Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Bình Thuận

Tháp Nước Phan Thiết

Tháp nước Phan Thiết nằm bên sông Cà Ty xây gần 90 năm trước, do hoàng thân Xuphanuvong (Lào) thiết kế, hiện là biểu tượng của tỉnh Bình Thuận. Tháp nước Phan Thiết (còn được gọi "Lầu nước") được người Pháp xây dựng 1928-1934 theo chủ trương quy hoạch đô thị của nhà cầm quyền đương thời, phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho Tòa Công sứ Pháp (nay là trụ sở UBND Bình Thuận) và người dân nội thị Phan Thiết. Vị trí xây dựng tháp nước nằm trên đất làng Long Khê, bên tả ngạn sông Cà Ty, cao ráo thoáng mát, cách Tòa Công sứ chừng 350 m. Bản thiết kế tháp nước do hoàng thân Xuphanuvong (Lào, khi đó ông là du học sinh trường Albert Sarraut tại Việt Nam) vẽ, được Sở Công chánh Hà Nội duyệt và công trình được đưa ra đấu thầu. Trong số hai nhà thầu Pháp và hai nhà thầu Việt, thì nhà thầu Ưng Du (người gốc Huế, làm việc ở Bình Thuận) trúng thầu. Tháp nước được xây dựng theo hình trụ bát giác đều. Chiều cao từ đế lên đỉnh tháp là 32 m. Tổng thể chia làm 3 phần, gồm: thân tháp, bầu đài và phần mái. Phần thân tháp có hình trụ bát giác, mỗi cạnh rộng 3,9 m càng lên cao càng thu nhỏ lại. Đường kính chân tháp dài 9 m, chu vi 31,2 m, diện tích sàn 73,4 m2. Dọc theo các cạnh của thân tháp từ trên xuống có bố trí 5 ô thông gió được trang trí các hoa văn chữ triện tương ứng với 5 chữ: "Hỷ", "Phúc", "Thọ", "Kiết", "Lộc". Hàm ý cầu chúc cho muôn người vui vẻ, hạnh phúc, trường thọ, thịnh vượng và no ấm. Riêng cạnh phía Tây ô thông gió chữ "Lộc" được thay bằng cửa sắt ra vào tháp. Phần bầu đài, tức là bồn nước, cũng được thiết kế hình bát giác cao 5 m, đường kính 9 m, chứa 350 m3 nước. Xung quanh bầu đài có 8 hình tròn được đắp nổi bằng mảnh sành sứ cách điệu bốn chữ U.E.P.T, viết tắt của cụm từ tiếng Pháp "Usine des Eaux de Phan Thiet" (nghĩa là Nhà máy nước Phan Thiết). Với đặc điểm kiến trúc vươn cao nên công trình cũng được sử dụng như một cột cờ. Thạc sĩ Nguyễn Chí Phú, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết, trong quá trình xây dựng, các chuyên gia và nhân công đã tuân thủ nghiêm ngặt thiết kế kỹ thuật. Sỏi phải đem rửa 5 lần cho sạch cát bụi. Cát đúc cũng phải rửa 3 lần cho sạch chất bẩn. Sắt đúc phải dùng giấy nhám chà xát cho hết hoen rỉ. Ván dùng làm cốt pha phải bào láng để khi tháo ra không cần phải tô trét gì thêm. Nhờ đó, công trình được vững chãi, bền bỉ đến ngày hôm nay. Trải qua gần 90 năm tồn tại, dù trước bom đạn chiến tranh và môi trường khắc nghiệt, nhất là qua hai trận lũ lịch sử năm Nhâm Thìn (1952) và Quý Dậu (1993), tháp nước vẫn đứng vững uy nghi giữa lòng thành phố, trở thành biểu tượng thiêng liêng, đi vào thơ ca và âm nhạc của xứ biển Phan Thiết. Ngày 19/10/2018, tháp nước Phan Thiết đã được UBND Bình Thuận quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. nguồn: Du lịch Phan Thiết

Bình Thuận 1333 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Cổ Thạch

Chùa Cổ Thạch (còn gọi chùa Đá Cổ, hay chùa Hang) tọa lạc ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), trong khu vực bãi biển Cổ Thạch Với kiến trúc độc lạ trong một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, chùa Cổ Thạch đã được công nhận là một di tích, thắng cảnh cấp Quốc gia của Việt Nam. Từ những năm 1835-1836, thiền sư Bảo Tạng tìm đến Bình Thạnh đã khai lập nên chùa Cổ Thạch và trụ trì nơi đây năm năm. Sau đó, vị thiền sư giao chùa cho các đệ tử trông coi, ông tiếp tục độc hành về phía Nam của Tổ quốc và dừng chân ở miền Đông Nam bộ (Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu). Ban đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ vách ván, lợp lá, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến thời Thiệu Trị chùa được xây dựng lớn cả về không gian lẫn nghệ thuật và còn giữ hầu như nguyên vẹn đến ngày nay. Cho đến nay, dù đã trải qua 170 năm nhưng ngôi chùa vẫn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán Nôm; liễn; đối; hoành phi và nhiều tài liệu cổ quý giá. Trong số đó, Đại Hồng chung và trống sấm đã có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 19. Khu vực chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc, am, điện, cốc liên hoàn với nhau trên khu đồi đá rộng hơn 4 ha. Đầu năm 1997, chùa xây dựng thêm nhiều tượng Phật Bà Quan Âm rải rác ven biển, tạo phong cảnh đẹp khi đứng trên chùa nhìn xuống. Đường vào cổng Tam quan gồm 36 bậc thang gắn kết bằng phiến thạch. Dưới chân bậc thang là đôi rồng uốn lượn hai bên. Bên phải chiếc cầu nơi cổng là bức tượng hình hổ ngồi và đối xứng qua là tượng voi nằm với kỹ thuật tạc tạo tinh vi. Chính điện chùa nằm trong quần thể núi đá tự nhiên, có khi nằm lọt thỏm giữa những tảng đá to. Kế đó là các nhà thiền, từ đường, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, am cốc thờ tự, với những câu liễn phi, hoành đối khá ấn tượng và bảo quản tốt. Nhiều di sản văn hoá Hán Nôm, liễn, đối, hoành phi và những tài liệu có từ ngày tạo lập chùa. một số cổ vật có giá trị lịch sử văn hoá. Mỗi hang động thờ một vị Phật, hoặc Bồ tát, hoặc một nhà sư đã viên tịch. Ba phiến đá tự nhiên xếp thành hàng ngang trước khu chánh điện tạo dáng con cá kình (theo kinh của Phật gọi là con “ma kiệt”, một loài thủy quái được xem là hóa thân từ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát để giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn ở biển khơi). Ngôi chùa đi theo lối kiến trúc cổ xưa nên được bày phối với nhiều màu sắc sặc sỡ rất bắt mắt. Bởi vị trí địa hình là núi đá cao nên mỗi lối đi của ngôi chùa đều có các bậc thang lên xuống thoai thoải theo sườn dốc. Ngay phía dưới chân chùa là đại dương mênh mông tạo nên một cảnh quan sơn thủy hữu tình. Ngôi chùa Cổ Thạch nằm trên quần thể núi đá nên cũng có rất nhiều hang động đặc biệt. Tận dụng địa thế này, các thiền sư đã dùng chúng làm nơi thờ phụng.Trong mỗi hang động ở chùa Cổ Thạch đều thờ một vị Phật, Bồ tát hoặc một nhà sư đã viên tịch. Ở đây, có một hang động của Tổ sư – người đã khai sơn ra ngôi chùa này, phía ngoài tượng thờ Tổ sư còn có các bài vị có công lao xây dựng chùa. Kế bên đó là hang thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề. Trong hang động này có tượng Phật 8 tay và nhiều tượng cổ khác. Còn ở hang Tam Bảo, các thiền sư dùng để thờ phụng 23 pho tượng Phật cổ với nhiều kích thước và niên đại khác nhau. Vào ngày 25/05 âm lịch hàng năm sẽ là ngày giỗ Tổ của chùa Cổ Thạch. Đây là ngày mà để tăng ni, phật tử nơi đây tưởng nhớ công ơn to lớn của vị Thiền Sư Bảo Tạng – người có công lao to lớn trong việc xây dựng chùa ngày ấy. Nguồn: Phật giáo online

Bình Thuận 1511 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tháp Chăm Po Sah Inư

Po Sah Inư là một trong ba nhóm đền tháp Chăm thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai, có niên đại sớm từ đầu thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 9. Nhóm tháp tọa lạc trên ngọn đồi khi xưa có tên là đồi Bà Nài thuộc địa phận thôn Ngọc Lâm phường Phú Hài (xưa là Phố Hài), thành phố Phan Thiết. Cạnh tháp B trong nhóm tháp có một ngôi chùa cổ là chùa Bửu Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Phía dưới chân đồi là biển, phía Tây phía dưới đồi có con Sông Cái bao quanh chảy ra biển. Nhóm đền tháp Po Sah Inư có 3 tháp gồm: Tháp Chính (tháp A), tháp thờ thần Lửa (tháp C) và tháp B thờ bò thần Nandin (cuối thế kỷ 19 vẫn còn, sau đó đã mất). Đây là nhóm đền tháp được xây dựng trên đồi cao gần biển duy nhất trong phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai của nền văn hóa Chămpa, trong khi tất cả các tháp khác đều tọa lạc trên đồi cao hoặc khu vực đồng bằng xa biển. Tháp Chính thờ thần chủ Siva, trong lòng tháp vẫn còn bệ thờ Linga - Yoni là biểu tượng của thần, có niên đại cùng thời với tháp cho đến nay. Từ thế kỷ 19 – 20 nhiều người thường gọi là tháp Phố Hài trùng với địa danh ở đây. Khoảng từ thế kỷ 20 về sau người Chăm gọi là tháp Po Sah Inư là tên của công chúa, chị ruột của vua Podam và đều là con của vua Chăm ParaChanh mà sử Việt gọi là La Khải. Sau khi Po Sah Inư mất, Hoàng tộc Chăm đã xây đền thờ để thờ Bà trong khuôn viên tháp Phố Hài. Như vậy có thời kỳ nhóm đền tháp này tồn tại 2 tên là Phố Hài và Po Sah Inư. Tháp Chính là tháp lớn và cao nhất trong nhóm. Tháp cao 16m; có tất cả 3 tầng, hai tầng trên có kiến trúc gần giống tầng dưới nhưng giảm dần kích thước cũng như các chi tiết kiến trúc và nghệ thuật. Cứ như vậy, nhỏ dần và cao vút lên trên cùng với phần mái tháp. Ở lưng chừng mái tháp có 4 lỗ thông hơi về 4 hướng, nhằm thông hơi và hút khí nóng trong lòng tháp ra ngoài, phần nào tạo sự cân bằng giữa bên trong và bên ngoài, sự hòa hợp giữa thần linh và trời đất. Đây chính là điểm nhấn về tâm linh khi các chức sắc thực hiện lễ nghi và họ tin rằng, các vị thần từ cõi trên đi về bằng con đường này. Tháp Chính cũng là nơi được tập trung những giá trị về kiến trúc vật chất và tinh thần cũng như về tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo. Tháp B: Tháp cao 12m, có 3 tầng như tháp A nhưng nhỏ hơn. Trong lòng tháp thờ bò thần Nandin mà từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 người dân địa phương vẫn thấy, sau đó không thấy nữa. Trong đợt khai quật khảo cổ những năm 1991 - 1995, đã tìm thấy một số mảnh và bàn chân của bò thần Nandin. Trước tháp có một sân lễ lớn, hiện nay dùng dựng rạp trong lễ Katê. Tháp C: Do chức năng nguyên thủy ban đầu là thờ thần Lửa nên kiến trúc chỉ có 1 tầng bao gồm cả chân đế, thân và đỉnh tháp, tháp có chiều cao 5m; chiều rộng mỗi cạnh gần 4m. Dấu vết sụp đổ cho biết hàng trăm năm trước cho đến những năm 80 của thế kỷ 20, phần đỉnh và mái tháp bị sạt đổ cùng với đế tháp bị mủn mục sâu vào bên trong thân tháp. Sau khi tu bổ tôn tạo xong, chức năng của tháp được sử dụng lại, nhưng chủ yếu là nơi người ta để lễ vật trước khi vào hành lễ ở tháp Chính. Cả 3 ngôi tháp trong nhóm Po Sah Inư đã được tu bổ, tôn tạo lại nhiều lần để có được hình dáng kiến trúc và không gian văn hóa như hiện tại. Từ trước cho đến nửa đầu thế kỷ 20 người Chăm thường thực hiện nhiều lễ nghi ở đây. Từ năm 2005 lễ hội Katê được phục dựng với đầy đủ các quy trình về không gian, thời gian, hình thức, nội dung và giá trị nguyên gốc như xưa. Từ lúc được phục dựng cho đến nay và mãi sau này, hàng năm lễ hội Katê được tổ chức đều đặn để cùng với tháp Po Sah Inư cổ kính làm nên điểm đến thu hút du khách tạo đà cho phát triển du lịch. Nguồn: Ban tuyên giáo tỉnh uỷ tỉnh Bình Thuận

Bình Thuận 1520 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tháp Po Dam

Tháp Pô Đam thuộc làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, là một trong những cụm tháp cổ nhất của nền kiến trúc Chăm Pa. Tháp Pô Đam (đọc là Pô Tằm) xây để thờ vua Pô Đam, hay còn gọi là Pô Kathit (Bàn La Trà Duyệt) của người Chăm. Cụm tháp Pô Đam có cấu trúc và bố trí rất lạ, phải nói là lạ nhất so với các cụm tháp khác thuộc kiến trúc Chăm Pa. Cụm tháp Pô Đam đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1996. Thay vì dựng trên đỉnh đồi hay trên đất bằng như nhiều cụm tháp khác, thì tháp Pô Đam lại được bố trí bên sườn đồi. Người Chăm gọi đó là Cơ Gađa, còn người Việt trong vùng gọi là đồi Ông Xiêm. Trong 6 ngôi tháp được tìm thấy, duy nhất tháp Nam (theo cách đặt tên của nhà khảo cố Pháp Parmentier) có cửa chính hướng về đông là phía mặt trời mọc như hầu hết tháp Chăm, còn lại cả 5 ngôi tháp trong cụm tháp Pô Đam đều quay mặt về hướng Nam, chếch hướng Tây một ít. Có nhà nghiên cứu lí giải rằng, cửa tháp hướng như thế để tưởng niệm tổ tiên, còn hướng nam là về thế giới bên kia, cõi âm. Dẫu sao, đây là hai hiện tượng hiếm có trong lịch sử kiến trúc tháp Chăm. Tháp Pô Đam là cụm tháp được tạo dựng vào thế kỉ thứ 8, cùng niên đại với tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận. Hơn 12 thế kỷ sóng gió, thêm vị trí kiến trúc khá “bấp bênh”, nên tháp bị đổ nát khá nhiều. Ngoài hai ngôi tháp trục Bắc bị đổ hoàn toàn trơ ra linga, 4 ngôi thuộc trục Nam còn lại không ngôi tháp nào còn nguyên vẹn. Do đó tỉnh Bình Thuận có kế hoạch gia cố, trùng tu và tôn tạo lại. Ngoài các cổ vật quý được tìm thấy mà các báo đã đưa tin, như: Các mảnh ngói cổ có hình thù lạ, bộ bàn nghiền bằng đá (người Chăm gọi là Rathung patau), hai chiếc nhẫn mưta bằng đồng, 1 chiếc chuông nhỏ bằng đồng, 1 rìu sắt, 1 lục lạc đồng in, dưới trục tháp Bắc, người ta còn tìm thấy 1 cái chén (pata – patil) màu vàng (có thể bằng đồng hay vàng) và đặc biệt là bộ xương có thể là hài cốt mà truyền thuyết cho là của mẹ vua là Po Bia Than. Ngôi mộ của bà – như mộ của Bia Than Cih ở tháp Po Rome ở Ninh Thuận – sau đó đã được lấp lại. Phía Nam khu tháp trục Nam sau khi khai quật cũng hiện ra toàn bộ phần chân đế với các di tích quan trọng. Tháp Pô Đam là một trong những cụm tháp cổ và có cấu trúc kỳ lạ nhất trong nền kiến trúc cổ Chăm Pa ở vùng cực Nam vương quốc này. Hơn thế nữa, đó là cụm tháp sống, nghĩa là đang được cộng đồng người Chăm trong khu vực thờ phụng, cúng tế hằng năm. Khai quật mang tính khảo cổ là cần thiết, để qua đó khám phá những dấu vết chứng thực cho lịch sử đồng thời thu thập được các hiện vật làm giàu bảo tàng đất nước. Thế nhưng cần hơn nữa là làm sao tôn tạo được tháp mà không bị hư hại và nhất là không bị lai tạp, giữ phần linh thiêng của tháp như là tháp Chăm đúng nghĩa của nó. Nguồn: Du lịch Bình Thuận

Bình Thuận 1309 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Pô Klong Mơ H'Nai

Đền thờ Pô Klong Mơ HNai được xây dựng trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Lương Bình, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đền là nơi thờ vua Pô Klong Mơ HNai một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Chăm Pa. Dưới tiền triều Pô Ehklang, Pô Klong Mơ HNai được ban tước hiệu Maha Taha. Ông đăng cơ vào năm 1622 và tại vị đến năm 1627 thì băng hà, ông nhường ngôi cho con rể của mình. Tương truyền, Pô Klong Mơ HNai không có con trai nên đã truyền ngôi cho một mục phu người Churu được ông yêu quý, lại gả con gái cho, đấy là Pô Rome. Theo huyền tích và sử ký Panduranga, Pô Klong Mơ HNai có hai người vợ: Một là hoàng hậu Pô Bia Sơm (người Chăm) và người còn lại là thứ phi Nguyễn Thị Ngọc Thương (người Việt). Bà Ngọc Thương là ái nữ của chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên. Mặc dù tại vị trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng Pô Klong Mơ HNai để lại cho hậu thế cụm lăng vào hạng đẹp nhất Chăm Pa (nay là Đền thờ Pô Klong Mơ HNai) tại thôn Lương Bình, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nhưng trải qua chiến tranh bị xuống cấp trầm trọng nên đã được hậu duệ trùng tu lại. Ngoài ra, còn khá nhiều bảo vật bằng vàng của hoàng tộc Pô Klong Mơ HNai được chính các hậu duệ của ông gìn giữ nghiêm cẩn ở Bình Thuận. Họ cũng giữ được khá nguyên vẹn công thư giao thiệp giữa hai triều đình Panduranga và chúa Nguyễn. Ngôi đền thờ Pô Klong Mơ HNai gồm 4 gian, cửa các phòng đều quay về phía Đông và hướng Bắc. Gian chính của đền gồm 3 tầng, thu nhỏ lại ở phần đỉnh. Trên đỉnh gắn 4 con Makara (con thú trong thần thoại người Chăm) tượng trưng cho uy quyền của nhà vua. Trung tâm đền thờ đặt tượng vua Pô Klong Mơ HNai, tạc bằng một khối đá xanh lớn có trang trí hoa văn cầu kỳ đặc sắc, đây là một trong những bức tượng lớn nhất của người Chăm còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nối tiếp với đền chính có hai ngôi đền thờ phụ thông cửa qua đền thờ chính, thờ bà hoàng hậu người Chăm, những quan lại có công trong triều đình và bà thứ phi người Việt. Đền thờ phía Bắc, thờ tượng bà hoàng hậu Chăm Pô Bia Sơm, vợ cả của vua Pô Klong Mơ HNai. Trong đền còn thờ 2 tượng kút trang trí đẹp mắt tượng trưng cho việc thờ con trai và con gái nhà vua. Gian phòng phía Nam thờ tượng bà thứ phi Nguyễn Thị Ngọc Thương người Việt. Hằng năm vào dịp Tết Katê, người Chăm xã Phan Thanh (Bắc Bình) đều tổ chức cúng tế đền thờ Pô Klong Mơ HNai với nhiều nghi thức trang trọng. Tuy là ngôi đền thờ vua Klong Mơ HNai nhưng trong đền chỉ thờ tượng vua, còn những di vật hoàng tộc thời vua Klong Mơ HNai thì được lưu giữ tại nhà bà Nguyễn Thị Đào (thôn Tịnh Mỹ – xã Phan Thanh – Bắc Bình) cách đền 15km về phía Bắc. Trước đây, bộ sưu tập này được người Raglai ở Phan Sơn (Bắc Bình) gìn giữ, khi có lễ cúng tế, người Chăm ở Phan Thanh cử một đoàn người lên tận Phan Sơn để nhận vật phẩm rồi mới làm lễ rước về đền (trong lịch sử người Chăm và người Raglai có mối quan hệ mật thiết gắn bó). Với những kiến trúc độc đáo và di vật còn gìn giữ được cho đến ngày nay, đền thờ Pô Klong Mơ HNai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 13/7/1993. Nguồn: Du lịch Bình Thuận

Bình Thuận 1414 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Dinh Thầy Thím

Dinh Thầy Thím Tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Được xây dựng vào năm 1879, dinh có dạng kiến trúc như một ngôi đình làng bao gồm nhiều công trình. Như Tam quan, Võ ca, chính điện, nhà thờ Tiền hiền. Nhà thờ Hậu hiền, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng… Dinh Thầy Thím Bình Thuận được bao quanh bởi một bức tường thang vuông có chu vi gần 600m. Vòng thành được trổ 3 lối vào Dinh. Cổng chính xây ngay ở phía trước, hai bên là hai cổng phụ. Dinh được xây từ những vật liệu sẵn có ở địa phương với gỗ là nguyên liệu chủ đạo. Chất kết dính trộn từ nhựa cây, cát, vôi và mật đường. Nền lát bằng gạch Bát Tràng, mái lợp ngói âm dương. Các công trình kiến trúc chính của Dinh đều quay về hướng Tây. Bao gồm cổng chính, võ ca, chánh điện, nhà tiền hiền, bình phong, khu mộ Thầy Thím. Và một số công trình phụ cận khác. Trong đó chính điện, võ ca, nhà tiền hiền đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ”. Một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận trong các thế kỷ 18 – 19. Đặc biệt là 4 cột chính ở khu vực trung tâm Dinh được các nghệ nhân thời bấy giờ trau chuốt và tạo dáng rất tinh tế. Đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc gỗ. Toàn bộ chân đế của các cột được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa mềm mại, phần thân cột vát thành hình trụ vuông vức, phần đỉnh cột thu nhỏ dạng hình trụ tròn. Đây là nét kiến trúc hiếm hoi và độc đáo trong gần 300 di tích ở Bình Thuận. Dinh Thầy Thím đã tồn tại hơn 130 năm. Di tích dinh Thầy Thím được Bộ Văn Hóa – Thể thao và du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/9/1997. Truyền thuyết về Thầy Thím kể rằng. Ở vùng đất mới, cuộc sống của Thầy Thím cũng như bao người dân bần hàn, kham khổ khác. Vợ chồng Thầy ở trọ trong nhà ông Hộ Hai. Ngày ngày, vợ chồng Thầy làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cho người. Có điều lạ là lúc nào bên Thầy cũng có một quả bầu khô. Một hôm, nhân lúc thầy vào rừng đốn củi mà quên đem theo quả bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, vợ chồng Thầy chuyển vào ở hẳn trong rừng để tránh điều tiếng. Tuy nhiên, ở xa nhưng danh tiếng của Thầy vẫn lan rộng, người dân trong vùng tìm đến nhờ Thầy chữa bệnh, bày cho cách làm ăn. Đặc điểm nổi bật của việc thờ cúng ở Dinh Thầy Thím là sự kết hợp hài hòa giữa nét tín ngưỡng miền Trung với niềm tin cháy bỏng của dân miền biển Tam Tân này. Huyền thoại về Thầy Thím còn lưu truyền mãi trong dân gian, ý nghĩa và giá trị của đạo lý, lẽ phải. Mộ Thầy Thím tọa lạc giữa rừng Bàu Thông, cách Dinh Thầy Thím khoảng 3km về phía Tây. Khu mộ có 4 nấm mồ được đắp bằng cát trắng thành hai hàng, trong đó hai mộ Thầy – Thím, hai mộ sau là của Bạch Hổ – Hắc Hổ được xem là vệ sĩ của Thầy Thím. Bao bọc khu mộ là bức tường thành bằng đá được xây dựng từ năm 1988 bởi ban quản lý Dinh. Hàng năm ở Dinh Thầy Thím Bình Thuận có hai dịp lễ đó là Lễ Tế Thu (diễn ra từ 14 tháng 9 đến 16 tháng 9 Âm lịch. Và Lễ Tảo Mộ (diễn ra mùng 5 tháng 1 Âm lịch). Lễ hội diễn ra có nhiều tiết mục hấp dẫn như: biểu diễn võ thuật, chèo bã trạo, múa lân thi tài, diễn xướng sự tích Thầy Thím,… Nguồn: Du lịch Phan Thiết Bình Thuận

Bình Thuận 1464 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình làng Đức Thắng

Theo sử sách, năm 1692, Chúa Nguyễn đặt tên vùng đất mới khai phá ở cực Nam Trung bộ là Thuận Phủ; đến năm 1697 (Đinh Sửu) Phủ Bình Thuận hình thành với địa giới từ phía Nam sông Phan Rang trở vào giáp vùng đất Biên Hòa ngày nay; năm 1809, Bình Thuận phủ được đổi thành Bình Thuận trấn gồm 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận. Đức Thắng xưa là một làng thuộc huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận và là một làng trung tâm Phan Thiết. Đình làng Đức Thắng được xây dựng từ cuối thế kỷ 18 bằng vách đất, mái tranh để thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Năm 1841 nhân dân góp công góp của xây dựng kiên cố, bền vững và đến năm 1847 hoàn chỉnh. Trên nóc Đình làng vẫn còn dòng chữ Hán khắc ghi niên đại xây dựng “Tân Sửu chí Đinh Mùi”, tức từ năm 1841 - 1847. So với các đình làng khác ở Bình Thuận, ngôi chính điện Đình làng Đức Thắng là một công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian to lớn và hoàn mỹ nhất cả về kiến trúc lẫn nghệ thuật điêu khắc và tạo hình, nhất là trên nóc mái và bên trong nội thất. Nhìn từ phía trước tòa chính điện được kiến tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới thấp tỏa rộng, tầng trên thu nhỏ và vút cao trông như một ngọn tháp nguy nga, cổ kính. Trên nóc mái chính điện trang trí nhiều hình tượng và họa tiết như: lưỡng long tranh châu, kỳ lân, dơi, giao long, cá hóa long, muông thú, thần tiên, sông núi, hoa lá...bố trí hài hòa và sinh động. Bộ khung chính điện nơi thờ Thần Hoàng có 36 cột gỗ tròn bố trí thành 6 hàng dọc chia nội thất thành 3 gian 2 chái. Đình làng Đức Thắng là di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật dân gian tiêu biểu và đặc sắc thể hiện dấu ấn lịch sử, văn hóa xưa. Kết cấu kiến trúc được mô phỏng theo lối kiến trúc dân gian thế kỷ 17-19. Cùng với các giá trị về kiến trúc, Đình làng Đức Thắng còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa qua những tư liệu Hán - Nôm cổ phản ánh đầy đủ hoàn cảnh lịch sử buổi ban đầu trong quá trình khai khẩn tạo lập làng xã. Ngoài ra, đình làng còn bảo lưu nhiều di vật cổ xưa có giá trị sử dụng trong việc thờ phụng và cúng tế. Trong đó có 13 sắc phong của các đời vua Triều Nguyễn ban tặng cho Thành Hoàng Bổn Cảnh cũng như các vị Tiền Hiền của làng. Bên cạnh Đình làng Đức Thắng còn có Chùa Bà Đức Sanh thờ Tam vị Thánh mẫu phò trợ việc an thai cho phụ nữ được tạo lập dưới thời vua Thiệu Trị (1844) và trùng tu vào các năm 1902 và 1911. Xa hơn một chút là Vạn Thủy Tú do cư dân Đức Thắng xây dựng vào năm 1762 (Nhâm Ngọ) để thờ Thần Nam Hải phò trợ nghề biển. Cả 3 di tích cùng tạo nên quần thể độc đáo ghi dấu tổ tiên vùng đất Phan Thiết - Bình Thuận những ngày đầu khai cơ lập ấp, mang những giá trị văn hóa truyền thống vun đắp tấm lòng yêu quê hương đất nước cho nhân dân. Hiện nay, Đình làng Đức Thắng cũng như Chùa Bà Đức Sanh và Vạn Thủy Tú là những điểm tham quan nằm trong Đề án City tour tham quan thành phố du lịch Phan Thiết. Nhân dân và du khách trong, ngoài nước muốn khám phá và tìm hiểu về những nét độc đáo của văn hóa miền biển Bình Thuận hãy đến với thắng tích Đình làng Đức Thắng, đường Triệu Quang Phục, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Bình Thuận

Bình Thuận 1299 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình làng Đức Nghĩa

Đình làng Đức Nghĩa là một ngôi đình cổ nằm ở phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đình làng Đức nghĩa được xây dựng vào những thập niên đầu thế kỷ 19, trên một động cát cao, phía trước có ao sen lớn. Đình có diện tích khoảng hơn ba ngàn mét vuông, hướng quay nhìn ra con sông Cà Ty (nay thuộc phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Đình làng Đức Nghĩa có dạng kiến trúc hình chữ đinh (chữ J), cổ lầu là nơi tập trung phần trang trí nghệ thuật đặc sắc nhất trong tổng thể đình làng. Ở đây nghệ nhân xưa đã dùng nghệ thuật ghép mảnh sứ, sành để tạo nên hình tượng “Tứ Linh”, những phần dưới của mái hạ, các bờ nóc, bờ quyết cũng được trang trí nghệ thuật làm ngôi đình vừa cổ kính vừa trang nghiêm. Nhà thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền cũng có lối kiến trúc như đình chính nhưng chiều dài có phần kéo ra hơn. Đây là đặc trưng của kiến trúc đình làng nửa sau thế kỷ 19 ở Bình Thuận.,. Nội thất của Đình làng Đức Nghĩa , nhất là ở phần trang trí nghệ thuật chạm khắc bên trong Đình chính với hệ thống bao lam bằng gỗ, như bức rèm như xuống các khám thờ sống động bởi những dây leo, hoa lá, chim muông từ những chạm khắc của người thợ xưa. Nghệ thuật trang trí Đình làng Đức Nghĩa cả ngoại thất và nội thất phối hợp với nhau tạo nên những đường nét kiến trúc cổ hài hoà và đạt đến đỉnh cao so với một số ngôi đình trong thời kỳ này. Nội dung thờ phụng bên trong như một kho tàng lưu trữ hàng trăm hiện vật quý như hoành phi, liên đối, khám thờ đã được chạm trổ công phu và được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay. Tiền Hiền của làng đang thờ tại Đình gồm các ông Nguyễn Văn Bàng, Trần Văn Kim, Lê Văn Hanh, Nguyễn Văn Thạnh là những đại diện cho các họ có công khai khẩn lập làng, dựng đình mà tên tuổi của họ đã được dân làng trân trọng khắc ghi trong bài vị thờ ở đình. Đình làng Đức Nghĩa còn có nhiều bức hoành phi, câu đối bằng chữ Hán, một số công văn, giấy tờ báo cáo tình hình quân sự tại Bình Thuận của một viên quan họ Châu dưới triều Gia Long, trong đó có đề cập đến ruộng đất của làng, đến lịch sử văn đầu thế kỷ 19 nguồn gốc dân cư ở làng...quan trọng nhất trong số đó có 13 sắc phong của các đời vua Triều Nguyễn ban tặng cho Thành Hoàng làng cùng các vị thần khác, kể cả nữ Thần Thiên YAna Diễn Ngọc Phi của người Chăm, và 3 tờ chiếu, dụ viết từ giấy lụa màu vàng, hình rồng ẩn trong mây kèm chữ thọ, hạt châu,… Các nghi thức cúng tế chính ở đình làng vào dịp tế Xuân từ 14-16 tháng giêng Âm lịch và tế Thu từ 14-16 tháng 8 âm lịch. Đình làng Đức Nghĩa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1991, là một trong những ngôi đình cổ trong danh sách các ngôi đình cổ ở Việt nam. Nguồn: Địa danh Bình Thuận

Bình Thuận 1342 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Dinh Vạn Thủy Tú

Dinh Vạn Thủy Tú nằm trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ gắn liền với lịch sử và văn hóa của nghề đi biển, đặc biệt là tục thờ cúng thần Nam Hải (cá Ông - cá voi) của ngư dân tỉnh Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng. Theo tín ngưỡng của cư dân đi biển vùng Nam Trung Bộ nói riêng và của người Việt nói chung, cá Ông chính là vị thủy thần thường hiện lên cứu giúp họ mỗi khi gặp phải phong ba bão táp, tai nạn trên biển, nên người đi biển rất sùng kính cá Ông, coi như một vị thần hộ mệnh. Vì thế, khi gặp cá Ông chết (tục gọi là cá Ông lụy) người ta thường làm lễ chôn cất và thờ cúng rất thành kính. Trở lại với câu chuyện của dinh Vạn Thủy Tú, theo các tài liệu cổ, dinh này được tạo lập vào năm Nhâm Ngọ (1762) để thờ cá Ông. Lúc đầu dinh chỉ là một gian nhà gỗ lợp mái lá, sau đó được tôn tạo hoàn chỉnh dần bằng tường gạch, mái lợp ngói âm dương với tổng diện tích khoảng chừng hơn 500m2. Dẫu đã trải qua hơn 250 năm sương gió nhưng công trình kiến trúc này vẫn còn gìn giữ được khá nguyên vẹn. Do cách thiết kế, bài trí và thờ phụng của dinh Vạn Thủy Tú khá giống với đình nên cũng có thể gọi nó là đình. Hương án chính giữa dinh Vạn Thủy Tú thờ Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần (tức ông Nam Hải), khám tả thờ Hy hoàng Thái hiệu Tiên sư Tôn thần (ông tổ nghề nông ngư nghiệp), khám hữu thờ Thủy long Thánh phi Nương nương Tôn thần (nữ thần nước). Nói tóm lại là thờ những nhân vật liên quan đến nghề biển. Ngoài ra, dinh Vạn Thủy Tú còn có nhiều di sản văn hóa Hán - Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, câu đối, trên văn khắc của đại hồng chung... Nơi đây cũng là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị vua triều Nguyễn ban tặng. Bởi theo như sử cũ kể lại thì xưa kia, lúc giao tranh với nhà Tây Sơn, các tướng lĩnh nhà Nguyễn đã nhiều lần được cá voi cứu nạn trên biển. Hiện trong dinh có 24 đạo sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Riêng vua Thiệu Trị ban tặng 10 sắc Thần, đây là điều hiếm thấy so với các di tích khác. Trong khuôn viên dinh Vạn Thủy Tú có một vùng đất rộng gọi là Ngọc Lân Thánh địa dùng để mai táng cá Ông mỗi khi Ông lụy và dạt từ biển vào. Theo phong tục, ngư dân nào trông thấy “Ông” lụy đầu tiên thì được làm “con trưởng” của “ngài”, và người này có nhiệm vụ lo làm đám tang chu đáo, để tang sau ba năm mới mãn tang... Điều này cho thấy một phong tục lạ của ngư dân đối với cá Ông theo tín ngưỡng gần như quan hệ giữa người với người. Đặc biệt, trong dinh Vạn Thủy Tú hiện đang lưu giữ và thờ phụng một bộ xương cá Ông, thuộc loài cá voi lưng xám, dài và lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á, với chiều dài và trọng lượng lúc Ông còn sống khoảng 22m, 65 tấn, được bảo quản hầu như không mất một phần xương nào. Bộ xương có niên đại đã hơn 100 năm. Dinh Vạn Thủy Tú thật sự là nơi linh thiêng, mang lại nhiều phước lành cho bà con vùng biển Phan Thiết”. Nguồn: Trung Tâm Xúc Tiến Du Lịch Tỉnh Bình Thuận

Bình Thuận 1303 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Trường Dục Thanh

Trường Dục Thanh Nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Tên gọi của Bác Hồ lúc 20 tuổi) dạy học năm 1910, trước khi vào Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trường Dục Thanh, trước kia được biết đến với tên gọi Dục Thanh Học Hiệu, ra đời từ năm 1907. Nằm tại làng Thành Đức, số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, ngôi trường gần sông Cà Ty tuyệt vời và yên bình. Dục Thanh Học Hiệu ra đời nhờ tình yêu nước của các sĩ phu và nhà nho tại Trung Kỳ. Nguồn kinh phí xây dựng đến từ tấm lòng hảo tâm của ông Huỳnh Văn Đẩu và Liên Thành Thương Quán. Tất cả học sinh ở đây đều được học miễn phí. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ ở tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ. Liên Thành Thương quán (công ty Liên Thành) là một tổ chức yêu nước hồi đầu thế kỷ 20. Hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Dục Thanh Học hiệu mở lớp dạy những nội dung yêu nước theo tư tưởng tiến bộ cho con em người yêu nước và lao động nghèo, nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân mà Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Công ty Liên Thành hoạt động có hiệu quả, bí mật đóng góp một phần tài chính cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Liên Thành thư xã do Nguyễn Hiệt Chi phụ trách mời nhiều diễn giả đến diễn thuyết, trong đó có Phan Châu Trinh, gây được tiếng vang sôi nổi. Đặc biệt Dục Thanh học hiệu đã đào tạo được một lớp trẻ học tập theo sách vở và tinh thần mới. Năm 1910, Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô giới thiệu, đã đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Lúc ấy, trường có khoảng 60 học sinh và 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, thể dục… Một trong những học sinh của trường là Nguyễn Kinh Chi con cụ Nguyễn Hiệt Chi, về sau là Bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam dân chủ cộng hòa, đại biểu Quốc hội khóa 1 – 4, là học trò trực tiếp của thầy Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy Chữ Quốc ngữ và Hán văn. Trong thời gian này, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, Nguyễn Tất Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh, Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh của mình du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, Đình làng Đức Nghĩa. Tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh và Phan Thiết vào Sài Gòn. Một năm sau, không còn ai phụ trách và vì nhiều lý do khách quan khác nên trường đóng cửa vào năm 1912. Kiến trúc trường Dục Thanh mang đậm nét truyền thống Á Đông. Trường có ba căn, trong đó hai căn nhà lớn để làm phòng học và một căn nhà lầu. Trong phòng học được đặt các bàn ghế gỗ phía dưới, phía trên là bảng đen để dạy học. Khuôn viên ở trường là vườn cây xanh mát, được chăm chút gọn gàng và cẩn thận. Bên phải gian nhà chính, là nhà Ngư được sử dụng để làm nơi ăn ở nội trú cho học sinh và thầy giáo. Ngọa Du Sào là khu để tiếp khách và bàn luận thơ ca nằm ngay sau phòng học và Nhà Ngư. Trong khuôn viên trường có một miệng giếng để lấy nước sinh hoạt. Nguồn: Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận

Bình Thuận 1809 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu Di tích Căn cứ Tỉnh Ủy Bình Thuận

Trên quê hương Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc anh hùng có di tích lịch sử cách mạng - Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn. Với diện tích gần 11 ha, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn vừa là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân và thế hệ trẻ, vừa là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Ngược dòng lịch sử, sau năm 1954, trên địa bàn tỉnh địch càn quét dữ dội từ thành thị đến nông thôn, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ và cán bộ trung kiên bị bắt tù đày. Để đảm bảo an toàn cho Cơ quan Tỉnh ủy, tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến, vấn đề chọn địa điểm xây dựng Căn cứ Tỉnh ủy được đặt ra và mang tính chất sống còn. Tỉnh ủy đã chọn Sa Lôn để xây dựng khu căn cứ nhằm đảm bảo sự bí mật và an toàn. Sa Lôn là khu rừng tự nhiên có địa bàn, địa thế và vị trí chiến lược rất quan trọng, tiếp giáp với vùng đồng bằng trải dài ven biển thuộc huyện Hàm Thuận. Theo các vị cao niên người Cờ ho ở địa phương thì Sa Lôn có nghĩa là “dòng nước Mẹ”, con suối nước chảy uốn lượn như con rồng, trong khu di tích có con suối chảy qua được gọi tên là suối Chín Khúc. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Bình Thuận đứng chân tại hơn 30 địa điểm. Riêng tại căn cứ Sa Lôn, Tỉnh ủy đứng chân 3 lần trong thời gian hơn 8 năm (từ tháng 12/1954 đến tháng 6/1957, từ giữa năm 1961 đến tháng 12/1964 và từ tháng 9/1968 đến tháng 8/1970) ghi lại nhiều dấu ấn, nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng như: Hội nghị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận (tháng 10/1962); Đại hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận lần thứ I (1962) và lần II (1964); Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh Bình Thuận lần thứ I (tháng 9/1964); Hội nghị thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận (tháng 6/1969), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 7/1970). Đặc biệt, ngày 9/9/1969, tại đây đã tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với bức ảnh chân dung Người bằng lụa, bọc trong khung, đặt trên bàn thờ bằng cây lồ ô còn được lưu giữ đến nay… Với những dấu ấn đặc biệt đó, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn đã được Tỉnh ủy Bình Thuận chọn làm nơi để phục dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng các hạng mục phụ trợ để bảo tồn, giữ gìn truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, oanh liệt của Cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ nói riêng, của Lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà nói chung trong giai đoạn 1954 - 1975. Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn được Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh vào tháng 10/2017. Khu di tích được khởi công xây dựng vào ngày 15/1/2021, hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 2/2/2023. Khu căn cứ Tỉnh ủy bao gồm Khu di tích gốc (các hạng mục dân dụng như hầm, chòi nghỉ chân, hội trường, bếp Hoàng Cầm, hệ thống mương thoát nước…). Khu di tích căn cứ Sa Lôn có 277 hiện vật gốc là các vật dụng trong đời sống và dụng cụ chiến đấu được các cựu chiến binh trao tặng; tỉnh Bình Thuận cũng sưu tầm và tìm được 219 hiện vật gốc để trưng bày trong Nhà lưu niệm. Từ khi được xây dựng đến nay, di tích lịch sử cách mạng khu căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Đảng Bộ Tỉnh Bình Thuận

Bình Thuận 1264 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Điểm di tích nổi bật