Đài Chiến thắng Bông Lau, Lũng Phầy

Đài Chiến thắng Bông Lau, Lũng Phầy

Trong những năm 1948-1949, đường 4 là một trong những tuyến đường huyết mạch được quân Pháp sử dụng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí từ Lạng Sơn lên phục vụ cho lực lượng chiếm đóng ở Cao Bằng, Bắc Kạn. Đây là tuyến đường tương đối hiểm trở, nhất là khu vực đèo Bông Lau (dài khoảng 10 km, thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) là đoạn đường quanh co gấp khúc, góc cua hẹp, độ dốc lớn, nơi các đoàn xe vận chuyển của quân Pháp thường bị lực lượng ta chặn đánh gây nhiều tổn thất (tính đến tháng 8.1949 quân Pháp đã 3 lần bị ta phục kích trên khu vực này). Để bảo đảm an toàn cho tuyến đường vận chuyển quan trọng, quân Pháp đã rải quân chốt giữ các vị trí quan trọng trên trục đường, đồng thời mỗi khi tổ chức vận chuyển, thường phải sử dụng số lượng xe lớn (khoảng trên dưới 100 xe) và chia thành nhiều tốp, có lực lượng bộ binh và xe thiết giáp hộ tống với kế hoạch đề phòng chu đáo. Sau khi kết thúc Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng tháng 4 năm 1949, ta chủ trương tiếp tục tiến hành một số trận đánh để khuếch trương thắng lợi của chiến dịch, trong đó tập trung đánh phá hoạt động giao thông vận chuyển của địch trên đường 4. Thực hiện chủ trương trên, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ tổ chức trận phục kích thứ 4 tại khu vực đèo Bông Lau (đoạn giữa 2 đồn Bông Lau và Lũng Phầy), với quyết tâm “trận đầu ra quân phải thắng”. Sau khi nghiên cứu tình hình, Trung đoàn 174 quyết định tổ chức trận địa phục kích trên quãng đường dài 2,5 km, từ đầu bản Bó đến đỉnh đèo, trung tâm là kilômét 58. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 2 tiểu đoàn 23, 53. Mỗi tiểu đoàn gồm 3 đại đội bộ binh và 1 đại đội trợ chiến, được trang bị súng bộ binh, súng máy 12,7 mm, súng phóng lựu, badôca, lựu đạn, cối 81 mm và 60 mm. Tiểu đoàn 259 làm nhiệm vụ nghi binh thu hút địch ở đoạn Bố Củng - Lũng Vài. Theo đúng kế hoạch, các đơn vị bí mật chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình chiến đấu xong trước ngày 2.9. Sáng 3.9, phát hiện dấu hiệu địch sẽ hành quân lên Cao Bằng, trung đoàn tổ chức các đơn vị vào vị trí chiến đấu. Trưa 3.9, lực lượng hộ tống đoàn xe địch gồm 10 xe (6 xe vận tải), chở khoảng 100 quân tiến vào trận địa phục kích, nhưng trung đoàn chưa nổ súng để chờ đánh mục tiêu chủ yếu là đoàn xe vận tải. Đúng như dự đoán, khoảng 14 giờ khi phần lớn đoàn xe vận tải của quân Pháp gồm hơn 100 xe lọt vào trận địa phục kích, các đơn vị khẩn trương vận động chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Tuy nhiên vào thời điểm này, 1 chiếc xe của quân Pháp chạy đến gần kilômét 58 đột nhiên chết máy, làm cả đoàn xe dồn sát vào nhau, đồng thời lực lượng bộ binh địch đi cùng triển khai đội hình bảo vệ. Nhận thấy thời cơ chưa thuận lợi, ta vẫn kiên trì phục kích; đến 14 giờ 30 phút, địch sửa xong xe tiếp tục hành quân lên đến đỉnh đèo; trận đánh bắt đầu, các loại hỏa lực của trung đoàn đồng loạt bắn vào đoàn xe khiến cho đội hình hành quân của quân Pháp rối loạn. Tận dụng thời cơ, các đơn vị nhanh chóng vận động chiếm lĩnh vị trí có lợi, sử dụng lựu đạn và súng bộ binh tiến công mãnh liệt vào đội hình quân địch; sau hơn 1 giờ chiến đấu quyết liệt, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, áp giải tù binh, giải quyết thương vong và rút quân. Trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến 17 giờ, địch 2 lần sử dụng máy bay bắn phá vào trận địa và đưa quân từ Thất Khê lên ứng cứu, nhưng đều bị lực lượng của Tiểu đoàn 53 chặn đánh, buộc phải rút lui. Kết quả, ta diệt và làm bị thương 194 quân địch, bắt 23 quân, phá huỷ 86 xe (trong đó có 1 xe tăng, 2 xe thiết giáp, 78 xe ô tô vận tải), thu gần 100 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Trận Lũng Phầy thắng lợi là chiến công đầu của Trung đoàn 174, đồng thời cũng là trận phục kích lớn nhất trên đường 4 trong những năm 1948-1950, không những có tác động khích lệ tinh thần và khí thế chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, mà còn mang ý nghĩa cổ vũ, động viên, tạo niềm tin chiến đấu và chiến thắng cho quân và dân ta trên mật trận đường 4 trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam

Lạng Sơn 1318 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Lạng Sơn

Đài Chiến thắng Bông Lau, Lũng Phầy

Lạng Sơn 1319

Di tích cấp quốc gia

Ải Chi Lăng

Lạng Sơn 1292

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu Lưu Niệm Hoàng Văn Thụ

Lạng Sơn 1285

Di tích cấp quốc gia

Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn

Lạng Sơn 1225

Di tích quốc gia đặc biệt

Thành Nhà Mạc

Lạng Sơn 1114

Di tích cấp quốc gia

Thành Cổ Lạng Sơn

Lạng Sơn 1110

Di tích cấp quốc gia

Di Tích Chùa Tiên

Lạng Sơn 1097

Di tích cấp quốc gia

Chùa Thành Lạng Sơn

Lạng Sơn 1094

Di tích cấp quốc gia

Khu lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri

Lạng Sơn 1079

Di tích cấp tỉnh

Đền Kỳ Cùng

Lạng Sơn 1065

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật