Lễ hội Dinh Thầy Thím từ lâu được coi là lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương mà còn là di sản văn hóa chung của nhiều tỉnh, thành lân cận ở khu vực phía Nam.
Tọa lạc tại xã Tân Tiến (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), Dinh Thầy Thím tôn nghiêm giữa khung cảnh thiên nhiên huyền ảo. Kiểu dáng kiến trúc và những họa tiết trang trí nghệ thuật ở ngoại thất cũng như cách bài trí, thờ phụng ở nội thất thể hiện rõ nét tính tôn giáo.
Đặc biệt là nội dung của sự tích Thầy Thím, tôn thờ và các hình thức sinh hoạt, lễ hội dân gian hàng năm tại Dinh gắn liền với tập quán, tín ngưỡng và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.
Theo đó, ngày xưa ở Làng La qua, phủ Điện bàn, tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, phép thuật cao siêu được mọi người ngưỡng mộ bởi những nghĩa cử hết sức phi thường. Do bị triều đình xử tội oan nên đạo sĩ cùng vợ hóa phép đào tẩu rất ly kỳ.
Vùng đất Tam Tân (hiện này là xã Tân Tiến, thị xã La Gi) trở thành nơi tập họp biết bao câu chuyện linh hiển được truyền tụng liên quan đến vợ chồng đạo sĩ vô danh đó, nhưng bằng tấm lòng tôn kính nhân dân địa phương gọi thầy là Thầy Thím.
Thuở niên thiếu thầy cũng theo đuổi con đường học hành để có công danh, nhưng mấy lần thi cử không thành nên phải tìm thầy học đạo, nuôi chí giúp đời. Sau khi đắc đạo, thầy gặp đại tang, cha mẹ ruột đột ngột qua đời. Thầy ẩn nhẫn sống đời kham khổ, biết trọng nghĩa, thương người nên được bà con xóm làng quý mến.
Làng quê của Thầy Thím quanh năm hạn hán, mất mùa. Đời sống của người dân cơ cực, cơm không đủ no, khi ốm đau kể như tuyệt vọng. Có lần trước cơn nắng hạn, đồng lúa có nguy cơ bị cháy nắng thì thầy đứng ra khẩn nguyện, lập tức trời chuyển mây đen và mưa tầm tã. Ruộng lúa hồi sinh như một phép lạ. Lòng nhân ái của thầy trước những cảnh huống tai ương đã làm cho mọi người thán phục và danh tiếng thầy lan rộng khắp nơi.
Nơi đây có 2 lễ hội chính trong năm: Lễ hội thứ nhất được tổ chức vào ngày 5 tháng Giêng Âm lịch. Đây là ngày tảo mộ Thầy Thím mà theo truyền thuyết dân gian là ngày Thầy Thím mất. Để thực hiện lễ hội này, từ những ngày trước, trong Dinh đã có sự chuẩn bị chu tất, dân làng ra mộ từ sáng sớm, mộ cách Dinh chừng 3km và rước bài vị về Dinh.
Lễ hội thứ hai được bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 Âm lịch được tổ chức hàng năm. Đây là lễ hội chính của Dinh. Trước lễ hội, dân làng đã tổ chức lễ giỗ Tiền hiền, Hậu hiền để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền bối có công khai phá xây dựng làng mạc quê hương hàng trăm năm trước và đó cũng là việc thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân.
Thực ra không phải chỉ đến những ngày này du khách các nơi mới đến, mà trước đó nửa tháng khách thập phương đã đến rất đông và sau đó nửa tháng không khí lễ hội vẫn sôi động. Đúng ra, suốt cả tháng 9 âm lịch hàng năm ở khu vực này luôn có không khí lễ hội. Tập trung nhất vẫn là vào 3 ngày 14, 15, 16 tháng 9 Âm lịch, khách thập phương đến thưởng ngoạn và viếng thăm Dinh Thầy Thím mỗi ngày. Trong những năm gần đây, lượng du khách đến Dinh Thầy Thím ngày càng tăng lên, ước đón khoảng 600.000 lượt khách mỗi năm.
Từ 16/10/2024 - 18/10/2024