến 3 ngôi chùa cùng tên Trà Tim mà người dân quen gọi là Trà Tim cũ, Trà Tim mới và Trà Tim giữa. Căn cứ vào lịch sử hình thành, chùa Trà Tim cũ có niên đại lâu đời và hoành tráng nhất. Đây không chỉ là ngôi chùa cổ mà còn là di tích cách mạng ghi dấu chiến công của sư sãi và đồng bào Khmer thị xã Sóc Trăng (nay là thành phố Sóc Trăng) trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Chùa Trà Tim đã được khởi công xây dựng cách đây gần 500 năm, trên một vùng đất giồng cao ráo, rộng 38.600m2 tọa lạc ấp Tâm Trung, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng nay thuộc khóm Tâm Trung, phường 10, thành phố Sóc Trăng. Ngôi chùa có địa thế độc đáo do tiếp giáp cùng lúc với hai con đường to rộng của thành phố Sóc Trăng là đường Trần Hưng Đạo và Quốc lộ 1A. Ban đầu, chùa chỉ xây dựng một số ngôi nhà tăng cho sư cả và các sư tăng trong chùa nghỉ dưỡng tạm, tiếp theo sư cả chọn vị trí thích hợp làm lễ dựng ngôi chánh diện, rồi đến nhà hội (sala), tháp đựng tro cốt, nhà thiêu… tất cả các công trình đều làm bằng gỗ dầu hoặc sao, lợp lá. Xung quanh chùa có hàng trăm cây dầu, cây sao cổ thụ trên 100 năm tuổi vừa tạo không gian mát dịu pha lẫn huyền bí, linh thiêng vừa phục vụ lấy gỗ sửa chùa hoặc cất nhà, làm thuyền, làm ghe Ngo khi cây đã già. Kiến trúc ngôi chùa mang nét đặc trưng truyền thống của đồng bào Khmer gồm ngôi chánh điện, sala, trường học dạy tiếng pali cho con em trong vùng, nhà thiêu, nhà để ghe Ngo của chùa, tháp để tro cốt.... Hiện tại nhà chùa còn lưu giữ một số hiện vật như 40 pho tượng Phật Thích Ca bằng các chất liệu gỗ, đá, đồng, thuỷ tinh, xi măng, 2 tượng long sư (đầu rồng mình sư tử) bằng gỗ sơn son thếp vàng (còn gọi là con rệch - trà – xây), 1 tượng nai bằng gỗ sơn son thếp vàng, dùng để các nhà sư ngồi thuyết pháp; 9 phiến bia khánh thành chánh diện.... Chùa Trà Tim không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật của đồng bào khmer tỉnh Sóc Trăng, mà còn là nơi ghi dấu chiến công của sư sãi và đồng bào Khmer thị xã Sóc Trăng trong cuộc đấu tranh trực diện chống âm mưu dời chùa đi nơi khác để mở rộng sân bay Sóc Trăng của Mỹ - Diệm vào năm 1962. Từ khi sân bay cạnh chùa được thành lập đã làm ảnh hưởng và phá hủy không gian thanh tịnh, tôn nghiêm nơi tu hành của các sư bởi tiếng động cơ máy bay hoạt động ngày đêm. Vị trí sân bay này trước kia là một trường đua ngựa của sĩ quan, viên chức Pháp. Năm 1940 Nhật chiếm Đông Dương đến năm 1941 bắt các tù binh cùng các dân phu Sóc Trăng phá trường đua xây dựng sân bay Sóc Trăng để làm một hậu cứ yểm trợ cho không lực Nhật Hoàng trên mặt trận Thái Bình Dương. Có thể nói cuộc đấu tranh của đồng bào và sư sãi chùa Trà Tim tuy diễn ra trong phạm vi nhỏ hẹp của một thị xã và không làm thiệt hại người, nhưng sự kiện này đã trở thành một ngòi pháo mở màn cho các phong trào đấu tranh trực diện của sư sãi và đồng bào Khmer khắp các nơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chống địch đàn áp sư sãi, chống địch bắt con em đang tu hành đi lính. Sau ngày giải phóng 1975 đến nay sân bay Sóc Trăng đã được sử dụng làm trường Quân sự Quân khu 9, ngôi chùa Trà Tim vẫn an nhiên, tự tại và ngày càng được tu sửa khang trang nổi bật hơn trước. Với những chiến công ấy, ngôi chùa đã được xếp hạng là di tích Lịch sử cách mạng từ ngày 12/5/2004, theo quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng. Nhà chùa còn tiên phong trong vận động và đóng góp nhiều tài vật để xây dựng giao thông nông thôn, nhà đại đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa mù chữ cho trẻ em nghèo… với ý nguyện tốt đời, đẹp đạo. Nguồn: Du lịch Sóc Trăng

Sóc Trăng 671 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Sêrây Cro Săng

Chùa Sêrây C-ro Săng hay còn được gọi là chùa Cà Săng - tọa lạc tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng về hướng Đông – Nam khoảng 40km. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng với quần thể kiến trúc hài hòa, có niên đại trên 400 năm. Chùa được xây dựng vào năm 1576, có diện tích 22.230 mét vuông. Tổng thể kiến trúc ngôi chùa bao gồm: Chánh điện, sala, nhà ở cho các vị sư, trường dạy chữ Khmer, tháp để tro cốt người chết và lò hỏa táng,... Cổng chùa Sêrây C-ro Săng là một công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê tông màu đỏ thẫm, bên dưới cổng gồm 2 cột trụ nền vuông có tác dụng chống đỡ cho phần mái tháp. Phần cổng vòm phía trên bao gồm 3 ngọn tháp được đắp nổi họa tiết hoa văn Khmer, trên đó có ghi tên chùa Sêrây C-ro Săng bằng tiếng Khmer với nét chữ màu đỏ. Chánh điện chùa quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer, phật ở phương Tây quay mặt sang hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa phải xây theo hướng Đông để hợp với hướng thờ Phật Thích Ca trong chánh điện. Ngôi chánh điện của chùa Sêrây C-ro Săng hiện nay được xây dựng lại vào năm 2005 dưới thời trụ trì của Hòa thượng Lý Thi, chánh điện xây dựng trên hai cấp nền cao hơn hẳn các công trình khác trong khuôn viên chùa. Giữa mỗi cạnh đều có một vị phật ngồi tọa thiền quay về 4 hướng với ý muốn: Phật pháp lan tỏa và thấm nhuần khắp 4 phương. Quanh cấp nền của chánh điện đều có hàng rào bao bọc và có lối cầu thang đi lên nơi thờ phật ở mỗi cạnh của chánh điện. Kết cấu mái ngôi chánh điện là một kết cấu đặc biệt gồm 5 ngọn tháp, bao gồm 4 ngọn tháp nằm ở 4 cạnh tương xứng với vị trí của 4 vị phật ngồi tọa thiền phía dưới. Mỗi tháp có chiều cao khoảng 5m và đáy rộng 3m, riêng ngọn tháp trung tâm nằm giữa chánh điện cao khoảng 7m và rộng 5m. Chính sự đặc biệt này đã khiến cho mái chính điện trở nên đồ sộ, song không vì thế mà mất đi vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng; trên từng cấp mái đều được trang trí hình rồng cách điệu trong văn hóa Khmer. Bên trong chánh điện là một không gian rộng để thờ Phật Thích Ca và nhiều tượng phật khác nhau, mỗi tượng phản ánh một sự kiện quan trọng nhất định trong cuộc đời của đức Phật. Xung quanh tường bên trong và ngoài chánh điện đều được trang trí hình ảnh về cuộc đời của Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến nhập cõi niết bàn. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Sêrây C-ro Săng vừa là cơ sở nuôi chứa những cán bộ hoạt động cách mạng, vừa là một trong những mũi nhọn cho các phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer chống lại sự đàn áp của chính quyền tay sai thời Mỹ - Diệm cho đến khi cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam thành công ngày 30/4/1975. Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 12/5/2004, Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Sóc Trăng công nhận chùa Sêrây C-ro Săng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng 881 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Quan Âm Linh Ứng (Phật Học 2)

Ngôi chùa Quan Âm nằm cạnh vàm Đại Ngãi gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung, là nơi đầu tiên đón tiếp và chăm sóc cho Đoàn tù chính trị Côn Đảo về đất liền. Chùa Quan Âm tọa lạc tại ấp Ngãi Hội 2, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có lịch sử từ lâu đời. Theo các tài liệu còn lưu lại, trong khoảng thời gian từ năm 1860 - 1872, chùa được xây dựng và đặt tên là Quan Âm Cổ Tự. Chùa Quan Âm khởi đầu được cất bằng cây lá đơn sơ, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nên mới hoàn thiện và khang trang như ngày nay. Đặc biệt, nơi đây vào ngày 23/9/1945 đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, chùa Quan Âm và bà con phật tử cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng vinh dự đón tiếp và tận tình đóng góp công sức chăm sóc đoàn chiến sĩ cách mạng trung kiên hơn 1.800 người, vừa trở về đất liền sau những năm tháng bị địch giam cầm tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Trong đoàn chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ có sự hiện diện của các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, cùng nhiều cán bộ khác. Sự kiện đón rước, chăm sóc Đoàn tù chính trị Côn Đảo về đất liền đã tiếp thêm sức mạnh, giúp Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng vượt qua nhiều khó khăn trong buổi đầu xây dựng chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp. Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn ấy, chùa Quan Âm được tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2004. Ngày nay, ngôi chùa là địa điểm sinh hoạt tôn giáo của bà con phật tử địa phương, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như là địa điểm tham quan của du khách gần xa. Đại đức Thích Phước Thiện - Phó Trụ trì chùa Quan Âm cho biết: “Ngôi chùa không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân mà còn là nơi phục vụ cho các tiện ích, sinh hoạt cộng đồng của người dân; nơi giáo dục truyền thống cách mạng địa phương. Ngoài ra, bổn tự tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Nhà chùa kết nối các nhà hảo tâm gần xa để đem đến sự ấm áp, ấm no đối với bà con nghèo trong lúc khó khăn, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác từ thiện xã hội. Nhà chùa còn làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến tín đồ phật tử”. Hàng ngày, ngôi chùa đều đón khách thập phương đến tham quan, cúng dường, nghiên cứu; những ngày lễ lớn có rất đông du khách tham quan. Khi bước qua cổng tam quan, du khách sẽ bắt gặp tượng Phật Quan Âm đứng trên tòa sen ngay sân chùa và đi về phía phải chừng vài bước là ngôi Địa Mẫu thánh miếu. Bên trong là tượng Phật Di Lặc bằng đá đặt ngay phía trước chánh điện. Kế đến là ngôi chánh điện đang được xây dựng, trùng tu 1 trệt 1 lầu, bêtông hóa, có kiến trúc hiện đại, gần gũi với người dân Nam Bộ. “Giống như chánh điện của các ngôi chùa Bắc Tông khác, phần chánh điện Phật Thích Ca là vị Phật được thờ chính. Bên cạnh chánh điện còn thờ Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, Tiêu Diệm, Hộ Pháp, Tam Thế Phật, luôn thờ Tổ sư Đạt Ma. Phía trên chóp đỉnh của ngôi chánh điện là tòa bảo tháp với kiến trúc độc đáo” Ngôi chùa là nơi bà con phật tử và nhân dân địa phương gởi gắm niềm tin. Ngôi chùa chính là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục, tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng, chùa gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, đây còn là nơi có lịch sử, truyền thống cách mạng nên bà con ở đây rất tự hào. Nguồn: Báo Sóc Trăng Online

Sóc Trăng 1073 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích lịch sử Địa Điểm Chiến Thắng Chi Khu Ngã Năm

Chiến thắng Chi khu Ngã Năm có ý nghĩa to lớn, khẳng định sự trưởng thành của Đảng bộ, quân và dân Thạnh Trị - Ngã Năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm sa sút tinh thần và uy thế của địch, làm tăng nhuệ khí của quân và dân ta. Trong chiến tranh chống Mỹ, do Ngã Năm là nơi có vị trí chiến lược rất quan trọng cả về quân sự và kinh tế nên Mỹ - ngụy đã thiết lập một chi khu quân sự tại đây. Chi khu Ngã Năm thuộc Tiểu khu Ba Xuyên, vùng 4 chiến thuật, nằm trên vùng đất thuộc đầu doi ở ngã ba sông có năm nhánh. Thời Ngô Đình Diệm, Ngã Năm có nhiều tên tề ngụy ác ôn tập trung nơi đây. Trong đó, nổi tiếng gian ác là tên Mười Hưng. Chúng từng chỉ huy bọn lính dân vệ, bảo an kéo vào các vùng chung quanh thị trấn, thọc sâu vào nông thôn càn bố, vây ráp, bắt bớ, bắn giết, tù đày… gây đau thương tang tóc cho biết bao thường dân vô tội. Đầu tháng 5-1962, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh quyết tâm tiêu diệt Chi khu Ngã Năm. Với sự chuẩn bị chu đáo, ta đã tấn công tiêu diệt hoàn toàn chi khu, thu nhiều vũ khí, quân trang và quân dụng. Tuy nhiều lần Chi khu Ngã Năm bị ta tiêu diệt, nhưng Mỹ - ngụy tìm mọi cách trở lại tái chiếm, ra sức củng cố, xây dựng chi khu này thành một căn cứ quân sự vững chắc và bố trí lại hệ thống phòng thủ chặt chẽ. Trong những cuộc tấn công bao vây Chi khu Ngã Năm, thì cuộc chiến vào năm 1968 là cuộc bao vây kéo dài và ác liệt nhất. Trong những ngày đầu bao vây, ta chỉ pháo kích bắn tỉa, áp đảo tinh thần binh lính địch, tạo điều kiện cho lực lượng dân công tập trung xây dựng hai pháo đài, lập thành thế bao vây, tấn công hiệu quả hơn cho các bước tiếp theo. Trận chiến bao vây Chi khu Ngã Năm càng về sau càng dồn sức. Khi các pháo đài dựng lên đã hoàn thành, bọn địch hết sức hoảng sợ vẫn cố liều chết xông ra đánh phá, nhưng mỗi đợt phản kích đều bị bẻ gãy. Qua gần một tháng bao vây, ta đã đánh bật 21 lần bọn giặc liều chết xua lính ra phản kích. Quân ta đã diệt, làm bị thương hơn 60 tên địch, trong đó có nhiều tên chỉ huy thuộc sắc lính bảo an, an ninh quân đội, thám báo và bọn tề ngụy ác ôn. Kết quả, sau 52 ngày đêm của chiến dịch bao vây đánh lấn, quân dân Thạnh Trị được sự hỗ trợ mạnh của một bộ phận lực lượng tỉnh, ta đã hoàn toàn giải phóng Chi khu Ngã Năm. Chiến thắng Chi khu Ngã Năm mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, đó là lần đầu tiên ở chiến trường Tây Nam bộ, bằng chiến thuật bao vây đánh lấn của du kích và bộ đội địa phương cấp huyện (có kết hợp một bộ phận nhỏ của tỉnh) đã dứt điểm hoàn toàn một chi khu quân sự thuộc vào loại phòng thủ kiên cố nhất nhì tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chiến thắng Chi khu Ngã Năm là kết quả của sự chỉ đạo quyết tâm, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều thứ quân, trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân; kiên trì bám trụ bám dân, xây dựng cơ sở vững chắc, mưu trí sáng tạo, dũng cảm liên tục tấn công. Với gần 200 tên địch bị ta giết, làm bị thương, đồng thời làm rã ngũ gần một 100 tên khác trong chiến dịch đã nói lên lối đánh của chiến tranh nhân dân là đúng đắn mà địa phương biết áp dụng. Địa điểm chiến thắng Chi khu Ngã Năm tọa lạc tại phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, ngày 23/8/2004. Nguồn: Báo Sóc Trăng Online

Sóc Trăng 1394 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Miếu Bà chúa xứ ấp Mỹ Đông

Miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông tọa lạc tại ấp Mỹ Đông, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Nơi đây gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của một vùng đất cách mạng anh hùng. Ngược dòng lịch sử, ấp Mỹ Đông, xã Mỹ Quới xưa kia vốn là một vùng đất trống trải, rộng lớn, sông ngòi chằng chịt và rất vắng vẻ. Lúc bấy giờ, Miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông được xây dựng trên một nền cao khoảng 40cm, có diện tích 2.400m2. Ngôi miếu được xây bằng gạch, lợp ngói, chia làm 2 gian, gian trước thờ Bà Chúa Xứ và các bậc tiền hiền, hậu hiền, gian sau làm nhà bếp để chuẩn bị các lễ thức cúng kiếng. Trước năm 1930, phong trào khởi nghĩa chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn thực dân Pháp và tay sai của nhân dân Mỹ Quới liên tục diễn ra nhưng chưa mạnh mẽ. Đến đầu năm 1930, đồng chí Quản Trọng Hoàng là đảng viên đã về đến làng Mỹ Quới tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận cách mạng cho các thanh niên ưu tú. Từ nguồn nhân lực đó, vào tháng 6/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được thành lập tại chợ Mỹ Quới do đồng chí Châu Văn Phát làm bí thư. Trong một thời gian ngắn, đồng chí Châu Văn Phát phân hóa tư tưởng, cầu an, không kiên định lập trường, quên đi nhiệm vụ, bị kỷ luật. Sau đó, tổ chức đảng cấp trên đề cử đồng chí Trần Văn Bảy làm Bí thư Chi bộ và lấy Miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông làm địa điểm sinh hoạt chi bộ. Dưới các hình thức hoạt động công khai như tổ chức các lớp dạy võ, dạy nhạc cổ, dạy chữ quốc ngữ… nhiều lớp huấn luyện bí mật được chi bộ mở liên tục, ngầm tuyên truyền đường lối cách mạng, kết nạp nhiều thanh niên ưu tú vào Đảng, từ đó thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương ngày càng phát triển. Sau cuộc khởi nghĩa ngày 23/11/1940 trên khắp các tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp điên cuồng mở những cuộc càn quét với quy mô lớn để trả thù những người cách mạng yêu nước. Ngôi Miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông cũng bị bọn chúng đập phá, san bằng… Có thể nói, ấp Mỹ Đông, xã Mỹ Quới không chỉ là cái nôi cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng mà còn là căn cứ cách mạng của các cơ quan như: Huyện ủy và các ban ngành của huyện Thạnh Trị, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, cơ quan Binh vận, Giao liên, Kinh tài, Dân Quân y, đoàn Ca múa nhạc của tỉnh Sóc Trăng và một số ban ngành của Thị xã ủy Bạc Liêu. Trong kháng chiến, nhiều phen thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ trút bom đạn càn quét lực lượng cách mạng nhưng vẫn không lay chuyển nổi tinh thần sắt đá của quân dân vùng quê anh hùng này. Căn cứ địa cách mạng nơi đây vẫn được giữ vững cho đến ngày 30/4/1975. Theo các chú ở Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Quới, qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều người con ưu tú của quê hương Mỹ Quới đã được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có hơn 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trải qua mưa bom lửa đạn của những năm tháng chiến tranh, sau khi đất nước hòa bình, bà con ở ấp Mỹ Đông đã cùng nhau dựng lại miếu thờ bằng tre gỗ và lợp lá để thờ cúng, nguyện cầu cho mảnh đất quê hương được mưa thuận gió hòa, mọi người có cuộc sống an lành, no ấm. Đến năm 1997, tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng tấm bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Định kỳ hằng năm, người dân Mỹ Quới tổ chức lễ hội vía Bà vào ngày 16/2 âm lịch. Ngày 27/11/2003, Miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn: Báo Sóc Trăng Online

Sóc Trăng 1773 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông, Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Ngày 28-12-2001, Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang hồi ác liệt, khó khăn nhất thì tin buồn ập tới: Bác Hồ kính yêu lâm bệnh và qua đời. Đây là nỗi đau to lớn không sao tả xiết của nhân dân cả nước nói chung và của quân dân vùng sông nước cù lao nói riêng. Huyện ủy, Mặt trận Giải phóng Dân tộc huyện Long Phú cùng quân dân cù lao (lúc này Cù Lao Dung được chia thành 4 xã trực thuộc huyện Long Phú) đã tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh và chịu tang Người. Tại buổi lễ, lãnh đạo Huyện ủy Long Phú đã đọc bài điếu văn nói về công ơn to lớn của Bác Hồ đối với đất nước và nhân dân, đồng thời kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nén đau thương, biến thành sức mạnh đoàn kết bằng những hành động cách mạng cụ thể để thực hiện di nguyện của Người là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Sau lời tuyên thệ và quyết tâm đó, đã có hàng trăm ý kiến của chiến sĩ và nhân dân yêu cầu được dựng một đền thờ trên vùng đất cù lao để ngày đêm tưởng nhớ và phụng thờ Bác. Với lòng quyết tâm cao độ, Đảng bộ huyện Long Phú và quân dân các xã cù lao đã tích cực vận động quyên góp nhân lực, vật lực để đến ngày 3-2-1970, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, công trình đền thờ Bác được khởi công. Trong quá trình xây dựng đền thờ Bác gặp không ít khó khăn bởi các cuộc càn quét, đánh phá của địch. Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, các tay thợ khẩn trương làm vào buổi chiều tối và ban đêm. Công trình còn tận dụng gỗ, cột kèo từ căn nhà của một địa chủ bỏ lại và dùng đước, tràm, tre, lá được đốn đẽo, gọt, chằm sẵn ở nhà chở lại để vừa lắp ráp nhanh vừa không tập trung đông người. Khi việc xây dựng đền thờ cơ bản đã hoàn tất thì thêm một khó khăn là không có ảnh Bác Hồ để thờ. May thay, lúc đó bà con đã tìm được ảnh của Bác in trên tờ Báo Chiến đấu của tỉnh (tiền thân của Báo Sóc Trăng ngày nay), bà con cắt ra cho vào khung thấy vẫn đẹp, dù kích thước hơi nhỏ một chút. Sau gần 3 tháng, công trình hoàn thành. Đến ngày 19-5-1970, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày sinh của Bác, cũng là ngày hoàn tất Đền thờ Bác Hồ, cán bộ cùng hàng ngàn người dân nô nức tập trung dự lễ, bất chấp nguy hiểm do bom đạn, pháo của địch. Ngôi đền hoàn thành với sự đóng góp của nhân dân các xã cù lao và cả phần tiền của nhân dân các xã, thị trấn vùng đất liền huyện Long Phú quyên góp gởi sang. Trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, tôn tạo, đến năm 2010, Sóc Trăng khởi công xây dựng công trình “Tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ” với các hạng mục như: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội, sân lễ, ao sen, tường rào, đường nội bộ, cây xanh... trên diện tích rộng 2,2ha. Sau gần 3 năm thi công, Đền thờ Bác Hồ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong đợi và là niềm tự hào của nhân dân Sóc Trăng. Đền thờ Bác Hồ là một địa chỉ đỏ, là nơi mà nhiều người dân địa phương, du khách trong và ngoài tỉnh, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên thường đến đây để viếng và thắp hương tưởng niệm Bác Hồ kính yêu. Nguồn: Báo Sóc Trăng Online

Sóc Trăng 885 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Chùa Dơi

Chùa Dơi có tên là Wathserâytêchô - Mahatup (phiên âm từ tiếng Khmer). Về sau đồng bào người Kinh và người Hoa đọc trại từ Mahatup thành “Mã Tộc”. Cho nên cũng có nhiều người gọi là: “Chùa Mã Tộc”. Ngoài ra dân gian còn gọi là chùa Dơi bởi vì trong chùa này có nhiều dơi. Từ “Mã Tộc” cũng chính là địa danh (từ ngã ba đường cho đến lối rẽ vào Chùa Dơi) như là một làng nhỏ. Dân cư ở đây có 3 dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer) cùng sinh sống. Chùa Dơi là một tổng thể kiến trúc gồm có: Ngôi chánh điện, Sala (nhà hội của sư sãi và tín đồ) nhà tăng của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… Toàn bộ các công trình toạ lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ, diện tích khoảng 4 hecta. Chùa Dơi nằm trong địa bàn thành phố Sóc Trăng, thuộc khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Theo người Khmer, Mahatup là trận đánh lớn (Tup: trận đánh; Maha: lớn). Nơi đây đã diễn ra một trận đánh ác liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống bọn phong kiến ngày xưa. Sau trận đánh đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống, họ cho rằng vùng đất này có điềm lành (đất lành) nên xây chùa thờ Phật. Như để có một đấng tối cao che chở cho họ (vì các trận đánh của phong trào nông dân ở những nơi khác đều bị thất bại, nhưng ở nơi đây trận chiến diễn ra ác liệt và đã giành thắng lợi). Theo thư tịch cổ của Chùa còn để lại có ghi chép: Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1569 dương lịch. Kiến trúc Chùa Dơi cũng giống như bao kiến trúc Chùa Khmer khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Về họa tiết trang trí, điêu khắc, hội họa mang sắc thái văn hoá Khmer. Từ những hiện tượng gần như là huyền bí của đàn dơi ở “Chùa Dơi”, tiếng đồn vang xa, khách thập phương ai cũng muốn tới viếng thăm để tận mắt chứng kiến. Từ thời chiến tranh chống Mỹ “Chùa Dơi” đã vang tiếng với những điều huyền bí , cho nên khuôn viên Chùa lúc ấy rất xa lạ với xã hội bên ngoài. Vì vậy, cán bộ của ta thường lui tới hoạt động cách mạng. Cho đến ngày nay Chùa Dơi rất nổi tiếng, vì phong cảnh hữu tình, gần gũi với thiên nhiên, có quần thể kiến trúc tôn giáo chính thống của dân tộc Khmer và bầy dơi huyền bí (theo quan điểm tín ngưỡng của từng dân tộc) đã thôi thúc khách tham quan đến viếng Chùa ngày càng đông đúc. Hiện nay, các hiện vật trong chùa dơi còn chủ yếu là tượng các Phật như: tượng Phật Thích Ca ngồi thiền định cao 2 m bằng xi-măng và nhiều bức tượng nhỏ khác bằng xi-măng và vật liệu khác do phật tử cúng chùa. Ngoài ra còn có khung cửa võng (bao lam) bằng gỗ sơn son thiếp vàng chạm trổ hình chim muông, hoa lá, đặc biệt có hoạ tiết hình những chú dơi; một cái giường chạm hoa lá tinh sảo, sơn son thiếp vàng; hai tủ lớn có chạm hoa văn theo mô típ cổ truyền của người Khmer. Đặc biệt hơn cả là trong sảnh của đại đức trụ trì và phòng khách còn có bức tượng của một đại đức đã viên tịch, với kích thước giống y như người thật trong tư thế thiền định làm bằng xi-măng đã làm cho gian phòng khách ấm cúng và sinh động, hấp dẫn. Ngày 12 tháng 2 năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Chùa Dơi là di tích cấp quốc gia. Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng 1339 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Hòa Tú

Đình Hòa Tú ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Đình Hòa Tú, là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang những đặc trưng cổ truyền của văn hóa dân tộc Việt Nam gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử hào hùng, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của nhân dân vào ngày 23/11/1940. Theo lời kể của các cụ cao niên ở địa phương, ngày xưa, làng Hòa Tú rất sung túc, dân làng hòa thuận, làm ăn yên ổn. Vua Tự Đức đã khen ngợi và phê sắc phong thần cho làng vào ngày 29/11/1852. Cũng từ đó, dân làng góp sức xây dựng một ngôi đình đẹp, rộng rãi, khang trang để thỉnh sắc về thờ. Ngôi đình đầu tiên có diện tích rất rộng, hơn 360m2, gồm 3 gian song song, bố trí theo hướng Đông Bắc, Tây Nam, cổng nhìn hướng Đông Bắc, mái đình lợp ngói âm dương, cột đình bằng gỗ căm xe chắc chắn. Trong đình, từ cột kèo, bài vị, bệ thờ, liễn đối đều được chạm trổ khéo léo. Gian đầu là nhà võ ca, gian giữa nhà khách, gian sau là điện thờ thần và các vị công thần khai quốc… Năm 1938, đồng chí Phạm Hồng Thám và đồng chí Tư Bối về Hòa Tú xây dựng cơ sở Đảng, sau đó Chi bộ Hòa Tú được thành lập với 3 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Hòa Tú, các tổ chức phản đế của nông dân, thanh niên, phụ nữ… làng Hòa Tú ra đời và phát triển nhanh chóng. Ngày 23/11/1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy được Chi bộ Hòa Tú tiếp nhận, đông đủ mọi người từ các ấp trong làng với vũ khí thô sơ cầm chặt trong tay: gậy gộc, giáo mác, kích, phảng, búa… tập trung trước sân đình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Đến 2 giờ sáng ngày 24/11/1940, cuộc khởi nghĩa của làng Hòa Tú thắng lợi, lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện tung bay trong làng Hòa Tú… Theo chiều dài lịch sử, mặc dù bị ảnh hưởng, tàn phá bởi chiến tranh nhưng hồn cốt của đình Hòa Tú vẫn được nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ. Trước năm 1945, đình được tu sửa lại, vách ván được thay bằng vách gạch trát vôi. Năm 1946, khi giặc Pháp trở lại, quyết không để địch có nơi đóng quân, người dân buộc phải tháo dỡ đình. Cho đến năm 1957, ngôi đình được xây dựng lại, tuy nhiên do cột kèo hư hỏng, đồ thờ thất lạc, ngôi đình đã không còn nguyên vẹn như xưa. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), đình nhiều lần được trùng tu, gần đây nhất là vào năm 2010. Hiện trạng của đình là nền rộng 112m2, có hai gian, gian trước là võ ca, gian sau là điện thờ. Trong điện thờ có bệ thờ thần giữa điện xây bằng gạch trát ximăng, trên vách giữa bệ treo một bằng nền đỏ gắn chữ Thần bằng gỗ sơn nhũ vàng, đồ thờ là một bộ tam sư gồm 1 bình gốm cắm hương ở giữa và 2 chân nến bằng gỗ hai bên hình tượng đôi hạc đứng trên lưng rùa được vẽ bằng sơn dầu. Bên trái của điện thờ là bệ thờ đồng chí Văn Ngọc Chính và các liệt sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Hòa Tú năm 1940; bệ bên góc phải thờ các liệt sĩ và nhân dân Hòa Tú đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cách cổng đình 14m có dựng tấm bia lưu niệm. Mặt trước bia tô đá rửa, trên đó trang trí lá cờ đỏ sao vàng hình tròn chạm nổi, dưới cờ là 1 ô vuông lõm tạm gắn một bảng thiếc kẻ dòng chữ “Truyền thống Hòa Tú 23/11/1940”. Hiện nay, trong đình còn lưu giữ nhiều vật phẩm quý như 2 chiếc mai rùa bằng gỗ, 2 cái lưng hạc bằng gỗ có khắc văn tự Hán Nôm, đôi chân bài vị bằng gỗ hình chữ nhật có chạm hoa văn quanh viền, 1 mảnh gỗ chạm hình rồng lượn trong mây và 1 mảnh gỗ chạm hình mặt rồng phun nước, Sắc phong thần làng Hòa Tú do vua Tự Đức phê, 1 khẩu súng 2 nòng là di vật của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại làng Hòa Tú năm 1940. Theo thông lệ, cứ đến ngày rằm tháng 2 âm lịch mỗi năm, đình Hòa Tú sẽ tổ chức lễ cúng linh thần, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chiêm bái. Đình Hòa Tú được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 16/6/1992. Nguồn: Báo Sóc Trăng Online

Sóc Trăng 938 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Trường TaBerd

Khu di tích lịch sử - Văn hóa Trường Taberd Sóc Trăng Ngày nay nằm trong khuôn viên trường Trung học phổ thông Ischool tọa lạc tại số 19, Tôn Đức Thắng, Phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Sở dĩ Khu di tích có tên gọi là Trường Taberd, vì xưa kia đây là trường Tiểu Học nội trú của tổ chức công giáo Pháp, được xây dựng vào năm 1912. Trường có khuôn viên rộng 11.128m2, có sức chứa vài ngàn người. Nơi đây đã ghi dấu một sự kiện cách mạng có ý nghĩa quan trọng, ghi nhận sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng trong công cuộc kháng chiến chống Pháp . Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta nhanh chóng củng cố xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân. Đồng thời, đối phó với âm mưu trở lại xâm lược của Thực dân Pháp. Tại Miền Nam, Xứ Uỷ Nam Kỳ giao cho Tỉnh Ủy Sóc Trăng một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đó là việc tổ chức đón rước các cán bộ chiến sĩ từ Côn Đảo trở về. 7 giờ tối ngày 23/9/1945, đoàn tàu ghe chở khoảng 2.300 người, trong đó có hơn 1.800 người là tù Chính Trị từ Côn Đảo đã về tới Sóc Trăng cập bến Cầu Nổi cũng là cảng Cầu Tàu lục tỉnh. Và Trường Taberd với khuôn viên rộng rãi và ở cạnh bên cầu Nổi đã được chọn làm nơi dừng chân, nghỉ dưỡng của các chiến sĩ tù chính trị Côn Đảo từ ngày 23/9 đến ngày 30/9/1945. Tại đây các chiến sĩ tù chính trị Côn Đảo đã được hàng ngàn đồng bào Sóc Trăng chào đón nhiệt tình giữa rừng đuốc, rừng cờ và biểu ngữ. Hàng chục tấn gạo, đường muối, hàng trăm con heo, gà, vịt và hàng ngàn bộ quần áo, chăn, chiếu, mùng, ván… được nhân dân quyên góp để chuẩn bị đón đoàn, một đội phục vụ gồm hàng trăm nam nữ thanh niên đã ở trong tư thế sẵn sàng phục vụ. Sau ngày 30/9/1945, đoàn chiến sĩ tù chính trị Côn Đảo lên đường về Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới. Qua việc đón rước và chăm sóc Đoàn tù chính trị Côn Đảo, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng đã hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện, ngày 11/6/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận Trường Taberd Sóc Trăng là di tích Lịch sử cấp quốc gia, thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng. Trong phòng trưng bày được bố trí với 6 nội dung lớn : Nội dung thứ nhất là “Nhà tù Côn Đảo – Địa ngục trần gian” : gồm một số hình ảnh của nhà tù Côn Đảo và các tù nhân được chụp lại thể hiện một phần nào sự đày đọa, tra tấn dã man các tù chính trị trong nhà tù thực dân. Nội dung thứ hai là Sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công : Nội dung thứ ba là : Sự kiện đón rước đoàn tù Chính Trị từ Côn đảo về đất liền. Nội dung thứ tư là : Quá trình 7 ngày chăm sóc cán bộ, chiến sĩ tại Trường Taberd. Nội dung thứ 5 là : Các nhân vật tiêu biểu. Nguồn: Cổng thông tin điện tử UBND Thành phố Sóc Trăng

Sóc Trăng 1398 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Căn Cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng

Di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng có diện tích 281 ha, nằm trong khu rừng tràm Mỹ Phước, thuộc địa phận xã Mỹ Phước, Huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Trung tâm của khu di tích là Hội trường, nơi diễn ra hàng ngàn cuộc họp của Đảng bộ và Ban Chấp Hành Tỉnh ủy Sóc Trăng trong thời kháng chiến. Trước đây, Hội trường được dựng tạm bằng vật liệu sẵn có trong rừng như: Tràm, lá dừa nước, ... Sau năm Mậu Thân 1968, để thích nghi với tình hình mới, đồng thời xây dựng căn cứ kiên cố để bám trụ kháng chiến lâu dài, Hội trường được xây dựng lại bằng gỗ dầu vuông, mái lợp lá chẻ, có chiều cao 4.7m, dài 20m, rộng 4m và chia làm 5 gian bằng nhau. Hai bên hông của Hội trường còn bố trí 4 căn hầm đúc bằng bêtông, dùng để ẩn nấp khi máy bay hay pháo của địch bắn phá. Trong đó có 2 hầm nổi, 1 cái có thể chứa 10 đến 15 người và 2 hầm chìm, 1 cái chứa 20 đến 25 người. Đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng lãnh đạo nòng cốt, Khu căn cứ còn trang bị thêm 2 hầm bí mật cách Hội trường khoảng 300m, trong đó chuẩn bị sẵn lương thực dự trữ và các vật dụng cần thiết, mỗi hầm chứa khoảng 10 đến 13 người. Ngoài ra, Khu căn cứ còn có nhà làm việc của đồng chí Bí thư và nhiều lán trại của các cơ quan trực thuộc được xây dựng dưới hình thức dã chiến. Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng còn được nhân dân gọi tắt trong thời chiến là Căn cứ Mỹ Phước, bởi vì căn cứ này được hình thành và xây dựng trong khu rừng tràm thuộc xã Mỹ Phước. Trước đây, khu vực này chỉ là cánh đồng hoang vu đầy cỏ dại, rộng hàng chục ngàn hét ta, sau đó người dân đến đây khai phá, định cư và lập ấp. Đầu thế kỷ 20, sau khi chiếm 6 tỉnh Nam kỳ gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên - địa bàn Sóc Trăng thuộc tỉnh An Giang, Pháp đẩy mạnh khai thác tài nguyên, chiếm đất nông sản, bắt nhân dân đào kênh, rạch và trồng tràm. Lúc bấy giờ (1926), tỉnh Sóc Trăng có 4 quận là Châu Thành, Kế Sách, Long Phú và Phú Lộc, khi đó Mỹ Phước thuộc quận Châu Thành. Đến ngày 25/8/1945, sau khi nhân dân Sóc Trăng giành chính quyền thành công thì rừng tràm này là tài sản của nhân dân. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cả nước khẩn trương xây dựng và củng cố lực lượng chuẩn bị kế hoạch kháng chiến, tiếp tục chống thực dân Pháp xâm lược, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chủ trương mở rộng công bình xưởng, nhằm chế tạo vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang, phục vụ kháng chiến, do đó tháng 4/1946 công binh xưởng Sóc Trăng ra đời tại khu rừng tràm. Để góp phần làm thất bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp và bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, tháng 9/1947 Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định dời Căn cứ từ Cù Lao Dung (lúc bấy giờ thuộc huyện Long Phú) về rừng tràm Mỹ Phước. Tại đây, Ban Chấp Hành Tỉnh ủy đã triển khai Nghị quyết của Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo chiến lược tác chiến cho quân và dân Sóc Trăng trên các mặt trận từ vũ trang đến chính trị. Có thể nói Căn cứ Mỹ Phước lúc bấy giờ là nơi đứng chân chỉ đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chung của cả nước đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp. Sau năm 1954, khi Mỹ hất chân Pháp vào chiếm Đông Dương, dưới chính quyền bù nhìn của Ngô Đình Diệm, ngày 20/10/1956 tỉnh Sóc Trăng được đổi tên thành tỉnh Ba Xuyên. Bằng chính sách “tố công, diệt cộng” bọn ngụy quyền ra tay sát hại dã man những người cộng sản. Trước tình hình đó, quán triệt tư tưởng trong nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1959), từ Căn cứ rừng tràm Mỹ Phước, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã phát động phong trào đồng khởi trong toàn tỉnh, bắt đầu con đường cách mạng bạo lực chống đế quốc Mỹ và tay sai. Cũng từ đây, Tỉnh ủy Sóc Trăng tiếp tục đưa phong trào đấu tranh của quân và dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến ngày tỉnh Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng (1/5/1975). Với những giá trị và ý nghĩa ấy, ngày 16/6/1992, Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Khu căn cứ Tỉnh ủy là Di tích Lịch sử Cách mạng cấp quốc gia. Nguồn: Trung tâm Xúc Tiến Du Lịch Sóc Trăng

Sóc Trăng 1012 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Khleang

Chùa Khleang nằm ngay trung tâm thành phố, tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, thuộc khóm 5, phường 6, Thành phố Sóc Trăng. Chùa được xây dựng cách đây gần 500 năm gắn liền với những truyền thuyết của địa danh Sóc Trăng. Chính điện chùa được xây trên nền đất cao rộng, không gian trong xanh, đặc biệt có nhiều cây thốt nốt là cây đặc trưng của người khmer. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng mãi đến 1918, Chính điện và Sala được xây dựng lại, đồng thời cũng được thay toàn bộ chất liệu. Vẫn là đặc trưng kiến trúc của người Khmer Nam bộ với hình tượng rồng trên mái. Trong tích Phật, đồng bào Khmer thường kể rằng: Rồng là con vật linh thiêng, tự nó biến mình thành thuyền để đưa Phật vượt bể tới các nơi giảng kinh cứu độ chúng sinh. Do đó, Rồng được đưa lên mái chùa với ý đồ mong muốn đức Phật dừng lại để cứu vớt họ thoát khỏi cảnh trầm luân. Tiếp giáp với mái chánh điện là hình tượng chim thần Krud đang nâng đỡ mái thật khỏe khoắn. Với truyền thuyết dân tộc Khmer, chim thần Krud là vua của các loài chim. Còn phía trước và phía sau chính điện chùa đều có hình tượng Chằn đứng bảo vệ chùa, trong các chuyện cổ tích khmer hay trong Dù-Kê, nhân vật Chằn là biểu tượng của cái ác, cái xấu, gây ra cảnh đau khổ cho mọi người. Tuy nhiên trong nghệ thuật tạo hình khmer, Chằn đã được thu phục bởi đức Phật. Việc đặt tượng Chằn bên ngoài chính điện hàm ý cái ác, cái xấu đã được biến cải để phục vụ, để bảo vệ cho cái đẹp cái thiện. Bên trong chính Điện là một gian phòng rộng dành riêng cho việc hành lễ. Ngoài 12 cột tròn, phần quan trọng nhất bên trong chính điện là bệ thờ tượng Phật Thích Ca, tượng cao 2,5m đặt ở giữa hai gian trong cùng, không những quý về chất liệu mà còn cả về nghệ thuật điêu khắc. Trên bệ thờ dày đặc những hoa văn họa tiết với các mảng điêu khắc tinh xảo, các hoa văn hình ngọn lửa rất đặc trưng nét văn hóa khmer. Nổi lên một cảm thức thẩm mỹ tinh tế vào cảm hứng. Vì theo hệ Phật giáo tiểu thừa, nên chùa của đồng bào Khmer Nam bộ chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều tư thế khác nhau: ngồi thiền định, mới khai sinh, đi khất thực, lúc niết bàn,. Phần nội thất của chánh điện chùa là sự giao thoa của 3 nền văn hoá: Kinh, Khmer, Hoa trong một không gian kiến trúc, thể hiện rõ trên những cây cột gỗ: nghệ thuật sơn mài Việt, cách phối hợp màu sắc truyền thống người Khmer và nét vẽ đặc trưng của người Hoa, tạo nên một tuyệt tác mà có lẽ chỉ riêng ở chùa Khleang mới có. Ngoài vai trò là cơ sở tín ngưỡng, ở chánh điện chùa còn lưu giữ, bảo tồn bộ sưu tập về tượng phật với nhiều tư thế, kích cỡ, chất liệu khác nhau được ví như một bảo tàng nghệ thuật cổ về hiện vật. Các hiện vật này do nhiều thế hệ cao tăng đã gìn giữ hàng trăm năm qua, từ sự đóng góp gửi gắm của nhiều phật tử. Từ khi bắt đầu xây dựng chùa cho đến nay, Chùa Khleang đã trải qua 21 vị đại đức trụ trì và vị trụ trì hiện nay là đại đức Tăng Nô (1943). Có vị không những chăm lo xây dựng chùa mà còn tham gia tích cực vào hoạt động cách mạng như chống bắt lính, nuôi chứa cán bộ cách mạng có tên tuổi... có vị phải hi sinh trước nòng súng của địch như Đại Đức Trần Kế An, vị sư cả trụ trì đã bị bọn địch sát hại ngay tại hậu viên chùa. Vì thế, vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa vừa là nơi tổ chức sinh hoạt tôn giáo vừa là nơi hoạt động cách mạng có hiệu quả nhất của Đảng. Trải qua năm tháng, với ý nghĩa lịch sử quan trọng cùng với lối kiến trúc giá trị nghệ thuật còn lưu giữ, chùa Khleang đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào ngày 27/04/1990. Nguồn: Cổng thông tin điện tử UBND Thành phố Sóc Trăng

Sóc Trăng 954 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật