Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Đền Tả Phủ nằm ở trung tâm phố chợ Kỳ Lừa, nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Đền Tả Phủ được xây dựng năm Chính Hòa thứ 4 (1683) thờ vị quan thời Hậu Lê tên là Thân Công Tài, chức Tả Đô đốc Hán Quận công, người có công xây dựng, mở mang phố chợ Kỳ Lừa. Cửa chính đền quay hướng Tây, nằm trên thế đất cao, tạo nên vẻ uy nghi, linh thiêng. Kiến trúc của đền theo lối chữ Công, gồm hai tòa nhà Đại bái và Hậu cung, nối với nhau theo kiểu ống muống. Các kết cấu cột, vì kèo đều được làm bằng gỗ, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói âm dương, không trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ. Hiện vật có giá trị nhất trong đền là tấm bia đá được dựng vào năm Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683). Bia có tiêu đề là: Tôn sự phụ bi, nghĩa là tôn Tả Đô đốc Thân Công Tài làm thầy, làm cha; mặt bên ghi dòng chữ: Lưỡng quốc khách nhân. Nội dung bia nói về việc nhân dân hai nước ghi tạc công lao của Hán Quận công Thân Công Tài với Lạng Sơn, với thương nhân hai nước Việt Nam - Trung Quốc và việc mở mang thương trường buôn bán tại phố chợ Kỳ Lừa. Bia đá được đặt trong nhà bia phía trong đền, bia được tạo tác theo hình khối, thân bia hình trụ vuông, cao 2,1m; đế bia có hai tầng, tầng trên được chạm khắc theo kiểu sập gụ chân quỳ đỡ thân bia, tầng dưới chạm khắc các cánh sen chồng ba lớp chạy xung quanh. Đỉnh bia được thu dần lên phía trên, có một bông sen hai tầng cánh cách điệu ôm lấy đỉnh chóp; hiện nay bia chỉ còn ba mặt đọc được, một mặt đã bị mờ. Có thể nói đây là một bia đá được tạo tác cân đối, đẹp về mỹ thuật; có giá trị sử liệu về nhân vật Hán Quận công Thân Công Tài được thờ tại đền và công lao của ông. Năm 1993, đền Tả Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Lễ hội của đền được tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo du khách tham dự đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015. Nguồn: Trang Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Lạng Sơn
Lạng Sơn 1171 lượt xem
Chùa Tiên - Giếng Tiên nằm trong lòng núi Đại Tượng, một ngọn núi hình con voi lớn phía Nam thành phố. Bên trong lòng núi là một hang động lớn nơi tọa lạc của ngôi Chùa Tiên nổi tiếng được xây dựng vào đời vua Lê Thánh Tông. Chùa thường gọi là chùa Song Tiên, tọa lạc ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Theo truyền thuyết, tiên ông từ trời hạ phàm xuống đây nên gọi là chùa Tiên, đạp chân lên núi Đại Tượng tạo thành Giếng Tiên để cứu dân qua nạn hạn hán. Sau đó vì mải mê bên bàn cờ quên không về trời, tiên ông đã hoá đá ở đây. Từ đó người dân bản địa vì muốn ghi nhớ công ơn phổ độ chúng sinh của ông nên đã tôn ông làm thần Nông của vùng. Hằng năm tổ chức lễ hội lớn để tưởng nhớ và cầu phúc cho làng. Khác với các động khác nằm dưới chân núi, động Chùa Tiên nằm ngay lưng chúng núi, muốn đến được chùa phải vượt qua 65 bậc thang bằng đá trên đường đi là những thạch nhũ muôn hình dạng như tiên ông, đầu sư tử, dơi,..sinh ra loại cảm giác linh thiêng huyền bí lạ thường. Chùa trước đây là một ngôi miếu nằm cạnh Giếng Tiên do người dân Phai Luông lập, sau đó vì xuống cấp người ta đã chuyển chùa vào động Song Tiên. Chùa có hệ thống các tượng thần, tượng phật,... 13 tấm bia Ma Nhai di tích của các bậc văn nhân kỳ tài để lại. Đặc biệt là bút tích của Ngô Thì Sĩ ghi trên bia đá bài “Trấn Doanh Bát Cảnh” tám cảnh đẹp của xứ Lạng và nơi đây là một trong số đó. Chính giữa chùa thờ chư Phật, Bồ tát. Cung bên phải thờ vị anh hùng Trần Hưng Đạo, cung bên trái thờ Thánh Mẫu. Gắn liền với câu chuyện Tiên ông hạ phàm ban cho người dân Phai Luông nguồn nước quý khi kỳ hạn hán đang kéo dài. Vì để trả ơn những đứa trẻ chăn trâu trong làng đã cho ông nắm cơm ít ỏi khi ông giả làm một lão ăn xin nghèo đói. Nên tiên ông đã đạp gót chân hóa ra thành Giếng Tiên mang dòng nước mát lành. Giếng không lớn được cấu tạo hoàn toàn bằng đá và nước quanh năm luôn trong vắt. Người dân bảo nhau, uống ba ngụm nước tiên trong động để được cầu phúc lộc. Lễ hội chùa Tiên hàng năm vào ngày 18 tháng giêng (âm lịch). Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1992. Nguồn: Du lịch Lạng Sơn
Lạng Sơn 1546 lượt xem
Nằm ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đền Kỳ Cùng được coi là nơi linh thiêng, vốn là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa. Nhưng sau đó, đền Kỳ Cùng thờ ông Tuần Tranh. Tương truyền, ông Tuần Tranh là một vị quan dưới thời nhà Trần, được cử lên Lạng Sơn đánh giặc, trấn ải biên thùy. Lịch sử của Đền còn gắn với truyện kể về quan lớn Tuần Tranh, được triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn, trong thời gian ở tại Lạng Sơn, ông chỉ huy đánh giặc bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, ông lại bị vu cáo vào tội dâm ô, đành nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử để chứng minh sự trong sạch. Do tấm lòng trong sạch, ông được thần linh hóa thành đôi rắn (ông Cộc - ông Dài) làm vị thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng. Về sau, nỗi oan khuất của ông được một vị tướng nhà Lê là Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ) chứng minh, hóa giải. Vì vậy mới có tục lệ vào ngày lễ hội đền Kỳ Cùng (cũng từ ngày 22 đến ngày 27 tháng giêng âm lịch giống như đền Tả Phủ), phải có lễ rước kiệu ông lớn Tuần Tranh lên đền Tả Phủ để tạ ơn và hầu chuyện Thân Công Tài. Điều này giải thích cho sự liên quan mật thiết của hai lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ. Trong đền có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong "Trấn doanh bát cảnh" xưa Ngô Thì Sỹ gọi với cái tên Kỳ Cùng thạch độ. Sở dĩ như vậy là vì theo sử sách chép lại, ngày xưa bất cứ cuộc hành quân hay cuộc hành trình nào của các sứ giả qua lại Trung Quốc cũng đều phải qua nơi nay. Thuyền bè san sát, hai bờ sông lúc nào cũng tấp nập đông đúc vì dân chúng hoặc quan quân hội tụ. Khúc sông Kỳ Cùng ở đoạn này có nhiều tảng đá chắn ngay giữa dòng sông, đá lô nhô trên mặt nước, sóng vỗ vào đá theo mực nước sông, lúc lên lúc xuống tạo thành những lớp sóng tung bọt trắng xóa, trào khắp một dải tràng giang, trông rất ngoạn mục. Tương truyền các sứ thần của Việt Nam mỗi lần đi sứ sang Trung Quốc đều dừng chân tại bến đá, sửa soạn lễ vật lên thắp hương tại đền Kỳ Cùng, cầu cho chuyến đi được bình an, công thành danh toại. Ngày nay Cầu Kỳ Cùng được xây ở ngay cạnh bến đá, nối hai bờ Bắc và Nam sông Kỳ Cùng, chia Thành phố Lạng Sơn thành hai khu vực, bên bờ Bắc là nơi sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của nhân dân Thành phố, bên bờ nam là khu vực tập trung các cơ quan hành chính của Tỉnh. Đền Kỳ Cùng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hiện là nơi thu hút rất đông đảo bà con khách thập phương đến tham quan du lịch và cúng lễ. Nguồn: Du lịch Lạng Sơn
Lạng Sơn 1508 lượt xem
Vào thời Lý Trần, triều đình đã cho dựng nhà công quán làm nơi nghỉ chân của sứ thần hai nước Việt - Trung. Nhân dân xây chùa cạnh nhà công quán, đặt tên là Diên Khánh tự. Ngôi cổ tự nằm cạnh Đoàn Thành phía bắc, nên dân gian vẫn quen gọi là chùa Thành. Diên Khánh tự tọa lạc bên dòng sông Kỳ Cùng dưới chân cầu Kỳ Lừa, Đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Tương truyền, ngôi chùa cổ này được xây dựng bên trên để trấn yểm cột đồng do giặc Hán dựng đã bị nhân dân ta chôn vùi. Vào thế kỷ thứ 1, tướng Hán là Mã Viện đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sáp nhập nước ta vào Đông Hán, đi đến đâu chúng xây thành đắp lũy đến đó. Nơi tiếp giáp giữa Giao Chỉ và Trung Quốc (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn), Mã Viện cho quân dựng cột đồng, khắc sáu chữ "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Nếu cột đồng đổ thì người Giao Chỉ bị diệt). Bất cứ người dân đất Việt nào đi qua nơi ấy đều ném vào chân cột đồng một hòn đá. Trải nhiều đời, đá trùm lên lấp kín trụ đồng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Tân Mùi (1271), Hốt Tất Liệt đòi vua Trần Thánh Tông phải sang chầu, vua viện cớ đang ốm không đi được. Hốt Tất Liệt cho sứ sang yêu cầu vua Trần chỉ cho chúng cột đồng của Mã Viện thuở xưa, với ý đồ dùng cột đồng để hăm dọa sẽ san bằng Đại Việt. Vua không hề run sợ mà khẳng khái trả lời chúng rằng: "Cột ấy lâu ngày nên đã mất".Đến thế kỷ 17, năm Đinh Sửu (1637), thám hoa Giang Văn Minh được vua Lê cử sang yết kiến hoàng đế nhà Minh. Thấy sứ thần Việt Nam tài chí phi phàm, vua Minh ra vế đối: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (ý nói cây cột đồng từ thời Mã Viện đến nay rêu đã phủ xanh, vua Minh huênh hoang sức mạnh của phương Bắc). Giang Văn Minh đối lại: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (ý nhắc nhở về sự thất trận nhiều lần của Bắc triều, bao lần nhuộm máu trên sông Bạch Đằng khi chúng sang xâm lược nước Nam). Vua Minh tái mặt, phục tài Giang Văn Minh. Tại tam quan của chùa treo một quả chuông nặng 2.100kg mới được đúc năm 2007 để sớm hôm chiêu mộ. Tam quan chùa chồng diêm lớp lớp với 24 mái, lợp ngói mũi hài và các đầu đao cong vút. Hệ thống mái chùa được chạm đục tỉ mỉ theo lối "thuận chồng bẩy con, với các đầu phượng đỡ toàn bộ hoành và các kèo. Những linh vật: long, ly, quy, phượng được đắp vẽ công phu, uyển chuyển. Toàn bộ câu đối phía ngoài bằng chữ Hán được gắn bằng sứ hết sức tỉ mỉ, công phu. Chùa gồm 38 gian lớn nhỏ, với nhiều hạng mục công trình: hậu cung thờ phật, bái đường, phương đình, tiến đường, tam quan, tổ đường, hậu đường... Toàn bộ hệ thống tượng thờ của chùa được đúc bằng đồng vàng nguyên khối với trên 40 pho tượng lớn nhỏ. Đây là ngôi chùa duy nhất trên toàn quốc có đầy đủ hệ thống tượng Phật thờ theo Phật giáo Bắc Tông. Hệ thống hoành phi, câu đối của chùa được chạm khắc cực kỳ tinh xảo và sơn son thếp vàng, nhiều bộ hoành phi có tuổi hàng trăm năm. Trong chùa hiện lưu giữ quả chuông được đúc từ năm 1671 triều vua Lê Hiển Tông, nặng 600kg. Chùa được trùng tu nhiều lần vào các năm 1967, 1980, 1992 và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993. Nguồn: Du lịch Lạng Sơn
Lạng Sơn 1522 lượt xem
Trong những năm 1948-1949, đường 4 là một trong những tuyến đường huyết mạch được quân Pháp sử dụng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí từ Lạng Sơn lên phục vụ cho lực lượng chiếm đóng ở Cao Bằng, Bắc Kạn. Đây là tuyến đường tương đối hiểm trở, nhất là khu vực đèo Bông Lau (dài khoảng 10 km, thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) là đoạn đường quanh co gấp khúc, góc cua hẹp, độ dốc lớn, nơi các đoàn xe vận chuyển của quân Pháp thường bị lực lượng ta chặn đánh gây nhiều tổn thất (tính đến tháng 8.1949 quân Pháp đã 3 lần bị ta phục kích trên khu vực này). Để bảo đảm an toàn cho tuyến đường vận chuyển quan trọng, quân Pháp đã rải quân chốt giữ các vị trí quan trọng trên trục đường, đồng thời mỗi khi tổ chức vận chuyển, thường phải sử dụng số lượng xe lớn (khoảng trên dưới 100 xe) và chia thành nhiều tốp, có lực lượng bộ binh và xe thiết giáp hộ tống với kế hoạch đề phòng chu đáo. Sau khi kết thúc Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng tháng 4 năm 1949, ta chủ trương tiếp tục tiến hành một số trận đánh để khuếch trương thắng lợi của chiến dịch, trong đó tập trung đánh phá hoạt động giao thông vận chuyển của địch trên đường 4. Thực hiện chủ trương trên, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ tổ chức trận phục kích thứ 4 tại khu vực đèo Bông Lau (đoạn giữa 2 đồn Bông Lau và Lũng Phầy), với quyết tâm “trận đầu ra quân phải thắng”. Sau khi nghiên cứu tình hình, Trung đoàn 174 quyết định tổ chức trận địa phục kích trên quãng đường dài 2,5 km, từ đầu bản Bó đến đỉnh đèo, trung tâm là kilômét 58. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 2 tiểu đoàn 23, 53. Mỗi tiểu đoàn gồm 3 đại đội bộ binh và 1 đại đội trợ chiến, được trang bị súng bộ binh, súng máy 12,7 mm, súng phóng lựu, badôca, lựu đạn, cối 81 mm và 60 mm. Tiểu đoàn 259 làm nhiệm vụ nghi binh thu hút địch ở đoạn Bố Củng - Lũng Vài. Theo đúng kế hoạch, các đơn vị bí mật chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình chiến đấu xong trước ngày 2.9. Sáng 3.9, phát hiện dấu hiệu địch sẽ hành quân lên Cao Bằng, trung đoàn tổ chức các đơn vị vào vị trí chiến đấu. Trưa 3.9, lực lượng hộ tống đoàn xe địch gồm 10 xe (6 xe vận tải), chở khoảng 100 quân tiến vào trận địa phục kích, nhưng trung đoàn chưa nổ súng để chờ đánh mục tiêu chủ yếu là đoàn xe vận tải. Đúng như dự đoán, khoảng 14 giờ khi phần lớn đoàn xe vận tải của quân Pháp gồm hơn 100 xe lọt vào trận địa phục kích, các đơn vị khẩn trương vận động chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Tuy nhiên vào thời điểm này, 1 chiếc xe của quân Pháp chạy đến gần kilômét 58 đột nhiên chết máy, làm cả đoàn xe dồn sát vào nhau, đồng thời lực lượng bộ binh địch đi cùng triển khai đội hình bảo vệ. Nhận thấy thời cơ chưa thuận lợi, ta vẫn kiên trì phục kích; đến 14 giờ 30 phút, địch sửa xong xe tiếp tục hành quân lên đến đỉnh đèo; trận đánh bắt đầu, các loại hỏa lực của trung đoàn đồng loạt bắn vào đoàn xe khiến cho đội hình hành quân của quân Pháp rối loạn. Tận dụng thời cơ, các đơn vị nhanh chóng vận động chiếm lĩnh vị trí có lợi, sử dụng lựu đạn và súng bộ binh tiến công mãnh liệt vào đội hình quân địch; sau hơn 1 giờ chiến đấu quyết liệt, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, áp giải tù binh, giải quyết thương vong và rút quân. Trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến 17 giờ, địch 2 lần sử dụng máy bay bắn phá vào trận địa và đưa quân từ Thất Khê lên ứng cứu, nhưng đều bị lực lượng của Tiểu đoàn 53 chặn đánh, buộc phải rút lui. Kết quả, ta diệt và làm bị thương 194 quân địch, bắt 23 quân, phá huỷ 86 xe (trong đó có 1 xe tăng, 2 xe thiết giáp, 78 xe ô tô vận tải), thu gần 100 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Trận Lũng Phầy thắng lợi là chiến công đầu của Trung đoàn 174, đồng thời cũng là trận phục kích lớn nhất trên đường 4 trong những năm 1948-1950, không những có tác động khích lệ tinh thần và khí thế chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, mà còn mang ý nghĩa cổ vũ, động viên, tạo niềm tin chiến đấu và chiến thắng cho quân và dân ta trên mật trận đường 4 trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam
Lạng Sơn 1857 lượt xem
Đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 – 1944) là một nhà cách mạng, một chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông sinh ngày 04/11/1909 trong một gia đình người Tày tại thôn Phạc Lạn, xã Nhân Lý, huyện Văn Uyên (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng), tỉnh Lạng Sơn. Từ nhỏ, ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1928, ông cùng các bạn của mình sang Trung Quốc để tìm đường cứu nước. Năm 1930, ông trở về huyện Văn Uyên để xây dựng phong trào cách mạng, thành lập chi bộ đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở Lạng Sơn. Đến năm 1938, ông được phân công phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ rồi đảm nhận trọng trách là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1941, ông được bầu vào Thường vụ trung ương Đảng. Ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị giặc bắt tại Hà Nội và bị tử hình ngày 24/5/1944. Tuy thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ không dài nhưng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển cơ sở của Trung ương Đảng trước Cách mạng tháng 8 trong thời gian bị chính quyền thực dân khủng bố ác liệt nhất. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu anh hùng, liệt sĩ. Để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đồng chí Hoàng Văn Thụ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng một số công trình lưu niệm đồng chí tại thành phố Lạng Sơn và huyện Văn Lãng, quê hương của đồng chí. Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ nằm bên cạnh Bảo tàng tỉnh, cổng chính khuôn viên tượng đài quay về phía Ủy ban nhân dân tỉnh, thuộc đường Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Khánh thành năm 1994. Di tích Nhà số 8 phố Chính Cai hiện nay nằm ở phố Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Từ năm 1923 đến năm 1927, đồng chí Hoàng Văn Thụ theo học trường Pháp – Việt và ở trọ tại nhà số 8 phố Chính Cai. Tại phòng trọ, ngoài công việc học tập, đồng chí đã soạn thảo một số truyền đơn cũng như khẩu hiệu có nội dung vận động quần chúng đấu tranh giành cơm ăn, áo mặc, giành tự do dân chủ và chống chế độ thực dân, phong kiến áp bức. Hiện nay, nơi đây đã trở thành một bảo tàng nhỏ trưng bày về quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Vào những dịp ngày tết, ngày lễ, tại di tích Nhà số 8 Chính Cai lại mở cửa đón tiếp khách tham quan, học tập và dâng hương. Khu di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ nằm tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, cách thành phố Lạng Sơn 26 km về phía bắc. Khu di tích được hoàn thành với những hạng mục cảnh quan văn hóa, di tích lịch sử cách mạng gắn với cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, được khánh thành ngày 25/10/2009 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 – 04/11/2009). Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Lạng Sơn
Lạng Sơn 1887 lượt xem
Đồng chí Lương Văn Tri sinh ngày 17/8/1910 trong một gia đình người Tày ở Bản Hẻo, xã Mỹ Liệt, tổng Mỹ Liệt, châu Điềm He (nay là xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan). Thuở nhỏ, đồng chí rất thông minh, học giỏi. Sinh ra và lớn lên dưới chế độ thực dân phong kiến hà khắc, nhân dân vô cùng cực khổ, đồng chí đã sớm có tinh thần yêu nước và tư tưởng tiến bộ. Đồng chí Lương Văn Tri là một nhà hoạt động cách mạng và là người có đóng góp lớn trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Đồng chí từng cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ lập ra một nhóm thanh niên yêu nước tại thị xã Lạng Sơn vào năm 1926. Năm 1928, được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tháng 12 năm 1929, được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) năm 1933, Lương Văn Tri được phân công về Việt Nam xây dựng phong trào cách mạng ở Cao Bằng – Lạng Sơn. Năm 1939, đồng chí được bầu làm Xứ Ủy viên Xứ uỷ Bắc kỳ, phụ trách vấn đề quân sự. Năm 1940, đồng chí giữ chức Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, phụ trách liên tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn… Sau hội nghị Trung ương lần thứ bảy (tháng 11/1940), Lương Văn Tri được cử làm chỉ huy trưởng đội du kích Bắc Sơn và khu căn cứ Cứu quốc quân Bắc Sơn – Võ Nhai. Tháng 8 năm 1941, trên đường hành quân lên Cao Bằng, đồng chí Lương Văn Tri bị thực dân Pháp bắt tại Ngân Sơn (Bắc Kạn) và đã hy sinh sau đó tại nhà tù Cao Bằng vào ngày 29/9/1941. Đồng chí Lương Văn Tri đã nêu tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần tô điểm cho trang sử vẻ vang của Đảng ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng ngời để lớp lớp con cháu chúng ta học tập và noi theo. Hiện nay, ngôi nhà của đồng chí đã từng sinh ra và lớn lên ở thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan được tu bổ, tôn tạo, phục chế nguyên gốc, trở thành di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910 – 17/8/2010), đảng và nhà nước ta đã xây dựng công trình Tượng đài đồng chí Lương Văn Tri tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan. Đây là những hoạt động thiết thực để tưởng nhớ và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Văn Tri trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Di tích lưu niệm và tượng đài đồng chí Lương Văn Tri tại huyện Văn Quan là những địa chỉ văn hóa, thường xuyên thu hút các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đến tìm hiểu và học tập truyền thống cách mạng của quê hương đất nước. Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Lạng Sơn
Lạng Sơn 1531 lượt xem
Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn có giá trị lịch sử tiêu biểu, quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử quân sự cách mạng Việt Nam. Khu di tích là an toàn khu nuôi giấu, bảo vệ các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ trong thời gian hoạt động cách mạng tại Bắc Sơn, nơi đặt trạm liên lạc thông suốt giữa Trung ương với Xứ uỷ Bắc kỳ cùng các địa bàn khác và là nơi cung cấp tài liệu cho công tác huấn luyện cán bộ cách mạng của Đảng. Di tích gồm 12 điểm, đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992, phân bố trên địa bàn 06 xã: Tân Hương, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Vũ Lễ, Tân Lập, Long Đống thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, bao gồm: 1. Di tích Bó Tát (Mỏ Tát): nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ huyện Bắc Sơn (25/9/1936 – 25/9/2021). 2. Di tích đồi Nà Kheo: nơi có hệ thống đường hào 3. Di tích đình Nông Lục: ngày 2 tháng 9 năm 1940 những đảng viên sau khi thoát khỏi nhà tù của chế độ thực dân đã di chuyển tới đình Nông Lục để họp. Cuộc họp được tổ chức với mục đích lựa chọn thời cơ để tiến hành cuộc khởi nghĩa đấu tranh chống thực dân Pháp để giải phóng đồn Mỏ Nhài. 4. Di tích đồn Mỏ Nhài: là căn cứ quân sự được thực dân Pháp cho xây dựng ngay khi vừa đặt chân đến xâm lược nước ta. 5. Di tích Thâm Thoông - Dập Dị: là đoạn đèo nằm trên tỉnh lộ 241 (tuyến đường Bắc Sơn - Vũ Lăng). 6. Di tích Trường Vũ Lăng: Ngôi trường được thực dân Pháp xây dựng với mục đích đào tạo nên đội ngũ tay sai làm việc cho chúng. 7. Di tích Sa Khao (Phia Khao): nơi nuôi giấu cán bộ, hoạt động của Đoàn cán bộ Trung ương và Châu ủy Bắc Sơn. 8. Di tích Khuổi Nọi: Đây là địa bàn hoạt động bí mật của Đội Cứu Quốc quân. 9. Di tích Lân Pán: là địa điểm hoạt động bí mật của Đoàn cán bộ Trung ương Đảng trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 8 và củng cố phát triển lực lượng vũ trang cơ sở tại Đảng bộ Bắc Sơn. 10. Di tích Lân Táy - Mỏ Pia: gồm 2 điểm là hang Mỏ Pia và địa điểm Lân Táy. 11. Di tích hang Mỏ Rẹ: Đây là nơi hoạt động bí mật của các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ và là nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt phá vòng vây của địch ngày 28/8/1941. 12. Di tích Đèo Tam Canh: được lựa chọn làm địa điểm xây dựng biểu tượng Khởi nghĩa Bắc Sơn và 1 nhà bia ghi dấu sự kiện với tổng diện tích khuôn viên khoảng 120m2. Hiện nay, các di vật, tài liệu hiện vật liên quan đến khu di tích đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Bắc Sơn và Nhà trưng bày truyền thống trường Vũ Lăng, với tổng số 138 hiện vật, gồm: 127 hiện vật gốc, 11 hiện vật phục chế. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân, dân Bắc Sơn nói riêng và quân, dân Việt Nam nói chung. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Khởi nghĩa Bắc Sơn được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục di sản văn hoá
Lạng Sơn 1752 lượt xem
Chi Lăng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, gắn liền với những chiến công hiển hách của cha ông ta trong suốt lịch sử dựng nước, giữ nước. Chi Lăng là ải hiểm trở nhất trên đường cái quan từ Nam Quan về Thăng Long. Ải Chi Lăng là một thung lũng nhỏ, hình bầu dục, hai đầu nam bắc thu hẹp, gần như khép kín. Chiều dài ải Chi Lăng khoảng 4km, chỗ rộng nhất hơn 1km. Trong nhiều năm trước đây, các tài liệu về di tích Chi Lăng đều ghi nhận có 52 điểm di tích (trong đó bao gồm cả các di tích, dấu tích, địa danh tên gọi hiện còn và các câu chuyện truyền miệng còn lưu lại trong dân gian). Tuy nhiên theo kết quả kiểm kê di tích do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn thực hiện năm 2018, hiện chỉ còn 46 điểm di tích, địa điểm, địa danh còn được ghi nhận, 6 điểm còn lại đã hoàn toàn mất dấu tích. Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một thung lũng hẹp, kẹp giữa hai dãy núi Bảo Đài và Cai Kinh, là nơi thể hiện tài thao lược, nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn, góp phần quyết định trong thắng lợi của cuộc kháng chiếng chống Minh. Thời tiền sử Chi Lăng đã là quê hương của các nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng như: Bắc Sơn, Mai Pha với hệ thống di tích tiêu biểu như Hang Lạng Nắc, Hang Ngườm Sâu, Hang Nà Ngụm… nơi lưu giữ, phát hiện những di vật, mảnh tước, rìu đá, mảnh gốm… minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của người Việt cổ có giá trị về nghiên cứu khoa học. Chi Lăng ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc với tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của cha ông ta với 2 lần chống Tống (năm 981 và 1077), 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược (năm 1285 và 1287), cuộc chống quân xâm lược Mãn Thanh (năm 1788 – 1789), đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh những năm 1882 – 1888, nữ du kích Quang Lang bắn rơi máy bay Mỹ). Trong lịch sử, đây là nơi liên tục diễn ra các trận đánh mang tính chiến lược trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà đỉnh cao là chiến thắng Chi Lăng năm 1427 quân và dân ta đã lập nên một chiến công vang dội tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy, góp phần kết thúc trường kỳ cuộc kháng chiến, lật nhào ách đô hộ của Nhà Minh dành lại trọn vẹn non sông, đất nước. Chiến thắng Chi Lăng đã đi vào Lịch sử Việt Nam một mốc son chói lọi, cùng với các chiến thắng Bạch Đằng, Như Nguyệt, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi – Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Chiến thắng Chi Lăng là khúc ca hùng tráng về chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của dân tộc ta. Với những giá trị lịch sử quan trọng đó ngày 28/4/1962 Khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia; Chi Lăng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; năm 2019, Khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn
Lạng Sơn 1796 lượt xem
Thành cổ Lạng Sơn hay còn gọi là Đoàn Thành nằm trên địa bàn phường Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn. Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử, Thành cổ Lạng Sơn được xây dựng từ rất lâu đời. Trong các tài liệu của Trung Quốc viết về thời nhà Tống, nhà Minh có ghi chép. Khi đó, Trương Phụ (một vị tướng thời nhà Minh – Trung Quốc) sau khi đánh chiếm nước ta và đặt ách đô hộ đã tiến hành củng cố tổ chức bộ máy chính trị ở địa hạt. Tương truyền rằng trong thời gian này y đã cho đắp thành Khâu Ôn. Về việc xây dựng Đoàn Thành còn có truyền thuyết khác cho rằng Thành là do hai ông Tiên xuống giúp xây dựng, có lẽ vì vậy Thành cổ còn có tên gọi khác là “Thành Tiên xây”. Theo Đại Nam nhất thống chí: “... Năm Hồng Đức thứ 26, nhà Lê (1495) thành đã được tu bổ lại…”. Căn cứ vào một số tư liệu đã nêu trên, có thể dự đoán rằng Thành cổ Lạng Sơn được xây dựng vào thời nhà Lý hoặc nhà Trần vào khoảng thế kỷ XII, XIII. Thành được xây dựng trên địa thế đất rộng và bằng phẳng, bao quát một không gian rộng lớn của thành phố Lạng Sơn (trước đây gọi là Thành Lạng). Xung quanh thành có núi bao bọc và có sông Kỳ Cùng chảy qua, các núi đó còn gọi là núi Hồi Đoàn (phía Bắc), phía Nam có núi Công Mẫu. Kiến trúc của Đoàn Thành cũng giống như bao thành cổ khác là có tường cao, hào sâu… (hào ở đây chính là dòng sông Kỳ Cùng uốn mình lượn quanh). Xung quanh là các đồn ải được bố trí ở các xã, các châu xa gần, tất cả có 19 đồn, 3 điếm và 26 cửa ải. Tường thành được xây bằng “gạch vồ”, là một loại gạch cổ có kích thước lớn, tường cao 4m dựng đứng rất khó xâm nhập tấn công từ ngoài vào, tuy vậy nhưng có thời "... Đoàn Thành đã ba lần bị thất thủ, dân bảy châu bị hãm vào cảnh lầm than. Tường thành phía Tây và phía Nam bên trong được đắp đất cao lên đến mặt thành, ở chân thành được đắp đất rộng 10m , trên mặt thành đắp đất rộng 3m, rất thuận lợi cho số đông binh lính cùng tham gia chiến đấu. Chiều cao tường đất bên trong bằng chiều cao tường xây phía ngoài tạo thành một hình thang vuông vững chãi, có đường huyền thoải dốc rất thuận tiện cho việc triển khai binh lính lên mặt thành, ở góc Tây Nam nơi giao nhau của tường thành phía Tây và phía Nam có một ngọn núi đất nhỏ tên là Tổ Sơn. Tường thành phía Đông và phía Bắc bên trong không đắp đất nhưng trên mặt tường thành lại trổ các lỗ châu mai; Trên đỉnh tường thành gạch được xây chìa ra hai bên, mỗi bên 0,1m để tạo thành mái bảo vệ tường thành bền vững. Thành cổ hiện còn lại hai cổng (một cổng ở phía Tây và một cổng ở phía Nam), cổng thành được thiết kế xây dựng theo kiểu kiến trúc Van Ban (Vô Băng) của Pháp. Đoàn Thành không chỉ nằm trên địa thế hiểm trở, nơi đây còn được xem là mảnh đất linh thiêng. Theo truyền thuyết dân gian thì đây còn là nơi hội ngộ của công chúa Liễu Hạnh (Thánh Mẫu) và Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan. Thành cổ là một trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của Lạng Sơn trong thời kỳ phong kiến. Bên cạnh đó Thành cổ còn thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng trong vấn đề bang giao với các triều đại phong kiến phương Bắc. Đây là nơi qua lại cửa ngõ biên giới, nơi giao bang giữa hai quốc gia Đại Việt - Trung Hoa. Thành cổ có 4 cổng chính ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và tương ứng với 4 cổng này là 4 ngôi Đền thiêng được gọi là: Đông Môn từ , Tây Môn từ, Nam Môn từ, Bắc Môn từ (nay gọi là: Đền Cửa Đông, Đền Cửa Tây, Đền Cửa Nam, Đền Cửa Bắc) đó là bốn vị thần trấn yểm bốn phía của Đoàn Thành. Các nhà khoa học đã công nhận đây là Tứ trấn thành cổ Lạng Sơn linh thiêng độc đáo. Với tất cả ý nghĩa và tầm quan trọng nói trên, di tích Thành cổ Lạng Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1999. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Lạng Sơn
Lạng Sơn 1616 lượt xem
Thành nhà Mạc Lạng Sơn có địa chỉ tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn - đây là di tích lịch sử còn sót lại với nét hoang sơ, cổ kính phản ánh kiến trúc quân sự thời phong kiến. Nằm ở vị thế khá quan trọng với thế dựa lưng vào 3 ngọn núi Tô Thị, Lô Cốt, Mạc Kính Cung cao tới hàng chục mét. Từng bức tường thành được xây kiên cố, lên cao vây kín một khoảng đất trống bằng phẳng hàng nghìn m2. Thành Nhà Mạc Lạng Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia và được đầu tư, tôn tạo nhằm phục vụ khách du lịch và người dân quanh vùng tham quan, vãn cảnh. Dấu tích của thành Nhà Mạc Lạng Sơn hiện nay còn lại gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi, từ chân núi dẫn lên cổng thành hơn 100 bậc tam cấp được xây dựng để tạo thuận lợi cho du khách lên tham quan. Vào tới trong thành là một khu đất trống rộng hàng trăm m2; bao xung quanh ngoài những đoạn tường thành có 3 đỉnh núi cao hàng chục mét. Để du khách lên các đỉnh núi thăm quan, ngắm cảnh là hàng trăm bậc thang được xây dựng uốn lượn, do vậy đây là một địa điểm lý tưởng để cho du khách và người dân tham quan, vãn cảnh. Vào những ngày lễ, tết, ngày nghỉ lượng du khách về đây tham quan tương đối đông, một phần do vị trí của di tích thuận tiện nằm trong quần thể Di tích núi Tô Thị, Động Tam Thanh, Nhị Thanh, một phần vì sự độc đáo của danh thắng này nên không chỉ du khách phương xa mà các bạn trẻ trong vùng và người dân sinh sống xung quanh danh thắng cũng chọn nơi đây là điểm dã ngoại, tập thể dục để được thưởng thức không khí trong lành. Nguồn: Cục du lịch Quốc Gia Việt Nam
Lạng Sơn 1581 lượt xem
Khu di tích Láng Le Bàu Cò tọa lạc tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Tp HCM. Láng Le Bàu Cò gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược vào năm 1948 với những trận đánh lớn đi vào lịch sử. Di tích Láng Le Bàu Cò được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2003. Sở dĩ được gọi tên là khu di tích Láng Le Bàu Cò vì Tên gọi của khu di tích Láng Le Bàu Cò là do người dân địa phương đặt ra. Xóm làng được thành lập cạnh những con kênh rạch chằng chịt và dòng sông. Láng Le Bàu Cò có vị trí nằm ở bên trong cánh đồng có diện tích rộng lớn và có rất nhiều tôm, cua, cá. Cùng với nhiều loài chim như vịt trời, cò, con le le, cúm núm, cồng cộc, đa đa, diệc, đỏ nách tới kiếm ăn tại đây. Vì vậy, người dân Tân Nhựt gọi với cái tên thân thuộc và mộc mạc đó là Láng Le Bàu Cò. Di tích Láng Le Bàu Cò được xem là cửa ngõ để di chuyển tới trung tâm căn cứ Vườn Thơm và tấn công cơ quan đầu não của quân địch tại Sài Gòn. Trước đây khu di tích Láng Le Bàu Cò vốn là cánh đồng lau sậy mọc um tùm. Vào ngày 15/4/1948 thực dân Pháp đưa 3 nghìn quân lính cùng nhiều vũ khí hiện đại đồng loạt tấn công khu vực Láng Le Bàu Cò nhằm tiêu diệt căn cứ Vườn Thơm. Khi đó lực lượng vũ trang cách mạng ở Láng Le - Bàu vì lực lượng nhỏ và vũ khí thô sơ tuy nhiên được sự giúp đỡ của người dân địa phương cùng với lợi thế về địa hình. Chỉ sau hơn nửa ngày đấu tranh đã chuyển sang tấn công khiến quân Pháp bị thương vong với số lượng lớn. Chiến thắng Láng Le Bàu Cò đã tiêu diệt 300 tên địch và bắt sống 30 lính đánh thuê cùng phá hủy nhiều máy móc, xe nhà binh, súng các loại của quân giặc. Tuy nhiên, về phía ta có nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh với tuổi đời còn rất trẻ. Ngày 14/10/1966 tại Láng Le tiểu đoàn biệt động quân Việt Nam Cộng Hòa bị dân quân du khách tiêu diệt. Khu di tích Láng Le Bàu Cò có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với người dân Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung. Trước lòng căm thù thực dân Pháp, quân dân Láng Le Bàu Cò đã có cuộc chiến vang lừng lịch sử và có ý nghĩa to lớn mở đầu cho phía ta và phía địch. Đối với phía ta trận đánh mở đầu cho sự anh dũng trong tư thế kháng chiến vững mạnh. Còn với quân địch đã phải lùi vào thế bỏ chiến lược và bị tiêu diệt. Thực dân Pháp không còn định hình được chiến lược đánh bại Việt Minh. Hơn thế, tại căn cứ Vườn Thơm, Láng Le Bàu Cò còn diễn ra trận chiến quyết tâm bảo vệ căn cứ của ta và đập tan mọi kế hoạch phá hoại của quân giặc. Khu di tích Láng Le Bàu Cò sau phong trào Đồng Khởi vào năm 1960 còn là hậu cần, bàn đạp của lực lượng vũ trang để giải phóng Long An - Sài Gòn - Gia Định. Để tưởng nhớ sự hy sinh của đồng bào và các chiến sĩ của ta, vào năm 1988 huyện Bình Chánh đã xây dựng công trình lịch sử tại vùng đất Láng Le Bàu Cò với diện tích rộng 1000m2. Nguồn: Báo thông tin điện tử TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh 5871 lượt xem
Nhà lao Tân Hiệp còn có tên là "Trung tâm cải huấn Tân Hiệp" tọa lạc ở khu phố 6, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa. Di tích Nhà lao Tân Hiệp đã được Bộ Văn Hoá Thể Thao xếp hạng là di tích cấp quốc gia ngày 15-1-1994. Nhà lao Tân Hiệp là một trong sáu nhà tù lớn nhất miền Nam Việt Nam và là nhà tù lớn nhất vùng Đông Nam bộ, được xây dựng ở vị trí quân sự quan trọng, án ngữ phía đông bắc thị xã Biên Hòa. Phía trước là quốc lộ 1; phía sau là đường xe lửa Bắc - Nam. Đây là vị trí biệt lập, thuận tiện trong giao thông, dễ dàng cho việc bảo vệ, canh gác, nhận tù từ nơi khác đến và chuyển tù đi Côn Đảo, Phú Quốc... Nhà lao Tân Hiệp có diện tích 46.520m2 với 8 trại giam, trong đó có 5 trại giam những người tù cộng sản, người yêu nước. Xung quanh nhà tù được bao bọc bởi 4 lớp kẽm gai bùng nhùng với 9 lô cốt, 3 tháp canh cùng đội lính bảo vệ và hệ thống báo động tối tân. Mang tên "Trung tâm cải huấn" nhưng thực chất bên trong là kho súng, phòng xét hỏi, tra tấn với những dụng cụ hiện đại bậc nhất. Mỗi trại giam chỉ có diện tích gần 200m2 nhưng giam giữ từ 300-400 người, có lúc lên đến cả ngàn người. Đặc biệt ở đây có các phòng "cải hối", "chuồng cọp" rất nhỏ hẹp và điều kiện sinh hoạt cực kỳ khắc nghiệt, tù nhân sống chẳng khác gì trong lò thiêu xác. Chế độ ăn uống cực kỳ mất vệ sinh, bọn cai ngục mua gạo mục, cá thối dùng để bón ruộng, chiên bằng dầu luyn cho tù nhân ăn dẫn đến nhiều người bị ngộ độc. Với quyết tâm thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về với Đảng, với nhân dân để tiếp tục chiến đấu, giải phóng dân tộc, ngày 2-12-1956, được sự nhất trí của Liên Tỉnh ủy miền Đông, những chiến sĩ cộng sản bị "câu lưu" trong nhà lao Tân Hiệp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Trọng Tâm (Bảy Tâm) - phụ trách Đảng ủy nhà tù và một số đồng chí khác đã bất thần làm một cuộc phá xiềng tập thể giải thoát gần 500 đồng chí, đồng bào yêu nước. Sự kiện này đã làm xôn xao cả Lầu Năm Góc. Mỹ - Diệm vội vã huy động cả quân chủ lực lẫn bảo an, dân vệ đang trấn thủ 3 tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một và hai biệt đoàn biệt động quân đến bủa lưới bao vây, truy bắt đoàn tù nhưng đều thất bại. Các đồng chí, đồng bào của ta thoát khỏi nhà lao Tân Hiệp đã được sự giúp đỡ, che chở của các cơ sở địa phương, trở về căn cứ an toàn. Trong số tù nhân vượt ngục có các đồng chí: Bảy Tâm, Hai Thông, Lý Văn Sâm... đã trở thành những hạt nhân nòng cốt cho phong trào Đồng Khởi sau này. Năm 2001, để tái hiện phần nào tội ác của Mỹ - Diệm đối với các đồng chí, đồng bào ta bị giam cầm tại nhà lao Tân Hiệp và diễn tả lại toàn bộ cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956, Bảo tàng Đồng Nai đã tiến hành sưu tầm hình ảnh, tài liệu, hiện vật trưng bày tại di tích và làm một sa bàn để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan của mọi tầng lớp nhân dân. Hàng ngày, di tích luôn mở cửa đón khách tham quan. Nguồn: Báo Đồng Nai Điện Tử
Đồng Nai 5054 lượt xem
Di tích tòa Đại sứ Mỹ còn được gọi "Nhà trắng phương Đông" là nơi xuất phát các âm mưu thâm độc về quân sự lẫn chính trị nhằm thôn tính lâu dài đất nước Việt Nam, địa điểm di tích là tòa nhà 5 tầng xây dựng theo kiến trúc hiện đại, tọa lạc tại góc đường Mạc Đĩnh Chi - Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trên một mảnh đất rộng gần 5.000m2. Trước đó, tòa đại sứ Mỹ nằm tại số 39 đường Hàm Nghi. Khoảng 10 giờ sáng ngày 30/3/1963, tòa đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi đã bị đội Biệt động F21 đánh chất nổ làm sập 3 tầng lầu: 1, 2, 3 do đó Mỹ đã quyết định xây lại. Tòa nhà được khởi công xây dựng vào năm 1965, hầu hết vật liệu cũng như máy móc xây dựng đều được chở từ Mỹ sang, dưới sự điều khiển của kỹ sư người Mỹ. Theo thiết kế, tòa nhà bao bọc bởi 7.800 viên đá Taredo có khả năng chống đỡ mìn, đạn pháo. Cửa chính trang bị bằng thép dầy, những cửa khác chắn bởi lớp kín dầy đặc biệt chống đạn. Tất cả cửa sử dụng hệ thống tự động kể cả cửa sắt chắn lối lên các tầng lầu. Bên trong tòa nhà gồm 140 phòng với 200 nhân viên phục vụ ngày đêm ngoài ra bên cạnh tòa nhà còn được xây thêm một dãy nhà phụ gọi là khu "Norodom" dành riêng cho nhân viên C.I.A. Khi khánh thành, tòa nhà chỉ có 3 tầng. Cuối năm 1966 xây thêm 2 tầng và 1 sân thượng dùng làm nơi hạ cánh cho máy bay lên thẳng. Bao quanh tòa nhà là bức tường cao 3m, hai đầu tường sát đường Lê Duẩn xây 2 lô - cốt cao, canh gác ngày đêm. Tòa Đại sứ hoàn thành tháng 9/1967 với một hệ thống phòng thủ như là một pháo đài có 60 lính gác, một hầm tránh bom, một hệ thống màn hình ra-đa nhằm kiểm soát mặt tiền. Ngay sau khi tòa nhà hoàn tất, ngày 24/9/1967, hàng ngàn sinh viên, học sinh kéo đến trước cổng Đại sứ quán Mỹ đấu tranh đòi "Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc", "Mỹ cút về nước" và ra thông báo tố cáo Mỹ "chà đạp và vi phạm nghiêm trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam". Nhưng sự kiện nổi bật xảy ra tại Tòa Đại sứ Mỹ là trận đánh của Biệt động thành trong Tổng Tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Mục tiêu đánh Đại sứ quán Mỹ được bổ sung ngày 24/ 1/1968 do Ngô Thành Vân phụ trách chung. Đội Biệt động 11 nhận lãnh nhiệm vụ quan trọng này gồm đội trưởng Út Nhỏ (đội trưởng trinh sát quân khu) và các chiến sĩ: Bảy Truyền, Tước, Thanh, Chức, Trần Thế Ninh, Chính, Tài, Văn, Đực, Cao Hoài Vinh, Mang, Sáu và 2 lái xe: Trần Sĩ Hùng và Ngô Văn Thuận. Một sự kiện khác cũng không kém phần tủi nhục cho Toà Đại sứ Mỹ là cảnh hỗn loạn tháo chạy xảy ra trong 2 ngày 29 và 30/04/1975 của Mỹ và đồng bọn. Trước sức tấn công thần tốc của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trên 1.000 người Mỹ và hơn 5.000 người Việt thân Mỹ đã chen lấn, xô đẩy, đạp nhau để tranh giành một chỗ trên sân thượng của toà nhà hòng được trực thăng cứu thoát. Di tích này đã được cấp bằng công nhận của Bộ Văn hoá ngày 25/6/1976. Hiện nay, toà nhà Đại Sứ Mỹ đã bị phá bỏ, xây mới thành lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cạnh đó một bia tưởng niệm ghi nhớ mãi chiến công của các chiến sĩ biệt động đã hy sinh trong trận đánh. Nguồn: Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh 3766 lượt xem
Di tích Lịch sử-Văn hóa Tháp Chót Mạt, tọa lạc ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa ngày 23 tháng 7 năm 1993. Đồng thời là một trong ba công trình tháp cổ cuối cùng còn lại ở miền Nam nước ta. Trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1938, 2003 và gần đây nhất là vào năm 2013. Mặc dù trải qua các đợt trùng tu tôn tạo, nhưng khu di tích tháp cổ Chót Mạt đã mang cho mình một diện mạo mới nhưng vẫn giữ nguyên được tinh thần kiến trúc cổ. Toàn bộ tòa Tháp được xây dựng bằng gạch và đá phiến với phần đỉnh tháp nhọn dần lên, từ mặt đất lên nơi cao nhất của đỉnh tháp được ước tính là 10m. Ngoài ra, ngọn tháp cổ này nằm trên gò đất cao giữa cánh đồng nên nhìn từ xa nó tựa như ngọn bút đang vươn lên cao dần. Năm 2003 Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo bảo tồn di tích tháp Chót Mạt và được tiến hành triển khai trùng tu tôn tạo phục hồi, trưng bày mở hố khai quật năm 2003 đưa vào sử dụng. Ngày 27/11/2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định Quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Quyết định giao UBND huyện Tân Biên trực tiếp quản lý 4 di tích, trong đó có di tích cấp Quốc gia di tích Lịch sử- văn Hóa Tháp Chót Mạt. Đặc biệt Di tích Lịch sử-Văn hóa Tháp Chót Mạt trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Tân Biên được chọn nằm trong chũi liên kết phát triển du lịch của Tỉnh Tây Ninh. Đây là một địa điểm tham quan rất đáng để khám phá, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn xã Tân Phong nói riêng và huyện Tân Biên nói chung. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Tây Ninh 3313 lượt xem
Thời kỳ nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng, để phòng bị quân nhà Lê tiến đánh, nhà Mạc đã tu bổ, sửa chữa thành Na Lữ (nay thuộc xã Hoàng Tung, Hòa An) và thành Bản Phủ (nay thuộc xã Hưng Đạo), thành Phục Hòa, ngoài ra còn xây dựng nhiều thành lũy khác ở Cao Bằng, làm cho Cao Bằng trở thành một trung tâm chính trị và quân sự ở vùng biên viễn Đông Bắc thời bấy giờ. Thành Na Lữ và thành Phục Hoà là hai thành được xây dựng từ trước. Theo ghi chép của Bế Hựu Cung trong Cao Bằng thực lục, thành Na Lữ và thành Phục Hòa mở đầu từ đời Đường Ý Tông năm Giáp Thân, niên hiệu Hàm Thông thứ 5 (874). Căn cứ vào sự hiện diện của nhiều ngôi mộ cổ có đá khắc ghi bia mộ tên, địa chỉ, quê quán những người phu dịch xây thành chết ở đây từ thời Hàm Thông có thể khẳng định hai thành này xây từ đời Đường. Thành Na Lữ được xây qua nhiều triều đại khác nhau. Khi nhà Mạc lên Cao Bằng đã cho xây lại bằng gạch. Thành Na Lữ có hình gần chữ nhật, có tổng diện tích khoảng 37,5 ha, chiều dài khoảng 800 m, chiều rộng khoảng 600 m, thành có 4 cửa. Thành Bản Phủ tại kinh đô Nam Bình, nước Nam Cương của Thục Phán khi xưa ở Cao Bình (Cao Bằng), nhà Mạc đã tu bổ thành Vương phủ tại vòng trong của kinh đô cũ Nam Bình và được gọi là thành Bản Phủ hay Vương phủ. Tại kinh đô Nam Bình xưa của nước Nam Cương và của nhà Mạc, thành Bản Phủ vẫn còn dấu tích khá rõ nét. Kinh đô Nam Bình gồm có hai vòng thành, để bảo vệ kinh thành, vòng ngoài có chu vi khoảng 5 km, gồm cả một vùng gò đồi thấp, quanh chân đồi được bạt dựng đứng như một bức tường thành, thuận lợi cho việc xây dựng phòng tuyến bảo vệ. Bờ thành phía Tây chạy song song với bờ sông Bằng đến đầu làng Bó Mạ, nối bờ thành Đông Nam chảy qua trước mặt Bản Phủ theo chân đồi ra gặp quốc lộ 4, phía Đông Bắc chạy theo chân đồi sát phía ngoài quốc lộ 4, lên đến Đầu gò là phía Tây Bắc tiếp tục chạy theo chân đồi, ra đến bờ sông gặp bờ thành phía Tây tạo thành một vòng thành khép kín. Khi nhà Mạc lên đóng đô đã tu sửa lại và xây dựng thêm một số công trình, trong đó thành Bản Phủ (thành nội - nơi của vua làm việc) được xây lên cao hơn trên các tường thành cũ từ thời kỳ Thục Phán, thành nằm trên một khu đất bằng phẳng. Cùng với việc xây dựng lại kinh thành, nhà Mạc còn xây dựng một hệ thống đồn bốt, thành lũy khá dày xung quanh kinh đô và một số điểm biên giới quan trọng, tạo thành một hệ thống bảo vệ kinh thành và bảo vệ biên giới. Thành Phục Hòa (huyện Phục Hoà) được xây theo kiểu hình vuông, mỗi chiều khoảng 400 m, gồm hai vòng thành, khoảng cách giữa hai vòng là 80 m. Hiện nay, tường thành phía Nam đã bị phá huỷ hoàn toàn. Thành Phục Hòa có 2 cổng chính: Cổng phía Bắc được mở thông ra quốc lộ đi Cửa khẩu Tà Lùng ngày nay, nhân dân thường gọi là Pác Cổng, cổng này được xây theo kiểu hình chữ nhật, rộng 8 m, cao 5 m, gồm hai cánh cổng làm bằng gỗ nghiến dày rất chắc chắn; cổng thứ hai ở phía Nam, mở thông ra bờ sông. Cả hai cổng đều bị san phẳng từ lâu, hiện nay không còn vết tích. Gần thành, tại phía Tây Bắc ngoại thành dọc bờ sông còn có nhiều vết tích lò nung gạch, nhân dân cho biết trong quá trình lao động, khai phá đã tìm thấy ở khu vực này nhiều lò gạch còn nguyên vẹn. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, tại Cao Bằng, nhà Mạc đã tu bổ, tôn tạo và xây dựng thêm nhiều thành, đồn luỹ, trong đó tu bổ, tôn tạo xây lại thành Bản Phủ, thành Na Lữ, thành Phục Hoà. Các đồn luỹ này đã tạo thành một hệ thống liên hoàn bảo vệ kinh thành khá vững chắc. Đến nay, những thành cổ nhà Mạc xây dựng thời kỳ đóng đô ở Cao Bằng, một số thành xây dựng bằng đất chỉ còn vết tích, nhưng các thành được xây bằng đá vẫn còn rất rõ. Nguồn: Báo Cao Bằng điện tử
Cao Bằng 3304 lượt xem
Di tích chiến thắng La Ngà (tại km số 104-112 trên quốc lộ 20 đi Đà Lạt, thuộc xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 12-12-1986. Để cổ vũ cho chiến thắng Việt Bắc thu - đông 1947 và cũng để giáng cho kẻ thù một đòn chí mạng, Ban chỉ huy chi đội 10 đã quyết định phải tổ chức một trận đánh lớn, để quân giặc thấy rằng dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam không dễ dàng chịu khuất phục trước bất kì một kẻ thù nào; Bằng tinh thần quả cảm và sự khôn khéo sau gần nửa năm chuẩn bị, nghiên cứu địa hình, chọn địa điểm: vào lúc 15 giờ 12 phút ngày 1/3/1948 trận chiến phục kích La Ngà bắt đầu và kết thúc vào lúc 15 giờ 57 phút cùng ngày, chỉ trong vòng 45 phút. Chiến thắng La Ngà đã làm nức lòng nhân dân Định Quán nói riêng, quân dân Đồng Nai nói chung. Đây là chiến thắng thể hiện sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta làm cho địch một phen kinh hồn, bạt phía. Từ chiến thắng này lực lượng ta ngày càng thêm lớn mạnh, góp phần đánh bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch, buộc chúng phải rơi vào thế bị động. Quần thể danh thắng đá Chồng, Thác Mai, sông La Ngà và Tượng đài chiến thắng La Ngà là một quần thể du lịch kì thú của Định Quán. Vẻ đẹp kỳ thú của Hòn Ba Chồng, Núi Đá Voi, Hòn Dĩa, cùng với ngôi chùa thiên nhiên dưới chân núi đá là những cụm tiêu biểu tạo thành cảnh đẹp hài hòa cho khu danh thắng Đá Chồng. Quần thể Đá Chồng Định Quán còn là nơi lưu lại những dấu tích của cuộc sống người tiền sử. Tại đây dưới các mái đá, ven các khe suối và cả các sườn dốc ven thung lũng đã phát hiện nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa bằng đá, đồng, đất nung. Trong suốt cuộc kháng chiến dài 30 năm. Định Quán là một phần quan trọng của Chiến khu Đ. Đá Chồng đã chứng kiến sự hình thành, phát triển, trú quân, triển khai chiến đấu của lực lượng cách mạng. Ngày nay, một phần đất của khu danh thắng Đá Chồng Định Quán đã được sử dụng, xây dựng thành khu Trung tâm văn hóa thể thao huyện Định Quán. Tương lai không xa khu danh thắng Đá Chồng Định Quán sẽ được đầu tư tôn tạo góp phần làm cho cảnh quan thiên nhiên ngày càng tươi đẹp, là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nguồn: Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Định Quán
Đồng Nai 3278 lượt xem
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh còn gọi là đình Bình Kính tọa lạc bên tả ngạn sông Đồng Nai, xưa kia thuộc ấp Bình Kính, thôn Bình Hoành, tổng Trấn Biên, nay là ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, đã được Bộ Văn Hoá – Thông Tin – Thể Thao & Du Lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 25-3-1991. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18, ban đầu ngôi đền có qui mô nhỏ, vách làm bằng ván, mái ngói âm dương, cách ngôi đền hiện tại khoảng 400m về hướng Nam. Các tư liệu cho biết: ngôi đền được xây dựng lại lần đầu tiên vào năm Tự Đức thứ tư (1851); đến năm 1923, đền được tái thiết lại ở địa điểm hiện nay. Nguyễn Hữu Cảnh sinh vào năm 1650 tại Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình có nhiều bậc danh tướng đương triều. Ông là người văn võ song toàn, lập được nhiều chiến công lớn và được chúa Nguyễn tin yêu, trọng vọng. Mùa Xuân năm Mậu Dần (1698), ông vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược xứ Đàng Trong khi ấy còn rất hoang vu. Đến đất Đồng Nai, ông đặt Đại bản doanh ở Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa); lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đất đai mở mang ngàn dặm. Ông chiêu mộ lưu dân đến lập nghiệp, tổ chức bộ máy hành chính từng bước có qui củ, khuyến khích khai hoang, thúc đẩy Cù lao Phố phát triển thành một trong những cảng thị sầm uất, năng động nhất đàng Trong suốt thế kỷ 18 và chính thức sáp nhập vùng đất mới phương Nam vào bản đồ Đại Việt. Sau khi kinh lược phương Nam trở về, năm sau ông lại phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu thống lĩnh đại binh dẹp vua Chân Lạp giữ vững miền biên ải phương Nam. Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về đến Rạch Gầm (Tiền Giang) thì ông thọ bệnh qua đời nhằm ngày 16 tháng 5 âm lịch, thọ 51 tuổi. Trên đường di quan ông về quê an táng, quan tài của ông được đình lại khu đất khi xưa ông đặt Đại bản doanh ở Cù lao Phố để cho nhân dân địa phương có dịp bái biệt ông lần cuối. Nơi đình quan đã được nhân dân địa phương xây một ngôi mộ vọng để ghi nhớ sự kiện này. Khi hay tin Nguyễn Hữu Cảnh mất, Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc đã phong tặng ông là Thượng đẳng công thần đặc Trấn phủ Chưởng cơ với tước: Lễ Thành Hầu và đưa bài vị của ông vào thờ tại Thái miếu. Nguồn: Báo Đồng Nai Điện Tử
Đồng Nai 3262 lượt xem
Đền Bắc Cung (tên gọi nôm là đền Thính) thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc là một trong bốn cung đền lớn ở quanh vùng núi Ba Vì và châu thổ sông Hồng thờ đức thánh Tản Viên. Các đền: Tây cung, Nam cung, Đông cung ở bên kia sông Hồng thuộc địa phận Sơn Tây, đây là bốn cung đền được nhân dân xây dựng và bảo tồn tương đối cẩn thận. Đền tọa lạc giữa cánh đồng màu mỡ trên khu đất rộng 10.000m2 tựa mình bên những con kênh uốn lượn, bao quanh là làng mạc trù phú, dân cư đông đúc. Hai bên tả mạc, hữu mạc đứng uy nghi và trầm mặc bao lấy khu sân gạch rộng lớn, trông lên một công trình kiến trúc độc đáo. Đền Thính được khởi dựng cách đây 20 thế kỷ trên nền một ngôi miếu nhỏ thờ đức thánh Tản, nơi trước đó ông đã cho quân nghỉ lại trong một lần vi hành giúp dân khai điền trị thủy. Thần phả truyền lại rằng: Đức thánh Tản (tục vẫn gọi là Sơn Tinh) húy là Nguyễn Tuấn, sinh ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Hợi tại động Lăng Xương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Người mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ và hai anh em họ là Nhuyễn Hiển, Nguyễn Sùng. Hàng ngày, ba anh em vượt sông Đà, sang vùng núi Ba Vì phát rẫy làm nương, tìm kế sinh nhai. Nơi đây, Nguyễn Tuấn đã gặp bà chúa Thượng ngàn, được bà nhận làm con nuôi và ban cho chiếc gậy đầu tử đầu sinh cùng nhiều phép thuật để cứu nhân độ thế. Sau khi chiến thắng Thủy tinh và cưới được công chúa Ngọc Hoa, Người đã từ chối ngôi báu mà Vua Hùng muốn trao, cùng hai em du ngoạn khắp nơi, giúp dân khai điền, trị thủy và được nhân dân nơi nơi tôn kính. Khi đi ngang qua vùng Tam Hồng, Người đã cho quân nghỉ chân, dạy dân trồng lúa, đánh cá…Sau khi ông đi, dân làng kéo tới nơi Đức Thánh nghỉ chân và thấy ở đó còn sót lại một số gói thính nên sau này, đền có tên gọi là đền Thính. Cũng có sự tích lại kể rằng: khi cho quân nghỉ lại nơi đây, đức Thánh Tản đã dậy dân làm thịt Thính nên dân gian mới gọi tên đền như vậy. Từ một ngôi miếu nhỏ, đến đời vua Lý Thần Tông (1072-1128) miếu được xây lại thành đền lớn. Đây là nơi vua đến cầu thọ. Đời Vua Minh Mạng (1820-1840) đền lại được tu sửa nhiều lần. Đến đời vua Thành Thái, Tri huyện Yên Lạc cử bần tăng Thanh Ất trùng tu lại đền, công trình kéo dài đến đời Khải Định thứ 6 mới xong (1900-1921). Trải qua bao thăng trầm, đền tiếp tục được nhân dân địa phương gìn giữ và bảo tồn. Ngày 21/1/1992 đền được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Hàng năm, lễ hội đền Thính được mở từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 20 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội gồm phần lễ tế, rước kiệu của các làng trong và ngoài xã cùng rất nhiều trò chơi dân gian sẽ được tổ chức. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc 3227 lượt xem
Mai Xuân Thưởng là người lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Bình Định. Mai Xuân Thưởng sinh năm Canh Thân 1860, mất năm Đinh Hợi 1887 người thôn Phú Lạc, tổng Phú phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định (nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cha là Mai Xuân Tín làm Bố chánh ở Cao Bằng, mẹ là Huỳnh Thị Nguyệt con của một nhà quyền quý trong làng. Mai Xuân Thưởng vốn là người thông minh, ham học. Năm 18 tuổi (1878) ông đỗ Tú tài tại Trường thi Bình Định. năm 25 tuổi (1885) thi đỗ cử nhân. Hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, Mai Xuân Thưởng về quê Phú Lạc, chiêu mộ nghĩa binh, lập căn cứ ở hòn Sưng dựng cờ cần vương chống Pháp, sau đó Mai Xuân Thưởng đã đem lực lượng của mình gia nhập vào nghĩa quân do Đào Doãn Địch lãnh đạo và được Đào Doãn Địch phong giữ chức Tán lương quân vụ (phụ trách về lương thực của nghĩa quân). Kể từ đó cho đến năm 1887, phong trào cần vương ở Bình Định phát triển mạnh mẽ và lan ra đến Quảng Ngãi, Phú Yên...thu hút hàng chục ngàn người thuộc mọi tầng lớp tham gia. Ngày 20/9/1885 Đào Doãn Địch mất, giao toàn bộ lực lượng cho Mai Xuân Thưởng. Ông chọn vùng núi Lộc Đổng (nay thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) làm đại bản doanh và tổ chức lễ tế cờ , truyền hịch kêu gọi sỹ phu, văn thân, nhân dân tham gia phong trào cần Vương chống Pháp. Trong buổi lễ ấy, nghĩa quân nhiều vùng trong tỉnh Bình Định đã nhất trí suy tôn ông làm Nguyên soái lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và nêu cao khẩu hiệu: “Tiền sát tả, hậu đả Tây”. Đầu năm 1887, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Trung tá Cherrean và quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy cùng với Công sứ Trira đã mở cuộc tấn công lớn lên căn cứ đại bản doanh của phong trào Cần Vương Bình Định, trận giao chiến giữa lực lượng nghĩa quân với giặc Pháp diễn ra vô cùng ác liệt, cuộc chiến đấu không cân sức, cuối cùng lực lượng khởi nghĩa bị đẩy lùi. Tháng 3 năm 1887, sau trận ác chiến ở Bàu Sấu (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), Mai Xuân Thưởng bị thương nặng, nghĩa quân rút về Mật khu Linh Ðổng. Ngày 21 tháng 4 năm 1887, Trần Bá Lộc bao vây đánh chiếm căn cứ mật khu Linh Đổng và bắt được một số nghĩa quân, trong đó có thân mẫu Mai Nguyên Soái. Đêm 30 tháng 4 năm 1887, Mai Xuân Thưởng đã cử một đội quân cảm tử đột nhập doanh trại Trần Bá Lộc, giải vây cho những người bị bắt, ông cùng đoàn thuộc hạ gồm 50 người vượt núi vào Phú Yên, tiếp tục kháng chiến, nhưng khi đến đèo Phú Quý (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thị bị phục binh Trần Bá Lộc bắt và đưa ra xử trảm tại Gò Chàm (Phía đông Thành Bình Định). Di tích Lăng mộ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng tọa lạc trên ngọn đồi cao của dãy núi Ngang (thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về hướng Tây Bắc; Lăng mộ được xây dựng trên khu đất rộng 1988m2, khánh thành ngày 22 tháng 1 năm 1961.Về tổng thể, Lăng được thiết kế theo kiểu lăng mộ cổ, xung quanh có thành thấp bao bọc. Cổng Lăng (tam quan) là 4 trụ vuông, phía trên thắt lại theo kiểu bầu lọ mang dáng dấp kiến trúc cổng đình, miếu cuối thế kỷ XIX. Giữa nhà Lăng là mộ phần Mai Xuân Thưởng hình khối chữ nhật theo hướng Đông - Tây; Phía đầu mộ dựng tấm Bia đá khắc bài ký ghi tiểu sử và sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng: Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định xếp hạng cấp Quốc Gia ngày 20 tháng 4 năm 1995. Nguồn: UBND Huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định
Bình Định 3136 lượt xem
Dinh Quận Hóc Môn tọa lạc tại số 1, đường Lý Nam Đế, thị trấn Hóc Môn, (cạnh trụ sở UBND huyện) là nơi để lại nhiều sự kiện đấu tranh nổi bật suốt chặng đường dài lịch sử từ 1885 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng của Nhân dân 18 Thôn vườn trầu. Sau khi hạ được Đại đồn Chí Hòa, thực dân Pháp xây dựng tại nơi đây một ngôi nhà gỗ cao 3 tầng dùng làm Đồn binh. Khi tên Trần Tử Ca về nhậm chức Đốc Phủ, dùng Đồn làm Dinh huyện Bình Long. Vốn là một tay say quỷ quyệt của thực dân Pháp, Trần Tử Ca bị nhóm do các ông Phan Văn Hớn (Quản Hớn) và Nguyễn Văn Quá (Chánh Lãnh Binh) cầm đầu gần 1.000 nghĩa quân tiến về đốt Dinh Quận, bắt và cắt đầu bêu giữa chợ. Đó là ngày 8/2/1885 Tết Ất Dậu. Sau đó, Dinh Quận Hóc Môn được xây dựng lại với nền móng đá xanh, tường gạch, có hệ thống phòng thủ từ lầu cao đến tận vòng rào. Lối kiến trúc y như Đồn binh nên người địa phương gọi là Đồn Hóc Môn. Trấn nhậm thay Trần Tử Ca là Đốc phủ Ngôn, đến Quận Trà rồi Quận Thọ. Đây là khoảng thời gian dài người dân vùng Hóc Môn hứng chịu bao cảnh tham tàn, bỉ ổi của thực dân Pháp và bọn tay sai đầu sỏ kể trên. Với truyền thống kiên cường bất khuất của Nhân dân Hóc Môn. Ngày 4/6/1930, khoảng 6 giờ sáng trước Dinh Quận, hàng trăm bà con Hóc Môn kéo biểu tình đòi “bãi bỏ thuế thân, giảm các thuế môn bài và thuế chợ, cấp đất cho dân cày nghèo”. Quận Trà cho mời những người cầm đầu vào Dinh thương lượng, nhưng chúng xảo quyệt bắt giữ họ trong đó có ông Lê Văn Uôi (Bí thư xã Tân Thới Nhì), là người cầm đầu cuộc biểu tình. Mọi người không nao núng, quyết liệt đòi hỏi Quận Trà phải thả những người bị cầm giữ. Đoàn biểu tình càng lúc càng đông, khí thế đấu tranh có phần lan rộng, khiến Quận Trà nhượng bộ. Một mặt chúng thả những người bị giữ, mặc khác chúng gọi điện cho quan thầy ở Sài Gòn cứu viện. 2 giờ sau, cuộc đấu tranh bị 2 tên Blachôlê và Nobbot chỉ huy bắn xối xả vào đoàn biểu tình, gây thương vong nhiều người. Nhưng sự kiện lịch sử gây ấn tượng nhất tại Dinh Quận Hóc Môn là cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23/11/1940. Đồn Hóc Môn rất kiên cố, xây bằng đá xanh như là một pháo đài, cao khoảng 15 thước, có ụ súng và hệ thống phòng thủ lỗ châu mai do một trung đội lính khố xanh trấn giữ. Ngày 22/11/1940, Pháp tăng cường thêm 1 trung đội để đối phó với tình hình. Chiều 22/11/1940, cánh quân của ông Đỗ Văn Cội đột nhập vào thị trấn, giả dạng thường dân, phục kích sau lưng Đồn chờ lệnh cướp Đồn. Một cánh quân khác có nhiệm vụ phá cầu, đốn cây ngăn lộ, đánh chiếm các công sở, nhà việc... Cánh quân từ Phước Vĩnh An, Tân Thông, Tân An Hội, Tân Phú Trung do ông Phạm Văn Sáng và Đặng Công Bỉnh chỉ huy, xuất phát từ ấp Bến Đò, đánh chiếm nhà việc, diệt 1 tên, thu 4 súng, làm chủ tình hình tại đây (Tân Phú trung). Liền đó cánh quân này được lệnh kéo về Hóc Môn. Cánh quân Long Tuy Thượng do ông Bùi Văn Hoạt chỉ huy. Cánh quân thuộc Tổng Long Tuy Trung do ông Đỗ Văn Dậy và Lê Bình Đẳng chỉ huy. Khoảng 24 giờ đêm ngày 22/11/1940, vẫn chưa nghe thấy tiếng pháo lệnh ở Sài Gòn. Sau khi hội ý, các vị chỉ huy những cánh quân thống nhất tấn công Đồn giặc. Lập tức các cánh quân tiến thẳng về Đồn Hóc Môn, nơi trú ngụ của tên Quận trưởng Bùi Ngọc Thọ. 2 nghĩa quân tên Nghé và Kinh xung phong vào cổng trước, hy sinh. Nghĩa quân bốn phía xông vào Đồn như nước vỡ bờ. Trước sức mạnh của nghĩa quân và quần chúng, bọn lính trong Đồn không còn tinh thần kháng cự, bỏ chạy tán loạn. Nghĩa quân chiếm lĩnh hoàn toàn bên trong Đồn nhưng trên lầu, địch vẫn ngoan cố dùng súng bắn tẻ, cùng lúc gọi điện về Sài Gòn, Thủ Dầu Một cấp cứu. Vì nóng lòng bắt cho được tên Quận Thọ nên đồng chí Đỗ Văn Dậy bám ống máng nước để leo lên tầng trên Đồn. Đến lưng chừng bị trúng đạn, đồng chí bị rơi xuống và hy sinh sau đó. Cuộc chiến đấu đang thế giằng co thì viện binh địch đến. Không thể cầm cự, nghĩa quân rút khỏi thị trấn, phân tán về các làng, lực lượng vũ trang rút về ấp Bến Đò (Tân Phú Trung) rồi di chuyển sang ấp Mỹ Hạnh (Đức Hòa). Cuộc tiến công Đồn Hóc Môn (sau gọi là Dinh Quận Hóc Môn) tuy thất bại nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người dân sự khâm phục lòng dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng trong cuộc chiến đấu chống thực dân cướp nước. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 7 giờ sáng ngày 30/4/1975, thị trấn Hóc Môn hoàn toàn được giải phóng, lá cờ Tổ quốc phất phới bay trên Dinh Quận, nơi tên Quận trưởng Nguyễn Như Sang và bọn tay sai đã chạy trốn từ tối đêm trước. Ngày nay Dinh Quận Hóc Môn được chọn làm Bảo tàng huyện, nơi đây tập trung nhiều tư liệu trưng bày, minh họa các giai đoạn lịch sử thăng trầm cũng như khí thế đấu tranh cách mạng của quân và dân trong huyện Hóc Môn qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Một Tượng đài đặt trước di tích Dinh Quận Hóc Môn thể hiện gương hy sinh bất khuất của quân và dân 18 Thôn Vườn trầu, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn
TP Hồ Chí Minh 2934 lượt xem