Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

HỘI LÀNG KÉP

HỘI LÀNG KÉP

Xã Hương Sơ, Huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang

Làng Kép là một làng của xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang. Làng xưa thuộc xã Cần Dinh, tổng Cần Dinh, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang. Xã này gồm hai thôn: Dù Mà và Kép. Làng nằm trên trục đường thiên lý cổ có đường gianh giới phía đông giáp làng Thân; phía tây giáp thị trấn Kép; phía Nam giáp Trại Vàng; phía Bắc giáp xóm Đồn của xã Hương Sơn.

Làng Kép xưa có 3 xóm: Kép, Keo, Càn. Ba xóm này sau thành ba thôn mà các họ Nguyễn, Mai, Đào, Trần là lâu đời và lớn. Trong quá trình lịch sử, làng Kép sau này phát triển thành các thôn đội với nhiều họ nhỏ từ các nơi về sinh sống. Tuy thế cho đến nay, các họ ở Kép vẫn cho rằng hai chi họ Nguyễn ở đây là lâu nhất. Tục truyền hai chi họ Nguyễn này trước kia vào thời Lê Lợi khởi nghĩa, có hai người kết nghĩa anh em ( quê gốc ở Thanh Hoá ) theo nghĩa quân Lam Sơn ra Bắc đánh giặc Minh. Khi giặc tan, thấy nơi này có thể cư trú được nên đã lưu lại và trở thành hai vị tổ đầu tiên của họ Nguyễn ở Kép, sau thời lê Lợi. Dần dần họ khác đến tụ cư trở thành dân gốc ở nơi đây.

Do làng Kép là một địa bàn quan trọng trên trục đường thiến lý cổ, nên nơi đây được các triều đại phong kiến đặt thành trạm để án ngữ toang khu vực. Là nơi dừng chân của các đoàn sư thần hai nước Việt – Trung ( xưa ) và là nơi đồn trú của quan quân thời phong kiến. Bởi thế, trong địa dư làng còn có các địa danh trên các xứ đồng, đồi gò…như Đồng Càn, thành Cần Trạm, Cầu Gỗ, giếng Sau, giếng Hoả, đồng Thảo, Bãi Trận, đồi Đắp, đồi Nghè, đồi Ngô Công, Mô Cờ, Ao Trạm, Sau đồn, đồn Trạm, am Mồ, rừng Keo, Non Tú, rừng Bụt, rừng Đơn….

Khu di tích đình Cần Trạm, chùa Kép, nghè Trận. Ba di tích này đều nằm trên đồi nghè kề bên đồi Bắp - Đồi có làng Kép toạ lạc. Đình, đền, chùa, nghè là ba công trình nằm ở sườn phía bắc đồi Bắp, quay về hướng Bắc. Đình gồm 5 giáp 2 trái, quy mô lớn đặt dưới chân đồi. Cả ba đình đều làm theo lối cổ truyền rất uy nghi đẹp đẽ. Nhìn trên tổng thể cả ba công trình này đều ở vào địa thế sơn thuỷ hữu tình. Phía trước đình gọi là ao đình và cánh đồng vườn Dâu, đồi Tây. Sau lưng là đồi Nghè; bên phải có đồi Bụt, bên trái có đồi Bắp. Cảnh quan thoáng đãng mà ấm cúng.

Khu thành Cần Trạm ở phía đông bắc làng Kép. Thành này được xây dựng từ đầu thế kỷ XV. Nơi đây diễn ra trận đánh lớn của nghĩa quân Lam Sơn. Trận này, quân Minh đã bị thất bại nặng nề mà lịch sử Việt Nam đã ghi lại những dòng chữ chói lọi. Sau ngày chiến thắng quân Minh, thành này là nơi nhà Mạc dùng làm chỗ đóng quân chống lại nhà Lê. Bởi thế mà thành cũng có tên là thành nhà Mạc. Suốt thời Lê, thành Cần Trạm là nơi dừng chân của các sứ thần Việt Nam và Trung Hoa. Do đó, quanh thành còn nhiều địa danh gắn với thành này như Ao Trạm, Cần Trạm, Mô Cơ….

Làng Kép xưa có bốn giáp: đông, tây, nam, bắc. Các giáp này gồm các đinh nam tổ chức theo họ. Họ to thì một giáp, họ bé thì hai, ba họ vào một giáp. Mỗi giáp có một giáp trưởng. Giáp trưởng là tộc trưởng của họ và cũng là người lo việc cho giáp mình. Các thành viên trong giáp có trách nhiệm cùng lo việc làng, việc nước với giáp trưởng. Lệ cũ quy định, xuất đinh nào mua nhiêu, mua lềnh thì gọi là ông nhiêu, ông lềnh thì được tha miễn các sưu dịch, binh lính. Người đã mua nhiêu, mua lềnh thì gọi là ông nhiêu ông lềnh. Ông lềnh trưởng do hàng giáp bầu để lo việc làng, giúp việc giáp trưởng mỗi khi làng có việc.

 



Trước đây ở làng Kép mỗi năm có các lệ vào ngày 4/01; 6/01; 20/02; 1/6, 20/8; 1/10; 15/12 và 23/12. Các lệ này tổ chức to nhỏ tuỳ theo từng lệ, nhưng trong đó lệ 6/01 được coi là hội xuân. Còn các lệ khác thì gọi là việc làng. Theo lịch trình này, các hội lệ trên lần lượt diễn ra như sau:

- Ngày mồng 4 tháng giêng là ngày động thổ của làng. Theo lệ này thì làng Kép có tục từ 30 tháng chạp đến 4/1 năm mới không ai được làm gì kinh động đến làng. Trong khoảng thời gian đó, chiều 30 tháng chạp năm trước, dân ra đình tế tất niên. Đến giao thừa có lễ cúng giao thừa xin lộc ở đình. Đến sáng 4 tháng giêng có lễ ra giò ở đình.

- Ngày mồng 6 tháng giêng là ngày hội lệ thờ thần đầu xuân. Làng cho mở cửa đình, cửa nghè và cho làm bãi hội, sắp kiệu đóng đám.
Hội 1/6 ở làng Kép có các trò vui như: Đu, vật, cầu kiều, cờ người, tam cúc điếm, liếm lòng chảo, chọi gà….

Đu ở làng Kép là đu nhún, có giải. Hàng năm làng cho dựng cây đu từ trong Tết. Cây đu này cũng như mọi cây đu của các làng khác. Có điều khi vào hội, làng cho dựng dàn treo để giải để người đu thi tài tranh giải. Giàn treo giải là 8 cây tre chôn cao hơn cây đu. Mỗi bên 4 cây, giữa 4 cây có đặt đòn gánh, trên đó buộc cây treo giải. Cây treo giải trên tầm cánh đu. Giải có thể là tiền, hiện vật, hoặc bánh pháo. Nếu là bánh pháo thì ai đu phải đốt được bánh pháo mới là được giải. Do có treo giải nên người đu phải khoẻ mạnh, gan, để nhún cho cánh đu vượt quá tầm 900 lên cao. Khi đó người đu với tay lấy giải hoặc giơ bùi nhùi rơm, châm bánh pháo. Việc này diễn ra rất nhanh nên rất khó đạt được ý định. Đây là cuộc tranh tài thực sự nên thanh niên các xã bên đến dự rất đông.

Vật ở làng Kép được tổ chức ở ngay sân đình. Do làng không phải làng vật nên chỉ tổ chức cho vui, nên không ai muốn vật thì vào tham gia, nếu thắng thì làng cho giải.

Trong trò leo Cầu Kiều, làng cho đóng giá ở giữa ao đình, rồi đặt cây tre dài gá lên giá ấy. Đầu kia cây tre đặt ở trên bờ. Ngoài ao có treo giải thưởng, ai đi cầu ra giữa ao mà lấy được giải thì là thắng.Nếu ai chẳng may ngã xuống ao, ướt sạch thì tự lội mà vào bờ.

Làng cũng cho làm sân cờ người bên sân đình. Quân cờ toàn là các cô gái chưa chồng. Làng có cả bộ áo quần quân cờ theo lối quần áo tướng, sỹ, tốt ở bộ tam cúc. Nếu một bên là nam thì đó là thanh niên trẻ chưa vợ. Khi chơi, người cầm quân được giao một lá cờ đuôi nheo, đi quân thì phất cờ chỉ chỗ cho quân đi. Ngoài sân có bàn cờ tướng theo dõi, đi đứng như trong sân. Để cổ động cuộc cờ người, bên ngoài có người liên tục đánh trống đánh chiêng thúc giục. Trong sân lại có một người cầm trống bỏi gõ tung tung vào tai người cầm quân giục đi. Bởi thế, cuộc chơi tuy là đấu trí căng thẳng nhưng cũng rất sôi động.

Bên sân hội lại có 4 chòi được dựng lên để chơi tam cúc điếm. Khi chơi có người chia bài, rao bài bằng bài thơ vần rất hay, người chơi cứ nghe bài rao mà đoán đối phương ra quân gì để liệu quân. Đây cũng là một hình thức vui chơi ở hội làng Kép.

Trong ngày hội làng cho bón giáp thi cỗ đơm. Cỗ này còn gọi là cỗ ba tầng. Cỗ ba tầng này có cỗ chay, cỗ mặn và cỗ hoa quả. Cỗ chay của làng thươngg có bánh xu xê, bánh chầng gừng, bánh cốm. Cỗ mặn thì các món: giò lụa, giò mỡ, chả quế, thịt gà, thịt lợn, nem chạo, bóng mực, măng, miến….Hoa quả có các loại như: Cam, quýt, bòng, bưởi, hồng, chuối…bày lên thờ để làng chấm cỗ. Thi cỗ xong, làng cho hạ để dân ăn cỗ hương ẩm là cỗ cho làng dùng. Cỗ này làng trích từ quỹ ruộng công, ruộng hậu…ra đẻ lo việc làng. Tất cả các vị từ cụ thượng đến kỳ hào, lý dịch, cụ hạ, giai đinh đều được hưởng nhưng chỗ ngồi ở đình có phân ra thứ bậc khác nhau. Các cụ trên được ưu tiên các món đầu gà, má lợn, lòng gan. Cứ bốn người một cỗ. Cai đám và các ông lềnh cứ thế mà lo sắp xếp cho đủ.

Tối ngày hội 6/1 trong đình, trên chùa làng có các đoàn hát nhà tơ, chèo, tuồng biểu diễn cho dân xem.

Đình ở làng Kép là đình của xã đầu tổng, do đó hội lệ các xã trong tổng đến dự rất đông vui.
Hàng năm nếu có hạn hán thì làng tổ chức cầu đảo ở đền làng nghè Sấu là chính. Để tổ chức cầu đảo, làng cho làm lễ mở cửa đền Càn, tế ba ngày cầu mưa. Đến ngày thứ hai cho rước lên nghè Sấu. Khi rước thì cho người đóng làm ông sấm, ông sét. Ông sấm, ông sét cầm bó đuốc bằng nứa, bằng sậy huơ lên huơ xuống giả làm sấm sét. Đồng thời lúc đó cho trống chiêng đánh, gõ vang trời. Lại cho người khiêng lọ nước đi theo, thỉnh thoảng lại múc nước bằng gáo dừa ngậm vào mồm phun lên trời giả làm mưa rơi.

Ngày xưa, làng Kép là làng chỉ canh tác một vụ nên hạ điền tổ chức vào ngày 1/6 và lễ thượng điền ( lễ xuống đồng ) tổ chức ở trước đình làng. Lễ này có tế xuống đồng. trong lễ tế bao giờ cũng có ba thứ:
- Một cây khoai nước.
- Một cây sim.
- Một hòn đá.

Và lời văn khấn bao giờ cũng có cấu: cầu cho lúa xanh như khoai, sai như sim, chìm như đá.
Sau lễ khấn này thì làng cho các cô gái trẻ chưa chồng xuống ruộng trước đình đã cày bừa sẵn thi cấy. Ai cấy nhanh, cấy thẳng, cấy đẹp, cấy dẻo, cấy khéo là nhất.

Lễ lên đồng 1/10 cũng gọi là lễ mừng cơm mới. Lễ này làng có bánh dầy, xôi, gà mang đình. Cả làng cùng ăn cỗ, tuy không có trò vui, nhưng không khí trong làng rất vui.

Hội làng Kép ngày nay mở vào 20 tháng 2 âm lịch do thôn Trong và Ngoài cùng tham gia.

 



 


 

Từ 29/03/2024 - 29/03/2024

Khám Phá Bắc Giang

Hồ Khuôn Thần

Khu du lịch nổi tiếng Khuôn Thần có vị trí tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Điểm đến nay cách Hà Nội khoảng 100km và cách thành phố Bắc Giang khoảng 50 km (phố Chũ). Từ trung tâm thị trấn Chũ rẽ trái khoảng 10 km, một khung cảnh tuyệt sắc hiện lên trước mắt. Hồ nước trong xanh soi bóng mây trời cùng với những hòn đảo nhấp nhô. Hồ Khuôn Thần không chỉ mang vẻ đẹp đơn thuần mà còn khiến du khách đắm say. Nơi đây mang vẻ đẹp giao hoà giữa khí – trời – đất. Một cảnh quan, môi trường sinh thái trong lành. Hồ Khuôn Thần hiện lên nổi bật giữa một bức hoạ thiên nhiên muôn màu sắc. Bức hoạ ấy được thuê dệt từ màu xanh bạt ngàn của rừng, trời, mây, non nước. Với diện tích khoảng 240ha, nơi đây được bao bọc bởi những rừng thông, chàm, keo tai tượng tươi tốt. Cảnh sắc ấy lại được điểm tô thêm bởi màu đỏ rực rỡ của những đồi vải đang vào mùa thu hoạch. Thêm vào đó là những rặng liệu nghiêng mình toả bóng. Nét đẹp của Hồ Khuôn Thần càng trở nên cuốn hút hơn bởi những hòn đảo to nhỏ nổi lên giữa mặt nước. Trên các đảo được phủ thông và các cây loại cây ăn quả khác nhau. Tạo hoá đã ban cho khu du lịch Khuôn Thần một cảnh sắc tuyệt tác. Đến nơi đây, du khách có thể thả hồn trên du thuyền. Lênh đênh giữa hồ, cảm nhận sự mênh mông, yên bình và đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo. Vẻ đẹp của trời, mây, non nước hoà quyện lại trước mắt. Khi lên tởi đỉnh đập nước hồ Khuôn Thần, du khách có thể cảm nhận thêm cảnh mênh mông, hùng vĩ, và thơ mộng của trùng điệp nủi rừng. Đặc biệt, vào mùa mưa, nước chảy từ đỉnh đập Khuôn Thần ào ào xuống thung lũng ven hồ tạo thành cảnh sắc ngoạn mục. Trên đường đi, du khách có thể dừng chân ghé thăm các đảo nổi. Trên các đảo này được trồng thông và các cây ăn quả: vải, nhãn,..Không giãn bao la bình yên, trữ tình và thi mộng. Ngồi trên những thảm cỏ xanh mát, dưới những hàng thông vi vu toả bóng. Hay ngả mình trên những chiếc võng đu đưa dưới những cây nhãn. Hoà mình trọn vẹn vào thiên nhiên, làn gió nhẹ thổi cuốn đi hết những ưu phiền. Mỗi nơi sẽ có những thời điểm riêng để phô ra trọn vẹn những vẻ đẹp vốn có của mình. Với hồ Khuôn Thần, nơi đây có không khí mát mẻ, trong lành nên bạn có thể đến vào mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mùa hè có lẽ là mùa đến đây lý tưởng nhất. Trái ngược với cái nắng nóng bụi bặm của thành phố. Vào mùa hè, các bạn có thể dành thời gian để đến với khu Khuôn Thần. Nơi đây mang lại cho bạn cái mát lạnh của hồ cùng không khí trong lành. Không những thế, bạn còn được ngắm nhìn sắc đỏ của đồi vải rực rỡ, thưởng thức những trái vải thơm ngon. Một cảm giác thoải mái, dễ chịu tại nơi đây. Không gian, cảnh vật, con người nơi đây đã khiến khu du lịch Hồ Khuôn Thần trở thành một điểm đến lý thú. Trải nghiệm Hồ Khuôn Thần chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó quên với vẻ đẹp của con người, cảnh sắc mộng mơ mang sức hấp dẫn kỳ lạ giữa chốn sơn trang. Nơi đây chính là một điểm đến lý tưởng dành cho những ai yêu thích, khám phá thiên nhiên. Cũng là nơi dừng chân dành cho những ai muốn tìm một nơi bình yên, thư giãn.

Tháng 3 đến tháng 10

Rừng nguyên sinh Khe Rỗ

Mỗi tỉnh thành Việt Nam đều được ưu ái cho những cảnh sắc thiên nhiên phong phú, các danh lam thắng cảnh độc đáo. Bắc Giang cũng không nằm ngoài sự ưu ái đó. Nhắc đến Bắc Giang là nhắc đến các khu di tích tâm linh như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, đình Lỗ Hạnh, Lăng Dinh Hương, Lăng Họ Ngọ gắn với nền văn hóa truyền thống độc đáo và lâu đời. Nhắc đến Bắc Giang là nhắc đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đồng Cao, Suối Nước Vàng, Hồ Cấm Sơn,… và không thể không nói đến Rừng nguyên sinh Khe Rỗ. Sở dĩ nơi đây có cái tên như vậy là do đặc trưng địa hình với những khe sâu, núi cao, rừng già và đặc biệt khi thời tiết thay đổi thì ở Khe Rỗ lại vang lên những âm thanh như thác đổ. Chính vì vậy người dân nơi đây mới gọi tên là "Khuổi Lồ" đọc theo tiếng phổ thông có nghĩa là Khe Rỗ. Nằm trong khu bảo tồn Tây Yên Tử, cảnh sắc thiên nhiên ở rừng nguyên sinh Khe Rỗ vô cùng hoang sơ và có một chút bí ẩn đủ sức làm các du khách tò mò. Chính vì thế, nơi đây nhanh chóng trở thành điểm đến thú vị đối với những du khách ưa khám phá và muốn thư giãn cùng thiên nhiên. Rừng nguyên sinh Khe Rỗ có tổng diện tích tự nhiên 7.153ha, nằm trong ba lưu vực Khe Rỗ, Khe Đin và Khe Nước Vàng. Rừng ở đây rất phong phú về động, thực vật đặc biệt là những loài quý hiếm. Đặc biệt, rừng nguyên sinh Khe Rỗ rất nổi tiếng với cây đa tình đã trên 500 tuổi, vừa là nơi hò hẹn, vừa là nơi kết duyên, vừa là nơi chứng kiến biết bao câu chuyện tình đẹp của những chàng trai, cô gái An Lạc. Do đặc điểm địa hình mà nơi đây nhanh chóng trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cuối tuần hấp dẫn. Đến Khe Rỗ, du khách không chỉ được đắm mình trong làn nước suối trong vắt, mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động vui chơi thú vị, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của đồng bào. Hiện trong bản có nhiều hộ gia đình có dịch vụ lưu trú qua đêm cho khách du lịch với sức chứa vài chục khách mỗi đêm.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Đền Suối Mỡ

“Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”, hàng năm vào ngày 30-3 và 1-4 âm lịch, nhân dân các dân tộc vùng chân núi sườn Tây Yên Tử, huyện Lục Nam (Bắc Giang) lại nô nức trẩy hội Suối Mỡ. Lễ hội tưởng nhớ vị nữ thần Mỵ Nương Quế Hoa được suy tôn là Thánh Mẫu Thượng Ngàn đã có công khai phá đất đai, khơi dòng suối mát, dạy dân cày cấy để có cuộc sống ấm no. Theo các tài liệu xưa ghi chép lại, đền Suối Mỡ thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn từng được sắc phong: “Thần thông quảng đại càn, thập nhị tôn nàng Vực Mỡ”. Mẫu Thượng Ngàn được thờ ở Suối Mỡ là Mỵ Nương Quế Hoa, con Vua Hùng Định Vương và Hoàng hậu An Nương. Hoàng hậu sinh ra nàng bên gốc quế rồi mất. Lớn lên, Quế Hoa luôn nhớ thương mẹ nên đã đi vào rừng sâu để tìm dấu vết người mẹ hiền. Tới khu thung lũng là xã Nghĩa Phương ngày nay, vùng đất phẳng phiu rộng rãi nhưng cây cỏ héo tàn, xơ xác do thường xuyên hạn hán, Quế Hoa nghĩ rằng phải tìm nước về cho người dân sinh sống. Sau nhiều ngày đường vất vả, công chúa bắt gặp hồ nước mênh mông, đang băn khoăn tìm cách mở đường đưa dòng nước mát về nơi khô hạn, thì được một cụ già râu tóc bạc phơ cho quyển sách luyện phép lạ cứu đời. Quế Mỵ Nương bèn lập một hành cung làm nơi tu luyện và đã thành công. Nàng xoè năm ngón tay ấn xuống tạo thành sức mạnh kỳ lạ khiến núi nứt ra, đá ầm ầm xô chuyển, nước từ các khe ào ào dốc xuống vùng đất thấp rồi chảy thành dòng êm ả. Từ đó cây cối mọc lên, chim chóc kéo tới, đời sống nhân dân ngày càng no ấm. Khi đó, Mỵ Nương Quế Hoa cùng 12 thị nữ bay về trời trên đám mây ngũ sắc. Để tưởng nhớ công ơn bà, dân bản lập bàn thờ tại nơi bà đưa nước nguồn về và gọi là đền Suối Mỡ. Đời sau đều tôn là Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Suối Mỡ quanh năm nước chảy rì rào bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối rồi xuôi dòng qua năm bậc thác mẹ, thác con nối tiếp. Tương truyền đó chính là dấu năm ngón tay của nàng công chúa Mỵ Nương. Dọc theo con suối thiêng, nhân dân xây dựng một quần thể di tích gồm: Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Dấu tích cũ cho biết, quần thể di tích có niên đại từ thời Lê – Mạc và đã được tu sửa, tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Đến với lễ hội Suối Mỡ là đến với vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình. Với quãng đường 7 km, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh nơi đây với nước suối trong lành và cây lá xanh tươi cùng hệ thống công trình: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Bãi Quần Ngựa, Đền Trần, Khu Ba Dinh Bẩy Nền, Chùa Hòn Trứng, Đình Xoan và chùa Hồ Bấc… Đền Thượng nằm ở lưng chừng núi Vực Mỡ. Từ đây có thể bao quát cả khu đền Trung, Đền Hạ và một phần thung lũng xã Nghĩa Phương. Đền vốn được tạo ra từ mái đá của sườn núi. Mặt nhìn xuống Suối Mỡ chảy từ thác Thùm Thùm. Từ đây trở xuống Suối Mỡ rộng dần và có nhiều thác lớn nhỏ. Đền Trung ở chân núi Vực Mỡ thuộc hữu ngạn suối này, có không gian rộng rãi thoáng mát. Nước suối trong mát chảy dài xuống Đền Hạ. Đền Hạ quy mô lớn hơn nằm ở giữa thung lũng. Trong ngày hội, đây là nơi tập trung khách thập phương các nơi về lễ đền. Lễ hội đền Suối Mỡ là ngày hội văn hoá của nhân dân các dân tộc thuộc nhiều làng, xã dưới chân núi thuộc sườn tây Yên Tử (Lục Nam). Các làng Dùm, làng Quỷnh thuộc xã Nghĩa Phương từ thượng cổ tới nay, vào ngày hội đều có lễ rước sắc, bài vị và lễ vật về đền Suối Mỡ. Ngoài ra, hội đền còn tổ chức thi bắn cung, võ dân tộc, đấu vật, cờ bỏi, đánh đu, chọi gà... Một nét văn hoá độc đáo và đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội Suối Mỡ, gắn với nhân vật thờ chính ở ngôi đền là nghi lễ hầu Thánh trong ngày lễ hội. Những năm gần đây được sự quan tâm và chỉ đạo của ngành văn hoá, lễ hội Suối Mỡ còn tổ chức liên hoan nghi lễ chầu văn, nhằm tôn vinh bảo tồn nét đẹp văn hoá thờ Mẫu.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Khu du lịch Suối Mỡ

Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ nằm trên tuyến đường tâm linh từ TP Bắc Giang đến thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động) kết nối với nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng); khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, Khe Rỗ (Sơn Động), đồng thời tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương trở thành điểm du lịch cầu nối trung chuyển với các điểm du lịch trong quần thể di tích - danh thắng phía Đông và Tây Yên Tử, cùng di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và các điểm du lịch khác của 3 tỉnh. Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng, gồm hệ thống 3 ngôi đền chính: Hạ - Trung - Thượng thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn công chúa Quế Mị Nương con của vua Hùng Vương thứ IX - người có công khai mở ra vực mỡ, dẫn nước nhập điền, dạy nhân dân cách trồng trọt chăn nuôi. Đền Suối Mỡ với những nét cổ kính và những giá trị văn hóa lịch sử được lưu giữ tại đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988. Lễ hội đền Suối Mỡ diễn ra hằng năm vào ngày 30 tháng 3 và mồng 1, mồng 2 tháng 4 Âm lịch nhằm cầu mong mùa màng tốt tươi và cũng là dịp để mọi người tỏ lòng biết ơn với công chúa Quế Mỵ Nương thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến cầu phúc, cầu tài... Lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015. Cùng đó, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ còn có những di tích phụ cận khác như: Đền Trần, đền Cậu Bé Lệch, đền Cô Bé Cây Xanh, đền Quan...; những di tích lịch sử về một thời hào hùng của dân tộc như: Bãi Quần Ngựa, khu Ba Dinh Bảy Nền thời nhà Trần...; những di tích mang đậm dấu ấn Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Hồ Bấc, chùa Hòn Trứng... tạo ra quần thể du lịch văn hóa, tâm linh Suối Mỡ. Một trong những điểm khiến bất cứ du khách nào đã từng đến Suối Mỡ không thể quên được đó chính là vẻ đẹp sinh thái của núi, rừng, suối, thác nơi đây. Nằm trải dài trên diện tích hàng ngàn ha, hệ thống rừng nguyên sinh của Suối Mỡ hết sức phong phú và đa dạng là điều kiện phát triển bền vững loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng. Suối Mỡ có hai hệ thống thác chính là thác Suối Mỡ và thác Thùm Thùm mang vẻ đẹp kỳ vĩ và nên thơ. Mỗi hệ thống thác lại có nhiều bậc thác hùng vĩ, mỗi bậc mỗi vẻ và đặc biệt dưới chân những bậc thác này đều có những bồn tắm tự nhiên hết sức kỳ thú. Đến với Suối Mỡ vào những buổi trưa hè nắng nóng, du khách sẽ được ngâm mình trong làn nước trong mát rồi để mặc cho làn nước từ trên cao dội xuống mơn man khắp cơ thể như một môn vật lý trị liệu giúp xua tan đi những căng thẳng mệt mỏi sau những ngày làm việc vất vả hay chọn cho mình không gian riêng trên những chiếc ghế, chiếc giường bằng đá để nghỉ ngơi và cảm nhận vẻ đẹp của núi rừng Suối Mỡ. Trong Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ còn có hồ chứa nước Suối Mỡ với tổng diện tích mặt nước hơn 30 ha, quanh lòng hồ là những bãi cỏ xanh bằng phẳng thích hợp cho các loại hình du lịch như: Dã ngoại cắm trại, câu cá, bơi thuyền… Cùng đó, với hệ thống rừng nguyên sinh, cao nguyên đá Suối Mỡ là điểm đến hấp dẫn của các bạn trẻ đam mê loại hình du lịch phượt, leo núi khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Suối Mỡ được xác định là điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang, luôn được chú trọng đầu tư xây dựng. Thời gian qua, cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ từng bước được hoàn thiện. Nhiều hạng mục đầu tư quan trọng với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng như: Công trình hồ Suối Mỡ, khu rừng bảo vệ cảnh quan Suối Mỡ, dự án đầu tư hạ tầng khu du lịch; nâng cấp sửa chữa đền Hạ, nhà hát Văn và khuôn viên; cầu treo Đền Trần; công trình tuyến đường du lịch quanh hồ Suối Mỡ; công trình tu bổ, tôn tạo khu di tích đền Trung…

Từ tháng 1 đến tháng 12

Chùa Đức La

Chùa Đức La (hay còn được biết đến là chùa Vĩnh Nghiêm) nằm trên một quả đồi thấp tại thông Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Đức La nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn 18 km. Có lẽ vì vậy, mà nơi đây không vướng những cái ồn ào, tấp nập của thành thị. Chùa được xây dựng từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028) cho tới thời vua Trần Thành Tông (1258-1278), chùa là nơi có nhiều vị cao tăng tu hành. Do đó, chùa đã được tu tạo nguy nga và lộng lẫy hơn. Chùa cũng là nơi mà vua Trần Nhân Tông đến thụ giới và sáng lập nên Thiền phái Phật giáo Việt Nam. Tại chùa Đức La, vua Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa và Huyền Quang đã tạo nên Trúc Lâm Tam Tổ của thiền phái Trúc Lâm. Chùa Đức La nổi bật với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nên thơ. Chùa nằm trên một quả đồi thấp, ở nơi lưu hợp của sông Lục Nam và sông Thương. Bao quanh chùa là núi Cô Tiên. Một vị trí tuyệt vời, giao thoa giữa núi sông. Không ồn ào, nhộn nhịp, đứng ở nơi đây, con người như được hoà mình vào giữa mênh mông trời đất. Chùa Đức La được đặt trên khuôn viên rộng với diện tích khoảng 10000 mét vuông. Mở đầu là cổng Tam Quan và sau đó là Tiền Đường. Bước vào sân chùa, những dấu ấn xưa cũ vẫn còn được lưu trữ hiển hiện ngay trước mắt. Trong đó, tấm bia to 6 mặt năm Hoằng Định được xem là lâu đời nhất. Chùa Đức La có lối kiến trúc độc đáo, được lưu giữ từ hàng ngàn năm. Chùa có cấu trúc với 4 khối: chùa hình chữ “công”, hai bên có các dãy Tả vu, Hữu vu. Các dãy trong chùa đều rộng rãi gồm 18 gian. Chùa Đức La còn được biết đến bởi các giá trị điêu khắc tinh xảo, điệu nghệ. Thể hiện rõ nét nhất thông qua hệ thống tượng Phật được sắp xếp ở 3 khối nhà chính: Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất và Nhà Tổ đệ nhị. Bên cạnh đó, trong chùa còn lưu giữ lại nhiều di vật có giá trị. Phải kể đến bức hoành phi – câu đối cùng hệ thống văn bia với 8 tấm ghi lại tiến trình lịch sử và phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Hồ Cấm Sơn

Hồ Cấm Sơn có toạ lạc tại xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, được xem là công trình đại thủy nông lớn thứ tư trong cả nước. Nhiệm vụ chính của hồ là cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Dù có diện tích trung bình 2.600ha, nhưng vào mùa hè và những lúc có mưa nhiều, mặt hồ có thể mở rộng lên tới hơn 3.000ha. Hồ Cấm Sơn được bao bọc bởi những dãy núi cao hùng vĩ và rừng cây xanh mướt, tạo thành một không gian thiên nhiên đẹp mê hồn. Để đến được Hồ Cấm Sơn, bạn có thể đi xe từ trung tâm Hà Nội theo con đường dài khoảng 100km. Trên đường đi, bạn sẽ phải đi qua cầu Long Biên và thị xã Từ Sơn, sau đó đi đến Bắc Ninh và chạy thêm khoảng 22km để đến Bắc Giang. Tại đây, bạn sẽ tiếp tục đi theo Quốc Lộ 31 để tới thị trấn Chũ (Lục Ngạn) và tìm đường rẽ trái để đi đến hồ Khuôn Thần (tỉnh lộ 289). Khi đến ủy ban xã Kiên Thành, bạn chỉ còn cách Hồ Cấm Sơn khoảng 15km nữa. Tuy nhiên, vì đường đi khá xa và gồm nhiều đoạn đường khác nhau, để đảm bảo an toàn cho chuyến đi của mình, bạn nên đi cùng một nhóm đông người và nghỉ ngơi định kỳ trên đường. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi đường người dân địa phương để được hướng dẫn cụ thể hơn tránh bị lạc đường và mất thời gian nhé. Hồ Cấm Sơn là một địa điểm du lịch phù hợp để ghé thăm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ những người từng đến đây, mùa hè là thời điểm đẹp nhất để trải nghiệm không gian thoáng đãng và thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ. Bạn có thể cắm trại cùng bạn bè hay trải nghiệm tắm hồ tại đây. Ngoài ra, mùa thu cũng là thời điểm tuyệt vời để du lịch Hồ Cấm Sơn, lúc này khí hậu mát mẻ và cây cối bắt đầu thay lá, tạo nên một không gian thiên nhiên lãng mạn. Nếu bạn muốn trải nghiệm mùa vụ vải chín đỏ rực của vùng đồi Lục Ngạn, bạn có thể lên kế hoạch đến đây vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7. Đây cũng là thời điểm để hòa mình vào không khí thu hoạch của các dân cư địa phương. Hồ Cấm Sơn giống như một bức tranh thiên “sơn thủy hữu tình”, khi đặc thù nơi đây là bờ hồ được bao quanh bởi các ngọn núi điệp trùng. Người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống cổ truyền. Khi đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của những dãy núi cao và hàng cây xanh mướt tạo bóng xuống mặt hồ trong lành. Thêm vào đó, hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô giữa mặt hồ càng tôn lên cảm giác như bạn đang sống trong một phiên bản thu nhỏ của Hạ Long, tại Bắc Giang. Có thể bạn chưa biết, sự lãng mạn và thơ mộng của thiên nhiên ở đây từng truyền cảm hứng sáng tác cho nhạc sĩ Phó Đức Phương tạo nên bài hát "Hồ trên núi", trở thành một tác phẩm nổi tiếng đến ngày nay. Ngoài ra, bạn có thể cùng người thân du ngoạn tới những hòn đảo nhỏ và chiêm ngưỡng mây trời, núi non hùng vĩ tại hồ Cấm Sơn bằng một chiếc thuyền máy. Ngoài việc chiêm ngưỡng thiên nhiên tuyệt đẹp, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động thú vị tại Hồ Cấm Sơn như chèo thuyền, leo núi, câu cá,... Điều này chắc chắn sẽ khiến cho chuyến du lịch của bạn trở nên đầy phấn khích và ý nghĩa. Không chỉ thế, khu du lịch Hồ Cấm Sơn còn là điểm đến "hot" ở Bắc Giang, thu hút rất nhiều du khách trẻ đến đây cắm trại, dã ngoại. Sau khi khám phá đảo trên thuyền, bạn có thể ghé qua xóm chài để mua những sản phẩm đặc sản như tôm, cá tươi sống. Ngoài ra, bạn có thể ghé vào các căn nhà xung quanh để mua gà đồi và thuê bếp của chủ nhà để tự tay nấu nướng món ăn đặc trưng của vùng đất này. Đây thực sự là trải nghiệm tuyệt vời để tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán địa phương và cảm nhận sự ấm áp, thân thiện của người dân nơi đây.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Thành cổ Xương Giang

Thành cổ Xương Giang, tọa lạc chính xác tại ở phường Xương Giang, ngay khu vực trung tâm TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Nhắc đến Bắc Giang, người ta nhắc tới một vùng đất địa linh nhân kiệt, với bề dày lịch sử dựng, giữ nước, ghi dấu những chiến công vang dội. Trong đó, không thể không kể đến địa danh Chi Lăng – Xương Giang lững lẫy bao thời và từ đó tới nay, Thành cổ Xương Giang đã trở thành một điểm đến tâm linh, du lịch, được vinh danh là di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia, một điểm đến thú vị khi ghé thăm vùng đất Bắc Giang. Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ XV (1407). Thành được xây bằng đất, theo các dấu tích còn lại mà người ta khai quật được, thành được xây dựng thành hình chữ nhật, dọc theo hướng Đông - Tây với chiều dài đo được là 600m, chiều rộng đo được theo hướng Bắc - Nam là 450m và với tổng diện tích là 27ha. Bao quanh Thành cổ Xương Giang là tường đắp đất cao dày dặn chắc chắn, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây. Theo khảo sát thực tế và hồ sơ di tích để lại của Thành cổ Xương Giang thì dấu tích ngôi thành cổ xưa nay còn lại không nhiều trong đó, tường thành cao hơn mặt bằng xung quanh khoảng 3- 4m, chân rộng 25m và mặt rộng từ 16- 20m. 4 góc thành cổ Xương Giang có 4 pháo đài cao hơn mặt thành 4m, nhô hẳn ra ngoài và phía bên ngoài thành là hệ thống hào bao bọc chạy vòng quanh để đảm bảo chiến lược quân sự ngày xưa. Theo sử sách lưu truyền lại, Thành cổ Xương Giang là địa danh gắn liền với chiến thắng Xương Giang của quân dân Đại Việt lừng lẫy năm nào do Lê Lợi lãnh đạo. Tại nơi đây, đoàn quân đã đập tan 10 vạn quân xâm lược Minh trong trận chiến kéo dài gần 1 tháng trải dài dọc địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay với bốn trận thắng lớn: Ngày 10/10: dẹp tan quân địch và kết liễu vị Thái tử Liễu Thăng tại cửa ải Chi Lăng; Trận ngày 15/10 đánh tan quân dịch tại khu vực Cần Trạm, ngày nay là Hương Sơn- Lạng Giang, khiến cho tướng giặc là Bảo Định Bá Lương Minh phải tự vẫn; Trận đánh Hố Cát ngày 18/10 nằm trên địa bàn Vôi, Xương Lâm, Phi Mô - Lạng Giang ngày nay, làm cho Thượng thư Lý Khánh tự tử. Đặc biệt là trận Xương Giang ngày 3/11/1427, trên cánh đồng Xương Giang (ngày nay thuộc các xã Tân Dĩnh, Xuân Hương, Mỹ Thái huyện Lạng Giang và Thọ Xương, thành phố Bắc Giang) quân ta đã chiến thắng sau 10 ngày bị bao vây. Trong trận chiến ấy, nghĩa quân đã đánh tan tới bảy vạn quân giặc, cầm quân là hai vị tướng tài Thôi Tụ và Hoàng Phúc, buộc quân Minh lúc bấy giờ đang đóng ở Đông Đô - Hà Nội phải xin hàng rút về nước. Chiến thắng năm nào của nghĩa quân Lam Sơn do vị tướng tài ba Trần Nguyên Hãn chỉ huy để chiếm lấy thành Xương Giang và phá tan đạo quân hùng hậu của Liễu Thăng đã góp phần quan trọng vẽ nên chiến thắng lịch sử để từ đó làm cơ sở giúp nước ta lật đổ ách thống trị bạo tàn của nhà Minh đã kéo dài suốt 20 năm, quyết định nền độc lập của đất nước ta thế kỷ thứ XV. Khi ấy, Thành cổ Xương Giang được coi là trung tâm của trận đánh và liên tục là nhân chứng lịch sử cho nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của quê hương đất nước thời bấy giờ, nhất là cuộc khởi nghĩa nổi tiếng với sự lãnh đạo của vị tướng Nguyễn Hữu Cầu, hay còn được biết tới là Quận He xảy ra vào nửa sau thế kỷ 18. Là nhân chứng lịch sử của nhiều sự kiện lịch sử lẫy lừng, Thành cổ Xương Giang hàng năm vẫn được tỉnh Bắc Giang lựa chọn là địa điểm tổ chức lễ hội, thường là vào ngày 6-7 tháng Giêng. Trong lễ hội có nhiều nghi lễ và trò vui đặc sắc để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại Thành cổ Xương Giang năm nào. Trước ngày khai hội, thường sẽ vào tối mùng 5 tháng Giêng, thanh niên nơi đây lại tổ chức đốt lửa trại và tại các đình, chùa và nhà văn hoá sẽ tổ chức đốt đèn đuốc suốt đêm để đợi đến canh năm để sắp hàng ngũ, khua chiêng múa trống kéo về nơi quy tụ để khai hội. Vì thế, cứ tới sáng sớm ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, chúng ta sẽ được tận hưởng không khí lễ hội tuyệt vời với đoàn người từ các phường xã, giương cờ, đánh trống, với đủ loại xe kiệu, quần áo rực rỡ, lần lượt đổ từ các ngả đường tiến về trung tâm khai hội và bắt đầu lễ hội lớn nhất trong năm tại nơi đây. Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 22-01-2009, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng Thành cổ Xương Giang là di tích lịch sử cấp Quốc gia, với 14 điểm di tích là: Cửa đông bắc, cửa đông, cửa bắc, cửa tây nam, cửa nam, khu trung tâm, dấu vết thành, đoạn sông Xương Giang chảy qua thành; địa điểm khai quật khảo cổ học số 2, 3, giếng Phủ, đền Thành và 2 điểm ngoài khu bảo vệ là: cửa đông nam, cửa tây.

Từ tháng 1 đến tháng 12