Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Gia Lai

Khu di tích lịch sử Tỉnh Ủy Gia Lai (Khu 10)

Căn cứ địa cách mạng Khu 10 (nay là địa bàn xã Krong, huyện Kbang) hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, được tỉnh chọn làm “An toàn khu” trong suốt 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975). Mặc dù quân thù huy động nhiều phương tiện, lực lượng và dùng mọi cách để đánh phá nhưng Căn cứ địa cách mạng Khu 10 luôn đứng vững, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của tỉnh Gia Lai. Địa bàn xây dựng Căn cứ địa cách mạng Khu 10 vốn là căn cứ địa liên hoàn của 3 huyện Đông Bắc Gia Lai từ thời kháng chiến chống Pháp. Căn cứ liên hoàn này gồm 3 xã: Lơpà (huyện Plei kon), Hơn nơng (huyện Nam Kon Plông), Bơnâm và một phần xã Nam (huyện An Khê). Địa hình núi cao, rừng rậm, sông suối chia cắt; ba mặt Đông, Tây và Bắc dựa vào thế núi; mặt phía Nam tiếp giáp vùng trũng An Khê, tiến có thể đánh địch, lui có thể đứng chân yên ổn dưỡng quân, luyện quân. Nơi đây có khí hậu nhiệt đới ẩm mát, cư dân hầu hết là đồng bào Bahnar với bản tính chịu thương, chịu khó, cần cù lao động, sống thủy chung một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân nơi đây đều bất hợp tác với giặc, nhiều làng đến trước năm 1945 vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm soát của địch. Vùng này trở thành hành lang giao liên, hành lang tiếp tế, tiến quân của các đội vũ trang tuyên truyền, các đội vũ trang từ đồng bằng tiến lên vùng Bắc Pleiku và Tây Bắc đường 14, mở rộng cơ sở. Những năm 1950-1954, nơi đây là địa bàn đứng chân của các đơn vị quân chủ lực để tiến đánh địch trong các chiến dịch An Khê và Nam Bắc đường 19. Lúc đầu, cơ quan Tỉnh ủy chỉ có 8-10 người. Sau đó, phong trào phát triển, nhất là khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (1960), tiếp đến khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập thì các ban, ngành của tỉnh cũng hình thành. Ngoài các cơ quan chủ chốt như: Tỉnh ủy, chính quyền giải phóng, Mặt trận, Ban quân sự thì còn có các ban chuyên môn: Kinh tế-Tài chính, Văn hóa, Giáo dục, Y tế... Trong khó khăn gian khổ, đối phó với biện pháp chiến tranh hủy diệt của địch, cán bộ của cơ quan đã cùng quân và dân đoàn kết, gắn bó để tồn tại, vừa sản xuất vừa chiến đấu chống giặc, giữ vững căn cứ. Không chỉ là căn cứ cách mạng của tỉnh, Khu 10 còn là nơi che chở một số cơ quan của Liên khu 5, các tỉnh bạn trong những lần địch càn quét, đánh phá ở đồng bằng. Đặc biệt, Khu 10 còn là địa bàn đứng chân của các trạm giao liên-một mắt xích quan trọng của tuyến hành lang Trung ương Bắc-Nam và đường hành lang Đông-Tây song song với quốc lộ 19. Mặc dù phải hứng chịu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, song dưới sự che chở, đùm bọc của núi rừng và đồng bào nơi đây, Căn cứ địa cách mạng Khu 10 luôn đứng vững, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của tỉnh hoạt động và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 17-3-1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngày 17-3-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Khu di tích được thiết kế theo kiểu mô phỏng các công trình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm: lán Bí thư, lán Phó Bí thư, lán Cơ yếu, lán Văn phòng, hầm chữ A, nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, nhà tưởng niệm, nhà bia ghi sự kiện; đồng thời, khôi phục rừng và bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái trong khu di tích. Ngày 19-5-2018, Khu di tích lịch sử căn cứ địa cách mạng Khu 10 được khánh thành. Đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ hiện nay luôn ghi nhớ công lao, sự cống hiến, hy sinh quên mình của thế hệ cha anh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Nguồn: Báo Gia Lai điện tử

Gia Lai 948 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền tưởng niệm Mộ liệt sỹ

Di tích lịch sử Đền Tưởng Niệm Mộ Liệt Sỹ nằm trên tuyến đường Nguyễn Viết Xuân thuộc tổ dân phố 11 (nay là tổ dân phố 3), phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Di tích lịch sử Đền Tưởng Niệm Mộ Liệt Sỹ tại Hội Phú là nơi yên nghỉ của hơn 200 liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại thị xã Pleiku – Gia Lai. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 diễn ra tại thị xã Pleiku, bắt đầu từ đêm 30 rạng sáng mồng một Tết Mậu Thân 1968 kéo dài đến hết ngày mồng 3 Tết, có gần chục đơn vị từ đại đội đến tiểu đoàn cùng cán bộ dân chính tiến công vào thị xã Pleiku đánh vào nhiều cơ quan đầu não của địch. Trong đó đặc biệt là lực lượng Khu 9 (thị xã Pleiku – nay là thành phố Pleiku) gồm đại đội đặc công C 90 và đại đội đặc công C21; Tổng kết chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại thị xã Pleiku: Quân dân tỉnh ta (chủ yếu là mặt trận thị xã Pleiku) đã diệt gần 3.500 tên địch, phá hủy 500 xe quân sự, 35 pháo và một số máy bay các loại, đốt cháy gần hàng triệu lít xăng dầu của địch. Phối hợp với tiến công quân sự, 11.000 quần chúng đã xuống đường biểu tình đấu tranh chính trị. Chính quyền cách mạng tại một số ấp xã ở các huyện (Khu) 3, 4, 5, 6 được thành lập. Hơn 14.000 đồng bào phá ấp chiến lược trở về làng cũ, 11 làng ven thị được giải phóng. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân, Đại tướng – Võ Nguyên Giáp, thay mặt Thường trực Quân ủy Trung ương gửi điện “nhiệt liệt khen ngợi những thành tích vừa qua của quân dân thị xã Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Pleiku và thị trấn Tân Cảnh”. Ngày 6/2/1968, Nhà nước ta tuyên dương khen thưởng “Huân chương Thành đồng Tổ quốc” cho quân dân thị xã Pleiku, đồng thời lực lượng an ninh thị xã Pleiku (Khu 9) cũng được tặng Huân chương Chiến công hạng 3. Năm 2020 đại đội đặc công C90 vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có một ý nghĩa to lớn đối với thị xã Pleiku: Ngay sau khi giải phóng, chính quyền thị xã Pleiku luôn quan tâm và chăm sóc phần mộ chung của các liệt sỹ. Để tưởng nhớ công ơn các liệt sĩ, Đảng bộ và chính quyền thị xã Pleiku không di dời hài cốt các liệt sỹ về nghĩa trang mà vẫn giữ nguyên vị trí, năm 1993 thị xã Pleiku xây dựng lại ngôi mộ tập thể tại chỗ với đài “Tổ quốc ghi công” và mỗi bên có một tấm bia ghi các đơn vị tham gia chiến dịch và số lượng cán bộ chiến sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Pleiku. Từ năm 2004 đến 2005, Đảng bộ và chính quyền thành phố Pleiku đã tu bổ, xây dựng lại ngôi mộ chung bằng bê tông cốt thép kiên cố và lát đá Granit khang trang tại vị trí cũ. Xây mới Đền tưởng niệm, nhà đón khách, văn bia, khuôn viên cây cảnh. Năm 2020, tháp chuông được xây dựng và nhà đón khách được cải tạo. Với giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích đối với lịch sử phát triển của Pleiku – Gia Lai, đồng thời cũng là nguyện vọng của thân nhân các anh hùng liệt sỹ từ mọi miền Tổ quốc có con em hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 tại thị xã Pleiku. Ngày 05/03/2007 UBND Tỉnh Gia Lai quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Di tích lịch sử Đền tưởng niệm Mộ liệt sỹ, tổ 11 phường Hội phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Hàng năm Đảng bộ và Nhân dân thành phố Pleiku tổ chức lễ viếng, dâng hoa – dâng hương tại khu di tích, nhất là vào dịp Tết nguyên đán, ngày 17 tháng 3, 30 tháng 4, 27 tháng 7, 2 tháng 9 và các sự kiện chính trị khác của thành phố. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Gia Lai 1275 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Địa điểm chiến thắng Pleime

Chiến thắng Plei Me là chiến dịch đầu tiên thắng Mỹ của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Plei Me củng cố niềm tin vào khả năng đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ của đồng bào miền Nam. Bia di tích lịch sử chiến thắng Plei Me đặt tại xã Ia Ga (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Ngày 20-7-1965, khi quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Nhân dân chống Mỹ, cứu nước: “Đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Cuối tháng 7-1965, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương cử Thiếu tướng Chu Huy Mân-Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Khu ủy V, Chính ủy Quân khu 5 làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên. Đầu tháng 10-1965, Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm và kế hoạch Chiến dịch Plei Me. Giữa tháng 10-1965, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tập hợp lực lượng mở Chiến dịch Plei Me. Ý định chiến dịch của ta là: “Vây điểm đánh viện. Trước diệt ngụy, sau diệt Mỹ. Kéo quân Mỹ ra xa căn cứ, đưa chúng đi vào các vùng rừng núi để tiêu diệt”. Plei Me là một trung tâm huấn luyện biệt kích nằm trên địa bàn Khu 5 (huyện Chư Prông ngày nay), cách Pleiku khoảng 30 km về phía Tây Nam. Đây là mắt xích quan trọng trong dải phòng ngự phía Tây, Tây Nam thị xã Pleiku và Tây Nam căn cứ Quân đoàn 2 của địch. Theo kế hoạch của ta, phạm vi địa bàn của chiến dịch không chỉ là trung tâm huấn luyện biệt kích Plei Me mà diễn ra trên địa bàn rộng lớn trong tứ giác: Plei Me-Bàu Cạn-Đức Cơ-I a Đờ răng trong không gian rộng khoảng 1.200 km2. Khu vực quyết chiến với quân Mỹ được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xác định là thung lũng I a Đờ răng dưới chân đỉnh Chư Prông. Đêm 19-10-1965, Chiến dịch Plei Me mở màn. Các đơn vị bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực làm nhiệm vụ nghi binh lừa địch nổ súng uy hiếp cứ điểm Đức Cơ, tiến công đồn Tân Lạc. Trong hơn 1 tháng chiến đấu, chủ động, liên tục tiến công bằng chiến thuật “vây đồn đánh viện”, bộ đội chủ lực ta với sự hỗ trợ của lực lượng địa phương, dân quân du kích đã tiêu diệt gần hết và đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ, tiêu diệt một chiến đoàn bộ binh cơ giới hỗn hợp quân đội Sài Gòn, bắn rơi và phá hỏng 59 máy bay lên thẳng, phá hủy 89 xe quân sự... Phía Mỹ thừa nhận, tại thung lũng I a Đờ răng, có 824 lính kỵ binh không vận Mỹ chết và bị thương, trong đó có hơn 300 binh sĩ tử trận. Chiến thắng Plei Me đã chứng minh rằng quân ta có thể tiêu diệt tiểu đoàn lính Mỹ; phá chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng, đánh bại những đơn vị tinh nhuệ, trang bị hiện đại nhất của Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Chiến thắng Plei Me càng củng cố thêm niềm tin vào khả năng đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ của đồng bào miền Nam. Chiến thắng Plei Me đã làm chấn động cả nước Mỹ và thế giới. Chiến thắng Plei Me không chỉ có ý nghĩa đối với chiến trường Tây Nguyên mà còn mở đầu cho giai đoạn đánh đòn tiêu diệt phủ đầu vào mưu đồ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Nguồn: Báo Gia Lai điện tử

Gia Lai 1144 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Địa điểm chiến thắng Đường 7 - Sông Bờ

Chiến thắng huyền thoại đường 7 – Sông Bờ tháng 3/1975 luôn là niềm tự hào của Đảng bộ và mỗi người dân sinh sống trên địa bàn thị xã Ayun Pa và các huyện lân cận Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Đây là nơi đã diễn ra trận truy kích địch lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, do Sư đoàn 320 của ta làm chủ lực phối hợp bộ đội địa phương Gia Lai, Đăk Lăk đập tan cuộc rút quân tháo chạy khỏi Tây Nguyên của Quân đoàn 2 ngụy, khiến địch rơi vào thất bại thảm hại; đánh dấu giai đoạn kết thúc của Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975 – Chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 04/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên được mở màn,với thế trận hình thành vững chắc. Những ngày sau đó, cả Tây Nguyên tưng bừng trong không khí bộ đội ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Với chiến thắng này, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc, thế trận chiến lược của Mỹ-Ngụy ở miền Nam Việt Nam bị phá vỡ một địa bàn xung yếu; vùng ven biển miền Trung, Đông Nam bộ, Sài Gòn bị uy hiếp. Cùng với chiến thắng Tây Nguyên, cuộc chiến tranh cách mạng của quân và dân ta bước sang thời kỳ mới: từ tiến công có ý nghĩa chiến lược, phát triển lên thành tổng tiến công có ý nghĩa chiến lược trên toàn miền Nam, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Và, với chiến thắng đường 7- sông Bờ, theo ghi nhận của ta (lẫn sự thừa nhận của địch) – đây là đòn quyết định làm kế hoạch rút lui chiến lược của Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2 Ngụy-Phạm Văn Phú bị phá sản hoàn toàn. Cầu sông Bờ và cầu Cây Sung trở thành nỗi khiếp sợ của địch. Cũng nơi đây đã xuất hiện gương chiến đấu anh dũng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi, một mình bắn cháy 6 xe tăng địch, tiêu diệt 21 tên địch, góp phần viết nên bản anh hùng ca đường 7. Sau ngày giải phóng đất nước, đường 7 được đổi tên thành quốc lộ 25, trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên và Trung Trung Bộ. Di tích lịch sử Chiến thắng đường 7 – Sông Bờ nằm trên quốc lộ 25, là vùng tiếp giáp giữa phường Sông Bờ và xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Ngày 28/12/2001, địa điểm này cùng với Chiến thắng đường 7-sông Bờ đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Theo biên bản quy định khu vực bảo vệ của di tích Chiến thắng đường 7 – sông Bờ do Bảo tàng tỉnh thực hiện ngày 11-8-1998, khu vực di tích có diện tích 15.396 m2, nằm ở phía Đông Nam cầu sông Bờ, phía Đông giáp buôn Hoang (xã Ia Sao), Tây giáp quốc lộ 25, Nam giáp quốc lộ 25, Bắc giáp sông Bờ. Đây được coi là địa chỉ đỏ về giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống đối với các thế hệ sau này. Nguồn: Báo Gia Lai điện tử

Gia Lai 1052 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Miếu Xà

Miếu Xà (thôn Thượng An 2, xã Song An, thị xã An Khê) thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Trải qua bao biến thiên lịch sử, ngôi miếu với nhiều truyền thuyết ly kỳ vẫn được người dân gìn giữ. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, người dân trong vùng tổ chức cúng tế cầu thần linh phù hộ cho cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc. Giữa khoảnh đất rộng, Miếu Xà nằm nép mình dưới hàng cây cổ thụ. Bên trái ngôi miếu có tấm bia ghi: Miếu Xà thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn (1771-1773); đây là nơi Nguyễn Nhạc đã chém rắn lấy máu tế cờ khi xuất quân xuống đồng bằng. Hơn 250 năm qua, người dân vùng Tây Sơn Thượng vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ liên quan đến Miếu Xà, rắn thần. Tương truyền, sau một thời gian chuẩn bị binh hùng, tướng mạnh ở Tây Sơn Thượng, năm Quý Tỵ (1773), 3 anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) xuất quân tiến xuống đồng bằng. Đoàn quân đi đến đầu đèo Mang (đèo An Khê) thì có con rắn rất to lao từ cây ké xuống chắn ngang đường. Trong số tướng sĩ có người cho rằng đây là điềm xấu, đề nghị thu quân. Nguyễn Nhạc nhất quyết không lui mà tiến lên phía trước, rút gươm chém đầu rắn, lấy máu tế cờ. Xuống đồng bằng, nghĩa quân bao vây, đánh hạ thành Quy Nhơn. Sau chiến thắng này, Nguyễn Nhạc cho quân lính lập miếu thờ rắn thần ở đầu đèo Mang. Trái với giai thoại chém rắn, trong dân gian còn lưu truyền rằng, năm 1773, Nguyễn Huệ chỉ huy đoàn quân từ Thượng đạo xuống Hạ đạo. Đến đầu đèo An Khê thì gặp cặp rắn mun nằm chặn giữa đường. Thấy vậy, Nguyễn Huệ liền xuống ngựa, chắp tay khấn. Lời khấn của ông vừa dứt, 2 con rắn ngóc đầu, trườn về phía trước. Đi được một đoạn, 1 con rắn bò vào bụi cây ven đường, lúc quay ra miệng ngậm 1 thanh long đao trao cho Nguyễn Huệ. Mỗi khi ra trận, Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ thường dùng long đao đánh giặc, giành được nhiều chiến thắng lẫy lừng như Rạch Gầm-Xoài Mút, Ngọc Hồi-Đống Đa. Tưởng nhớ công ơn của rắn thần, nhà vua sai người xây dựng miếu thờ ở đầu đèo Mang. Xưa kia, Miếu Xà dựng bằng tranh tre nứa lá, xung quanh là rừng già. Năm 1957, người dân làm lễ xin xà thần cho phép di dời miếu về vị trí hiện nay nhằm thuận tiện việc trông nom, hương khói. “Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều lần, Miếu Xà bị địch đốt phá. Nhưng sau đó, người dân liền dựng lại để có nơi thờ cúng xà thần. Vào ngày 20 tháng 2 và 20 tháng 8 âm lịch, dân trong vùng cùng Ban Quản lý miếu tổ chức cúng Quý Xuân, Quý Thu theo nghi thức truyền thống; hàng tháng, cúng rằm, mùng 1 cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống người dân ấm no, kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Nguồn: Báo Gia Lai điện tử

Gia Lai 1206 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi

Khu Di tích lịch sử- văn hóa Plei Ơi nằm ở thôn Plei Ơi- xã Ayun Hạ, được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. Nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, trong đó “Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui” đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ngày 8/6/2015. Nơi đây còn bảo tồn được hầu như nguyên vẹn những hiện vật như: Gươm thần, bộ chiêng Ơi Tú, núi Chư Tao Yang; khu nhà mồ Pơtao APuih, khu nhà của người Jrai xưa, khu bến nước… Theo quan niệm của người Jrai, khi con người sinh ra thì vạn vật cũng xuất hiện, lúc này có vị thần ban cho những hạt nước mang lại sự sống cho vạn vật đó là Thần mưa. Vị thần mang lại may mắn, hạnh phúc cho con người. Trong truyền thuyết của người Jrai có 14 đời; vua lửa “Pơtao Apui” đã dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi vào mùa trồng tỉa hay đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán, mất mùa. Cho nên hàng năm, người dân Jrai tiến hành nghi lễ cầu mưa nhằm cầu mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ, mọi người được bình an khỏe mạnh. Tại đây, du khách tham quan sẽ được trải nghiệm không gian lễ hội linh thiêng, kỳ bí; chứng kiến các vị Pơtao Apui (Vua Lửa) dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi sắp vào mùa vụ hoặc đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán mất mùa; trong tâm niệm của người Jrai, nếu làm phật lòng các vị thần thánh thì sẽ không ban tặng nước mưa, khiến bệnh tật xuất hiện, đói rét triền miên. Bên cạnh đó các chương trình nghệ thuật đặc sắc đang được các đơn vị và bà con Nhân dân gấp rút tập luyện với mong muốn cống hiến cho du khách những màn trình diễn công phu, hấp dẫn và thú vị như: múa Cồng chiêng của người Jarai tại địa phương; trực tiếp tham gia những vũ điệu mời rượu, nhảy sạp đến từ những cô gái vùng Tây Bắc, trò chơi dân gian ném còn của dân tộc Tày…. Đến với Khu du lịch sinh thái Hồ thủy lợi Ayun Hạ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng công trình Thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên, nằm trên địa bàn thôn Thanh Thượng A, xã Ayun Hạ dưới chân đèo Chư Sê, cách Quốc lộ 25 1km. Với diện tích gần 40 km2 có tổng lưu lượng nước tưới 253 triệu mét khối, cung cấp nguồn thủy lưu dồi dào trên địa bàn huyện Phú Thiện và các vùng lân cận. Nơi đó, du khách sẽ được thưởng ngoạn không gian bao la, trù phú của đồi núi, nước non, hữu tình, thân thiết, được tham quan Nhà máy Thủy điện Ayun Hạ với khuôn viên xanh mát, yên bình. Ngoài ra, mặt hồ còn là nơi tổ chức các hoạt động ca nô, thuyền phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó. Chùa Quang Sơn tọa lạc ở thôn Thanh Thượng A xã Ayun Hạ cách trung tâm hành chính huyện 8 km về hướng Tây, do sư cô Thích Nữ Nguyên Nhứt làm trụ trì, chùa Quang Sơn nằm dưới chân núi được bao quanh bởi rừng cây xanh mát cùng với hệ thống kênh chính Ayun Hạ tạo điểm tựa vững chãi sơn thủy hữu tình, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân thập phương. Nguồn: UBND xã Ayun Hạ - Huyện Phú Thiện - tỉnh Gia Lai

Gia Lai 1375 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà bia Tưởng niệm chiến thắng Đak Pơ

Đak Pơ - một địa danh lẫy lừng, một di tích lịch sử ghi lại chiến công vang dội của quân và dân Đak Pơ trong cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của dân tộc ta, nơi đây ngày 24/6/1954 diễn ra trận đánh phục kích tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn cơ động 100 (gọi tắt là GIM 100) thuộc loại mạnh nhất của lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng Đak Pơ góp phần đánh bại chiến dịch Attland của Pháp. Chiến thắng Đak Pơ là một trong những chiến thắng mẫu mực về trí tuệ, anh dũng về đánh tiêu diệt gọn quân địch. Cách đây 64 năm, ngày 24-6-1954, Trung đoàn 96 chủ lực thuộc Liên khu 5 đã phối hợp cùng Đại đội 78 của Trung đoàn 120 và dân quân du kích địa phương tổ chức trận phục kích trên đường 19, đánh tan Binh đoàn Cơ động 100 của thực dân Pháp, đang trên đường rút lui từ An Khê về Pleiku. Trận đánh trên đường 19 thuộc địa phận Đak Pơ chỉ diễn ra trong 7 giờ đồng hồ, quân ta đã làm chủ trận địa, Binh đoàn cơ động 100 của địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân ta đã tiêu diệt 500 tên địch, làm bị thương 600 tên, bắt sống 800 tên (trong đó, có cả tên Năm Barroux - Chỉ huy Trưởng GIM 100) và thu toàn bộ vũ khí và phương tiện tối tân của quân địch, gồm: 375 xe cơ giới (trong đó có 1 xe tăng và 229 xe còn mới nguyên), 18 khẩu đại bác 105mm cùng nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, đạn dược khác. Binh đoàn Cơ động 100 của địch bị tiêu diệt, quân ta đã quét sạch toàn bộ hệ thống cứ điểm chốt trên đường 19 của địch, tiếp quản đặc khu Tân An, giải phóng toàn bộ huyện An Khê (nay là thị xã An khê và huyện Đak Pơ) và khu vực phía Đông thị xã Pleiku (nay là thành phố Pleiku). Với chiến thắng Đak Pơ, Trung đoàn 96 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn cơ động Âu - Phi GIM 100 của thực dân Pháp và lực lượng địch tại tiểu khu An Khê. Chiến thắng Đak Pơ đã tạo nên một bước ngoặt đột biến, trực tiếp làm cho quân địch ở Tây Nguyên bị vỡ trận, bồi thêm cho quân Pháp một đòn thất bại nặng nề, góp phần quan trọng cùng với Điện Biên Phủ, với cả nước đánh gục hoàn toàn ý chí xâm lược của địch, buộc chúng phải nhanh chóng ký Hiệp định đình chiến, sớm lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương. Vì vậy, chiến thắng Đak Pơ được đánh giá là “Chiến thắng Điện Biên Phủ của Liên khu 5”. Thế nhưng, để làm nên chiến thắng lẫy lừng này, 147 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 96 và thanh niên xung phong, dân quân du kích các đơn vị ta đã hy sinh anh dũng nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Đak Pơ mãi mãi là một trong những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau chiến thắng này, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen: “Các chú hoạt động có thành tích khá. Bác vui lòng thay mặt Chính Phủ khen ngợi các chú và thưởng đoàn vừa thắng khá ở An Khê - Huân chương Kháng chiến hạng nhất…”. Chiến thắng Đak Pơ mãi là niềm tự hào của quân và dân các dân tộc Khu 5 trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ vĩ đại. Đây cũng là bài học nhớ đời đối với mọi thế lực xâm lược, là lời cảnh tỉnh đối với những mưu toan đen tối của các thế lực xâm lược lăm le đặt chân lên mảnh đất anh hùng này. Nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao và sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 96 và các đơn vị địa phương, năm 1998, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tỉnh Gia Lai đã xây dựng Nhà bia Tưởng niệm chiến thắng Đak Pơ, sau đó được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, ngày 28/12/2001 về việc xếp hạng di tích và Bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Đak Pơ

Gia Lai 1052 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Vườn mít, Cánh đồng Cô Hầu

“Vườn mít, Cánh đồng Cô Hầu” thuộc quần thể Tây Sơn thượng đạo, là căn cứ địa buổi đầu của phong trào Tây Sơn, nay thuộc xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. “Vườn mít, Cánh đồng Cô Hầu” là nơi Yă Đố hay còn gọi là Cô Hầu - con gái một tù trưởng người Bahnar, vợ của Nguyễn Nhạc, người có công xây dựng lực lượng hậu cần cho quân đội Tây Sơn trong những năm đầu khởi nghĩa. Bà cùng đồng bào trong vùng cùng nghĩa quân khai phá một vùng đất rộng 20 ha ở chân núi Cà Nong (nay thuộc xã Nghĩa An) trồng lúa và cây lương thực. Ngoài ra, bà còn cho trồng thêm một vườn mít nhằm tạo thêm nguồn thực phẩm cung cấp cho nghĩa quân. Hoa lợi “Vườn mít, Cánh đồng Cô Hầu” là sự cống hiến to lớn của Yă Đố và đồng bào Bahnar đối với phong trào Tây Sơn. Nhà bia tưởng niệm ghi nhớ công ơn Yă Đố tọa lạc trên một khung đất thoáng đãng. Tấm bia khắc ghi công trạng của Yă Đố cùng người dân Bahnar. Di tích đã được Bộ văn hóa - thông tin Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Ngay bên cạnh nhà bia tưởng niệm là cánh đồng lúa xanh nơi bà và đồng bào năm xưa khai hoang, trồng cây lương thực, được người đời sau yêu mến gọi là “Cánh đồng Cô Hầu”. Ngày nay, nơi đây vẫn được các hộ dân nhận đất trồng lúa, giữ vẻ nguyên trạng của cánh đồng. Những cây mít cổ thụ cao hàng chục mét, tán lá xum xuê che mát cả khoảng rừng, thân to bằng vòng tay người ôm nổi u cục mắt mấu. Những cây mít này được gắn biển lưu danh nhằm giúp mọi người có ý thức bảo vệ di tích. Những quả mít chỉ to bằng cái ấm nước thắt eo vẹo vọ. Mít đang mùa chín lắt lẻo trên thân cây đã ngả màu nâu đất. Những cây mít này năm xưa đã là nguồn thực phẩm cung cấp thêm dinh dưỡng cho nghĩa quân Tây Sơn. Khi Yă Đố mất, hài cốt của bà được an táng tại núi Đất (Cửu An, An Khê), nay thuộc địa phận thôn An Điền Bắc ngay cạnh nhà bà. Sau đó, nhân dân An Điền lập dinh thờ bà bằng gỗ, lợp tranh. Đến thế kỉ XIX, nhân dân xây lại dinh thờ bằng gạch, vôi, vữa để thờ bà. Nguồn: Bảo tàng Gia Lai

Gia Lai 1706 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà lưu niệm Anh hùng Núp

Nhà tưởng niệm Anh hùng Núp ,– Làng kháng chiến Stơr là một di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của huyện Kbang, Gia Lai- một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Bằng chứng trên mảnh đất này hiện có nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia. Một trong số đó và tiêu biểu nhất là Di tích làng kháng chiến Stơr – Nhà tưởng niệm Anh hùng núp. Anh hùng Núp một cánh chim đầu đàn của phong trào cách mạng, chống giặc cứu buôn làng cứu nước của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bảo tàng Anh Hùng Núp hay còn gọi là Nhà lưu niệm Anh Hùng Núp được xây dựng năm 2010 và khánh thành vào ngày 06/05/2011, đây cũng chính là niềm tự hào của người dân Tây Nguyên. Bảo tàng như một ngôi nhà lớn nằm tại làng Stơr, xã Tơ Tung huyện Kbang tỉnh Gia Lai. Di tích làng Kháng chiến Stơr đã trở thành biểu tượng của các dân tộc Tây Nguyên, biểu tượng cho sự dũng cảm, kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn. Đây là địa điểm không thể bỏ qua khi đến với nơi này, du khách tìm đến để tưởng nhớ về người anh hùng dân tộc đã cống hiến hết mình cho kháng chiến vĩ đại. Khu di tích này được xây dựng trên diện tích 5 ha, sự kết hợp giữa truyền thống pha hiện đại này tạo nên nét riêng cho nơi đây. Cánh cổng lớn mở ra chào mừng du khách. Khi đến với khu di tích, du khách còn được người dân làng Stơr đón chào rất niềm nở với những nụ cười thân thiện, nếu có điều kiện còn có thể được thưởng thức các lễ hội truyền thống của người Bahnar, cảm nhận điệu múa xoang, tiếng Cồng Chiêng của dân làng và những món ăn dân dã nhưng nó trở thành đặc sản của làng. Bước vào bên trong các bạn sẽ thấy khu vực tưởng nhớ và tượng của Anh hùng Núp và hai bên trưng bày nhiều hiện vật hình ảnh, tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng Núp cùng với đó là nhiều tài liệu ghi chép về làng kháng chiến Stơr. Bên trong có 1 phòng mô hình mô phỏng thời kháng chiến chống thực dân Pháp của dân làng ông. Ông tên thật là: Đinh Núp sinh vào năm 1914 mất năm 1999 tại làng Stơr người dân tộc Bahnar, ông là người lãnh đạo nhân dân làng Stơr đứng lên chống giặc. Những hình ảnh và kỉ vật về cuộc sống của ông thể hiện những chiến công lẫy lừng và cuộc sống giản dị của người anh hùng dân tộc. Nhà lưu niệm Anh hùng Núp là nơi lưu giữ những hiện vật giá trị, trên 400 hình ảnh, tư liệu, kỉ vật của Anh hùng Núp và nhiều hiện vật đặc trưng văn hóa của đồng bào Bahnar. Những vẻ đẹp giản dị và đơn sơ nhưng lại rất anh dũng và kiên cường đã tạo nên một sức hút đặc biệt đối với du khách. Môi trường nơi đây trong lành, cảnh sinh hoạt của người dân vẫn mang đậm chất truyền thống, người dân nơi đây vô cùng cởi mở thân tiện với mọi người và du khách từ nơi khác tới sẽ để lại cho chúng ta dấu ấn khó phai. Nguồn: Bảo tàng Gia Lai

Gia Lai 1264 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu Di Tích Lịch Sử Tây Sơn Thượng Đạo

Tây Sơn thượng đạo là tên gọi chung của miền đất nằm ở phía trên khu vực đèo An khê, nay thuộc địa bàn của thị xã An Khê, huyện Kông Chro, huyện Dăk Pơ và huyện K'Bang, gọi là Tây Sơn thượng đạo để phân biệt với Tây Sơn hạ đạo tức huyện Tây Sơn của tỉnh Bình Định. quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo hiện gồm 17 di tích chia thành 6 cụm phân bố chủ yếu ở An Khê, và một phần ở Đăk Pơ, Kông Chro, Kbang. Quần thể này đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991 và năm 2021 tiếp tục xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Thị xã An Khê là vùng chính của quần thể khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo nơi Tam Kiệt (ba anh em nhà Nguyễn) đã lựa chọn để làm căn cứ khởi phát nên phong trào Tây Sơn huyền thoại. Đây chính là nơi để nhờ địa thế hiểm trở, vùng rừng núi rộng lớn lại có con sông Ba che chở, đặc biệt nơi đây cũng có nguồn lâm sản và đất đai rất trù phú, thích hợp cho việc nuôi binh, mở rộng lực lượng, tích trữ lương thảo trong thời gian đầu của cuộc khởi nghĩa cũng là địa điểm khởi phát cho chặng đường lịch sử huy hoàng của nhà Tây Sơn. Khu vực vào là cổng lớn với hai hàng trị đá nguyên khối và những chiếc cồng chiêng Bahnar mang đậm hơi thở của văn hoá Tây Nguyên. Khu vực cánh cổng cũng được trang trí bởi phù điêu đắp nổi về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn như người cưỡi voi, khung cảnh nhà rông, cảnh thồ hàng ra trận, sông suối, đồi núi. Những hình ảnh được tạc tạo tinh tế thể hiện niềm vui sự kiên định và vững tin vào người thủ lĩnh anh hùng áo vải, niềm tin về sự chiến thắng. Qua khỏi cổng du khách sẽ bắt gặp hai hàng ngựa đá được điêu khắc đầy dũng mãnh và kiêu hãnh với màu trắng vô cùng nổi bật, ngựa được điêu khắc với tư thế đang phi ra cổng, đường nét thanh thoát và kiêu hùng. Vào bên trung khu di tích Tây Sơn thượng đạo, du khách sẽ bắt gặp đình thờ Tây Sơn Tam Kiệt, bảo tàng Tây Sơn thượng đạo và An Khê Trường. Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt có kiến trúc cổ kính với mái ngói truyền thống, những chiếc cột được chạm khắc hoạ tiết nổi cổ kính, phía trước đền là ao sơn diện tích rất rộng được vây quanh bởi các trụ đá xám tạo nên một điểm nhấn hài hoà. Trong khi đó Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo là nơi lưu giữ và trưng bày những hiện vật, tranh ảnh về cuộc khởi nghĩa. Đến với khu di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo vào những ngày mồng 4 và mùng 5 tết Âm lịch hằng năm, du khách sẽ được tham gia lễ hội cầu Huê để tưởng nhớ về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Lễ hội gồm hai phần chính là phần lễ với các nghi thức trang trọng theo phong tục xưa cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và phần hội là các hoạt động văn hoá truyền thống như trình diễn võ cổ truyền tây Sơn, diễn cồng chiêng, đấu võ đài, chơi các trò chơi dân gian… Quy mô của lễ hội Cầu Huê rất lớn, thể hiện nét văn hoá đặc sắc và gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống góp phần phát huy giá trị lịch sử cũng như quảng bá du lịch của khu di tích Tây Sơn thượng đạo. Trải qua hàng trăm năm khu di tích vẫn trường tồn cùng thời gian như một lời nhắc nhở về cội nguồn, quá khứ hào hùng của ông cha để các thế hệ tiếp bước xây dựng quê hương thêm giàu đẹp vững mạnh. Nguồn: Du lịch Gia Lai

Gia Lai 1427 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Nhà lao Pleiku

Nhà Lao Pleiku nằm trên một đồi đất đỏ cao, đường Thống Nhất thuộc phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhà lao được Pháp xây dựng năm 1925 đến năm 1941 được sửa chữa lại kiên cố. Tổng diện tích khu trại giam khoảng 7ha, bao quanh là những bức tường cao 3m kiên cố với các lớp rào bằng thép gai. Ở góc phía Tây Bắc và Tây Nam có hai bốt gác có binh lính vũ trang túc trực 24 trên 24, phía Đông có đặt lô cốt bảo vệ. Trong thời gian đầu từ 1925 đến 1945, nhà lao Pleiku là nơi Pháp giam cầm những người yêu nước và một số đảng viên cộng sản hoạt động trong các Hội Cứu tế đỏ Bầu Cạn, Biển Hồ như: Phan Lương, Nguyễn Bá Hoè, Trần Ren, Lâm Thị Nở. Tháng 6 năm 1946 đến 1954, Pháp đày ải những tù binh, tù chính trị bằng hình thức tra tấn cực hình, xử tử như đồng chí Nguyễn Đồng, Nguyễn Nho, Đào Lụt, Lê Giỏi. Tháng 6 năm 1948 chi bộ nhà lao được thành lập đã liên hệ ra ngoài tổ chức cơ sở và lập chi bộ xã, đồn điền Bầu Cạn, cùng chi bộ nhà lao hình thành liên chi bộ do đồng chí Hồ Hoàn làm bí thư đã lãnh đạo đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù, chống đánh đập, hạn chế khổ sai, bảo vệ nhân cách người cộng sản và tổ chức vượt ngục. Những năm 1965-1968, cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp tỉnh Gia Lai và trong cuộc tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, anh chị em tù chính trị nhà lao Pleiku đã hiệp đồng tấn công địch bằng cách phá nhà lao thoát ra, nhưng bị địch bắn chết 46 người và nhiều người khác bị thương. Sau Tết Mậu Thân, tại nhà lao Pleiku kẻ địch đã nhốt đến 800 người tù chính trị, và lúc này chế độ hà khắc của tù nhân cũng được tăng cường; thế nhưng với niềm tin vào thắng lợi của cách mạng, các chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm tại đây không ngại hi sinh, gian khổ, vẫn một lòng đoàn kết, bền gan chịu đựng, không đầu hàng địch. Tháng 7/1968, Đảng bộ nhà lao được thành lập do đồng chí Nguyễn Kim Kỳ làm bí thư, lãnh đạo đấu tranh chống địch ngay trong nhà tù. Những hình thức tra tấn dã man cả về thể xác lẫn tinh thần của kẻ địch vẫn không làm khuất phục được ý chí và tinh thần bất khuất kiên trung của những chiến sĩ cách mạng. Chiều ngày 15/3/1975 tù chính trị nổi dậy giải phóng nhà lao, chấm dứt 50 năm kìm kẹp của chế độ nhà tù đế quốc. Ngày 12/12/1994, Nhà lao Pleiku được Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhà lao Pleiku là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Nhiều tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên đã chọn nơi này để tổ chức sinh hoạt, kết nạp đảng viên, đoàn viên và gặp gỡ, nghe các bác cựu tù kể chuyện. Nơi đây đã thành một điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Gia Lai 1335 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật