Di tích lịch sử

Tây Ninh

Đình Thái Bình

Đình Thái Bình là một trong những ngôi đình cổ Có lối kiến trúc trang trí hài hòa vừa bảo lưu nghệ thuật truyền thống dân tộc, vừa mang tính hiện đại, tọa lạc tại khu phố 4, phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Đình Thái Bình được xây dựng trên 100 năm, để thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh Võ Văn Oai – là vị quan đại thần triều đình Huế, chống giặc từ bên kia biên giới sang và tuẫn tiết tại vùng này. Ngày 18/3/1917, vua Khải Định năm thứ II đã sắc phong đình thành Thái Bình. Ngôi đình được sửa chữa lớn vào năm 1950. Khuôn viên đình rộng 1.700m2, tiền đình quay về hướng Đông Nam, mặt tiền đắp nổi biểu tượng cuốn thư: sách và gươm, 2 bên có lầu chuông, gác trống, đỉnh nóc đình có lưỡng long chầu nguyệt. Nội thất trang trí hoành phi: "Thái cảnh thanh bình" và "Thần thánh cảm linh". Cùng với các cặp song nghê, song phượng, tùng, cúc, trúc, mai và các đồ thờ tự. Ngày 12/12/1994, Đình Thái Bình được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và được trùng tu tôn tạo vào năm 2013. Lễ Kỳ yên hằng năm tổ chức vào các ngày 15 và 16 tháng 11 (âm lịch), với chương trình rước sắc phong, hát bội, thao diễn võ nghệ và các sinh hoạt văn hóa dân gian khác. Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh

Tây Ninh 760 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Hiệp Ninh

Đình Hiệp Ninh tọa lạc tại khu phố 4, đường 30 tháng 4, phường 3, Tây Ninh và chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 4km. Người dân xứ Tây thành luôn tự hào về một kiến trúc lâu đời đã được xây dựng hơn 100 năm, không chỉ với lối điêu khắc ấn tượng mà còn gắn liền với những giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đình Hiệp Ninh thờ Thành Hoàng làng bổn cảnh Trần Văn Thiện – người có công di dân, khai hoang lập ấp, giữ gìn đất đai và bảo vệ biên thùy. Tại Bảo tàng Tây Ninh hiện nay vẫn còn lưu giữ sắc phong bằng vải lụa quý, thêu hạt châu và kim tuyến của vua Khải Định ban vào ngày 18 tháng 3 năm 1917. Theo tín ngưỡng dân gian, đình làng là nơi thể hiện rõ nét những giá trị của đời sống văn hóa. Đối với người dân Nam bộ nói chung (Tây Ninh nói riêng), Thành Hoàng làng là vị thần luôn bảo hộ và che chở cho cả dân làng có một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy và hạnh phúc. Vẻ uy nghi của đình ngoài căn nguyên tín ngưỡng còn là sự kết tinh của “hồn thiêng sông núi”, được xây đắp qua nhiều thế hệ, bằng máu và mồ hôi khai phá, bảo vệ đất đai làng xóm. Với ý nghĩa đó, di tích lịch sử đình Hiệp Ninh không chỉ là công trình kiến trúc tinh xảo mà còn thể hiện lòng biết ơn của người dân Tây Ninh đối với Thành Hoàng làng. Đình Hiệp Ninh Tây Ninh là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc vô cùng độc đáo còn tồn tại đến ngày nay với mái đình cong cong, được lợp ngói mới đều tăm tắp, đỏ au và ngời sáng. Nơi đây còn lưu giữ nét đồ sộ của những họa tiết trang trí điêu khắc dày đặc, tinh xảo và có giá trị cao. Tính đến nay, chưa có tài liệu, sử sách nào khẳng định chính xác về ngày, tháng, năm thành lập ngôi đình cổ. Trong cuốn sách Tây Ninh di tích lịch sử danh lam thắng cảnh của Bảo tàng tỉnh (2001) có viết, thời gian xây dựng đình “vào khoảng năm 1880”, nhưng cũng không trích nguồn tư liệu chính xác. Năm 2021, Bảo tàng tỉnh Tây Ninh có thực hiện một báo cáo về “Kết quả kiểm kê tư liệu văn tự Hán Nôm” cũng có đề cập đến thông tin: “Đình Hiệp Ninh được thành lập trong thời kỳ mở đất, khoảng những năm giữa thế kỷ 19…” Ngược dòng thời gian, ngôi đình cổ có kiến trúc khá đơn giản, được xây dựng bằng mây, tre và nứa. Tuy vậy, tại Bảo tàng Tây Ninh hiện còn lưu giữ tấm ảnh toàn cảnh đình Hiệp Ninh được tu bổ tôn tạo bề thế lần 1 vào năm 1901 và lần thứ 2 vào năm 1910. So với ngôi đình cổ hiện nay, diện mạo sau khi tu bổ lần đầu tiên không có sự khác biệt quá nhiều. Chính điều này cho ta một suy luận lịch sử khá thú vị, đó là ngôi đình cổ chắc chắn được xây dựng kiên cố trước thời điểm tu bổ năm 1901, phần nào kiểm chứng độ xác thực của thông tin ngôi đình cổ được xây dựng trước những năm 1900. Ngôi đình cổ trăm năm tuổi không chỉ là di tích mà còn là nhân chứng đã chứng kiến lịch sử vang bóng một thời. Trong sự kiện cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám mùa thu lịch sử năm năm 1945, lực lượng thanh niên tiền phong đã tập trung tại đây, sát cánh cùng quần chúng cách mạng để lật đổ ách đô hộ của thực dân phát xít, xây dựng chính quyền cách mạng mới. Đặc biệt, trong giai đoạn những năm 1959 – 1960, đình Hiệp Ninh còn là căn cứ của Tỉnh ủy Tây Ninh do đồng chí Hoàng Lê Kha bám trụ, được người dân tin tưởng và hỗ trợ. Đình Hiệp Ninh được nhà nước công nhận là Di tích Lịch Sử và Kiến Trúc – Nghệ Thuật, ngày 12/10/1993. Nguồn: Du lịch Tây Ninh

Tây Ninh 719 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Núi Bà Đen

Núi Bà Đen nằm ở phía Đông Bắc thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố 11km. Đây là ngọn núi cao nhất Nam Bộ (986m), nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh và du lịch núi Bà Đen đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia. Núi Bà Đen là một danh thắng nổi tiếng được coi là biểu tượng của tỉnh Tây Ninh. Từ núi Bà Đen nhìn xuống, sẽ thấy cả một vùng đồng bằng mênh mông bao phủ ngoại ô thành phố Tây Ninh. Nhìn từ xa, núi Bà Đen khi thì hiện rõ giữa nền trời xanh, lúc ẩn trong làn sương bảng lảng. Nơi đây còn thu hút du khách bởi một quần thể kiến trúc điện, chùa, miếu, tháp… đều mang đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trải khắp từ chân núi, sườn núi, lên đến đỉnh. Trên núi Bà Đen có một số ngôi chùa như: chùa Phật, chùa Hang, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Vân Sơn… Ngoài ra, tại đây còn có nhiều động nhỏ: động Thanh Long, động Ba Cô, động Ba Tuần… Ấn tượng nhất đối với du khách có lẽ là chùa Linh Sơn Tiên Thạch, nơi thờ Bà Đen, nơi có “tiếng lành đồn xa” về sự linh thiêng của Bà Đen (trong tâm thức của người dân nơi đây luôn tin rằng bà thường linh hiển phù hộ, giúp đỡ dân chúng trong vùng những lúc mất mùa đói kém hoặc gặp chuyện oan ức). Chùa được xây dựng từ thế kỷ 18, trải qua nhiều lần trùng tu, lần mới đây nhất là khánh thành vào năm 1997. Với độ cao lên đến 986m, quanh năm đỉnh núi Bà Đen được mây mù bao phủ mờ mờ ảo ảo đẹp tựa chốn bồng lai. Hiện nay, có rất nhiều cung đường trekking đẹp với nhiều thử thách hấp dẫn du khách như đường chùa, đường cột điện, leo núi Bà Đen qua đường ống nước... Ngoài ra, còn có các con đường khác để lên đỉnh núi như: đường Ma Thiên Lãnh, đường núi Phụng và cung đường đá trắng. Nhìn chung các cung đường này khá khó đi và dễ lạc đối với những ai chưa có kinh nghiệm leo núi. Du khách có thể viếng chùa bằng cáp treo hay hệ thống máng trượt. Quá trình hành hương cũng tạo cho du khách nhiều cảm xúc khi được ngắm nhìn quang cảnh núi Bà Đen hùng vĩ với màu xanh ngút mắt, điểm xuyết những khóm hoa kiểng nên thơ giữa núi rừng xanh biếc. Trải nghiệm hệ thống cáp treo cũng mang đến cảm giác lý thú cho du khách. Tổng chiều dài 2 tuyến cáp là 3.057m với tổng số 191 cabin. Ga cáp treo Bà Đen lớn nhất thế giới với diện tích lên đến 10.959m2. Ga Chùa Hang được thiết kế độc đáo như một ngôi chùa cổ, lấy cảm hứng từ kiến trúc chùa Bà Đen và chùa Hang; điểm nhấn tượng Phật Thích ca Mâu ni ngồi thiền được thiết kế ẩn hình dọc theo hai bên tường. Ga Vân Sơn là “thế giới cổ tích Bắc Âu” thu nhỏ; cột và các mảng tường bên trong là những bức tranh lập thể đa sắc lấy cảm hứng từ kiến trúc Tòa Thánh Tây Ninh. Hàng năm, từ khoảng rằm tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch là dịp du khách hành hương chiêm bái, trẩy hội núi Bà Đen đông nhất. Đây là dịp để chiêm ngưỡng khoảnh khắc thiên nhiên chuyển mình vào xuân rực rỡ nhất. Du khách có thể tham gia Lễ Vía Bà Đen, trải nghiệm nghi thức tắm tượng vào mùng 5/5 âm lịch. Du khách cũng có thể lựa chọn qua đêm trên núi để trải nghiệm một Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ; trải nghiệm rõ nhất 4 mùa xuân, hạ, thu, đông trong một ngày. Du khách sẽ cảm nhận được sự hoang sơ, tĩnh lặng của vùng Ma Thiên Lãnh, được chạm tay vào và chụp ảnh “check-in” tại cột mốc 986m, được ngắm bình minh rực rỡ trên đỉnh hay ngắm biển mây bồng bềnh. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Tây Ninh 1330 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tháp cổ Chót Mạt

Di tích Lịch sử-Văn hóa Tháp Chót Mạt, tọa lạc ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa ngày 23 tháng 7 năm 1993. Đồng thời là một trong ba công trình tháp cổ cuối cùng còn lại ở miền Nam nước ta. Trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1938, 2003 và gần đây nhất là vào năm 2013. Mặc dù trải qua các đợt trùng tu tôn tạo, nhưng khu di tích tháp cổ Chót Mạt đã mang cho mình một diện mạo mới nhưng vẫn giữ nguyên được tinh thần kiến trúc cổ. Toàn bộ tòa Tháp được xây dựng bằng gạch và đá phiến với phần đỉnh tháp nhọn dần lên, từ mặt đất lên nơi cao nhất của đỉnh tháp được ước tính là 10m. Ngoài ra, ngọn tháp cổ này nằm trên gò đất cao giữa cánh đồng nên nhìn từ xa nó tựa như ngọn bút đang vươn lên cao dần. Năm 2003 Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo bảo tồn di tích tháp Chót Mạt và được tiến hành triển khai trùng tu tôn tạo phục hồi, trưng bày mở hố khai quật năm 2003 đưa vào sử dụng. Ngày 27/11/2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định Quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Quyết định giao UBND huyện Tân Biên trực tiếp quản lý 4 di tích, trong đó có di tích cấp Quốc gia di tích Lịch sử- văn Hóa Tháp Chót Mạt. Đặc biệt Di tích Lịch sử-Văn hóa Tháp Chót Mạt trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Tân Biên được chọn nằm trong chũi liên kết phát triển du lịch của Tỉnh Tây Ninh. Đây là một địa điểm tham quan rất đáng để khám phá, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn xã Tân Phong nói riêng và huyện Tân Biên nói chung. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh

Tây Ninh 2570 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tháp Cổ Bình Thạnh

Tháp cổ Bình Thạnh ở ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Tháp cổ Bình Thạnh là một trong ba kiến trúc tiêu biểu đại diện cho nền văn hóa Óc Eo còn sót lại ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay. Ngôi tháp tọa lạc ở phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 50 km về hướng Đông Nam. Đây là ngôi tháp cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII, thế kỷ IX, tính đến nay đã có niên đại hơn một nghìn năm tuổi. Tổng thể khu vực tháp cổ Bình Thạnh gồm ba tòa, nhưng duy nhất chỉ có ngôi tháp chính là vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc nhờ được trùng tu vào năm 1998, hai tháp khác hiện tại đã bị đổ sập chỉ còn lại phế tích trên nền móng hình vuông. Tháp cổ Bình Thạnh cùng tháp Chóp Mạt Tây Ninh được chính thức phát hiện qua tài liệu báo cáo khảo cổ học tại thư viện nghiên cứu khảo cổ Đông Dương vào đầu thế kỷ XX và được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1993. Tháp cổ Bình Thạnh là một minh chứng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam trong hơn 1000 năm qua. Đây là ngôi tháp duy nhất có tường đá gần như còn được nguyên vẹn kể từ lần đầu tiên phát hiện vào năm 1886, cũng là di sản kiến trúc hiếm hoi thuộc nền văn hóa Óc Eo vẫn giữ được lối thiết kế xây dựng ban đầu. Bên cạnh đó, tháp cổ Bình Thạnh còn chứa đựng được nhiều trị giá văn hóa truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của người Phù Nam xưa. Tiêu biểu là các hoa văn, phù điêu được chạm nổi trên tháp, hầu hết là hình ảnh hoa lá cách điệu, thần linh, sinh thực khí… là những hình tượng phổ biến trong Ấn Độ giáo, đã được người dân Phù Nam thờ cúng cách đây nghìn năm. Thông qua lối kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và điêu khắc tài tình thể hiện trên tháp cổ Bình Thạnh, đã góp phần phản ánh sự phát triển đỉnh cao của văn hóa Óc Eo thời bấy giờ. Đây là một tài liệu quý giá mà các nhà nghiên cứu không ngừng tìm tòi để phát hiện nhiều hơn các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc tại khu di tích cổ này. Không những thế, sự phát hiện ra ngôi tháp cổ hơn 1000 năm tuổi càng thêm phần khẳng định vùng đất Tây Ninh từ thời cổ đại đã là đầu mối giao thương, giao lưu của nhiều nền văn hóa lớn, nơi có lịch sử lâu đời trước khi người Việt đặt chân đến Tây Ninh vào thế kỷ 17. Ngôi tháp được xây dựng trên nền đất hình vuông có tổng chiều cao là 10m và mỗi cạnh dài 5m, bốn mặt tháp được dựng theo các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và có một cửa chính duy nhất quay về hướng Đông. Phần cửa chính được thiết kế nhô hẳn ra phía ngoài với chiều rộng 1m và cao khoảng 2m. Phía dưới cửa chính là bậc thềm tam cấp bằng đá và phía trên có một phiến đá lớn, được chạm nổi nhiều hoa văn rất tinh xảo. Ngoài ra các mặt tường phía Tây, Nam, Bắc đều được thiết kế cửa giả và trang trí bằng những phù điêu có hoa văn cầu kỳ không kém gì phía cửa chính. Không gian bên trong tháp không lớn, chủ yếu dùng làm nơi thờ phụng Linga và Yoni - là một biểu tượng của thần Shiva trong Ấn Độ giáo. Tháp cổ Bình Thạnh mang dòng chảy lịch sử lâu đời cùng lối kiến trúc tinh xảo trong từng chi tiết… Nguồn: Du lịch Tây Ninh

Tây Ninh 1266 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát nằm ở số 235 Quốc lộ 22B, trực thuộc địa phận của xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát phía Bắc và Tây giáp ranh biên giới Việt Nam – Campuchia; Tên gọi của Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát được ghép từ hai địa điểm khác nhau thuộc tỉnh Tây Ninh là Lò Gò, Xóm Mới (nay thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên) và cửa khẩu Xa Mát – một trong bốn cửa ngõ quan trọng bậc nhất của tỉnh về giao lưu thương mại và khai thác tiềm năng kinh tế đối ngoại. Theo số liệu cập nhật ngày 22/12/2023, tổng diện tích của Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát là 30.022 ha. Vườn được chia thành 3 phân khu chính với các chức năng riêng: 1. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (diện tích 10.615,16 ha): Là nơi chú trọng bảo toàn nguyên vẹn các đặc điểm sinh thái vốn có của khu rừng và hệ động thực vật.Với hệ tọa độ lý tưởng và ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, khu du lịch Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát trở thành nơi sinh sống, di trú của nhiều loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao theo sách đỏ Việt Nam và thế giới. Bên cạnh các loài động vật quý hiếm, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát còn sở hữu khu rừng rộng lớn với gần 1000 loài thực vật, thậm chí nhiều loài đến nay vẫn chưa được phát hiện và nghiên cứu. Ban quản lý đặc biệt nghiêm cấm những hành vi khai thác tài nguyên và xây dựng công trình hạ tầng đồ sộ trong khu vực này. 2. Phân khu phục hồi sinh thái (diện tích 30.023 ha): Khu vực này đã có người dân thực hiện khoanh nuôi, trồng rừng, tái thiết diện tích rừng tự nhiên đã bị phá hoại, tăng cường bảo vệ nguồn nước và môi trường xung quanh. 3. Phân khu dịch vụ hành chính (diện tích 130,46 ha): Là nơi tập trung các khu nhà quản lý, nhà nghỉ, khu vui chơi, các tuyến đường du lịch… phục vụ khách tham quan đến nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời kết hợp bảo vệ thiên nhiên, tránh các tác động xấu đến đa dạng sinh học. Năm 2019 Được công nhận là Vườn di sản ASEAN Đến vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, du khách không chỉ được hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời tại đây! 1. Đài quan sát cao 32m 2. Thượng nguồn Vàm Cỏ Đông – ranh giới tự nhiên với Campuchia 3. Cột mốc 132 vốn là cột mốc đôi, trong đó Cột mốc 132 (1) thuộc quyền quản lý của Campuchia và Cột mốc 132 (2) do bộ đội biên phòng Việt Nam canh giữ. 4. Trảng Tà Nốt 5. Cây di sản vên vên 215 tuổi – cao 44 mét 6. Cây di sản dầu rái 269 tuổi – cao 42 mét 7. Nhà bia kỷ niệm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam – “mũi nhọn” đi đầu trong công tác tư tưởng chính trị và cổ động tuyên truyền quần chúng nhân dân, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. 8. Bia kỷ niệm trường Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1965 – một năm sau ngày mất của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thành lập ngôi trường mang tên anh, đón con em cán bộ, chiến sĩ tại khu vực miền Đông Nam Bộ về sinh sống, học tập. Trường đã tồn tại đến năm 1976 và sản sinh ra nhiều nhân tài đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Tây Ninh 1138 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Giác Ngạn

Chùa giác Ngạn nằm trên tỉnh lộ 781, từ thị xã Tây Ninh đến huyện Châu Thành, một trong những ngôi chùa cổ ở Tây Ninh hiện còn tồn tại. Chùa thuộc ấp Bình Phong, xã Thái Bình trong một khung cảnh hoang sơ yên bình, một kiến trúc cổ kính, gần gũi với văn hoá dân gian, phảng phất nét đẹp truyền thống của Phật Giáo Việt Nam. Ngôi chùa được xây dựng trên diện tích khoảng 400m2 toạ lạc trên một khu đất rộng 1ha. Mặt trước chùa là một mặt dựng gồm 3 gian cao 8m, hai bên có thang lầu bắc lên. Trước sân là một núi đá khá đẹp và đơn giản, bên trong núi có tượng đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Còn có pho tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni màu trắng trang nghiêm. Bên phải chùa là nghĩa trang, nơi yên nghỉ của Phật tử quá cố. Chùa Giác Ngạn do phái Phật giáo Lục Hòa Tăng xây dựng cách đây hơn 100 năm, sau chùa Thiền Lâm, cùng thời với các chùa Phước Lâm, Cao Sơn, Long Sơn, Hạnh Lâm, Cẩm Phong. Lúc đầu chùa chỉ được xây dựng bằng vật liệu đơn sơ. Cho đến năm 1950 mới được xây dựng kiên cố theo kiến trúc hiện nay. Người sửa chữa, xây dựng lại ngôi chùa là hòa thượng Thích Giác Thiền từ núi Bà Đen đến. Sau đó là hòa thượng Thích Tịnh Hải. Từ năm 1994 đại đức Thích Huệ Thông trụ trì cho đến nay. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Giác Ngạn từng là cơ sở an toàn của các cán bộ hoạt động cách mạng. Hiện nay thỉnh thoảng vẫn có người tìm về thăm lại ngôi chùa thân yêu ngày trước. Những ngày xuân và những ngày lễ lớn của Phật giáo như các dịp rằm tháng giêng, tháng tư, tháng bảy, chùa Giác Ngạn luôn nhộn nhịp đông vui. Tín đồ, Phật tử đến đây không chỉ có người ở tại địa phương mà còn có nhiều người từ các nơi khác. Nguồn: Phật giáo Tây Ninh

Tây Ninh 1423 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Tượng đài Chiến thắng Junction City

Địa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City (Tân Châu, Tây Ninh) là một trong những điểm ác liệt mà Đế quốc Mỹ đã thực hiện ném bom, với ảo vọng giành thắng lợi quân sự để giải quyết cuộc chiến tranh ở miền Nam nước ta. Trong những năm 1965 -1968, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã huy động hàng vạn quân liên tiếp tổ chức 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966; 1966-1967, hòng “tìm diệt” chủ lực quân Giải phóng và hoàn thành công cuộc “Bình định” miền Nam. Nhưng trái với những toan tính của Ðế quốc Mỹ, các cuộc hành quân “tìm diệt” và “Bình định” của chúng lần lượt bị thất bại. Ðặc biệt, sau thất bại trong cuộc hành quân “tìm diệt” Attleboro (12/10/1966 - 25/11/1966) và Cedarfalls (08/01/1967 - 26/01/1967) nội bộ Chính phủ Mỹ càng phân hoá sâu sắc. Cố gắng khắc phục tình trạng này, từ ngày 22/02 - 15/4 năm 1967 Ðế quốc Mỹ đã huy động 45.000 quân, với 1.200 xe tăng, xe bọc thép, 256 khẩu pháo các loại và 160 máy bay chiến đấu cùng các loại vũ khí, hỏa lực mạnh, mở cuộc hành quân Junction City với hy vọng thực hiện chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt và bình định” đánh vào căn cứ Bắc Tây Ninh nhằm tiêu diệt Trung ương Cục miền Nam, Sư đoàn 9 chủ lực Quân Giải phóng và Ðài Phát thanh Giải phóng, bịt chặt biên giới Campuchia, phá kho tàng dự trữ hậu cần của lực lượng cách mạng. Trong khi đó, lực lượng ta chỉ có Sư đoàn 9 Chủ lực Miền, được tăng cường Trung đoàn 16 và các lực lượng khác với phương châm bám trụ chiến đấu tại chỗ, xây dựng mạng lưới chiến tranh nhân dân trong vùng căn cứ, sẵn sàng đánh địch ở các cứ điểm, phá kho tàng, đánh phá mạnh “ấp chiến lược” để góp phần bẻ gãy cuộc phản công chiến lược của Ðế quốc Mỹ. Sau 53 ngày đêm, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 14.233 quân Mỹ, bắn rơi và phá hỏng 160 máy bay, 992 xe quân sự (có 775 xe tăng và xe thiết giáp), 112 khẩu pháo các loại, diệt 3 tiểu đoàn và 11 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn và 5 đại đội pháo, 10 chi đoàn thiết giáp Mỹ. Trong số đó, du kích và bộ đội địa phương diệt được 6.619 tên địch, 434 xe (có 425 tăng và thiết giáp), 110 máy bay và 3 khẩu pháo. Vùng căn cứ Bắc Tây Ninh được giữ vững. Thắng lợi trong chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City - đỉnh cao của biện pháp chiến lược “tìm diệt” của quân đội Mỹ là một trong những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Bẻ gãy cuộc hành quân này, chúng ta đã bảo toàn được cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến, giữ vững căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền, Mặt trận Dân tộc giải phóng, bảo toàn được lực lượng cách mạng. Ðồng thời, giáng một đòn quyết định vào những cố gắng của Mỹ trong quá trình leo thang chiến tranh ở miền Nam, làm thất bại cuộc phản công chiến lược lần thứ 2, góp phần làm sụp đổ chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Với những giá trị về mặt lịch sử, quân sự, Ðịa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia, ngày 12/11/2013. Nguồn: Thế giới di sản

Tây Ninh 1260 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tọa lạc tại rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở về phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam - Campuchia. Khu di tích còn được biết tới với những tên gọi khác, như: R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam); Căn cứ Chàng Riệc (gọi theo tên khu rừng đặt Căn cứ); Căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục trong một thời gian dài); Căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng. Khu căn cứ địa Bắc Tây Ninh là địa bàn của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam gồm ba phân khu: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 1. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam Tháng 3 năm 1951, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (khóa II) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư. Sau đó, đồng chí Lê Đức Thọ được cử làm Bí thư, đồng chí Phạm Hùng làm Phó Bí thư. Ngày 6/9/1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy. Ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam. Đầu năm 1965, Trung ương Cục được giao nhiệm vụ chỉ đạo Nam bộ và cục Nam Trung bộ, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đảm nhận trọng trách Bí thư Trung ương Cục. Trong giai đoạn 1967 – 1975, đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư; các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng và Hoàng Văn Thái làm Phó Bí thư Trung ương Cục. 2. Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Ngày 20/12/1960, tại Trảng Chiêng, xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập và cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời. 3. Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam Từ ngày 6 - 8/6/1969, tại rừng Tà Nốt, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn. Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có giá trị đặc biệt. Trong 15 năm (1961 - 1975), Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam. Với những giá trị đặc biệt của di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Tây Ninh 1214 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích lịch sử Bời Lời

Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời thuộc ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nơi đây là căn cứ của Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Tây Ninh; của Phân Liên khu miền Đông, một bộ phận Xứ ủy Nam bộ thời chống Pháp và của một bộ phận Trung ương Cục thời chống Mỹ. Thành ủy Sài Gòn – Gia Định và một số cơ quan của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định cũng đã từng đặt căn cứ tại đây. Bời Lời còn là căn cứ của Huyện ủy Trảng Bàng và Gò Dầu trong thời kỳ kháng chiến. Tuy có di chuyển nhiều nơi, nhưng Bời Lời là nơi mà Tỉnh ủy Tây Ninh có thời gian trú đóng lâu nhất. Chính nơi đây từ năm 1946 đến năm 1975 đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng. Nhiều hội nghị Khu ủy, tỉnh ủy đã tổ chức tại đây và ra các nghị quyết quan trọng, lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng qua các giai đoạn. Suốt 15 năm ( 1960-1975) Mỹ - ngụy đã tập trung hàng trăm cuộc càn quét, rải chất độc hóa học, dùng pháo đài bay B52 rải thảm trên rừng Bời Lời hòng bao vây tiêu diệt cách mạng tại đây. Do vị trí chiến lược cực kỳ đặc biệt, Bời Lời thuộc vùng tam giác sắt ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn (Trảng Bàng – Củ Chi – Bến Cát) nên cường độ bom đạn của địch hết sức tàn khốc. Song, Tỉnh ủy và các cơ quan của Tỉnh ủy Tây Ninh vẫn bám trụ, kiên cường lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Tây Ninh đi đến ngày toàn thắng. Với ý nghĩa giá trị lịch sử trên, di tích căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, ngày 26/01/1999. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh

Tây Ninh 1272 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Chiến thắng Tua Hai

Di tích thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, đêm 25 rạng 26/01/1960, thực hiện Nghị quyết 15 TW theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, lực lượng vũ trang cách mạng cùng với nhân dân Tây Ninh đã tiến hành trận tập kích tiêu diệt căn cứ Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 ngụy tại Tua Hai - Trận đánh mở màn phong trào đồng khởi vũ trang toàn miền Nam đã đi vào lịch sử và trở thành một di tích lịch sử cách mạng. Chiến thắng Tua Hai, mở màn phong trào đồng khởi vũ trang đi vào lịch sử và trở thành cái mốc đánh dấu sự chuyển giai đoạn cách mạng miền Nam, mở ra phương thức đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, tạo nên thế chiến lược "hai chân, ba mũi, ba vùng". Sau chiến thắng Tua Hai, phong trào đồng khởi đã lan rộng các tỉnh miền Nam, chứng minh rằng nghị quyết 15 TW Đảng được phát ra đúng thời điểm và thời cơ. Trận đánh Tua Hai là kết quả của sự chuẩn bị lâu dài, sự tích tụ căm thù của bao hy sinh mất mát bởi quốc sách "Tố cộng diệt cộng và luật phát xít tháng 10 năm 1959 của Mỹ-Diệm đã gây cho đồng bào ta. Trận đánh Tua Hai đã làm rệu rã tinh thần của binh lính địch, chúng cho rằng những binh lính tiến công Tua Hai là "Bội đội chủ lực Bắc Việt”, đánh được Tua Hai thì Việt cộng có khó khăn gì mà không lấy được Thị xã và toàn tỉnh. Sau trận đồng khởi Tua Hai, phong trào nổi dậy của quần chúng, các lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng ra đời với những trận đánh có hiệu xuất cao, tiêu diệt được nhiều địch. Trận đánh Tua Hai đêm 25 rạng 26/01/1960 ở Tây Ninh trận đánh lớn diệt trên 500 tên địch, thu 1.500 súng các loại, phát huy chiến thắng Tua Hai, nhân dân Tây Ninh đã nổi dậy đồng loạt giải phóng hai phần ba số xã trong tỉnh. Với giá trị lịch sử đó. Địa điểm chiến thắng Tua Hai được Bộ Văn Hoá Thông Tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa ngày 23/7/1993. Nguồn: Báo Tây Ninh

Tây Ninh 1222 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật